VÌ SAO CHÚA GIÊSU LUÔN TÌM KIẾM
NHỮNG TÂM HỒN KHIÊM NHƯỜNG ĐÍCH THỰC?
(CN 4 MC A, 1Sam 16, 1. 6-7. 10-13; Eph 5, 8-14; Ga 9, 1-41)
Lm. Nnamdi Moneme, OMV
Khi ngôn sứ Samuel chuẩn bị xức dầu phong vương cho một trong các con trai của ông Jesse vì ông chỉ nhìn diện mạo, vóc dáng cũng như khả năng bên ngoài của họ thì Thiên Chúa đã dạy cho vị ngôn sứ bài học vô giá này, “Người phàm chỉ thấy điều mắt thấy, còn Ðức Chúa thì thấy tận đáy lòng”.
Thiên Chúa không chỉ nhìn vào con tim, mà còn nhìn vào tận sâu thẳm tâm hồn chúng ta, vì Ngài luôn tìm kiếm sự khiêm nhường đích thực. Chỉ có tâm hồn thực sự khiêm nhường mới có chỗ cho Thiên Chúa, cho ý muốn, và cho các ân ban của Ngài. Chỉ có tâm hồn thực sự khiêm nhường mới có thể đón nhận những hồng ân của Thiên Chúa, dù Ngài ban tặng dưới bất cứ hình thức nào, và mới có thể đón nhận hồng ân này một cách xứng hợp. Đa-vít khi đó đủ khiêm nhường để lãnh nhận sự xức dầu mà Thiên Chúa ban qua tay ngôn sứ Samuel, “Thần khí Ðức Chúa nhập vào Ða-vít từ ngày đó trở đi”.
Trong Tin Mừng Ga 9, 1-41, Chúa Giêsu tuyên bố rằng sự mù lòa của người mù từ khi mới sinh không phải là hậu quả của tội lỗi của anh ta hay của cha mẹ anh. Trái lại, sự mù lòa bẩm sinh của anh có một mục đích khiêm nhường thiêng liêng, đó là: “để các việc của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh”. Sự mù lòa đã giúp anh nuôi dưỡng sự khiêm nhường, và do đó, anh sẵn sàng để đón nhận ánh sáng từ Đức Kitô và đón nhận cách xứng hợp vì vinh quang Thiên Chúa.
Chúng ta thấy sự khiêm nhường của anh mù trên nhiều cấp độ. Anh đủ khiêm nhường để chứng thực điều tốt lành mà Chúa Giêsu đã làm cho mình: “Ông ấy lấy bùn bôi vào mắt tôi”. Anh không nhận công trạng nào mà dành hết cho Chúa Giêsu trong việc anh được sáng mắt. Anh cũng không phàn nàn về phương pháp chữa bệnh kỳ lạ của Chúa Giêsu. Anh đủ khiêm nhường để lắng nghe và tin tưởng lời của Chúa Giêsu: “Ông ấy bảo tôi: ‘Anh hãy đến hồ Silôác mà rửa’”. Anh không hỏi Chúa Giêsu tại sao lại là Silôác, hay tại sao Người lại bôi bùn vào mắt anh rồi bảo anh đi rửa.
Anh cũng thể hiện sự khiêm tốn khi thừa nhận vai trò của chính mình trong việc chữa bệnh, “Tôi đã đi, và sau khi rửa tôi nhìn thấy được”. Sự khiêm tốn của anh không giả tạo khi anh không phủ nhận điều mà anh đã làm nhờ ân sủng của Thiên Chúa. Cuối cùng, anh thể hiện sự khiêm nhường qua việc làm chứng cho Chúa Giêsu, bất chấp cái giá phải trả hoặc hậu quả ra sao: “Họ (những người Pharisêu) trục xuất anh” ra khỏi hội đường. Anh không phải là kẻ nhát gan để thay đổi lời khai của mình vì bị khuất phục hay để chiều theo dư luận.
Trong khi đó, người Pharisêu tự kết án họ bị mù tâm linh vì với sự kiêu ngạo, họ không có chỗ cho Thiên Chúa và món quà ánh sáng của Ngài. Chúa Giêsu nghiêm khắc quở trách việc họ cho rằng mình sáng mắt: “Nhưng giờ đây các ông nói rằng: ‘Chúng tôi thấy’, nên tội các ông vẫn còn!“
Chúng ta nhớ lại những lời của Chúa Giêsu chứng thực rằng chỉ những tâm hồn thật sự khiêm nhường mới được Thiên Chúa mạc khải cho: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn” (Mt 11, 25-26). Chúa Giêsu vui mừng và cất tiếng ngợi khen Chúa Cha vì Ngài chỉ tỏ mình ra cho những tâm hồn khiêm nhường chứ không bao giờ cho những kẻ kiêu ngạo và cho là mình thông thái.
Thánh Phaolô đã yêu cầu các Kitô hữu ở Êphêsô chống lại và xua tan bóng tối xung quanh họ, “Ðừng cộng tác vào những việc vô ích của con cái bóng tối, phải vạch trần những việc ấy ra mới đúng. Vì những việc chúng làm lén lút, thì nói đến đã là nhục rồi” (5, 11-12)
Tuy nhiên, trước khi có thể chống lại và xua tan bóng tối thành công, các tín hữu đã phải hết sức khiêm tốn. Thật vậy, họ phải khiêm tốn đón nhận ân ban thuộc về vương quốc ánh sáng chứ không phải bóng tối: “Xưa anh em là bóng tối, nhưng bây giờ, trong Chúa, anh em lại là ánh sáng” (5, 8). Họ cũng phải trau dồi sự khiêm nhường vì đó là điều Thiên Chúa mong muốn nhất nơi tâm hồn họ: “Hãy xem điều gì đẹp lòng Chúa”. Bằng việc nuôi dưỡng sự khiêm nhường khi đối diện với bóng tối, các tín hữu có thể đón nhận và đáp lại ân sủng và ánh sáng của Thiên Chúa và trở thành khí cụ trong tay Thiên Chúa để xua tan mọi bóng tối.
Ngày nay, chúng ta cũng nhận được cùng một yêu cầu của Thánh Phaolô đó là chống lại, từ chối, và xua tan bóng tối của thời đại chúng ta bằng cách sống như những người con của ánh sáng, “ánh sáng đem lại tất cả những gì là lương thiện, công chính và chân thật”. Chúng ta chỉ có thể làm được điều này khi biết nuôi dưỡng khiêm nhường, ngay cả trong những thời điểm đen tối nhất.
Chúng ta có thể bắt đầu với lòng biết ơn chân thành về những gì Thiên Chúa đã thực hiện nơi chúng ta khi cho chúng ta được mang ánh sáng của Ngài. Chúng ta cũng có thể bắt đầu lắng nghe, tin tưởng, và sẵn sàng vâng theo lời Thiên Chúa và làm chứng cho Ngài, ngay cả khi chúng ta bị người khác tẩy chay và bỏ rơi. Chỉ với tâm hồn khiêm nhường như thế, ánh sáng của Đức Kitô mới có thể qua chúng ta, xua tan bóng tối của thời đại chúng ta đang sống.
Chúng ta hãy hướng về Đức Trinh Nữ Maria. Trong thời khắc tăm tối khi nhân loại tuyệt vọng trước tội lỗi và sự dữ, Thiên Chúa tìm kiếm thụ tạo khiêm nhường nhất để cưu mang Con Một của Ngài và đáp lại ân ban của Ngài cách xứng hợp nhất. Và rồi, Thiên Chúa chỉ tìm thấy sự khiêm nhường sâu xa như vậy nơi Đức Trinh Nữ Maria. Đức Maria nhận ra rằng Thiên Chúa yêu thích tâm hồn khiêm nhu của mình biết bao, “Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới” (Lc 1, 48). Chúng ta là những người được thừa hưởng ánh sáng của Đức Kitô vì Mẹ Maria đã khiêm tốn đón nhận và đáp lại những hồng ân của Thiên Chúa, thậm chí đến mức tham dự vào cuộc khổ nạn và cái chết của Người trên đồi Canvê để vinh danh Thiên Chúa và vì phần rỗi của chúng ta.
Giờ đây, Chúa Giêsu vẫn đang nhìn vào sâu thẳm tâm hồn chúng ta, tìm kiếm sự khiêm nhường đích thực. Chúng ta hãy hướng về Đức Trinh Nữ Maria khiêm nhường để chung phần sự khiêm nhường của Mẹ. Nếu chúng ta cũng để cho Mẹ đào luyện tâm hồn khiêm nhường nơi chúng ta, thì Thiên Chúa sẽ ban cho chúng ta hồng ân ánh sáng của Ngài, và dùng chúng ta như khí cụ mang lại chiến thắng cuối cùng của ánh sáng trên bóng tối trong thế giới tăm tối này.
Nguồn:hdgmvietnam
Có thể bạn quan tâm
Việc phục vụ Chúa nơi người nghèo canh tân Giáo hội
Th1
Đức Thánh Cha Phanxicô: Một Nữ Tu Sẽ Là Chủ Tịch Phủ Thống..
Th1
Thánh Lễ Tất Niên & Đặt Viên Đá Xây Dựng Trung Tâm Mục..
Th1
Nhịp Sống Giáo Hội Việt Nam Số 3: Xuân Yêu Thương
Th1
Tài Liệu Tuần Cầu Nguyện Cho Các Kitô Hữu Hiệp Nhất Năm 2025
Th1
Cáo phó: Ông cố Phaolô – Thân phụ của Sr. Anna Nguyễn Thị..
Th1
Giáo Hạt Đầu Tiên Hành Hương Về Nhà Thờ Chính Tòa Trong Năm..
Th1
Thánh Lễ Khánh Thành Nhà Mục Vụ Giáo Xứ Bàu Sen trong Tuần..
Th1
Đức Cha Louis dâng thánh lễ khai mạc Tuần Chầu Lượt tại Giáo..
Th1
Suy Niệm Chúa Nhật II Thường Niên C: Tiệc Cưới Giao Ước Mới
Th1
TGM-GPHT: Thông Báo Thánh Lễ Tất Niên Giáp Thìn 2024 & Đặt Viên..
Th1
“Xuân Yêu Thương” Khai Sáng Niềm Hy Vọng Tại Giáo phận Hà Tĩnh
Th1
Quý Cha Giáo Hạt Bình Chính Tĩnh Tâm, Gặp Mặt Và Tổng Kết..
Th1
Bài Hát Cộng Đồng Lễ Tất Niên Xuân Ất Tỵ 2025
Th1
Quý Cha Giáo Hạt Kỳ Anh Tĩnh Tâm & Họp Bàn Công Việc..
Th1
Đức cha Louis đến thăm các Trung tâm và Mái ấm trong Giáo..
Th1
Suy niệm mỗi ngày, Tuần I Thường niên, năm lẻ
Th1
Tổng Giám mục Gądecki phê bình kiến nghị cấm trẻ vị thành niên..
Th1
Tổng Thống Biden Trao Tặng Đức Thánh Cha Huân Chương Tự Do
Th1
Nhịp Sống Giáo Hội Việt Nam Số 2
Th1