Tổng hợp chuỗi sự kiện của Đức thánh cha tại Thái Lan trong ngày thứ Năm, 21/11/2019

965 lượt xem

Đức Thánh Cha tại buổi gặp chính quyền và ngoại giao đoàn
Văn Yên, SJ – Vatican News

Sau buổi chào đón chính thức, Đức Thánh Cha có cuộc gặp riêng ngắn với Thủ Tướng Thái Lan, sau đó ngài gặp quan chức chính quyền, đại diện xã hội dân sự và ngoại giao đoàn tại Hội trường Inner Santi Maitri của Toà nhà Chính phủ, lúc 9h30.

Trước hết, Thủ Tướng Thái Lan có lời chào mừng Đức Thánh Cha đến thăm đất nước Thái Lan và nhắc rằng: “Chuyến thăm của ngài trùng với dịp kỷ niệm 350 năm thành lập Hạt Đại diện Tông toà tại Thái Lan và kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Thái Lan và Tòa thánh.”

Đức Thánh Cha đáp lời bằng một diễn văn với những người tham dự.

Mở đầu, ĐTC nói: “Tôi biết ơn về cơ hội được ở giữa quý vị và có thể đến thăm đất nước này, giàu có về kỳ quan thiên nhiên, nhưng đặc biệt là nơi gìn giữ các truyền thống tâm linh và văn hóa tổ tiên, như sự hiếu khách, mà hôm nay chính tôi được trải nghiệm và muốn kể lại, và làm cho tình bằng hữu giữa các dân tộc ngày càng lớn hơn.”

Sau những lời cảm ơn những người hiện diện và lời chào đến người dân Thái Lan, ĐTC nói đến tính chất toàn cầu của những vấn đề ngày nay. Chúng không còn là những vấn đề nội bộ, nhưng liên quan đến cả gia đình nhân loại và đòi hỏi gia tăng một nỗ lực kiên quyết cho công lý quốc tế và đoàn kết giữa các dân tộc.

Là một quốc gia đa văn hóa đặc trưng bởi sự đa dạng, Thái Lan từ lâu đã nhận ra tầm quan trọng của việc xây dựng sự hòa hợp và chung sống hòa bình giữa nhiều nhóm dân tộc, thể hiện sự tôn trọng và đánh giá cao đối với các nền văn hóa, các nhóm tôn giáo, các tư tưởng và triết học khác nhau. Thời đại hiện tại được đánh dấu bởi toàn cầu hóa, rất thường quy theo thuật ngữ kinh tế – tài chính nghiêm ngặt và có xu hướng phớt lờ những lưu ý thiết yếu cấu thành và tạo ra vẻ đẹp và linh hồn của các dân tộc. Ngược lại, kinh nghiệm cụ thể về sự hợp nhất, khi tôn trọng và chào đón các khác biệt, đóng vai trò là nguồn cảm hứng và thúc đẩy cho tất cả những ai quan tâm đến mẫu thế giới mà chúng ta mong muốn để lại cho thế hệ tương lai.

Đức Thánh Cha đã chúc mừng đất nước Thái Lan đã lập ra “Ủy ban Đạo đức-Xã hội”, trong đó đã mời các tôn giáo truyền thống của đất nước tham gia, để đón nhận những đóng góp của họ và gìn giữ sống động những ký ức tinh thần của dân tộc. Vì điều này mà Đức Thánh Cha sẽ gặp Đức Tăng Thống của Phật giáo để thúc đẩy đối thoại liên tôn và tăng thêm tình bằng hữu, cũng như phục vụ cho sự hoà hợp xã hội.

Về phần mình, Đức Thánh Cha muốn cam kết nỗ lực hết mình của cộng đồng Công giáo nhỏ bé nhưng sinh động, để duy trì và phát huy những đặc điểm riêng biệt của người Thái, vốn được nói đến trong bài quốc ca: hòa bình và tình cảm, nhưng không hèn nhát; và quyết tâm đối đầu với tất cả những gì phớt lờ tiếng khóc của rất nhiều anh chị em của chúng ta, những người mong mỏi được giải thoát khỏi ách thống trị của nghèo đói, bạo lực và bất công.

Đất nước này có tên là “tự do”. Chúng ta biết rằng điều này chỉ có thể nếu chúng ta thấy mình có trách nhiệm với nhau và vượt qua bất kỳ hình thức bất bình đẳng nào. Do đó, cần phải dấn thân để mọi người và cộng đồng có thể tiếp cận với giáo dục, công ăn việc làm xứng đáng, chăm sóc sức khỏe; và bằng cách này đạt đến một mức tối thiểu không thể thiếu về sự hỗ trợ để tạo ra một sự phát triển con người toàn diện.

Về vấn đề này, Đức Thánh Cha đề cập đến hiện tượng di cư, vốn tạo ta những vấn đề đạo đức cần phải đối diện. Ngài mong ước mọi quốc gia chuẩn bị những công cụ hữu hiệu để bảo vệ phẩm giá và quyền của người di cư và người tị nạn, những người phải đối mặt với những nguy hiểm, sự không chắc chắn và bị bóc lột khi tìm kiếm tự do và một cuộc sống xứng đáng cho gia đình của họ.

Đức Thánh Cha đặc biệt nhắc đến phụ nữ và trẻ em trong thời đại này. Họ bị thương tổn, hãm hiếp và tiếp xúc với mọi hình thức bóc lột, nô lệ, bạo lực và lạm dụng. ĐTC nói: “Tôi bày tỏ lòng biết ơn đối với chính phủ Thái Lan về những nỗ lực xóa bỏ thảm họa này, cũng như đối với các cá nhân và tổ chức làm việc không mệt mỏi để tiêu diệt sự dữ này và mang lại một con đường phẩm giá.”

Sau cuộc gặp gỡ với các quan chức chính quyền, đại diện xã hội dân sự và ngoại giao đoàn khoảng 20 phút, Đức Thánh Cha được Thủ Tướng Thái Lan tiễn ra xe để Thăm Đức Tăng Thống của Phật giáo tại Chùa Wat Ratchabophit Sathit Maha Simaram. (CSR_6877_2019)

Diễn Văn của Đức Giáo Hoàng
Tại Hội trường “Nội Santi Maitri” của Tòa nhà Chính phủ (Bangkok)
Thứ Năm ngày 21 tháng 11 năm 2019
Vũ Văn An chuyển ngữ,
Vietcatholic

Thưa Ông Thủ tướng
Các Thành viên của Chính phủ và Ngoại giao đoàn,
Các Nhà Lãnh đạo chính trị, dân sự và tôn giáo,
Thưa quý bà và qúy ông,

Tôi biết ơn vì có cơ hội này để được hiện diện bên cạnh qúy vị và có thể đến thăm lãnh thổ rất phong phú vẻ đẹp tự nhiên này, và là người bảo vệ tuyệt vời các truyền thống văn hóa và tâm linh lâu đời, như truyền thống hiếu khách mà tôi đã đích thân được trải nghiệm, và là truyền thống tôi lần lượt muốn truyền bá, do đó gia tăng các mối dây bằng hữu lớn lao hơn giữa các dân tộc.

Tôi cảm ơn ngài, thưa Thủ tướng, vì sự nghinh đón và những lời giới thiệu nhân ái của ngài, cũng như cử chỉ chu đáo và khiêm tốn của ngài. Tôi biết ơn vì chiều nay tôi sẽ có cơ hội đến thăm xã giao Đức vua Rama X và hoàng gia. Một lần nữa tôi sẽ cảm ơn Đức Vua vì lời mời ân cần đến thăm Thái Lan của ngài và tôi xin nhắc lại những lời chúc tốt đẹp nhất của tôi cho triều đại của ngài, đồng thời bày tỏ lòng tôn kính đối với ký ức của người cha quá cố của ngài.

Tôi rất vui khi có dịp được chào đón và thưa chuyện với qúy vị, các nhà lãnh đạo chính phủ, tôn giáo và dân sự, và qua qúy vị chào đón toàn thể nhân dân Thái Lan. Tôi cũng gửi lời chào trân trọng đến ngoại giao đoàn. Nhân dịp này, tôi sẵn sàng chúc những lời chúc tốt đẹp sau cuộc bầu cử gần đây, một điều biểu thị sự trở lại của diễn trình dân chủ bình thường.

Tôi cũng cảm ơn tất cả những người đã làm việc để làm cho chuyến viếng thăm này thành khả hữu.

Chúng ta biết rằng các thách thức đối với thế giới của chúng ta ngày nay thực sự là những vấn đề hoàn cầu, bao trùm toàn bộ gia đình nhân loại và kêu gọi một cam kết vững chắc đối với công lý quốc tế và tình liên đới giữa các dân tộc. Tôi cho rằng điều quan trọng cần lưu ý là, trong những ngày này, Thái Lan sẽ kết thúc tư cách chủ tịch ASEAN, một biểu thức nói lên sự cam kết lịch sử đối với các vấn đề và thách thức rộng lớn hơn mà các dân tộc trong toàn khu vực Đông Nam Á đang phải đối đầu và cả mối quan tâm liên tục của nó trong việc cổ vũ sự hợp tác chính trị, kinh tế và văn hóa trong khu vực.

Là một quốc gia đa sắc tộc và đa dạng, Thái Lan từ lâu vốn biết tầm quan trọng của việc xây dựng hòa hợp và chung sống hòa bình giữa nhiều nhóm sắc tộc, đồng thời thể hiện lòng tôn trọng và đánh giá cao đối với các nền văn hóa khác nhau, các nhóm tôn giáo, các suy nghĩ và các ý tưởng khác nhau. Thời đại của chúng ta được đánh dấu bằng một diễn trình hoàn cầu hóa thường được nhìn dưới góc độ kinh tế hẹp hòi, có xu hướng xóa nhòa các đặc điểm nổi bật vốn tạo nên vẻ đẹp và linh hồn các dân tộc của chúng ta. Thế nhưng, kinh nghiệm hợp nhất biết tôn trọng và dành chỗ cho sự đa dạng đóng vai trò làm nguồn cảm hứng và khích lệ cho tất cả những ai quan tâm đến loại thế giới mà chúng ta muốn để lại cho con cái chúng ta.

Tôi rất vui khi biết được sáng kiến của qúy vị trong việc tạo ra một ủy ban đạo đức xã hội và mời gọi các tôn giáo truyền thống của đất nước tham gia, để nhận được sự đóng góp của họ và giữ cho ký ức tinh thần của nhân dân qúy vị luôn sống động. Về khía cạnh này, tôi sẽ có cơ hội gặp gỡ Đức Tăng Thống Phật giáo như một dấu chỉ tầm quan trọng và cấp bách của việc cổ vũ tình hữu nghị và đối thoại liên tôn, cũng để phục vụ hòa hợp xã hội và xây dựng các xã hội công bằng, nhạy bén và hòa nhập. Bản thân tôi muốn bảo đảm với qúy vị cam kết của cộng đồng Công Giáo Thái Lan, tuy nhỏ bé nhưng rất sôi nổi, nhất định duy trì và phát huy các đặc điểm riêng biệt của dân tộc Thái, như được gợi nhớ trong bản quốc ca của qúy vị: hòa bình và yêu thương, nhưng không hèn nhát. Họ cũng kiên định quyết tâm đương đầu với tất cả những gì dẫn chúng ta tới chỗ trở nên vô cảm trước tiếng kêu than của nhiều anh chị em khao khát được giải thoát khỏi ách thống trị của nghèo đói, bạo lực và bất công. Vùng đất này mang tên Tự do. Chúng ta biết rằng tự do chỉ có thể có nếu chúng ta có khả năng cảm thấy cùng chịu trách nhiệm với nhau và loại bỏ mọi hình thức bất bình đẳng. Do đó, cần phải bảo đảm rằng các cá nhân và cộng đồng có thể tiếp cận được giáo dục, lao động xứng phẩm giá và chăm sóc sức khỏe, và nhờ cách này đạt được các mức độ bền vững tối thiểu và không thể thiếu có thể giúp phát triển con người toàn diện.

Ở đây tôi muốn dừng lại mấy phút để nói về các phong trào di dân, vốn là một trong những dấu chỉ thời đại của chúng ta. Không hẳn nói nhiều về các phong trào trong chính chúng, cho bằng nói về các điều kiện trong đó chúng diễn ra, một hiện tượng nói lên một trong những vấn đề đạo đức chính mà thế hệ chúng ta đang phải đối diện. Cuộc khủng hoảng hoàn cầu về di dân không thể bị làm ngơ. Bản thân Thái Lan, nổi tiếng về sự nghinh đón nó đã dành cho người dân di cư và người tị nạn, vốn đã trải nghiệm cuộc khủng hoảng này như hậu quả của việc các người tị nạn đã phải trốn chạy một cách bi thảm khỏi các quốc gia lân cận. Một lần nữa, tôi bày tỏ hy vọng rằng cộng đồng quốc tế sẽ hành động một cách có trách nhiệm và tầm nhìn xa, sẽ cố gắng giải quyết các vấn đề vốn dẫn đến cuộc di dân bi thảm này, và sẽ thúc đẩy việc di cư an toàn, có trật tự và có quy định. Ước mong mọi quốc gia nghĩ ra các phương tiện hữu hiệu để bảo vệ phẩm giá và các quyền lợi của người di cư và người tị nạn, những người đang phải đối diện với những nguy hiểm, tương lai không chắc chắn và bị bóc lột trong cuộc tìm kiếm tự do và một cuộc sống đàng hoàng cho gia đình họ. Nó không chỉ là vấn đề về người di cư; nó còn là khuôn mặt chúng ta muốn dành cho xã hội của chúng ta.

Ở đây tôi cũng nghĩ đến tất cả các phụ nữ và trẻ em của thời ta, nhất là những người bị thương tổn, bị xâm phạm và tiếp giáp với mọi hình thức bóc lột, nô lệ, bạo lực và lạm dụng. Tôi bày tỏ sự đánh giá cao của tôi đối với các nỗ lực của chính phủ Thái Lan nhằm tiêu diệt tai họa này và đối với tất cả những cá nhân và tổ chức đang làm việc để nhổ tận rễ cái ác này và cung cấp cung cách khôi phục lại phẩm giá của họ. Trong năm kỷ niệm ba mươi năm Công ước về Quyền trẻ em và vị thành niên, tất cả chúng ta được mời gọi suy nghĩ về sự cần thiết phải bảo vệ phúc lợi của con em chúng ta, việc phát triển xã hội và trí tuệ của chúng, việc chúng tiếp cận với việc đến trường và sự tăng trưởng về thể chất, tâm lý và tinh thần của chúng (xem Bài Diễn Văn trước Ngoại giao đoàn, ngày 7 tháng 1 năm 2019). Tương lai của các dân tộc chúng ta được liên kết với số lượng lớn lao theo cách chúng ta sẽ bảo đảm một tương lai xứng với nhân phẩm cho con cái chúng ta.

Các bạn thân mến, ngày nay, hơn bao giờ hết, xã hội của chúng ta cần “các nghệ nhân của lòng hiếu khách”, những người đàn ông và những người đàn bà cam kết phát triển toàn diện mọi dân tộc trong một gia đình nhân loại biết cam kết sống trong công lý, liên đới và hòa hợp huynh đệ. Mỗi người trong qúy vị, bằng nhiều cách khác nhau, đã cống hiến cả cuộc đời mình để làm cho việc phục vụ ích chung đến được mọi ngõ ngách của quốc gia này; đây là một trong những nhiệm vụ cao quý nhất mà một người có thể đảm nhận được. Với những tình cảm ấy, và với những lời chúc tốt đẹp đầy cầu nguyện để qúy vị có thể kiên trì trong sứ mệnh được giao phó cho qúy vị, tôi cầu xin mọi phước lành thần thiêng xuống trên đất nước yêu dấu này, trên các nhà lãnh đạo và nhân dân của nó. Và tôi xin Chúa hướng dẫn mỗi qúy vị và gia đình qúy vị, trong các nẻo đường khôn ngoan, công lý và hòa bình. Xin cảm ơn qúy vị!

—————————-

ĐTC Phanxicô thăm Đức Tăng Thống của Phật giáo
Ngọc Yến – Vatican News

10 giờ sáng 21/11/2019, ĐTC đến thăm Chùa Wat Ratchabophit Sathit Maha Simaram và gặp Đức Tăng Thống Somdej Phra Maha Muneewong, trụ trì chùa. Trong bài diễn văn ĐTC ca ngợi đặc tính của dân tộc Thái Lan là một dân tộc mỉm cười; cám ơn người Thái vì đã đón nhận các Kitô hữu, sống an hòa; văn hóa gặp gỡ có thể thực hiện được qua tình huynh đệ và từ bi.

Chùa Wat Ratchabophit Sathit Maha Simaram – Đức Tăng Thống Somdej Phra Maha Muneewong 

Chùa Wat Ratchabophit Sathit Maha Simaram là ngôi chùa lịch sử của các nhà sư Thái Lan và các Tăng Thống. Chùa được vua Rama V xây dựng vào năm 1869. Theo truyền thống hoàng gia, thì mỗi quốc vương phải có ngôi chùa riêng. Bên trong ngôi chùa, kiến trúc truyền thống của Thái Lan và của các nhà thờ lớn gothic châu Âu gặp nhau. Tại đây, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã gặp Đức Tăng Thống thứ 18 Somdej Phra Ariyawongsagatanana, vào ngày 10 tháng 5 năm 1984, trong chuyến tông du đến châu Á.

Đức Tăng Thống Somdej Phra Maha Muneewong là Tăng thống thứ 20 của các tín đồ Phật giáo, được Vua Rama X chỉ định trụ trị chùa vào ngày 12 tháng 2 năm 2017. Là một chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục và kỷ luật cho các tín đồ, Tăng Thống còn là thành viên của Ủy ban về luật pháp và ngôn ngữ và Chủ tịch của Hội đồng Đại học Phật giáo Mahamakut.

Khi đến nơi, ĐTC được Thư ký của Tăng Thống đón tại lối vào và cả hai tiến vào bên trong. Buổi gặp gỡ giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và Đức Tăng Thống cũng như giữa các vị đại diện của hai tôn giáo diễn ra trong bầu khí ấm cúng, thân thiện. Sau lời chào mừng của Tăng Thống, là bài diễn văn của ĐTC.

Dân tộc tươi cười

Mở đầu bài diễn văn ĐTC nói: “Tôi rất vui được đến đây, một Ngôi chùa, biểu tượng của các giá trị giáo dục đặc trưng cho dân tộc Thái Lan. Do nguồn gốc Phật giáo, đa số người Thái đã được thấm nhuần cách tôn trọng sự sống và những người lớn tuổi, thấm nhuần một lối sống tiết độ, dựa trên suy tư, buông bỏ, làm việc chăm chỉ và kỷ luật. Những đường nét này nuôi dưỡng đặc điểm khác biệt của qúy vị như một “dân tộc tươi cười”.

Văn hóa gặp gỡ là có thể

Tiếp đến, ĐTC bày tỏ lòng biết ơn đối với các vị tiền nhiệm của cả hai bên. Đó là sự kiện diễn ra cách đây gần năm mươi năm, Đức Tăng Thống 17, Somdej Phra Wanarat (Pun Punnasiri), cùng với một nhóm các nhà sư Phật giáo viếng thăm ĐGH Phaolô VI tại Vatican. Và bước tiếp theo, ĐGH Gioan Phaolô II cũng đã đến thăm Ngôi chùa này. Về phía cá nhân, ĐTC nói: “Cá nhân tôi đã có vinh dự được đón tiếp một phái đoàn tu sĩ đến từ chùa Wat Pho, với món quà là bản dịch của một bản thảo Phật giáo cổ bằng ngôn ngữ Pali, hiện được lưu giữ tại Thư viện Tòa Thánh. Điều này chứng tỏ rằng văn hóa gặp gỡ là có thể, ngay cả trong những khác biệt. Chúng ta trao cho thế giới niềm hy vọng về khả năng khuyến khích và nâng đỡ những người bị tổn thương. Như thế, vai trò của các tôn giáo được ví như những ngọn hải đăng của niềm hy vọng, thúc đẩy và bảo đảm cho tình huynh đệ”.

Dân tộc Thái đón nhận Kitô hữu

“Trong tinh thần này, tôi xin cám ơn dân tộc Thái, bởi vì, từ khi Kitô giáo đến Thái Lan, khoảng hơn bốn thế kỷ trước, người Công giáo, mặc dù là một nhóm thiểu số, được tự do thực hành tôn giáo và trong nhiều năm đã sống hòa thuận với anh chị em Phật tử”.

Văn hóa từ bi, tình huynh đệ và gặp gỡ

“Với lòng tin tưởng và tình huynh đệ này, tôi muốn khẳng định lại sự dấn thân cá nhân của tôi và của toàn Giáo hội để gia tăng việc đối thoại cởi mở và tôn trọng, phục vụ cho hòa bình và hạnh phúc của dân tộc này. Nhờ trao đổi học thuật, cho phép chúng ta hiểu biết nhau nhiều hơn, cũng như thực hành việc suy tư, lòng thương xót và sự phân định – rất phổ biến đối với truyền thống của chúng ta. Chúng ta có thể cùng nhau phát triển và khuyến khích các tín đồ của chúng ta phát triển các hoạt động bác ái mới, có khả năng tạo ra và gia tăng các sáng kiến cụ thể trên con đường của tình huynh đệ, đặc biệt đối với những người nghèo và ngôi nhà chung của chúng ta đang bị ngược đãi. Bằng cách này, chúng ta sẽ góp phần hình thành một nền văn hóa từ bi, tình huynh đệ và gặp gỡ, cả ở đây và ở những nơi khác trên thế giới. Tôi chắc chắn rằng hành trình này sẽ tiếp tục sinh hoa trái dồi dào”.

Sau bài phát biểu, ĐTC ký vào sổ vàng. Hai bên trao đổi quà và chụp hình lưu niệm.

Nguyên văn bài nói chuyện của Đức Thánh Cha với Đức Tăng Thống Phật Giáo Thái Lan tại Đền Hoàng Gia Wat Ratchabophit Sathit Maha Simaram ở Bangkok lúc 10 giờ thứ Năm ngày 21 tháng 11
Vũ Văn An chuyển ngữ,
Vietcatholic

Thưa Đức tăng thống,

Tôi cảm ơn ngài về những lời chào đón nhân từ của ngài. Ở đầu chuyến viếng thăm của tôi đến đất nước này, tôi rất vui được đến Đền thờ Hoàng gia này, một biểu tượng của các giá trị và giáo lý vốn lên đặc điểm cho dân tộc yêu dấu này. Phần lớn người Thái đã uống tận nguồn Phật giáo, những nguồn đã thấm nhuần cách họ tôn trọng sự sống và tổ tiên của họ, và sống một lối sống đạm bạc dựa trên sự chiêm niệm, sự thoát đời, làm việc chăm chỉ và kỷ luật (x. Ecclesia in Asia, 6). Những đường nét này nuôi dưỡng đặc điểm khác biệt của qúy vị như một “dân tộc tươi cười”.

Cuộc gặp gỡ của chúng ta diễn ra như một phần của hành trình qúy trọng và công nhận lẫn nhau được khởi xướng bởi những vị đi trước chúng ta. Tôi muốn chuyến viếng thăm này theo bước chân của họ, để gia tăng lòng tôn trọng và cả tình bạn giữa các cộng đồng của chúng ta. Gần năm mươi năm đã trôi qua kể từ khi Đức Tăng Thống thứ mười bảy, Somdej Phra Wanarat (Pun Punnasiri), cùng với một nhóm các nhà sư Phật giáo nổi tiếng, đến thăm Đức Giáo Hoàng Phaolô VI tại Vatican. Điều này thể hiện một bước ngoặt rất có ý nghĩa trong việc phát triển đối thoại giữa các truyền thống tôn giáo của chúng ta, là điều sau đó đã cho phép Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đến thăm Đền thờ này và Hoà Thượng Tối cao, ngài Tăng thống Somdej Phra Ariyavongsagatanana (Vasana Vasano). Bản thân tôi gần đây đã có vinh dự được chào đón một đoàn các nhà sư từ Đền Wat Pho; các vị này đã biếu tôi bản dịch một thủ bản Phật giáo cổ bằng ngôn ngữ Pali, hiện được lưu giữ tại Thư viện Vatican. Các bước nhỏ như vậy giúp chứng minh rằng nền văn hóa gặp gỡ là điều khả hữu, không chỉ trong cộng đồng của chúng ta mà còn trong cả thế giới của chúng ta nữa, một thế giới có quá nhiều xu hướng muốn tạo ra và loan truyền xung đột và loại trừ. Khi chúng ta có cơ hội đánh giá cao và qúy trọng lẫn nhau bất chấp các khác biệt của chúng ta (xem Evangelii Gaudium, 250), chúng ta sẽ cung hiến lời đầy hy vọng cho thế giới, một lời có thể khuyến khích và hỗ trợ những ai ngày càng phải chịu các tác động tàn hại của xung đột. Những dịp như thế này nhắc nhở chúng ta tầm quan trọng của việc các tôn giáo mỗi ngày càng phải trở nên những hải đăng của hy vọng, trong tư cách những nhà vận động và bảo đảm tình huynh đệ.

Về khía cạnh này này, tôi biết ơn nhân dân của lãnh thổ này, vì, từ khi Kitô giáo đến Thái Lan cách nay khoảng bốn thế kỷ rưỡi, người Công Giáo đã được hưởng tự do trong việc thực hành tôn giáo, mặc dù họ là thiểu số và trong nhiều năm đã sống hòa hợp với anh chị em Phật tử của mình.

Trên nẻo đường tin tưởng lẫn nhau và tình huynh đệ này, tôi mong muốn được nhắc lại cam kết bản thân của tôi và của toàn Giáo hội, sẽ đẩy xa hơn nữa cuộc đối thoại cởi mở và tôn trọng trong việc phục vụ hòa bình và phúc lợi của dân tộc này. Nhờ các trao đổi học thuật, các trao đổi đã dẫn đến sự hiểu biết lẫn nhau nhiều hơn, cũng như thực hiện chiêm niệm, lòng thương xót và biện phân – vốn là của chung của cả hai truyền thống của chúng ta – chúng ta có thể phát triển và sống với nhau như những “người hàng xóm” tốt bụng. Chúng ta cũng sẽ có thể cổ vũ nơi các tín đồ tôn giáo của chúng ta việc phát triển các dự án từ thiện mới, có khả năng tạo ra và nhân thừa các sáng kiến thực tế trên nẻo đường huynh đệ, nhất là đối với người nghèo và ngôi nhà chung bị lạm dụng quá nhiều của chúng ta. Nhờ cách này, chúng ta sẽ góp phần tạo nên nền văn hóa từ bi, huynh đệ và gặp gỡ, cả ở đây lẫn ở những nơi khác trên thế giới (x. Ibid.). Tôi chắc chắn rằng hành trình này sẽ tiếp tục sinh hoa trái dư tràn.

Một lần nữa, tôi cảm ơn ngài Tăng thống vì cuộc gặp gỡ này. Tôi cầu xin rằng ngài được ban mọi phước lành thần thiêng cho sức khỏe và hạnh phúc của chính ngài, và cho trách nhiệm cao qúy của ngài trong việc hướng dẫn các tín đồ Phật giáo theo các phương cách hòa bình và hòa hợp.

——————

ĐTC thăm Bệnh viện Thánh Louis
Ngọc Yến – Vatican News

10 giờ 50’ sáng 21/11/2019, ĐTC đến thăm Bệnh việnThánh Louis. Trong bài diễn văn ĐTC nói: “Các nữ tu khi phục vụ bệnh nhân đó chính là khuôn mặt người mẹ của Thiên Chúa. Khi phục vụ hãy mở ra cho những điều bất ngờ, trở thành dấu chỉ của một Giáo hội đi ra”

Bệnh viện Thánh Louis

Bệnh viện Thánh Louis, còn được gọi là Bệnh viện Nhi đồng Thánh Louis, là một bệnh viện tư phi lợi nhuận, được Đức TGM Louis Vey, Đại diện Tông Tòa Siam thành lập vào năm 1898 và giao cho các nữ tu Dòng Thánh Phaolô thành Chartres coi sóc. Các nữ tu phục vụ tại đây dựa trên phương châm “Đâu có lòng thương xót, ở đó có Thiên Chúa”. Hiện nay, Bệnh viện có các chuyên gia y tế, y tá và nhà nghiên cứu chuyên môn cao, những người sử dụng các thiết bị y tế tinh vi, cung cấp hỗ trợ cho bệnh nhân nội trú và ngoại trú.

Chào đón ĐTC tại lối vào của Bệnh viện có Đức TGM Bangkok, Giám đốc bệnh viện. Một nữ tu Dòng Thánh Phaolô thành Chartres tặng hoa cho ĐTC. Sau đó, mọi người đến hội trường của bệnh viện. Tại đây có khoảng 700 người bao gồm bác sĩ, y tá và nhân viên bệnh viện và các trung tâm phúc lợi khác của Giáo hội đang chờ đợi ĐTC.

Sau lời chào mừng của Giám đốc bệnh viện, ĐTC có bài huấn dụ dành cho các nhân viên Bệnh viện.

Trước hết, ĐTC ca ngợi việc phục vụ của các nhân viên, đối với ĐTC đó là một phúc lành nâng đỡ, phục vụ quý giá mà Giáo hội cung cấp cho người dân Thái Lan, đặc biệt là những người có nhu cầu.

Khuôn mặt người mẹ của Thiên Chúa

Tiếp đến, ĐTC chào các nữ tu đang phục vụ tại Bệnh viện: “Tôi xin chào với lòng trìu mến các nữ tu Dòng Thánh Phaolô thành Chartres, cũng như các nữ tu của các Hội dòng khác đang hiện diện nơi đây, và tôi xin cám ơn chị em vì sự cống hiến thầm lặng và vui tươi cho hoạt động tông đồ này. Chị em giúp chúng tôi chiêm ngưỡng khuôn mặt người mẹ của Chúa cúi xuống xức dầu và nuôi dạy con cái của mình: xin cám ơn chị em”.

Môn đệ truyền giáo

“Tôi rất vui khi nghe Giám đốc nói về nguyên tắc hoạt động của Bệnh viện “Ubi caritas, Deus ibi est”, “Đâu có tình yêu thương, ở đó có Chúa”. Thực vậy, trong khi thực thi bác ái, chúng ta không chỉ chứng tỏ mình là những môn đệ truyền giáo mà còn tỏ cho thấy sự trung thành đối với Hội dòng. Chúa nói: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.’ (Mt 25,40). Các môn đệ truyền giáo làm việc trong lãnh vực y tế mở ra cho một tình huynh đệ mầu nhiệm, một tình huynh đệ chiêm niệm. Nó là một tình huynh đệ có khả năng nhìn thấy sự cao cả thánh thiêng của người khác, nhìn thấy Thiên Chúa nơi mọi người, mở lòng ra cho tình thương của Thiên Chúa và tìm kiếm hạnh phúc của tha nhân theo gương Cha chúng ta ở trên trời”. (Evangelii gaudium, 92).

Mở ra cho những điều bất ngờ

“Từ cái nhìn này, anh chị em hoàn thành một trong những công trình lớn nhất của lòng thương xót. Dấn thân này không chỉ thể hiện trong việc thực hiện một số hành động hoặc chương trình nhất định, nhưng anh chị em phải đi xa hơn, mở ra cho những điều bất ngờ”.

Quan tâm đến đời sống của nhân viên

ĐTC khuyến khích việc quan tâm đến đời sống của nhân viên: “Tôi biết đôi khi công việc phục vụ của anh chị em có thể nặng nề và mệt mỏi. Vì thế anh chị em cần được nâng đỡ trong công việc. Tầm quan trọng của việc phát triển một mục vụ sức khỏe trong đó không chỉ bệnh nhân mà tất cả các thành viên của cộng đoàn này có thể cảm thấy được đồng hành và nâng đỡ trong sứ vụ của họ”.

Hoạt động tông đồ của bệnh viện: Dấu chỉ một Giáo hội đi ra

Nhắc đến sự kiện Bệnh viện Thánh Louis kỷ niệm 120 năm thành lập. ĐTC nói: “Trong đau khổ, biết bao người đã được an ủi! Để tạ ơn Chúa vì sự hiện diện của anh chị trong thời gian qua, tôi xin anh chị em hãy làm cho hoạt động tông đồ ngày càng trở thành một dấu chỉ và biểu hiệu của một Giáo hội đi ra, muốn sống sứ mạng của mình, tìm được can đảm để mang tình yêu chữa lành của Chúa Kitô cho những người đau khổ”.

Cầu nguyện trong đau khổ

“Chúng ta biết rằng bệnh tật luôn mang theo những câu hỏi lớn. Phản ứng đầu tiên của chúng ta có thể là nổi loạn, hoang mang và sầu muộn. Đó là tiếng kêu đau đớn. Không sao cả, chính Chúa Giêsu đã chịu như vậy, và Ngài biến nó thành lời cầu nguyện. Với lời cầu nguyện, chúng ta hiệp thông với tiếng kêu của Chúa Giêsu. Kết hợp với Chúa trong cuộc khổ nạn, chúng ta khám phá ra sức mạnh của sự mòng dòn và những vết thương của chúng ta”.

Sau bài phát biểu, ĐTC tặng quà cho Bệnh viện. Tiếp đến, ĐTC đi thăm khoảng 40 bệnh nhân và khuyết tật của Bệnh viện Thánh Louis và các trung tâm y tế khác.

—————–

ĐTC cử hành Thánh lễ đầu tiên tại Thái Lan
Hồng Thuỷ – Vatican News

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nhắc rằng rao giảng Tin Mừng là đi tìm kiếm những thành viên của gia đình Thiên Chúa mà chúng ta chưa biết, là mở các cánh cửa để sống và chia sẻ vòng tay ôm thương xót và chữa lành của Chúa Cha, Đấng làm cho chúng ta trở thành một gia đình.

Chiều thứ Năm 21/11, sau cuộc gặp gỡ riêng với Quốc vương Rama X của Thái Lan, Đức Thánh Cha Phanxicô đã di chuyển bằng xe hơi đến Sân vận động Quốc gia Supachalasai ở quận Pathum Wan của thủ đô Bangkok, cách hoàng cung 4 cây số, để cử hành Thánh lễ.

Trước Thánh lễ

Sân vận động này có sức chứa gần 20 ngàn người, nhưng đã có đến 40 ngàn tín hữu hiện diện trong Thánh lễ. Bên cạnh đó, khoảng 20 ngàn tín hữu phải tham dự Thánh lễ tại sân vận động bên cạnh

Đông đảo tín hữu đứng hai bên đường gần sân vận động chào đón Đức Thánh Cha khi xe chở ngài đi ngang qua.

Đến sân vận động lúc khoảng 5:30 chiều, Đức Thánh Cha dùng xe mui trần đi vòng quanh sân vận động chào các tín hữu ở sân vận động bên canh, sau đó ngài tiến vào sân vận động chính giữa tiếng reo vui của đoàn con cái.

Lúc 6 giờ chiều, Đức Thánh Cha bắt đầu cử hành Thánh lễ kính nhớ Đức Mẹ Maria dâng mình vào đền thờ.

Phái đoàn Việt Nam

Đồng tế với Đức Thánh Cha trong Thánh lễ có hai Hồng y và các Giám mục Thái và một số Hồng y và Giám mục thuộc Liên Hội đồng Giám mục Á châu, trong đó có 9 giám mục Việt Nam, các linh mục Thái Lan và các nước lân cận.

Trong số hàng chục ngàn tín hữu hiện diện tại sân vận động Supachalasai, cũng như khu vực xung quanh, có khoảng 10 ngàn tín hữu Việt Nam, gồm những người đang sinh sống tại Thái Lan và những người đi tự do hay theo tour du lịch từ Việt Nam sang tham dự Thánh lễ.

Có thể nói đây là một cơ hội tuyệt vời để các tín hữu Việt Nam được một lần thỏa lòng mong ước, được nhìn thấy và gần gũi với Đức Thánh Cha. Niềm vui này có lẽ cũng khơi dậy một mong ước thầm kín, một hy vọng rằng một ngày không xa, chúng ta có thể đón tiếp một Giáo hoàng ngay chính trên mảnh đất Việt Nam thân yêu.

Thánh lễ

Thánh lễ được cử hành bằng tiếng Anh, với các bài sách Thánh được công bố bằng tiếng Thái và kinh nguyện Thánh Thể được cử hành bằng tiếng Latinh. Bài đọc thứ nhất được trích từ sách ngôn sứ Dacaria: Hãy vui lên hỡi nữ tử Sion, vì này đây Ta đang đến. Đáp ca là lời kinh Magnificat Mẹ Maria ngợi khen Thiên Chúa: Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng trong Chúa, Đấng cứu độ tôi.

Đoạn Tin Mừng theo thánh Mátthêu thuật lại sự kiện Mẹ Maria và các anh em của Chúa Giêsu đến tìm Người. Chúa Giêsu đã đặt câu hỏi, “ai là mẹ tôi và ai là anh em tôi?”.

Bài giảng

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nhắc rằng rao giảng Tin Mừng là đi tìm kiếm những thành viên của gia đình Thiên Chúa mà chúng ta chưa biết, là mở các cánh cửa để sống và chia sẻ vòng tay ôm thương xót và chữa lành của Chúa Cha, Đấng làm cho chúng ta trở thành một gia đình.

Tin Mừng là một lời mời gọi và một quyền lợi được ban nhưng không

“Ai là mẹ tôi, ai là anh em tôi?”, một câu hỏi mà có lẽ câu trả lời quá hiển nhiên và chắc chắn đối với những người đang nghe Chúa Giêsu, tuy thế nó lại buộc họ phải suy nghĩ. Và câu trả lời của Chúa Giêsu khác với câu trả lời của họ: “Phàm ai làm theo ý Cha của tôi ở trên trời, người đó là anh chị em, và là mẹ tôi.” Đức Thánh Cha nhận định: “Bằng cách này, Chúa không chỉ đảo ngược những định lý tôn giáo và luật lệ vào thời đó, nhưng cả những tuyên bố thái quá của những người nghĩ rằng họ có thể đòi Chúa dành cho họ quyền ưu tiên. Tin Mừng là một lời mời gọi và một quyền lợi được ban nhưng không cho tất cả những ai muốn nghe.”

Những câu hỏi Tin Mừng giúp canh tân cuộc sống chúng ta

Đức Thánh Cha nói rằng trong Tin Mừng có nhiều câu hỏi và những câu hỏi đó “đòi chúng ta mở tấm lòng và tâm trí mình ra để gặp gỡ một điều mới mẻ, đẹp hơn chúng ta có thể tưởng tượng rất nhiều. Những câu hỏi của vị Tôn sư luôn luôn muốn canh tân cuộc sống của chúng ta và của các cộng đoàn chúng ta với niềm vui không thể so sánh được”.

Các nhà truyền giáo tiên khởi lên đường tìm những người mẹ người anh em trong gia đình Thiên Chúa

Đó là trường hợp của các nhà truyền giáo tiên khởi tại Thái Lan. Họ đã nghe Lời Chúa và đáp lại lời mời của Lời Chúa, họ nhận ra mình thuộc về một gia đình vượt trên các mối liên hệ máu mủ, văn hóa, chủng tộc, vùng miền. Với sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, Đức Thánh Cha nói, “họ lên đường tìm kiếm những người thuộc gia đình này nhưng họ chưa quen biết”. Và để có thể làm điều này, họ cần mở tâm lòng, vượt qua những chia rẽ để khám phá ra “nhiều người mẹ và các anh chị em Thái” vẫn còn vắng mặt tại các bàn tiệc ngày Chúa Nhật của họ. Kế hoạch của Thiên Chúa không chỉ giới hạn nơi một số ít được tuyển chọn hay một nền văn hóa cụ thể.

Tiếp đến, Đức Thánh Cha nhắc rằng kỷ niệm 350 năm thành lập hạt Đại diện Tông tòa Xiêm La (1669-2019) không phải là một sự hồi tưởng quá khứ nhưng là lửa hy vọng giúp chúng ta có thể đáp lời với cùng sự quyết tâm, sức mạnh và lòng tín thác của các nhà truyền giáo.

Không sợ đồng bàn với người tội lỗi

Chúng ta trở thành các môn đệ truyền giáo khi chúng ta chọn là thành phần sống động trong gia đình của Chúa bằng cách chia sẻ với người khác như Chúa đã làm: “Người đã ngồi cùng bàn với người tội lỗi để bảo đảm với họ rằng họ cũng có chỗ tại bàn tiệc của Chúa Cha và trong thế giới này; Người đụng chạm đến những người bị xem là nhơ bẩn và bằng cách để cho họ chạm đến mình, Người giúp họ nhận ra sự gần gũi của Thiên Chúa và hiểu rằng họ được chúc phúc”.

Đừng ngăn cản những người rốt cùng cảm nghiệm lòng thương xót của Chúa

Đức Thánh Cha nhắc đến các trẻ em trai gái và các phụ nữ, những người là nạn nhân của nạn mãi dâm và buôn người, bị sỉ nhục trong nhân phẩm đích thực nhất của họ; những người trẻ, nô lệ của nạn nghiện ngập ma túy và thiếu ý nghĩa; những người di dân, bị mất nhà cửa và gia đình, và rất nhiều người khác giống như họ, có thể cảm thấy bị lãng quên, bị bỏ rơi, đơn độc, “không có sức mạnh, ánh sáng và niềm an ủi từ tình bạn với Chúa Giêsu, không có cộng đoàn đức tin đón nhận họ, không có ý nghĩa và mục đích trong cuộc sống; những tội nhân bị bóc lột và những người hành khất bị phớt lờ. Ngài nhắc rằng họ thuộc về gia đinh của Thiên Chúa và mời gọi Giáo hội đừng lãng quên họ; hãy để cho họ được cảm nghiệm sự dịu dàng đầy lòng thương xót của tình yêu Thiên Chúa.

Tiếp tục theo gương các nhà truyền giáo đầu tiên

Cuối cùng Đức Thánh Cha mời gọi tín hữu Thái Lan hãy tiếp tục theo gương các nhà truyền giáo đầu tiên “để vui tươi gặp gỡ, khám phá và nhận ra gương mặt của những người mẹ người cha, các anh chị em, những người mà Chúa muốn trao tặng cho chúng ta và những người còn vắng mặt tại bàn tiệc Chúa Nhật của chúng ta.”

Đức Hồng y tổng giám mục Bangkok cám ơn Đức Thánh Cha

Cuối Thánh lễ, Đức Hồng y Francis Xavier Kriengsak Kovithavanij, tổng giám mục Bangkok, chủ tịch Hội đồng giám mục Thái Lan, đại diện Giáo hội Công giáo Thái Lan cám ơn Đức Thánh Cha. Đức Hồng y cảm tạ tình yêu thương xót của Chúa dành cho Giáo hội Thái Lan trong 350 năm đón nhận Tin Mừng. Giáo hội Thái cam kết trở thành các môn đệ truyền giáo, loan báo nền văn mình tình yêu của Chúa Kitô cho các anh chị em Thái trong xã hội nơi họ sinh sống.

Trước khi rời sân vận động, Đức Thánh Cha chào giám đốc và phó giám đốc sân vận động quốc gia. Sau đó Đức Thánh Cha lên xe về Tòa Sứ thần cách đó 5,5 cây số để dùng bữa tối và nghỉ đêm.

Bài giảng của Đức Thánh Cha trong thánh lễ tại sân vận động quốc gia Thái Lan
“Ai là mẹ tôi, ai là anh em tôi?” (Mt 12,48)
hdgmvietnam.com

Với câu hỏi này, Chúa Giêsu đã thách đố đám đông thính giả của ngài suy ngẫm về một điều rất rõ ràng và hiển nhiên: Ai thuộc về gia đình của chúng tôi, ai là người thân và người yêu thương của chúng tôi? Sau khi dành thời gian cho sự tự vấn, Chúa Giêsu trả lời, “Phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi.” (câu 50). Qua đó, Ngài không chỉ phá đổ những xác tín về tôn giáo và pháp lý thời đó, mà còn phá đổ mọi đòi hỏi không chính đáng của những người nghĩ họ ở trên Ngài. Tin Mừng là một lời mời gọi và cũng là một quyền được ban tự do cho tất cả những ai muốn nghe.

Thật đáng ngạc nhiên khi thấy Tin Mừng có đầy những câu hỏi làm xáo trộn và khuấy động con tim của các tông đồ, mời họ lên đường để khám phá sự thật có khả năng ban phát và kiến tạo sự sống. Những câu hỏi thách đố chúng ta mở rộng trái tim và khối óc để gặp gỡ một điều mới mẻ, đẹp hơn nhiều so với những gì chúng ta có thể tưởng tượng. Những câu hỏi của Thầy Chí Thánh Giêsu luôn nhằm đổi mới cuộc sống của chúng ta và của những người xung quanh chúng ta với niềm vui không gì sánh được (Evangelii Gaudium, 11).

Đó là trường hợp của những nhà thừa sai lần đầu tiên đặt chân lên những vùng đất này. Bằng cách lắng nghe Lời Chúa và đáp lại những đòi hỏi của Lời Chúa, họ nhận ra rằng họ thuộc về một gia đình lớn hơn bất kỳ gia đình nào dựa trên dòng máu, văn hóa, địa giới hoặc sắc tộc. Được sức mạnh của Thần Khí thúc đẩy, và với những chiếc túi chứa đầy niềm hy vọng do những tin tốt lành của Tin Mừng mang đến, họ lên đường tìm kiếm những thành viên trong gia đình mà họ chưa biết. Họ lên đường tìm kiếm những khuôn mặt của những người ấy. Trái tim họ phải được mở ra cho một lối suy nghĩ mới có khả năng vượt qua “các tính từ” vốn gây nên chia rẽ; điều này thúc đẩy họ khám phá ra “nhiều bà mẹ và nhiều anh chị em” vẫn còn vắng mặt trong bàn tiệc ngày Chúa Nhật của họ. Không chỉ để chia sẻ với họ mọi thứ mà bản thân họ có thể cung cấp, mà còn để nhận được những gì họ cần để lớn lên trong đức tin và sự hiểu biết về Kinh thánh (x. Dei Verbum, 8).

Nếu không có cuộc gặp gỡ trên đây, Kitô giáo sẽ thiếu khuôn mặt của các bạn. Nó sẽ thiếu những bài hát và điệu nhảy miêu tả nụ cười của người Thái, là điều rất đặc trưng cho vùng đất của các bạn. Các nhà thừa sai đã hiểu đầy đủ hơn về kế hoạch yêu thương của Chúa Cha, một kế hoạch không chỉ giới hạn trong một vài điều được chọn hoặc một vài nền văn hóa cụ thể, nhưng nó lớn hơn tất cả các tính toán và dự đoán của con người chúng ta. Một nhà thừa sai không phải là một lính đánh thuê của đức tin hay một nhà chiêu dụ cải đạo, mà là một vị khất sĩ khiêm nhường cảm thấy sự vắng mặt của những anh chị em và người mẹ để chia sẻ với họ món quà hòa giải mà Chúa Giêsu ban cho tất cả. “Này, bữa tiệc tôi đã chuẩn bị sẵn rồi; vậy hãy đi ra các ngả đường và tất cả những ai các ngươi gặp, hãy mời họ vào dự tiệc cưới” (xem Mt 22, 4-9). Đối với chúng ta, lời mời này là nguồn vui, lòng biết ơn và hạnh phúc to lớn, vì nó làm cho chúng ta “được Thiên Chúa đưa vượt qua chính mình để đạt tới sự thật đầy đủ nhất về hiện hữu của mình. Ở đó, chúng ta tìm thấy nguồn mạch và cảm hứng cho mọi nỗ lực loan báo tin mừng của chúng ta.” (Evangelii Gaudium, 8).

Năm nay là năm kỷ niệm 350 năm thành lập Đại Diện Tông Tòa Xiêm (1669-2019), một dấu hiệu của vòng tay huynh đệ được đưa ra trên những vùng đất này. Chỉ với hai nhà thừa sai đến gieo hạt giống từ thời xa xưa, mà hạt giống ấy đã nảy mầm và lớn lên mạnh mẽ với một loạt các sáng kiến tông đồ, đóng góp tốt đẹp cho cuộc sống của đất nước chúng ta. Kỷ niệm này không phải là một kỷ niệm của nỗi nhớ về quá khứ, mà là một ngọn lửa hy vọng cho phép chúng ta, ở đây và bây giờ, hành động với quyết tâm, sức mạnh và sự tự tin như các vị thừa sai. Một kỷ niệm mang tính lễ hội và biết ơn giúp chúng ta vui vẻ ra đi để chia sẻ cuộc sống mới được sinh ra từ Tin Mừng cùng với tất cả các thành viên trong đại gia đình mà chúng ta chưa biết.

Tất cả chúng ta trở thành những nhà thừa sai khi chúng ta chọn trở thành một phần sống động trong đại gia đình của Thiên Chúa. Chúng ta làm điều này bằng cách chia sẻ với những người khác như Chúa Giêsu đã làm. Ngài ăn uống với những kẻ tội lỗi, bảo đảm với họ rằng họ cũng có một vị trí trong bàn tiệc của Chúa Cha và bàn tiệc của thế giới này; Ngài chạm vào những người bị coi là ô uế và khi để cho họ chạm vào mình, Ngài giúp họ nhận ra rằng Thiên Chúa gần gũi với họ và hiểu rằng họ được Thiên Chúa chúc phúc (x. Ecclesia in Asia, 11).

Ở điểm này, tôi nghĩ đến những trẻ em và phụ nữ là nạn nhân của mại dâm và buôn người, bị sỉ nhục trong nhân phẩm chân thực nhất của họ. Tôi nghĩ về những người trẻ bị nô lệ bởi nghiện ma túy và thiếu ý nghĩa cuộc đời, khiến họ chán nản và phá hủy giấc mơ của họ. Tôi nghĩ về những người di cư, bị mất nhà cửa và gia đình, và rất nhiều người khác, những người như họ có thể cảm thấy mồ côi, bị bỏ rơi, “không có sức mạnh, ánh sáng và niềm an ủi được sinh ra từ tình bạn với Chúa Giêsu Kitô, không có một cộng đồng đức tin để nâng đỡ họ, không có ý nghĩa và một mục tiêu trong cuộc sống” (Evangelii Gaudium, 49). Tôi cũng nghĩ về những tội nhân bị bóc lột và những người ăn xin trên đường.

Tất cả họ đều là một phần của gia đình chúng ta. Họ là mẹ của chúng ta, là anh chị em của chúng ta. Chúng ta đừng làm cho các cộng đoàn của chúng ta không nhìn ra khuôn mặt của họ, vết thương của họ, nụ cười và cuộc sống của họ. Chúng ta đừng ngăn cản họ trải nghiệm dầu thương xót của tình yêu Thiên Chúa – dầu  chữa lành vết thương và nỗi đau của họ. Một môn đệ thừa sai biết rằng loan báo tin mừng không phải là để có thêm thành viên hay để thêm quyền lực bên ngoài. Nhưng là mở các cánh cửa để trải nghiệm và chia sẻ vòng tay thương xót và chữa lành của Thiên Chúa là Cha, và điều đó cũng làm cho chúng ta nên một gia đình.

Các cộng đoàn Thái Lan thân mến, chúng ta hãy tiếp tục đi theo bước chân của những nhà thừa sai đầu tiên, để gặp gỡ, khám phá và nhận ra niềm vui trên khuôn mặt của tất cả những người mẹ và những người cha ấy, những người anh chị em ấy, là những người mà Chúa muốn ban cho chúng ta và họ đang còn vắng mặt trong bàn tiệc ngày Chúa Nhật của chúng ta.

BBT tổng hợp

Trả lời