Các tín hữu xác tín rằng nếu Con Thiên Chúa đã chọn con đường khổ giá để cứu chuộc nhân loại, thì chắc chắn hành động ấy phải có lý do, tuy rằng con người không luôn luôn muốn hiểu và chấp nhận.
Làm sao sống và cử hành Tuần Thánh “đau thương” sắp tới? Hôm 27-3-2020, Ban Phụng Vụ của ĐTC đã công bố lịch trình các lễ nghi Tuần Thánh sắp tới do ĐTC cử hành:
Các lễ nghi không có dân Chúa tham dự
Chúa nhật Lễ Lá 5-4 mở đầu một Tuần Thánh chưa từng có trong lịch sử Giáo Hội: lần đầu tiên các lễ nghi Tuần Thánh tại Vatican không có giáo dân trực tiếp tham dự, nhưng chỉ tham dự qua các phương tiện truyền thông. Những Chúa Nhật Lễ Lá bình thường ĐTC chủ sự tại Quảng trường Thánh Phêrô có nghi thức rước lá thật cảm động trước sự tham dự của 3, 4 chục ngàn người, nay chỉ diễn ra trong đơn sơ tột cùng tại bàn thờ cuối thánh đường thánh Phêrô. Cũng vậy với lễ nghi khác trong Tam Nhật Thánh. Không có lễ Dầu sáng thứ năm Tuần Thánh với hàng ngàn giáo sĩ các cấp đồng tế với ĐTC; buổi cử hành thương khó chiều Thứ Sáu Tuần Thánh tại Đền thờ Thánh Phêrô, và buổi đi dàng Thánh Giá trọng thể tại Hý trường Colosseo. Rồi tới đêm vọng Phục Sinh, thánh lễ tại thềm Đền thờ Thánh Phêrô được trang trí bằng hàng chục ngàn hoa từ Hòa Lan, và buổi công bố sứ điệp của ĐTC trước sự hiện diện của hàng chục ngàn tín hữu tại Quảng trường Thánh Phêrô. Nhưng nay, những lễ nghi ấy đơn giản tối đa, trước sự hiện diện của một vài người, trong thái độ thận trọng hết sức để tránh lây nhiễm.
Nhiều nơi trên thế giới, kể cả tại Việt Nam, Tuần Thánh cũng diễn ra với bầu đau thương như thế.
Nhìn thực trạng dưới đôi mắt đức tin
Nhưng “Mọi hoàn cảnh đều góp phần mưu ích cho những người mến Chúa” như thánh Phaolô đã dạy trong thư gửi tín hữu Roma (Rm 8,28). Với xác tín này, Kitô hữu không đòi Chúa làm phép lạ chữa nhân loại khỏi đại dịch coronavirus, không thắc mắc: tại sao Chúa không ra tay biểu dương uy quyền để mọi người tin vào Chúa? Họ không đặt câu hỏi: tại sao ĐGH và chúng con cầu hoài mà Chúa không lắng nghe, phá tan trận dịch Covid-19 này?
Các tín hữu xác tín rằng nếu Con Thiên Chúa đã chọn con đường khổ giá để cứu chuộc nhân loại, thì chắc chắn hành động ấy phải có lý do, tuy rằng con người không luôn luôn muốn hiểu và chấp nhận.
Nhìn nhận giá trị của đau khổ và nghịch cảnh
Trong thực tế, qua dòng lịch sử, không thiếu những người nhận thức giá trị cứu độ của đau khổ, qua tấm gương của Chúa Cứu Thế.
Khi không có đức tin, người ta sẽ thấy những đau khổ và nghịch cảnh chỉ là điều vô nghĩa lý và hoàn toàn vô ích. Nhưng đối với những người có niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã dùng chính đau khổ và cái chết để cứu chuộc nhân loại, thì đau khổ không còn là một bất hạnh hoàn toàn tiêu cực nữa. Một đàng các tín hữu vẫn tìm cách chữa trị bệnh tật và giải trừ đau khổ, nhưng đàng khác, họ cũng tìm cách thăng hoa giá trị của đau khổ. ĐTC Gioan Phaolô 2 đã viết trong Tông Thư “Salvifici doloris” (Khổ đau cứu độ), rằng: “Chúa Kitô đã dạy cho con người cách biến đổi đau khổ thành điều có lợi, và đồng thời cũng giúp đỡ những ai đang phải chịu đau khổ. Trong cả hai khía cạnh đó, Chúa tỏ lộ ý nghĩa sâu xa của đau khổ” (S.D, 30).
Gương Cha Christensen vượt thắng đau khổ
Hồi đầu tháng 3 này, trang mạng LifeSite ở Mỹ, có đăng một bài về Cha Dana Christensen Wendy Royston, 42 tuổi, cha sở giáo xứ Đức Mẹ Từ Bi (St Mary of Mercy) ở thành phố Alexandria, bang South Dakota, thuộc giáo phận Sioux Falls ở Mỹ.
Cha Christensen vốn là một LM trẻ trung, khỏe mạnh, đang hăng say hoạt động tại các giáo xứ ở Alexandria, Emery và Bridgewater, nhưng tháng 7 năm 2019, cha bắt đầu nhận thấy có gì không ổn, bắp cơ giật và đổi giọng nói. Ban đầu cha đi bác sĩ toàn khoa, rồi được bác sĩ gửi đến bác sĩ chuyên về thần kinh, với một loạt các thử nghiệm phải trải qua. Sau cùng, cuối tháng 10-2019, cha Christensen nhận được cú điện thoại của bác sĩ cho biết cha bị bệnh Xơ cứng teo cơ một bên, cũng gọi là bệnh Lou Gherig, làm cho các thần kinh điều khiển cơ xương chết đi, dần dần bệnh nhân gặp khó khăn trong việc nói, nuốt và thở. Bệnh này chưa có phương thức trị liệu. Thời gian sống trung bình từ khi mắc bệnh đến lúc chết là từ hai tới 4 năm, hầu hết là do suy hô hấp.
Xác tín Chúa quan phòng
Lúc đó cha Christensen mới đi hành hương ở Fatima trở về. Cha kể: “Tôi coi cú điện thoại xác nhận tôi bị bệnh Lou Gherig là điều diễn ra trong sự phù hộ của Mẹ Maria, một cú điện thoại trong sự quan phòng của Chúa.”
Nhưng sự chấp nhận thực tế căn bệnh của cha đòi nhiều chiến đấu. Cha kể tiếp: “Sau lần chẩn đoán xác nhận bệnh ấy, tôi trải qua một thời kỳ kinh hãi, kể cả tình trạng xuống tinh thần trầm trọng, tôi hết sức lo sợ. Nhưng với thời gian và cầu nguyện thật nhiều, tôi đã tìm lại được an bình về căn bệnh của tôi. Tôi biết chắc chắn rằng Thiên Chúa đã để cho điều đó xảy ra để tôi được tăng trưởng trong sự thánh thiện và là cơ hội để tôi giúp tha nhân cũng được tăng trưởng. Tôi tin Chúa muốn và đang dùng tình trạng bệnh tật của tôi để mưu sự thiện và tôi tín thác nơi Chúa”.
Nghịch cảnh như một lời mời gọi của Chúa
Cha Christensen xác tín rằng căn bệnh của Cha cũng là một lời Chúa mời gọi tôi hãy thực hành điều mà tôi rao giảng: “Tôi thường giảng dạy về sự tín thác nơi lòng thương xót của Chúa và kế hoạch của Chúa về đời sống chúng ta. Nay là lúc tôi phải mang ra thực hành”.
Ngày 10 tháng giêng năm nay (2020), lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa. Cha Christensen giải thích cho các giáo dân về hàng chữ bằng tiếng Hy lạp ghi ở cửa thánh đường: “Nếu bạn chết trước khi bạn chết, thì khi bạn chết, bạn sẽ không chết”, câu này muốn nói rằng: trong bí tích rửa tội, các tín hữu Kitô được chôn táng trong nước và được sống lại để sống cuộc sống mới.
Với giọng run run vì hậu quả của bệnh Lou Gherig, cha Christensen diễn giải cho giáo dân: “Nếu trong cuộc sống, chúng ta vác thánh giá mình và hằng ngày chết đi cho chính mình, nếu chúng ta chọn thánh ý Chúa thay vì ý riêng của chúng ta, nếu chúng ta hằng ngày chấp nhận những “cái chết” đến với chúng ta, dù đó là sầu muộn hay bệnh tật, hoặc bao nhiêu cái chết hằng ngày xảy ra cho chúng ta, nếu chúng ta sống những điều đó như Chúa Giêsu đã sống, nếu chúng ta để Chúa chết trong chúng ta, thì chúng ta chẳng còn điều gì phải sợ. Vì khi cái chết của chúng ta đến, thì chúng ta đã chết rồi, và tất cả những gì còn lại cho chúng ta là sống vĩnh cửu”.
Sau bài giảng đó, cha Christensen chia sẻ trên Facebook rằng “một linh mục phải luôn luôn giảng trước tiên cho chính mình, và điều đó cũng giúp tôi không sợ cái chết, vì nếu tôi đã chết với Chúa Kitô rồi, thì có gì mà tôi phải sợ nữa?”
Trong Facebook, cha Christensen cũng viết rằng “Trong mọi sự, xin tuân theo ý Cha, chứ đừng theo ý con”. Và cha cũng viết: “Tôi chấp nhận tất cả những gì Chúa định cho tôi và tôi dâng những sự ấy cho Chúa Giêsu nhờ tay Mẹ Maria, để đền bù tội lỗi tôi và tội lỗi của thế giới, để cứu vớt các tội nhân”. (LifeSite News 3-3-2020)
G. Trần Đức Anh OP
Có thể bạn quan tâm
Tám cách giúp con trẻ vượt qua nỗi mất mát người thân
Th11
Linh Mục Đoàn Giáo Phận Hà Tĩnh Khai Mạc Tuần Tĩnh Tâm Năm..
Th11
Những Nấm Mồ Biết “Nói”
Th11
Ngày 12/11: Thánh Josaphat, giám mục tử đạo
Th11
Thánh Lễ Ban Bí Tích Thêm Sức Cho 76 Em Tại Giáo Xứ..
Th11
Mở Án Phong Chân Phước Cho Sơ Clare Crockett
Th11
Niềm Vui Khánh Thành Nhà Mục vụ Giáo Xứ Tràng Lưu Trong Tuần..
Th11
Suy Niệm Chúa Nhật XXXII TNB: Ai Vui Vẻ Dâng Hiến Thì Được..
Th11
Giới Trẻ Tham Gia Đời Sống Giáo Hội
Th11
Tiếng chuông Nhà thờ Đức Bà Paris ngân vang sau 5 năm hỏa..
Th11
Đức Thánh Cha thêm Đức TGM Domenico Battaglia vào danh sách tân Hồng..
Th11
Ngày 09/11: Cung hiến Thánh Đường Latêranô
Th11
Truyền thông Công giáo được kêu gọi loan truyền Tin Mừng
Th11
Nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Trump có những căng thẳng nhưng..
Th11
Caritas Giáo Phận Hà Tĩnh: Đại Hội Tổng Kết 5 Năm Hình Thành..
Th11
Bài Hát Cộng Đồng Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Năm 2024
Th11
Bản Văn Phụng Vụ Trong Năm Thánh 2025
Th11
Nghi Thức Bế Mạc Năm Thánh 2025 Tại Các Hội Thánh Địa Phương
Th11
Một Hội Thánh Cùng Đi Với Chúa Loan Báo Tin Mừng
Th11
Nghi Thức Khai Mạc Năm Thánh 2025 Tại Các Hội Thánh Địa Phương
Th11