Đức Giêsu, người đẹp tuyệt trần?

963 lượt xem

Mỗi năm, trong Phụng vụ Giờ Kinh mùa Chay, tôi gặp thấy một nghịch lý vào giờ Kinh Chiều của ngày thứ hai của tuần II. Hai điệp ca đặt kề bên nhau, một cho Mùa Chay, một cho Tuần Thánh. Cả hai đều dẫn vào thánh vịnh 44, nhưng với hai lối giải thích trái ngược. Thánh vịnh 44 mô tả hôn lễ của Quân Vương, với vẻ đẹp, các đức tính, sứ mạng của ông, rồi chuyển sang phần ca ngợi Tân Nương. Trong Mùa Chay, điệp ca được dùng chung cho cả năm, lấy lại từ câu 3 của thánh vịnh: “Giữa thế nhân, Ngài vô song tuyệt mỹ, nét duyên tươi thắm nở môi Ngài”. Hẳn nhiên, Giáo hội đọc thánh vịnh này như là tượng trưng cho mối tương quan phu thê giữa Đức Kitô với Hội thánh. Phụng vụ nhìn nhận Người như là một “con người đẹp nhất trên thế giới”; “duyên dáng nở trên môi” ám chỉ nét đẹp nằm trong lời nói của Người, vinh quang mà cuộc loan báo của Người mang đến. Như thế, phụng vụ không chỉ chúc tụng vẻ đẹp của hình dáng bên ngoài của Người, cho bằng vẻ đẹp của Chân Lý, vẻ đẹp của chính Thiên Chúa, có mãnh lực thu hút và đồng thời gây ra vết thương của tình yêu, mối tình say đắm đến gặp gỡ Tình Yêu đang hối thúc giục giã.

Thế nhưng, chiều thứ hai Tuần thánh, phụng vụ thay đổi điệp ca và mời gọi chúng ta đọc thánh vịnh 44 dưới ánh sáng của Isaia 53,2: “Người chẳng còn hình dáng, chẳng còn chi oai vệ; nhìn mặt Người, mà chúng tôi cũng chẳng nhận ra”. Làm thế nào dung hòa với điều vừa nói trên đây? “Kẻ vô song tuyệt mỹ” mà lại chẳng còn hình dáng, không ai muốn nhìn. Quan Philatô đã trình diện Người cho nhân dân trông thấy “Ecce homo” (Đây là người!) để cho họ thương hại Con người đã bị đánh đập đến nỗi chẳng còn dáng vẻ gì nữa.

Thánh Augustinô khi còn thanh xuân đã viết một cuốn sách (nay đã thất lạc) về cái đẹp và cái hữu dụng; người vốn quý trọng cái đẹp trong ngôn từ, âm nhạc, nghệ thuật tạo hình. Người đã nhận ra sự nghịch lý vừa kể, và đã khám phá rằng trong đoạn văn này, triết lý Hy-lạp về cái đẹp không bị tẩy chay, nhưng đúng ra đã được xét lại: Đẹp là gì? Cái đẹp có ý nghĩa gì? Đề cập đến sự nghịch lý này, thánh Augustinô nói đến hai cái “loa kèn” thổi trái ngược nhau, tuy cả hai đều nhận được tiếng do cùng một hơi thổi, bởi cùng một Thần khí. Augustinô biết rằng nghịch lý là một sự trái ngược chứ không phải là mâu thuẫn. Cả hai lời trưng dẫn đều bắt nguồn từ một Thần khí, Đấng linh hứng cho toàn bộ Kinh thánh, nhưng thổi vào đó những cung giọng khác nhau, và chính nhờ vậy mà Ngài đặt chúng ta phải nhìn lại toàn bộ vấn đề: đâu là cái đẹp chân thật? Đâu là chân lý?

Từ đoạn văn của Isaia, nảy ra một vấn nạn mà các giáo phụ đã nêu: Đức Giêsu có đẹp không? Đằng sau vấn nạn còn ẩn tàng một câu hỏi sâu sắc hơn nữa: cái đẹp có thật không? Hay là cái xấu xí mới đưa ta tới chân lý sâu xa của thực tại? Phàm ai tin vào Thiên Chúa, Đấng đã tự biểu lộ qua những hình dáng méo mó của Đức Kitô chịu đóng đinh trên thập giá như là “tình yêu cho đến tận cùng” (Ga 13,1), thì biết rằng cái đẹp là chân lý và chân lý là cái đẹp, nhưng nơi Đức Kitô đau khổ, họ cũng học được rằng vẻ đẹp của chân lý bao hàm sự sỉ nhục, đau khổ, và kể cả mầu nhiệm tối tăm của sự chết. Vẻ đẹp và chân lý chỉ có thể gặp nhau khi chấp nhận đau khổ, chứ không phải khi khước từ đau khổ.

Trong thế giới Hy-lạp, phần nào người ta cũng đã ý thức rằng cái đẹp có liên hệ với đau khổ. Chúng ta hãy nghĩ đến tác phẩm Phêdros của triết gia Platon. Platon quan niệm rằng sự gặp gỡ cái đẹp như là một cú “va chạm” tình cảm đem con người ra khỏi chính mình, thu hút nó hướng về cái gì khác với bản thân. Theo Platon, con người đã đánh mất sự hoàn thiện nguyên thủy. Vì thế con người liên lỉ tìm kiếm cái hình thái nguyên thủy để được chữa lành. Ký ức và nhớ nhung thúc giục con người đi tìm kiếm, và vẻ đẹp đưa con người ra khỏi cảnh tẻ lạnh thường nhật. Chúng ta có thể bình giải thế này: ngọn giáo của sự nhớ nhung đâm vào con người, làm nó bị chấn thương, và nhờ vậy gắn đôi cánh để có thể bay lên cao. Trong tập Symposio (đối thoại), ông Platon đặt trên miệng của Aristofane câu nói: “những tình nhân không biết được thực sự họ muốn cho nhau điều gì”. Họ khao khát một cái gì khác với các khoái cảm. Linh hồn không thể diễn tả được cái “khác” ấy, mà chỉ có một nhận thức mơ hồ về cái mà mình thực sự mong muốn, điều thực sự là bí ẩn.

Vào thế kỷ XIV, trong cuốn sách về cuộc đời Chúa Kitô của nhà thần học Nicolas Kabasilas (k.1391-1391), ta gặp lại cảm nghiệm của ông Platon, trong đó đối tượng tối hậu của sự nhớ nhung vẫn không có danh tính, tuy đã được biến đổi trong cảm nghiệm Kitô giáo. Kabasilas viết: “Những con người nuôi dưỡng trong mình một lòng ước ao chiếm đoạt vượt quá bản tính của mình, những con người khao khát và ham muốn một điều vượt quá khả năng của mình, những con người ấy đang bị chấn thương bởi chính Hôn phu. Hôn phu đã gây ra vết thương nơi mắt họ bằng một tia sáng của vẻ đẹp của mình. Vết thương sâu đậm cho thấy ngọn giáo ấy như thế nào, và lòng ước ao mãnh liệt khiến cho ta đoán được Kẻ đã đâm phải là người như thế nào”.

Vẻ đẹp gây ra thương tích, nhưng chính nhờ vậy mà vẻ đẹp nhắc nhở con người về Vận mạng tối hậu của mình. Điều quả quyết của ông Platon, và sau đó hơn 1500 năm, của ông Kabasilas chẳng liên quan tới thuyết duy thẩm mỹ (estetismo) hời hợt và thuyết bài lý trí (irrazionalismo), muốn gạt bỏ sự trong sáng và lý trí. Đẹp thuộc về tri thức: một hình thức cao cấp của tri thức bởi vì đụng chạm đến con người với tất cả chân lý cao cả của nó. Về phương diện này, Kabasilas vẫn nằm trong truyền thống Hy lạp, xét theo nghĩa là ông đặt sự hiểu biết lên hàng đầu. Ông nói: “Nguồn gốc của tình yêu là hiểu biết: hiểu biết sinh ra tình yêu. Đôi khi hiểu biết có thể mãnh liệt đến nỗi đồng thời phát sinh ra hiệu quả của tình yêu”. Tác giả không chỉ khẳng định cách khái quát nhưng còn đi sâu vào vấn đề. Ông phân biệt hai loại hiểu biết: một hiểu biết được thủ đắc cho việc thụ giáo, và chỉ dừng lại ở mức độ “bản sao”, chứ không tiếp xúc trực tiếp với chính thực tại. Ngược lại, loại thứ hai là thứ hiểu biết qua cảm nghiệm riêng tư, qua mối tương quan với đối vật. “Do đó, bao lâu chúng ta chưa có cảm nghiệm với một hữu thể cụ thể, thì chúng ta không yêu mến đối thể như nó đáng được yêu mến”. Hiểu biết đích thực là được đâm thủng bởi lưỡi giáo của vẻ đẹp, được đụng chạm bởi thực tại, “bởi sự hiện diện của bản thân Chúa Kitô”. Dĩ nhiên, chúng ta không thể nào khinh thường ý nghĩa của việc suy tư thần học, của tư tưởng chính xác và nghiêm túc. Thế nhưng, nếu vì thế mà chúng ta coi nhẹ hoặc tẩy chay việc tiếp xúc giữa trái tim với vẻ đẹp như là một hình thái của hiểu biết chân thật, thì chúng ta sẽ trở nên nghèo nàn, đức tin cũng như thần học sẽ trở nên khô héo. Chúng ta cần phải tìm lại hình thái hiểu biết như thế; đây là một yêu sách khẩn thiết của thời đại hôm nay.

Khởi đi từ quan niệm ấy, linh mục Hans Urs von Balthasar đã xây dựng bộ kiệt tác “Thẩm Mỹ thần học”: nhiều chi tiết trong tác phẩm này đã được các nhà thần học tiếp nhận vào công cuộc nghiên cứu của mình; tuy nhiên định hướng sâu xa nhất của cha, tạo nên yếu tố cốt yếu của toàn bộ công trình, thì lại không được đón nhận. Đây không chỉ là một vấn đề của thần học mà kể cả của mục vụ nữa: làm thế nào giúp cho con người tiếp xúc được với vẻ đẹp của đức tin. Các lý luận thường để lại một sự trống rỗng, bởi vì trong thế giới hiện nay có quá nhiều lập luận tương phản lẫn nhau, khiến cho con người tự nhiên nghĩ đến một hình ảnh mà các nhà thần học Trung cổ đã nhắc đến: lý trí “có một cái mũi bằng sáp”, nghĩa là với một chút khéo léo, nó có thể uốn nắn đủ mọi hình thù. Tất cả mọi học thuyết xem ra đều có lý; biết tin theo ai đây?

Cuộc gặp gỡ vẻ đẹp có thể trở thành ngọn giáo đâm vào tâm hồn, và nhờ vậy nó mới mở mắt ra: nhờ nhận được cảm nghiệm, linh hồn có những tiêu chuẩn phê phán cũng như có khả năng đánh giá các luận cứ cách đúng đắn.

Tôi còn giữ lại một cảm nghiệm không tài nào quên được, khi đi dự một buổi hòa nhạc của Bach ở Munich, do nhạc trưởng Leonard Bernstein điều khiển. Tôi ngồi bên cạnh giám mục Tin lành Hanselmann. Khi nốt nhạc cuối cùng vừa kết thúc, chúng tôi đã quay sang nhìn nhau, và bộc phát cách tự nhiên: “Ai đã nghe bài này, thì biết rằng đức tin là chân thật”. Trong bản nhạc này, người ta nắm bắt được sự hiện diện của một quyền năng, và tự nhiên nghĩ rằng – không phải bằng lý luận nhưng qua xúc động của con tim – rằng quyền năng không phải là cái gì vu vơ, mà chỉ có thể phát sinh do sức mạnh của chân lý mà soạn giả đã cảm hứng. Phải chăng điều ấy cũng đã chẳng xảy ra khi chiêm ngắm bức icôn Chúa Ba Ngôi của Rublev đấy ư? Trong nghệ thuật của các icôn, cũng như của các bức họa danh tiếng bên Tây phương, cảm nghiệm mà Kabasilas mô tả, đã trở nên hữu hình mà ta có thể thông dự được. Pavel Evdokimov (1927-1999) đã vạch ra lộ trình cần phải tuân theo để có thể hiểu được cái hồn của icôn. Icôn không duy chỉ là sự họa lại cái mà giác quan có thể nắm được; icôn giả thiết một thứ “chay tịnh của con mắt”, theo như lời của ông nói. Tri giác nội quan cần được giải thoát khỏi ấn tượng của giác quan; và nhờ cầu nguyện và khổ chế, nó cần thủ đắc một khả năng mới để trông nhìn. Nói cách khác, nó cần phải thực hiện một sự vượt qua, từ cái hời hợt bên ngoài đến chiều sâu của thực tại; nhờ thế, nghệ sĩ nhìn thấy điều mà các giác quan không thấy, mặc dầu nó đã xuất hiện trong thế giới khả giác, đó là “vinh quang của Thiên Chúa tỏ lộ nơi Đức Kitô” (2Cr 4,6). Chiêm ngắm các bức icôn, và nói chung các họa phẩm kiệt tác của Kitô giáo, dẫn chúng ta đến một cuộc sống nội tâm, một cuộc sống vượt lên trên chính mình, và trong khi thanh luyện cái nhìn (đồng thời cũng là thanh luyện con tim), nó biểu lộ cái đẹp hay ít là một tia sáng của cái đẹp. Chính nhờ vậy mà nó đưa chúng ta đến tiếp xúc với chân lý. Tôi đã nhiều lần phát biểu niềm thâm tín của tôi, đó là: sự bảo vệ đức tin Kitô giáo, sự minh chứng thuyết phục nhất cho chân lý Kitô giáo một đàng là các vị Thánh, và đàng khác là vẻ đẹp mà đức tin đã làm nảy sinh. Ngày nay, để cho đức tin triển nở, chúng ta cần phải dẫn đưa chính chúng ta và những người quanh chúng ta đến gặp gỡ các thánh, đến tiếp xúc với vẻ đẹp.

Giờ đây chúng ta còn phải trả lời một vấn nạn. Cho đến nay chúng ta đã bác bỏ lập luận của những ai nghĩ rằng đi theo cái đẹp là khước từ lý trí, rơi vào chủ nghĩa duy thẩm mỹ. Chúng ta thấy rằng không phải như thế: nhờ cái đẹp mà lý trí được đưa khỏi cơn mê hoặc và có khả năng hành động. Nhưng còn một vấn nạn nữa nghiêm khắc hơn, đó là: sứ điệp của cái đẹp thường bị chất vấn trước sức mạnh của gian dối, quyến rũ, bạo lực, sự dữ. Có vẻ đẹp chân chính không, hay rút cục chỉ là ảo tưởng? Thực tế phũ phàng chẳng cho thấy toàn là gian ác đó sao? Phải chăng có lý do để sợ rằng không phải là ngọn giáo của vẻ đẹp sẽ dẫn ta đến chân lý, nhưng là sự dối trá, xấu xí, tồi tệ mới là “sự thật trắng trợn” xưa nay vốn làm cho con người ưu tư lo lắng?

Mới đây dư luận cho rằng sau Auschwitz, không thể nào làm thơ được nữa, sau Auschwitz không còn có thể nói đến một Thiên Chúa tốt lành được nữa. Người ta tự hỏi: Thiên Chúa ở đâu khi các lò thiêu đang chạy? Vấn nạn này, bộc phát từ những tội ác mà lịch sử đã từng chứng kiến ngay cả trước khi có Auschwitz, cho thấy rằng một quan niệm về vẻ đẹp hài hòa không đủ sức để đương đầu với những cuộc tranh luận về Thiên Chúa, về chân lý, về vẻ đẹp. Thần Apollo, mà theo Platon, là Thượng đế bảo đảm cho vẻ đẹp thiên cung được trưởng tồn, không còn phù hợp nữa.

Như thế, chúng ta lại trở về với hình ảnh “hai cái loa kèn” được nói ở đầu, trở về với nghịch lý, một bên nói rằng Đức Kitô “vô song tuyệt mỹ”, bên kia lại khẳng định “Người không còn hình thù của con người nữa”. Trong cuộc khổ nạn của Đức Kitô, mỹ học của Hy lạp, rất đáng khâm phục vì mở đường cho đến cõi thần linh, không bị gạt bỏ nhưng được nâng cao. Cảm nghiệm về cái đẹp đã thu nhận được một chiều kích sâu thẳm hơn, thực tế hơn. Đấng chính là Vẻ Đẹp lại để cho mình bị vả vào mặt, khạc nhổ, đeo vòng gai. Tấm khăn liệm được lưu giữ ở Torino cho phép chúng ta hình dung phần nào cảnh tượng ấy. Nhưng chính trên Khuôn Mặt méo mó như vậy mà vẻ đẹp chân chính xuất hiện: vẻ đẹp của tình yêu đi đến “tận cùng”, và nhờ thế, tỏ ra mạnh mẽ hơn sự gian dối và bạo lực. Phàm ai nhận ra vẻ đẹp ấy sẽ biết rằng chân lý, chứ không phải là sự gian dối, sẽ có tiếng nói cuối cùng. Không phải sự gian dối là “thật”, nhưng chân lý mới là “thật”. Thủ đoạn của sự gian dối là tự giới thiệu như là “chân lý” và nói với chúng ta rằng: ngoài tôi ra chẳng còn gì nữa đâu; các người đừng đi tìm chân lý nữa cũng đừng yêu mến chân lý nữa, bởi vì làm như thế là lạc đường đấy.

Icôn Thập giá, Đức Kitô chịu chết trên thập giá giải cứu chúng ta ra khỏi sự lừa đảo ngày nay đang tràn lan. Tuy nhiên, Thập giá đặt điều kiện là chúng ta cần để cho mình cũng bị thương tích như Người, và tin tưởng vào Tình Yêu, đến độ dám từ bỏ vẻ đẹp bên ngoài, để bằng cách ấy, loan báo sự thật về cái đẹp.

Dù sao, sự lừa dối còn sử dụng một thứ chiến thuật khác nữa: vẻ đẹp gian dối, sai lầm, một vẻ đẹp lóa mắt, không làm cho con người đi ra khỏi chính mình để biết ngây ngất trước cõi cao sang, nhưng hoàn toàn nhốt chặt con người trong chính mình. Một thứ vẻ đẹp không đánh thức nỗi lưu luyến điều khôn tả, sẵn sàng hiến dâng từ bỏ mình, mà chỉ gợi lên lòng tham, ý muốn thống trị, chiếm đoạt, hưởng lạc. Đó chính là cảm nghiệm cái đẹp mà Sách Sáng thế thuật lại khi nói đến tội nguyên tổ: bà Eva thấy rằng trái cây “đẹp mắt và ngon miệng”. Cái cảm nghiệm về cái đẹp của bà đã gợi lên lòng ham muốn chiếm đoạt, ra như đóng khung lại trong chính mình. Ai lại chẳng nhận ra được, chẳng hạn như qua các quảng cáo, những hình ảnh hết sức khéo léo để cám dỗ con người ước muốn chiếm đoạt mọi vật, muốn tìm sự thỏa mãn ngay tức thời thay vì mở rộng đến một người khác? Và như thế, nghệ thuật Kitô giáo ngày hôm nay (và có lẽ xưa nay vẫn thế) phải hứng làn đạn từ hai phía: cần phải chống lại việc tôn sùng cái xấu xí, hắn nói rằng tất cả những gì khác, mọi cái đẹp đều là lừa dối, và chỉ có cái hung ác, hèn hạ, thô bỉ mới thực sự là chân lý và soi sáng cho kiến thức. Mặt khác, cần phải chống lại vẻ đẹp gian dối, khiến cho con người trở thành bé nhỏ thay vì làm cho nó lớn lên, và chính vì thế mà nó là gian dối.

Ai mà lại không biết câu nói thường được trưng dẫn của Dostoevskij: “Cái đẹp sẽ cứu chúng ta?” Tuy nhiên, người ta thường quên rằng ở đây Dostoevskij hiểu về cái đẹp cứu chuộc của Đức Kitô. Chúng ta hãy học biết cách để trông thấy Người. Nếu chúng ta hiểu biết Người không chỉ qua lời nói nhưng còn bị đâm bởi ngọn giáo của vẻ đẹp nghịch lý của Người, thì quả là chúng ta biết Người thực sự, chứ không chỉ biết vì đã nghe người khác nói về Người. Lúc ấy chúng ta đã gặp vẻ đẹp của chân lý, của chân lý cứu độ. Không gì đưa chúng ta đến tiếp xúc với vẻ đẹp của chính Đức Kitô cho bằng thế giới của cái đẹp do đức tin tạo ra và ánh sáng phản chiếu trên khuôn mặt các Thánh, qua đó Ánh Sáng của Người trở nên hữu hình.

Joseph Ratzinger
Bình Hoà, OP chuyển dịch
Nguồn: Thời sự Thần học, số 73, thánh 8 năm 2016

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận