Đồng Tâm, nhưng tâm bất an

1717 lượt xem

Giữa những bạo động đang diễn ra, thông điệp hòa bình của Đức Thánh Cha Phanxicô khơi dậy một tinh thần hy vọng Ki-tô giáo.

Năm mới 2020 vừa bước sang vài nhịp, chúng ta đã đón những cuồng phong thông tin với một màu u ám. Cháy rừng ở Úc, nguy cơ đụng độ chiến tranh giữa Mỹ và Iran. Ngày hôm qua, tám người Việt di cư bất hợp pháp chết trong lửa ở Moscow không một lời status đưa tiễn. Và hôm nay, lại có người Việt chết bởi người Việt ở vùng đất có cái tên trớ trêu: Đồng Tâm.

Tháng 4 năm 2017, lứa sinh viên năm thứ 3 Khoa Báo chí chúng tôi sôi sục vụ Đồng Tâm. Theo thói quen, tôi vẽ vòng tròn ở giữa tờ giấy A3 với các từ khóa. Rẽ sang các nhánh theo phong cách đồ họa là những bài vở, tin ảnh phân tích sự việc. Tôi gom thông tin, từ những trang chính thống đến những trang bị cho là phản động. Quan sát những hướng đi và góc nhìn trái ngược nhau, tôi để ý đến chữ Đồng Tâm. Đồng Tâm nhưng tâm lại bất đồng, tôi thở ra một nỗi buồn man mác.

Chúng ta đang sống trong một xã hội thực sự bất đồng lẫn bất công. Ở đó, chúng ta ngụp lặn trong một mạng lưới truyền thông bất đồng lẫn bất an. Dưới góc nhìn này, tôi không đi sâu vào sự việc Đồng Tâm bởi bản chất của nó quá phức tạp và nằm ngoài khả năng tiếp cận thông tin cá nhân. Tôi chỉ muốn nhân đây ghi lại những phản ứng cá nhân trước những chiều thông tin đang làm cho tâm mình không còn đứng vững, và điểm lại những sứ điệp hòa bình của Đức Thánh Cha trong những năm vừa qua

“Peace in oneself, peace in the world” – Bình an tự nơi mỗi người, bình an cho thế giới. Câu nói trên do Thiền sự Thích Nhất Hạnh viết. Theo lối đạo Phật, bình an ở nội tại mỗi cá nhân và mỗi cá nhân bình an kiến tạo một thế giới hòa bình. Còn theo tinh thần Ki-tô giáo, bình an phát xuất từ Thiên Chúa cùng với sự cộng tác của con người. Chúa Giê-su đến để đem bình an. Vậy, lối đi của người Ki-tô hữu giữa xã hội bất đồng này chính là hướng đi xuất phát từ Thiên Chúa, và con người được mời gọi dấn thân cộng tác vào công trình này của Thiên Chúa.

Sứ điệp hoà bình của Đức Thánh Cha trong những năm vừa qua:

Năm 2014, Tình huynh đệ: Nền tảng và hướng đi đến bình an. Đức Thánh Cha nói, nếu không có tình huynh đệ, chúng ta chẳng thể nào xây dựng nên xã hội công chính, một hòa bình vĩnh cửu và vững chãi. Tình huynh đệ ở đây hiểu là liên đới giữa con người trong cộng đồng sống. Gia đình chính là giếng sâu, nguồn của tình huynh đệ.

Người Kitô hữu được mời gọi để tạo hình cho một cộng đồng mà nơi đó, chúng ta là anh chị em của nhau. Nơi đó, chúng ta chấp nhận, đón tiếp những người bị bỏ rơi, bị gạt ra sang bên lề xã hội được đánh dấu bởi “toàn cầu hóa của sự khác biệt”.

Năm 2015, Chấm dứt tình trạng nô lệ để đi đến nhìn nhận anh chị em của nhau.

Năm 2016, Vượt qua những khác biệt, hướng đến hòa bình.

Năm 2017, Bất bạo động: phong cách của nền chính trị vì hòa bình. Ngài nói, bạo động không phải là toa thuốc cứu chữa thế giới rạn vỡ này. Bạo lực không chỉ ở những cuộc chiến nhưng từ chính con tim mỗi người, từ lời nói và từ hành động.

Năm 2018, Di cư và tị nạn: Đoàn người đi tìm hòa bình. Ngài nói về tính “liên quan” giữa tình trạng di cư toàn cầu đang diễn ra. Những người di cư là nạn nhân của chính trị bất công, chiến tranh, nghèo đói và thiên tai môi trường. Hãy mở rộng đón tiếp. Đón tiếp ở đây còn được hiểu là mở rộng những cách thức nhập cư hợp pháp cho mọi người.

Năm 2019, Nền chính trị đúng đắn là phục vụ vì hòa bình. Đó cũng là một nền chính trị tôn trọng, cổ vũ nền tảng về nhân quền. Ngài nói, hòa bình với chính bản thân, với người khác và với thụ tạo.

Tới thềm 2020, Ngài chia sẻ trong thánh lễ đầu năm và trong sứ điệp hoà bình rằng: Hòa bình là cuộc lữ hành hy vọng. Chiến tranh nảy sinh từ lòng của người bị ô nhiễm bởi sự ích kỷ, kiêu ngạo và căm thù người khác. Và để xây dựng hoà bình, “thế giới không cần những lời sáo rỗng nhưng cần những nhân chứng thuyết phục, những nghệ nhân của hoà bình mở ra để đối thoại mà không loại trừ hay thao túng.”

Trước những bạo lực đã và đang diễn ra tại Đồng Tâm hay ở những điểm chưa được nhắc đến, chúng ta cùng tham gia vào những bước đi hy vọng mà Đức Thánh Cha đã nhắn gởi trong những năm qua. Và trong mỗi Thánh lễ, mầu nhiệm Phục Sinh lại khơi dậy niềm hy vọng vun trồng bình an. Hòa bình không nằm ở những cờ quạt, khẩu hiệu tung bay hay nhạt nhòa trong bụi mịn. Hòa bình cần xuất phát trước hết từ bình an nội tâm trong tình liên đới, đối thoại lẫn nhau.  

Đồng Tâm ơi, xin được tâm an!

An Duyên

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận