Ý nghĩa của lao động trong đời sống con người

2143 lượt xem

Lao động là một trong những nét phân biệt giữa con người với tất cả mọi tạo vật hữu hình. Nhờ lao động, con người xây dựng cuộc sống của mình và xã hội, thể hiện được phẩm chất nội tại của mình. Chính vì vậy, trong Thông Điệp “Lao Động của con người”, Đức Gioan Phaolô II nói: “Được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa trong thế giới hữu hình và được chỉ định làm chủ trái đất trong thế giới ấy, do đó ngay từ khởi đầu con người được mời gọi lao động.”[1] Giáo huấn này dẫn ta tới ba điểm quan trọng: (1) phẩm giá cao quý của con người, (2) vai trò làm chủ trái đất của con người và (3) ý nghĩa của lao động của con người.

1. Con người, một hữu thể mang phẩm giá cao quý

Con người là loài thọ tạo được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa (x. St 1,26), một hữu thể có nhân vị, nghĩa là có lý trí, ý chí và tự do. Đây là một đóng góp độc đáo cho nhân học Kitô giáo. Chúng ta không gặp thấy quan niệm này trong các nền văn hoá Hy Lạp, La Mã, Ấn Độ, Trung Hoa hay Việt Nam.[2] Quả vậy, tại các nền văn hoá, đã có nhiều cách định nghĩa khác nhau về con người, chẳng hạn, “con người, tự bản chất, là động vật có xã hội tính” (Aristote), “con người là cây sậy biết suy nghĩ” (Pascal), và “con người là động vật mang tính tôn giáo” (Mark Twain).[3] Và, Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo cho ta một lối nhìn khách quan về con người như sau: “Trong lịch sử loài người và cho tới ngày nay, loài người đã diễn đạt việc tìm kiếm Thiên Chúa bằng nhiều cách qua các tín ngưỡng và các thái độ tôn giáo (cầu khẩn, cúng tế, tịnh niệm, phụng tự, v.v…). Mặc dù có khi còn mơ hồ bất minh, những hình thức này quá phổ biến, đến nỗi có thể gọi con người là một hữu thể tôn giáo.”[4]

Ta thấy, mỗi cách diễn tả như thế phản ánh mỗi khía cạnh về con người : từ ‘động vật mang tính xã hội’ đến ‘hữu thể tôn giáo’. Tuy nhiên, theo thiển ý, cách nhìn độc đáo nhất, toàn diện nhất, chân thực nhất về con người hệ tại ở câu Kinh Thánh này: Thiên Chúa phán, “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta” (St 1,26). Vì là hình ảnh Thiên Chúa, “con người là một nhân vị, nghĩa là một chủ thể, một chủ thể có khả năng hành động một cách có kế hoạch và hợp lý, có khả năng tự quyết định và hướng tới sự thành tựu của bản thân mình.”[5] Vì vậy, sự xuất hiện của mỗi con người trên trái đất luôn là một sự sáng tạo mới.[6] Đó chính là điều mà thánh vịnh gia nhắc lại với lời khôn ngoan thâm thuý: “Tạng phủ con, chính Ngài đã cấu tạo, dệt tấm hình hài trong dạ mẫu thân con (…) xương cốt con Ngài không lạ lẫm gì, khi con được hình thành trong nơi bí ẩn” (Tv 139,13.15). Là một hữu thể nhân linh, con người thuộc về đất nhưng cũng luôn hướng về trời cao, nghĩa là “đầu đội trời, chân đạp đất”. Con người không chỉ sống trong mối liên hệ với Chúa và với anh em nhưng còn với môi trường chung quanh, với trái đất này.

2. Con người, chủ nhân của trái đất

Con người là chủ trái đất, điều này đã được xác định từ những trang đầu tiên của Kinh Thánh. Sách Sáng Thế thuật rằng, sau khi sáng tạo con người, Thiên Chúa đã ưu ái cho con người sống trong Vườn Địa Đàng, sống hài hoà với mọi loài mọi vật. Đồng thời, Chúa giao cho con người trách vụ cao cả là hãy làm chủ cá biển, chim trời và mọi dã thú trên mặt đất (x. St 1,28). Như vậy, thiên nhiên không phải là kẻ thù, không phải là “một đống rác chồng chất ngẫu nhiên”[7] (Héraclite) nhưng như là người bạn, là món quà Thiên Chúa ban tặng cho con người. Nói cách khác, thiên nhiên có mối tương quan mật thiết với con người. Quan điểm này không chỉ có trong Kinh Thánh nhưng cũng hợp với thần học Hy Lạp – La Mã.[8]

Trái đất tràn ngập sự sống với muôn vẻ huy hoàng, biểu đạt vinh quang Thiên Chúa; tất cả đều quy hướng về con người. Thánh Phaolô tông đồ nói: “Tất cả đều thuộc về anh em; dù là Phaolô, hay Apôlô, hay Kêpha, dù cả thế gian này, sự sống, sự chết, hiện tại hay tương lai, tất cả đều thuộc về anh em, mà anh em thuộc về Đức Kitô, và Đức Kitô lại thuộc về Thiên Chúa” (1 Cr 3,21-23). Toàn bộ vũ trụ vật chất đóng vai trò quan trọng trong ngôi nhà chung của thế giới và đều hướng tới con người: nước sạch có ý nghĩa hàng đầu cho đời sống con người và gìn giữ hệ sinh thái của trái đất. Những nguồn nước ngọt cần cho lãnh vực sức khoẻ, đất đai cần cho nông nghiệp và kỹ nghệ, v.v… [9]

Như vậy, vì mọi sự trên trái đất đều nhằm tới việc phục vụ con người, nên con người có trách vụ thể hiện vai trò làm chủ của mình một cách hợp lẽ và hợp nhân bản. Nếu nói trái đất này như là người bạn song sinh với con người thì không thể nói việc bảo vệ phẩm giá con người mà lại lờ đi “phẩm giá của môi trường.” Chừng nào con người biết tôn trọng thiên nhiên, biết thể hiện vai trò làm chủ của mình một cách chính thực, con người mới thực thể hiện đúng căn tính của mình và phản ánh chính hình ảnh của Đấng Tạo Hoá nơi chốn thâm nội của lòng họ. Theo đó, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II viết: “sở dĩ con người là hình ảnh Thiên Chúa, nhất là vì họ được Đấng tạo hoá uỷ nhiệm cho việc khuất phục và cai trị cả trái đất. Khi thi hành lời uỷ nhiệm đó, mọi người phản ánh chính công việc của Đấng tạo thành vũ trụ.”[10] Bởi thế, con người, trong khi sử dụng những kho tàng Chúa ban cho như hành trang để tiến về “trời mới đất mới” (Kh 21,1), không được quên trách nhiệm đối với các thực tại trần thế, không được quên nhiệm vụ là phải bảo vệ, duy trì và canh tác trái đất đẹp xinh này. Con người phải lao động để cùng với Chúa hoàn hảo hoá trái đất này.

3. Lao động của con người, một lời mời gọi cao quý

Trong bất cứ thời đại nào, từ thời kỳ sơ khai, cận đại hay hiện đại, cuộc sống của con người luôn gắn liền với lao động. Vậy, lao động của con người có những ý nghĩa nào?

Trước hết, nhờ lao động, con người làm ra của cải vật chất để phục vụ nhu cầu cuộc sống: nhu cầu cơm ăn mặc, nhu cầu đi lại, nhu cầu giải trí, v.v… Có thể nói, bất cứ công trình kinh tế nào cũng khởi đi từ lao động, “nó là năng lực để con người biến đổi tài nguyên thiên nhiên nhằm tạo ra của cải, hàng hoá hay dịch vụ.”[11] Theo thánh Tôma Aquinô, lao động giúp con người đạt được bốn mục đích sau: cho ta kế sinh nhai mỗi ngày, có của cải vật chất; giúp ta tránh ‘nhàn cư vi bất thiện’; giúp chế ngự thân xác khỏi lăng loàn và có của dư thừa để làm việc bố thí.[12]

Thứ hai, lao động là chu toàn bổn phận Thiên Chúa uỷ thác. Kinh Thánh Cựu Ước đã giới thiệu Thiên Chúa như Đấng Tạo Hoá toàn năng (x. St 2,2; G 38-41). Ngài đã tạo dựng con người theo hình ảnh Ngài và kêu gọi con người lao động trên đất đai (x. St 2,5-6), canh tác và chăm sóc vườn Êđen, mà Thiên Chúa đã đặt con người vào trong đó (x. St 1,28). Thiên Chúa giao cho con người làm chủ, không phải để thống trị một cách độc đoán hay bừa bãi nhưng phải canh tác và chăm sóc, trở thành người phục vụ cho công trình tay Chúa tạo nên. Canh tác đất đai không có nghĩa là bỏ mặc cho đất đai cằn cỗi, không phải là bóc lột nó nhưng là chăm chút nó như một vị vua khôn ngoan chăm sóc thần dân của mình hay như một mục tử chăn dắt đoàn chiên của mình một cách ân cần.[13]

Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội Công Giáo còn khẳng định: “Lao động là một phần trong tình trạng nguyên thuỷ của con người và đã có trước khi con người phạm tội; bởi đó, lao động không phải là một hình phạt hay là một sự chúc dữ. Lao động chỉ trở thành vất vả và cực nhọc vì tội của Ađam và Evà, khi họ phá vỡ mối quan hệ tin tưởng và hoà thuận với Thiên Chúa (x. St 3,6-8).”[14] Từ khi con người phạm tội, đất đai trở nên nghèo nàn, cằn cỗi, thù nghịch một cách tệ hại tới con người (x. St 4,12). Dù tổ tiên con người phạm tội như thế nhưng lời mời gọi họ canh tác và chăm sóc công trình tạo dựng vẫn không thay đổi.

Thứ ba, lao động là cách con người cộng tác với Thiên Chúa để hoàn hảo hoá vũ trụ và nên phương thế cứu độ cho mình. Thiên Chúa sáng tạo mọi sự cho con người không phải để con người chỉ biết “há miệng chờ sung” hay “ngồi mát ăn bát vàng” nhưng để trở nên một hữu thể năng động. Có như thế, con người mới giống Thiên Chúa là Đấng luôn luôn làm việc. Chúa Giêsu đã khẳng định: “Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc” (Ga 5,17). Hơn nữa, ngay từ thời Cựu Ước, dân Ítraen đã coi đất đai là ân huệ Chúa ban và ra sức quản lý và làm việc với tinh thần trách nhiệm của một con người.[15] Vì thế, chúng ta, dân mới của Thiên Chúa, cũng không ngừng được mời gọi nối gót tiền nhân để lao động, hầu tô điểm trái đất này mỗi ngày một sáng tươi hơn. Vì chưng, Nước Trời không ở đâu khác nhưng ở giữa chúng ta (x. Lc 17,21). Chính khi ta xây dựng “nước đời” thì cũng chính là xây dựng “Nước Trời” vậy.

Kết luận: Trên đây là phần trình bày về phẩm giá, vai trò của con người trên trái đất và ý nghĩa của lao động của con người theo nhãn quan Kitô giáo. Vì có phẩm giá cao quý – là một nhân vị, con người được Chúa đặt định làm chủ trái đất. Ân huệ đó không phải để con người trở thành chủ nhân ông, chỉ biết bóc lột trái đất một cách ích kỷ nhưng để họ cộng tác với Chúa trong việc bảo vệ và dựng xây trái đất. Vì thế, đang khi hướng về cùng đích của cuộc đời, nơi quê hương đích thực, Giáo Hội luôn dạy con cái mình không được xa lánh trần thế, trái lại phải ra sức bảo vệ và xây dựng ngôi nhà chung này. Đó chính là “thế hiến”, tức là đang sắm sửa chất liệu cho Trời Mới Đất Mới mai sau.[16]

 Jos. Đồng Đăng

________________________________

[1] ĐGH. Gioan Phaolô II, Thông Điệp Lao Động Của Con Người (Laborem Exercens), lời giới thiệu.
[2] X. Gm. Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Một cái nhìn về Giáo Huấn Xã Hội Công Giáo (HCM: Nhà xuất bản Phương Đông, 2010), tr. 115.
[3] Theo nguyên bản tiếng Anh, các câu nói trên có nội dung như sau: Câu nói của Aristote: “Man is by nature a social animal”; Câu nói của Pascal: “Man is a thinking reed”; Câu nói của Mark Twain: “Man is a Religious Animal”.
[4] Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, s. 28.
[5] ĐGH. Gioan Phaolô II, Thông Điệp Lao Động Của Con Người (Laborem Exercens), s.6.
[6] Bênêđictô XVI, Vì Một Sinh Thái Học Nhân Bản (Hà Nội: Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, 2017), tr. 103.
[7] Dẫn theo lời tựa của ĐGM. Jean-Louis Bruguès trong ĐTC. Bênêđictô XVI, Vì Một Sinh Thái Học Nhân Bản (Hà Nội: Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, 2017), tr. 10.
[8] X. Jean-Michel Maldamé, Sáng Tạo Và Quan Phòng, Linh mục Antôn Nguyễn Đình Giáo O.cist chuyển ngữ (Hà Nội: Nhà Xuất Bản Hồng Đức, 2016), tr. 30.
[9] X. ĐGH. Phanxicô, Thông Điệp Laudato Sí, 27.
[10] ĐGH. Gioan Phaolô II, Thông Điệp Lao Động Của Con Người (Laborem Exercens), s. 4.
[11] Gm. Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Một cái nhìn về Giáo Huấn Xã Hội Công Giáo (HCM: Nhà xuất bản Phương Đông, 2010), tr. 337.
[12] X. Thánh Thomas d’s Aquin, Somme Théologie, II-II, q. 187, a.3, trong Lm. Phaolô Bùi Đình Cao, Thần Học Luân Lý Chuyên Biệt, tr. 350.
[13] X. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Uỷ Ban Bác Ái Xã Hội, Tóm Lược Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội Công Giáo (Hà Nội: Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, 2007), s.255.
[14] Tóm Lược Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội Công Giáo, s. 256.
[15] X. Tóm Lược Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội Công Giáo, s. 451.
[16] X. Lm G.B Trần Thanh Ngoạn, Thần Học Công Đồng, tài liệu lưu hành nội bộ, tr. 55-56.

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận