Tự vấn lương tâm đối với tâm thức nhìn về con người

1123 lượt xem

TỰ VẤN LƯƠNG TÂM ĐỐI VỚI TÂM THỨC NHÌN VỀ CON NGƯỜI
Chút suy nghĩ trước cơn khủng hoảng lạm dụng tình dục của Giáo hội 

Giáo hội – Thân thể Đức Ki-tô – đang mang một vết thương do con cái của mình gây ra: vấn đề lạm dụng tính dục; và vết thương đó đang bị banh ra nặng nề hơn bởi những ẩn ý chống đối Giáo hội, nhất là từ phía truyền thông. Tất nhiên, chúng ta cần có tinh thần phân định trước những tấn công từ phía truyền thông, vốn đang cố tình đẩy vấn đề cao hết mức có thể nhằm lấn át mọi khía cạnh tốt lành âm thầm khác của Giáo hội. Nhưng mặt khác, điều quan trọng với Giáo hội và con cái của mình là cần đối diện với sự thật, đón nhận vết thương như một hệ quả tội lỗi của mình, và làm hết sức mình như một nỗ lực của lòng sám hối và hoà giải, dù chúng ta không bao giờ đền bù hết được những hệ quả tội lỗi đó gây ra. Theo quan sát của người viết, Giáo hội đang rất cố gắng và chân thành trong sứ mạng này, nhất là từ phía Vatican. Một ví dụ điển hình nhất là Toà Thánh sẽ tổ chức một hội nghị ‘Bảo vệ trẻ vị thành niên trong Giáo hội’, mang tầm mức quốc tế với sự tham gia của tất cả các chủ tịch HĐGM, từ ngày 21 đến 24 Tháng 2 Năm 2019 này tại Vatican.[1] Những nỗ lực này không phải mang tính đối phó trước cuộc khủng hoảng, mà là tinh thần nhận trách nhiệm và lòng hoán cải của Giáo hội, và nhìn lại sứ mạng của mình trong việc bảo vệ phẩm giá con người.

Nhưng nhìn rộng hơn, đây là vấn đề của cả xã hội loài người, chứ không phải chỉ riêng của Giáo hội, như lời Đức Giáo Hoàng Phanxicô: “nó là vấn đề của con người, mà con người khắp nơi! […] Đó là một thảm kịch nhân loại mà chúng ta phải tự vấn lương tâm.”[2] Trong thảm kịch này, não trạng và tâm thức của chúng ta khi nhìn về con người (tha nhân và cả bản thân mình) đã bị sai lệch hoặc khiếm khuyết. Một cách chung, con người đang bị nhìn theo lối giản lược: đơn thuần như một đối tượng nào đó trong thế giới, thậm chí như những công cụ bị đem sử dụng, thay vì là một nhân vị trọn vẹn. Đây hẳn là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến những vụ lạm dụng, và cả biết bao vấn đề khác trong xã hội nói chung, như vấn đề phá thai hay nạn buôn người. Trong cuộc phỏng vấn nói trên, Đức Giáo Hoàng Phanxico cũng đã ‘bắt mạch’ điều tương tự như căn nguyên dẫn tới những lạm dụng tình dục đối với các nữ tu: tâm thức ngược đãi và coi phụ nữ như thuộc ‘hạng hai’. Vì vậy, trong khi cùng cầu nguyện và cộng tác với những hành động thiết thực của Giáo hội, mỗi người chúng ta cùng thực hiện điều mà Đức Giáo Hoàng mời gọi như khởi đầu của tiến trình hoà giải: tự vấn lương tâm; và thiết tưởng, điều đầu tiên ta cần tự vấn chính là não trạng và tâm thức của ta khi nhìn về con người, với câu hỏi căn bản: chúng ta đang nhìn con người như thế nào? Liệu ta còn nhìn thấy một mầu nhiệm khi đứng trước một con người?

Nếu định nghĩa con người như ‘hình ảnh của Thiên Chúa – Imago Dei’ – hay ít ra như một chủ thể có ‘tự do, bình đẳng về phẩm cách, lý trí và lương tri,’[3] thì xem ra, trong toàn bộ lịch sử nhân loại, xét từ thực tế chứ không chỉ lý thuyết, chưa bao giờ con người được nhìn nhận và đối xử một cách đúng đắn theo địa vị trọn vẹn của họ. Trong quá khứ, nhiều nơi đã có chế độ nô lệ; nghĩa là họ bị xem như thuộc đẳng cấp thấp kém hơn những người chủ, thậm chí bị xem như hàng hoá để mua bán, trao đổi. Người ta đã hy vọng rằng, với sự tiến bộ về nhận thức của con người, nhất là với những phát triển về khoa học kỹ thuật, con người cũng sẽ đạt đến nhận thức về nhau một cách trọn vẹn hơn, đúng đắn hơn. Tuy nhiên, xem ra đây vẫn còn là một giấc mơ dang dở! Thậm chí có khi mức độ nhận thức và kinh nghiệm của chúng ta về tha nhân lại tỉ lệ nghịch với những hiểu biết mang tính khoa học kỹ thuật. Sau đây, chúng ta cùng xét lại tâm thức và não trạng nhìn về con người trong thời chúng ta đang sống – thời hiện đại.

Với ảnh hưởng từ chủ nghĩa duy lý của Triết học Ánh Sáng, thời hiện đại tưởng rằng đã nâng cao vị thế và phẩm giá của con người khi cố gắng giành lại địa vị làm chủ của cá nhân con người từ tay Thiên Chúa. Với quan niệm cho rằng lý trí giúp con người trở thành chủ thể của chính mình và thành trung tâm của mọi sự, con người tự vạch ra mọi ranh giới, mọi tiêu chuẩn theo suy nghĩ của riêng mình. Nhưng thật ra, về phương diện nhận thức nhân bản, kết quả thực tế lại có phần đi ngược lại với ước muốn lý thuyết này của thời đại, nghĩa là phẩm giá đích thật của con người bị xem nhẹ, thậm chí bị bóp méo. Thật thế, não trạng trên trước hết dẫn đến việc con người dần dà đánh mất cảm thức thần thiêng nơi chính mình. Quả thật, trong một thời đại mà chúng ta có khuynh hướng nghĩ rằng có thể giải quyết mọi việc và trả lời mọi câu hỏi từ khả năng của lý trí, theo tiêu chuẩn của khoa học, thật khó để ta có thể cảm nghiệm thật sự rằng nơi mình có khía thánh thiêng, rằng mình là ‘hình ảnh của Thiên Chúa’, được mang nơi mình những phẩm tính thiêng liêng. Nếu đã không có cảm thức về tính thánh thiêng nơi chính mình, chúng ta cũng không thể có cảm thức về tính thánh thiêng nơi tha nhân.

Hệ quả thứ hai của chủ nghĩa duy lý chính là chủ nghĩa cá nhân; và khi lấy mình làm điểm trung tâm, con người thời hiện đại chỉ còn nhìn tha nhân như những điểm quy chiếu theo suy nghĩ, theo địa vị, và theo nhu cầu riêng của mình. Chúng ta không còn hướng về tha nhân trong địa vị độc nhất của họ nữa. Nhiều người chỉ nhìn tha nhân đơn thuần như một đối tác hoặc một ai đó tuỳ theo tương quan của họ với tôi, và câu hỏi về phẩm giá hay nhân vị của họ là điều nằm ngoài phạm vi quan tâm của tôi. Ví dụ, người giám đốc chỉ coi cô thư ký đơn thuần là một nhân viên cấp dưới, và cũng chỉ như vậy mà thôi, không hơn không kém. Khuynh hướng nhìn người khác theo kiểu giản lược vào địa vị hoặc nghề nghiệp của họ là một não trạng phổ biến hiện nay. Hơn nữa, với lối sống ‘công nghiệp-hiện đại’, đời sống con người đang bị giản lược, trở nên nghèo nàn và bị thu bé lại vào khuôn thước của đời sống vật chất, ít còn chỗ cho những khía cạnh thiêng liêng phát triển: niềm vui siêu nhiên, cầu nguyện cộng đồng,…

Trong đức tin Ki-tô giáo, con người mang một địa vị độc nhất và cao cả, vì con người là hình ảnh của Thiên Chúa. Địa vị đó đòi hỏi chúng ta phải vô cùng tôn quý con người trong tính nhân vị trọn vẹn tột bậc của họ. Đứng trước một con người là ta đang đứng trước một mầu nhiệm, một hữu thể mang tính thánh thiêng, một hữu thể có sự hiện diện đích thực của Thiên Chúa. Vì thế, ở một mức nào đó, có thể nói rằng đối diện với một con người là ta đang đối diện với Thiên Chúa. Là một mầu nhiệm, con người luôn có tính ‘hơn nữa’, luôn vượt qua những gì ta có thể dùng lý trí để ‘nắm bắt’ họ. Thiết tưởng, điều giúp ta hiểu hơn về con người không phải là dùng lý trí suy xét, mà là đi vào tương quan trong tình yêu, cách cụ thể bằng sự quan tâm, tôn trọng, chăm sóc lẫn nhau. Do đó, bất cứ hình thức nào nhìn con người theo cách giản lược hoá đều bao hàm việc chối bỏ phẩm giá sâu xa của con người, không tôn trọng tự do của họ và cũng không còn nhận ra “không gian” hiện diện của Thiên Chúa nơi từng người nữa.

Trong tinh thần hoán cải, cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục của Giáo hội chính là một cơ hội cho chúng ta tự vấn lại não trạng và tâm thức của chính mình khi suy nghĩ hay nhìn về con người. Một số câu hỏi sau đây có thể giúp chúng ta tự vấn, xem mình có rơi vào những lệch lạc trong não trạng của thời hiện đại khi nhìn về con người không:

1- Từ trong thâm sâu, tôi có cảm giác khinh thường người khác vì địa vị thấp kém, hoặc vì sự nghèo nàn, hoặc vì sự thấp kém trí tuệ của họ?
2- Tôi có hay gọi người khác theo nghề nghiệp của họ, kiểu như: “ê, chị bán rau!”?
3- Tôi có hay ‘dán nhãn’ người khác theo xét đoán của tôi về họ?
4- Tôi có động lòng, thấy đau xót trước một cảnh đời bất hạnh?
5- Tôi có vui mừng trước hạnh phúc của người khác?
6- Tôi có khuynh hướng suy nghĩ rằng mình đã hiểu hết về một người nào đó, như kiểu ‘nắm rõ trong lòng bàn tay’?
7- Tôi có cảm thấy tôn trọng sự khác biệt trong suy nghĩ của người khác?
8- Tôi có thật sự tôn trọng những biểu hiện đức tin của người khác?
9- Tôi có cầu nguyện cho chính mình, và cho người khác?

Nếu mang não trạng giản lược về con người, việc lạm dụng tha nhân là điều dễ xảy ra, nhất là với những ai có quyền lực trong tay. Đối với trường hợp của các giáo sỹ, họ dễ quên mất rằng quyền lực họ được trao không phải là quyền lực cho chính họ, mà là quyền được Thiên Chúa trao ban để phục vụ và bảo vệ nhân phẩm, nhân vị cao cả của những người họ được sai đến. Nói cách khác, não trạng sai trái khi nhìn về con người sẽ dễ kéo theo việc đảo lộn trong cách nhìn và cách hiểu về sứ mạng của người mục tử nói riêng và của từng người trong chúng ta nói chung.

Thật không dễ để thay đổi não trạng của cả một xã hội; nhưng điều cần thiết là ta phải nhận ra những lệch lạc mà não trạng đó ảnh hưởng trên mỗi người khi chúng ta hướng nhìn về tha nhân. Khi nhận ra những lệch lạc đó, chúng ta cần cầu nguyện để nhờ ơn Chúa, và trong nỗ lực của mình, chúng ta hy vọng hướng đến một sự hoán cải đích thực nơi bản thân mỗi người và cho cả Giáo hội, khởi đầu với hoán cải về cách chúng ta nhìn tha nhân. Và đó là điều mang lại vẻ đẹp cho Mẹ Giáo hội. Vẻ đẹp của Giáo hội không hệ tại ở những ngôi thánh đường uy nghi, hay những cuộc rước hoành tráng. Vẻ đẹp của Giáo hội cũng không nằm ở những chiến thắng trong các cuộc tranh luận hay trong các cuộc chiến truyền thông. Ngược lại, vẻ đẹp đích thực của Giáo hội chính là sự thánh thiện của Thiên Chúa. Vẻ đẹp đỏ thể hiện qua hoa trái của đời sống đức tin: những việc lành bác ái, sự hy sinh phục vụ, tâm hồn đơn sơ tín thác,… Vì thế, điều quan trọng là cách Giáo hội sống đức tin thế nào, ngay cả trong những thử thách ngặt nghèo. Nói cách khác, trong hoàn cảnh của cuộc khủng hoảng này, vẻ đẹp của Giáo hội thể hiện ở lòng ăn năn thống hối, thành tâm hoán cải, ở những tâm hồn ‘tan nát dày vò’. Sự ăn năn thống hối gắn liền với việc hoà giải: hoà giải với Thiên Chúa, hoà giải với anh chị em mình, và hoà giải với chính mình, nhất là với tâm thức, não trạng của mình khi nhìn về con người.

Khắc Bá, SJ

[1] http://hdgmvietnam.com/chi-tiet/toa-thanh-cong-bo-chi-tiet-ve-hoi-nghi-bao-ve-tre-vi-thanh-nien-34678.
[2] Đức Thánh Cha Phanxico trả lời phỏng vấn trong chuyến bay từ Panama về Roma, ngày 31/01/2019.
[3] Điều 1, Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, 1948.

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận