Buồn vui chuyện ngồi tòa

1511 lượt xem

Ngày nào con người chúng ta thôi đừng hùng hổ tìm cách ném đá vào đầu nhau, vào mặt nhau, vào đời nhau, nhưng ngược lại biết đến với nhau bằng tấm lòng biết xót thương như Chúa Giêsu vẫn luôn xót thương chúng ta, khi ấy xã hội chúng ta sẽ vui biết mấy, Hội Thánh chúng ta mừng biết mấy, còn cánh Linh Mục chúng tôi thì… khỏe hơn, đỡ khổ hơn biết mấy!

Những ngày cận kề Tam Nhật Thánh này, anh em Linh Mục chúng tôi xoay như chong chóng, đặc biệt là trong việc ngồi Tòa Giải Tội. Lo tại nhà, lại chạy đi các nơi hỗ trợ các Giáo Xứ bạn, “chia lửa” với các cha quen. Dùng động từ “chia lửa” nghe ghê quá, cứ như là đi đánh trận không bằng. Thế nhưng ngẫm nghĩ kỹ, quả thật, mỗi phiên ngồi Tòa Giải Tội, chúng tôi thấy căng thẳng quá, phải nghe bao nhiêu thứ tội lỗi của cuộc đời. Mệt không phải do ngồi lâu tê chân mỏi lưng, mà mệt vì… buồn, thậm chí gặp trường hợp kinh thiên động địa, bị ám ảnh, không khéo lại rơi vào khủng hoảng, chấn thương nội tâm và xói mòn ơn gọi Linh Mục!

Khổ nỗi, suốt 40 ngày Mùa Chay, người ta đi xưng tội rất ư là thưa thớt. Đến cuối Mùa Chay, sợ không còn kịp nữa, người ta đổ xô đến Nhà Thờ, xếp hàng hai kéo dài thành nhiều chuỗi trong Nhà Thờ, có khi tràn ra hành lang, ra cả ngoài sân. Ngồi trong Tòa, thỉnh thoảng thò đầu ra quan sát, thấy chuỗi người hình như chỉ có dài thêm ra chứ không thấy bớt đi. Đến khi đã được gần hai tiếng đồng hồ, tai ù không còn nghe rõ lời thú tội của người ta, cổ thấy khan vì khuyên lơn hướng dẫn đã nhiều, lại thò đầu ra lần nữa, lòng thầm hy vọng sẽ thấy chỉ còn độ chục người đổ lại, không ngờ mấy cha ở Tòa khác đứng lên về trước, thế là người ta dồn hết sang bên mình, phát hoảng!

Nhớ lại, hồi còn chưa đi tu, còn làm Giáo Lý Viên, tôi đã từng được nghe một cha DCCT đã rất “thoáng”, rất “nghệ sĩ” khi dạy về Bí Tích Hòa Giải cho cánh trẻ chúng tôi, ngài say sưa, thao thao bất tuyệt, đại để như thế này: “Các bạn hãy nhìn cái Tòa Giải Tội một cách gần gũi và bình dị, thân thương và lãng mạn, xin lỗi, không dám phạm thánh, bôi bác Bí Tích thiêng liêng, nhưng ta có thể ví đấy như một chiếc… “Ghế Đá Công Viên” giữa cuộc đời này, chứ đừng quen nghĩ như đó là một cái… “Tòa Án”, nghe rùng mình ớn lạnh.

Kể ra các bạn thấy khiếp vía cũng phải, đứng ngoài khách quan mà nhìn, thấy rõ một bên là tội nhân thì phải run rẩy quỳ gối khấu đầu mà khai báo tội mình ra, bao giờ, bao nhiêu lần, như thế nào, với ai; còn bên kia là ông quan tòa ngồi bệ vệ trên ghế nghe không sót một tội nào, ngài mà thấy nghi nghi, vặn hỏi là phải khai cho bằng hết, rồi ngài sẽ luận tội và ra hình phạt răn đe trừng trị hoặc định mức đền bù bồi thường các tội đã phạm.

Không, các bạn hãy chọn cho cái gọi là “Tòa Giải Tội” một tên khác dễ thương hơn đi. Các bạn nghĩ không ra thì tôi xin đề nghị gọi đấy là… “Luca-mười-lăm“ (*).

Ý là tôi muốn các bạn hãy đến với Bí Tích Hòa Giải như đến với một Điểm Hẹn mà chính Chúa Cha đã ngồi đó chờ đợi ta từ lâu lắm rồi, y như người cha mong đứa con bê bối bậy bạ chắc chắn rồi cũng sẽ có ngày phải trở về. Chúa Giêsu là người Anh Cả, không hề nhỏ nhen ganh tỵ và đố kỵ với thằng em, nhưng tận tụy lặn lội đi tìm nó giữa chợ đợi, gặp được rồi thì ân cần níu tay nó kéo về gặp Cha. Thế là gia đình sum họp vui vầy bên nhau thật hạnh phúc…”

Bây giờ hai mươi, ba mươi năm sau, chính mình lại là Linh Mục ngồi trong Tòa. Hình ảnh dễ thương của cái “Luca-mười-lăm” vẫn còn trong tâm tưởng, nhưng thực tế chua xót cay đắng và bẽ bàng lắm thay! Trong hành lang Nhà Dòng, cha nào trông thấy một cha khác mặc áo Dòng hoặc áo Alba, tay khoác dây Stola tím, dáng vẻ ủ rũ phờ phạc, không cần hỏi cũng biết ấy là vừa mới ngồi… Ghế Đá Công Viên trở về đấy! Vất vả, mệt mỏi thê lương đến nỗi, Nhà Dòng chúng tôi có một biệt đãi: cha Bề Trên ghi bên dưới lịch phân công “Ngồi Tòa”: anh em có nước ngọt giải khát để sẵn trong tủ lạnh ở phòng chung!

Chua xót và cay đắng, chúng tôi không dám nói quá lời, vì chỉ nghe riêng cái tội phá thai thôi cũng đã đủ buồn nản vô cùng. Tôi ngồi đó, tai nghe tội xưng ra mà lòng nhói đau, liên tưởng ngay đến những chiếc túi nylon màu đen thui nặng cả chục ký lô xác các cháu bé mỗi chiều vẫn được các anh chị em tình nguyện trong Nhóm Bảo Vệ Sự Sống khéo léo âm thầm xin được ở các bệnh viện và trung tâm phá thai, bé nào là con của cô gái, của chàng trai đang quỳ ở bên kia tấm màn xưng tội nhỉ?

Chua xót và bẽ bàng, lại vì có khi người đến xưng tội nói thẳng cho biết rằng sẽ lại phạm tội trọng ấy một lần, thậm chí nhiều lần nữa, sau khi hôm nay được xưng tội, được rước lễ. Họ bảo: “Vâng, con biết ngoại tình là tội trọng, con phải xưng thì mới được rước Lễ, nhưng nếu cha đã hỏi thật thì con cũng xin nói thẳng là con chưa… bỏ được cô ấy đâu!” Rồi khi thấy rõ họ “không giốc lòng chừa”, tôi khuyên họ chịu khó trở ra ngoài xét mình lại, thì họ cự nự gầm gừ, có khi buột miệng văng tục, mắng cho một câu rất nặng rồi đứng dậy bỏ ra!

Chua xót và gần như ngã lòng, khi hối nhân lại là một người… tu hành với những tội tày đình, thường là từ Giáo Phận khác chạy sang đất lạ xin xưng tội cho “an toàn”. Tôi đã hết sức nhẫn nại thuyết phục vị ấy can đảm trở về trình bày với Đấng bản quyền, với Bề Trên trực tiếp. Vì đây không còn là tội trót phạm do sa ngã yếu đuối, nhưng là tội phạm có hệ thống, kéo dài, càng ngày càng nguy hiểm hơn, chồng chất ba, bốn thứ tội trọng, đi xưng tội vì sợ phạm thánh nhưng không ngờ lại càng… phạm thánh nhiều hơn! Thế mà… Không nhìn thấy mặt, chỉ nghe tiếng nhưng tôi hiểu được vị ấy đã chuyển từ năn nỉ sang tức giận hằn học, cuối cùng bật ra một lời: “Là Linh Mục cả với nhau mà ông không chịu thông cảm à?”

Lắm lúc bi quan nản chí quá, chúng tôi thấy sao người ta coi thường Bí Tích Hòa Giải đến thế, cứ như đó là một chiếc… máy giặt không bằng. Hễ mặc quần áo thấy dơ rồi thì đem bỏ vào máy, cho xà phòng, bấm nút. Giặt, vắt, sấy khô, xong rồi đem là ủi cho đẹp để lại mặc tiếp. Mặc bẩn lại bỏ vào máy. Giặt sạch lại mặc. Mặc dơ lại giặt… Cứ thế cho đến bao giờ nhỉ? Vải tốt mấy cũng đến ngày phải sờn, phải rách, thì vứt đi mua cái khác sao? Chẳng lẽ tâm hồn mình đến nông nỗi ấy sao? Chẳng lẽ Bí Tích của Chúa Giêsu để lại không hơn gì cái máy giặt Misubishi để trong góc nhà tắm ư?

Nhưng thôi, cứ nói mãi chuyện buồn chuyện chán cũng không nên, nó làm ta nhụt nhuệ khí, không khéo lại ngã lòng trông cậy, mất niềm tin, mất cả ơn gọi thay mặt Chúa Cha để ra Điểm Hẹn “Luca-Mười-Lăm” ngồi Ghế Đá Công Viên thì uổng lắm!

Bây giờ xin kể những chuyện vui vậy. Ngồi Giải Tội mà vui à? Có chứ ạ! Một lần ngồi giải tội Mùa Chay năm 2004 ở một Nhà Thờ tại California nước Mỹ, có một bà người Việt ước khoảng 60 tuổi vào xưng tội: “Thưa cha, con phạm tội không “tắc kè” cho ông xã nhà con…” Tôi chợt chia trí, không hiểu tội “tắc kè” với ông chồng là tội gì, cố gắng suy luận để còn khuyên và ra việc đền tội, đâm ra nghĩ bậy là… là…

Bên kia tấm màn bà cụ bắt đầu phân bua: “Mà thưa cha, khổ lắm cơ, con không chịu “tắc kè” ông xã con cũng là tại lỗi ông ấy mọi đàng, ông ấy đâu có chịu “tắc kè” con trước!” Nghe được một lúc, may sao, ơn khôn ngoan suy biết làm cho tôi sực tỉnh ngộ, thôi chết, “tắc kè” ở đây chính là cách nói Việt Nam bắt chước theo tiếng Anh là “take care”! Hú vía!

Lần khác ở Việt Nam, một anh thú tội ghen mà đánh vợ 2 bạt tai rất mạnh. Anh ấy tỏ dấu áy náy ray rứt, cho biết đã ghen bóng ghen gió vậy thôi, chứ sau đó anh điều tra thì không có chi. Anh kể rằng thì là… cô ấy sau đó đã khóc suốt đêm! Tôi khuyên xong, ra việc đền tội: hãy mở lời xin lỗi vợ. Sau đó khi tôi vừa dứt lời tha thứ, chúc bình an, anh ta phản ứng, xưng tôi một cách rất gay gắt: “Cha cho việc đền tội gì mà kỳ cục thế? Ai đời tôi là đàn ông mà lại đi xin lỗi vợ à? Cha tên gì? Rồi tôi sẽ tính chuyện với cha!” Tôi nói tên mình vừa xong là anh xô tòa bỏ đi.

Bẵng đi cả tháng, có chuông bấm đúng tên mình, tôi vừa ra phòng khách, một người đàn ông lạ mặt hỏi ngay: “Phải cha Uy đấy không?” Hỏi vậy thôi, không cần đợi tôi gật đầu, anh tuôn ra một tràng. May quá, không căng thẳng “hình sự” tý nào, chỉ ra vẻ rất khổ tâm, lúc đầu còn xưng tôi, rồi sau đó chuyển sang xưng con hồi nào không biết: “Khổ quá cha ơi, cha ra việc đền tội ác quá! Tôi về nhà hôm ấy, đã định không làm, dứt khoát không làm, tôi mà phải đi xin lỗi vợ à? Nhưng rồi tôi cứ nghĩ không đền tội thì chưa sạch tội, đành phải cố gắng ép mình mà xin lỗi vợ thôi… Chần chừ do dự mãi, một hôm tôi rào trước đón sau, mời vợ tôi ngồi xuống cho tôi được nói một câu… Vậy mà, cha coi, vợ con nó đâu có chịu cho con nói, cô ấy bảo: “Em biết anh định nói gì rồi. Thôi anh đừng nói chi cả. Em đã quên, đã bỏ qua cho anh ngay từ dạo ấy rồi mà!” Vậy là thưa cha, cho đến tận hôm nay con vẫn chưa đền tội được, có chết không cơ chứ, làm sao con hoàn tất việc xưng tội đây?!?”

Tôi thấy hay quá, nhổm dậy bắt tay anh ta và bảo: “Xin chúc mừng anh, anh có được một người vợ tuyệt vời đấy. Cô ta rất tế nhị ý tứ, đã không để cho anh là đàn ông mà phải hạ mình xin lỗi vợ đấy. Thôi, hôm nay tôi sửa việc đền tội lại cho anh nhé, bây giờ anh không phải xin lỗi chị nhà nữa, nhưng anh hãy nói với chị như thế này: “Em yêu quý, anh xin cám ơn em. Tạ ơn Chúa đã cho anh có được em là vợ anh!” Có ai ngờ, bây giờ đôi vợ chồng ấy gần như là bạn thân với chúng tôi, vẫn thường xuyên chia sẻ để chúng tôi lo cho mấy đứa bé mổ tim!

Tuần Thánh năm ngoái, 2009, chúng tôi lên giúp Tam Nhật Vượt Qua tại Trại Tâm Thần Trọng Đức, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, thuộc Giáo Phận Đà Lạt. Đang chuẩn bị cho nghi thức Vọng Phục Sinh, có một chị với đôi mắt lờ đờ, khuôn mặt vô cảm, lừ lừ tiến lại gần, thì thầm vừa đủ mình tôi nghe: “Xin cha giải tội cho con…” Tôi nghĩ thầm, trời đất ơi, điên làm sao mà xưng tội? Bí Tích luôn đòi buộc người đón nhận phải trong tình trạng phải tỉnh táo sáng suốt cơ mà!

Tôi không biết từ chối cách nào nên lần lữa câu giờ: “Chị muốn xưng tội, nhưng chị đã xét mình chưa?” Ai ngờ chị ấy trả lời ngon ơ: “Con xét mình từ lâu cha ơi, mấy tháng rồi bây giờ mới gặp được cha để xin xưng tội đấy!” Tôi ngạc nhiên lắm, lại hỏi: “Vậy chứ chị xét mình như thế nào?” Chị vẫn nhỏ nhẹ nói với đôi mắt lờ đờ như đang mê ngủ: “Thưa cha, con xét mình dựa theo Kinh Thánh! Chúa Giêsu bảo con phải sống như thế này như thế kia, mà con không sống đúng được như vậy, thì là phạm tội rồi còn gì?!?” nghiệt ngã, số phận con người sao mà oái oăm khốn khổ như thế. Một nạn nhân của tội ác nạo phá thai! Tôi đã vừa nói lời tha thứ và trao ban bình an của Thiên Chúa. Thế là tôi đã bị thuyết phục hoàn toàn để kéo chị ra một góc ngôi Nhà Nguyện và nghe chị xưng tội một cách trân trọng. Nghe đến đâu, tôi thấy bàng hoàng xót xa đến đó… Trong Thánh Lễ Vọng Phục Sinh sau đó, vẫn khuôn mặt vô cảm, đôi mắt lờ đờ, chị lừ lừ tiến lên cung kính đưa tay đón lấy Mình Thánh Chúa! Ai dám “xem mặt mà bắt hình dong” để bảo chị ấy điên?!?

Ấy là chuyện giải tội cho người lớn. Giải tội cho trẻ em mới… vui thật sự! Nghe cứ như chuyện bịa, chuyện đùa! Thật ra, các em cũng chỉ là… nạn nhân của người lớn, cha mẹ, thầy cô Giáo Lý Viên, các dì phước và có khi do cả các cha nữa. Khi các em được xưng tội lần đầu, hình như chúng ta chỉ mới lo cho các em tập tành về mặt nghi thức đi xưng thú trút bỏ tội lỗi cho đúng cách, chứ chưa giúp các em đi sâu vào mối tương quan quá tuyệt vời dễ thương giữa các em là đàn con và Thiên Chúa là Cha nhân ái của chúng.

Đương nhiên hậu quả bây giờ, lúc các em đã là thiếu niên mười mấy tuổi, thậm chí đã vào tuổi dậy thì giọng con trai ồ ồ, giọng con gái điệu đàng, mà vào Tòa cứ rút tờ giấy học trò viết sẵn ra y chang một khuôn một mẫu. Mười điều răn đổ đồng tội nào cũng như tội nấy. Ai đời một tháng chỉ có 4 hoặc 5 Chúa Nhật mà xưng tội 3 tháng bỏ Lễ Chúa Nhật đến 30 lần! Bé xíu mà phạm điều răn thứ năm, thứ sáu và thứ chín đồng loạt đến 30 lần! Lại còn thêm những tội phạm điều răn thứ… 11 và 12 nữa, ngủ gật hoặc chia lòng chia trí trong Nhà Thờ mà vẫn còn nhớ đếm chính xác được đúng 30 lần mỗi thứ!

Ở trên chúng tôi có mạn phép nhận xét: Giải tội cho trẻ em mới… vui thật sự! Ý là đang ngồi Tòa với người lớn, mệt và căng thẳng ghê lắm, chợt có một vài em vào xưng tội kiểu hồn nhiên như thế, cha nào cũng muốn bật cười, trong lòng tự nhiên thấy nhẹ nhõm hẳn đi, giải tỏa được cả khối stress, có mấy “cha tân Linh Mục mới”, còn rất trẻ, mới được Đức Cha trao năng quyền ngồi Tòa Giải Tội, thường được giao cho giúp thiếu nhi xưng tội, thế là được dịp nhớ lại, chỉ gần hai mươi năm trước thôi, chính mình cũng ngô nghê dễ thương y như vậy.

Thế đó, bao nhiêu buồn vui chuyện trao ban Bí Tích Hòa Giải. Mà cho dù buồn nhiều hơn vui, nhưng mỗi khi bắt lấy được một chuyện vui, cái vui ấy nho nhỏ thôi, lại đủ sức hóa giải cả cái khối buồn to đùng nặng trĩu. Các cha ngồi Tòa xong, nếu có dịp ngồi nghỉ bên nhau, được cha chủ nhà mời bát cháo cốc nước giải lao, thế nào cũng khoe: “Hôm nay con bắt được cho cha Sở mấy con cá to cực kỳ đấy nhé”. Cha khác nhận xét, thoạt nghe tưởng là chê hóa ra là khen: “Các cha có đồng ý với con không, chứ phần con đến giúp giải tội mấy ngày này ở đây, con thấy người ta xưng ra cái tội phá thai và đặt vòng nhiều lắm, chắc là cha sở đã cố gắng giảng rất nhiều, cảnh báo rất mạnh về những tội ác này?”

Mùa Chay năm nay, chúng tôi ngồi giải tội ở Nhà Thờ của mình, lại giải tội giãi vạ đặc biệt trong khi đi giảng các kỳ Tiền Phúc, Đại Phúc, Hậu Phúc ở các Giáo Phận miền Bắc, trở vào Sàigòn lại chạy đi “chia lửa” với các cha ở Nhà Thờ Chợ Quán, Nhà Thờ Công Lý.. Lại có hôm được Nhóm An Phong chuyên chăm sóc các bệnh nhân gọi đến Nhà Thờ Hợp An để giúp giải tội cho những nạn nhân HIV/AIDS… Tổng kết sơ sơ Mùa Chay này mà giật mình, có lẽ tôi đã tham gia giải tội được cho cả bảy tám trăm người!

Cứ ngẫm nghĩ thấy, trong khi ngoài thế gian duy vật vô thần, xã hội đất nước chúng ta bây giờ các phiên tòa hầu như đều để lại rất nhiều oan sai bất minh. Kẻ có tội thì chạy chọt hoặc núp bóng ô dù bao che để được trắng án, sau đó có khi còn được chuyển công tác và lên lương, trong khi người vô tội thì bị xử ép, không kêu vào đâu được, lạng quạng còn bị tăng án. Án xử được soạn sẵn, bỏ túi, cứ rút ra là toi đời dân thấp cổ bé miệng. Như thế rõ ràng, có tòa án, có giải án nhưng tội ác con người lại càng thêm chồng chất, oan khiên thấu đến tận trời xanh!

Tự dưng chúng tôi thấy lòng dâng lên một niềm tri ân Thiên Chúa: “Con cám ơn Chúa, dù con cũng là kẻ tầm thường tội lỗi, thế mà Chúa vẫn cứ chọn con làm Linh Mục, để con được vinh dự thay mặt Chúa mà ngồi các phiên tòa tuyên án tha bổng cho không biết bao nhiêu là tội nhân tưởng đã phải chịu chết đời đời, đem lại niềm vui bình an cho không biết bao nhiêu là những mảnh đời khốn cùng vì tội lỗi.”

Xét ra, cái gốc nằm ở chỗ chính Chúa Giêsu đã chịu gánh lấy tất cả mọi tội vạ của con người chúng ta mà chết trên thập giá, từ đó mà chúng ta được Ngài “giải án tuyên công” (theo cách nói của cha Nguyễn Thế Thuấn, DCCT). “Tuyên công” không phải là tuyên dương công trạng gì ở đây, mà là tuyên bố được trở nên công chính trước mặt Thiên Chúa và trước mặt nhau! Không những trắng án mà con được phục hồi quyền làm con cái Thiên Chúa nữa chứ!

Để kết thúc, chúng tôi chợt nhớ mới đây khi đến Nhà Thờ Chợ Quán, quận 5 Sài Gòn, sớm trước giờ các cha ra phụ giải tội, chúng tôi ngồi lẫn vào với đám đông cộng đoàn Giáo Dân bên dưới để dự một phiên hướng dẫn sám hối của cha Sở. Từng lời từng lời phát âm giọng miền Nam rất chuẩn rất sõi, trầm ấm, như ngấm vào lòng người nghe.

Cha Sở đọc đoạn Tin Mừng Gioan 8, 1 – 11 của Chúa Nhật 5 Mùa Chay năm C, rồi cứ nhỏ nhẹ mà nói: “Thánh Giáo Phụ Augustino chú thích cho đoạn Tin Mừng này: khi đám đông hùng hổ đòi ném đá đã tự động rút lui giải tán, chỉ còn lại đó hai con người, Chúa Giêsu và người đàn bà bị bắt quả tang ngoại tình, một người giàu lòng xót thương và một người đang cần đến lòng thương xót…”

Cha Sở lại nhắc mọi người nhớ đến một câu ngạn ngữ của người Anh: “Chúng ta đang sống chung trong một ngôi nhà bằng kiếng, vậy thì xin đừng ném đá lẫn nhau!”

Vâng, ngày nào con người chúng ta thôi đừng có hùng hổ tìm cách ném đá vào đầu nhau, vào mặt nhau, vào đời nhau, nhưng ngược lại biết đến với nhau bằng tấm lòng biết xót thương như Chúa Giêsu vẫn luôn xót thương chúng ta, khi ấy xã hội chúng ta sẽ vui biết mấy, Hội Thánh chúng ta mừng biết mấy, còn cánh Linh Mục chúng tôi thì… khỏe hơn, đỡ khổ hơn biết mấy!

Và như thế, Tòa Giải Tội sẽ không còn được xem là “Tòa Án” nữa, nhưng thật sự là một “Luca-mười-lăm”, một “Ghế Đá Công Viên” được chọn làm “Điểm Hẹn Yêu Thương” giữa Thiên Chúa và con người…

 

Lm Lê Quang Uy, DCCT

Nguồn: http://hoaxuongrong.org/tho-van/van/buon-vui-chuyen-ngoi-toa_a429



(*) Luca – Chương 15

Ba dụ ngôn về lòng thương xót của Thiên Chúa

Các người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Đức Giê-su để nghe Người giảng. Những người Pha-ri-sêu và các kinh sư bèn xầm xì với nhau: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng.” Đức Giê-su mới kể cho họ dụ ngôn này:

Dụ ngôn con chiên bị mất (Mt 18: 12 -14 )

“Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất?5 Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai.6 Về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: “Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó.7 Vậy, tôi nói cho các ông hay: trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn.

Dụ ngôn đồng bạc bị đánh mất

“Hoặc người phụ nữ nào có mười đồng quan, mà chẳng may đánh mất một đồng, lại không thắp đèn, rồi quét nhà, moi móc tìm cho kỳ được?Tìm được rồi, bà ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: “Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được đồng quan tôi đã đánh mất. Cũng thế, tôi nói cho các ông hay: giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối.”

Dụ ngôn người cha nhân hậu

Rồi Đức Giê-su nói tiếp: “Một người kia có hai con trai. Người con thứ nói với cha rằng: “Thưa cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng. Và người cha đã chia của cải cho hai con. Ít ngày sau, người con thứ thu góp tất cả rồi trẩy đi phương xa. Ở đó anh ta sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình.

“Khi anh ta đã ăn tiêu hết sạch, thì lại xảy ra trong vùng ấy một nạn đói khủng khiếp. Và anh ta bắt đầu lâm cảnh túng thiếu, nên phải đi ở đợ cho một người dân trong vùng; người này sai anh ta ra đồng chăn heo. Anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho. Bấy giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ: “Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói! Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người: “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy. Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha.

Bấy giờ người con nói rằng: “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. .. Nhưng người cha liền bảo các đầy tớ rằng: “Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng! Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy. Và họ bắt đầu ăn mừng.

“Lúc ấy người con cả của ông đang ở ngoài đồng. Khi anh ta về gần đến nhà, nghe thấy tiếng đàn ca nhảy múa, liền gọi một người đầy tớ ra mà hỏi xem có chuyện gì. Người ấy trả lời: “Em cậu đã về, và cha cậu đã làm thịt con bê béo, vì gặp lại cậu ấy mạnh khoẻ. Người anh cả liền nổi giận và không chịu vào nhà. Nhưng cha cậu ra năn nỉ. Cậu trả lời cha: “Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè. Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng!

Nhưng người cha nói với anh ta: “Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con. Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy.”

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận