7 Ơn Chúa Thánh Thần

8529 lượt xem

7 ƠN CHÚA THÁNH THẦN

GPHT (23.5.2023)1. Ơn Khôn Ngoan: Ơn khôn ngoan (Wisdom, don de sagesse) là ơn thượng trí, ơn cao minh, ơn “biết” Chúa thật sự, biết theo nghĩa Thánh Kinh, như A-đam biết E-va, và sinh ra Ca-in. Ơn khôn ngoan cho ta biết Chúa thật sự bằng cách bay vút lên cao để sống thân mật, sống kết hợp, sống kề cận ở ngay bên Chúa, nếm được Chúa, và cảm được Người. Ơn khôn ngoan giúp trí năng dựa vào những nguyên lý tối thượng, lẽ thật cao vời, để nhận ra Thiên Chúa, nhận ra những mầu nhiệm cao cả trong trạng thái chiêm niệm hoan lạc. Chẳng hạn, khi chiêm niệm về cuộc đời Chúa Ki-tô, thánh Gio-an đã lấy “tình yêu” làm tâm điểm diễn tả mọi hoạt động của Chúa. Vô tri bất mộ, không hiểu thì không mến, ơn khôn ngoan giúp ta càng hiểu biết Chúa hơn, và càng yêu mến Chúa nhiều hơn.

2. Ơn Thông Hiểu: Ơn thông hiểu (Understanding, don d’intelligence) giúp ta hiểu biết các lẽ đạo, nhận biết các mầu nhiệm. Ơn này rất cần thiết cho mọi tín hữu vì nghĩa vụ phải sống đạo và truyền đạo. Có hiểu mới sống đúng tinh thần, mới nói cho kẻ khác hiểu được. Muốn tăng triển ơn này, ta phải yêu mến các chân lý mặc khải, năng học hỏi Giáo Lý và Thánh Kinh. Đây chính là ơn thấu hiểu, không phải là hiểu biết thông thường qua các thụ tạo, nhưng là sự hiểu biết thấu đến chính Đấng Tạo Hoá nhờ những mặc khải của Người. Nói rõ hơn, ơn này đòi hỏi ta phải tin. Tin Thiên Chúa là Lời, Lời nói với chúng ta, cụ thể là tin Thánh Kinh là Lời ngỏ, là bức thư tình của Chúa nói với nhân loại. Ơn này cũng còn có nghĩa là khả năng hiểu và giải thích Thánh Kinh.

3. Ơn Lo Liệu: ​ Ơn lo liệu (Counsel, don de conseil) dịch rõ hơn phải là ơn chỉ giáo, chỉ cho biết đi đúng đường. Trong Tam Quốc Chí, Khổng Minh Gia Cát Lượng trao cho Triệu Tử Long trên đường sang Đông Ngô 3 túi gấm, trong đó có sẵn những chỉ dẫn. Khi cần thì cứ mở túi gấm, mở cẩm nang, để biết phải làm gì. Vì thế, ơn lo liệu tức là ơn túi gấm, ơn cẩm nang, ơn chỉ giáo, ơn phân định, ơn hiểu biết ý Chúa trong từng trường hợp cụ thể, để rồi nhờ ơn sức mạnh Chúa ban, mà ta có dũng khí để thi hành điều Chúa muốn. Ơn biết lo liệu giúp ta cân nhắc, tính toán để phân định điều nên, lẽ thiệt; điều tốt, việc xấu. Có khi Chúa Thánh Thần ban ơn này cho ta một cách đặc biệt khiến ta thấy ngay việc phải làm, trực giác ngay điều phải nói. Các Thánh Tử đạo luôn được ơn này khi đứng trước quan quyền. Ơn này sẽ giúp ta tìm ra những giải pháp hợp với đạo lý, lẽ trời. Các cha giải tội, cha linh hướng rất cần ơn này để hướng dẫn người khác phân định ý Chúa. Muốn phát triển ơn này, ta phải biết nhận mình hèn kém, cần ơn Chúa giúp, rồi ra sức học hỏi Thánh Kinh, Giáo Lý để có những nguyên tắc đúng đắn giúp phân định mọi việc theo đúng ý Chúa.

4. Ơn Sức Mạnh: Ơn sức mạnh (Fortitude, don de force) giúp ta thêm can đảm, khiến ta có đủ nghị lực để chịu đựng hoặc đối phó với mọi tình thế theo ý Chúa. Các vị tử đạo có thể có lòng gan dạ, can đảm tự nhiên, nhưng chưa đủ, phải có ơn sức mạnh trợ giúp mới vui vẻ, sung sướng bước ra pháp trường. Trong cuộc sống, ta gặp biết bao nguy nan thử thách, phải có ơn sức mạnh, ta mới giữ vững được đức tin. Thực vậy, ý Chúa nhiều khi chẳng dễ chút nào, phải dũng cảm lắm ta mới thực hiện được. Chúa Giê-su đã nói: Từ ngày Gio-an Tẩy Giả đến giờ, Nước Trời ở dưới sức cường bạo, và chỉ những ai mạnh bạo mới được vào Nước Trời (x. Mt 11,12). Một chỗ khác, Chúa Giê-su nói: Không phải cứ kêu: “Lạy Chúa, lạy Chúa” mà được vào Nước Trời, nhưng là thi hành ý của Chúa Cha (x. Mt 7,21). Kết nối 2 câu này lại, ta thấy phải dũng cảm lắm, ta mới thực thi được ý Chúa, để có thể chiếm được Nước Trời.

5. Ơn Suy Biết: Ơn suy biết (Knowledge, don de science) giúp ta nhận biết có Thiên Chúa. Nhìn bên trong chiếc đồng hồ với các bánh xe ăn khớp nhau, ta suy biết có người làm ra chiếc đồng hồ. Nhìn trời đất muôn vật với trật tự lạ lùng, ta suy biết có Đấng Tạo Hoá. Đây là cách nhận biết Thiên Chúa sơ đẳng nhất: biết Thiên Chúa qua thiên nhiên, biết Tạo Hoá qua thụ tạo. Ơn suy biết giúp trí năng thông minh, hiểu biết mối tương quan giữa Thiên Chúa và vạn vật, biết sử dụng của cải đời này cho hợp với thánh ý Chúa, biết tìm những phương thế giúp ích phần rỗi và tránh những cản trở quấy rối tâm hồn ta. Ơn này giúp ta giải thoát khỏi những ràng buộc vật chất, sử dụng của cải đời này để “mua” lấy nước Thiên Đàng. Để phát triển ơn này, ta nên suy ngẫm về giá trị hữu hạn của vật chất, sự chóng qua của đời này.

6. Ơn Đạo Đức: Ơn đạo đức (Piety, don de piété) nên dịch là ơn hiếu thảo, ơn sùng hiếu. Ơn này nâng đỡ tâm tình yêu mến Chúa, yêu mến việc đạo đức, phát triển đức thờ phượng, tôn trọng những người, những vật đã được thánh hiến như linh mục, nhà thờ, ảnh tượng… Lòng mộ mến, yêu mến Thiên Chúa cần thiết phải đi đôi với những việc tôn thờ bên ngoài. Ơn này giúp ta sống hiếu thảo như người con đối với Thiên Chúa và biết dùng miệng lưỡi cao rao danh Người. Ta nên dùng những đoạn Thánh Kinh nói về tình phụ tử của Thiên Chúa để suy niệm mà làm triển nở ơn này. Ơn đạo đức chính là Đạo làm con. Một người con năng đến với cha là người con có hiếu. Ơn thứ bảy cho ta kính sợ Chúa, nhưng không phải kính sợ Chúa như một ông chủ hà khắc. Ơn kính sợ Chúa cộng với ơn sùng hiếu này khiến ta kính sợ Chúa như người Cha của chúng ta. Đây phải là một ơn riêng của Chúa Thánh Thần khiến ta mới có thể dám gọi Thiên Chúa là Cha của mình (x. Ga 4,6; Rm 8,15). Một khi ta có lòng hiếu thảo đối với Cha, chúng ta cũng biết mở lòng ra đón nhận và yêu mến những người xung quanh vì họ là anh chị em của ta, con cùng một Cha.

7. Ơn Kính Sợ: Ơn thứ bảy là ơn kính sợ Chúa (Fear of the Lord, don de crainte). Đây là ơn mà đọc lên chúng ta hiểu ngay muốn nói gì. Kính sợ là úy kính, một tâm tình mà ta cần phải có để tránh sự hỗn loạn, và vô trật tự. Khi một người nào đó ngang tàng, coi trời bằng vung, không biết sợ là gì, thì người ấy bất chấp mọi sự để làm những gì mình muốn kể cả những việc phi pháp. Ơn kính sợ nâng đỡ tâm tình kính sợyêu mến Thiên Chúa. Kính sợ vì Thiên Chúa Chí Thánh, Chí Công; Yêu mến vì Người là Cha giàu lòng thương xót. Không phải vì Thiên Chúa là Cha chúng ta, nên chúng ta được phép có những cử chỉ bất kính, không chuẩn bị tâm hồn, ăn mặc lôi thôi khi đến nhà thờ, hoặc cứ mặc tình phạm tội vì ỷ lại lòng thương xót của Chúa. Trái lại, ta phải kính sợ Người vì Người là Đấng thưởng phạt và phải yêu mến Người vì Người là Cha nhân lành.

Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB.

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận