Ăn chay Công giáo có gì khác Phật giáo và Hồi giáo?

2557 lượt xem

Hỏi: Con quen một bạn Hồi giáo và mấy bạn Phật giáo. Họ cũng thường xuyên ăn chay. Vậy ăn chay bên Công giáo mình có gì khác với các bạn Hồi giáo và Phật giáo ạ? Đâu là ý nghĩa của việc ăn chay bên Công giáo? Và con phải ăn chay như thế nào trong Mùa Chay này ạ?

Trả lời:

Bạn thân mến,

Cảm ơn bạn đã nêu lên câu hỏi mà nhiều người cũng đang muốn tìm hiểu. Như bạn đã biết, mỗi người khi thực hiện việc ăn chay, đều có một mục đích và ý nghĩa riêng: có người ăn chay chỉ để cải thiện sức khỏe, có người ăn chay vì một lý do nào đó tùy theo truyền thống tâm linh của mình.

Đối với các bạn Phật giáo thì việc ăn chay, chay trường hoặc chay theo định kỳ một vài ngày trong tháng, trước hết vì lòng từ bi đối với tất cả chúng sinh, đồng thời cũng là để giảm bớt lòng tham, giảm bớt bản ngã của con người nhằm quay về với sự đơn giản khiêm nhường, nên khi ăn chay, người Phật tử chỉ ăn ngũ cốc, rau, củ, quả và không ăn thịt các loài động vật. Đây là cách ăn chay của Phật giáo Bắc Tông, chủ yếu hiện diện ở Việt Nam và Trung Quốc. Còn đối với Phật Giáo Nam Tông thường hiện diện ở Tây Tạng, Myanmar, Thái Lan, Lào, và Campuchia, thì kể cả các tu sĩ vẫn có thể ăn thịt được dâng cúng khi đi khất thực, miễn là thịt đó không phải do mình giết.

Các bạn Hồi giáo thì sẽ có một tháng gọi là tháng Ramadan, tháng thứ 9 theo lịch Á Rập. Trong tháng này, tất cả các tín đồ đều thực hiện nghiêm túc quy định: không ăn, không uống, không hút thuốc, kể cả không sinh hoạt tình dục, từ lúc mặt trời lên và lúc mặt trời lặn. Tất nhiên những người đang ốm, phụ nữ có thai, trẻ thơ, binh lính, người lao động nặng… thì được miễn trừ. Việc nhịn ăn uống này nhằm luyện cho con người một sự tiết chế, chống những cám dỗ vật chất, để tạo thuận lợi cho việc sau này lên thiên đàng. Đồng thời cũng là để có sự thông cảm và sẻ chia với những đồng đạo còn chưa đủ ăn, đủ mặc. Vào buổi sáng sớm, và nhất là sau khi mặt trời lặn, các gia đình có thể tổ chức ăn một cách linh đình và coi đây là thời gian gắn kết và đoàn tụ với những người thân yêu. Vì thế, trong tháng Ramadan này, người dân các nước Hồi giáo thường chi tiêu nhiều hơn vào thực phẩm và đồ uống.

Ý nghĩa việc ăn chay của người Công Giáo

Theo sách Giáo lý của Hội Thánh Công Giáo, việc chúng ta ăn chay trước hết là tu luyện và sám hối để chuẩn bị tâm hồn mừng các ngày lễ phụng vụ.[1] Vào mỗi dịp đầu mùa Chay, chúng ta được nghe lại Lời Thiên Chúa qua miệng ngôn sứ Giôen vang lên: “Các ngươi hãy thật lòng trở về với Ta trong chay tịnh, nước mắt và than van” (Ge 2,12). Đây là một chặng đường mà chúng ta, những tội nhân, phải trải qua để đạt đến niềm vui và bình an đích thực trong Chúa.

Ý nghĩa thứ hai của việc ăn chay là để chúng ta tập chế ngự các ham muốn, làm chủ các bản năng và đạt tới tự do nội tâm.[2] Con người chúng ta thường có nhiều ham muốn: ham muốn danh dự, ham muốn của cải, ham muốn sắc dục, ham muốn hưởng thụ… đây là những thói xấu dẫn con người đến chỗ phạm đủ các thứ tội lỗi, trói buộc người ta bám víu vào những thú vui vật chất mà lãng quên các giá trị vĩnh cửu. Chính với ý nghĩa này mà mùa chay còn được gọi là mùa tập luyện chiến đấu thiêng liêng.

Vào mỗi dịp mùa Chay, Giáo Hội cũng thường nhắc nhở chúng ta là hãy giảm bớt chi tiêu để chia cơm sẻ áo cho những người kém may mắn. Đây chính là cách ăn chay rất đẹp lòng Thiên Chúa, như lời Người phán qua miệng ngôn sứ Isaia: “Cách ăn chay mà Ta ưa thích chẳng phải là chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục sao? (Is 58, 6-7).

Một ý nghĩa nữa, và đây là điều khác biệt với các tôn giáo bạn, việc ăn chay cũng là cơ hội để chúng ta cảm nghiệm cách thức mà Chúa Giêsu đã từng chiến đấu vượt qua cơn đói và khát như thế nào khi Người vào trong hoang địa, ăn chay ròng rã suốt bốn mươi đêm ngày và trong những ngày ấy, Người không ăn gì cả.

Đặc biệt, ăn chay cũng là cách chúng ta tưởng nhớ cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu,[3] Đấng vì yêu thương đã hiến thân mình làm của lễ đền tội cho chúng ta. Vì thế, cùng với hạn chế ăn uống, các việc đạo đức như suy niệm về cuộc khổ nạn, lần chuỗi Mân Côi với năm mầu nhiệm Mùa Thương, viếng Đàng Thánh Giá, tham dự các buổi ngắm 15 sự Thương khó Chúa Giêsu là những việc đạo đức các tín thường làm trong mùa Chay.

Bạn có thể thấy ngoài những nét tương đồng với tôn giáo khác như tu luyện bản thân, thể hiện tình thương yêu đối với tha nhân hoặc chúng sinh, thì việc ăn chay của người Công Giáo chúng ta còn thể hiện tình yêu đối với Thiên Chúa. Tôn giáo bạn có thể tin rằng việc ăn chay và tu tập có thể giúp con người tự mình đạt đến sự giải thoát, còn người Công Giáo chúng ta biết rằng loài người và muôn vật chỉ có thể được giải thoát và cứu độ nhờ Chúa Giêsu Kitô. Do đó, việc ăn chay dù rất cần thiết, cũng chỉ là phần cộng tác nhỏ mọn của chúng ta với ơn cứu độ của Người.

Những ngày và thời điểm chay tịnh

Luật Thiên Chúa mời gọi tất cả mọi Kitô hữu hãy làm việc sám hối, mỗi người theo cách thức và thời gian của của mình, nhưng để mọi người được hiệp nhất trong cách tuân giữ chung, Giáo Hội quy định toàn thể các tín hữu giữ chung trong các dịp đặc biệt sau đây:

– Vào các ngày thứ sáu hàng tuần trong năm (tưởng nhớ ngày Chúa chịu chết): phải kiêng thịt hoặc kiêng một thức ăn nào khác, theo quy định của Hội Đồng Giám Mục.[4] Tại Việt Nam, các ngày thứ sáu có thể thay việc kiêng thịt bằng một việc đạo đức hay một việc từ thiện bác ái, như: đọc hay nghe một đoạn Lời Chúa, bố thí cho người nghèo, làm việc công ích…[5]. Luật này không buộc khi ngày thứ sáu trùng với ngày lễ trọng.

– Mùa Chay: Đây là thời gian đặc biệt thích hợp để tĩnh tâm, thống hối, hãm mình và bố thí, làm công tác từ thiện và truyền giáo. Đặc biệt, buộc phải kiêng thịt và giữ chay trong ngày thứ tư Lễ Tro và ngày thứ sáu kính cuộc Thương Khó và Tử Nạn của Chúa Giêsu Kitô.[6]

– Trước khi rước lễ: Để chuẩn bị đón nhận Thánh Thể cách xứng đáng, các tín hữu phải kiêng mọi thức ăn, thức uống, trừ nước lã và thuốc chữa bệnh, ít là khoảng một giờ trước khi rước lễ,[7] đồng thời giữ thái độ bên ngoài (cử chỉ, cách ăn mặc) biểu lộ lòng tôn kính, sự trang trọng và niềm vui của giây phút đựợc Chúa ngự đến trong tâm hồn.

Ăn chay như thế nào?

Trong việc chay tịnh, truyền thống Công giáo phân biệt hai việc khác nhau: kiêng thịt và giữ chay.

*Kiêng thịt: Không được ăn thịt các loài động vật ngoại trừ các loại cá và các thức ăn biển, những loài có máu lạnh (ếch, trai, sò, rùa), những loài vừa sống trên bờ vừa ở dưới nước (lưỡng cư) và những loài bò sát; được ăn trứng, được dùng các loại nước chấm làm bằng mỡ động vật.[8] Luật này buộc các tín hữu từ 14 tuổi trọn trở lên. Tuy nhiên, những ai vì lý do bệnh tật, những người lao động nặng nhọc, hoặc những nhân công không được chủ cho ăn một thức ăn nào khác thì không buộc giữ luật này. Việc ăn chay này gọi là “kiêng bớt” (Fasting) chứ không phải là ăn rau quả (Vegetarianism) như các bạn Phật giáo.

*Giữ chay: Trong ngày chay chỉ ăn một bữa (bữa nào tùy ý), hai bữa còn lại được phép ăn một chút. Ngoài ra không nên ăn vặt giữa các bữa ăn.[9] Luật này áp dụng cho các tín hữu từ 18 tuổi trọn cho đến hết 59 tuổi. Trẻ em tuy được miễn giữ chay, nhưng các bậc phụ huynh cũng cần giáo dục con em mình về ý nghĩa đích thực của việc chay tịnh này.

Tinh thần chay tịnh

Trên đây là những quy định chung về việc ăn chay. Bạn có thể thấy luật chỉ yêu cầu chúng ta những điều tối thiểu, những việc làm dễ dàng nhất. Do đó việc giữ chay của chúng ta không nên chỉ dừng lại với thái độ bổn phận hay chỉ nhắm đến hình thức bên ngoài. Chẳng hạn, chỉ giữ đúng ngày thứ tư Lễ Tro và thứ sáu Tuần Thánh, để rồi những ngày còn lại trong mùa chay thì sống hết sức thoải mái; hoặc trong lúc kiêng thịt, chúng ta lại dùng những món hải sản đắt tiền. Những điều này tuy không lỗi luật, nhưng xem ra chúng ta chẳng hãm mình được là bao, chẳng tiết kiệm chi tiêu được chút nào. Chúng ta cần hiểu rằng ăn chay không chỉ là chuyện cái gì được phép ăn, cái gì không được phép ăn, nhưng là chuyện của hãm dẹp những thèm muốn cá nhân, hy sinh những sở thích của riêng mình vì lòng yêu mến Chúa, vì bác ái với tha nhân và vì lợi ích của chính linh hồn mình.

Ngoài việc kiêng thịt, chúng ta cũng nên kiêng đi thứ gì đó mà mình thích thú, như cà phê, thuốc lá, mạng internet… thiết nghĩ đó cũng là những hy sinh hãm mình đáng kể; đồng thời kiêng những lời nói xúc phạm, phê bình, chỉ trích, những thái độ khó chịu, những sự hiềm khích… và thay vào đó những tin yêu, những năng lượng tích cực, lạc quan. Những điều này, tuy không phải là luật buộc, nhưng vốn cũng nằm tron­­­g sứ điệp Tin Mừng, sẽ đem lại cho việc giữ chay của chúng ta sẽ thêm phần ý nghĩa.

Một điều khác cần lưu ý là người Công Giáo chúng ta được mời gọi giữ chay trong niềm vui của Tin Mừng Cứu Độ, theo lời dạy của Chúa Giêsu: đừng làm bộ rầu rĩ hay ra vẻ thiểu não, trái lại nên rửa mặt sạch sẽ, chải đầu cho thơm. (Mt 6,16-17). Bởi vì “Đây là thời Thiên Chúa thi ân, đây là ngày Thiên Chúa cứu độ” (2Cr 6,2).

Cuối cùng, mong cho việc ăn chay này không phải là cái cớ để chúng ta xét đoán chê bai lẫn nhau, bởi mỗi người có thể trạng và nhu cầu khác nhau trong ăn uống. Có người từ nhỏ đã không ăn được thịt, có người không ăn được cá, có người vì huyết áp thấp nên không thể nhịn đói và họ phải ăn nhiều bữa trong ngày. Do đó, để tránh có cái nhìn thiên kiến, thiếu đức ái, chúng ta hãy theo lời dạy của thánh Phaolô: “Anh em hãy đón nhận người yếu đức tin và đừng tranh luận với họ. Có người tin mình ăn được mọi thứ, có người vì yếu chỉ ăn rau. Người ăn đừng có khinh kẻ không ăn, còn kẻ không ăn cũng đừng xét đoán người ăn, vì Thiên Chúa đã đón nhận người ấy” (Rm 14,1-3).

Romuald Phạm Văn Nghĩa, CRM

Nguồn:dongten.net

———————–

[1] x. GLHTCG số 2043.

[2] x. Sđd

[3] x. GLHTCG số 1438.

[4] x. Giáo Luật, điều 1251.

[5] Những ngày lễ Công Giáo 2007-2008, tr. 21-22.

[6] x. Giáo Luật, điều 1251.

[7] x. Giáo Luật, điều 919.

[8] https:// giaophanphucuong.org/cac-van-de-phung-vu/kieng-thit-va-an-chay-theo-giao-luat-%7C-mua-chay-%7C-cac-van-de-phung-vu-31325.html

[9]  Sđd

Có thể bạn quan tâm