Đạo đức và sự tuân phục Giáo Hội

1551 lượt xem

Giáo hội có nhiệm vụ bảo vệ và hướng dẫn đời sống Đức tin cho con cái. Với ơn soi sáng, Giáo hội biết phải làm gì và làm như thế nào trong mỗi thời điểm cần thiết. Tình hình của Giáo hội Việt Nam đã có những hiện tượng lo ngại, nên HĐGM VN 2019 đã có văn thư gửi cộng đồng dân chúa với lời: “Trong Hội nghị thường niên kỳ I-2019 của Hội đồng Giám mục Việt Nam, chúng tôi đã nhận được những thông tin, thắc mắc, kể cả những lời than phiền và phê phán về một số sự việc liên quan đến cử hành Phụng vụ và các thực hành đạo đức tại nơi này, nơi khác. Nay, với trách nhiệm mục tử, chúng tôi gửi thư này đến anh chị em, để đồng hành và giúp anh chị em sống đức tin một cách đúng đắn theo giáo huấn của Hội Thánh.”

Nhưng xem ra ít người biết, chẳng mấy ai quan tâm, càng chẳng mấy ai học hỏi. Trong khi đó trên mạng, nhất là mạng xã hội được đa số công chúng tiếp cận, xảy ra rất nhiều chuyện tranh cãi trái chiều, người bênh kẻ chống, gây ra nhiều xáo trộn, xúc phạm đến nhau, đến đấng bản quyền trong Giáo hội. Thiết nghĩ nếu mỗi người biết lắng nghe và học hỏi thư của HĐGM, sẽ hiểu được vấn đề, nhận ra đâu là sự thật để biết mình cần phải có thái độ và sống Đức tin như thế nào.

Giáo Hội của sự tuân phục Đức Kitô

Giáo hội luôn dựa vào Kinh Thánh – Lời Thiên Chúa – phác họa hình ảnh của Đức Kitô để đưa ra một mẫu chung nhất, giống hình ảnh của Người nhất, đó là HIỀN LÀNH VÀ KHIÊM NHƯỜNG, được xuất phát bởi tình yêu trong sự tuân phục Thánh ý Thiên Chúa. Vâng lời Giáo hội chính là mẫu gương Đức Kitô đã vâng lời Chúa Cha qua thái độ Hiền Lành và Khiêm nhường của Người. Bởi vậy ai vâng lời Giáo hội là vâng lời Đức Kitô, ai chống hoặc không vâng lời là phản lại Đức Kitô, không có ngoại lệ cho vấn đề này. Qua Giáo hội, Nhiệm Thể của Đức Kitô, mới có ân sủng, mới có sự thánh thiện, có phúc lộc, sự tha thứ và được ơn cứu rỗi.

Người ta dựa vào đủ lý do để không vâng lời hoặc lách luật và những quy định của Giáo hội, nào là hoàn cảnh, sự khôn ngoan, sự sáng tạo độc đáo, giải thích Kinh thánh thuận ý mình, thử nghiệm cho một hoạt động gọi là khả quan nhất được nhiều người ca tụng, cho mình có đặc sủng ngoại thường…, từ đó dẫn đến những chê bai, bất tuân phục đấng bản quyền. Một lý do cũng thường xảy ra khi thấy bề trên không giỏi, không thánh thiện – như mình nghĩ – hoặc có những khuyết điểm, từ đó sinh ra coi thường, cho rằng bề trên thiếu sáng suốt, sai lầm nên không còn muốn tuân phục nữa. Một khi luôn nghi ngờ về khuyết điểm bề trên hay vết đen nào đó trong lịch sử Giáo hội để không muốn tuân phục, lúc này là khởi sự cho một khủng hoảng về tâm linh, dẫn đến nhiều lầm lạc thật nguy hiểm. Mặt khác, nếu không có tinh thần tuân phục thì Giáo hội cũng không còn sự thánh thiện nữa và cũng chẳng thể tồn tại.

Giáo hội, đấng bản quyền hoặc bề trên – không phải là cá nhân đơn lẻ – ngoài tinh thần trách nhiệm, sự hiểu biết và kinh nghiệm tâm linh, ơn soi sáng theo chức vụ, còn có các ban, hội đồng tư vấn và những hệ thống liên đới trách nhiệm, giữa hàng ngang và hàng dọc để làm việc, để đưa ra những quyết định quan trọng trong mọi lãnh vực của Giáo hội, dù đó là Đức thánh cha, Hồng y, Giám mục, người đặc trách hay vị bề trên nào đó. Điều này có ý nghĩa cả về mặt Giáo hội Cơ cấu và Giáo hội Huyền nhiệm – nhiệm thể và hiền thê của Đức Kitô. Vì vậy nó hiệu quả và có giá trị quan trọng trong lãnh vực ban bố, ra lệnh, buộc những người nằm trong Giáo hội phải tuân theo. Hội Thánh là Mẹ – hiền thê của Đức Kitô – có quyền và bổn phận phải săn sóc con cái của Người, do đó người con cần hiểu và thương yêu Mẹ của mình, nếu người con chỉ thích xăm xoi phê phán đúng sai về Mẹ thì người con đó quả là có vấn đề. Yêu mến, tin tưởng, vâng lời, cảm thông là điều quan trọng và cần thiết của người con đối với Mẹ của mình – hiền thê Đức Kitô.

Giáo hội, đấng bản quyền có đủ hiểu biết và ơn ban trong khi thi hành chức vụ, nên dễ nhận ra đâu là Thánh ý Thiên Chúa, nhận ra Thần khí Thiên Chúa, Thần khí thế gian và con người, Thần Khí của ma quỷ.

Thần khí của Thiên Chúa thì luôn chân thật trong mọi hành xử, sống hiền lành và khiêm nhường, mang bình an nội tâm, cung cách nghiêm túc trong mọi sự, làm việc sáng tỏ, thái độ ngoan ngoãn dễ dạy, cẩn trọng trong lời nói và hành động, tín trung vào Thiên Chúa chứ không ai khác, ý muốn ngay lành, dễ phục thiện, kiên tâm trong đau khổ, quên “cái tôi” của mình, dáng vẻ hồn nhiên, có sự tự do trong tinh thần, mang tình yêu vô vị lợi, khao khát được nên giống Chúa Kitô.

Thần khí thế gian và con người với đầy đủ ý chí và tự do của nó, do những dục vọng thúc đẩy với đích điểm là quy chiếu vào mình, thỏa mãn chính mình, ham chuộng những hình thức bề ngoài, tham gia mọi hội đoàn, thích hình thái tổ chức màu mè, trình diễn, với trang phục, tiếng kèn tiếng trống hoành tráng, kinh nguyện rước sách rầm rộ, tiệc tùng tưng bừng, kiểu cách chơi trội, chải chuốt… Thần khí thế gian và con người nhắm tới những lợi lộc trần thế, như thế giá, chức vụ, vật chất, sự quan hệ, được quan tâm, được ca tụng. Thần khí thế gian và con người ưa chuộng những hình thức kích thích rung động mùi mẫn, lên gân thần kinh và ngôn ngữ, “đao to búa lớn” nhân danh đạo đức, chạy theo phép lạ khắp nơi, hy vọng mình được hưởng phép mầu để thoát khỏi những khốn khổ trong cuộc sống, xin được thành công và may mắn ở đời. …

Thần khí của ma quỷ mang bản chất kiêu ngạo, luôn thù hằn, phỉnh gạt, gian xảo qủy quyệt, bất trung, bất tuân phục, hủy diệt và làm xáo trộn mọi trật tự. Tinh thần của Thần  Khí ma quỷ thì luôn bất an, buồn phiền, lo lắng, ngờ vực, thích thú vì sự dữ, không còn khả năng yêu thương. Thần Khí ma quỷ luôn mang tính đe dọa, chia rẽ, nói xấu, tính phê phán, nghi ngờ Giáo hội và người khác, đạo đức giả hình và mưu mô. Chiêu bài của nó đối với người “mộ đạo” là luôn kích thích việc đạo đức cảm tính (tốt xấu căn cứ trên giác quan, cảm xúc), lấy Kinh Thánh và Thiên Chúa làm bình phong để dẫn dụ.

Để tránh được những sai lầm, cần phải biết tuân phục Giáo hội với quyền hạn thay mặt Đức Kitô hiện diện nơi trần thế. Đức vâng lời thể hiện rõ nhất sự  HIỀN LÀNH và KHIÊM NHƯỜNG của một cá nhân hay tập thể thừa hành, nhưng là vâng lời trong tự do, tự nguyện chứ không phải miễn cưỡng hay bất khả kháng, dù rằng có bị bề trên hiểu lầm, xem ra vô lý, trái lẽ. Và đây cũng là điểm để nhận ra người thi hành có sự thánh thiện đến mức nào, vì nó chứng tỏ sự từ bỏ bản thân để đi theo Chúa. Đó cũng là điều khác biệt với sự tuân phục của những tổ chức thế tục. Vì vậy người ta thường nói: “con đường của nghịch luận là con đường của chân lý”.   

Phụng vụ và đạo đức bình dân

Phụng vụ là việc thờ phượng chính thức của Hội Thánh, do các thừa tác viên hợp pháp cử hành nhân danh Hội Thánh, nhằm tôn vinh Thiên Chúa, xây dựng Hội Thánh và thánh hoá con người. Cử hành Phụng vụ gồm Bảy Bí tích, Phụng vụ Các giờ kinh và các Á bí tích. Phụng vụ là nguồn mạch và chóp đỉnh của lòng đạo đức bình dân. Vì thế, lòng đạo đức bình dân phải hoà hợp với Phụng vụ, bắt nguồn từ Phụng vụ và dẫn người tín hữu đến với Chúa (Thư HĐGM VN 2019).  

Phụng vụ và đặc biệt là bí tích Thánh Thể, là đỉnh điểm của phụng tự Công giáo và là nguồn kết hợp đầu tiên với Đức Kitô. Tất cả những việc đạo đức khác đều xuất phát từ suối nguồn phụng vụ và dẫn đưa tín hữu đến phụng thờ phụng vụ.

Việc đạo đức bình dân không phải là bí tích hay á bí tích. Nó không phải là phụng vụ chính thức của Hội Thánh nhưng là những cảm thức xoay quanh bí tích mà thôi. Những cảm thức này khá đa dạng, tùy thuộc vào nền văn hóa và tình cảm của người giáo dân trong từng vùng miền khác nhau. Nó có thể mang tính chất cá nhân như việc lần chuỗi, đeo ảnh tượng các thánh, đọc kinh, suy niệm Tin Mừng, cầu nguyện riêng… Nhưng nó cũng có thể mang chiều kích của cộng đoàn như việc đọc kinh chung tại nhà thờ sáng tối, ngắm đàng Thánh Giá, rước kiệu tháng Đức Mẹ, Tháng Kính Thánh Tâm, Tôn Sùng Lòng Chúa Thương Xót, việc tang ma và cầu nguyện cho người qua đời, tổ chức các cuộc hành hương… Tất cả những việc này thuộc về đạo đức bình dân.

Lòng đạo đức bình dân cũng rất cần thiết, loại bỏ nó thì chẳng khác nào dứt đi một chiều kích quan trọng trong căn tính Công giáo. Tuy đây không phải là một phần trong phụng vụ chính thức của Giáo Hội, song là cách mà những người Công giáo trải qua nhiều thế kỷ đã sống theo lời khuyên của Thánh Phaolô là hãy cầu nguyện luôn. Nhiều hình thức đạo đức được Giáo Hội nhìn nhận là có khả năng nâng đỡ tinh thần cho giáo dân, nhưng không được xem là những điều cốt lõi của ơn cứu rỗi.

Phụng vụ và lòng đạo đức bình dân có mối tương quan chặt chẽ với nhau. Phụng vụ là nguồn mạch và chóp đỉnh của lòng đạo đức bình dân. Vì thế, lòng đạo đức bình dân phải hoà hợp với Phụng vụ, bắt nguồn từ Phụng vụ và dẫn người tín hữu đến với Chúa.(Thư HĐGM VN). Nhưng: “Không được lẫn lộn các buổi cầu nguyện không thuộc Phụng vụ với những cử hành Phụng vụ. Phải tránh các hình thức mang tính cuồng loạn, chứng nhân giả, diễn kịch hoặc kích động cảm xúc” (Thư HĐGM VN). 

Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo cho biết: “Trong mọi thời, cảm thức của dân thánh được diễn tả bằng các hình thức đạo đức đa dạng, quy tụ quanh đời sống bí tích của Hội Thánh, như: tôn kính các thánh tích, viếng các thánh điện, hành hương, rước kiệu, đàng thánh giá, các vũ điệu tôn giáo, lần chuỗi, đeo ảnh tượng thánh…”.

Thư chung của HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM kỳ I-2019, trong số 3 đề cập về đạo đức bình dân như sau:

Trong thực tế, tại một số địa phương, kỷ luật Phụng vụ chưa được tôn trọng đúng mực. Những thực hành đạo đức bình dân cũng có những lạm dụng tùy tiện, gây hoang mang nơi người tín hữu và xáo trộn nơi các cộng đoàn đức tin. Vì thế, để chấn chỉnh những biểu hiện lệch lạc và cổ võ lòng đạo đức bình dân chân chính, chúng tôi xin anh chị em lưu ý những điểm sau đây:

– Phải tránh những thực hành mê tín dị đoan, bói toán, lợi dụng lòng tin đơn thành của người tín hữu để trục lợi.

– Đừng quá coi trọng những hình thức đạo đức bình dân mà coi nhẹ cử hành Phụng vụ.

– Không được sử dụng, phổ biến các tài liệu có nội dung nghịch với đức tin Kitô giáo.

– Phải tôn trọng kỷ luật của Hội Thánh và quy định của Đấng Bản quyền liên quan đến Phụng vụ và việc đạo đức bình dân. Những kinh nguyện được sử dụng công khai và thường xuyên phải được Bản quyền địa phương cho phép.

– Cần hòa hợp những biểu hiện bên ngoài của lòng đạo đức bình dân với tình cảm chân thật trong tâm hồn, tránh những thực hành theo thói quen, trống rỗng.

Những điều trong thư của HĐGM VN đề cập đã rõ ràng, nhưng xem ra để biện biệt được những hình thái và tinh thần của nó quả không phải lúc nào cũng dễ dàng, do đạo đức bình dân thường xuất phát bởi cảm tính chủ quan, “nghiêng về cảm nhận hơn là suy lý, quan tâm đến biểu tượng hơn là lô-gích, nên cũng dễ bị lệch lạc, kể cả bị khai thác vì chủ ý trục lợi”(Thư Chung HĐGM 2019). Chính vì đạo đức bình dân nghiêng về cảm tính nên bị tùy tiện khá nhiều, dễ tìm đến những cảm xúc đạo đức và cho đó là nguồn gốc của ân sủng, của đức tin và tình yêu. Như đã đề cập, đạo đức bình dân không phải là bí tích hay á bí tích, nó không phải là phụng vụ chính thức của Hội Thánh nhưng là những cảm thức xoay quanh bí tích, hướng về bí tích mà thôi. Mà chỉ có trong bí tích – trong phụng vụ – mới  có ơn Thánh Sủng, được công phúc và mang lại sự cứu rỗi cho con người. Ở đây cũng cần hiểu thêm về ân sủng có hai loại, đó là ơn Thường Sủng và ơn Thánh Sủng. Ơn Thường Sủng Thiên Chúa ban cho mọi người, kể cả người có tội nặng; còn ơn Thánh Sủng chỉ có những người đã được rửa tội và không mắc tội trọng, được ban qua các bí tích, tuân theo những quy định của Giáo hội.

Đạo đức bình dân ảnh hưởng cảm tính nên dễ dừng lại ở niềm tin chứ chưa phải là Đức tin chân thật, vì Đức tin là nhân đức siêu nhiên (nhân đức đối thần), nghĩa là lấy siêu nhiên làm gốc, làm cơ sở để căn cứ, chứ không phải dựa trên giác quan, mặc dù Đức tin vẫn không loại trừ cảm xúc của giác quan. Nhân đức siêu nhiên này được Thiên Chúa ban cho con người vô điều kiện nếu con người khao khát, chứ không lệ thuộc vào tâm lý (giác quan) của con người, nó khác với niềm tin, là cái hoàn toàn lệ thuộc vào điều kiện tự nhiên và diễn ra nơi tâm lý con người. Nhân đức siêu nhiên này được diễn ra trong lý trí, trong ý chí, trong ý hướng, trong những cảm thức siêu hình (siêu thức) và trong sự tự do của con người – cảm giác là tự nhiên nhưng cũng là một sự nô lệ. Đức tin thì bền vững, là nền tảng dẫn đưa con người đến Thiên Chúa trong chân lý của Người. Còn cảm giác, cảm xúc thì thay đổi, lúc có lúc không, nó lệ thuộc vào tâm lý nên thật bấp bênh, dễ hứng thú nhưng lại mau thất vọng, không mang lại ơn Thánh Sủng. Người ta có thể có niềm tin lớn lao, nhưng lại có Đức tin rất èo ọt, dễ xảy ra tình trạng này ở những tâm hồn ham thích tìm những cảm giác đạo đức bình dân mang sắc thái kích động cảm xúc trong tâm lý về đạo đức, tín ngưỡng, tôn giáo.

Người Việt Nam thiên về cảm tính nên thích đắm mình vào những cảm giác trong khi thực hành tâm linh, nên ham chuộng hình thức, ngay cả trong những kinh nguyện cũng phải tạo sự khêu gợi giác quan, tạo sự xúc động thì mới gọi là có Thánh Thần (sự an ủi) hiện diện, như thế mới có giá trị đạo đức. Cảm tính thì thích được chiều chuộng, ưa thích sự an ủi và vuốt ve, cảm giác luôn cho những tổ chức, những bài kinh, bài giảng nào tạo được cảm xúc và sự vuốt ve mới là hay ho, là giỏi, là đạo đức. Giữ đạo một khi lệ thuộc vào giác quan dễ làm cho Đức tin bị méo mó lệch lạc, dẫn tới đồng bóng, giả hình trong đời sống đạo.

Cũng như tình yêu, tức là Đức mến, nó là nhân đức siêu nhiên nên cũng không thể căn cứ trên giác quan hay cảm xúc để đánh giá, càng không thể đo lường được, nó không định mức ở lòng mộ đạo (cảm tính) của đạo đức bình dân mà căn cứ trên đời sống đạo thực, trong tình yêu của Đức Kitô. Tình yêu là phá bỏ hàng rào vây hãm cái bản ngã – cái tôi – của nình, hướng tới Thiên Chúa và tha nhân, giải phóng mình và tha nhân vươn lên trong sự trưởng thành hơn, tháp nhập mình với Thiên Chúa và tha nhân, giúp mình và tha nhân thăng hoa tinh thần, ở trạng thái tự do và an bình trong Thiên Chúa. Chính vì tình yêu không thể dựa trên giác quan, nên không thể định nghĩa và đo lường được, nó được diễn ra trong ý chí và tự do về sự thiện hảo qua đời sống bởi những việc làm hết sức tự nhiên chứ không lệ thuộc cảm xúc, vào vỏ bọc hay bất cứ lý do nào, như chuyện hít thở mà không biết mình đang hít thở, giống như lời Đức Kitô nói,“Tay trái không biết việc tay phải làm” là như thế. Khi ai đó nói “tôi yêu người vì Chúa”, xem ra còn đáng ngờ lắm, nhưng một người chân thành với lòng mình: “Tôi yêu và kính trọng bạn vì bạn mang hình ảnh của Thiên Chúa, và bạn đáng được như vậy”, có lẽ người này đã chạm tới tình yêu đích thực. Cốt yếu của tình yêu là kính trọng và chấp nhận được mọi người, mọi hoàn cảnh trong cuộc sống của mình với tha nhân, trong niềm vui, hy vọng, đơn sơ và bình an.

Những bệnh hoạn về tâm thần, như chuyện đồng bóng, mê tín dị đoan, ham chuyện kích thích mới lạ ngoài luồng Giáo hội, chuyện đặc sủng, mạc khải, thị kiến, thánh thần soi sáng, thực hành đạo đức lập dị (khác người), đắm mình trong “mầu nhiềm sầu khổ hay siêu thoát”, mặc cảm tội lỗi v.v… Đó là những căn bệnh của đạo đức, nó được khởi phát do cảm tính đạo đức quá mạnh, tiềm tàng những khao khát siêu thoát hoặc mong cái vĩ đại đến với mình, được trí tưởng tượng phong phú bày ra, được cảm giác và cảm xúc dẫn dắt, tạo nên những ảo ảnh và tiếng nói xuất hiện. Nên người này tin tưởng và quả quyết sống chết với điều mà họ thấy, họ nghe được, rồi họ cảm thấy mình có quyền phổ biến và khuyên bảo kẻ khác. Đây là đỉnh cao của sự hồ đồ về nhận thức, rối loạn về tâm linh cũng như tâm thần, mất phương hướng trong đời sống đạo, lệch lạc về Đức tin và Đức mến.

Chữa lành sự dữ

Sự dữ và đau khổ là những thực tế hiển nhiên trong cuộc sống con người trên trần thế này. Ở khắp mọi nơi và mọi thời đại, con người luôn gặp phải những tai ương như bệnh tật, nghèo đói, bóc lột, bất công xã hội, oán thù, ghen ghét, đau khổ tinh thần và thể xác, chiến tranh, thiên tai, chết chóc…

Sách Giáo lý Công Giáo dạy rằng: “Sự thật thì họ (các thiên thần và loài người) đã phạm tội, do đó mà sự dữ về luân lý đã đi vào thế gian, tai hại không thể lường được so với sự ác thể lý. Thiên Chúa không hề là nguyên nhân trực tiếp hay gián tiếp của sự dữ này. Tuy nhiên Ngài cho phép xảy ra vì tôn trọng tự do của các tạo vật Ngài đã dựng nên, và một cách bí nhiệm, Ngài biết lấy điều thiện ra từ sự ác.” (SGLGHCG, số 311).

Bệnh tật luôn là một sự dữ. Vì thế, việc chữa lành bệnh tật là dấu chỉ sứ vụ giải thoát của Đấng Cứu thế và là biểu tượng của sự chữa lành con người toàn diện, gồm thân xác và linh hồn. Trong cuộc sống trần thế, Đức Kitô đã chữa lành nhiều người khỏi nhiều thứ bệnh tật, thế nhưng ơn giải thoát cuối cùng lại được thực hiện bằng chính sự đau khổ tự nguyện của Chúa trong cuộc tử nạn và phục sinh. Như vậy, Ngài mang đến cho bệnh tật và đau khổ của con người một ý nghĩa và giá trị cứu độ: Mọi người đều có thể hiệp thông vào sự đau khổ sinh ơn cứu độ của Ngài bằng việc chấp nhận những bệnh tật và đau khổ của bản thân mình (Thư HĐGM VN 2019).

Theo ý hướng đó, Hội Thánh luôn cầu nguyện xin ơn sức khoẻ cho các bệnh nhân, đặc biệt qua Thánh lễ, Kinh nguyện và Bí tích Xức dầu Bệnh nhân. Chúa cũng ban cho Hội Thánh đặc sủng chữa lành bệnh tật. Tuy nhiên đặc sủng này được trao ban không phải vì vinh quang và trục lợi cá nhân, nhưng để xác nhận và củng cố sứ vụ rao giảng Tin Mừng. Cũng thế, việc cầu nguyện không loại trừ việc sử dụng những phương pháp y học để phục hồi sức khỏe và gìn giữ sự sống cho bệnh nhân (Thư HĐGM VN 2019).

Loại trừ và khắc phục sự dữ là nhiệm vụ của mọi người, mọi tổ chức xã hội, mọi ngành khoa học cũng như của mọi tôn giáo. Bệnh tật là một thứ sự dữ ảnh hưởng trực tiếp đến từng cá nhân nên mang dấu ấn rất nặng nề. Vì vậy người bệnh luôn phải “chạy thầy chạy thuốc”, vái tứ phương thiên hạ, cầu khẩn khắp nơi, dù có phải mê tín cũng mong gặp được may. Chính vì vậy mới phát sinh ra nhiều pháp sư, phù thủy, giáo phái tu luyện kỳ bí, chữa bệnh bằng những phù phép kỳ quái, hoang tưởng. Tâm trạng của bệnh nhân và thân nhân nói chung đều như vậy, kể cả người Công giáo, nhưng người có Đức tin và Lòng Cậy trông vào Thiên Chúa thì ít bị lung lạc hơn, tùy mức độ trưởng thành của họ.

Thiên Chúa và Hội Thánh của Người lại quan tâm đến sự giải thoát tội lỗi, là nguồn gốc của mọi sự dữ, nên việc chữa lành nội tâm là việc Thiên Chúa nhắm tới chính yếu, làm cho con cái Người được phúc phần cả đời này và đời sau. Còn đối với bệnh tật và đau khổ: “Ngài mang đến cho bệnh tật và đau khổ của con người một ý nghĩa và giá trị cứu độ: Mọi người đều có thể hiệp thông vào sự đau khổ sinh ơn cứu độ của Ngài bằng việc chấp nhận những bệnh tật và đau khổ của bản thân mình” (Thư HĐGM VN 2019). Nói như thế không có nghĩa là Thiên Chúa không quan tâm đến phần xác, vì thân xác là đền thờ của Chúa Thánh Thần, được chung hưởng phúc phần, nên cũng cao quý và phải gìn giữ bằng mọi cách, chăm lo chung với linh hồn, nhưng chính linh hồn mới bị hủy diệt do tội lỗi hoặc được ơn cứu rỗi đời đời. Vì vậy bệnh tật linh hồn mới là trọng yếu, nó cần thiết và quan trọng hơn bệnh tật về thể xác, nên phép lạ về ân sủng mới là trọng tâm của các cuộc điều tra của Giáo hội về phép lạ.  

Vì sự dữ luôn vây hãm, rình mò con người mọi nơi nọi lúc, và lúc nào nó cũng thể xâm nhập nơi mỗi người, mỗi cộng đồng xã hội. Trong lịch sử nhân loại và lịch sử của các tôn giáo, chỉ có Chúa Giêsu mới làm được phép lạ đúng nghĩa (nghĩa chặt), Người chỉ phán một lời, bệnh tật và ma quỷ phải biến mất. Ngày nay con cái  chỉ biết cầu khẩn Người cứu giúp, nên trong trong kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu đã dạy, được kết thúc bằng câu: “Xin cứu chúng con cho khỏi mọi sự dữ”. Và có nhiều phép lạ khỏi bệnh đã được Giáo hội công nhận qua sự điều tra khắt khe và cặn kẽ, chứ không phải ai cũng có thể làm chứng về phép lạ.

Nhân loại, ai cũng có trách nhiệm loại trừ sự dữ nói chung, bệnh tật tinh thần và thể xác nói riêng chứ không phải chỉ có trong đạo Công giáo làm được mà người khác, tâm linh khác, tôn giáo khác không làm được. Điều này đã được chứng minh bởi thực tế. Ngoài Công giáo, các tổ chức xã hội, khoa học (y học, tâm thần…) các tôn giáo, tín ngưỡng, các pháp môn tu luyện chân chính, những cá nhân có những công năng đặc dị, những phương pháp sáng tạo trong khoa học hoặc tâm linh… đều có thể chữa bệnh, ổn định trật tự, giúp người đau khổ thoát khỏi sự dữ. Ngoài ra, ma quỷ mang bản chất là sự dữ nên nó cũng có thể gây ra nhiều xáo trộn hay bệnh hoạn cho xã hội, bệnh tật về thể lý và tâm hồn cho những cá nhân. Vì vậy ma quỷ cũng có thể chữa được những bệnh do nó gây ra, do đó có những trường hợp khấn ma cầu quỷ thông qua thầy pháp hoặc thuận theo những quy ước nào, bệnh tật cũng biến mất. Nhiều người nghĩ rằng dấu hiệu của ma quỷ thì rõ ràng, nhưng thường không như vậy, vì ma quỷ rất quỷ quyệt, nên nó hoạt động luôn ẩn giấu thân phận mình mà chỉ đội lốt cái gì hấp dẫn, tốt đẹp, thậm chí thánh thiện để lừa con người. Thành công của ma quỷ chính là ở điểm đó.

Lời kết

Ngày nay nhiều giáo phái mới và nhiều pháp môn sáng tạo ra đời thu hút được rất người theo. Pháp Luân Công bên Trung Quốc có hàng trăm triệu người tu luyện, bên phương Tây có khuynh hướng nhiều người tìm đến đạo Phật và theo nhiều giáo phái mới khắp nơi. Vậy đâu là mấu chốt để tìm hiểu và đánh giá ? Tất nhiên không thể căn cứ trên số lượng, sự hấp dẫn, trào lưu, sự kích thích hay thỏa mãn nhu cầu của “khách hàng”…

Cá nhân con người yếu đuối và dễ lệch lạc, sai lầm, vướng vào đủ thứ hệ lụy của “vô minh”, lạc lối trong một mớ hỗn độn mà cứ tưởng mình đã nhận ra chân lý. Trong nhận thức, con người khó mà phân biệt được các phạm trù của những sự vật, phạm trù chủ quan và khách quan, chủ thể và khách thể, lý tính, cảm tính, bản chất sự vật và tên gọi, thuộc tính và hiện tượng, niềm tin và chân lý khách quan, lẫn lộn thế giới tự nhiên và siêu nhiên, không phân biệt được phạm trù Đức tin hay niềm tin tôn giáo với những phạm trù khác của khoa học, dễ gán những thuộc tính của con người cho thánh thần qua những hiện tượng bên ngoài.

Thật khó để phân tích và xác định đâu là hiện tượng, đâu là bản chất của sự việc, đâu là đúng đâu là sai và nên phải như thế nào. Xem ra không gì chắc chắn hơn là căn cứ trên những cơ sở có thế giá nhất, đáng tin cậy.  Đối với người Công giáo, cơ sở quan trọng và đáng tin cậy nhất đó là Giáo hội Công giáo, với hệ thống phẩm trật của Hội Thánh do chính Đức Kitô sáng lập, luôn có Ngài hiện diện để soi sáng và dẫn dắt. Tin tưởng nơi đó mới tránh được những sai lầm tai hại, ấu trĩ, ngớ ngẩn, nguy hại đến tâm linh và đời sống đạo.

Có thể nói, nếu không cầu nguyện và học hỏi, chỉ căn cứ trên tình cảm, cảm xúc, ham thích vẻ bên ngoài, những suy lý chủ quan để kết luận những vấn đề trong đạo và Giáo hội, đó là những nguồn lầm lạc chính yếu mà con người thường mắc phải, làm xáo trộn đời sống Đức tin, gây chia rẽ trong Giáo hội.

Chúng ta cùng nhìn lên Đức Maria, Mẹ Hội Thánh, xin Mẹ dẫn dắt chúng ta sống đức tin tông truyền và nguyện xin ân sủng Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, tình yêu của Chúa Cha, và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần, ở cùng tất cả anh chị em (Lời kết thư HĐGM VN 2019).

Hàn Cư Sĩ

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận