Toàn văn Sứ điệp Ngày Thế Giới Cầu Nguyện Cho Ơn Gọi lần thứ 56 của Đức Thánh Cha Phanxicô

1475 lượt xem

Hôm 8 tháng Ba, Phòng Báo Chí Tòa Thánh đã công bố Sứ điệp Ngày Thế Giới Cầu Nguyện Cho Ơn Gọi lần thứ 56 sẽ được cử hành vào Chúa Nhật thứ Tư Phục Sinh, 12 tháng Năm tới đây. Ngày Thế Giới Cầu Nguyện Cho Ơn Gọi đã được thiết định bởi Thánh Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục khi Công Đồng Vatican II đang diễn ra và được cử hành lần đầu tiên vào năm 1963. Năm nay là lần thứ 56. Chủ đề của Ngày Thế Giới Cầu Nguyện Cho Ơn Gọi năm nay là “Can đảm dám liều lĩnh vì lời hứa của Thiên Chúa”. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt ngữ.

Anh chị em thân mến,

Sau kinh nghiệm sống động và sinh nhiều hoa trái của Thượng Hội Đồng Giám Mục về Thanh Niên vào tháng 10 năm ngoái, gần đây chúng ta đã cử hành Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ Ba Mươi Bốn tại Thành phố Panama. Hai sự kiện lớn này cho phép Giáo Hội chú ý đến tiếng nói của Chúa Thánh Thần và cuộc sống của những người nam nữ trẻ, những thắc mắc và những mối quan tâm của họ, những vấn đề và hy vọng của họ.

Dựa trên những gì tôi đã chia sẻ với những người trẻ ở Panama, tôi muốn suy tư trong Ngày Thế Giới Cầu Nguyện Cho Ơn Gọi này về cách thế mà lời mời gọi của Chúa khiến chúng ta trở thành những người mang một lời hứa, và đồng thời, yêu cầu chúng ta can đảm để mạo hiểm với Ngài và cho Ngài. Tôi sẽ thực hiện điều này bằng cách suy tư ngắn gọn với anh chị em về hai khía cạnh này – đó là lời hứa và rủi ro – như đã xuất hiện trong trình thuật Tin Mừng khi Chúa gọi các môn đệ đầu tiên đi theo Ngài bên bờ biển Galilê (Mc 1: 16-20).

Hai cặp anh em – Simon và Andrê, Giacôbê và Gioan – đang thực hiện các nhiệm vụ hàng ngày của họ như các ngư dân. Trong công việc với những đòi hỏi khắt khe này, họ đã học được các quy luật tự nhiên, nhưng đôi khi trước những cuồng phong bất lợi và những con sóng đập mạnh vào thuyền của họ, họ phải bất chấp các quy luật này. Có ngày, việc đánh bắt thật đáng với công lao họ bỏ ra, nhưng cũng có những ngày, toàn bộ công việc vất vả ban đêm chẳng đáng vào đâu, và họ phải quay trở lại bờ, mệt mỏi và thất vọng.

Cuộc đời thường là như thế. Mỗi chúng ta cố gắng thực hiện những mong muốn sâu sắc nhất của mình; chúng ta tham gia vào các hoạt động mà chúng ta hy vọng sẽ có kết quả phong phú, và chúng ta ra khơi tiến vào một vùng “biển” những triển vọng với hy vọng rằng sẽ chèo chống đúng hướng, một hướng đi sẽ thỏa mãn cơn khát hạnh phúc của chúng ta. Đôi khi chúng ta tận hưởng một thu hoạch phong phú, nhưng có khi chúng ta cần can đảm để giữ cho chiếc thuyền của mình không bị lật tung vì sóng đánh, và cũng có lúc chúng ta thất vọng khi kéo lên một chiếc lưới trống không.

Như mọi lời mời gọi khác, Tin Mừng cũng đề cập đến một cuộc gặp gỡ. Chúa Giêsu đi ngang qua, nhìn thấy những ngư dân đó và đi đến chỗ họ… Điều tương tự xảy ra khi chúng ta gặp người mà chúng ta muốn kết hôn, hoặc khi chúng ta lần đầu tiên cảm thấy sự hấp dẫn của cuộc sống thánh hiến: chúng ta ngạc nhiên bởi một cuộc gặp gỡ, và tại thời điểm đó, chúng ta thoáng thấy lời hứa về một niềm vui có khả năng mang lại sự viên mãn cho cuộc sống của chúng ta. Ngày hôm đó, bên bờ biển Galilê, Chúa Giêsu đã đến gần những ngư dân này, phá vỡ “sự tê liệt của thói quen”[1]. Và Ngài ngay lập tức đưa ra cho họ một lời hứa: “tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá” (Mc 1, 17).

Lời mời gọi của Chúa không phải là một sự xen vào tự do của chúng ta; nó không phải là một “chiếc lồng” hay một gánh nặng trên chúng ta. Trái lại, đó là một sáng kiến yêu thương, qua đó, Thiên Chúa gặp gỡ chúng ta và mời gọi chúng ta trở thành một phần của một công trình vĩ đại. Ngài mở ra trước mắt chúng ta chân trời của một vùng biển rộng lớn hơn và một mẻ cá dồi dào.

Thật vậy, Thiên Chúa mong muốn rằng cuộc sống của chúng ta không trở nên tầm thường và có thể dự đoán được, không bị giam hãm bởi thói quen hàng ngày hay thụ động trước những quyết định có thể mang lại ý nghĩa. Chúa không muốn chúng ta sống ngày này sang ngày khác, nghĩ rằng không có gì đáng để chiến đấu; và dần dần đánh mất ước muốn cất bước trên những con đường mới và đầy hào hứng. Nếu đôi khi Ngài khiến chúng ta trải nghiệm một mẻ lưới kỳ diệu, thì đó là vì Ngài muốn chúng ta khám phá ra rằng mỗi người chúng ta được mời gọi – theo nhiều cách khác nhau – đến với một điều gì đó cao cả, và cuộc sống của chúng ta không nên sa vào mạng lưới của một sự buồn chán làm chai mòn con tim. Mỗi ơn gọi là một lời hiệu triệu đừng đứng trên bờ, ôm lưới trong tay, nhưng hãy đi theo Chúa Giêsu trên con đường mà Người đã vạch ra cho chúng ta, vì hạnh phúc của chúng ta và vì lợi ích của những người xung quanh chúng ta.

Chấp nhận lời hứa này đương nhiên đòi hỏi lòng can đảm dám mạo hiểm đưa ra một quyết định. Các môn đệ đầu tiên, được Chúa Giêsu mời gọi trở thành một phần của một điều gì đó lớn lao hơn, “ngay lập tức bỏ lưới của họ và đi theo Ngài” (Mc 1, 18). Đáp lại lời kêu gọi của Chúa liên quan đến việc liều mình và đối mặt với một thách đố lớn. Điều đó có nghĩa là sẵn sàng bỏ lại đằng sau bất cứ điều gì níu kéo chúng ta dính chặt với con thuyền nhỏ của mình, và ngăn cản chúng ta đưa ra một lựa chọn dứt khoát. Chúng ta được kêu gọi phải táo bạo và quyết đoán khi tìm kiếm kế hoạch của Chúa cho cuộc sống của chúng ta. Nhìn ra “đại dương” bao la của ơn gọi, chúng ta không thể cứ mãi hài lòng với việc vá lưới trên thuyền, là điều khiến ta an tâm, nhưng thay vào đó phải tin tưởng vào lời hứa của Thiên Chúa.

Tôi nghĩ chủ yếu đến lời mời gọi sống đời Kitô hữu mà tất cả chúng ta đã nhận lãnh trong Bí tích Rửa tội. Lời mời ấy dạy chúng ta rằng cuộc sống của chúng ta không phải là một tình cờ may mắn nhưng là một ân sủng: đó là được làm những đứa con yêu dấu của Chúa, được tập hợp trong đại gia đình của Giáo Hội. Chính trong cộng đồng giáo hội, đời sống Kitô hữu được sinh ra và phát triển, đặc biệt là qua phụng vụ. Phụng vụ giới thiệu Lời Chúa với chúng ta cùng với ân sủng của các bí tích. Từ thuở còn thơ, chúng ta được dạy nghệ thuật cầu nguyện và chia sẻ tình huynh đệ. Cuối cùng, Giáo Hội là mẹ của chúng ta vì Mẹ đưa chúng ta đến với cuộc sống mới và dẫn chúng ta đến với Chúa Kitô. Vì vậy, chúng ta phải yêu mến Hội Thánh, ngay cả khi chúng ta nhìn thấy khuôn mặt của Giáo Hội bị tàn phá bởi sự yếu đuối và tội lỗi của con người, và chúng ta phải giúp Giáo Hội trở nên xinh đẹp và rạng rỡ hơn, để Hội Thánh có thể làm chứng cho tình yêu của Chúa trong thế giới này.

Vì thế, đời sống Kitô hữu tìm thấy sự thể hiện trong những quyết định vừa đưa ra một hướng đi chính xác cho hành trình cá nhân của chúng ta, vừa góp phần vào sự phát triển của Nước Chúa trong thế giới này. Tôi nghĩ đến quyết định kết hôn trong Chúa Kitô và thành lập một gia đình, cũng như tất cả những ơn gọi khác liên quan đến công việc và đời sống nghề nghiệp, đi kèm với những dấn thân cho bác ái và tình liên đới, với trách nhiệm xã hội và chính trị, v.v. Những ơn gọi này khiến chúng ta trở thành những người mang theo một lời hứa về lòng nhân lành, tình yêu và công lý, không chỉ cho bản thân chúng ta mà còn cho các xã hội và các nền văn hóa của chúng ta. Những ơn gọi ấy đòi hỏi phải có các Kitô hữu can đảm và các nhân chứng đích thực của Nước Chúa.

Trong cuộc gặp gỡ với Chúa, một số người có thể cảm thấy sự thu hút của ơn gọi sống đời sống thánh hiến hoặc đến với chức linh mục. Đó là một khám phá có thể kích thích chúng ta, và đồng thời có thể làm chúng ta sợ hãi, vì chúng ta cảm thấy được kêu gọi trở thành “những người chài lưới người” trong con thuyền của Giáo Hội bằng cách trao ban hoàn toàn chính mình trong dấn thân phục vụ Tin Mừng và anh chị em của chúng ta. Một quyết định như thế đi kèm với sự mạo hiểm bỏ lại mọi thứ phía sau để theo Chúa, cống hiến hết mình cho Ngài và chia sẻ công việc với Ngài. Nhiều loại kháng cự nội tâm có thể cản trở việc đưa ra quyết định này, đặc biệt là trong các bối cảnh bị thế tục hóa cao độ, ở những nơi dường như không còn có chỗ dành cho Thiên Chúa và Tin Mừng. Đó là những nơi dễ phát triển sự chán nản, và dễ rơi vào tình trạng “mệt mỏi hy vọng”[2].

Nhưng mà, không có niềm vui nào lớn hơn là mạo hiểm mạng sống cho Chúa! Tôi muốn nói điều này đặc biệt với các bạn, những người trẻ. Đừng điếc lác trước tiếng gọi của Chúa. Nếu Người gọi anh chị em đi theo con đường này, đừng rút mái chèo của anh chị em lên thuyền nhưng hãy tin vào Ngài. Đừng khuất phục trước nỗi sợ hãi, là điều làm tê liệt chúng ta trước những đỉnh cao vĩ đại mà Chúa đang chỉ ra cho chúng ta. Hãy luôn nhớ rằng với những người bỏ lại lưới và thuyền của họ phía sau, và theo Ngài, Chúa hứa ban niềm vui về một cuộc sống mới có thể lấp đầy trái tim của chúng ta và làm sinh động cuộc hành trình của chúng ta.

Các bạn thân mến,

Không phải lúc nào cũng dễ dàng nhận ra ơn gọi của chúng ta và điều khiển cuộc sống của chúng ta đi đúng hướng. Vì lý do này, cần phải có một cam kết đổi mới về phía toàn thể Giáo Hội – các linh mục, tu sĩ, nhân viên mục vụ và các nhà giáo dục – để cung cấp đặc biệt cho những người trẻ cơ hội lắng nghe và phân định. Cần có một chương trình mục vụ giới trẻ và một sự cổ vũ ơn gọi có thể mở ra con đường khám phá kế hoạch của Thiên Chúa, trên hết là qua cầu nguyện, chiêm niệm Lời Chúa, chầu Thánh Thể và sự đồng hành về tâm linh.

Như đã được làm rõ nhiều lần trong Ngày Giới trẻ Thế giới ở Panama, chúng ta nên luôn luôn chạy đến cùng Đức Maria. Trong câu chuyện của người thiếu nữ trẻ này, chúng ta cũng thấy ơn gọi vừa là một lời hứa, vừa là một sự mạo hiểm. Sứ mạng của Mẹ không hề dễ dàng, nhưng Mẹ đã không để cho nỗi sợ thắng thế. Tiếng ‘xin vâng’ của Mẹ là lời đáp trả của người sẵn sàng dấn thân, sẵn sàng chấp nhận rủi ro, sẵn sàng liều mất mọi thứ Mẹ có, mà không có một bảo đảm nào khác hơn là sự xác tín rằng Mẹ là là người mang một lời hứa. Tôi hỏi mỗi người trong các bạn: Bạn có thấy mình là người mang một lời hứa không? Đâu là lời hứa tôi mang trong lòng để tiến bước? Sứ mạng của Mẹ chắc chắn sẽ là một nhiệm vụ khó khăn, nhưng không có lý do gì để nói ‘không’ trước những thách thức đặt ra trước mắt. Tất nhiên mọi thứ sẽ trở nên phức tạp, nhưng không giống như khi sự hèn nhát làm chúng ta tê liệt vì mọi thứ chưa rõ ràng hoặc chưa chắc chắn[3].

Trong Ngày Thế Giới Cầu Nguyện Cho Ơn Gọi này, chúng ta hãy hiệp trong lời cầu nguyện và cầu xin Chúa giúp chúng ta khám phá kế hoạch tình yêu của Người cho cuộc sống của chúng ta, và cho chúng ta can đảm bước đi trên con đường mà ngay từ đầu Người đã chọn cho mỗi chúng ta.

Từ Vatican, ngày 31 tháng Giêng năm 2019
Lễ kính thánh Gioan Bosco
+Đức Thánh Cha Phanxicô

Công bố ngày 8 tháng Ba, 2019

[1] Bài giảng Ngày Đời Sống Thánh Hiến, 2 tháng Hai năm 2018 (http://w2.vatican.va/content/francesco/en/homilies/2018/documents/papa-francesco_20180202_omelia-vita-consacrata.html; xem bản dịch Việt Ngữ: http://vntaiwan.catholic.org.tw/18news/18news0202.htm).
[2] Bài giảng trong thánh lễ với các linh mục, những người sống đời thánh hiến và các phong trào giáo dân tại Panama, ngày 26 tháng 1 năm 2019 (https://vietcatholic.org/News/Html/248627.htm).
[3] Bài giảng trong đêm Canh Thức tại Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới Panama, ngày 26 tháng 1 năm 2019 (https://vietcatholic.org/News/html/248632.htm).

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận