Bài giảng của Đức thánh cha trong giờ cầu nguyện và ban phép lành Urbi et Orbi

1243 lượt xem

Đức Thánh Cha đã chủ sự buổi cầu nguyện lịch sử trong quảng trường hoàn toàn trống vắng những lại có đông đảo tín hữu tham dự từ khắp nơi trên thế giới tham dự. Ngài xin Chúa ban sức khỏe cho thể xác và an ủi trái tim. Sau khi chầu Thánh Thể, Đức Thánh Cha ban phép lành Mình Thánh Urbi et Orbi cho các tín hữu trong buổi cầu nguyện đặc biệt cầu cho thế giới trước đại dịch.

Lúc 6 giờ chiều ngày 27/03, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự giờ cầu nguyện tại quảng trường thánh Phêrô để cầu nguyện cho thế giới trước đại dịch virus corona. Giờ cầu nguyện bắt đầu với nghi thức cử hành Lời Chúa.

Đoạn Tin Mừng thánh Marco được đọc trong giờ cầu nguyện thuật lại sự kiện các môn đệ đang ở trên tàu, khi Chúa Giêsu đang ngủ, thì giông bão nổi lên. Các môn đệ hoảng sợ, đánh thức Ngài dậy và nói: “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao?” Chúa Giêsu đã truyền cho sóng im biển lặng và ngài bảo họ “Sao nhát thế? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?”

Suy tư về đoạn Tin Mừng trên, Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu hãy mời Chúa vào cuộc đời chúng ta, hãy phó thác những khó khăn đau khổ cho Chúa, hãy tin rằng Chúa là Đấng yêu thương và yêu chương chúng ta nhất.

Sau đây là bài giảng của Đức Thánh Cha

Chúng ta ở trên cùng con thuyền và cần cùng nhau chèo để vượt qua sóng gió

“Khi chiều xuống” (Mc 4,35). Đó là câu mở đầu đoạn Tin Mừng chúng ta đã nghe. Từ nhiều tuần nay, dường như chiều đã xuống. Những bóng đen dầy đặc phủ trên các quảng trường, các đường phố và thành thị của chúng ta; chúng chiếm hữu cuộc sống chúng ta, làm đầy mọi sự bằng một sự im lặng gây choáng váng và một sự trống rỗng thê lương, làm tê liệt mọi sự khi nó đi qua: người ta cảm thấy điều ấy trong không khí, nhận thấy nó qua các cử chỉ, qua những cái nhìn. Chúng ta lo sợ và ngỡ ngàng. Như các môn đệ trong bài Tin Mừng, chúng ta bất ngờ bị bão tố hung bạo vùi dập. Chúng ta nhận thấy mình đang ở trên cùng một con thuyền, tất cả đều mong manh và mất hướng, nhưng đồng thời tất cả đều quan trọng và cần thiết, tất cả được kêu gọi cùng chèo với nhau, tất cả đều cần an ủi nhau. Tất cả chúng ta đều ở trên con thuyền ấy. Như những môn đệ trong bài Tin Mừng đồng thanh và lo âu nói với nhau: “Chúng ta chết mất” (v.38), chúng ta cũng nhận thấy mình không thể tiến bước nếu mỗi người chỉ lo cho mình, nhưng phải cùng nhau.

Chúa Giêsu ngủ yên vì Ngài tín thác nơi Chúa Cha

Thật là dễ thấy mình ở trong hoàn cảnh như trình thuật này. Điều khó khăn là làm sao hiểu thái độ của Chúa Giêsu. Trong khi các môn đệ tự nhiên thấy hốt hoảng và tuyệt vọng, thì Chúa ở phần cuối thuyền, là phần sẽ bị chìm trước tiên. Ngài làm gì thế? Mặc dù những giao động, hối hả, Ngài vẫn ngủ yên, tín thác nơi Chúa Cha – đó là lần duy nhất trong Tin Mừng, chúng ta thấy Chúa Giêsu ngủ -. Và khi Ngài bị đánh thức dậy, Chúa cho gió yên biển lặng, rồi nói với các môn đệ với giọng khiển trách: “Tại sao các con lại sợ? Các con chưa có đức tin sao?” (v.40).

Các môn đệ thiếu đức tin: họ không tin Chúa quan tâm đến họ 

Chúng ta hãy tìm cách hiểu. Sự thiếu đức tin của các môn đệ hệ tại điều gì, một thái độ trái ngược với sự tin tưởng của Chúa Giêsu? Các môn đệ không ngừng tin nơi Chúa, và thực sự họ kêu cầu Ngài. Nhưng chúng ta hãy xem cách thức môn đệ kêu cầu: “Thưa Thầy, Thày chẳng quan tâm gì đến sự kiện chúng con sắp chết sao?” (v. 38). ‘Thầy chẳng quan tâm’: họ nghĩ rằng Chúa Giêsu không đoái hoài gì đến họ, không chăm sóc họ. Giữa chúng ta, trong các gia đình, một trong những điều làm đau lòng nhất, đó là khi chúng ta nghe nói: “Anh chẳng quan tâm gì đến em sao?”. Đó là một câu làm thương tổn và tạo nên bão tố trong tâm hồn. Câu ấy cũng làm tổn thương cả Chúa Giêsu. Vì chẳng có ai quan tâm đến chúng ta hơn Ngài. Thực vậy, sau khi được kêu cầu, Chúa đã cứu vớt các môn đệ thiếu lòng tin.

Bão tố cho thấy chúng ta đã bỏ qua điều nâng đỡ và ban sức mạnh cho chúng ta

Bão tố vạch trần sự dễ thương tổn của chúng ta và cho thấy những an ninh giả tạo và thừa thãi qua đó chúng ta đã xây dựng những chương trình hoạt động, những dự án, các tập quán và ưu tiên của chúng ta. Nó tỏ cho thấy chúng ta đã lơ là và bỏ qua điều nuôi dưỡng, nâng đỡ và ban sức mạnh cho cuộc sống và cộng đoàn của chúng ta. Bão tố để lộ tất cả những chủ tâm “gói lại” và quên đi những gì đã nuôi dưỡng cái hồn của các dân tộc chúng ta; tất cả những toan tính gây mê với những tập quán có vẻ là “cứu thoát”, nhưng không có khả năng tham chiếu những căn cội và nhắc nhớ tới các vị tiền bối của chúng ta, và vì thế khiến cho chúng ta không còn khả năng miễn dịch cần thiết để đương đầu với nghịch cảnh.

Bão tố cũng làm rơi mất những mánh khóe chúng ta dùng để ngụy trang “cái tôi” của chúng ta, luôn lo lắng về hình ảnh của mình; một lần nữa, chúng ta khám thấy điều tốt lành là chúng ta cùng thuộc về nhau, cùng là anh chị em của nhau.

Chúng con đang ở giữa biển động, chúng con khẩn cầu Chúa: “Lạy Chúa, xin hãy thức dậy!”

“Tại sao các con sợ hãi? Các con chưa có niềm tin sao?”. Lạy Chúa, Lời Chúa chiều tối hôm nay đánh động và có liên hệ tới tất cả chúng con. Trong thế giới chúng con hiện nay, thế giới mà Chúa yêu thương nhiều hơn cả chúng con yêu, chúng con tiến bước rất mau lẹ, cảm thấy hùng mạnh và có khả năng trong mọi sự. Chúng con ham hố lợi lộc, để cho mình bị vật chất thu hút mất và bị choáng váng vì vội vã. Chúng con không dừng lại trước những lời nhắc nhở của Chúa, không thức tỉnh trước những chiến tranh và bất công trên thế giới, chúng con đã không lắng nghe tiếng kêu của những người nghèo và của trái đất của chúng con đang bị bệnh nặng. Chúng con cứ tiếp tục tiến bước không chút sợ hãi, nghĩ rằng mình sẽ luôn khỏe mạnh trong một thế giới bị bệnh. Giờ đây, trong lúc chúng con đang ở giữa biển động, chúng con khẩn cầu Chúa: “Lạy Chúa, xin hãy thức dậy!”

Đây là thời điểm chọn lựa điều gì đáng kể và điều gì chóng qua

“Tại sao các con sợ hãi? Các con chưa có đức tin sao?” Lạy Chúa, Chúa kêu gọi chúng con, một lời kêu gọi hãy tin tưởng. Không phải chỉ tin Chúa hiện hữu cho bằng hãy đến cùng Chúa và tín thác nơi Chúa. Trong Mùa Chay này vang dội lời kêu gọi cấp thiết của Chúa: “Hãy hoán cải”, “hãy hết lòng trở về cùng Ta” (Gl 2,13). Chúa gọi chúng con hãy đón nhận thời điểm thử thách này như ‘một thời điểm chọn lựa’. Đây không phải là thời điểm phán xét của Chúa, nhưng là lúc chúng con phải suy xét: thời điểm chọn lựa điều gì đáng kể và điều gì chóng qua, tách biệt điều cần thiết ra khỏi điều không cần. Lạy Chúa, đây là lúc điều chỉnh lại hành trình cuộc sống của chúng con hướng về Chúa và hướng về tha nhân. Và chúng con có thể nhìn bao nhiêu bạn đồng hành gương mẫu, trong sợ hãi, họ đã phản ứng bằng cách hiến mạng sống mình. Đó là sức mạnh tác động được Thánh Linh đổ xuống và nhào nặn thành những sự hiến thân can đảm và quảng đại.

Cầu nguyện và phục vụ âm thầm: đó là những khí giới chiến thắng của chúng ta

Đó là sự sống của Thánh Linh có khả năng cứu chuộc, nâng cao giá trị và tỏ cho thấy cuộc sống của chúng con được hình thành và nâng đỡ nhờ những người thường – những người thường bị quên lãng, – không được báo chí nói đến, không xuất hiện trong những cuộc biểu dương mới nhất, nhưng chắc chắn, họ đang viết lên những biến cố quan trọng ngày nay trong lịch sử chúng con: các bác sĩ, y tá nam nữ, các nhân viên siêu thị, nhân viên vệ sinh, những người giúp việc gia đình, các nhân viên chuyên chở, các nhân viên công lực, những người thiện nguyện, các linh mục, nữ tu và bao nhiêu người khác đã hiểu rằng không ai tự cứu thoát một mình. Đứng trước đau khổ, qua đó người ta đo lường mức độ phát triển đích thực của các dân tộc chúng con, chúng con khám phá và cảm nghiệm lời nguyện tư tế của Chúa Giêsu: “Ước gì tất cả chúng được nên một” (Ga 17,21). Bao nhiêu người hằng ngày thực hành kiên nhẫn và đổ tràn hy vọng, chú tâm không gieo rắc kinh hoàng nhưng gieo vãi tinh thần đồng trách nhiệm. Bao nhiêu người cha, người mẹ, ông bà, giáo chức, chỉ cho các trẻ em chúng con – qua những cử chỉ bé nhỏ và thường nhật – cách thức đương đầu và vượt thắng một cuộc khủng hoảng, bằng cách điều chỉnh các thói quen, ngước mắt lên cao và khích lệ cầu nguyện. Bao nhiêu người cầu nguyện, dâng hy sinh và chuyển cầu cho ích chung của tất cả mọi người. Cầu nguyện và phục vụ âm thầm: đó là những khí giới chiến thắng của chúng ta.

Hãy mời Chúa Giêsu bước lên những con thuyền cuộc sống của chúng ta

“Tại sao các con sợ hãi? Các con chưa có đức tin sao?”. Khởi đầu đức tin là biết mình cần được cứu độ. Chúng ta không tự mãn, chỉ tự mình thôi thì chúng ta sẽ bị chìm; chúng ta cần Chúa như những người hải hành xưa kia cần những vì sao. Chúng ta hãy mời Chúa Giêsu bước lên những con thuyền cuộc sống của chúng ta. Hãy phó thác cho Chúa những lo sợ của chúng ta để Ngài chiến thắng chúng. Như những môn đệ chúng ta sẽ cảm nghiệm thấy rằng có Chúa ở trên thuyền, thuyền sẽ không bị đắm. Vì sức mạnh của Thiên Chúa là: tất cả những gì xảy ra cho chúng ta, cả những điều bất hạnh, đều mưu ích cho chúng ta. Chúa đưa sự thanh thản vào trong những bão tố của chúng ta, vì với Thiên Chúa, sự sống sẽ không bao giờ chết.

Chúa mời gọi chúng ta hãy đánh thức và khởi động tình liên đới và hy vọng

Chúa đặt câu hỏi cho chúng ta, giữa bão tố của chúng ta, Chúa mời gọi chúng ta hãy đánh thức và khởi động tình liên đới và hy vọng, có khả năng mang lại sự vững chắc, nâng đỡ và mang lại ý nghĩa cho những lúc này, trong đó tất cả dường như bị chìm. Chúa thức dậy để đánh thưc và hồi sinh niềm tin của chúng ta nơi sự phục sinh.

Trong thập giá của Chúa chúng ta được cứu độ

Chúng ta có một cái neo; trong thập giá của Chúa chúng ta được cứu độ. Chúng ta có một hoa tiêu: trong thập giá của Ngài chúng ta được cứu chuộc. Chúng ta có một hy vọng: trong thập giá của Chúa, chúng ta được chữa lành và ấp ủ vì không có gì và không một ai có thể tách biệt chúng ta ra khỏi tình thương cứu độ của Chúa. Giữa tình trạng cách ly, trong đó chúng ta đang thiếu thốn tình cảm quí mến và những cuộc gặp gỡ, chịu đựng bao nhiêu thiếu thốn, một lần nữa chúng ta nghe lời loan báo cứu độ: Chúa đã sống lại và Ngài sống cạnh chúng ta. Chúa kêu gọi chúng ta, từ trên thập giá của Ngài, hãy tìm lại cuộc sống đang chờ đợi chúng ta, và hãy nhìn đến những người đang kêu chúng ta hãy củng cố, nhìn nhận và khởi động ơn thánh đang ở trong chúng ta. Đừng dập tắt tim đèn còn ngún khói (Xc Is 42,3), không bao giờ yếu liệt và hãy để cho niềm hy vọng được bùng lên.

Đón nhận thập giá là can đảm đón nhận tất cả các nghịch cảnh, đón nhận hy vọng

Đón nhận thập giá của Chúa có nghĩa là tìm lại can đảm để đón nhận tất cả các nghịch cảnh của thời điểm hiện nay, tạm bỏ sự lo lắng của chúng ta về sự toàn năng và chiếm hữu, để nhường chỗ cho tinh thần sáng tạo mà chỉ có Thánh Linh mới có khả năng khơi dậy. Điều này có nghĩa là tìm lại can đảm mở ra những không gian trong đó tất cả mọi người đều thể cảm thấy được kêu gọi và thực hiện những hình thức mới của lòng hiếu khách, tình huynh đệ và liên đới. Trong thập giá của Chúa, chúng ta được cứu thoát để đón nhận hy vọng và để cho niềm hy vọng ấy củng cố và nâng đỡ tất cả các biện pháp và những con đường khả dĩ giúp chúng ta bảo tồn bản thân và giữ gìn. Đón nhận Chúa để đón nhận hy vọng: đó là sức mạnh của đức tin, giải thoát khỏi sợ hãi và mang lại hy vọng.

Xin Chúa lập lại lần nữa: “Các con đừng sợ”

“Tại sao các con sợ hãi? Các con chưa có đức tin sao?” Anh chị em thân mến, từ nơi này, nhắc nhớ đức tin kiên vững của thánh Phêrô, tối hôm nay tôi muốn phó thác tất cả anh chị em cho Chúa, nhờ lời chuyển cầu của Đức Mẹ là sức khỏe của dân Ngài, là Sao biển giữa bão tố. Từ những hàng cột này như vòng tay ôm lấy thành Roma và thế giới, ước gì phúc lành của Thiên Chúa đổ xuống trên anh chị em như một vòng tay an ủi. Lạy Chúa, xin Chúa chúc lành cho thế giới, xin ban sức khỏe cho thân xác và an ủi cho tâm hồn. Chúa dạy chúng con đừng sợ hãi. Nhưng niềm tin của chúng con yếu ớt, và chúng con nhát đảm. Nhưng lạy Chúa, Chúa không bỏ mặc chúng con trong bão tố. Xin Chúa lập lại lần nữa: “Các con đừng sợ” (Mt 28,5). Và cùng với thánh Phêrô, “chúng con phó thác cho Chúa mọi lo âu, vì Chúa chăm sóc chúng con” (Xc 1 Pr 5,7).

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận