ĐỨC GIÊ-SU KI-TÔ – ĐƯỜNG LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT
Gm. Phê-rô Nguyễn Văn Viên
Lòng thương xót của Thiên Chúa đối với con người và vạn vật được trình bày trong Kinh Thánh với nhiều hình ảnh và từ ngữ khác nhau. Trong Cựu Ước, có hai từ diễn tả ‘lòng thương xót’ đáng được chúng ta quan tâm nhất là ‘חֶסֶד/ hesed’ (St 24,12.14.49; 39,21; Xh 20,6; 34,6) và ‘רַחֲמִים/ rachamim’ (St 43,14; Đnl 13,18; Is 47,6; Gr 42,12). Từ ‘חֶסֶד/ hesed’ được sử dụng khá rộng rãi nhằm diễn tả tương quan giữa con người với Thiên Chúa cũng như giữa con người với nhau. Trong tương quan giữa con người với Thiên Chúa, ‘חֶסֶד/ hesed’ có nghĩa là tình yêu bền vững, tình yêu giao ước, ân sủng, sự trung thành, tốt lành, nhân hậu, từ bi mà Thiên Chúa là Cha dành cho con người. Trong tương quan giữa người với người, ‘חֶסֶד/ hesed’ có nghĩa là lòng trung thành hay lòng trung tín giữa bà con, bạn bè, chủ tớ với nhau. Trong Bản Bảy Mươi, các học giả Kinh Thánh người Do-thái chuyển ngữ từ ‘חֶסֶד/ hesed’ (tiếng Do-thái) sang từ ‘ἔλεος/ eleos’ (tiếng Hy-lạp) với nghĩa là lòng nhân ái (loving kindness), lòng trắc ẩn dịu dàng (tender compassion) hay sự đồng cảm (sympathy) với nạn nhân. Đặc biệt, ‘ἔλεος/ eleos’ được hiểu như là tình yêu của Thiên Chúa tuôn trào trên con người và vạn vật do Người sáng tạo. Trong khi đó, từ ‘רַחֲמִים/ rachamim’ có gốc là ‘רַחַם/ racham’, nghĩa là lòng/ dạ (womb, maternal bosom/ dạ mẹ) hoặc trái tim (heart) mẹ. Từ này tương đương với từ Hy-lạp là σπλάγχνα/ splanchna. Như vậy, lòng thương xót của Thiên Chúa không chỉ được diễn tả qua hình ảnh tấm lòng của người cha (חֶסֶד/ hesed) mà còn qua hình ảnh dạ của người mẹ (רַחֲמִים/ rachamim) đối với con cái mình. Ngoài ra, trong tiếng Hy-lạp còn có từ ‘οἰκτιρμός/ oiktirmos’ (danh từ), với ‘οἰκτίρμων/ oiktirmon’ (tính từ) có nghĩa là nhân từ, xúc động, tương đương với từ ‘lòng thương xót’.
Trong tiếng La-tinh, từ misericordia (miserable heart) được dịch sang tiếng Việt là ‘lòng thương xót’. Theo thánh Tô-ma A-qui-nô (1225-1274), misericordia là từ ghép bởi hai từ ‘miserum’, nghĩa là đau thương, cực khổ và ‘cor’, nghĩa là trái tim, tấm lòng (Thomas Aquinas, Summa Theologiae II-II, q.30, a.1). Tùy theo hoàn cảnh, ‘חֶסֶד/ hesed’, ‘ἔλεος/ eleos’, ‘misericordia’ được dịch ra các ngôn ngữ hiện đại với nhiều nghĩa khác nhau, chẳng hạn như khi dịch sang tiếng Anh, những từ này được dịch là ‘love and mercy’ (tình yêu và lòng thương xót), tenderness (dịu dàng), compassion (thương cảm), goodness (tốt lành), ân sủng (grace), fidelity (trung tín), piety (lòng hiếu thảo). Khi dịch sang tiếng việt, ‘lòng thương xót’ còn được hiểu như là ‘từ bi’, ‘từ ái’, ‘lân tuất’, ‘êm ái’, ‘êm dịu’, ‘dịu hiền’, ‘trắc ẩn’, ‘nhân ái’, ‘nhân hậu’, ‘thủy chung’, ‘cảm thông’, ‘lân ái’, ‘thương hại’, chẳng hạn như: “Lượng từ bi Đức Chúa đâu đã cạn, lòng thương xót của Người mãi không vơi. Sáng nào Người cũng ban ân huệ mới. Lòng trung tín của Người cao cả biết bao!” (Ac 3,22-23) hay: “Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta, nên dầu chúng ta đã chết vì sa ngã, Người cũng đã cho chúng ta được cùng sống với Đức Ki-tô. Chính do ân sủng mà anh em được cứu độ! Người đã cho chúng ta được cùng sống lại và cùng ngự trị với Đức Ki-tô Giê-su trên cõi trời” (Ep 2,4-6).
Theo thánh Au-gút-ti-nô (354-430), ‘lòng thương xót’ được hiểu như là sự cảm thông phát xuất từ tâm hồn chúng ta trước sự đau khổ của người khác và điều đó thúc giục chúng ta giúp đỡ họ theo khả năng của mình (St. Augustine, City of God, 9.5). Thánh Tô-ma A-qui-nô nhắc lại tư tưởng này của thánh Au-gút-ti-nô khi trình bày chủ đề lòng thương xót (Thomas Aquinas, Summa Theologiae II-II, q.30, a.1). Đồng thời, theo thánh Tô-ma A-qui-nô, lòng thương xót (misericordia/ mercy) là thuộc tính cao cả nhất trong các thuộc tính của Thiên Chúa bởi vì Người là Đấng tự hữu, tối cao và quyền năng tuyệt đối, lòng thương xót của Người là vô biên vô lượng (Thomas Aquinas, Summa Theologiae II-II, q.30, a.4). Đức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II minh định: “Một số nhà thần học quả quyết rằng lòng thương xót là thuộc tính và sự hoàn hảo cao cả nhất của Thiên Chúa; Kinh Thánh, Truyền Thống và đời sống đức tin của Dân Chúa cung cấp nhiều bằng chứng cụ thể về điều này. Tuy nhiên, vấn đề ở đây không phải là sự hoàn hảo về yếu tính khôn dò trong mầu nhiệm Thiên Chúa nội tại mà là sự hoàn hảo và thuộc tính nhờ đó con người, trong sự thật sâu thẳm về sự hiện hữu của mình, gặp gỡ Thiên Chúa hằng sống cách gần gũi và thường xuyên nhất” (Dives in Misericordia 13). Chúng ta có thể nói về tình yêu của Thiên Chúa và chúng ta cũng nói về lòng thương xót của Người. Câu hỏi đặt ra: Bằng cách nào chúng ta có thể phân biệt được nội hàm của ‘tình yêu’ và nội hàm của ‘lòng Chúa thương xót’? Thưa, chúng ta có thể nói rằng Thiên Chúa giàu lòng thương xót bởi vì Người là tình yêu (1 Ga 4,8.16).
Trong đời sống nội tại của Ba Ngôi Thiên Chúa, chúng ta nói về ‘tình yêu’ của các Ngôi Vị đối với nhau chứ không nói về ‘lòng thương xót’. Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần ‘yêu thương nhau’ chứ không ‘thương xót nhau’ bởi vì các Ngôi Vị đều trọn hảo về mọi phương diện. Quả thực, ở đâu không có tình trạng thiếu thốn, khổ đau, cơ cực thì ở đó cũng không có nhu cầu ‘thương xót’. Nói cách khác, ở đâu chỉ có hoàn hảo, vẹn toàn, bình an thì chỉ có ‘thương’ mà không có ‘xót’. Theo Đức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II, ‘lòng thương xót’ là tên gọi khác của tình thương hay tình yêu: “Lòng thương xót là như tên gọi thứ hai của tình thương và đồng thời là cách độc đáo mà tình thương được mạc khải và thực hiện để chống lại sự dữ ở trong thế gian, chống lại cám dỗ vây hãm con người, luồn lách vào tận trong lòng dạ con người và có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hỏa ngục” (Dives in Misericordia 7). Lòng Chúa thương xót là cách thức tỏ bày hay diễn tả tình yêu của Thiên Chúa đối với con người và muôn vật muôn loài. Điều này có nghĩa rằng Thiên Chúa luôn tỏ bày lòng thương xót của Người cách vô điều kiện đối với những gì Người dựng nên. Ngoài lòng Chúa thương xót, không gì hiện hữu, không gì bền vững, không gì tốt lành, không gì thánh thiện.
Lòng Chúa thương xót được đề cập rất sớm, ngay những trang đầu của sách Sáng Thế. Chẳng hạn, trong câu chuyện Ca-in giết A-ben, theo lẽ công bình, Đức Chúa sửa phạt Ca-in tương xứng với tội đã phạm. Tuy nhiên, Người tỏ lòng thương xót Ca-in ngay cả khi Người sửa phạt theo đường lối của Người. Đức Chúa công bố án phạt: “Ngươi sẽ lang thang phiêu bạt trên mặt đất” (St 4,12). Ca-in thưa với Đức Chúa rằng hình phạt quá nặng. Hơn nữa, khi ông phiêu bạt như vậy thì ai cũng có thể giết ông. Bởi vậy, Đức Chúa ghi dấu trên Ca-in để người khác không giết ông (St 4,15). Đây là điều giúp chúng ta hiểu biết hơn về sự công bình và lòng Chúa thương xót. Thiên Chúa công bình khi sửa phạt Ca-in, đồng thời, Thiên Chúa thương xót Ca-in khi bảo vệ Ca-in khỏi phải chết dưới bàn tay của những kẻ thù nghịch. Sách Sáng Thế còn cho chúng ta biết rằng sau thời kỳ Ca-in và A-ben là thời kỳ của các tổ phụ trước hồng thủy, lúc đó: “Sự gian ác của con người quả là nhiều trên mặt đất, và lòng nó chỉ toan tính những ý định xấu suốt ngày” (St 6,5). Tuy nhiên, Nô-ê là người công chính đã được Thiên Chúa xót thương cứu giúp. Ông và những người thân cận trong gia đình cũng như một số súc vật được đưa lên tàu và được tồn tại sau lụt hồng thủy. Nhờ lòng Chúa thương xót, trật tự thế giới mới được hình thành. Đặc biệt, Thiên Chúa đã thiết lập giao ước với Nô-ê: “Đây Ta lập giao ước của Ta với các ngươi, với dòng dõi các ngươi sau này…. Mọi xác phàm sẽ không còn bị nước hồng thủy hủy diệt, và cũng sẽ không còn có hồng thủy để tàn phá mặt đất nữa” (St 9,9-11).
Với việc chọn gọi Áp-ra-ham, một chương mới trong tương quan giữa Thiên Chúa với ông cũng như miêu duệ ông được hình thành và muôn dân muôn nước nhờ ông mà được Thiên Chúa chúc phúc (St 12,1-3). Theo trình thuật trong sách Xuất Hành, khi dân Do-thái bị lưu đày bên Ai-cập, Đức Chúa là Thiên Chúa nói với Mô-sê: “Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân Ta bên Ai-cập, Ta đã nghe tiếng chúng kêu than vì bọn cai hành hạ. Phải, Ta biết các nỗi đau khổ của chúng. Ta xuống giải thoát chúng khỏi tay người Ai-cập, và đưa chúng từ đất ấy lên một miền đất tốt tươi” (Xh 3,7-8). Sách Xuất Hành cũng cho chúng ta biết Đức Chúa là Đấng Hiện Hữu: “Ta là Đấng Hiện Hữu… Ngươi nói với con cái Ít-ra-en thế này: Đấng Hiện Hữu sai tôi đến với anh em” (Xh 3,14). Đồng thời, Đức Chúa là Đấng giàu lòng thương xót. Người đi qua trước mặt Mô-sê và xướng: “Đức Chúa! Đức Chúa! Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín, giữ lòng nhân nghĩa với muôn ngàn thế hệ, chịu đựng lỗi lầm, tội ác và tội lỗi” (Xh 34,6-7). Như vậy, Thiên Chúa của Cựu Ước không phải là Thiên Chúa vô cảm trước nỗi đau khổ của con người cũng như những bất toàn trong thế giới thụ tạo. Người quan tâm chăm sóc muôn vật muôn loài, đồng thời, Người luôn tha thứ tội lỗi cho con người. Vua Đa-vít thưa lên cùng Chúa: “Như trời xanh trổi cao hơn mặt đất, tình Chúa thương kẻ thờ Người cũng trổi cao. Như đông đoài cách xa nhau ngàn dặm, tội ta đã phạm, Chúa cũng ném thật xa ta. Như người cha chạnh lòng thương con cái, Chúa cũng chạnh lòng thương kẻ kính tôn” (Tv 103,11-13).
Lịch sử dân Do-thái trong Cựu Ước cho chúng ta biết rằng, trong khi dân Do-thái phản loạn, chạy theo tà thần và bất tín với Đức Chúa thì Người lại rộng lòng tha thứ và ra tay cứu giúp họ. Dân Do-thái được ví như là người vợ bất tín và Đức Chúa như là người chồng trung tín. Chính Đức Chúa đã biến đổi dân Do-thái từ cảnh cô đơn, thất vọng, không hướng đi, tới cảnh hạnh phúc, hy vọng và được Đức Chúa đồng hành nâng đỡ: “Đức Chúa đã gọi ngươi về, như người đàn bà bị ruồng bỏ, tâm thần sầu muộn. Người vợ cưới lúc thanh xuân, ai mà rẫy cho đành? Trong một thời gian ngắn, Ta đã ruồng bỏ ngươi, nhưng vì lòng thương xót vô bờ, Ta sẽ đón ngươi về tái hợp” (Is 54,6-7). Trong mọi hoàn cảnh, dân Do-thái luôn nhận được lời hứa vinh phúc, sung mãn trong tương quan với Người: “Chính Ta biết các kế hoạch Ta định làm cho các ngươi – sấm ngôn của Đức Chúa -, kế hoạch thịnh vượng, chứ không phải tai ương, để các ngươi có một tương lai và một niềm hy vọng” (Gr 29,11) hay: “Đừng xé áo, nhưng hãy xé lòng. Hãy trở về cùng Đức Chúa là Thiên Chúa của anh em, bởi vì Người từ bi và nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương, Người hối tiếc vì đã giáng hoạ” (Ge 2,13). Lòng thương xót của Đức Chúa đối với dân Do-thái được thể hiện qua việc Người trung tín với giao ước đã thiết lập với dân này: “Núi có dời có đổi, đồi có chuyển có lay, tình nghĩa [hesed] của Ta đối với ngươi vẫn không thay đổi, giao ước hòa bình của Ta cũng chẳng chuyển lay, Đức Chúa là Đấng thương xót ngươi phán như vậy” (Is 54,10). Đặc biệt, theo tác giả Thánh Vịnh 25: “Tất cả đường lối Chúa đều là yêu thương và thành tín đối với những kẻ nào giữ giao ước và lề luật Chúa” (Tv 25,10). Các giao ước của Đức Chúa đối với dân Do-thái trong Cựu Ước là những biểu tượng giúp mọi người hướng về giao ước mới và vĩnh cửu mà Đức Giê-su thiết lập trong thời Tân Ước.
Trình thuật Tin Mừng theo thánh Lu-ca cho chúng ta biết, sau Biến Cố Truyền Tin, Đức Ma-ri-a đã trỗi dậy, vội vã lên đường tới thăm gia đình Da-ca-ri-a và Ê-li-sa-bét. Khi gặp gỡ họ và nghe những lời của Ê-li-sa-bét, Đức Ma-ri-a đã cất lên bài ca ‘Ngợi Khen’ (Magnificat) với âm điệu lòng Chúa thương xót: “Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người” (Lc 1,50) hay: “Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người, như đã hứa cùng cha ông chúng ta, vì Người nhớ lại lòng thương xót dành cho tổ phụ Áp-ra-ham và cho con cháu đến muôn đời” (Lc 1,54-55). Trước trình thuật này, thánh Lu-ca cũng cho chúng ta biết tư tế Da-ca-ri-a và vợ ông là Ê-li-sa-bét đã cao niên mà không có con. Khi Da-ca-ri-a lo việc tế tự trong Đền Thờ của Đức Chúa thì sứ thần hiện ra và báo tin vợ ông sẽ mang thai và ông phải đặt tên con trẻ là Gio-an, nghĩa là ‘Thiên Chúa thương xót’ hay ‘Thiên Chúa tỏ lòng thương xót’ (God is merciful/ gracious). Vì nghi ngờ lời sứ thần Gáp-ri-en truyền tin, ông đã bị câm (Lc 1,20). Khi con trẻ chịu phép cắt bì cũng là khi Da-ca-ri-a phá vỡ sự im lặng và nói cho mọi người thân thuộc biết tên con trẻ là Gio-an. Được đầy Thánh Thần, Da-ca-ri-a cất lên Bài Ca Chúc Tụng (Benedictus) với những lời cuối cùng là: “Thiên Chúa ta đầy lòng trắc ẩn [σπλάγχνα ἐλέους Θεοῦ ἡμῶν], cho Vầng Đông tự chốn cao vời viếng thăm ta, soi sáng những ai ngồi nơi tăm tối và trong bóng tử thần, dẫn ta bước vào đường nẻo bình an” (Lc 1,78-79).
Buổi đầu Đức Giê-su loan báo Tin Mừng, hai môn đệ được Gio-an Tẩy Giả sai đến hỏi Người: “Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?” (Lc 7,20). Đức Giê-su trả lời: “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gio-an những điều mắt thấy tai nghe: Người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết trỗi dậy, kẻ nghèo được nghe tin mừng, và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi” (Lc 7,22-23). Câu trả lời của Đức Giê-su cho Gio-an Tẩy Giả cũng như mọi người biết rằng sự hiện diện của Người là sự hiện diện của lòng Chúa thương xót đối với ‘những kẻ bé mọn‘ trong xã hội. Những điều Đức Giê-su nói và những việc Người làm ứng nghiệm về ‘lòng Chúa thương xót’ đã được báo trước trong Cựu Ước (Tv 102,14; Br 4,22; Dcr 10,6). Đức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II viết: “Đức Kitô trao ý nghĩa chung cuộc cho toàn thể truyền thống Cựu Ước về lòng thương xót của Thiên chúa” (Dives in Misericordia 2). Trình thuật Tin Mừng theo thánh Gio-an cho chúng ta biết rằng khi thấy Đức Giê-su, Gio-an Tẩy Giả nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian” (Ga 1,29). Như thế, sự hiện diện của Đức Giê-su chính là sự hiện diện của ‘lòng Chúa thương xót’. Bởi vì, từ đây, con người không cần phải giết súc vật để tế tự Thiên Chúa nữa. Đức Giê-su trở thành Chiên hiến tế cho gia đình nhân loại và với hiến tế này, con người được hòa giải với Thiên Chúa, với nhau và với muôn vật muôn loài.
Thiên Chúa hay Thượng Đế là Đấng thương xót chúng sinh đã được diễn tả nơi một số nền văn hóa, truyền thống, tôn giáo. Tuy nhiên, Thiên Chúa là ‘Cha giàu lòng thương xót’ lại được diễn tả trong các sách Cựu Ước của người Do-thái. Lòng Chúa thương xót vốn ‘vô hình’ trong Cựu Ước đã trở nên hữu hình trong Tân Ước. Với sự hiện diện và hoạt động của Đức Giê-su, lòng Chúa thương xót không còn trừu tượng nữa nhưng đã tỏ tường đến mức con người có thể nghe, thấy, chiêm ngưỡng, đụng chạm (1 Ga 1,1). Nhờ Đức Giê-su, lòng Chúa thương xót (חֶסֶד/ hesed) trong Cựu Ước được kiện toàn bởi lòng Chúa thương xót (ἔλεος/ eleos) nơi Ngôi Hai Thiên Chúa Nhập Thể. Những câu đầu tiên trong Tông Sắc ‘Dung Mạo Lòng Thương Xót’ (Misericordiae Vultus), Đức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II viết: “Đức Giê-su Ki-tô là Dung Mạo Lòng Thương Xót của Chúa Cha. Mầu nhiệm đức tin Ki-tô Giáo tóm lược nơi những từ này. Lòng thương xót trở nên sống động và hữu hình nơi Đức Giê-su Na-da-rét và đạt tột đỉnh nơi Người” (Misericordiae Vultus 1).
Chúng ta có thể nói rằng Biến Cố Nhập Thể của Đức Giê-su cũng là biến cố ‘nhập thể của lòng Chúa thương xót’. Với Đức Giê-su, lòng Chúa thương xót ‘có hình có dạng’, ‘có tên có tuổi’. Lòng Chúa thương xót hiện diện cách hữu hình giữa trần gian để giúp con người giữa trần gian gần gũi và gặp gỡ Thiên Chúa. Khi Đức Giê-su xuống thế làm người, khi Thiên Chúa trở thành ‘Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta’ cũng là khi Thiên Chúa mang lấy trái tim con người và làm cho trái tim con người được chung nhịp với ‘Trái Tim’ Thiên Chúa. Đây cũng là khi tình yêu của Thiên Chúa được diễn tả bởi Trái Tim Thương Xót (Miseriable Heart) của Người. Theo Đức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II: “Đức Giê-su chẳng những loan báo và giải thích lòng thương xót qua những hình thức so sánh cũng như các dụ ngôn, mà hơn hết, còn làm cho lòng thương xót nhập thế và nhân cách hóa nó. Chính Người, theo một nghĩa nào đó, là lòng thương xót. Ai thấy lòng thương xót nơi Người và tìm được lòng thương xót nơi Người thì Thiên Chúa trở nên ‘hữu hình’ theo một cách thức đặc biệt như là Chúa Cha giàu lòng thương xót” (Dives in Misericordia 2). Đức Giê-su đã tham dự muôn hình thức đau khổ của kiếp người, do đó, Người hiểu biết và cảm nhận được sự bấp bênh, mỏng giòn, yếu đuối của kiếp người dưới sức nặng của tội lỗi.
Trình thuật Tin Mừng theo thánh Lu-ca cho chúng ta biết rằng, sau khi chịu phép rửa bởi Gio-an Tẩy Giả và bị ma quỷ cám dỗ trong hoang địa, Người trở về Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Tại quê hương Na-da-rét, Người vào hội đường trong ngày sa-bát như Người thường vào trong quá khứ. Người ta trao cho Người sách ngôn sứ I-sai-a, khi mở sách, Người gặp đoạn: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc 4,18-19). Sau đó, Đức Giê-su cho mọi người biết rằng những lời mà họ vừa nghe đã trở nên hiện thực nơi bản thân Người: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe” (Lc 4,21). Nội dung những lời Đức Giê-su đọc trong dịp này đã được đề cập khoảng bảy trăm năm trước trong sách ngôn sứ I-sai-a (Is 61,1-2). Lòng Chúa thương xót đã được bày tỏ khi Đức Giê-su Na-da-rét, Đấng được xức dầu Thánh Thần (מָשִׁיחַ/ χριστός/ the Anointed One) để thực thi lòng Chúa thương xót giữa gia đình nhân loại (Cv 10,38; Dt 1,9).
Lòng Chúa thương xót được Đức Giê-su diễn tả cho mọi người, tuy nhiên, những bậc vị vọng trong xã hội Do-thái lại không nhận ra điều đó. Bởi vì, lòng Chúa thương xót hiện diện và hoạt động theo cách thức ‘không phù hợp’ với tâm tính và não trạng của họ. Trong khi đó, những người ý thức mình tội lỗi, bất xứng thì lại nhận ra. Chẳng hạn, thánh Lu-ca trình thuật rằng: “Các người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Đức Giê-su để nghe Người giảng. Những người Pha-ri-sêu và các kinh sư bèn xầm xì với nhau: Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng” (Lc 15,1-2). Đức Giê-su đến với những người đau khổ, yếu thế, tội lỗi để gặp gỡ, cứu giúp, biển đổi và làm cho họ trở thành những khí cụ loan báo Tin Mừng lòng Chúa thương xót. Người cho họ biết Thiên Chúa không loại trừ bất cứ ai trong gia đình nhân loại và Người được Thiên Chúa sai đến với mọi người (Lc 15,4-10).
Là Dung Mạo Lòng Chúa Thương Xót, Đức Giê-su tha thứ tội lỗi, giảng dạy về sự tha thứ và mời gọi mọi người hãy tha thứ cho nhau luôn mãi. Thánh Mát-thêu trình thuật rằng: “Bấy giờ, ông Phê-rô đến gần Đức Giê-su mà hỏi rằng: Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không? Đức Giê-su đáp: Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy” (Mt 18,21-22). Trong văn hóa Do-thái, số bảy tượng trưng cho sự trọn hảo, hoàn thành, tốt đẹp, chẳng hạn: Thiên Chúa sáng tạo muôn vật muôn loài trong sáu ngày và nghỉ ngơi vào ngày thứ bảy (St 1,1-2,1-2); giao ước của Thiên Chúa với Nô-ê có sự hiện diện của cầu vồng bảy màu (St 9,8-15); Thiên Chúa truyền cho dân Do-thái làm việc sáu ngày và nghỉ ngơi ngày thứ bảy, ngày sa-bát (Xh 20,8-11); trong ‘bảy lời’ của Đức Giê-su trên thập giá có lời tha thứ: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34); bảy thư của tác giả sách Khải Huyền cho bảy giáo đoàn (Kh 2-3). Qua việc trả lời cho câu hỏi của Phê-rô, Đức Giê-su mời gọi mọi người hãy luôn tha thứ cho nhau như Thiên Chúa không ngừng tha thứ cho họ. Đức Giê-su còn trình bày dụ ngôn rằng có một người đầy tớ mắc nợ vua mười ngàn yến vàng, khi anh ta không thể trả được thì vua đã tha cho anh. Tuy nhiên, khi gặp người bạn mắc nợ anh ta chỉ một trăm quan tiền thì anh ta giam người bạn trong ngục cho đến khi trả hết nợ. Nhà vua biết chuyện thì cho người gọi anh ta đến và nói: “Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta, thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao?” (Mt 18,32-33). Đức Giê-su còn dùng nhiều dụ ngôn và những câu chuyện khác nữa để giúp mọi người hiểu và thực thi lòng thương xót. Chúng ta hãy cùng điểm qua một số dụ ngôn và câu chuyện tiêu biểu trong số đó.
Dụ ngôn ‘người Sa-ma-ri tốt lành’ (Lc 10,29-37): Có người thông luật hỏi Đức Giê-su: “Ai là người thân cận của tôi?” (Lc 10,29). Thay vì trả lời câu hỏi, Đức Giê-su kể rằng có người đi từ Giê-ru-sa-lem tới Giê-ri-khô thì bị cướp đánh nhừ tử. Trước hoàn cảnh người bị nạn dở sống dở chết, thầy tư tế và thầy Lê-vi là những người hiểu biết truyền thống và giáo lý về lòng Chúa thương xót nhưng họ không thực hành. Họ xem việc bổn phận của họ quan trọng hơn là dừng lại để cứu người bị nạn. Họ sợ liên lụy, mất thời gian, đặc biệt, họ sợ đụng chạm người bị nạn thì ‘không còn thanh sạch’ để có thể thực thi sứ vụ. Tuy nhiên, khi người Sa-ma-ri (dân ngoại) nhìn thấy người bị nạn thì lại tận tình giúp đỡ. Qua dụ ngôn này, Đức Giê-su cho mọi người biết thế nào là lòng thương xót. Người Sa-ma-ri có thể không biết nhiều về lòng Chúa thương xót như những người Do-thái nhưng đã thực thi lòng Chúa thương xót. Trong khi đó, thầy tư tế và thầy Lê-vi hiểu biết nhưng lại ‘không có trái tim thương xót’ để ‘thực thi lòng Chúa thương xót’ đối với người anh em đồng loại. Người Sa-ma-ri không chỉ đụng chạm người bị nạn mà còn cho người bị nạn lên lừa của mình rồi đưa về nơi cứu chữa. Hơn nữa, người Sa-ma-ri tiếp tục quan tâm người bị nạn trong khi thi hành sứ vụ của mình. Trên đường trở về, ông còn viếng thăm và trả toàn bộ lệ phí chữa chạy cho người bị nạn. Sau khi kể xong dụ ngôn người Sa-ma-ri nhân hậu, Đức Giê-su hỏi người thông luật: “Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?” (Lc 10,36). Ông ta trả lời: “Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy. Đức Giê-su bảo ông ta: Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy” (Lc 10,37). Quả thực, người thông luật hiểu rõ về lòng thương xót, nhưng lại thiếu vắng kinh nghiệm thực thi lòng thương xót.
Dụ ngôn ‘người cha nhân hậu’ (Lc 15,11-32): Đức Giê-su kể rằng một người có hai con trai, người con thứ xin cha mình chia gia tài để tự do định đoạt tương lai. Người cha đã thực thi điều đó cho con mình. Tuy nhiên, khi người con ra đi phung phí hết tài sản và lâm cảnh cùng cực: “Bấy giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ: Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói! Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người: Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy. Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha” (Lc 15,17-20). ‘Hồi tâm’, ‘đứng dậy’ và ‘trở về’ là ba động từ mà chúng ta cần xem xét: ‘Hồi tâm’ để biết được con người thật của mình; ‘đứng dậy’ để chấm dứt tình trạng xưa cũ và ‘trở về’ để tiếp tục trang sử mới của cuộc đời. Khi người con hồi tâm, đứng dậy và trở về cũng là khi anh ta nhận ra sự thật về tư tưởng, lời nói và hành động sai trái của mình. Đồng thời, anh ta cũng nhận ra nơi nương tựa đáng tin cậy nhất là nhà cha mình. Tuy nhiên, tương quan giữa người con và người cha vẫn là ‘đồng sàng dị mộng’. Bởi vì, người con trở về vì muốn ‘có’ (to have), trong khi người cha trông đợi người con trở về vì người con luôn ‘là’ (to be): Người con trở về với mong muốn được làm việc cho cha mình như các công nhân khác và được ăn uống no nê, còn người cha lại luôn yêu thương người con vô điều kiện, dù thế nào đi nữa thì ‘con vẫn là con của cha’. Sau khi bỏ nhà ra đi và sống đời hoang đàng, người con mất hết phẩm giá (muốn ăn đậu muồng heo cho đầy bụng nhưng người ta không cho ăn), mất hết đặc quyền, phải làm nô lệ. Khi trở về với cha, người con được mặc áo đẹp, đeo nhẫn quý, đi dép sang: Điều này có nghĩa rằng người con được khôi phục phẩm giá với biểu tượng mặc áo đẹp, được khôi phục quyền bính với biểu tượng đeo nhẫn quý và được tự do với biểu tượng đi dép sang. Đặc biệt, người cha mở tiệc mừng với bê béo, rượu ngon trong niềm vui bất tận của bà con láng giềng thân thuộc, bởi vì, đối với người cha: “Con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy” (Lc 15,24). Tất cả tâm tình và hành động của người cha đều được đặt trên nền tảng lòng thương xót. Đây được xem là dụ ngôn đặc biệt nhất diễn tả lòng Chúa thương xót đối với con người qua hình ảnh người cha và người con trong gia đình cơ bản (tế bào xã hội).
Câu chuyện ‘người phụ nữ ngoại tình’ theo trình thuật của thánh Gio-an giúp chúng ta nhận diện rõ hơn về lòng thương xót (misericordia/ mercy) được Đức Giê-su diễn tả và sự đau khổ (misera/ misery) cùng cực của người phụ nữ với cái chết gần kề (Ga 8,1-11). Những người Pha-ri-sêu và các kinh sư cho rằng theo truyền thống thì người phụ nữ bị bắt quả tang ngoại tình phải bị ném đá cho đến chết. Họ hỏi Đức Giê-su về cách thức giải quyết trường hợp này với hy vọng rằng đường nào họ cũng bắt bẻ và tố cáo Người. Nếu Đức Giê-su bảo ‘tha chết cho chị’ thì Người ‘lỗi luật Mô-sê’ (Lv 20,10; Đnl 22,22); nếu Người bảo ‘giết đi’ thì sự hiện diện của Người đâu còn là sự hiện diện của lòng Chúa thương xót. Cách xử sự của Đức Giê-su đã làm cho họ ngạc nhiên: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi” (Ga 8,7). Nghe vậy, họ đã bỏ đi hết. Đức Giê-su nói với người phụ nữ: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!” (Ga 8,11). Đức Giê-su vừa diễn tả lòng Chúa thương xót, vừa khơi dậy tinh thần hoán cải nơi người phụ nữ. Đặc biệt, Đức Giê-su làm cho những người Pha-ri-sêu và các kinh sư nhận ra rằng mọi người đều phạm tội, khác nhau chăng chỉ là mức độ tội lỗi. Cách hành xử của Đức Giê-su cũng cho mọi người biết rằng lòng Chúa thương xót đang hiện diện bằng xương bằng thịt trước mặt họ. Trong Cựu Ước, Thiên Chúa nói với dân Do-thái: “Ta chẳng vui gì khi kẻ gian ác phải chết, nhưng vui khi nó thay đổi đường lối để được sống” (Ed 33,11). Như vậy, người phụ nữ vừa nhận được ơn tha thứ của Thiên Chúa, vừa nhận được ơn hoán cải hầu biến đổi đời sống mình theo đường lối Thiên Chúa. Là người Do-thái, chắc rằng người phụ nữ này thấm thía tâm tình được Đa-vít tỏ bày khi được Thiên Chúa tha thứ: “Hạnh phúc thay, kẻ lỗi lầm mà được tha thứ, người có tội mà được khoan dung” (Tv 32,1).
Câu chuyện ‘Đức Giê-su hồi sinh La-da-rô’ giúp chúng ta khám phá khía cạnh đặc biệt khác của lòng Chúa thương xót được Đức Giê-su thực hiện. Theo trình thuật của câu chuyện, Đức Giê-su quen biết gia đình ba chị em Mác-ta, Ma-ri-a và La-da-rô ở Bê-ta-ni-a (cách Giê-ru-sa-lem khoảng ba cây số). Khi nghe tin La-da-rô bị đau nặng, Đức Giê-su còn lưu lại hai ngày nơi Người đang ở. Sau đó, Người tới Bê-ta-ni-a để cứu giúp La-da-rô. Khi Người tới thì La-da-rô đã chết và chôn trong mộ bốn ngày. Trước hết, Người đồng cảm với chị em Mác-ta, Ma-ri-a và những thân thuộc vì La-da-rô đã chết. Thánh Gio-an trình thuật rằng: “Thấy cô [Mác-ta] khóc, và những người Do-thái đi với cô cũng khóc, Đức Giê-su thổn thức trong lòng và xao xuyến” (Ga 11,33). Rồi chính Đức Giê-su cũng khóc trước cái chết của La-da-rô: Thiên Chúa khóc trước nỗi thống khổ và chết chóc của con người, thật là điều không thể hiểu được (Ga 11,35). Sau đó, Đức Giê-su tới mộ gọi La-da-rô và La-da-rô được hồi sinh trước sự ngỡ ngàng của mọi người. Như vậy, Đức Giê-su không chỉ ‘đồng cảm’ với nỗi đau thương, mất mát người thân của hai chị em Mác-ta và Ma-ri-a mà còn ‘ra tay’ hành động để hồi sinh La-da-rô. Cũng trong biến cố này, Đức Giê-su nói với Mác-ta: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết” (Ga 11,25-26). Với dấu lạ này, Đức Giê-su tỏ cho mọi người biết rằng lòng Chúa thương xót đối với con người không chỉ tới cái chết mà còn giúp con người vượt qua vực thẳm sự chết để đến với Thiên Chúa hằng sống. Nói cách khác, lòng Chúa thương xót được Đức Giê-su thực hiện mời gọi con người hướng về sự giải thoát hay chữa lành tận căn là cho con người được tham dự sự sống vĩnh cửu của Thiên Chúa. La-da-rô được hồi sinh nhưng rồi cũng phải chết như bao người khác. Do đó, sự hồi sinh vào cõi sống muôn đời hay sự sống lại theo khuôn mẫu Đức Giê-su phục sinh mới là quan trọng đối với con người.
Chúng ta có thể khẳng định rằng toàn bộ các sách Kinh Thánh đều trực tiếp hay gián tiếp trình bày về lòng Chúa thương xót. Nói cách khác, lòng Chúa thương xót là chủ đề xuyên suốt của bộ Kinh Thánh. Chẳng hạn, Chúa thương xót muôn vật muôn loài Người đã dựng nên (Tv 145,9); vì lòng Chúa thương xót mà Đức Giê-su đã xuống thế làm người; vì lòng Chúa thương xót mà Người đã loan báo Tin Mừng cho mọi người. Trình thuật Tin Mừng theo thánh Gio-an cho chúng ta biết về bảy dấu lạ hay bảy dấu chỉ mà Đức Giê-su đã thực hiện. Các dấu lạ này đều diễn tả lòng Chúa thương xót, nghĩa là Đức Giê-su thực thi các dấu lạ này nhằm xoa dịu những đau khổ của con người về đời sống thể chất cũng như tinh thần. Cụ thể là: (1) Đức Giê-su đã biến nước thành rượu cho khách dự tiệc cưới (Ga 2,1-12), (2) Đức Giê-su đã chữa con của viên sĩ quan cận vệ nhà vua ở Ca-phác-na-um (Ga 4,46-54); (3) Đức Giê-su đã chữa người đau yếu bên hồ Bết-da-tha (Ga 5,1-17); (4) Đức Giê-su đã hóa bánh ra nhiều cho hơn năm ngàn người ăn từ năm chiếc bánh và hai con cá (Ga 6,1-15); (5) Đức Giê-su đã đi trên mặt Biển Hồ mà đến với các môn đệ (Ga 6,16-21); (6) Đức Giê-su đã chữa người mù từ thuở mới sinh (Ga 9,1-41) và (7) Đức Giê-su đã làm cho La-da-rô hồi sinh (Ga 11,1-44). Đức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II viết: “Những dấu lạ Người thực hiện, nhất là cho các tội nhân, cho những người nghèo khổ, những người bị gạt ra bên lề xã hội, cho các bệnh nhân và những người đau khổ, tất cả đều mang dấu ấn của lòng thương xót. Tất cả mọi sự nơi Người đều tỏ bày cho thấy lòng thương xót. Không có gì nơi Người lại thiếu vắng lòng thương xót” (Misericordiæ Vultus 8).
Trong hành trình trần thế, dẫu là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa, Đức Giê-su luôn hướng về Chúa Cha. Trong Lời Tựa Tin Mừng, thánh Gio-an cho mọi người biết rằng ai đón nhận và tin tưởng Đức Giê-su thì trở thành con cái Thiên Chúa: “Những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa” (Ga 1,12). Sau này, trong thư thứ nhất, thánh nhân cũng viết: “Anh em hãy xem Chúa Cha yêu chúng ta dường nào: Người yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa – mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa” (1 Ga 3,1). Trong Bữa Ăn Cuối Cùng trước khi bước vào cuộc khổ nạn, Đức Giê-su nói với các môn đệ “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14,9). Tương quan giữa Đức Giê-su với Chúa Cha không chỉ là tương quan ‘hiệp nhất’ mà là tương quan ‘hiệp nhất nên một’, nên một đến nỗi Người với Chúa Cha là một, nghĩa là Chúa Cha ở trong Người và Người ở trong Chúa Cha (Ga 10,30; Ga 17,20-22). Do đó, những việc Đức Giê-su làm cũng là những việc của Chúa Cha và ngược lại (Ga 5,17). Người nói: “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ” (Lc 6,36). Sau đó, Người nói tiếp: “Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha. Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em” (Lc 6,37-38). Đối với Đức Giê-su, khuôn mẫu cho mọi hình thức thương xót trong gia đình nhân loại đặt nền tảng trên khuôn mẫu ‘Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót’ mà Người giảng dạy và thực thi.
Hành trình trần thế của Đức Giê-su cũng cho mọi người nhận thức rằng Người không chỉ là Dung Mạo Lòng Chúa Thương Xót mà còn trở thành ‘người đáng được thương xót nhất’. Điều này đã được loan báo trong Cựu Ước: “Bao kẻ đã sửng sốt khi thấy tôi trung của Ta mặt mày tan nát chẳng ra người, không còn dáng vẻ người ta nữa” (Is 52,14) hay: “Bị ngược đãi, người cam chịu nhục, chẳng mở miệng kêu ca; như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, người chẳng hề mở miệng” (Is 53,7). Đấng không ngừng thi ân giáng phúc cho muôn người lại phải chịu treo trên thập giá với đầu đội mão gai, chân tay đinh sắt thâu qua, thân thể mang đầy thương tích. Dẫu là Thiên Chúa, Đức Giê-su đã chịu thương khó để cảm thông với muôn hình thức đau khổ của mọi người trong gia đình nhân loại. Biến Cố Đức Giê-su trên thập giá giúp mọi người vừa nhận ra hậu quả tai hại của tội lỗi, vừa nhận ra lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa. Trong gia đình nhân loại, không ai có thể chịu đau khổ như Đức Giê-su đã chịu và chết như Đức Giê-su đã chết bởi vì Đức Giê-su đã đau khổ cho mọi người và chết cho mọi người. Như vậy, nơi Đức Giê-su đau khổ và chịu chết, lòng Chúa thương xót đạt đỉnh điểm. Thánh Phao-lô viết: “Điều mà Lề Luật không thể làm được, vì bị tính xác thịt làm cho ra suy yếu, thì Thiên Chúa đã làm: Khi sai chính Con mình đến mang thân xác giống như thân xác tội lỗi chúng ta để đền tội chúng ta, Thiên Chúa đã lên án tội trong thân xác Con mình” (Rm 8,3).
Từ nguyên thủy, Đức Giê-su là Ngôi Hai Thiên Chúa toàn năng, toàn thiện, toàn mỹ. Nơi Người, mọi sự đều hoàn hảo, sung mãn và trọn vẹn. Người là Thiên Chúa nên không cần ‘được thương xót’. Tuy nhiên, Người đã trở thành người phàm để thông phần tình trạng ‘đáng được Thiên Chúa thương xót’ như mọi người. Là Dung Mạo Lòng Chúa Thương Xót, Đức Giê-su lại trở thành ‘đối tượng của ‘lòng thương xót’ như muôn người. Chẳng hạn, tại vườn Ghết-sê-ma-ni, Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Tâm hồn Thầy buồn đến chết được. Anh em ở lại đây mà canh thức với Thầy” (Mt 26,38). Người cầu cùng Chúa Cha: “Cha ơi, nếu được, xin cho chén này rời khỏi con. Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26,39). Trên thập giá, Đức Giê-su thưa cùng Chúa Cha: “Ê-li, Ê-li, lê-ma-sa-bác-tha-ni, nghĩa là ‘Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?’” (Mt 27,46). Đấng đến trần gian để tỏ bày lòng Chúa thương xót, Đấng đến trần gian để giải thoát nhân loại khỏi đau khổ và sự chết lại phải chịu muôn vàn hình thức đau khổ và lãnh lấy cái chết rùng rợn nhất! Đây thật là mầu nhiệm lớn lao, vượt quá sự hiểu biết của con người. Sau này, tác giả thư gửi tín hữu Do-thái viết: “Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội” (Dt 4,15). Cũng theo tác giả thư gửi tín hữu Do-thái: “Khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức Giê-su đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết” (Dt 5,7).
Quyền năng của lòng Chúa thương xót được tỏ bày trong hành trình trần thế của Đức Giê-su mà đỉnh cao là Biến Cố Thập Giá. Với Biến Cố này, con người có được tầm nhìn sâu rộng hơn về căn tính, đời sống và sứ mệnh của Đức Giê-su: Người là Thiên Chúa nhưng lại mang lấy bản tính con người; Người vĩnh cửu nhưng lại sống trong thời gian; Người vô biên nhưng lại chịu cảnh giới hạn; Người vô tội nhưng lại chịu đóng đinh trên thập giá; Người hằng sống nhưng lại cam chịu cái chết nhục nhã nhất. Nhờ Đức Giê-su tỏ bày lòng Chúa thương xót mà con người được cứu độ, được tha thứ tội lỗi, được hòa giải với Thiên Chúa, được chung hưởng sự sống đời đời trong Nước Thiên Chúa. Lòng Chúa thương xót mạnh mẽ hơn các hình thức sự dữ, tội lỗi, đau khổ mà con người phải gánh chịu giữa trần gian. Nhờ thập giá, lòng thương xót Chúa bao phủ tội lỗi và giải thoát con người khỏi xiềng xích tội lỗi. Trong thư thứ hai gửi tín hữu Cô-rin-tô, thánh Phao-lô viết: “Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người” (2 Cr 5,21).
Trước khi bước vào cuộc khổ nạn, Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy” (Ga 15,13-14). Như đề cập ở trên, tình thương của Thiên Chúa trong thế giới thụ tạo là lòng thương xót của Người. Tình thương đó được Đức Giê-su diễn tả và công bố là ‘giới răn mới’, giới răn yêu thương như Đức Giê-su đã yêu thương, yêu thương đến nỗi Người gọi các môn đệ và những ai theo Người là bạn. Đồng thời, Người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu mình. Tiếp tục với mạch tư tưởng của Aristotle và thánh Au-gút-ti-nô về bạn bè chân thành như là ‘cái tôi khác’ (friend as another self), với ngôn ngữ lòng thương xót, thánh Tô-ma A-qui-nô minh định rằng ai yêu bạn mình cách chân thành thì xem đau khổ của bạn cũng là đau khổ của mình và bản thân mình đau với nỗi đau như vậy (Thomas Aquinas, Summa Theologiae II-II, q.30, a.2). Quả thực, xem đau khổ của bạn như là đau khổ của mình chính là lòng thương xót. Tuy nhiên, lòng thương xót được Đức Giê-su tỏ bày còn cao cả hơn thế nữa bởi vì Người không chỉ ‘xem đau khổ của bạn là của mình’ mà còn mang lấy tất cả các hình thức đau khổ và sự chết của bạn mình là mọi người trong gia đình nhân loại.
Trình thuật Tin Mừng theo thánh Gio-an cho chúng ta biết rằng Đức Giê-su chịu đóng đinh trên thập giá cùng với hai tên trộm cướp vào ngày thứ Sáu. Người Do-thái không muốn để các xác chết trên trên thập giá trong ngày sa-bát (ngày thứ Bảy), tức là ngày sau đó. Họ đã xin Phi-la-tô cho đánh giập ống chân những người chịu đóng đinh để đem xác xuống. Khi những người lính đánh giập ống chân của hai tên trộm cướp đến gần Đức Giê-su thì thấy Người đã chết nên không đánh giập ống chân Người. Điều này ứng nghiệm lời Kinh Thánh về Người trong Cựu Ước qua hình ảnh chiên hiến tế với xương cốt nguyên vẹn, không bị giập gãy một xương nào (Xh 12,46; Ds 9,12; Tv 34,21). Tuy nhiên, một người lính lấy đòng đâm cạnh sườn Đức Giê-su, thấu tận trái tim, máu cùng nước chảy ra (Ga 19,31-34). Máu và nước là biểu tượng của sự sống. Đặc biệt, máu và nước là biểu tượng các bí tích sinh ơn cứu độ, trong đó, máu là biểu tượng của Bí Tích Thánh Thể và nước là biểu tượng của Bí Tích Rửa Tội. Đức Giê-su chịu chết trên thập giá với trái tim bị đâm thủng là biểu tượng cao cả nhất diễn tả lòng Chúa thương xót. Đây cũng là biểu tượng diễn tả lòng Chúa thương xót cách cụ thể nhất theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng (misericordia, miserum–cor/ miserable heart): Trái tim Đức Giê-su là trái tim của Thiên Chúa thật, trái tim trắc ẩn nên giàu lòng thương xót. Trái tim Đức Giê-su là trái tim của con người thật, trái tim mạnh mẽ, trái tim bị đâm thủng, đồng thời, trái tim Đức Giê-su là trái tim nhân loại của Thiên Chúa, đau khổ vì tội lỗi của con người, nên đầy cảm thông và mở ra cho mọi người.
Trong hành trình loan báo Tin Mừng, Đức Giê-su không chỉ tỏ lòng thương xót những người tội lỗi, đau yếu, bệnh tật, bị quỷ ám mà còn quan tâm đến những ai theo người mà lâm cảnh đói khát. Chẳng hạn, bên bờ Biển Hồ Ga-li-lê, khi dân chúng theo người lâu ngày nhưng không có gì ăn thì Người nói với các môn đệ: “Thầy chạnh lòng thương đám đông [Σπλαγχνίζομαι], vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi và họ không có gì ăn. Thầy không muốn giải tán họ, để họ nhịn đói mà về, sợ rằng họ bị xỉu dọc đường” (Mt 15,32). Sau đó, Người hóa bánh ra nhiều cho mọi người được ăn no nê từ mấy chiếc bánh và một ít cá nhỏ (Mt 14,13-21; Mt 15,32-25; Mc 6,30-44; Mc 8,1-12; Lc 9,10-17; Ga 6,1-15). Việc Đức Giê-su hóa bánh ra nhiều gợi lại nơi mọi người việc Thiên Chúa nuôi dưỡng dân Do-thái ăn man-na trong hành trình bốn mươi năm qua sa mạc về Đất Hứa. Hơn nữa, việc hóa bánh ra nhiều chính là phép lạ hay dấu lạ giúp mọi người hướng về Bí Tích Thánh Thể. Quả thực, trình thuật Tin Mừng theo thánh Gio-an cho chúng ta biết rằng sau khi hóa bánh ra nhiều từ năm chiếc bánh và hai con cá, Đức Giê-su cho mọi người biết Người là Bánh Hằng Sống từ trời xuống, ai ăn Người thì được sống muôn đời (Ga 6,35). Sự hiện diện của Đức Giê-su trong Bí Tích Thánh Thể hầu trở nên của ăn nuôi sống con người là sự hiện diện nhiệm mầu, độc đáo và thâm sâu nhất. Người không chỉ thương xót con người tới mức đón nhận Biến Cố Thập Giá cũng như đã chết và sống lại để ban sự sống vĩnh cửu cho con người mà còn trở nên của ăn nuôi sống con người trong hành trình trần thế. Con người ăn Đức Giê-su nghĩa là con người ăn Đấng vĩnh cửu trong thời gian, Đấng vô biên trong tấm bánh hữu hạn, Đấng xán lạn trong đêm tối của tâm hồn. Quả thực, Bí Tích Thánh Thể là bí tích cao cả và huyền diệu nhất của lòng Chúa thương xót. Bí tích này được cả bốn tác giả Tin Mừng trình thuật: Các tác giả Tin Mừng Nhất Lãm trình bày việc Đức Giê-su thiết lập Bí Tích Thánh Thể, còn thánh Gio-an trình bày Diễn Từ Bánh Hằng Sống, qua đó, Đức Giê-su giải thích về sự cần thiết phải ‘ăn Người, Bánh Hằng Sống’ để được sống muôn đời (Mt 26,26-29; Mc 14,22-25; Lc 22,19-20; Ga 6,22-66). Đồng thời, Người cũng diễn nghĩa Bí Tích Thánh Thể bằng việc rửa chân cho các môn đệ nhằm dạy họ bài học về lòng thương xót cách thiết thực nhất là phục vụ những người thấp kém hơn mình (Ga 13,1-17). Sau này, trong Giáo Hội sơ khai, thánh Phao-lô trình bày việc Đức Giê-su thiết lập Bí Tích Thánh Thể và cho mọi người biết rằng những ai dự phần vào Mình và Máu Đức Giê-su thì hiệp nhất nên một với Người, với nhau và với Thiên Chúa (1 Cr 10,16-17; 1 Cr 11,23-29).
Hơn ai hết, thánh Phao-lô là người cảm nhận sâu sắc về lòng Chúa thương xót nơi chính bản thân ngài. Thánh nhân trình bày kinh nghiệm cá nhân về lòng thương xót của Thiên Chúa như sau: “Sở dĩ tôi được thương xót, là vì Đức Giê-su Ki-tô muốn tỏ bày tất cả lòng đại lượng của Người nơi tôi là kẻ đầu tiên, mà đặt tôi làm gương cho những ai sẽ tin vào Người, để được sống muôn đời” (1 Tm 1,16). Đối với thánh nhân, cảm thức của con người đối với lòng Chúa thương xót rất cần thiết bởi vì cảm thức đó thúc đẩy mọi người thực thi lòng Chúa thương xót đối với anh chị em mình. Thánh nhân viết những lời đầu tiên trong thư thứ hai gửi tín hữu Cô-rin-tô như sau: “Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta. Người là Cha giàu lòng từ bi lân ái, và là Thiên Chúa hằng sẵn sàng nâng đỡ ủi an. Người luôn nâng đỡ ủi an chúng ta trong mọi cơn gian nan thử thách, để sau khi đã được Thiên Chúa nâng đỡ, chính chúng ta cũng biết an ủi những ai lâm cảnh gian nan khốn khó. Vì cũng như chúng ta chia sẻ muôn vàn nỗi khổ đau của Đức Ki-tô, thì nhờ Người, chúng ta cũng được chứa chan niềm an ủi” (2 Cr 1,3-5). Đối với thánh Phao-lô, cảm thức lòng Chúa thương xót và thực thi lòng Chúa thương xót đi đôi với nhau trong mọi hoàn cảnh của các môn đệ Đức Giê-su. Trong thư gửi tín hữu Ê-phê-xô, thánh nhân viết: “Phải đối xử tốt với nhau, phải có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Ki-tô” (Ep 4,32).
Thánh Phao-lô cho mọi người biết việc Đức Giê-su tỏ bày lòng Chúa thương xót đối với con người qua sự đau khổ với đỉnh điểm là Biến Cố Thập Giá không phù hợp với tâm thức của nhiều người Do-thái ham thích dấu lạ cũng như những người Hy-lạp chú trọng sự khôn ngoan (1 Cr 1,17-25). Quả thực đối với những người Hy-lạp, nhất là những người chịu ảnh hưởng bởi triết gia Plato thì sự khôn ngoan giúp họ thủ đắc những hiểu biết về Thượng Đế, vũ trụ, con người và các tương quan trong đó. Đối với họ, Thượng Đế và những gì thuộc thế giới linh tượng thì hoàn hảo, phi vật chất, cao siêu và bền vững. Trong khi đó, thế giới vật chất thì tạm thời, hay thay đổi. Bổn phận của con người là hướng về thế giới linh tượng, chứ không có chiều ngược lại. Người Do-thái thì chờ đợi Đấng Mê-si-a giải phóng họ khỏi ách nô lệ ngoại bang để họ được hưởng vinh quang trần thế. Đối với họ, người chịu treo trên thập giá là người bị chúc dữ. Theo sách Đệ Nhị Luật, “khi một người có tội đáng phải án chết đã bị xử tử, và anh (em) đã treo nó lên cây, thì xác nó không được để qua đêm trên cây, nhưng anh (em) phải chôn ngay hôm ấy, vì người bị treo là đồ bị Thiên Chúa nguyền rủa” (Đnl 21,22-23). Trong thư gửi tín hữu Ga-lát, thánh Phao-lô minh định: “Đức Ki-tô đã chuộc chúng ta cho khỏi bị nguyền rủa vì Lề Luật, khi vì chúng ta chính Người trở nên đồ bị nguyền rủa, vì có lời chép: Đáng nguyền rủa thay mọi kẻ bị treo trên cây gỗ!” (Gl 3,13). Như vậy, hình phạt thập giá, hình phạt man rợ đối với con người lại được Thiên Chúa dùng để tỏ bày lòng thương xót hầu mang lại ơn cứu độ cho con người. ‘Đức Giê-su chịu chết trên thập giá vì chúng ta’ là điệp khúc căn bản của các thư thánh Phao-lô gửi các giáo đoàn.
Ở trên, chúng ta đã trình bày cách khái quát về tương quan giữa tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa. Theo đó, nội hàm của ‘lòng Chúa thương xót’ dẫn xuất từ nội hàm của ‘tình yêu Thiên Chúa’. Chúng ta có thể nói rằng Thiên Chúa sáng tạo muôn vật muôn loài bởi tình yêu và tái tạo muôn vật muôn loài bởi lòng thương xót. Đồng thời, chúng ta cũng có thể biện luận rằng ‘lòng Chúa thương xót’ chính là ‘tình yêu của Thiên Chúa trong hành động’ hướng về thế giới của con người, nghĩa là lòng Chúa thương xót dẫn xuất từ tình yêu, diễn tả tình yêu và làm cho tình yêu trở thành hiện thực nơi con người và muôn vật muôn loài. Trong các hình thức tình yêu mà con người có thể kinh nghiệm, tình yêu thương xót (the merciful love) là hình thức tình yêu để lại dấu ấn sâu đậm và đẹp đẽ nhất nơi con người. Đây cũng là hình thức tình yêu mà Thiên Chúa tỏ bày nơi Con yêu dấu của Người là Đức Giê-su cho mọi người trong gia đình nhân loại. Khi con người phạm tội, Thiên Chúa không tìm cách thực thi ‘lẽ công bình’, tức là sửa phạt con người xứng với tội mình nhưng lại thực thi lòng thương xót đối với con người. Thánh Phao-lô viết: “Trong Đức Ki-tô, Thiên Chúa đã cho thế gian được hòa giải với Người. Người không còn chấp tội nhân loại nữa, và giao cho chúng tôi công bố lời hòa giải” (2 Cr 5,19). Tiếp tục với tư tưởng của thánh Au-gút-ti-nô, thánh Tô-ma A-qui-nô khẳng định rằng lòng thương xót của Thiên Chúa tỏ bày nơi sự tha thứ tội lỗi cho con người và làm cho người tội lỗi trở nên công chính thì vĩ đại hơn việc sáng tạo trời đất (Thomas Aquinas, Summa Theologiae I-II, q.113, a.9). Quả thực, lòng Chúa thương xót được diễn tả qua việc tha thứ tội lỗi và làm cho con người trở nên công chính thật kỳ diệu bởi vì cho phép con người được biến đổi từ môi trường sự chết tới môi trường sự sống viên mãn là được hiệp nhất nên một với Đức Giê-su và với Thiên Chúa là Cha của Người cũng là Cha của những ai thực thi thánh ý Người.
Theo thánh Tô-ma A-qui-nô, lòng thương xót của Thiên Chúa không ngược lại với sự công bình của Người nhưng vượt quá sự công bình hầu cứu giúp con người tội lỗi (St. Thomas Aquinas, Summa Theologiae I, q.21, a.3). Cũng theo ngài, sự công bình của Thiên Chúa hàm ý lòng thương xót và đặt nền tảng trên lòng thương xót của Người (St. Thomas Aquinas, Summa Theologiae I, q.21, a.4). Điều này đã được thể hiện cách cụ thể trong Cựu Ước, chẳng hạn, tác giả Thánh Vịnh 103 viết: “Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương, chẳng trách cứ luôn luôn, không oán hờn mãi mãi. Người không cứ tội ta mà xét xử, không trả báo ta xứng với lỗi lầm” (Tv 103,8-10). Đặc biệt, Đức Giê-su cho chúng ta biết rõ hơn về lòng thương xót của Thiên Chúa vượt quá ‘biên giới của sự công bình’, chẳng hạn như dụ ngôn về người làm việc giờ thứ mười một. Ông chủ vườn rất công bình và giàu lòng thương xót. Ông công bình khi ông trả cho mọi người theo thỏa thuận từ trước; ông giàu lòng thương xót khi cho người làm chỉ một giờ mà cũng lĩnh lương bằng người làm mười hai giờ. Công bình và lòng thương xót của Thiên Chúa đi đôi với nhau. Chúng ta có thể khẳng định rằng, đối với Thiên Chúa, công bình và lòng thương xót nên một với nhau, nghĩa là công bình của Thiên Chúa cũng là lòng thương xót của Người và ngược lại. Đối với con người, vì tội lỗi chi phối, luôn có ‘sự khập khiễng’ giữa công bình và lòng thương xót, nghĩa là có người chỉ thiên về công bình, có người lại chỉ thiên về lòng thương xót. Nhãn quan ‘thiên về’ này thật tai hại, chẳng hạn như: Người thiên về công bình thì thất vọng, không hoán cải vì ‘tội mình quá nặng’; người thiên về lòng thương xót thì ‘trông cậy quá lẽ’ khi cho rằng cứ phạm tội đi, vì Thiên Chúa giàu lòng thương xót sẽ thứ tha tất cả.
Thiên Chúa luôn mời gọi con người hoán cải và đáp lại lòng thương xót của Người cách chân thành hầu đem lại lợi ích cho bản thân cũng như anh chị em đồng loại. Sau khi phạm tội, vua Đa-vít, tác giả Thánh Vịnh 51 viết: “Chúa chẳng ưa thích gì tế phẩm, con có thượng tiến lễ toàn thiêu, Ngài cũng không chấp nhận. Lạy Thiên Chúa, tế phẩm dâng Ngài là tâm thần tan nát, một tấm lòng tan nát giày vò, Ngài sẽ chẳng khinh chê” (Tv 51,18-19). Tội lỗi của Đa-vít thật lớn nhưng lòng Chúa thương xót còn lớn hơn (2 Sm 11-12). Đa-vít đã ăn năn hối cải và nhận ra rằng sự hối cải đích thực phát xuất từ thâm sâu của cõi lòng, từ tâm hồn tan nát, từ trái tim đau khổ chứ không phải từ những lễ tế bên ngoài. Lời của Thiên Chúa trong sách ngôn sứ Hô-sê cho chúng ta biết điều này: “Ta muốn tình yêu [חֶסֶד/ hesed] chứ không cần hy lễ, thích được các ngươi nhận biết hơn là được của lễ toàn thiêu” (Hs 6,6). Trong Tin Mừng, Đức Giê-su nhắc lại lời đó: “Ta muốn lòng nhân [ἔλεος/ eleos] chứ đâu cần lễ tế” (Mt 12,7). Cụ thể hơn, Đức Giê-su nói: “Nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình” (Mt 5,23-24). Theo thánh Tô-ma A-qui-nô, sự phụng thờ và hy lễ của chúng ta dâng lên Thiên Chúa không phải vì Thiên Chúa nhưng vì chúng ta. Bởi vì, những hiến lễ như thế khơi dậy lòng sùng mộ của chúng ta đối với Thiên Chúa và đem lại lợi ích cho người thân cận (Thomas Aquinas, Summa Theologiae II-II, q.30, a.4). Tác giả thư gửi tín hữu Do-thái viết: “Anh em chớ quên làm việc từ thiện, giúp đỡ lẫn nhau, vì Thiên Chúa ưa thích những hy lễ như thế” (Dt 13,16). Như vậy, chúng ta không chỉ đồng cảm hay thông cảm với nỗi đau khổ, cùng cực, thiếu thốn của người khác mà còn sẵn sàng trợ giúp họ cách cụ thể.
Mọi người luôn được mời gọi hoán cải và cộng tác với Thiên Chúa hầu làm cho lòng thương xót của Người trở nên hữu hiệu nơi bản thân mình. Chẳng hạn, trong cuộc thương khó của Đức Giê-su, sau khi từ chối có liên quan với Đức Giê-su ba lần, Phê-rô đã nhận ra tội lỗi của mình và khóc lóc thảm thiết (Lc 22,61-62). Khi Đức Giê-su phục sinh hỏi Phê-rô ba lần về tình yêu đối với Người thì Phê-rô đã khẳng định ba lần rằng ngài yêu mến Đức Giê-su (Ga 21,15-17). Trong câu chuyện xét xử người phụ nữ ngoại tình, Đức Giê-su nói: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!” (Ga 8,11). Quyết tâm hoán cải qua việc ‘đừng phạm tội nữa’ như là điều kiện để được Thiên Chúa thứ tha và cũng là cách thức đáp lại lòng thương xót của Thiên Chúa. Quả thực, con người khó có thể cảm nhận được lòng Chúa thương xót khi thiếu lòng ăn năn hối cải. Do đó, hoán cải trở thành điều kiện giúp con người cảm nhận được lòng Chúa thương xót, đồng thời giúp con người luôn sống trong tinh thần biết ơn, cảm ơn và tạ ơn Thiên Chúa. Trong diễn từ của thánh Phao-lô trước hội đồng A-rê-ô-pa-gô: “Thiên Chúa nhắm mắt bỏ qua những thời người ta không nhận biết Người. Bây giờ Người truyền cho người ta rằng mọi người ở mọi nơi phải sám hối” (Cv 17,30). Điều này có nghĩa rằng lòng Chúa thương xót đi đôi với lòng thành tín của con người trong việc trở về với Thiên Chúa, biến đổi cuộc đời mình nhờ lòng Chúa thương xót và sống cuộc đời mới đặt nền tảng trên lòng Chúa thương xót. Nhờ việc hoán cải, con người nhận ra ‘bộ mặt thật’ của mình. Nhờ việc hoán cải, con người nhận ra sự cần thiết của lòng Chúa thương xót. Nhờ việc hoán cải, con người mới có thể lắng nghe, tin tưởng và thực thi thánh ý Thiên Chúa trong mọi biến cố của cuộc sống mình. Vì thế, nếu con người không thể nhận diện được ‘tin buồn’ về những yếu đuối, khiếm khuyết, tội lỗi của mình thì cũng không thể nhận diện được ‘tin vui’ về sức mạnh, sự trọn hảo và toàn thiện của lòng Chúa thương xót.
Trong hành trình trần thế, Đức Giê-su đã thiết lập Giáo Hội để Giáo Hội tiếp tục diễn tả căn tính, đời sống và sứ mệnh của Người giữa lòng thế giới. Đức Giê-su là Dung Mạo Lòng Thương Xót của Chúa Cha, còn Giáo Hội là bí tích của Đức Giê-su, nghĩa là dấu chỉ và khí cụ của lòng Chúa thương xót, là cộng đoàn ‘thấm nhuần lòng Chúa thương xót’ như lời của thánh Phê-rô: “Xưa anh em chưa phải là một dân, nay anh em đã là Dân của Thiên Chúa; xưa anh em chưa được hưởng lòng thương xót, nay anh em đã được xót thương” (1 Pr 2,10). Đức Giê-su ủy thác cho Giáo Hội tiếp tục chương trình diễn tả lòng Chúa thương xót mà Người đã thực hiện trong hành trình trần thế. Như vậy, tính lịch sử của lòng Chúa thương xót được Đức Giê-su loan báo và minh chứng tiếp tục được Giáo Hội đón nhận, sống và chuyển tải cho đến tận thế. Là bí tích của Đức Giê-su, Giáo Hội trở thành thực thể khả tín cho sự hiện diện và hoạt động của lòng Chúa thương xót. Đó là lý do tại sao Đức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II khẳng định rằng lòng thương xót là nền tảng của đời sống Giáo Hội (Misericordiæ Vultus 10). Cách cụ thể nhất, các bí tích của Giáo Hội diễn tả lòng Chúa thương xót và đem lại hiệu lực của lòng Chúa thương xót cho người đón nhận. Nhờ Giáo Hội và qua Giáo Hội, mọi người được gặp gỡ Đức Giê-su, nên một với Đức Giê-su và nên một với Thiên Chúa trong hành trình trần thế cũng như trong Quê Hương vĩnh cửu. Trong diễn văn khai mạc Công Đồng Vatican II (ngày 11 tháng 10 năm 1962), Đức Giáo Hoàng Gio-an XXIII nói: “Sự thật của Chúa tồn tại muôn đời… Ngày nay, Giáo Hội của Đức Ki-tô thích dùng phương dược thương xót hơn là hà khắc. Giáo Hội ý thức rằng mình đáp ứng những nhu cầu thời đại bằng cách minh chứng tính hữu hiệu qua việc giảng dạy hơn là kết án… Với Công Đồng này, Giáo Hội dương cao ngọn đuốc sự thật hầu diễn tả mình như là người mẹ ưu ái đối với mọi người cũng như ôn hòa, nhẫn nại, đầy lòng thương xót, khoan dung đối với con cái tản mác của mình”. Do đó, các thành phần trong Giáo Hội được mời gọi ý thức về lòng Chúa thương xót, sống theo lòng Chúa thương xót và diễn tả lòng Chúa thương xót bằng cuộc sống mình giữa anh chị em đồng loại.
Lòng Chúa thương xót không chỉ cho con người mà còn lan rộng tới muôn vật muôn loài bởi vì tất cả đều do Thiên Chúa mà có, nhờ Người mà tồn tại và quy hướng về Người (Đnl 10,14-17; Kn 11,24; Rm 11,36). Trong Cựu Ước, chúng ta gặp nhiều trích đoạn diễn tả điều này. Chẳng hạn, theo trình thuật của sách Sáng Thế, sau khi sáng tạo con người và muôn vật muôn loài, “Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp!” (St 1,31). Trên núi Si-nai, Đức Chúa phán với dân Do-thái qua Mô-sê rằng: “Đất thì không được bán đứt, vì đất là của Ta, còn các ngươi chỉ là ngoại kiều, là khách trọ nhà Ta” (Lv 25,23). Đa-vít diễn tả lòng Chúa thương xót đối với muôn vật muôn loài: “Người ban lương thực cho tất cả chúng sinh, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 136,25); “Chúa nhân ái đối với mọi người, tỏ lòng nhân hậu với muôn loài Chúa đã dựng nên” (Tv 145,9) hay: “Lạy Chúa, muôn loài ngước mắt trông lên Chúa, và chính Ngài đúng bữa cho ăn. Khi Ngài rộng mở tay ban, là bao sinh vật muôn vàn thỏa thuê” (Tv 145,15-16). Trong Tân Ước, khi triển khai bài giảng Tám Mối Phúc, Đức Giê-su cho các môn đệ biết lòng Chúa thương xót đối với muôn vật muôn loài, chẳng hạn như: “Hãy xem chim trời: Chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng” (Mt 6,26) hay: “Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào mà rút ra bài học: chúng không làm lụng, không kéo sợi; thế mà, Thầy bảo cho anh em biết: ngay cả vua Sa-lô-môn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy” (Mt 6,28-29). Suy niệm về lòng Chúa thương xót đối với muôn vật muôn loài, thánh Tô-ma A-qui-nô khẳng định rằng lòng Chúa thương xót không chỉ được diễn tả trong công trình cứu độ và thánh hóa mà còn trong công trình Thiên Chúa sáng tạo, bởi đó muôn vật muôn loài được hình thành từ hư vô (Thomas Aquinas, Summa Theologiae I, q.21, a.4).
Đức Giê-su mời gọi mọi người thực thi Tám Mối Phúc như là cách thế để con người đáp lại lòng Chúa thương xót. Đặc biệt, trong mối phúc thứ năm, Người nói: “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mt 5,7). ‘Thương xót người’ hay thương xót anh chị em đồng loại trở thành tiêu chuẩn để được Thiên Chúa xót thương. Đối với Đức Giê-su, thương xót người không chỉ dừng lại ở cảm thức nội tâm mà còn được tỏ bày bằng những hành động cụ thể. Nói cách khác, sự đồng cảm trong tâm hồn cần phải đi đôi với việc làm cụ thể để nâng đỡ anh chị em mình trong cảnh khốn khổ. Hơn nữa, lòng thương xót không chỉ dừng lại với những người thân cận hay những người thi ân giáng phúc cho mình mà cả những kẻ thù của mình nữa (Mt 5,43-48). Đây thật là giáo lý mới mẻ. Giáo lý này đòi hỏi những ai theo Đức Giê-su cần phải định dạng tư tưởng, lời nói và việc làm của mình theo khuôn mẫu của Người hầu có thể diễn tả lòng Chúa thương xót cách trung thực nhất. Quả thực, ai không cảm nhận được lòng Chúa thương xót và định dạng bản thân mình theo khuôn mẫu Đức Giê-su thì khó có thể tỏ lòng xót thương đối với anh chị em mình. Trong Bài Giảng Về Thời Cánh Chung, Đức Giê-su cho mọi người biết rằng việc thực thi lòng thương xót đối với anh chị em mình là điều kiện để được nên một với Người: “Ta bảo thật các ngươi: Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40). Thánh Tô-ma A-qui-nô minh định rằng trong tất cả các nhân đức mà con người bày tỏ đối với người thân cận, lòng thương xót là nhân đức cao cả nhất bởi vì lòng thương xót của con người được nối kết với lòng thương xót của Thiên Chúa (Thomas Aquinas, Summa Theologiae II-II, q.30, a.4).
Nội dung căn bản của mặc khải Ki-tô Giáo là lòng Chúa thương xót. Tuy nhiên, các Ki-tô hữu thuộc Giáo Hội Công Giáo quan tâm về lòng Chúa thương xót hơn kể từ khi Đức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II mời gọi mọi người ý thức về chủ đề này. Một nhân vật đặc biệt được Đức Giê-su mặc khải về lòng Chúa thương xót trong thế kỷ XX là nữ tu Faustina Kowalska (1905-1938). Chính Đức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II đã đặt cho nữ tu này biệt hiệu là ‘vị tông đồ vĩ đại của lòng Chúa thương xót’ (the great apostle of Divine Mercy) bởi vì nữ tu đã đón nhận mặc khải về lòng Chúa thương xót, sống theo linh đạo lòng Chúa thương xót và quảng diễn lòng Chúa thương xót cho đến hơi thở cuối cùng của cuộc đời. Đặc biệt, những bút tích (Sr. Faustina’s Diary – Divine Mercy in My Soul) của nữ tu đã thổi vào lòng Giáo Hội luồng gió mới trong việc canh tân đời sống Ki-tô hữu qua việc học hỏi, suy niệm và thực thi linh đạo lòng Chúa thương xót. Vào ngày 7 tháng 6 năm 1997, khi thăm mộ chân phước nữ tu Faustina Kowalska ở Kraków (Kraków’s Basilica of Divine Mercy), Đức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II nói: “Không có gì mà con người cần thiết hơn là lòng Chúa thương xót – tình yêu nhân từ và trắc ẩn nâng đỡ con người từ sự yếu đuối tới tầm cao vô hạn trong sự thánh thiện của Thiên Chúa”. Bước vào thiên niên kỷ thứ ba, ngày 30 tháng 4 năm 2000, Đức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II đã tuyên phong nữ tu Faustina Kowalska là hiển thánh (vị thánh đầu tiên của thiên niên kỷ mới) và thiết lập ‘Chúa Nhật Lòng Chúa Thương Xót’ (Divine Mercy Sunday) vào Chúa Nhật Thứ Hai Mùa Phục Sinh hầu giúp mọi người ý thức hơn về lòng Chúa thương xót. Quả vậy, nhờ lòng Chúa thương xót, con người được khôi phục phẩm giá là thụ tạo được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa. Hơn nữa, nhờ lòng Chúa thương xót, con người được trở thành con cái Thiên Chúa trong hành trình trần thế này, đồng thời, được mời gọi chung hưởng hạnh phúc muôn đời trong Nước Thiên Chúa (Gl 3,23-26; Rm 8,20-21; Tt 3,7).
Đức Giê-su cho mọi người biết hy vọng đích thực của con người là hy vọng vào lòng Chúa thương xót chứ không phải hy vọng vào bất cứ mãnh lực nào hay thực thể nào trong thế giới thụ tạo. Với sứ mệnh của Đức Giê-su giữa trần gian, lòng Chúa thương xót trở nên dồi dào và sống động cho mọi người, trong mọi thời và khắp mọi nơi. Do đó, trong gia đình nhân loại không ai tăm tối, tội lỗi hay xấu xa đến mức ‘nằm ngoài biên giới lòng Chúa thương xót’. Bởi vì, lòng Chúa thương xót đối với con người thì dồi dào (abundant), vô điều kiện (unconditional) và không biên giới (borderless). Thánh Giu-đa (cũng được gọi là Ta-đê-ô) khuyên dạy các tín hữu: “Hãy cố gắng sống mãi trong tình thương của Thiên Chúa, hãy chờ đợi lòng thương xót của Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, để được sống đời đời” (Gđ 1,21). Thánh Phao-lô viết: “Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Đức Ki-tô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người” (1 Cr 15,19). Nhờ lòng Chúa thương xót được tỏ bày nơi Đức Giê-su mà con người có được niềm hy vọng vững chắc vào tương lai mai hậu. Theo thánh Phao-lô: “Vì chúng ta tin, nên Đức Giê-su đã mở lối cho chúng ta vào hưởng ân sủng của Thiên Chúa, như chúng ta đang được hiện nay; chúng ta lại còn tự hào về niềm hy vọng được hưởng vinh quang của Thiên Chúa” (Rm 5,2).
Trước khi bước vào cuộc khổ nạn, Đức Giê-su nói rằng Người là Đường (Ga 14,6). Đường của Đức Giê-su là Đường Lòng Chúa Thương Xót. Trong buổi đầu loan báo Tin Mừng tại nhà ông Co-nê-li-ô, thánh Phê-rô nói: “Quý vị biết rõ Đức Giê-su xuất thân từ Na-da-rét, Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Người. Đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế, bởi vì Thiên Chúa ở với Người. Còn chúng tôi đây xin làm chứng về mọi việc Người đã làm trong cả vùng dân Do-thái và tại chính Giê-ru-sa-lem. Họ đã treo Người lên cây gỗ mà giết đi. Ngày thứ ba, Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy, và cho Người xuất hiện tỏ tường, không phải trước mặt toàn dân, nhưng trước mặt những chứng nhân Thiên Chúa đã tuyển chọn từ trước, là chúng tôi, những kẻ đã được cùng ăn cùng uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại” (Cr 10,38-41). ‘Đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó’ nghĩa là ‘đi tới đâu Người tỏ bày lòng Chúa thương xót tới đó’ bởi vì chính Người là Dung Mạo Lòng Thương Xót (Misericordiae Vultus) của Thiên Chúa đối với con người và muôn vật muôn loài. Quả thực, Đức Giê-su đã đến với con người, sống thân phận con người, chịu nhiều đau khổ vì con người. Đặc biệt, Người đã tới thung lũng sự chết của con người để chiếu giãi ánh sáng lòng Chúa thương xót hầu giải thoát con người khỏi bóng đêm sự chết và dẫn đưa con người về với quê hương đầy ánh sáng và bình an là Nước Thiên Chúa. Mọi người trong gia đình nhân loại được mời gọi theo Đường Đức Giê-su, Đường Lòng Chúa Thương Xót giữa trần gian. Câu hỏi đặt ra là ‘bằng cách nào mọi người có thể theo Đường Đức Giê-su?’ Thưa, bằng cách đón nhận, sống và diễn tả những giá trị mà Đức Giê-su đã loan báo và minh chứng bằng cuộc sống Người và được đúc kết trong bài giảng Tám Mối Phúc (Mt 5,1-12).
Trình thuật Tin Mừng theo thánh Gio-an cho chúng ta biết rằng, Đức Giê-su phục sinh đã hiện ra với các môn đệ. Người trao ban bình an và Chúa Thánh Thần cho họ và mời gọi họ thực thi lòng Chúa thương xót: “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em… Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ” (Ga 20,21-23). Trình thuật Tin Mừng theo thánh Lu-ca cho chúng ta biết rằng những lời sau cùng của Đức Giê-su cho các môn đệ trước khi về trời tóm lược chương trình lòng Chúa thương xót mà Người thực hiện. Đồng thời, Người mời gọi họ loan báo Tin Mừng lòng Chúa thương xót cho muôn dân: “Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại; phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân về những điều này” (Lc 24,46-48). Nhiều trình thuật Kinh Thánh cho chúng ta nhận thức rằng những người có được kinh nghiệm về lòng Chúa thương xót đối với bản thân mình cũng là những người nhiệt thành loan báo Tin Mừng lòng Chúa thương xót cho mọi người, chẳng hạn như người bị phong hủi được Đức Giê-su chữa khỏi, người mù ở Giê-ri-khô được Đức Giê-su cho sáng mắt, người phụ nữ bên giếng Gia-cóp được Đức Giê-su giảng dạy về nước hằng sống (Mc 1,40-45; Lc 18,35-43; Ga 4,7-41). Các Ki-tô hữu được mời gọi luôn ý thức về lòng Chúa thương xót đối với bản thân mình cũng như luôn ý thức rằng lòng Chúa thương xót dành cho tất cả mọi người, đồng thời, biết luôn cộng tác với ơn Chúa Thánh Thần để trở thành khí cụ hữu hiệu của lòng Chúa thương xót giữa dòng đời.
Chúng ta có thể kết luận rằng Thiên Chúa là tình yêu và tình yêu của Người từ sáng tạo tới cánh chung là tình yêu thương xót (merciful love) hay là lòng thương xót (misericordia) đối với con người và muôn vật muôn loài. Trong Cựu Ước, Thiên Chúa mặc khải Người là Cha giàu lòng thương xót. Khi thời gian tới hồi viên mãn, Đức Giê-su là Lòng Thương Xót của Thiên Chúa đã đến với gia đình nhân loại. Nhờ Đức Giê-su, con người có thể ‘tiếp cận’ và ‘đụng chạm’ lòng Chúa thương xót và đi vào mối tương quan liên vị với Người. Là Dung Mạo Lòng Chúa Thương Xót, Người tỏ bày lòng Chúa thương xót bằng lời rao giảng và việc làm hầu cứu giúp mọi người khỏi muôn hình thức đau khổ do tội lỗi gây nên. Đặc biệt, Người đã đến với những người nghèo hèn, đau khổ để an ủi và giải thoát họ. Người chịu chết trên thập giá với trái tim bị đâm thủng, máu cùng nước chảy ra là hình ảnh cụ thể và rõ nét nhất về lòng Chúa thương xót. Đường của Người trong hành trình trần thế là Đường Lòng Chúa Thương Xót. Ai đi trên Đường này thì được mời gọi luôn mở rộng tâm trí để đón nhận lòng Chúa thương xót, sống trong lòng Chúa thương xót và trở nên khí cụ của lòng Chúa thương xót đối với anh chị em mình.
Có thể bạn quan tâm
Việc phục vụ Chúa nơi người nghèo canh tân Giáo hội
Th1
Đức Thánh Cha Phanxicô: Một Nữ Tu Sẽ Là Chủ Tịch Phủ Thống..
Th1
Thánh Lễ Tất Niên & Đặt Viên Đá Xây Dựng Trung Tâm Mục..
Th1
Nhịp Sống Giáo Hội Việt Nam Số 3: Xuân Yêu Thương
Th1
Tài Liệu Tuần Cầu Nguyện Cho Các Kitô Hữu Hiệp Nhất Năm 2025
Th1
Cáo phó: Ông cố Phaolô – Thân phụ của Sr. Anna Nguyễn Thị..
Th1
Giáo Hạt Đầu Tiên Hành Hương Về Nhà Thờ Chính Tòa Trong Năm..
Th1
Thánh Lễ Khánh Thành Nhà Mục Vụ Giáo Xứ Bàu Sen trong Tuần..
Th1
Đức Cha Louis dâng thánh lễ khai mạc Tuần Chầu Lượt tại Giáo..
Th1
Suy Niệm Chúa Nhật II Thường Niên C: Tiệc Cưới Giao Ước Mới
Th1
TGM-GPHT: Thông Báo Thánh Lễ Tất Niên Giáp Thìn 2024 & Đặt Viên..
Th1
“Xuân Yêu Thương” Khai Sáng Niềm Hy Vọng Tại Giáo phận Hà Tĩnh
Th1
Quý Cha Giáo Hạt Bình Chính Tĩnh Tâm, Gặp Mặt Và Tổng Kết..
Th1
Bài Hát Cộng Đồng Lễ Tất Niên Xuân Ất Tỵ 2025
Th1
Quý Cha Giáo Hạt Kỳ Anh Tĩnh Tâm & Họp Bàn Công Việc..
Th1
Đức cha Louis đến thăm các Trung tâm và Mái ấm trong Giáo..
Th1
Suy niệm mỗi ngày, Tuần I Thường niên, năm lẻ
Th1
Tổng Giám mục Gądecki phê bình kiến nghị cấm trẻ vị thành niên..
Th1
Tổng Thống Biden Trao Tặng Đức Thánh Cha Huân Chương Tự Do
Th1
Nhịp Sống Giáo Hội Việt Nam Số 2
Th1