Việc phục vụ Chúa nơi người nghèo canh tân Giáo hội

18 lượt xem

Nhân kỷ niệm 400 năm thành lập Dòng Truyền giáo Thánh Vinh Sơn Phaolô, Đức Thánh Cha đã gửi thư cho Cha Tomaž Mavrič, Bề trên Tổng quyền của dòng, trong đó ngài nhấn mạnh cách “phục vụ Chúa Kitô nơi người nghèo” mang lại sự đổi mới trong Giáo hội ngày nay.

Vatican News

Dòng Truyền giáo Thánh Vinh Sơn Phaolô được thành lập ngày 17/4/1625. Trong 400 năm, những người thuộc mọi nền văn hóa và xuất thân đã noi theo cách sống của Thánh Vinh Sơn, từ Thánh Phanxicô Regis và Thánh Giustino Jacobis đến Thánh Catherine Labouré và Thánh.

Phục vụ Chúa Kitô nơi người nghèo giúp canh tân Giáo hội 

Trong thư, Đức Thánh Cha viết: “Tôi hy vọng rằng lễ kỷ niệm 400 năm thành lập sẽ làm nổi bật tầm quan trọng của tầm nhìn của Thánh Vinh Sơn về việc phục vụ Chúa Kitô nơi người nghèo để canh tân Giáo hội trong thời đại chúng ta”. Sự phục vụ này, theo ngài, có thể mang hình thức “môn đệ truyền giáo và hỗ trợ những người túng thiếu và bị bỏ rơi ở nhiều vùng ngoại vi của thế giới”.

Ngài bày tỏ hy vọng rằng tấm gương của đấng sáng lập dòng sẽ “đặc biệt truyền cảm hứng cho những người trẻ tuổi, những người, với lòng nhiệt thành, lòng quảng đại và mối quan tâm xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, được kêu gọi trở thành những chứng nhân táo bạo và can đảm của Phúc Âm giữa những người đồng trang lứa và bất cứ nơi nào họ đến”.

Sự đa dạng của Gia đình Thánh Vinh Sơn

Ngày nay, Gia đình Thánh Vinh Sơn bao gồm hơn 100 nhánh linh mục, nam tu, nữ tu và giáo dân. Bất kể họ thuộc nhánh nào, sứ mệnh của họ vẫn như vậy: tham gia và tổ chức các công việc bác ái và hỗ trợ trong việc hướng dẫn và đào tạo thiêng liêng cho giáo sĩ và giáo dân. Ví dụ như Hội Thánh Vinh Sơn Phaolô, được thành lập vào năm 1833 bởi Chân phước Frederic Ozanam. Trong thư, Đức Thánh Cha gọi tổ chức này là “một lực lượng phi thường vì mục đích tốt đẹp trong việc phục vụ người nghèo, với hàng trăm ngàn thành viên trên toàn thế giới”.

Đức Thánh Cha cũng lưu ý đến hai tổ chức khác cũng theo lối sống của gia đình Vinh Sơn: “Hội Bác ái”, hiện được gọi là Hiệp hội Bác ái Quốc tế hoặc các Tình nguyện viên Vinh Sơn và “Nữ tử Bác ái”. Ngài nói rằng dòng “Nữ tử Bác ái” là “một hình thức cộng đoàn phụ nữ mang tính cách mạng” vì Thánh Vinh Sơn khuyến khích những người phụ nữ đi ra ngoài và chăm sóc người nghèo và người bệnh.

Học theo cách sống của Thánh Vinh Sơn

Cuối thư, khi ban phép lành và bảo đảm cầu nguyện cho họ, Đức Thánh Cha bày tỏ mong muốn rằng họ có thể được truyền cảm hứng từ đấng sáng lập và tiếp tục sống và làm việc theo sứ mạng mà Thánh Vinh Sơn đã trao cho các thành viên đầu tiên của Hội Dòng, là can đảm hiến mình với tình yêu mới để phục vụ người nghèo, tìm kiếm những người khốn khổ và bị bỏ rơi nhất.

Nguồn: vaticannews.va

Có thể bạn quan tâm