Đức Phanxicô phát động cuộc cải tổ lớn cho Giáo hội của ngài

1061 lượt xem

Qua “Thượng hội đồng về tính đồng nghị”, ngài mở đầu dự án nhằm đổi mới các phương thức quyền lực và quyền ra quyết định trong Giáo hội công giáo, dọn đường cho các giáo hoàng kế vị ngài trong tương lai.

lefigaro.fr, Jean-Marie Guénois, 2021-10-10

Cuối tuần qua Đức Phanxicô đã khánh thành dự án đầy tham vọng nhất triều giáo hoàng của ngài: đổi mới các phương thức quyền lực và quyền ra quyết định trong Giáo hội công giáo. Ngài mở đầu “Thượng hội đồng về tính đồng nghị” sẽ kéo dài hai năm. Một giai đoạn dài tham vấn toàn cầu sẽ diễn ra trong Giáo hội vào năm 2022 và sẽ kết thúc vào tháng 10 năm 2023 tại Rôma. Thuật ngữ Thượng hội đồng chỉ định nhóm các giám mục chịu trách nhiệm quyết định chung. Thuật ngữ này vẫn còn được dùng trong các Giáo hội chính thống, những người thực hành quyền lực này từ những ngày đầu của kitô giáo. Giáo hội công giáo muốn được truyền cảm hứng từ đó. Quyết định này thậm chí đã được Công đồng Vatican II (1962-1965) đưa ra nhưng chưa bao giờ thực sự được áp dụng vì chế độ tập trung của Rôma đã trở thành quy tắc trong nhiều thế kỷ.

Vì thế, Đức Phanxicô đã phát động cuộc cách mạng nền tảng, văn hóa và chính trị về thẩm quyền trong Giáo hội công giáo. Ngày thứ bảy 9 tháng 10 là ngày khai trương và giới thiệu, ngày chúa nhật là thánh lễ trọng thể ở Đền thờ thánh Phêrô. Đây là điều thiết thân của ngài, nhưng ngài lại bị những người cộng tác sợ một cách nghịch lý vì “chủ nghĩa độc đoán” của ngài. Nhưng Đức Phanxicô mơ một Giáo hội có sự tham gia ở tất cả các cấp, các giáo dân mà đặc biệt là phụ nữ có thể tham gia vào việc ra quyết định. Tuy nhiên, các giám mục và giáo hoàng vẫn là những người có quyết định cuối cùng.

Các đại biểu từ khắp nơi trên thế giới về họp

Vì không có chuyện việc thiết lập một… “nền dân chủ”. Ngày thứ bảy 9 tháng 10, trong một phiên họp giới thiệu trước các đại biểu từ khắp nơi trên thế giới về Rôma để dự lễ khai mạc Thượng Hội đồng này, và giáo hoàng đã để bài diễn văn soạn sẵn của ngài qua một bên để cảnh báo: “Thượng hội đồng không phải là Nghị viện cũng không phải là cuộc thăm dò ý kiến”. Đức Phanxicô nhấn mạnh khi nhắc lại Thượng hội đồng là “thời điểm giáo hội” khi Giáo hội đặt mình dưới “sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần” để “phân định” mình phải làm gì và phải hành động như thế nào. Ngài nhấn mạnh: “Nếu không có Chúa Thánh Thần thì sẽ không có Thượng Hội đồng.”

Cùng ngày, hồng y Mario Grech, tổng thư ký Thượng Hội đồng Giám mục, cơ quan phụ trách việc tổ chức các thượng hội đồng ở Rôma còn đi xa hơn nữa. Hồng y cảnh báo chống lại các “động lực dân chủ”. Theo ngài, các động lực dân chủ này “có nguy cơ biến cuộc Họp Thượng Hội đồng thành Nghị viện” tuân theo “logic của đa số và thiểu số” thông qua các cuộc bỏ phiếu. Vì thế đề nghị của ngài là suy nghĩ về “những giải pháp khác để xác minh sự đồng thuận”. Và chỉ duy nhất nhờ đến lá phiếu nếu sự đồng thuận là không chắc chắn”, vì thế đây chỉ là “phương sách cuối cùng”, một công cụ “không mong muốn”.

Ngày chúa nhật 10 tháng 10, trong thánh lễ khai mạc Thượng Hội đồng tại Đền thờ thánh Phêrô, Đức Phanxicô nhắc lại chủ đề này trong bài giảng của ngài: “Thượng hội đồng không phải là một đại hội của giáo hội, một cuộc nghiên cứu thông thường hay một đại hội chính trị.” Thêm một lần nữa, ngài bỏ bài giảng soạn sẵn qua một bên, ngài nêu rõ Thượng Hội đồng không nên trở thành một “Nghị viện” trong Giáo hội mà là “một sự kiện của ân sủng, một tiến trình chữa lành do Chúa Thánh Thần dẫn dắt”. Mục đích là để “làm trống chúng ta, giải thoát chúng ta khỏi thế giới thời thượng, khỏi sự khép kín của mình và các mô hình mục vụ lặp đi lặp lại”, với cám dỗ “áp dụng các giải pháp cũ cho các vấn đề mới”, duy trì một chủ nghĩa bất động. Ngược lại, Thượng Hội đồng phải “biến đổi một số tầm nhìn dọc, biến dạng và phiến diện của Giáo hội, của thừa tác vụ linh mục, của vai trò của giáo dân, trách nhiệm của giáo hội, và của vai trò quản trị” để Giáo hội công giáo là “một nơi rộng mở, nơi mọi người đều cảm thấy như ở nhà mình và có thể tham gia vào.”

Cuối cùng, ngài khuyến khích tất cả người công giáo, những người sẽ được mời để nói lên ý kiến của mình trong các cuộc họp thảo luận ở địa phương, trở thành “chuyên gia trong nghệ thuật gặp gỡ” nhưng cũng “lắng nghe” để không “ngăn cản, bác bỏ hoặc phán xét” những người có một “quá trình khó khăn trong cuộc sống”. Việc thực hiện sẽ chậm chạp và cũng rất tốn công sức. Trước Thượng Hội đồng này, ngài xin người công giáo: “Chúng ta đừng cách âm trái tim mình, đừng giam mình trong những xác quyết của mình. Chúng ta hãy lắng nghe lẫn nhau”.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

NGUỒN: Phanxico.vn  

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận