Dân Thiên Chúa tiến bước trong Hi vọng – Phần 1

2970 lượt xem

DÂN THIÊN CHÚA TIẾN BƯỚC TRONG HI VỌNG
(Phần 1)

Gm. Louis Nguyễn Anh Tuấn

 Hướng tới một Hội thánh hiệp hành, Hội thánh từ Công đồng Vaticanô II đã nhấn mạnh đến phẩm giá và sứ mạng chung của mọi tín hữu khi thi hành các đặc sủng, ơn gọi và thừa tác vụ đa dạng và rất phong phú của họ. Trong bối cảnh tầm nhìn của Giáo hội học hiệp thông đó, tính hiệp hành (synodality) trở thành là phong cách sống và hành động (modus vivendi et operandi) đặc thù của Hội thánh, Dân Thiên Chúa lữ hành cùng nhau trong lịch sử đi về Quê hương. Phong cách hiệp hành biểu lộ «trong cuộc hành trình cùng nhau, qua các công nghị và trong hoàn cảnh mọi thành viên tham gia tích cực vào việc thực thi sứ vụ loan báo Tin mừng»[1].

  1. Ý nghĩa Kitô học và từ kinh nghiệm của Hội thánh

Dân Thiên Chúa cùng nhau tiến bước trong lịch sử đi về Quê hương «mắt hướng về Đức Giêsu» (Hr 12,2), kẻ lữ hành trên trái đất loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Hội thánh là cộng đoàn những người đi trên con đường (Đạo) của Chúa (Cv 9,2). Chúa Giêsu là Đường đi (Ga 14,6) của Thiên Chúa đến với con người và của con người đến với Chúa Cha. Đức Kitô là Lữ khách, Đường đi (Đạo) và là Quê hương, dẫn chúng ta đi trên «con đường trổi vượt hơn cả» (1Cr 12,31). Chúa Giêsu phục sinh hướng dẫn Hội thánh Dân Thiên Chúa dùng Lời của Người, và nuôi dưỡng Dân bằng bánh hằng sống, mà hình ảnh mẫu tiêu biểu là trình thuật về các môn đệ Emmaus (x. Lc 24,13-35). Thánh Gioan Kim Khẩu đã xác định «Sinodo là tên của Hội thánh», có nghĩa là một con đường được người ta bước đi trong tình hiệp thông. Trong tiếng Hi-lạp, syn nghĩa là cùng nhau, hodos là con đường. Sinodo là con đường Dân Thiên Chúa, vốn đông đảo và đa dạng được Chúa phục sinh dẫn dắt, cùng đi với nhau trong trách nhiệm thực thi đặc sủng và tác vụ của từng thành viên trong tinh thần hiệp thông và thực hiện sứ vụ loan báo Tin Mừng.

Từ Sinodo đang sử dụng cũng chỉ một công nghị, hay thượng hội đồng, được qui tập để cùng nhau tìm kiếm thánh ý Chúa qua cầu nguyện chung và bàn thảo theo phương pháp phân định mang tính cộng đồng và tông truyền (communal and apostolic discernment) dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần (cf. Cv 15,28). Công đồng Giêrusalem (x. Cv 15; Gl 2,1-10) là mẫu của các công nghị, thượng hội đồng của Hội thánh. Công đồng được triệu tập trước thách đố mục vụ và giáo thuyết rằng tín hữu có buộc phải theo Do thái giáo để theo Đạo Chúa Giêsu tức Kitô giáo hay không. Trong công đồng ấy, người ta «được nghe nhiều ý kiến ban đầu khác biệt và tranh luận rất sôi nổi. Tất cả lắng nghe nhau và nghe Chúa Thánh Thần qua những lời chứng về các việc Chúa đã làm, trao đổi với nhau những ý kiến nhận định riêng, hướng tới sự đồng thuận và thống nhất (x. 15,25) như là kết quả của sự phân định chung của cộng đồng phục vụ cho sứ mạng loan báo Tin mừng của Hội thánh»[2]. «Diễn tiến của công đồng Giêrusalem cho thấy hành trình sống động của Dân Thiên Chúa như một thực tại được tập hợp và liên kết với nhau trong đó mọi người đều có một vị trí và một vai trò đặc biệt»[3].

Giáo phụ Ignatiô thành Antiôkia kể rằng tất cả các thành viên của các Giáo hội địa phương «σύνοδοι, những người cùng lữ hành, có phẩm giá của người đã được Thánh tẩy và là bạn hữu của Đức Kitô». Còn Giáo phụ Cyprianô thành Cartagô thì xác định nguyên lý giám chức và công nghị phải được đem vận hành trong quản trị đời sống và sứ vụ của Hội thánh ở cấp địa phương cũng như hoàn vũ: «nếu quả thực trong Giáo hội địa phương không làm gì mà không có giám mục (nihil sine episcopus), thì cũng thế không làm gì mà không có ý kiến của anh em (các linh mục và phó tế) (nihil sine consilio vestro) và sự ưng thuận của dân chúng (et sine consensu plebis[4].

Từ thế kỉ thứ III, ngoài các công đồng chung, như Nicêa (325), còn có những công nghị địa phương và tỉnh, gồm các giám mục và trong vài trường hợp còn có sự tham dự của toàn thể cộng đoàn. Hai điểm cần lưu ý: 1) vai trò của Giáo hội Rôma; và 2) sự hiệp thông của các Giáo hội (trên đó mỗi Giáo hội địa phương là biểu lộ của Giáo hội duy nhất và phổ quát).

Công đồng Trentô đã thiết lập các công nghị giáo phận hay địa phương phải diễn ra hằng năm, và công nghị tỉnh ba năm một lần, để thực hiện những cải cách công đồng trên toàn Giáo hội, nhưng không dự kiến trong đó sự tham dự của toàn thể Dân Chúa. Đó là trong bối cảnh luận chiến hộ giáo chống phe Cải Cách, nên tính chất phẩm trật Giáo hội được nhấn mạnh: Giáo hoàng và các Giám mục là Ecclesia docens (Giáo hội thầy dạy), còn phần Dân Chúa còn lại là Ecclesia discens (Giáo hội môn đồ).

Công đồng Vaticanô I (1869-1870) chuẩn nhận quan niệm ấy hợp pháp hoàn toàn, khi ra sắc lệnh xác định tối thượng quyền và sự bất khả ngộ của Đức Giáo hoàng. Nhưng Giáo hội cũng không ngừng ý thức «mình không đồng nhất chỉ với các mục tử của mình, mà Hội thánh toàn thể, bởi công trình của Chúa Thánh Thần, là chủ thể hay “cơ quan” của truyền thống, và giáo dân có vai trò chủ động thông truyền đức tin tông truyền»[5].

Công đồng Vatican II tái phát động ý tưởng Hội thánh hiệp hành (synodality) trong Hiến chế Lumen gentium (1964) nhìn Hội thánh là Hiệp thông và là «Dân Thiên Chúa đang lữ hành trong lịch sử đi về thiên quốc, trong đó mọi thành viên với ấn tích bí tích Thánh tẩy có phẩm giá là con cái Thiên Chúa được ủy thác cùng một sứ mạng»[6]. Sắc lệnh Christus Dominus (1965) sau đó còn khuyến khích thiết lập một hội đồng mục vụ trong mỗi giáo phận, phục hưng các công nghị (synods, councils) giữa các giáo hội trong vùng và thăng tiến các hội đồng giám mục. Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã giúp hồi sinh thực hành công nghị qua việc thiết lập thể chế Thượng hội đồng Giám mục, là «Hội đồng thường trực các Giám mục cho Hội thánh hoàn vũ»[7].

  1. Thần học về Hội thánhhiệp hành

Hiệp hành diễn tả hình ảnh Hội thánh như là Dân Thiên Chúa lữ hành cùng nhau và được qui tập tiến hành công nghị bởi Đức Chúa. Tiến trình bước đi cùng nhau thực hiện kế hoạch của Nước Thiên Chúa và phúc âm hóa các dân tộc, bao gồm sự kiện hội họp với nhau để mừng Chúa phục sinh và tìm xác định điều Chúa Thánh Thần nói với Hội thánh. Các hội nghị – nhất là các công đồng chung và thượng hội đồng giám mục ở cấp Hội thánh hoàn vũ – là những thời điểm lịch sử ưu việt để sự phân định được Thần Khí hướng dẫn nhằm phục vụ cho việc loan báo Tin mừng. Như thế Hội thánh theo nhịp sống, bước đi và dừng nghỉ, hành trình và hội họp, hiệp hành và đồng nghị (synodality and synodo).

Hiệp hành là chiều kích nền tảng của Hội thánh, mà mẫu mực thể hiện là công đồng Giêrusalem (Cv 15,4-29) với phương thức phân định thực hành có tính cộng đồng và tông truyền. […] Tính hiệp hành trước hết không chỉ đơn thuần một tiến trình hành động, nhưng chỉ thể thức mà Hội thánh sống và hành động»[8]. Nó chỉ cái phong cách đặc thù (style) của Hội thánh sống và thi hành sứ vụ, qua việc nhóm họp hội nghị các tín hữu và hoàn thành sứ vụ của mình, được diễn tả hoàn toàn như là Dân Thiên Chúa cùng bước đi hành trình trong lịch sử. Nói cách khác, tính hiệp hành trong Hội thánh được sống nhằm phục vụ chung cho sứ vụ loan báo Tin mừng.

Tính hiệp hành còn diễn tả một Giáo hội học hiệp thông và tính chất “hành hương” của Hội thánh, Dân Thiên Chúa. «Các tín hữu là những σύνοδοι, những người bạn lữ hành cùng nhau», Dân Thiên Chúa triệu tập từ muôn dân (Cv 2,1-9; 15,14)[9]. Thật vậy, mọi tín hữu đều nhận ơn về một bản năng đức tin – sensus fidei – giúp họ phân định cái gì thực sự là của Thiên Chúa. Nói cách khác, sensus fidei (cảm thức đức tin) là sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong đời sống các Kitô hữu và «ban cho toàn thể họ một bản tính đồng điệu (connaturality) nào đó với các thực tại linh thánh và sự khôn ngoan giúp họ nắm bắt các thực tại ấy bằng trực giác»[10]. Tính hiệp hành dựa trên hai cột trụ: sensus fidei của toàn dân Chúa và tính tập đoàn bí tích của hàng giám mục hiệp thông với Đức Giáo hoàng. Một sự hiệp thông giữa «mọi người», «một số người», và «một người», liên kết với nhau các đặc sủng của dân Kitô giáo, sứ vụ của các giám mục và sự phục vụ của vị kế nhiệm thánh Phêrô. Thể hiện phong cách tham gia và đồng trách nhiệm của toàn dân.

Nếu hiệp hành là một chiều kích nền tảng của Hội thánh, thì nó phải được biểu lộ ra trong đời sống và hành động thông thường của Hội thánh. Ba giai đoạn của tiến trình hội nghị phải là lắng nghe, quyết định và hành động hay «cộng đoàn nghe Lời Chúa và cử hành Thánh Thể, hiệp thông huynh đệ» và toàn Dân Chúa tham gia trách nhiệm vào đời sống và sứ vụ của Hội thánh, ở mọi cấp bậc và trên cơ sở các thừa tác vụ và vai trò khác nhau. Cách riêng, tính hiệp hành chỉ «các cơ cấu tổ chức và qui trình của Giáo hội» liên kết Dân Chúa, bằng nhiều cách, nhiều cấp, địa phương, vùng và hoàn vũ, trong khi «phân định lộ trình của mình và những vấn đề riêng, để đưa ra những quyết định và định hướng nhằm hoàn thành sứ mạng loan báo Tin mừng»[11]. Chiều kích hiệp hành diễn tả trong thực hành đó biểu lộ sự hiệp thông năng động khả dĩ linh hứng cho các quyết định của Hội thánh qua các sự kiện công nghị[12].

Chúng ta lưu ý khái niệm hiệp hành khác nhưng liên hệ chặt chẽ với các khái niệm hiệp thông và tính tập đoàn (các giám mục), là những tâm điểm tư tưởng của Công đồng Vaticanô II. Đối với hiệp thông, ý niệm «hiệp hành» diễn tả cách thức sống hiệp thông cụ thể, triển khai ra trong lịch sử sự tham dự của các môn đệ thừa sai vào sự hiệp thông tình yêu của Ba ngôi, Cha, Con và Thánh Thần. Ý niệm hiệp hành cũng nói lên cái gì đó cụ thể biểu lộ ý thức và thực thi thừa tác vụ giám mục như là thành viên của giám mục đoàn hiệp thông phẩm trật với giám mục Rôma, để phục vụ Hội thánh địa phương và Hội thánh hoàn vũ. Năng động hiệp hành bao hàm sự tham gia và đồng trách nhiệm của «mọi người» đã rửa tội, tất cả kết nối với nhau trong sự thực hành quyền bính tập đoàn của «một số người» dưới chủ tọa của «một người», trong mỗi Hội thánh địa phương cũng như Hội thánh hoàn vũ.[13]

Với Đức Giáo hoàng Phanxicô, Hội thánh bắt đầu một tiến trình canh tân quyết liệt khởi đi từ công đồng Vaticanô II. Đó là cải tổ theo hướng truyền giáo. Cải tổ là sự hoán cải của toàn dân Chúa và mọi người trong dân Chúa hướng về một Hội thánh hiệp hành và truyền giáo. Với ơn Thánh Thần của Chúa Kitô, tiến hành hoán cải nơi mỗi cá nhân tín hữu và nơi hướng mục vụ chung của Hội thánh làm sao để phát huy một phong cách và hành động hiệp hành ngày càng tôn trọng hơn yêu sách thông truyền niềm vui của Tin mừng, đáp lại các dấu chỉ của thời đại. Thánh Giáo hoàng Phaolô VI đã thúc đẩy con đường đối thoại và Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã kêu gọi Hội thánh trở thành nhà và trường học của hiệp thông. Ngày nay đức Giáo hoàng Phanxicô kêu gọi Hội thánh bước vào «các tiến trình phân định, thanh tẩy và cải tổ»[14].

Tâm điểm của đời sống Hội thánh hiệp hành nằm ở thái độ và tiến trình lắng nghe, đối thoại và phận định chung của cộng đồng:

«Thực hành phân định là trung tâm của các tiến trình và sự kiện hiệp hành. Đời sống hiệp hành của Hội thánh vốn luôn là như thế. Giáo hội học hiệp thông cùng linh đạo và thực hành đặc thù rút ra từ đó, vốn gắn liền với sứ vụ của toàn thể dân Chúa, ngày nay hơn bao giờ hết cần thiết phải chỉ dạy các nguyên tắc và phương pháp phân định, không những cho cá nhân mà còn có tính tập đoàn. […] Phân định tập đoàn giúp chúng ta khám phá ra một tiếng gọi Thiên Chúa cho vang lên từ một hoàn cảnh lịch sử nhất định».[15]

(còn tiếp)

Nguồn: hdgmvietnam.com

————————————————————————————–

[1] Ủy ban Thần học Quốc tế (UBTHQT), Tính hiệp hành trong đời sống và sứ mạng của Hội thánh, 02.3.2018, 6.

[2] Ivi, s. 21.

[3] Ivi, s. 22.

[4] Ivi, s. 25.

[5] Ivi, s. 39.

[6] Ivi, s. 40.

[7] Paolo VI, motu proprio Apostolica sollicitudo. Thiết lập Thượng Hội đồng Giám mục thế giới, ngày 15.9.1965, giới thiệu trong AAS, 57.

[8] UBTHQT,  ivi, s. 42.

[9] Cf. Ivi, ss. 49 và 55.

[10] Phanxicô, Evangelii gaudium, 119.

[11] UBTHQT, ivi, s. 70.

[12] UBTHQT, ivi, s. 76: «Chiều kích hiệp hành của Hội thánh phải được diễn tả qua thực hành và quản trị các tiến trình tham gia khả dĩ biểu lộ sự hiệp thông năng động linh hứng cho mọi quyết định Hội thánh. Lối sống hiệp hành được diễn tả trong các tổ chức và qui trình qua các giai đoạn (chuẩn bị, cử hành, tiếp đón) dẫn đến các sự kiện công nghị Hội thánh được triệu tập ở các cấp khác nhau thực hiện tính hiệp hành nền tảng của mình».

[13] Cf. UBTHQT, Ivi, 79. Tài liệu của UBTHQT phần dành riêng cho Hội thánh địa phương giải thích: «Công nghị giáo phận cũng như công nghị giáo hội Đông phương địa phương, vừa là hành động quản trị vừa là một sự kiện hiệp thông, canh tân và đào sâu ý thức đồng trách nhiệm trong Hội thánh của Dân Chúa và được kêu gọi phác thảo cụ thể sự tham gia sứ vụ của mọi thành viên theo lôgich «mọi người»«một số người» và «một người». Sự tham gia của «mọi người» cần được thể hiện qua việc thỉnh ý trong tiến trình chuẩn bị Thượng hội đồng, nhằm để có thể nghe được mọi tiếng nói diễn tả Dân Thiên Chúa trong Hội thánh địa phương. Những người tham dự công nghị giáo phận hay thượng hội đồng với tư cách theo chức vụ, được bầu chọn hoặc được Giám mục bổ nhiệm là «một số người» được tin tưởng giao phó nhiệm vụ cử hành công nghị giáo phận. Điều căn bản là, tất cả những người tham dự cùng nhau biểu lộ một hình ảnh ý nghĩa và quân bình của Hội thánh địa phương, phản chiếu sự đa dạng của ơn gọi, thừa tác vụ, đặc sủng, khả năng chuyên môn, nguồn gốc xã hội và xuất xứ khác nhau. Giám mục, người kế nhiệm các Tông đồ và là mục tử của đoàn chiên triệu tập và chủ tọa công nghị Hội thánh địa phương, được mời gọi, với thẩm quyền của mình,  thực thi tác vụ hiệp nhất và hướng dẫn đoàn chiên».

[14] Phanxicô, Evangelii gaudium, 24.11.2013, 30.

[15] UBTHQT, Ivi, 113.

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận