Mẹ, người phụ nữ Việt Nam

1546 lượt xem

Viết về người Phụ Nữ Việt Nam là vinh dự lớn cho người viết, vì được viết về Mẹ. Hơn nữa, tâm tư dành cho người phụ nữ Việt Nam có tên “Mẹ” ấy, cũng là tâm tình người viết kính trao, mến gửi về nhiều người phụ nữ khác có những tên khác như dì, cô, mợ, thím, chị, em, bạn gái, người yêu, người tình… và tất cả các Phụ Nữ Việt Nam là đồng bào, đồng hương quý mến.

Mẹ tôi cũng như phần đông phụ nữ Việt Nam khác ít quan tâm đến chuyện trang điểm, làm đẹp, làm xinh, nhưng lại rất tình. Mẹ tình với bố, tình với con cháu, nhưng dễ thương nhất vẫn là cuộc sống tình nghĩa của Mẹ với mọi người. Đặc biệt Mẹ tình nghĩa với họ nội, mặc dù thời làm dâu, mẹ khổ nhiều với các cô, em của bố, vì cái thời ấy, có mấy ai “về làm dâu nhà chồng” mà không khổ. Thế mà chưa một lần tôi nghe mẹ thở than, kể lể đời làm dâu của mẹ, và tỏ ý trách móc bà nội, các cô, mà  chỉ qua lời kể của các dì: “Mẹ mày làm dâu khổ sở lắm”, chúng tôi mới biết đời Mẹ cũng nhiều vất vả gian truân.

Mẹ không được đi học, vì văn hoá Khổng Mạnh xem nhẹ, coi thường phụ nữ, và ông bà ngoại là những ngưòi chịu ảnh hưởng nặng nề của chủ nghĩa “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, khi quy định, kiểm sóat chặt chẽ đời người phụ nữ, theo quy luật: “Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử” – còn bé thì ở nhà với cha mẹ, lấy chồng phải theo chồng, chồng chết phải theo con, nên Mẹ không được xếp vào hàng người “thông minh, có học”. Nhưng chúng tôi không cần Mẹ thông minh, chỉ say mê, ngưỡng mộ đời hy sinh, quên mình của Mẹ. 

Những năm tháng ly loạn, đổi thay bao đời chính trị, mầu cờ, Mẹ vẫn luôn là người “ở lại sau cùng” để đối phó, gánh vác, lãnh chịu hậu quả, vì Bố không thể ra mặt đương đầu, bởi đàn ông ở nước tôi, thời nào, thể chế nào cũng dễ dàng bị đưa đi “biệt tăm biệt tích”, không ngày về.

Mẹ không giỏi giang, kiểu bà Tú Xương: “Quanh năm buôn bán ở ven sông. Nuôi đủ năm con với một chồng” như thơ ông tú ca tụng vợ, nhưng Mẹ rất dịu dàng, và nét dịu dàng đã vượt xa cái giỏi giang Mẹ thiếu. Mẹ dịu dàng trong lời ăn tiếng  nói, nên không làm mất lòng ai; Mẹ dịu dàng khi khuyên bảo, dạy dỗ, nên chẳng con cháu nào giận dỗi Mẹ; Mẹ dịu dàng trong hành xử, nên không ai bị Mẹ làm tổn thương vì Mẹ, dù đôi khi Mẹ cũng cố ý lái người khác đi theo đường hướng, ý muốn của Mẹ.

Mẹ cũng không bề ngoài bầy vẽ cầu kỳ, nhưng đơn sơ, chân thành, tế nhị, nên con cháu không ngượng ngùng hỏi han, tâm sự, không ngại ngùng giữ kẽ, đóng kịch, giả hình, nhưng gần gũi con cháu vì thật thà, hiểu đươc mọi người vì chân thành, đơn sơ, và được mọi người tin tưởng, yêu mến, vì kín đáo, tế nhị.

Hôm nay Mẹ không còn nữa, nhưng Mẹ vẫn là hình ảnh người phụ nữ Việt Nam mà con ca ngợi khi có dịp, và những đức tính của Mẹ luôn là niềm hãnh diện của con về người phụ nữ Việt Nam.

Con say mê hình ảnh Mẹ Việt Nam, cũng là hình ảnh người phụ nữ Việt Nam một đời chỉ biết hết mình, hết tình Hy Sinh: hy sinh cho cha mẹ, hy sinh cho chồng con, hy sinh vì làng xóm, hy sinh vì đất nước, dân tộc. Ở đâu trên quê hương ngàn năm nô lệ, trăm năm đô hộ, mấy chục năm chinh chiến, tiếp nối là thời gian đằng đẵng căng thẳng chẳng biết đến khi nào bình an, thanh thản, người phụ nữ Việt Nam vẫn tần tảo hy sinh, tận tụy quên mình, và là người “sau cùng ở lại” cho vẹn nghĩa, trọn tình với gia đình, non sông.

Con ngưỡng mộ Mẹ vì Mẹ sống vì mọi người, cũng như ngưỡng mộ người phụ nữ Việt Nam suốt đời thiệt thòi, không chỉ vì xã hội “trọng nam khinh nữ”, “chồng chúa vợ tôi”, “con gái là ngoại tộc”, mà còn vì não trạng và thú vui thiếu nhân văn của không ít người xem phụ nữ chỉ là công cụ phục vụ, và phương tiện đáp ứng nhu cầu.

Con trân quý Mẹ vì một đời lương thiện, chính trực, cũng như trân trọng người phụ nữ Việt Nam giữa cuộc sống nhiễu nhương, xô bồ đầy bất công, bất chính vẫn “nhẫn nại, kiên cường từng ngày dạy dỗ con thơ ăn ngay ở lành, kính trên nhường dưới, tiên học lễ – hậu học văn, vị tha, bác ái”.

Con ghi khắc hình ảnh khiêm tốn, hiền lành, “chịu thương chịu khó” của Mẹ, như sẽ chẳng bao giờ để phai nhoà trong tâm tưởng người phụ nữ Việt Nam không chỉ anh hùng trong chiến tranh, khi thay chồng nuôi dạy đàn con bé bỏng, mà còn anh dũng thay chồng lặn lội từ sáng sớm đến chiều hôm kiếm ăn nuôi cha mẹ già, và đàn con, khi chồng ngoài chiến trường trước “làn tên mũi đạn”, hay trong trại cải tạo heo hút, xa xôi.

Con hạnh phúc mỗi khi thấy Mẹ nhìn con từ bàn thờ có hương khói nghi ngút, cũng là giây phút con nhớ đến và nguyện cầu ơn bình an cho tất cả phụ nữ Việt Nam, vì hơn ai hết, những người Phụ Nữ Việt Nam đáng kính, đáng yêu, đáng mến luôn là niềm hãnh diện không chỉ của con, mà của cả dân tộc, giống nòi.

Mẹ ơi, nhớ Mẹ nhiều trong ngày lễ Thế Giới Phụ Nữ, con cũng nhớ những người Phụ Nữ Việt Nam con quen biết, chịu ơn, yêu thương, gắn bó, có trách nhiệm, và càng yêu Mẹ, con càng thương mến, biết ơn họ hơn.

Mẹ là người phụ nữ đầu tiên con biết, con yêu, và là người thứ nhất đã dạy con lòng kính trọng người phụ nữ. Nhờ Mẹ, con khám phá giá trị tuyệt vời và không thể thiếu của người phụ nữ cho con người và cho cuộc sống. Là người phụ nữ đầu tiên đi vào đời con, đúng hơn là con đi vào đời Mẹ, khi được êm ấm chở che trong cung lòng Mẹ, để con được Mẹ truyền cho tình yêu, tấm lòng quảng đại, hào hiệp và cao thượng phải có đối với phụ nữ, vì qua Mẹ con hiểu phần nào hy sinh trời bể nhưng âm thầm, lặng lẽ, kín đáo của người Phụ Nữ Việt Nam như Mẹ. Và con xác tín một điều: vì không có Mẹ, không thể có con; thiếu Mẹ, con không thể làm người và thành nhân, nên con cũng không thể hạnh phúc trong đời làm người, nếu không có những người Phụ Nữ tình nghiã, dịu dàng, hy sinh, kín đáo, tế nhị là Mùa Xuân của nhân loại, Hy Vọng của mọi Thế Hệ và Trái Tim của đời con.

Viết về Mẹ, người phụ nữ Việt Nam mà người viết say mê, ngưỡng mộ, trân quý, biết ơn là “thay lời muốn nói” với tất cả Phụ Nữ Việt Nam, với một ước mơ và lời cầu: Ước mơ quê hương chúng ta thôi bất hạnh, và cầu cho người phụ nữ trên đất nước này được hưởng trọn vẹn Hạnh Phúc làm con, làm chị, làm em, làm vợ, làm  mẹ, làm bà, bởi một lý do rất đơn giản: người phụ nữ Việt Nam suốt đời luôn là “người đầu tiên có mặt để chịu thiệt thòi”, và là “người cuối cùng ở lại” để gánh hết hậu quả thương đau.

Jorathe Nắng Tím

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận