ĐTC gặp chính quyền, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn tại Đông Timor

315 lượt xem

Chiều ngày 9/9, sau khi nghỉ trưa tại Toà Sứ Thần, lúc 5 giờ 50 chiều giờ địa phương, Đức Thánh Cha di chuyển để Dinh Tổng Thống cách Toà Sứ Thần 1,5km để tham dự nghi thức tiếp đón chính thức, Thăm hữu nghị Tổng thống và gặp giới chức chính trị, đại diện xã hội dân sự và ngoại giao đoàn.

Vatican News

Khoảng 400 đại diện thuộc chính quyền, lãnh đạo tôn giáo, ngoại giao đoàn, các doanh nhân, đại diện xã hội dân sự và văn hoá có mặt trong buổi gặp gỡ với Đức Thánh Cha. Sau lời chào mừng của Tổng Thống Đông Timor, Đức Thánh Cha đã đáp lời bằng một diễn văn, trước hết là lời cảm ơn về “sự chào đón nồng nhiệt và vui tươi đến vùng đất Đông Timor xinh đẹp”.

Vùng đất trù phú và xinh đẹp

Tại đây, Châu Á và Châu Đại Dương chạm nhau và, theo một nghĩa nào đó, chúng gặp Châu Âu, xa xôi về mặt địa lý nhưng lại gần gũi do vai trò của nó ở những vĩ độ này trong năm thế kỷ qua. Trên thực tế, những nhà truyền giáo dòng Đa Minh đầu tiên từ Bồ Đào Nha đã đến đây vào thế kỷ 16, mang theo đạo Công giáo và tiếng Bồ Đào Nha; và ngôn ngữ này cùng với tiếng Tetum ngày nay là hai ngôn ngữ chính thức của Đất nước.

Kitô giáo, sinh ra ở Châu Á, đã đến những nhánh tận cùng này của lục địa thông qua các nhà truyền giáo Châu Âu, chứng tỏ ơn gọi phổ quát của mình và khả năng hòa hợp với các nền văn hóa đa dạng nhất, những nền văn hóa, qua sự gặp gỡ Tin Mừng, sẽ tổng hợp nên một nền văn hóa mới, cao hơn và sâu sắc hơn.

Mảnh đất này được tô điểm bởi núi, rừng và đồng bằng, được bao quanh bởi biển cả tuyệt đẹp, với những gì mà tôi đã có thể thấy, giàu có về nhiều điều, về trái cây phong phú và gỗ quý. Với tất cả những điều đó, mảnh đất này đã trải qua một giai đoạn đau thương trong quá khứ gần đây. Nó đã trải qua những trận giằng co và bạo lực thường xảy ra khi một dân tộc phải đối mặt với việc nền độc lập hoàn toàn và tìm kiếm quyền tự chủ của họ bị từ chối hoặc cản trở.

Hành trình xây dựng đất nước

Nhắc về lịch sử, Đức Thánh Cha nói:
Từ ngày 28 tháng 11 năm 1975 đến ngày 20 tháng 5 năm 2002, tức là từ khi tuyên bố độc lập cho đến khi được khôi phục hoàn toàn, Đông Timor đã trải qua những năm tháng đau khổ và thử thách lớn nhất của mình. Tuy nhiên, đất nước đã có thể trỗi dậy trở lại, tìm ra con đường hòa bình và mở ra cho một giai đoạn mới, hướng tới một giai đoạn phát triển, cải thiện điều kiện sống, trân quý ở mọi cấp độ về vẻ rạng ngời không bị ô nhiễm của lãnh thổ này và của các nguồn tài nguyên thiên nhiên và con người.

Chúng ta tạ ơn Chúa vì khi trải qua một giai đoạn bi thảm như vậy trong lịch sử, quý vị đã không đánh mất niềm hy vọng, và thực tế là sau những ngày đen tối và khó khăn, cuối cùng bình minh của hòa bình và tự do đã xuất hiện.

Để đạt được những mục tiêu quan trọng này, cội rễ đức tin Công giáo của quý vị đã giúp ích thật nhiều, như Thánh Gioan Phaolô II đã nhấn mạnh trong chuyến viếng thăm đất nước của quý vị vào năm 1989. Trong bài giảng tại Tasi-Tolu, ngài đã nhắc lại rằng người Công giáo Đông Timor có “một truyền thống trong đó đời sống gia đình, văn hóa và phong tục xã hội bắt nguồn sâu xa từ Tin Mừng”; một truyền thống “giàu về giáo huấn và tinh thần của các Mối Phúc”, “sự tin tưởng khiêm tốn vào Thiên Chúa, sự tha thứ và lòng thương xót, và khi cần thiết, kiên nhẫn chịu đau khổ trong hoạn nạn” (12 tháng 10 năm 1989).

Về vấn đề này, tôi đặc biệt muốn ghi nhớ và ca ngợi sự dấn thân cần mẫn của quý vị nhằm đạt được sự hòa giải hoàn toàn với anh em Indonesia, một thái độ đã tìm thấy nguồn cội đầu tiên và thuần khiết nhất trong những lời dạy của Tin Mừng. Quý vị đã giữ vững niềm hy vọng ngay cả trong hoạn nạn và nhờ vào bản chất dân tộc và đức tin của mình, quý vị đã biến nỗi đau thành niềm vui! Xin Chúa ban ơn trong các cuộc xung đột khác ở nhiều nơi trên thế giới, ước muốn hòa bình.

Đó cũng là lý do để ngợi khen với lòng biết ơn rằng, nhân kỷ niệm 20 năm nền độc lập của đất nước, quý vị đã nhận Tuyên bố về tình huynh đệ nhân loại mà tôi đã ký cùng với Đại Imam của Al-Azhar vào ngày 4 tháng 2 năm 2019 tại Abu Dhabi làm văn kiện quốc gia. Và quý vị đã làm như vậy để – như chính Tuyên bố mong đợi – nó có thể được áp dụng và đưa vào chương trình giảng dạy ở trường. Đây là điều nền tảng.

Những thương tích hiện tại của đất nước 

Đồng thời, tôi kêu gọi quý vị tiếp tục tin tưởng vào việc xây dựng và củng cố một cách khôn ngoan các thể chế nước Cộng hòa của quý vị, để các công dân cảm thấy được đại diện một cách hiệu quả và họ có đủ khả năng phục vụ Người dân Đông Timor.

Giờ đây, một chân trời mới đã mở ra trước mắt quý vị, không có đám mây đen, nhưng với những thách thức mới phải đối diện và những vấn đề mới cần giải quyết. Đây là lý do tại sao tôi muốn nói với quý vị: ước gì đức tin, vốn đã soi sáng và nâng đỡ quý vị trong quá khứ, tiếp tục truyền cảm hứng cho hiện tại và tương lai của quý vị. “Ước mong đức tin của anh chị em trở thành văn hóa của anh chị em!”; nghĩa là, nó truyền cảm hứng cho các tiêu chuẩn, dự án và lựa chọn theo Tin Mừng.

Trong số những vấn đề hiện tại, tôi nghĩ đến hiện tượng di cư, vốn luôn là dấu hiệu cho thấy sự đánh giá không đầy đủ hoặc không đúng mức về nguồn lực; cũng như khó khăn trong việc cung cấp cho mọi người một công việc có mức lương công bằng và đảm bảo cho các gia đình có thu nhập tương ứng với nhu cầu cơ bản của họ.

Tôi nghĩ đến tình trạng nghèo đói hiện diện ở nhiều vùng nông thôn, và do đó cần có hoạt động tập thể trên phạm vi rộng liên quan đến nhiều lực lượng và trách nhiệm riêng biệt, dân sự, tôn giáo và xã hội, để khắc phục tình trạng đó và đưa ra những giải pháp thay thế hợp lý cho việc di cư.

Tôi nghĩ đến những gì có thể được coi là vết thương xã hội, chẳng hạn như việc giới trẻ sử dụng rượu quá mức và việc họ thành lập các băng đảng, nơi đó, nhờ kiến ​​thức về võ thuật, thay vì sử dụng nó để phục vụ những người không có khả năng tự vệ, họ lại sử dụng nó như là cơ hội để thể hiện sức mạnh bạo lực phù du và có hại. Và đừng quên nhiều trẻ em và thanh thiếu niên bị xúc phạm phẩm giá: tất cả chúng ta được kêu gọi hành động một cách có trách nhiệm để ngăn chặn tệ nạn xã hội này và đảm bảo sự phát triển hòa bình cho con cái chúng ta.

Để giải quyết những vấn đề này, cũng như để quản lý tối ưu các nguồn tài nguyên thiên nhiên của đất nước – chủ yếu là trữ lượng dầu khí, có thể mang lại những khả năng phát triển chưa từng có – điều cần thiết là phải chuẩn bị đầy đủ, với sự đào tạo phù hợp, những người sẽ được kêu gọi trở thành giai cấp lãnh đạo đất nước trong một tương lai không xa. Do đó, họ sẽ có thể sử dụng tất cả các công cụ cần thiết để phác thảo một dự án có phạm vi rộng, vì lợi ích chung.

Giáo hội đưa ra học thuyết xã hội của mình làm nền tảng cho quá trình đào tạo này. Nó tạo thành một trụ cột không thể thiếu, để xây dựng kiến ​​thức cụ thể và luôn cần phải dựa vào đó, để xét xem liệu những việc thu nhận thêm như thế có thực sự có lợi cho sự phát triển toàn diện hay không, khi nó trở thành một chướng ngại, tạo ra sự mất cân bằng không thể chấp nhận được và một lượng lớn bị loại bỏ, bị bỏ ra bên lề.

Nhìn về tương lai với sự tin tưởng và hy vọng

Tuy nhiên, thật không thiếu những vấn đề – như trường hợp của mọi người và mọi thời đại – tôi mời gọi quý vị hãy tin tưởng và duy trì cái nhìn đầy hy vọng về tương lai.

Quý vị là một dân tộc trẻ, không phải vì nền văn hóa và sự định cư của quý vị trên vùng đất rất cổ xưa này, mà vì thực tế là khoảng 65% dân số Đông Timor dưới 30 tuổi. Dữ liệu này cho chúng ta biết rằng đối với quý vị lĩnh vực đầu tiên cần đầu tư là giáo dục. Một nền giáo dục đặt trẻ em và giới trẻ làm trung tâm và đề cao phẩm giá của họ. Sự nhiệt tình, tươi mới, hướng tới tương lai, lòng dũng cảm, sự tháo vát đặc trưng của người trẻ, kết hợp với kinh nghiệm và sự khôn ngoan của người lớn tuổi, tạo thành một sự pha trộn đáng mong đợi về tri thức và động lực quảng đại hướng tới ngày mai. Cùng với nhau, lòng nhiệt tình và sự khôn ngoan này là một nguồn tài nguyên tuyệt vời và không cho phép sự thụ động hay bi quan.

Giáo hội Công giáo, học thuyết xã hội, các tổ chức hỗ trợ và bác ái cho người nghèo, các tổ chức giáo dục và chăm sóc sức khỏe đang phục vụ mọi người và cũng là một nguồn tài nguyên quý giá, giúp chúng ta nhìn về tương lai với đôi mắt đầy hy vọng. Về vấn đề này, sự dấn thân của Giáo hội đối với lợi ích chung cần có được sự hợp tác và hỗ trợ của Nhà nước, trong khuôn khổ mối quan hệ thân thiết được phát triển giữa Giáo hội và Cộng hòa Dân chủ Đông Timor, theo Thỏa thuận giữa các Bên có hiệu lực vào ngày 3 tháng 3 năm 2016.

Đông Timor, quốc gia biết đối diện với những thời khắc đau khổ to lớn bằng quyết tâm kiên nhẫn và chủ nghĩa anh hùng, ngày nay sống như một quốc gia hòa bình và dân chủ, dấn thân xây dựng một xã hội huynh đệ, phát triển quan hệ hòa bình với các nước láng giềng trong bối cảnh cộng đồng quốc tế. Nhìn vào quá khứ gần đây của quý vị và những gì đã đạt được cho đến nay, người ta có lý do để tin tưởng rằng Quốc gia của quý vị cũng sẽ có khả năng giải quyết những khó khăn và vấn đề ngày nay một cách thông minh và sáng tạo.

Tôi phó thác Đông Timor và tất cả người dân của đất nước cho sự bảo vệ của Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, Đấng bảo trợ trên trời được khẩn cầu với danh hiệu Virgem de Aitara. Xin Mẹ luôn đồng hành và trợ giúp quý vị trong sứ mạng xây dựng một đất nước tự do, dân chủ và liên đới, nơi không ai cảm thấy bị loại trừ và mọi người có thể sống trong hòa bình và phẩm giá. Deus abençoe Timor-Leste! Maromak haraik bênção ba Timor-Lorosa’e! Xin Chúa chúc lành cho Đông Timor!

Cuối buổi gặp gỡ, sau khi trao đổi quà và chụp hình lưu niệm, Đức Thánh Cha đi ra cổng chính của Dinh Tổng Thống, tại đây ngài chúc lành cho khoảng 1000 người gồm gia đình và nhân viên của Dinh Tổng Thống.

Sau đó, ĐTC trở lại Toà Sứ Thần để nghỉ đêm, kết thúc ngày thứ nhất chuyến viếng thăm tại Đông Timor.

Nguồn: vaticannews.va

Có thể bạn quan tâm