TGM-GPHT: Thông báo chương trình cử hành Tiền thượng Hội đồng Giám mục thế giới XVI tại Giáo phận Hà Tĩnh

1908 lượt xem

[embeddoc url=”https://giaophanhatinh.net/wp-content/uploads/2021/11/THU.pdf” download=”all” viewer=”google”]

 Số 40/2021/T-TGM

Văn Hạnh, ngày 20 tháng 11 năm 2021

 CHƯƠNG TRÌNH
CỬ HÀNH TIỀN THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC THẾ GIỚI XVI
TẠI GIÁO PHẬN HÀ TĨNH

 Kính gửi quý Cha và toàn thể Anh Chị em,

 Với tư cách là Đấng Kế Vị Thánh Phêrô, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã quyết định triệu tập Thượng Hội đồng Giám mục thế giới lần thứ XVI với chủ đề: Hướng đến một Hội Thánh hiệp hành: hiệp thông, tham gia, sứ vụ”. Sự mới mẻ của Thượng Hội đồng lần này là không khởi đi từ trên xuống, mà từ dưới lên với viễn cảnh về một “Hội Thánh hiệp hành” là toàn thể Dân Chúa cùng nhau tiến bước, lắng nghe Chúa Thánh Thần và Lời Chúa, hiệp thông với nhau và tham gia vào sứ mạng của Hội Thánh. Con đường đồng hành này là cách hiệu quả nhất để biểu lộ và thực hành bản chất của Hội Thánh với tư cách là Dân Chúa lữ hành và truyền giáo. Vì thế, Thượng Hội đồng mời gọi mọi thành phần Dân Chúa đều tham gia để lắng nghe nhau và qua đó để lắng nghe Chúa Thánh Thần nói với Hội thánh qua việc gặp gỡ, lắng nghe và phân định từ cấp Giáo phận, cấp Châu lục, đến cấp Hoàn vũ.

Tại Giáo phận Hà Tĩnh, tôi thân ái mời gọi hết mọi thành phần Dân Chúa sốt sắng cầu nguyện và tích cực tham gia Thượng hội đồng theo sứ vụ và khả năng riêng của mỗi người. Để làm được việc này, tôi gửi đến quý Cha, quý Chủng sinh, quý Tu sĩ, quý Ban ngành và toàn thể Anh chị em những thông báo và chỉ dẫn quan trọng sau:

I. Tiến trình Thượng Hội đồng lần thứ XVI

Thượng Hội đồng được cử hành từ tháng 10/2021 đến tháng 10/2023 qua ba giai đoạn:

  1. Giai đoạn I: Cấp Hội Thánh địa phương từ ngày 17/10/2021 đến ngày 15/8/2022. Đây là giai đoạn các giáo phận thỉnh ý mọi thành phần Dân Chúa trong giáo phận.
  2. Giai đoạn II: Cấp châu lục từ tháng 9/2022 đến tháng 9/2023: Đây là giai đoạn các châu lục thảo luận dựa trên tài liệu làm việc và thực trạng của mỗi châu lục.
  3. Giai đoạn III: Cấp hoàn vũ từ tháng 10/2022 đến tháng 10/2023. Thượng Hội đồng Giám mục XVI được tổ chức như thường lệ tại Rôma vào tháng 10/2023.

II. Chương trình cử hành của Giáo phận Hà Tĩnh từ 28/11/2021 ĐẾN 15/8/2022

  1. Khai mạc

– Thời gian và địa điểm: Thánh lễ khai mạc tại nhà thờ Chính Toà và tại các giáo xứ vào Chúa Nhật I Mùa Vọng, ngày 28/11/2021.

– Tại nhà thờ Chính Toà: Thành phần tham dự gồm Đức Cha, quý Cha TGM., Cha Quản hạt và Giáo xứ Chính Toà, Tiền Chủng viện và Đại diện các Hội dòng lân cận.

– Tại các giáo xứ và các cộng đoàn dòng tu: mời gọi mọi thành phần Dân Chúa trong giáo xứ và các cộng đoàn dòng tu tham dự đầy đủ (tuỳ tình hình dịch Covid 19 để tổ chức).

  1. Giáo phận Hà Tĩnh tổ chức, học hỏi và tham gia

– Thiết lập Ban Linh hoạt Giáo phận.

– Giáo phận tổ chức học hỏi chủ đề “Hiệp hành” qua tĩnh tâm, hội thảo, chia sẻ, cử hành phụng vụ và truyền thông…

– Giáo phận tổ chức các buổi thỉnh ý từ cấp giáo xứ, giáo hạt và giáo phận.

– Đức Giám mục đã thiết lập và bổ nhiệm Ban linh hoạt Giáo phận gồm những thành viên sau:

Cha Gioan Baotixita Nguyễn Khắc Bá, Tổng Đại diện Giáo phận.

Cha Phêrô Hoàng Biên Cương, Quản hạt Chính tòa Văn Hạnh.

Cha Phêrô Nguyễn Văn Hương, PGĐ. Đại chủng viện thánh Phanxicô Xaviê.

Cha Phêrô Nguyễn Đoài, Đại diện tư pháp Giáo phận.

– Trưng bày logo và chủ đề của Thượng Hội đồng trong và trước các nhà thờ.

– Đúc kết và gửi văn bản cho Thượng Hội đồng.

– Thiết lập Ban Hiệp hành Giáo phận.

  1. Tổ chức việc thỉnh ý cấp giáo xứ và các cộng đoàn dòng tu

Dưới sự hướng dẫn của Đức Giám mục và Ban Linh hoạt giáo phận, Cha xứ và Bề trên cộng đoàn dòng tu chủ động tổ chức việc học hỏi, gặp gỡ để thỉnh ý mọi thành phần trong giáo xứ và cộng đoàn mình theo những câu hỏi do Thượng Hội đồng gợi ý.

a. Thành phần tham dự: Đối với các giáo xứ, mọi thành phân Dân Chúa trong giáo xứ được mời gọi tham dự (từ hội đồng mục vụ đến các ban ngành, hội đoàn, từ giới già đến giới trẻ, thiếu nhi, và mời thêm người neo đơn, giới chức, người bị bỏ rơi, người bỏ đạo, cán bộ, lương dân…).

Đối với các dòng tu, mọi thành viên trong cộng đoàn được mời gọi tham gia, học hỏi và thỉnh ý.

b. Thời gian và địa điểm: việc thỉnh ý được tổ chức vào một hoặc hai Chúa Nhật trong Mùa Chay (từ Chúa Nhật I, II,III, IV, V) kết hợp với tuần đại phúc (tuỳ hoàn cảnh, mỗi giáo xứ có thể linh động cách tổ chức: theo tổ đọc kinh, theo từng giáo họ, hoặc theo từng giới…).

c. Hình thức tổ chức (gợi ý):

– Khai mạc: Hát và cầu nguyện.

– Cha xứ (hoặc linh hoạt viên) giải thích ý nghĩa, nội dung và mục đích của cuộc gặp gỡ.

– Nêu lên từng câu hỏi để chia sẻ. Sau khi đọc câu hỏi, cộng đoàn tham dự im lặng 3-5 phút để lắng nghe Chúa Thánh Thần nói gì, rồi mỗi người chia sẻ điều muốn nói.

– Kết thúc bằng việc cử hành Thánh lễ (hoặc lễ trước) hay nghi thức chúc lành.

d. Kết quả thỉnh ý: Cha xứ, Bề trên dòng tu chọn một người thư ký (có đủ khả năng) ghi lại và tổng hợp cách trung thực ý kiến tiêu cực và tích cực của các tham dự viên, sau đó tổng hợp bằng văn bản (dưới 10 trang A4) và gửi về cho Văn phòng TGM. trước ngày 21/4/2021.

4. Tổ chức việc thỉnh ý cấp giáo hạt

Dưới sự hướng dẫn của Đức Giám mục và Ban Linh hoạt Giáo phận, Cha quản hạt là người chịu trách nhiệm cùng quý Cha trong hạt tổ chức một buổi học hỏi, gặp gỡ để thỉnh ý Dân Chúa cấp hạt. Cha quản hạt có thể chọn một linh mục, một chủng sinh hoặc một người nữa để cộng tác.

a. Thành phần tham dự: Đại diện của mỗi giáo xứ gồm hội đồng mục vụ (3 người mới, 3 người cũ), đại diện các dòng tu trong giáo hạt (mỗi hội dòng 3 người), đại diện mỗi hội đoàn (3 người), đại diện giới chức (3 người), đại diện doanh nhân (3 người), đại diện giới trẻ (3 người), đại diện lương dân trong hạt (1-3 người).

b. Thời gian và địa điểm: Mỗi giáo hạt tổ chức thỉnh ý vào Chúa Nhật III Phục Sinh năm 2022 (hoặc Chúa Nhật IV Phục Sinh), tại mỗi sở hạt (tuỳ hoàn cảnh mỗi nơi để tổ chức). Sau khi đã lên lịch, cha Hạt báo cho Văn phòng TGM. biết để Đức Giám mục và thành viên Ban Linh hoạt giáo phận có thể tham dự.

c. Hình thức tổ chức (gợi ý):

– Khai mạc: Hát và cầu nguyện.

– Cha Hạt (hoặc điều phối viên) giải thích ý nghĩa, nội dung và mục đích của cuộc gặp gỡ.

– Nêu lên từng câu hỏi để chia sẻ. Sau khi đọc câu hỏi, cộng đoàn tham dự im lặng 3-5 phút để lắng nghe Chúa Thánh Thần nói gì, rồi mỗi người chia sẻ điều muốn nói.

– Kết thúc bằng cử hành Thánh lễ (hoặc lễ trước) hay nghi thức chúc lành.

d. Kết quả thỉnh ý: Cha quản hạt chọn một người thư ký (có đủ khả năng) ghi lại và tổng hợp trung thực ý kiến phát biểu của các tham dự viên, sau đó tổng hợp bằng văn bản (dưới 10 trang A4) và gửi về cho Văn phòng TGM. trước ngày 18/5/2022.

5. Tổ chức Công nghị Tiền Thượng Hội đồng Giáo phận

Giáo phận Hà Tĩnh sẽ tổ chức Công nghị Tiền Thượng Hội đồng để cùng nhau cầu nguyện, suy tư, lắng nghe và phân định về kinh nghiệm hiệp hành trong giáo phận.

a. Thành phần tham dự:

Các Cha Hạt, đại diện linh mục mỗi hạt (2 người), các Cha Trưởng Ban mục vụ Giáo phận (1 người), các Cha Trưởng ban các hội đoàn trong Giáo phận, đại diện dòng tu (mỗi dòng 3 người), đại diện chủng sinh (3 người) và tiền chủng sinh (1 người), đại diện hội đồng mục vụ giáo xứ (1 người), đại diện các hội đoàn cấp Giáo phận (1 người), đại diện giới trẻ giáo hạt (1 người), đại diện sinh viên giáo hạt (1 người), giới chức giáo hạt (1 người), giới doanh nhân giáo hạt (1 người), đại diện người khuyết tật (1-3 người), đại diện Phật giáo (2 người), đại diện lương dân (2-3 người). (Tổng khoảng 300 người tham dự).

b. Thời gian và địa điểm: Công nghị này được tổ chức từ 8 giờ 00 đến 16 giờ 30, ngày 05/6/2022, lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống tại nhà thờ Chính Toà Văn Hạnh.

c. Hình thức tổ chức (gợi ý):

– Khai mạc: Hát và cầu nguyện.

– Ban linh hoạt giáo phận giải thích ý nghĩa, nội dung và mục đích của cuộc gặp gỡ.

– Huấn từ của Đức Giám mục cho các tham dự viên.

– Đưa ra các câu hỏi để chia sẻ. Sau khi nêu câu hỏi lên, cộng đoàn tham dự im lặng 3-5 phút để lắng nghe Chúa Thánh Thần nói gì, rồi mỗi người chia sẻ điều gì được gợi hứng để chia sẻ.

– Kết thúc bằng việc cử hành Thánh lễ (hoặc Thánh lễ trước) hay nghi thức chúc lành.

d. Kết quả thỉnh ý: Ban Linh hoạt Giáo phận ghi lại và tổng hợp ý kiến phát biểu của các tham dự viên, sau đó tổng hợp ý kiến cấp xứ, cấp hạt và cấp giáo phận bằng văn bản (dưới 10 trang A4) để gửi cho HĐGM Việt Nam.

III. Những điều kiện cần có để tham gia và cử hành

  1. Sống tinh thần của Thượng Hội đồng trong Giáo phận

Mục đích của giai đoạn giáo phận là nhằm cống hiến cho nhiều người, càng nhiều càng tốt, một kinh nghiệm hiệp hành thực sự trong việc lắng nghe nhau và cùng tiến về phía trước theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Vì thế, Hội Thánh mời gọi mọi thành phần Dân Chúa trong giáo phận sống tinh thần này:

– Hiệp thông: Thiên Chúa quy tụ chúng ta thành một Dân mới trong đó mỗi người có sự khác biệt nhưng hiệp nhất với nhau trong cùng một đức tin. Cội nguồn sâu xa nhất về sự hiệp thông của chúng ta phát xuất từ sự hiệp nhất của Thiên Chúa Ba Ngôi.

Tham gia: Mọi thành phần Dân Chúa được kêu gọi cùng nhau cầu nguyện, lắng nghe, phân tích, đối thoại, phân định và góp ý cho việc đưa ra các quyết định mục vụ phù hợp hết sức có thể với ý muốn của Thiên Chúa. Để được như thế, cần phải nỗ lực vận động để có nhiều người tham gia, và tham gia cách tích cực. Do đó, giai đoạn giáo phận nên bắt đầu bằng việc tìm ra những cách vận động hiệu quả để đạt được sự tham gia rộng rãi nhất có thể.

– Lắng nghe: Trọng tâm của kinh nghiệm hiệp hành là lắng nghe Chúa qua việc lắng nghe nhau, nhờ được Lời Chúa soi dẫn. Chúng ta lắng nghe nhau để nghe rõ hơn tiếng Chúa Thánh Thần đang nói trong thế giới hôm nay. Các buổi họp trở thành một trải nghiệm cùng đi với nhau, một trải nghiệm thực sự mang tính hiệp hành.

– Phân định: Các phản hồi nhận được xuyên suốt quá trình lắng nghe nên được thu thập và viết thành một bản “tổng hợp”. Mục đích của những tổng hợp này là một hành động phân định để lựa chọn và viết ra những gì sẽ đóng góp cho giai đoạn tiếp theo của Tiến trình Thượng Hội đồng. Những phản hồi nhận được từ các cuộc họp địa phương này sẽ được biên soạn thành một bản tổng hợp cấp Giáo phận.

Sứ mạng: Hội Thánh hiện hữu không cho chính mình nhưng để loan báo Tin Mừng. Sứ mạng của chúng ta là làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa giữa toàn thể gia đình nhân loại. Hiệp hành là con đường qua đó Hội thánh có thể hoàn thành cách hiệu quả hơn sứ mạng loan báo Tin Mừng cho thế giới.

  1. Những thái độ cần có khi tham dự

Để tham gia xây dựng Hội Thánh hiệp hành, chúng ta cần có những thái độ sau:

Lắng nghe: tinh thần hiệp hành đòi phải dành thời gian cho việc lắng nghe.

– Chia sẻ: khiêm tốn lắng nghe phải đi đôi với việc can đảm chia sẻ với người khác. Đối thoại giúp chúng ta trở nên phong phú hơn.

– Hoán cải và thay đổi: từ bỏ những thái độ tự mãn và an phận khiến chúng ta đưa ra những quyết định chỉ dựa vào những cách thức hoạt động xưa cũ.

– Phân định: dựa trên niềm xác tín rằng Thiên Chúa vẫn đang hoạt động trong thế giới và chúng ta được kêu gọi để lắng nghe điều Thánh Thần khơi gợi nơi chúng ta.

– Bỏ đi tính tự mãn: để có thể học hỏi lẫn nhau, đồng hành với nhau và phục vụ lẫn nhau, phá đi bức tường đôi khi đe dọa sự hiệp thông của chúng ta, như tuổi tác, giới tính, giàu nghèo, năng lực, giáo dục, v.v…

Nâng cao niềm hy vọng: chúng ta được kêu gọi trở nên ngọn hải đăng của niềm hy vọng, chứ không phải là người loan báo họa diệt vong.

IV. Mười câu hỏi để thỉnh ý Dân Chúa trong giáo phận

Hướng dẫn: đọc câu hỏi lên, hội nghị thinh lặng 3-5 phút để lắng nghe Chúa Thánh Thần nói trong chính mình. Rồi nhớ lại kinh nghiệm bản thân, xem xét lại những gì đã kinh nghiệm, dưới ánh sáng Lời Chúa và sự soi sáng của Chúa Thánh Thần, mỗi người có thể chia sẻ điều được thúc đẩy nói ra.

Lưu ý: Giáo phận, giáo xứ hay hội, nhóm không cần phải nêu ra hết mọi câu hỏi nhưng nên nhận ra và tập trung vào những câu hỏi thích hợp nhất với bối cảnh của mình.

  1. Đồng hành trên hành trình

Sứ mạng của Hội thánh là đồng hành với nhau để loan báo Tin Mừng. Trong giáo phận và giáo xứ, chúng ta có đồng hành với nhau không? Chúng ta có đồng hành với những người khác tôn giáo không? Có những khó khăn và trở ngại nào? Những tổn thương nào giữa lương giáo? Bài học cần rút ra từ những kinh nghiệm này?

  1. Lắng nghe

Để đồng hành với nhau, cần phải học lắng nghe người khác để lắng nghe tiếng Chúa nói. Trong Giáo phận và trong giáo xứ, chúng ta có lắng nghe nhau như thế nào? Chúng ta có tôn trọng và lắng nghe ý kiến của các nữ tu, giáo dân, phụ nữ và giới trẻ không? Chúng ta có quan tâm và lắng nghe nguyện vọng của những người nghèo, người bị xã hội loại trừ không?

  1. Phát biểu (tuỳ chọn)

Để lắng nghe, cần tạo bầu khí chân thành và cởi mở để phát biểu. Trong giáo phận và giáo xứ, mọi người có được tự do, thẳng thắn và can đảm để phát biểu ý kiến nhằm xây dựng Hội thánh không? Đâu là những khó khăn và cản trở của phát biểu ý kiến để xây dựng Hội thánh? Khi có điều gì quan trọng cần phát biểu, chúng ta nói như thế nào và lúc nào?

  1. Cử hành

Giáo phận và giáo xứ là một cộng đoàn cùng nhau cử hành phụng vụ. Trong Giáo phận và giáo xứ, các tín hữu có tích cực tham dự đầy đủ thánh lễ và cầu nguyện không?

  1. Tham gia truyền giáo

Sứ mạng của Hội thánh là truyền giáo, nên mọi kitô hữu đều được mời gọi tham gia vào sứ mạng này. Trong giáo phận và trong giáo xứ, mỗi người chúng ta tham gia vào sứ vụ này như thế nào? Những khó khăn nào cản trở chúng ta tham gia truyền giáo? Những lĩnh vực nào chúng ta đang bỏ mặc? Giáo phận và giáo xứ có ai tham gia truyền giáo bằng việc phục vụ xã hội trong các lĩnh vực như giáo dục, văn hoá, chính trị, công bằng xã hội, bảo vệ quyền con người, chăm sóc môi trường không?

  1. Đối thoại trong Giáo phận và xã hội

Đối thoại đòi hỏi kiên trì và nhẫn nại, nhưng giúp hiểu biết lẫn nhau. Trong Giáo phận và trong giáo xứ, giữa Giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo dân, chúng ta có đối thoại với nhau như thế nào? Hội đồng mục vụ giáo xứ, giáo họ và các hội đoàn có đối thoại và lắng nghe nhau không? Đâu là những khó khăn và những xung đột làm cho chúng ta khó đối thoại?

Chúng ta có đối thoại với những người lương dân xung quanh chúng ta không? Chúng ta có đối thoại với chính quyền không? Đâu là những khó khăn?

  1. Đại kết (tuỳ chọn)

Tinh thần đại kết là tinh thần của người kitô hữu chân chính. Trong Giáo phận và trong giáo xứ, chúng ta có tôn trọng, đối thoại và đồng hành với những thành viên thuộc Tin lành không? Thái độ của chúng ta đối với các anh chị em này? Đâu là những khó khăn và bằng cách nào để cùng đi với họ?

  1. Quyền bính và tham gia

Hội thánh hiệp hành là Hội thánh tham gia và đồng trách nhiệm. Giám mục, linh mục sử dụng quyền bính và cai quản Giáo phận và giáo xứ như thế nào? Trong Giáo phận và giáo xứ, tinh thần làm việc nhóm và đồng trách nhiệm có được cổ võ không? Hằng năm có đánh giá và ai đánh giá việc điều hành này? Giáo dân có được khích lệ để tham gia vào những công việc của giáo phận và giáo xứ không? Các hội đồng mục vụ giáo xứ, giáo họ và các hội đoàn hoạt động thế nào?

  1. Phân định và quyết định

Phân định là nhận ra và quyết định theo những gì Chúa Thánh Thần đang nói qua toàn thể cộng đoàn. Chúng ta thường dùng những cách thức và quy trình nào để đưa ra quyết định? Người đứng đầu quyết định thay cho cộng đoàn hay cùng với cộng đoàn để ra quyết định? Có cách thức nào giúp chúng ta ra quyết định sau khi đã lắng nghe toàn thể Dân Chúa không? Khi quyết định liên quan đến cộng đoàn, chúng ta có thỉnh ý rồi mới đưa ra quyết định không? Trong các cuộc hội họp, chúng ta có tuân thủ những quy tắc để thúc đẩy tính minh bạch và trách nhiệm giải trình cho mọi người tham dự không? Làm thế nào để thăng tiến cộng đoàn phân định thiêng liêng và mục vụ?

  1. Tự đào tạo trong tiến trình hiệp hành (tuỳ chọn)

Hiệp hành đòi hỏi phải sẵn sàng được biến đổi, đào tạo và không ngừng học hỏi. Giáo phận, giáo xứ và mỗi người chúng ta có sẵn sàng để đào tạo mình để càng ngày có khả năng “cùng nhau lữ hành” không? Chúng ta có sẵn sàng lắng nghe nhau, dấn thân cho sứ vụ và tham gia đối thoại như thế nào? Chúng ta sẽ đào tạo mình để biết phân định và thực thi quyền bính theo phương cách hiệp hành như thế nào?

V. Tài liệu tìm hiểu về Thượng Hội đồng lần thứ XVI

  1. Cẩm nang cho Thượng Hội đồng Giám mục về tính hiệp hành, Vatican 2021.
  2. Tài liệu chuẩn bị Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ XVI, 2021.
  3. Văn phòng Thư ký Hội đồng Giám mục Việt Nam, Tìm hiểu Thượng hội đồng Giám mục giai đoạn giáo phận (10/2021 – 08/2022).
  4. Uỷ ban Thần học Quốc tế (Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương dịch), Tính hiệp hành trong đời sống và sứ vụ của Hội thánh, 2021.

Để xây dựng Giáo phận Hà Tĩnh trở thành một cộng đoàn hiệp hành, hiệp nhất, cùng nhau tham gia vào sứ vụ truyền giáo, tôi mời gọi quý Cha và tất cả Anh Chị em tích cực tham dự và thực hiện chương trình này của Giáo phận.

Nhờ lời bầu cử của Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, Quan thầy Giáo phận, nguyện xin Chúa đồng hành và ban nhiều phúc lành cho Giáo phận và cho mỗi người chúng ta!

Thân ái trong Đức Kitô./.

GIÁM MỤC GIÁM QUẢN TÔNG TÒA

 Louis Nguyễn Anh Tuấn

TẢI XUỐNG FILE (PDF)
TẢI XUỐNG FILE (WORD)

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận