Bài giảng Lễ Lá của Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp

1763 lượt xem

Chưa bao giờ người ta chứng kiến một thánh lễ khai mạc Tuần Thánh trong âm thầm lặng lẽ, chỉ với một vài giáo dân hiện diện tham dự trong nhà thờ, còn lại là phải tham dự qua thánh lễ trực tuyến, như Tuần Thánh năm 2020.

Bài giảng của Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Giám mục Giáo phận Hà Tĩnh, cho chúng ta một cảm nhận sâu sắc trong bối cảnh Mùa Chay và Tuần Thánh năm nay.

Sau đây là toàn văn bài giảng.

1/ Tưởng niệm Chúa Giêsu vào thành thánh Giêrusalem (Mt 21, 1-11)

Anh chị em rất thân mến,

Chúng ta hiện diện nơi đây để chính thức khai mạc Tuần Thánh 2020, một Tuần Thánh dị thường và man mác buồn, vì đại dịch Corona Vũ Hán: Hoàn toàn vắng tiếng chuông nhà thờ, vắng tiếng cầu kinh và nhất là vắng bóng giáo dân thân yêu!

Với nghi thức rước lá đơn giản này, chúng ta tưởng niệm hành động can đảm của Chúa Giêsu công khai vào thành Giêrusalem để hoàn tất mầu nhiệm Vượt Qua, tức thực hiện cuộc Thương Khó và Phục Sinh vinh hiển.

Chúa Nhật Lễ Lá là một lễ hoan vui. Thật sự, trong suốt cuộc đời dương thế, chưa bao giờ Đức Giêsu được đông đảo dân chúng đón tiếp long trọng như trong lễ này. Ngài được đám đông hồ hởi đón tiếp như một vị Vua, một Đấng Messia, với tiếng hò, tiếng hát vang dậy: “Hoan hô, Hoan hô! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa”. Kẻ đi trước, người theo sau. “Nhiều người lấy áo choàng trải xuống mặt đường, một số người khác lại chặt nhành, chặt lá ngoài đồng mà rải trên lối đi” (Mc 11, 8-9).

Tuy nhiên, chỉ ít ngày sau thôi, khi ông Philatô hỏi đám đông tụ họp trước dinh Tổng trấn có muốn tha cho ông Giêsu không, thì họ cứ nằng nặc la hét: “Đóng đinh! Đóng đinh nó vào thập giá!” Rồi cũng chính đám đông này đã đưa Chúa lên núi Sọ, với những tiếng lo ó, những lời kết án, nhạo báng, xỉ nhục! Ôi nhân tình thế thái!

Những người đã được Ngài chữa lành, được Ngài chúc phúc và nuôi ăn bằng phép lạ hóa bánh đi đâu hết rồi? Sao không thấy bóng dáng của các môn đệ thân tín nhất? Có bao nhiêu người mới tung hô Chúa lại có mặt trong đám đông để gào thét yêu cầu đóng đinh Ngài?

Lạy Chúa Giêsu, hôm nay chúng con được hân hạnh khai mạc Tuần Thánh tưởng niệm cuộc Khổ nạn và Phục Sinh của Chúa. Xin cho chúng con can đảm bước theo Chúa và biểu lộ niềm tin nơi Chúa không phải chỉ qua những cử hành phụng vụ trong Tuần Thánh này, mà trong suốt cuộc đời dương thế. Xin phù giúp chúng con để đừng bao giờ mãn nguyện với việc tuyên xưng Chúa qua lời kinh tiếng hát, rồi sau đó, lại chối Ngài qua những tham vọng, dự tính, chọn lựa và hành động trong đời thường.

2/ Bài giảng của Đức cha Phaolô (Mt 26,14 – 27,66)

Qua nghi thức Rước Lá, chúng ta vừa diễn tả thái độ hồ hởi, nồng nhiệt, hân hoan, vui mừng của người Do Thái tháp tùng Chúa Giêsu vào thành Giêsusalem. Nhưng bài Tin Mừng theo Mt 27, 11-54, mà chúng ta vừa nghe đã trình bày cho chúng ta về cuộc Thương khó đau thương, khổ nhục và bi thảm nhất trần gian mà Đức Giêsu phải chịu.

Khi công khai bước vào thành Giêsusalem, Đức Giêsu biết rõ Ngài đang đi vào một nơi thù nghịch. Ngài cỡi lừa uy nghi vào kinh thành để chứng tỏ Ngài là vị vua hòa bình, đến không phải bằng sức mạnh của vũ lực, mà bằng sức mạnh của tình yêu. Hơn nữa, Ngài tuyên bố công khai nhiều lần: Ngài là Đấng Messia, Đấng được Thiên Chúa xức dầu và nhất là Ngài chính là Con Thiên Chúa. Đây là một thách thức. Thật vậy, các Biệt phái, các Kinh sư và giới lãnh đạo của Do Thái giáo rất thù ghét Ngài. Họ đã ăn thề với nhau phải loại trừ Ngài cho bằng được. Cuối cùng họ đã mượn tay người Roma để đóng đinh Ngài vào thập giá.

Nghe bài Thương khó một cách chậm rãi, chúng ta sẽ cảm nhận được cái đau da diết và sâu thẳm nhất của Đức Kitô không chỉ là cái đau thể lý, mà là nỗi cô đơn. Tất cả những người thụ ơn Ngài, được Ngài chữa lành, được chúc phúc, được nuôi ăn qua phép lạ hóa bánh hay những người mới tung hô Ngài vang trời, dậy đất tại cổng thành Giêrusalem … bây giờ ở đâu?

Đau buồn nhất là thái độ của 12 môn đệ thân yêu của Ngài! Giuđa bán Thầy lấy 30 đồng bạc và chỉ điểm cho quân lính bắt Ngài bằng một nụ hôn ghê tởm. Phêrô, Tông đồ trưởng, từng thề sống thề chết là sẽ không bao giờ bỏ Thầy, nhưng đã chối Thầy ba lần vì câu hỏi bâng quơ của một người tớ gái. Bi thảm hơn, tại vườn cây Dầu, Chúa Giêsu yêu cầu các môn đệ: “Anh em hãy ngồi lại đây, trong khi Thầy cầu nguyện”. Rồi Ngài đưa ba môn đệ thân tín nhất đi theo. Khi cảm thấy hãi hùng xao xuyến và bị đẩy đến tận cùng của nỗi cô đơn, Ngài van nài các ông: “Tâm hồn Thầy buồn đến chết được. Anh em ở lại đây mà canh thức với Thầy”. Nhưng thực tế thật u buồn: các ông đã mê mệt trong giấc ngủ, bỏ Thầy bơ vơ, buồn thảm, vật vã trong nỗi cô đơn. Chẳng ai canh thức cầu nguyện hay đồng hành với Thầy dẫu chỉ là một giờ thôi!

Trên con đường khổ nạn, tất cả các môn đệ đã tìm đường chạy trốn. Các ông bỏ mặc “người tử tù” bơ vơ, mình mẩy đầy thương tích, mặt mũi đẫm máu đào và không còn hình dạng con người, nhưng vẫn bị quân lính cưỡng bức phải cố gắng lết đi cho đến Núi Sọ.

Chắc chắn nỗi cô đơn lớn nhất của Đức Giêsu là sự im lặng nhiệm mầu của chính Chúa Cha toàn năng. Trong vườn cây Dầu, Chúa Giêsu đã ba lần tha thiết nguyện xin: “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này xa con”. Đối diện lời nguyện xin khẩn thiết đó, vẫn là một sự yên lặng tuyệt đối. Thế rồi, trên thập giá, khi cảm nghiệm đến tận cùng của nỗi nhục, nỗi đau và nỗi cô đơn dương thế, Ngài kêu lớn tiếng: “Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?”. Đối diện với tiếng kêu thất thanh đó, vẫn chỉ là sự im lặng nhiệm mầu và thật khó hiểu! Đức Giêsu than thở: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha”. Rồi Ngài trút hơi thở!

Cuộc thương khó của Chúa vẫn kéo dài cho đến tận thế. Trên dương gian này, mỗi ngày biết bao “Giêsu vô tội” vẫn bị kết án bất công, bị hành hạ, bị đối xử tàn tệ, bị gạt ra bên lề xã hội hay vẫn bị tước đoạt nhân phẩm, nhân quyền. Nhiều “Giêsu vô tội” khác đang thất nghiệp, sống chui nhủi ở nước ngoài vì sinh kế hay đang sống với đồng lương chết đói trong căn nhà dột nát. Cũng có những “Giêsu vô tội” thiểu năng, già nua, tật nguyền, bị bỏ rơi hay đang mang trong mình những căn bệnh mãn tính hoặc nhiễm Corvid-19. Đức Giêsu đang mời gọi chúng ta cùng với Ngài không những vác thánh giá của chính bản thân, mà hơn nữa can đảm vác thánh giá của các anh chị em nói trên, vác thánh giá như họ, với họ và cho họ. Amen.

+ Phaolô Nguyễn Thái Hợp, O.P.

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận