Bài giảng của cha Athanasiô Nguyễn Quốc Lâm trong thánh lễ tạ ơn mừng thượng thọ thầy Stêphanô Nguyễn Khắc Dương: Thời gian và đời người…

2241 lượt xem

THỜI GIAN VÀ ĐỜI NGƯỜI…
Bài giảng của cha Athanasiô Nguyễn Quốc Lâm trong thánh lễ tạ ơn mừng thượng thọ thầy Stêphanô Nguyễn Khắc Dương
 

Kính thưa quý ông bà và anh chị em,

Lời Chúa hôm nay hết sức thấm thía. Bài đọc I, sách Giảng viên (Gv 1, 2-11), có thể coi như một lời cầu nguyện xin Chúa cho con được bước theo con đường của Chúa. Bài đọc II của Thánh Phaolô (Ep 1,3-14) nhắc cho chúng ta, dù thân phận cát bụi, nhưng có thể nói như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn – “cát bụi tuyệt vời”, bởi vì đã được dự định, đã được tuyển chọn ở trong ý định tình yêu của Thiên Chúa, đến nỗi mỗi khoảnh khắc cát bụi của chúng ta là ân sủng tuyệt vời của Thiên Chúa.

Hôm nay, có lẽ là lúc thuận tiện nhất để chúng ta suy nghĩ về cuộc đời của mình, dưới khía cạnh thời gian, đời người. Chúng ta suy nghĩ gì khi mừng một người thầy 95 tuổi? Có lẽ có rất nhiều điều để suy nghĩ, nhưng khi nói về thời gian, chúng ta đều biết câu nói của thánh Augustinô: “Không đặt câu hỏi thì hầu như ai cũng có cảm tưởng mình biết thời gian là gì, nhưng hễ đặt câu hỏi lại lúng túng, không biết thời gian thực sự là gì!”. Để phần nào trả lời cho câu hỏi khó khắn đó, xin được chia sẻ với cộng đoàn ba ý tưởng.

Trước hết, thời gian, đơn giản là khoảnh khắc. Thứ hai, thời gian là lịch sử. Thứ ba, thời gian là vĩ sử, có nghĩa là lịch sử của những gì vĩ đại, của những gì đáng nhớ.

Trước hết, thời gian là khoảnh khắc. Triết lý Đông phương cũng đã cảm nhận điều này và sách Giảng viên cũng thế: “Phù vân trên mọi phù vân, mọi sự đều là phù vân”, mọi sự chỉ là vô thường. Mỗi người chúng ta có thể sở hữu rất nhiều thứ, nhưng có một điều duy nhất chúng ta không thể sở hữu được, đó là thời gian. Chúng ta không bao giờ sở hữu được hai khoảnh khắc thời gian, một khoảnh khắc cũng không được. Thời gian dưới khía cạnh là khoảnh khắc, nhắc nhở cho chúng ta sự mau qua của đời người, “đời người như bông hoa sớm nở chiều tàn”. Thế nhưng, ý thức về vô thường, ý thức về khoảnh khắc lại làm cuộc sống trở nên vô cùng quý giá. Tại sao? Tại vì mỗi khoảnh khắc là duy nhất, chúng ta đừng lầm tưởng chúng ta nhắc lại hai điều trong cùng một thời gian. Thánh lễ hôm nay là độc nhất không thể lặp lại được, những con người mà chúng ta gặp gỡ hôm nay cũng không gặp lại được, đúng như lời của triết gia Heraclitus: “Không ai tắm hai lần trên cùng một dòng sông”. Chính vì thế, khi ý thức về thời gian là một khoảnh khắc nhắc cho chúng ta hãy ý thức lại từng giây phút mà Chúa ban cho chúng ta, đừng phung phí nó. Bởi vì chúng ta không biết khoảnh khắc mà chúng ta sẽ ra đi là khi nào? Khoảnh khắc có khi là một ngày rất dài, nhưng có khi đến 50, 70 năm mà như một hơi thở, như tựa đề của một câu chuyện rất cảm động của một nữ văn sĩ người Pháp, Anne Philipe, Thời gian như một tiếng thở dài! (le temps d’un soupir). Thời gian như một tiếng thở dài nhắc nhở chúng ta hãy biết lựa chọn trong cuộc sống của mình cái gì là tùy phụ, cái gì là chính yếu, cái gì cần giữ lại, cái gì cần bỏ đi, cái gì cần phải tích trữ và cái gì cần phải quên đi. Tuy nhiên, điều đơn giản đó lại không nằm trong ý thức của mình, hay đúng hơn, hãy ý thức cái vô thường và hướng tới cái thường, còn nếu như không có ý thức đó, chúng ta sẽ biến cuộc đời mình thành tầm thường.

Thứ hai, thời gian như là lịch sử. Theo tiếng Hán Việt, lịch có nghĩa là xảy ra theo nhịp độ. Một người từng trải ta gọi là lịch duyệt hay lịch lãm.

Hôm nay mừng lễ thầy Stêphanô Nguyễn Khắc Dương 95 tuổi, người Việt chúng ta thường nói tới “tam thập, tứ thập, ngũ thập, thất thập”. Dĩ nhiên thất thập cổ lai hy, nhưng hôm nay mừng một người thọ 95 tuổi cho nên thất thập chưa phải là cổ lai hy. Chúng ta nói điều đó như một điệp khúc, và nó cạn hết ý nghĩa đến nỗi bây giờ sống đến 70 tuổi mà chưa đau ốm người ta gọi đó là sống thọ. Tuy nhiên, trong triết học của đạo Khổng khi nói tới “tam thập, tứ thập, ngũ thập…”, thực ra là một tiến trình trưởng thành trong đời sống tâm linh. Mười lăm năm đầu là thời gian để học “thập hữu ngũ nhi chí vu học”. Ba mươi tuổi “tam thập nhi lập” là người phải biết gây dựng sự nghiệp. Bốn mươi tuổi “tứ thập nhi bất hoặc” là người có khả năng quyết định chịu trách nhiệm về đời sống của mình, không còn chao đảo trong nghi ngờ. “Ngũ thập tri thiên mệnh” là con người biết được mệnh của trời. “Lục thập nhi nhĩ thuận” là thấu hiểu được nhân tình thế thái. “Thất thập nhi tùng tâm sở dục”, đó là con người an nhiên, bình an trong thân phận giới hạn của mình. Kinh Thánh khi nói đến thời gian theo nghĩa này cũng là nói đến những quãng thời gian trưởng thành tâm linh. 40 năm dân Israel trong sa mạc, 40 ngày đêm tiên tri Êlia lên núi thánh của Chúa, 40 ngày Chúa Giêsu chịu cám dỗ trong sa mạc, để chiến thắng sở hữu, chiến thắng quyền lực, chiến thắng vinh danh, để cuối cùng đi theo con đường mà Cha đã định cho mình. Cho nên câu hỏi đối với chúng ta bây giờ thường là đau bệnh gì? Chứ không phải là câu hỏi chúng ta đã nên người như thế nào?

Cách đây gần 40 năm Thầy Stêphanô giới thiệu cho tôi một cuốn sách của Marcel Légaut mang tựa đề L’homme à la recherche de son Humanité – Con người, kẻ tìm kiếm ý nghĩa của chữ “người”. Chúng ta là người, nhưng đã nên người chưa, đó là tất cả câu hỏi? Người như thế nào mới là đúng, mới là thật, mới là tốt, mới là đẹp. Chúng ta có lý do để chiêm ngưỡng một khuôn mặt như của thầy Stêphanô để tự hỏi xem cuộc đời đó có thật không, có tốt không, có đẹp không?

Thứ ba, thời gian là Vĩ sử. Thực ra trong tiếng Việt không có từ này. Nhưng đó là một gợi ý rất hay của một triết gia người Đức có tên là Nietzsche. Ông ta nói: Lịch sử theo nghĩa thời gian thì đã đành nhưng lịch sử đáng kể là lịch sử của những gì vĩ đại, gọi là histoire monumentale, tức là những gì đáng để nhớ, những biến cố không thể quên được.

Trong bài Tin Mừng hôm nay (Lc 9, 7-9), chúng ta nghe Hêrôđê nói: “Ông ấy là ai”? là một tiên tri, một ai đó đã sống lại… Nhưng những người Kitô hữu biết Ngài là ai và Ngài đã thay đổi lịch sử đến mức như thế nào. “Thầy là đường là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6), chính con người đó đã làm thay đổi lịch sử của nhân loại, đến nỗi lịch sử bây giờ được tính từ Đức Giêsu Kitô. Hôm nay là ngày 24/9/2020, nhưng chúng ta đừng quên, tại sao chúng ta lại tính là 2020, bởi vì quy chiếu về Đức Giêsu Kitô. Nếu không có Đức Giêsu, cuộc đời của chúng ta không như vậy, và có lẽ cuộc đời của thầy Stêphanô cũng không như vậy, thậm chí hoàn toàn khác. Nếu như văn chương không có một Nguyễn Du thì để làm gì? Nếu chính trị không có một Lê lợi, Trần Hưng Đạo, Quang Trung thì lịch sử chúng ta có cái gì? Trong đời sống thiêng liêng, nếu không có một Phanxicô Assisi, không có Mẹ Têrêsa Cacutta, không có Maximilian Kolbe… thì lịch sử thiêng liêng của chúng ta có gì?

Ở điểm này, xin được trở lại với thầy Stêphanô Nguyễn Khắc Dương, thầy là một con người độc đáo đến nỗi rất nhiều người trong chúng ta cuộc đời đã khác nếu không được gặp thầy. Và mỗi người có lý do để tạ ơn thầy, tạ ơn Chúa… vì cuộc đời của mình đã gặp được một con người như thế.

Vì đã gặp được một con người như thế. Vậy, con người đó như thế nào? Xin được trích lại bài thơ của thầy, bài Sở nguyện (nguyện ước sâu xa), để chúng ta cảm nhận đôi chút.

Sở nguyện

Hành giả dừng chân tạm vỉa hè,
Tấm thân đất chở với trời che.
Cảm người bươn chải vòng cơm áo,
Thương người bôn ba nhịp ngựa xe.
Trần sắc mười phương đau đớn thấy,
Thế âm bốn cõi xót xa nghe.
Bao giờ cát bụi hoàn nguyên thể,
Nguyện lót chân êm khách vỉa hè.
Công tội trông nhờ cây khổ giá,
Vui buồn ký thác chuỗi Mân Côi.

Xin được chú giải một chút như để thay cho lời kết. Thầy nói về cuộc đời của mình như là hành giả, tức là người ra đi, nhưng đi có nhiều nghĩa, đi từ Bắc vào Nam cũng là đi, nhưng đi trên bình diện địa lý. Còn có cái đi sâu xa hơn nữa là cuộc hành trình tinh thần, đi rất xa, đến đâu, đến với bao nhiêu con người, chứ không phải đến đây hay đến đó (nơi chốn). “Hành giả dừng chân tạm vỉa hè/Tấm thân đất chở với trời che”. Con người ra đi đó có không gian vô cùng lớn, đó là trời với đất. Nhà chúng ta ở được định vị, được xác định, được giới hạn, rất nhỏ, ngay cả những cung điện được xây lên. Không gian lớn nhất là trời đất, đi giữa trời đất, vô cùng tự do, rất thênh thang, nhưng để làm gì? Thưa, xin được lấy 4 chữ đầu của câu thơ tiếp, đó là “Cảm-Thương-Trần-Thế”. Đó phải chăng là trái tim của Phật? Nhưng đối với chúng ta còn hơn thế nữa, một trái tim bị đâm thâu bởi phận người. Đi mãi nhưng chưa thấy hết, bởi còn muốn gặp những con người trên con đường đi của mình, với vui buồn của họ. Cho nên ở đây tôi không nghĩ tới triết lý của Đông phương cho bằng lời của thánh Phaolô: “Vui với người vui, khóc với người khóc” (Rm 12, 14). Có ai vui mừng mà tôi không cảm thấy mừng vui, có ai đau khổ mà tôi không cảm thấy khổ đau, có ai yếu hèn mà tôi lại không cảm thấy hèn yếu!

“Bao giờ cát bụi hoàn nguyên thể/Nguyện lót chân êm khách vỉa hè”, bao giờ cát bụi trở về với nguyên thể, trở về với nghĩa sâu xa nhất mà cát bụi mang lấy khi nó được tạo dựng như là ơn của Thiên Chúa. Cho nên, cát bụi hoàn nguyên thể là trở về với tình trạng uyên nguyên, thật nhất của chữ “người”, của kiếp người cát bụi, cho nên ngay cả cát bụi cũng có thể đem lại một chút êm, một chút ấm cho con người, cho tha nhân, cho bao kẻ lang thang đây đó trong cuộc đời, dù là cát bụi thì vẫn tốt cho ai đó, như thể để lót chân cho người ta cũng được.

Vậy, một cuộc đời như thế có ý nghĩa gì? Chúng ta có muốn là một người học trò với một người thầy như vậy không? Chúng ta có muốn là một người môn đệ đi theo một người thầy như vậy không? Đó là câu hỏi mà mỗi chúng ta tự trả lời. Bởi vì có những người môn đệ đi theo nhưng không học cái gì cả và cũng có những người học rất nhiều mà không hề đi theo.

Có thể bạn quan tâm

Trả lời