ĐHY Phêrô Nguyễn Văn Nhơn ban huấn từ trong Khóa học “Lãnh đạo Phục vụ” năm thứ 5 do Huynh Trưởng Nghĩa Sinh đảm trách tại Tổng Giáo phận Hà Nội

1023 lượt xem

Tuần qua, Đức Hồng y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn (ĐHY) đã đến huấn đức cho các ứng sinh và tiền chủng sinh cùng ban huấn từ trong Khóa học “Lãnh đạo Phục vụ” năm thứ 5 do Huynh Trưởng Nghĩa Sinh đảm trách tại Nhà Ứng sinh Thánh Gioan thuộc Tổng Giáo phận Hà Nội. Sau phần huấn từ, các ứng sinh, tiền chủng sinh và tham dự viên Khóa học Lãnh đạo Phục vụ V đã kính lời chúc Tết ĐHY và mời ngài ở lại dự tiệc tất niên với quý Cha Giám đốc và Phó Giám đốc cùng quý thầy trong ban giảng huấn.

KHÓA “LÃNH ĐẠO PHỤC VỤ” NĂM THỨ V

Linh mục Giuse Đỗ Văn Tuyến, Giám đốc Nhà Ứng sinh và Tiền Chủng viện (NUS & TCV), đã giới thiệu với ĐHY hai nhà giáo từ Hoa Kỳ đã nhiệt tình gắn kết với Ban Giám đốc NUS & TCV trong việc tổ chức và điều hành các Khóa học “Lãnh đạo Phục vụ” trong 5 năm qua. Đó là Thầy Richard Darga, Tiến sĩ Giáo dục – đương kim Khoa trưởng Giảng huấn và Thư viện tại Đại học Công lập Chicago. Tiếp đó là Thầy Giuse Nguyễn Trung Hiếu, Tiến sĩ Giáo dục Sư phạm và Tiến sĩ Lãnh Đạo học – đương kim Giám đốc Chương trình Thạc sĩ Lãnh đạo Cộng đoàn tại Đại học Công lập Chicago.

Mỗi năm, “Tới hẹn lại về” – các thầy đã giữ rất đúng hẹn để về giúp các ứng sinh và tiền chủng sinh theo học các khóa “Lãnh đạo Phục vụ” với 5 chủ đề khác nhau liên tục trong 5 năm qua. Các thầy tự nguyện từ chối lương bổng, quà tặng, chi phí di chuyển, vé máy bay quốc tế và quốc nội – để chỉ dành tất cả thời giờ tập trunng vào chương trình đào tạo khiêm tốn, linh hoạt, sáng tạo. Ngoài ra, các thầy còn giúp các học viên có sách học; tham dự trắc nghiệm nhân cách; tự khám phá sở trường và giới hạn cá nhân; và tìm hiểu về phong cách lãnh đạo đặc thù của mỗi người.

HUẤN TỪ CỦA ĐHY PHÊRÔ

Mở đầu bài huấn từ, ĐHY mời gọi mọi người cùng lắng nghe ba điều ngài muốn chia sẻ trong buổi hội diện hôm nay, đó là (1) Tầm mức quan trọng của việc đào tạo linh mục; (2) Những ước mong của Giáo hội trong việc đào tạo; và (3) Tạ ơn Chúa về sự tiếp tay của giáo dân trong sứ vụ đào tạo.

1. Giáo hội luôn luôn xem việc đào tạo linh mục là sứ vụ quan trọng nhất của Giáo Hội vì đào tạo là tương lai. Nhìn chương trình đào tạo một giáo phận là có thể đoán biết tương lai của giáo phận đó. Đào tạo không dừng lại ở các bài thi cử hay sau thụ phong. Nó là một tiến trình sư phạm tiệm tiến về bồi dưỡng và thường huấn – vừa về kỹ năng và nghệ thuật phục vụ cộng đoàn, vừa về kỹ năng và nghệ thuật lãnh đạo cộng đoàn. Đức Thánh Cha Phanxicô rất lưu tâm đến việc đào tạo linh mục vì đào tạo và thường huấn linh mục là một chiều kích căn bản của đời sống Giáo Hội.

2. Đã từ lâu, Giáo Hội mời gọi sự cộng tác của giáo dân trong việc đào tạo vì có rất nhiều chuyên ngành Giáo Hội ít có hay không có (như y học, khoa học, kỹ thuật, sư phạm, luật học). Nhiều giáo phận đã đề xướng phát huy chương trình này nhưng chưa thành công. Ở các nước Âu Mỹ, giáo dân chuyên ngành đã giảng dạy trong các chủng viện nhiều môn học – kể cả những môn học mà người đời thường nghĩ rằng chỉ có linh mục mới dạy được những môn đó (như môn Triết học, Thần học, hay Kinh thánh).

3. Như đã trình bày, Giáo Hội mời gọi và chào đón sự hợp tác của giáo dân trong lĩnh vực chuyên ngành. Việc điều hành một giáo xứ ngày nay không còn đơn giản như trước. Nó đòi hỏi người mục tử phải biết những chuyên môn cần thiết về quản lý, quản trị và lãnh đạo; về hành chính, tài chính và nhân sự. Tóm lại, xin tạ ơn Chúa đã gửi đến giáo phận chúng tôi hai giáo dân tốt lành – đó là Thầy Giuse và Thầy Richard. Hai thầy đã kiên cường phục vụ Chúa liên tục trong gần một thập kỷ qua (2011-2020).

Tóm lại, chương trình đào tạo là một gạch nối liên kết cân đối các tiêu chí giáo dục về nhân bản, tâm linh, tri thức, mục vụ. Xin được tóm kết bài huấn từ của ĐHY bằng minh họa sau đây.

TIÊU CHÍ ĐÀO TẠO TU SĨ & GIÁO SĨ

Theo tài liệu, Ratio Fundamentalis Institutionis Sacerdotalis, đã được Thánh Bộ Giáo sĩ công bố ngày 8 tháng 12 năm 2016, chúng ta tạm thời diễn giải như sau:

1. SQ = Thông minh Tinh thần hay Tâm linh (Spiritual Intelligence). Linh mục không phải là một nhà tổ chức sự kiện tôn giáo hay là một công chức phu trách việc linh thánh, nhưng là môn đệ yêu dấu của Chúa, trong đó sứ vụ và đời sống linh mục được thiết lập trên sự thân mật với Chúa.

2. EQ = Thông minh Tình cảm hay Nhân bản (Emotional Intelligence). Hơn ai hết, linh mục phải biết đồng cảm, thương cảm và thấu cảm. Đối với giáo dân, linh mục rất đáng yêu và đáng mến. Họ biết tươi cười trong giao tiếp, hành động trung thực, chính trực và minh bạch. Linh mục linh hoạt trong gương sống đạo và kiên định trong phong cách sống Lời Chúa giũa muôn dân…

3. IQ = Thông minh Lý trí hay Tri thức (Intellectual Intelligence). Linh mục cần sáng suốt trong phân định. Họ biết phân tích, tổng hợp, nhận định và đưa những quyết định thông minh và công minh.

THÔNG MINH TINH THẦN HAY TÂM LINH

Theo Tiến sĩ Stephen Covey và nhiều nhà nghiên cứu khác, Thông minh Tinh thần (SQ) đóng một vai trò chủ động và sống động trong đời sống con người.

Thông minh Tinh thần hay Tâm linh là trung tâm và cơ bản nhất trong tất cả các loại thông minh, bởi vì nó trở thành nguồn hướng dẫn cho những thông minh khác.”

“Spiritual intelligence is the central and most fundamental of all the intelligences, because it becomes the source of guidance for the others.”

Vì vậy, Thông minh Tinh thần hay Tâm linh (SQ) là tổng hợp của các thông minh khác (IQ & EQ).

SQ = IQ + EQ

GƯƠNG LÃNH ĐẠO BẢN LĨNH KIÊN TRUNG

Xin được trích dẫn lời phát biểu của Đức cha Lôrensô Chu Văn Minh sau đây như là phần kết luận bài tường trình về việc đào tạo tu sĩ và giáo sĩ cùng với những gương sáng sống động của những vị chủ chăn thánh thiện và gương mẫu của chúng ta.

“Ngài [ĐHY Phêrô Nguyễn Văn Nhơn] là một vị lãnh đạo có bản lĩnh kiên trung, người thầy đức tin trung thành. Ngài đã hoàn thành trách nhiệm của mình một cách giản dị, âm thầm. Điều nổi nhất nơi ngài là lòng nhân hậu. Ai ở gần ngài đều nhận thấy nơi ngài là người từ ái, khoan dung, không lên án những kẻ yếu đuối về thể lý cũng như tinh thần. Ngài không nỡ ‘tắt tim đèn còn khói, bẻ gãy cây sậy đã dập’.”  + Đức cha Lôrensô Chu Văn Minh.

Đoàn Nhân Ái

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận