Tỉnh dậy sau cơn men

1389 lượt xem

TỈNH DẬY SAU CƠN MEN
(Hướng về đêm Giáng Sinh 2023 – Những phép màu kỳ diệu trong Mùa Hồng Ân)

Maria Diệu Huyền, MTG Vinh

  • Bọn mày…Giấu rượu của tao đâu? Tao đập nát mặt bọn mày bây giờ. Đưa rượu cho tao ngay!

Tiếng la mắng xé không gian, làm nát tan hoàng hôn mỏng manh. Tấm vải màn loang lổ được cột phía đầu chiếc giường rệu rã cũng bay tung tóe. Anh Tửu, một ông bố thâm niên say rượu, đang chửi rủa, mạt sát mấy mẹ con chị Mậu. Mới thoáng chốc mà anh ta đã cho trôi veo một lít vào phủ tạng, cái bụng óc ách, vậy mà vẫn chê ít và còn bỏ vạ vợ con lén giấu rượu của anh.

Cứ hết rượu một chốc là anh lại nhóp nhép thèm thuồng, chân tay bủn rủn, vật vã ngáp ngắn ngáp dài, trông giống ngợm hơn người. Mà cứ mỗi khi lên cơn nghiện rượu là anh trở thành một kẻ ma men đáng sợ. Người trong nhà không ai dám hó hé lời nào, còn hàng xóm thì cũng chẳng ai dám bén mảng đến. Người ta kháo nhau: “Đừng dại mà đến khi thằng cha này say rượu, kẻo xảy ra hậu họa đó bà con ơi!”.

Ở cái làng này, anh Tửu nổi tiếng đạt giải “thân thiện với rượu” vì không từ chối một cuộc nhậu nào. Sáng uống, trưa uống, tối uống…Cứ như vậy, triền miên tháng này qua năm nọ. Anh uống rượu bạt mạng, uống miết tới khuya mới lò mò về, say lè nhè, đập phá nhà cửa, đánh đập và rượt đuổi vợ con thường xuyên. Có khi vừa về đến nhà, anh đã lăn nhào xuống một xó xỉnh nào đó.

Bạn bè của anh Tửu toàn là ma men, cụng ly côm cốp “Không say không về!”. Ngày nào cũng thế, ngày nào cũng vậy, đám bạn nhậu lại ơi ới gọi nhau hội họp, rượu cứ trôi veo hàng lít. Người nào cũng ra sức “đọ rượu”, cố gắng để “lên đô, lên cơ” cho bằng anh bằng em. Họ thề thốt với nhau rằng không “chăm phần chăm”, không “cao bằng” là bị loại khỏi cuộc chơi. Anh Tửu mang tiếng “chủ xị” nhưng mà thường bị chuốc rượu nhiều nhất. Đám bạn nhậu lúc nào cũng thách thức: “Bác không uống với em là bác không nể em!”. Vốn tính hay nể nang, anh chơi đẹp mỗi khi được cụng ly.

Nhà anh Tửu có sáu đứa con gái. Anh mang một nỗi buồn thiên thu khi vợ không sinh cho mình một đứa con trai cho “lở mày lở mặt” với mấy bạn rượu trong làng. Cứ vào cuộc nhậu là anh lại nghe những câu nói đùa cợt nhưng sâu cay. Càng sầu, anh càng uống tới bến. Những câu nói kiểu: “Tửu, nhà mày có cái ao to thiệt, nuôi cả bầy vịt giời mà”; “Này, rặn mãi mà không ra quý tử à?”; “Chắc vợ mày cho mày mặc váy cả đời quá!”.

Bao lời đùa cợt chạm đến lòng tự tôn của kẻ mày râu. Anh uống rượu để quên đi nỗi nhục. Rượu càng vào thì anh càng thân tàn ma dại. Và cứ mỗi lần lò mò về nhà, anh lại buông ra những lời xúc xiểm vợ con: “Khốn nạn! Một lũ vịt giời, vô tích sự! Cái thứ đẻ toàn vịt giời như cô thì trông mong gì… Ở nhà! Bươm bướm thì học làm gì cho lắm! Bọn mày có đi mua rượu cho tao không thì bảo?”.

Nhà anh Tửu cách cộng đoàn chúng tôi một đoạn cỡ bằng một đứa bé ném xiên hòn đá nhỏ. Hôm nay, hai chị em chúng tôi mới đến phục vụ nơi nhiệm sở này. Từ hồi chiều đến giờ, chúng tôi xót xa khi bị tra tấn bởi thứ âm thanh chan chát, nhọn hoắt làm da thịt đau nhói lên. Chúng tôi cứ lân la, đi đi lại lại, muốn xông vào nhà can ngăn anh lại nhưng nhà anh ta giăng rào kín bưng, bên dưới còn chặn thêm gạch và cành tre khô, trông chẳng khác nào một căn cứ quân sự. Không ai có cơ may len vào trong vườn nhà. Tiếng chị Mậu gào thét, rít lên những tiếng dài chói tai, mếu máo với những lời van xin nhọc nhằn:

  • “Tôi van anh! Tôi lạy anh! Anh để cho mẹ con tôi sống với! Tôi chịu hết nổi rồi!”

Anh Tửu cáu kỉnh vang lên, gằn giọng nặng nề, mắt trừng trừng, một tay bấu chặt vào mớ tóc rối của chị Mậu, tay còn lại không ngại vung cao cán chổi cùn, miệng lè nhè quát tháo:

  • “A…con này…mày láo. Mày định làm cách mạng hả? Có mấy chai rượu cũng không dọn nổi cho chồng. Mày làm vợ thế hả! Để tao đánh mày cho sáng mắt ra…

Chị Mậu lại gào lên thảm thiết, khàn cả cổ, vái lạy liên hồi, vùng vẫy trong hoảng sợ. Rồi chị cuống cuồng bật dậy, dứt tay gã chồng bạo hành, chạy vụt ra vườn. Anh Tửu chân này quàng chân kia đuổi theo, liên hồi vụt cán chổi bay xẹt qua mặt vợ.

Nghe nói, cứ một tuần là ba trận nặng, bốn trận nhẹ. Mỗi lần như thế, hàng xóm chung quanh ngao ngán thở dài, họ chỉ đứng tỏ ra bất lực, vô can trước thảm cảnh đang diễn ra. Người ta đi ngang qua ngôi nhà tối tăm, kín cửa ấy chỉ có thể đưa mắt nhìn vào trong vô vọng. Bà Tý, nhà cạnh bên, nỉ non:

  • Mẹ con cô Mậu chạy trốn mỗi khi thằng Tửu say rượu còn khốn khổ hơn cả việc bầy tui chạy trốn máy bay Mỹ thời chiến tranh. Thằng Mỹ bay trên trời còn dễ trốn được, chứ thằng Tửu chạy dưới đất thì mẹ con cô ấy trốn vào đâu được…

Chứng kiến cảnh đó, tim tôi như hẫng đi một nhịp. Tôi quyết tâm sẽ làm một điều gì đó để cứu vớt số phận cùng quẫn của mẹ con người đàn bà xấu số kia. Rồi trời nhá nhem tối, ai nấy tản ra, về nhà ăn cơm.

Đêm về. Đêm nát nhàu phẩm giá của kẻ say men. Đêm vỡ nợ những giấc mơ hão huyền. Đêm hút cạn nước mắt của đứa con gái trong vai con trai.

Lan, đứa con gái thứ tư của anh Tửu đang uất ức bịt lại những tiếc nấc thâu thanh. Dòng nước mắt trong đêm của Lan không sắc màu nhưng sặc sụa hương vị đắng cay. Những giọt nước mắt vô ngôn mà quằn nặng lòng đêm, bóng tối trũng sâu in hằn lên đôi mắt. Đã bao nhiêu lần, em đằng đẵng ôm trọn đêm thâu. Cứ đến giờ bán dạ là nước mắt em cạn khô. Bấy nhiêu giọt lệ của em cứ thế theo giấc mơ trôi về chốn thiên đường, nơi mà em đã tưởng tượng nên trong những chênh vênh. Em chỉ muốn trộn lẫn mình vào đêm đen để không ai nghe thấy những nức nở, tủi hờn và cảm giác bất lực. Em càng đau khi nghĩ về hoàn cảnh chào đời của mình.

Lan nghe người ta kể lại, khi mẹ mang bầu em, bố thấy mẹ nghén khác ba lần trước, thèm ăn ngọt và nôn ói suốt ngày, lại nghe nhiều người nói: “Nếu nghén khác lần trước, chắc chắn là trở đầu con” nên bố Tửu cứ đinh ninh em là con trai. Anh ta mừng vui khôn tả vì mình đã có con nối dõi tông đường, để cho đám bạn nhậu “sáng mắt ra” vì lúc nào bọn đó cũng mỉa mai: “Trông mày thế thì làm sao có con trai được”. Nhiều người còn đùa anh đầy ác ý: “Giám đốc nhà may bươm bướm”.

Có lúc, anh xoa tay lên bụng chị Mậu nựng nịu: “Con trai của ba ăn nhanh và chóng lớn nghe. Ba trông chờ con đó”. Mỗi lần như thế, chị Mậu lại buồn và sợ. Ngày Lan chào đời, chị bật khóc vì em là một đứa con gái, còn anh Tửu thì vào phòng, nằm vật ra giường. Sau đó, chẳng thèm đoái hoài đến người vợ suy nhược sau sinh, anh lại ngả vào những cơn say nồng nàn men cay.

Đêm ấy, nghĩ về gia đình nhà anh Tửu, một tổ ấm nát tan vì rượu, lòng tôi bỗng nặng trĩu. Giấc ngủ dẫu bị gián đoạn nhiều khúc cũng không chia tách nổi cảnh tượng đau lòng mà tôi chứng kiến hồi chiều.

Sáng hôm sau, vừa thấy Lan mở căn cứ quân sự nhà mình, tôi vội bước đến hỏi em:

  • Chào em, sơ mới đến phục vụ ở Giáo xứ này. Có mấy điều chưa rõ, sơ muốn hỏi em có được không?
  • Dạ được, sơ cứ hỏi đi ạ.

Thế là nhân cơ hội tiếp cận với em, tôi biết rõ hơn về tình hình Giáo xứ này. Điều tuyệt vời hơn là tôi đã có thể đi sâu vào câu chuyện cuộc đời của em và gia đình. Tội nghiệp cô bé, năm ngoái, vì thương mẹ nên em quyết định nghỉ học để phụ giúp công việc nhà. Bề ngoài của em chẳng khác nào một cậu con trai, từ cách ăn mặc đến dáng dấp làm việc, thế nhưng, ẩn hiện phía sau cái vỏ thô ráp ấy, tôi lại nhìn thấy một thế giới nội tâm mỏng manh mà đầy nữ tính.

Ngày qua ngày, Lan năng ghé nhà của chúng tôi hơn. Cô bé nhiệt tình giúp đỡ mấy công việc điện nước trong nhà mà chị em chúng tôi chẳng quen làm. Tôi cũng có nhiều cơ hội để động viên em và lập kế hoạch để cai rượu cho bố Tửu.

Sáng hôm ấy, tôi qua nhà Lan. Tôi muốn thuyết phục em đi học trở lại. Em không thể sống một cuộc đời trong sương mù mãi như thế này được. Nhân tiện có chị Mậu ở đó, tôi ngỏ lời:

  • Lan, năm tới, em quay lại trường tiếp tục học nhé. Chị đã xin cho em được học bổng rồi đó.

Đang cười giòn giã, sắc mặt em bỗng khựng lại và thay đổi sắc thái:

  • Em sẽ không đi học nữa đâu. Điều duy nhất mà em ao ước là trông thấy bố tỉnh rượu…dù chỉ một ngày mà thôi.

Nghe em nói, tôi đắng lòng. Quả thực, từ hôm về đây đến giờ đã hơn hai tháng, chưa một ngày tôi thấy anh Tửu tỉnh rượu. Rồi Lan phớt lờ câu chuyện, chạy ra ngoài giếng sửa lại cái vòi nước hỏng cho mẹ. Trong khi em đang hì hục dán keo vào vòi, bỗng chú Nam xóm trên chạy hớt hải vào nhà, rồi hổn hển mà đánh tiếng: “Lan, con đi cùng chú, khiêng bố con về. Chú thấy nằm dưới ruộng, chắc bố con lại nốc rượu rồi”.

Không vội vã! Không hoảng hốt! Với Lan, chuyện này như cơm bữa. Mặt vô cảm, Lan lững thững đi vào nhà lấy xe kiến an, chiếc xe chuyên chở hàng rau của mẹ, đi kéo bố về. Mới tuần trước, bố Tửu say xỉn nằm vắt vẻo thành cầu, người ta cũng kêu Lan và mẹ ra dìu về. Lúc này, Lan trở nên uất nghẹn, mắt đỏ au. Lan căm ghét bố! Vì lẽ gì, bố em khiến cho cả gia đình đau khổ như vậy? Người từ làng trên xuống xóm dưới cũng lắc đầu dè bỉu, tránh xa gia đình em. Về đến nhà, Lan thả tay xe kéo ầm một cái trước cổng rồi lẳng lặng đi vào trong. Chị Mậu chạy ra nhìn chồng rồi khóc nức nở, thương xót dẫu cho người đàn ông này đã khiến cuộc đời chị không khác gì địa ngục trần gian. Rồi chú Nam giúp chị khiêng anh Tửu vào giường.

Lần này thì anh Tửu thực sự kiệt sức vì rượu. Sức người có hạn, cái thân xác đâu phải là thùng chứa cồn đâu! Đã ba ngày trôi qua, anh không thể tự mình đi đứng, mà phải nằm liệt trên giường. Suốt mấy ngày đó, chị Vân, người chị em của tôi, đang phục vụ y tế cho giáo dân nơi đây, phải túc trực giúp anh Tửu phục hồi sức khỏe. Đã lâu rồi, anh Tửu không tỉnh táo như mấy hôm nay. Có lúc, tôi thấy anh lén khóc, bứt áo và nắm chặt tay mà đập vào thành giường. Tôi nghĩ, đợt nốc rượu “thập tử nhất sinh” này đã khiến anh nhận ra điều gì đó. Thấy anh Tửu có phần đổi khác, dù vất vả chăm sóc, Lan và mẹ cũng phấn chấn hơn. Nhân cơ hội vàng, tôi cùng chị Vân thay nhau động viên và khuyên nhủ anh Tửu sớm thay đổi để gia đình bớt khổ. Đang khi nói chuyện vui vẻ, tôi gieo vào đầu anh một ý tưởng:

  • Anh Tửu ơi, bữa sau khỏe lại, anh gia nhập Hiệp Hội Tín Hữu Mến Thánh Giá nhé. Có mấy anh, mấy ông trong xứ tham gia sinh hoạt nhiệt tình lắm. Tôi có cây Thánh Giá này gửi tặng anh. Xin Chúa Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh giúp sức cho anh, để anh nhanh chóng phục hồi nhé.
  • Sơ nói vậy, chứ cái đồ ma men như tôi đây, làm sao mà xứng gia nhập cái Hội đạo đức ấy chứ. Tôi chưa bị người ta ném đá là may lắm rồi.
  • Sao anh lại nghĩ vậy? Có khi nào anh nghe Chúa Giêsu nói câu này chưa: “Con Người đến để tìm kiếm và cứu chữa những gì đã hư mất” (Lc 19,10)?

Nghe nói đến đó, anh Tửu nghẹn cả cổ họng. Anh cảm ơn hai chị em chúng tôi và tha thiết xin lời cầu nguyện.

Khoảng một tuần sau, anh Tửu khỏe hẳn. Thấy bố đi lại bình thường, Lan vừa mừng vừa lo. Không biết, bố có “quen đường cũ”, có nóng lòng đi tìm mấy ông bạn nhậu rồi chìm mình trong những ngày tháng say sưa nữa không. Vừa dứt dòng suy nghĩ, Lan bỗng nghe tiếng loẹt xoẹt ngoài sân, mấy ông bạn nhậu nghe biết bố Tửu khỏe lại, liền tức tốc tìm đến. Thấy đồng bọn ghé thăm, anh Tửu chạy nhanh ra sân sau, kêu Lan ra và dặn dò:

  • Bảo mấy ông là bố đi lên rẫy chặt củi rồi nha con.

Lan ngây người, đứng hình trong chốc lát…anh Tửu lại giục:

  • Con nghe chưa? Ra nói đi, kẻo mấy ông mà xông thẳng vào đây thì hỏng hết bánh kẹo.

Đúng thật, trận bệnh nhớ đời đã khiến anh Tửu thực sự khiếp rượu. Từ khi lừ đừ ốm dậy, anh luôn đóng vai “họ nhà chuồn”, từ chối hết các cuộc đọ rượu. Có những lúc lên cơn nghiện, anh chạy vào cầm cây Thánh Giá mà vật vã chống trả. Thấy chồng được ơn biến đổi, chị Mậu mừng rỡ khôn xiết. Sớm chiều, chị khuyên anh năng đi lễ và tham gia các giờ kinh liên gia. Sự lột xác của anh Tửu làm cả làng ngỡ ngàng. Đó chính là phép lạ nhãn tiền! Quá trình anh Tửu cai rượu là một việc vượt ra khỏi sức người, chỉ có ân sủng mới cho anh đủ sức mạnh để chiến đấu với bản thân và cám dỗ.

Đến gần ngày lễ Giáng Sinh, anh Tửu được chính thức gia nhập Hiệp Hội Tín Hữu Mến Thánh Giá Vinh trong niềm vui hân hoan của họ hàng và cả giáo xứ. Anh trở thành một hội viên tích cực trong công tác tông đồ. Nhờ sự cộng tác của anh, chị em chúng tôi có thể giúp cho nhiều gia trưởng khác trong giáo xứ can đảm bỏ rượu. “Hội đọ rượu” trước đây của anh cũng thế mà tan rã dần. Giáo xứ miền quê này trở nên yên bình hơn khi bớt đi tiếng chửi rủa và không khí trong làng cũng nguyên khiết hơn khi hơi thở con người không còn nồng nặc hơi men nữa.

Đêm Giáng Sinh năm ấy, lần đầu tiên Lan được lên sân khấu múa vai chính “Thiếu Nữ Sion”. Người ta sửng sốt khi thấy “cô bé bất đắc dĩ ngày nào” lại thướt tha, duyên dáng trên sân khấu. Không ít người dụi mắt vì chẳng tin vào những gì mình đang chứng kiến. Từ cảnh lầm lũi bước đi trong đêm tối, người nữ Sion đã reo mừng tìm thấy ánh sáng của Tin Mừng Cứu Độ. Cuộc đời em cũng như thế, từ Mùa Vọng khát khao chờ đợi sự hoán cải của bố Tửu, nay em vỡ òa trong niềm vui Giáng Sinh huyền nhiệm, bởi bố Tửu thực sự đã được cưu mang và tái sinh trong Thần Khí. Đêm canh thức kết thúc, giữa cái nhộn nhịp của đêm Noel, em tiến lại gần Hang Đá và đăm chiêu ngắm nhìn Chúa Giêsu Hài Đồng. Em như thả hồn mình vào cánh đồng Bêlem thanh vắng năm xưa. Bỗng từ miền linh thánh diệu kỳ ấy, em nhìn thấy ánh sáng ảo diệu của một ngôi sao băng vụt lên, rồi từ từ rơi xuống về phía bàn tay nhỏ bé của mình. Lan nhanh chóng vớ tay ra chụp lấy. Thế rồi, em nhoẻn miệng an nhiên nở một nụ cười viên mãn, úp chặt hai lòng bàn tay lại với nhau và từ từ tiến vào nhà thờ tham dự thánh lễ đêm Giáng Sinh.

Từ các ngóc ngách, ánh sáng chan hòa trải rộng khắp không gian. Tiếng thánh ca vui tươi trộn lẫn vào thinh không tịch mịch: “Đêm đông, lạnh lẽo Chúa sinh ra đời…”.

(Trích Tuyển tập Mục Đồng số 28)

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận