Đâu là vai trò của một Hồng Y?

1956 lượt xem

ĐÂU LÀ VAI TRÒ CỦA MỘT HỒNG Y?

Nhật Báo La Croix

Nếu vai trò của họ trong mật nghị bầu Giáo hoàng được nhiều người biết đến, thì những sứ mạng khác của các Hồng y ít được biết đến hơn. Đâu là những chức năng của 116 Hồng y hiện tại, vốn sẽ có thêm 21 tân Hồng y vào ngày 30/9/2023?

Hãy nhận lấy mũ đỏ như dấu hiệu phẩm giá của bậc hồng y, cho thấy hiền đệ sẵn sàng hành động cách can đảm, đến chỗ đổ máu, vì sự tăng trưởng của đức tin Kitô giáo, vì hòa bình và sự hài hòa của dân Thiên Chúa và vì sự tự do và phát triển của Hội Thánh Rôma.” Chính bằng những lời này mà Đức Thánh Cha tấn phong một Hồng y.

Nơi xuất thân của các ngài diễn tả tính phổ quát của Giáo hội, vốn tiếp tục loan báo tình yêu thương xót của Thiên Chúa cho tất cả mọi người trên Trái đất”, Đức Thánh Cha đã tuyên bố như thế vào ngày 9/7/2023, tại quảng trường thánh Phêrô, khi thông báo việc tấn phong 21 tân Hồng y.

Nguồn gốc của từ “Hồng y” (Cardinal) xuất phát từ tính từ tiếng Latinh “cardinalis”, và chính từ này bắt nguồn từ từ “cardo”, có nghĩa là “cột trụ”: vào những thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo, người ta chỉ như thế các giáo sĩ gắn bó với một giáo xứ hay một tác vụ phục vụ, một thuật ngữ vẫn còn để chỉ hàng giáo sĩ của giáo phận Rôma mà thôi.

Do đó, sứ mạng đầu tiên của một Hồng y là rõ ràng: nó được thể hiện qua phẩm phục màu đỏ đặc trưng của ngài: dâng hiến cuộc sống mình cho Tin Mừng, dù phải trả giá bằng mạng sống. Sứ mạng của các ngài không chỉ giới hạn trong sự dấn thân này vì Giáo hội.

Trước hết, sứ mạng chính của các Hồng y là đại diện cho cộng đồng Công giáo Rôma mà Đức Thánh Cha là Giám mục. Vì thế, các ngài được chia thành ba phẩm trật: phó tế, linh mục và giám mục. Mỗi Hồng y được chỉ định một nhà thờ hiệu tòa trong giáo phận Rôma. Đức Phanxicô, khi thông báo tấn phong các tân Hồng y vào ngày 9/7, đã nhấn mạnh: “Việc bổ nhiệm các tân Hồng y vào Giáo phận Rôma biểu lộ mối liên hệ không thể tách rời giữa ngai tòa Phêrô và các Giáo hội địa phương trên khắp thế giới.

Trợ giúp Đức Thánh Cha trong sứ mạng của ngài

Như Đức Thánh Cha giải thích trong Hội nghị tấn phong Hồng y, “chúng ta sẽ kêu gọi một số anh em của chúng ta gia nhập Hồng y đoàn, để họ kết hợp với Ngai Tòa Phêrô bằng một mối liên hệ chặt chẽ hơn với sứ vụ tông đồ của chúng ta”. Nói cách khác, các Hồng y được mời gọi trở thành những cộng tác viên đầu tiên của Đức Thánh Cha. Bộ Giáo luật 1983 cho thấy ý nghĩa này: “Các Hồng y cũng trợ giúp Đức Thánh Cha bằng hành động mang tính hiệp đoàn khi các ngài được triệu tập để cùng bàn luận những vấn đề quan trọng, hoặc với tính cách cá nhân bằng cách giúp Đức Giáo hoàng Rôma qua những nhiệm vụ khác nhau mà các ngài đang đảm nhận, nhất là qua việc chăm lo hằng ngày cho Giáo hội phổ quát” (điều 349).

Sứ mạng này được tuân giữ đặc biệt ở cấp Giáo triều Rôma. Quả thế, một số vị trí – ít nhất là trên lý thuyết – tự động được gắn liền với chức Hồng y. Chẳng hạn, đó là  trường hợp đối với Quốc vụ khanh Tòa Thánh và Tổng trưởng của các Bộ. Các Hồng y khác trên thế giới cũng thực thi chức năng này bằng cách trợ giúp cho công việc của các Bộ mà Đức Thánh Cha đã chỉ định các ngài làm thành viên hay cố vấn.

Các Hồng y cử tri hay không

Ngoài ra, các Hồng y có thể “đại diện trong một buổi cử hành long trọng hay trong một hội nghị với tư cách là đặc sứ của Đức Giáo hoàng, tức là như một bản ngã khác của ngài”. Đó là trường hợp của Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, đã dẫn đầu phái đoàn Vatican ở hội nghị thượng đỉnh COP26 vào tháng 9/2021 ở Glasgow (Scotland).

Tất cả các Hồng y có thể thực hiện tất cả các sứ mạng này. Nhưng có một sứ mạng khác, có lẽ là quan trọng nhất, liên quan đến những vị dưới 80 tuổi: sứ mạng tham gia và bỏ phiếu trong mật viện bầu tân Giáo hoàng.

Quy định này là tương đối gần đây, vì nó chỉ được đưa ra vào năm 1970 bởi Đức Phaolô VI. Ngài giải thích trong Tự sắc “Ingravescentem aetatem”: “Đối với chúng ta, dường như thiện ích vượt trỗi của Giáo hội đòi hỏi phải tính đến vấn đề tuổi già”.

Vào thời điểm đó, quyết định này đã được các Hồng y trên 80 tuổi chấp nhận rất khó khăn. Cần lưu ý rằng một Hồng y đạt tới độ tuổi này trong thời gian mật viện có thể ở lại và tiếp tục bỏ phiếu cho đến khi có kết quả.

Được Đức Thánh Cha chọn, các Hồng y vẫn hoàn toàn thuộc quyền quyết định của ngài: ngài có thể yêu cầu các ngài từ bỏ tước vị hoặc các đặc quyền của các ngài.

Ai có thể trở thành Hồng y?

Trong một thời gian dài, mặc dù đại đa số được tấn phong từ các linh mục, nhưng mọi người nam đều có thể được phong Hồng y. Vị Hồng y giáo dân cuối cùng là Teodolfo Mertel người Ý (1806-1899), người đã thực thi một số chức năng trong Giáo triều Rôma và tương đương với bộ trưởng Bộ Tư pháp của các Nhà nước Giáo hoàng cho đến khi ông được phong Hồng y vào tháng 3/1858 bởi Đức Piô IX. Ông được phong chức Phó tế một vài tuần sau khi được phong Hồng y, nhưng chưa bao giờ là linh mục. Từ năm 1917, việc thụ phong linh mục được đòi hỏi. Thông thường, các Hồng y thậm chí phải là Giám mục và một số do đó nhận được cấp bậc thứ ba của phẩm trật một ngày trước khi họ được tấn phong Hồng y.

Đức Thánh Cha cũng có thể chọn (đặc biệt để bảo vệ người được phong Hồng y khi ngài đến từ một nước nơi Giáo hội bị bách hại) tấn phong một Hồng y “in pectore” (trong tâm hồn của mình), nghĩa là giữ bí mật tên của vị đó. Khi tên của vị đó được công khai, vị Hồng y này sẽ tìm thấy chỗ đứng của mình trong Hồng y đoàn kể từ ngày được giữ trước (reservatio). Nhưng có thể xảy ra trường hợp Đức Giáo Hoàng qua đời mà tên của vị được chọn không được biết đến, kể các chính vị đó (điều này đã xảy đến đối với vị Hồng y được phong “in pectore” vào năm 2003 bởi Đức Gioan-Phaolô II).

Hồng y đoàn là gì?

Hồng y đoàn thường được coi như “Thượng viện của Giáo hội”. Trên thực tế, các Hồng y trước hết có sứ mạng tư vấn cho Đức Thánh Cha trong vai trò điều hành Giáo hội hoàn vũ. Một sứ mạng mà các Hồng y đảm nhận từ rất sớm: từ thế kỷ IV, hàng giáo sĩ Rôma đã được gắn liền với các quyết định của Giám mục Rôma, đặc biệt khi ngài được thỉnh cầu quyết định các vấn đề do các Giám mục khác đệ trình. Do đó, các Đức Giáo Hoàng đã có thói quen tập hợp các linh mục và phó tế của Rôma lại với nhau trong một hội nghị (xuất phát từ consistorium, vốn chỉ hội đồng của các hoàng đế Rôma).

Với Đức Urbanô II (1088-1099), hội nghị này, lúc đó chỉ quy tụ các Hồng y – linh mục, vượt lên trên Công nghị của giáo phận Rôma và trở thành nơi quyết định thực sự. Chính từ đó mà chúng ta có thể nói về Hồng y đoàn với tư cách là một cơ quan thực sự được tạo nên. Nó được tổ chức dần dần: vào năm 1245,  ở công đồng Lyon, các Hồng y được phép đội mũ (bị xóa bỏ vào năm 1969) trong khi vào năm 1291, Đức Boniface VIII ban cho các ngài chiếc áo soutane màu đỏ. Cuối cùng, vào năm 1464, các ngài được đặc ân đội mũ barrette, dấu hiệu đặc biệt của các tiến sĩ thần học.

Với cuộc cải cách to lớn của Đức Sixtô V, vào năm 1588, và việc thành lập ở Giáo triều các bộ khác nhau do một Hồng y – Tổng trưởng đứng đầu, các Hồng y xuất hiện như những cộng tác viên cá nhân của Đức Thánh Cha nhiều hơn, hội nghị Hồng y quy tụ định theo giai đoạn hơn và được dành riêng cho các dịp đặc biệt.  Phải đợi đến Đức Gioan-Phaolô II, rồi  Đức Bênêđíctô XVI, để thấy vai trò của hội nghị Hồng y khôi phục giá trị thông qua các cuộc họp khoáng đại của Hồng y đoàn dành cho những vấn đề quan trọng mà Đức Thánh Cha muốn lấy ý kiến của các Hồng y. Đó là trường hợp vào năm 2022, khi Đức Phanxicô mời các ngài tham dự hai ngày suy tư về Tông hiến về việc cải cách Giáo triều, Praedicate Evangelium, được công bố vào ngày 19/3/2022.

Hồng y đoàn bao gồm ba phẩm trật: giám mục, linh mục và phó tế. Được chủ trì bởi một “niên trưởng” mà không phải là người lớn tuối nhất trong các Hồng y, nhưng là một trong các Hồng y – giám mục, được chọn bởi các đồng sự của mình rồi được Đức Thánh Cha bổ nhiệm (hiện nay là Đức Hồng y Giovanni Battista Re, người Ý) và được hỗ trợ bởi một phó niên trưởng (hiện nay là Đức Hồng Y Leonardo Sandri, người Argentina). Các Hồng y lớn tuổi nhất của mỗi phẩm trật (Hồng y trưởng đẳng linh mục và Hồng y trưởng đẳng phó tế) cũng có những trách vụ đặc biệt: chẳng hạn, chính Đức Hồng y trưởng đẳng phó tế công bố tên của Đức tân Giáo hoàng.

 Tý Linh
(theo nhật báo La Croix)
Nguồn: xuanbichvietnam.net (10.07.2023)

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận