Tìm hiểu Thượng Hội Đồng Giám Mục giai đoạn giáo phận (10/2021 – 08/2022)

1153 lượt xem

TÌM HIỂU THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC
GIAI ĐOẠN GIÁO PHẬN (10/2021 – 08/2022)

Văn phòng thư ký Hội Đồng Giám Mục Việt Nam

  1. Chủ đề của Thượng Hội Đồng Giám Mục lần thứ XVI là gì?

Chủ đề của Thượng Hội Đồng Giám Mục lần thứ XVI là Hướng tới một Hội Thánh hiệp hành: hiệp thông, tham gia, sứ vụ. Vào tháng 4 năm 2021, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khởi xướng một cuộc hành trình hiệp hành của toàn thể Dân Chúa, sau đó được khởi sự vào tháng 10 năm 2021 tại mỗi Hội Thánh địa phương và cao điểm là tháng 10 năm 2023 trong Đại hội toàn thể của Thượng Hội Đồng Giám mục.

  1. Hiệp hành là gì?

“Hiệp hành” là “cùng đi với nhau”. “Hội Thánh hiệp hành” là toàn thể Dân Chúa cùng nhau tiến bước, lắng nghe Chúa Thánh Thần và Lời Chúa, hiệp thông với nhau và tham gia vào sứ mạng của Hội Thánh. Con đường đồng hành này là cách hiệu quả nhất để biểu lộ và thực hành bản chất của Hội Thánh với tư cách là Dân Chúa lữ hành và truyền giáo.

  1. Thượng Hội Đồng Giám Mục lần thứ XVI có điều gì khác với những lần trước?

Từ trước đến nay Đại hội Thượng Hội Đồng Giám Mục thường diễn ra như cuộc hội họp các Giám mục cùng với Đức Giáo hoàng và dưới quyền Đức Giáo hoàng, nhưng lần này đây không chỉ đơn thuần là một đại hội của các Giám mục mà còn là hành trình dành cho tất cả các tín hữu, trong đó mỗi Hội Thánh địa phương đảm trách phần vụ không thể thiếu của mình.

Trong khi các Thượng Hội Đồng gần đây đã bàn đến các chủ đề như Tân phúc âm hóa, Gia đình, Giới trẻ, và Amazon, thì Thượng Hội Đồng hiện nay lại tập trung vào chủ đề đặc biệt là tính hiệp hành. Chủ đề này đặt ra cho chúng ta những câu hỏi cốt lõi: Tinh thần hiệp hành đang diễn ra như thế nào ở các cấp độ khác nhau (từ địa phương đến hoàn vũ) để Hội Thánh có thể loan báo Tin Mừng cách hiệu quả? Chúa Thánh Thần đang mời gọi chúng ta thực hiện những bước đi nào để Hội Thánh phát triển như một Hội Thánh hiệp hành?

  1. Thượng Hội Đồng Giám Mục lần thứ XVI diễn tiến thế nào?

Thượng Hội Đồng Giám Mục lần thứ XVI được tiến hành qua ba giai đoạn.

a) Giai đoạn cấp giáo phận (từ tháng 10/2021 – tháng 8/2022)

Trong giai đoạn này, dân Chúa được khuyến khích quy tụ lại, cùng nhau trả lời cho những gợi ý từ các câu hỏi, lắng nghe nhau và đưa ra những phản hồi, ý kiến, phản ứng và đề nghị của cá nhân và tập thể. Tuy nhiên, nếu vì hoàn cảnh (chẳng hạn như những hạn chế do đại dịch) khiến việc tương tác trực tiếp trở nên khó khăn, thì có thể vận dụng những hình thức khác.

Giai đoạn cấp giáo phận này là cơ hội để các giáo xứ và giáo phận gặp gỡ, cảm nghiệm và cùng nhau thực hiện những bước đường hiệp hành, nhờ thế khám phá hoặc phát triển các phương cách và con đường hiệp hành phù hợp nhất với bối cảnh địa phương, và cuối cùng điều này sẽ trở thành phong cách mới của các Hội Thánh địa phương trên con đường hiệp hành. Do đó, Thượng Hội đồng này không chỉ mong đợi những phản hồi góp phần hỗ trợ Đại hội Thượng Hội đồng Giám mục được tổ chức tại Roma vào tháng 10 năm 2023, mà còn mong muốn thúc đẩy các Hội Thánh địa phương sống tinh thần hiệp hành và cảm nghiệm điều đó trong suốt tiến trình này và cả tương lai phía trước.

Kết thúc giai đoạn này, các Giáo phận sẽ làm bản tổng kết và gửi về cho Hội Đồng Giám Mục. Các Hội đồng giám mục sẽ làm bản tổng kết chung và gửi về cho Văn phòng Tổng thư ký Thượng Hội Đồng Giám Mục. Sau đó, những tổng hợp này sẽ là cơ sở cho ấn bản đầu tiên của Tài liệu Làm việc do Văn phòng Tổng Thư ký của Thượng hội đồng Giám mục xuất bản.

b) Giai đoạn tại Châu lục

Tài liệu Làm Việc đầu tiên này sẽ là Tài liệu làm việc cho bảy cuộc họp lục địa: Châu Phi (SECAM); Châu Đại Dương (FCBCO); Châu Á (FABC); Trung Đông (CPCO); Châu Mỹ Latinh (CELAM); Châu Âu (CCEE) và Bắc Mỹ (USCCB và CCCB). Bảy cuộc họp quốc tế này sẽ lần lượt đưa ra bảy Văn kiện cuối cùng làm cơ sở cho ấn bản Tài liệu Làm việc thứ hai và ấn bản này sẽ được sử dụng tại Đại hội Thượng Hội đồng Giám mục vào tháng 10 năm 2023.

c) Đại hội Thượng hội đồng Giám mục (tháng 10/2023)

Các giám mục và quan sát viên sẽ họp với Đức Thánh Cha Phanxicô trong Đại hội Thượng Hội đồng Giám mục ở Rôma vào tháng 10 năm 2023 để phát biểu và lắng nghe nhau dựa trên Tiến trình Thượng Hội Đồng cấp địa phương. Mục đích là để phân định ở mức độ hoàn vũ tiếng nói của Chúa Thánh Thần, Đấng đã và đang nói trong toàn thể Hội Thánh.

  1. Cùng với từ “hiệp hành”, Thượng Hội Đồng Giám Mục nói tới Hiệp thông, Tham gia, Sứ vụ. Điều này có ý nghĩa gì?

Chủ đề của Thượng hội đồng là “Hướng tới một Hội Thánh hiệp hành: Hiệp thông, Tham gia và Sứ vụ.” Đây là ba chiều kích của Hội Thánh, có mối quan hệ mật thiết với nhau, và là những trụ cột quan trọng của một Hội Thánh hiệp hành. Mỗi chiều kích làm phong phú và định hướng cho hai chiều kích kia. Giữa ba chiều kích này tồn tại một mối tương quan năng động, cần phải được hiểu rõ mối tương quan này cùng với cả ba chiều kích của nó.

– Hiệp thông: Cội nguồn sâu xa nhất của sự hiệp thông mà chúng ta cùng chia sẻ phát xuất từ tình yêu và sự hiệp nhất của Thiên Chúa Ba Ngôi. Chính Chúa Kitô là Đấng hòa giải chúng ta với Chúa Cha và liên kết chúng ta với nhau trong Chúa Thánh Thần. Tất cả chúng ta đều có vai trò của mình trong việc phân định và thực hiện lời kêu gọi mà Thiên Chúa dành cho dân Ngài.

– Tham gia: Mọi thành phần Dân Chúa đều được mời gọi lắng nghe nhau cách chân thành và tôn trọng. Việc lắng nghe này tạo ra không gian để chúng ta cùng nhau lắng nghe Chúa Thánh Thần, và dẫn lối cho những khát vọng mà chúng ta có đối với Hội Thánh. Trong Hội Thánh hiệp hành, toàn thể cộng đồng được kêu gọi cùng nhau cầu nguyện, lắng nghe, phân tích, đối thoại, phân định và góp ý về việc đưa ra các quyết định mục vụ phù hợp hết sức có thể với ý muốn của Thiên Chúa.

– Sứ mạng: Hội Thánh hiện hữu để thi hành sứ mạng truyền giáo. Chúng ta không bao giờ được tập trung vào chính mình. Sứ mạng của chúng ta là làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa ở giữa toàn thể gia đình nhân loại. Tiến trình Hiệp hành này mang chiều kích truyền giáo, giúp Hội Thánh làm chứng tốt hơn cho Tin Mừng, đặc biệt với những người sống ở vùng ngoại vi trong lãnh vực tâm linh, xã hội, kinh tế, chính trị, địa lý và hiện sinh của thế giới chúng ta.

  1. Đâu là những thái độ cần có khi tham gia tiến trình xây dựng Hội Thánh hiệp hành?

Những thái độ cần có:

– Lắng nghe: tinh thần hiệp hành đòi phải dành thời gian cho việc lắng nghe.

– Chia sẻ: khiêm tốn lắng nghe phải đi đôi với việc can đảm chia sẻ với người khác. Đối thoại giúp chúng ta trở nên phong phú hơn.

– Hoán cải và thay đổi: từ bỏ những thái độ tự mãn và an phận khiến chúng ta đưa ra những quyết định chỉ dựa vào những cách thức hoạt động xưa cũ.

– Phân định: dựa trên niềm xác tín rằng Thiên Chúa vẫn đang hoạt động trong thế giới và chúng ta được kêu gọi để lắng nghe điều Thánh Thần khơi gợi nơi chúng ta.

– Bỏ đi tính tự mãn: để có thể học hỏi lẫn nhau, đồng hành với nhau và phục vụ lẫn nhau, xây những nhịp cầu bắc qua những bức tường đôi khi đe dọa ngăn cách chúng ta, như tuổi tác, giới tính, giàu nghèo, năng lực, giáo dục, v.v…

– Nâng cao niềm hy vọng: chúng ta được kêu gọi trở nên ngọn hải đăng của niềm hy vọng, chứ không phải là người loan báo họa diệt vong.

  1. Đâu là những cám dỗ cần cảnh giác?

Như trên mọi cuộc hành trình, chúng ta cần nhận ra những cạm bẫy có thể có, gây cản trở cho tiến trình của chúng ta trong suốt thời gian hiệp hành này. Phải tránh những cạm bẫy sau đây để tiếp thêm sinh khí và tăng hiệu quả cho tiến trình hiệp hành.

– Cám dỗ muốn tự mình dẫn dắt mình thay vì để Thiên Chúa dẫn dắt. Những nỗ lực khiêm tốn của chúng ta để tổ chức và phối hợp là để phụng sự Thiên Chúa, Đấng hướng dẫn chúng ta trên đường. Chúng ta là đất sét trong bàn tay Thợ gốm là Thiên Chúa (x. Is 64,8).

– Cám dỗ tập trung vào mình và những mối quan tâm tức thời của chúng ta. Tiến trình hiệp hành là cơ hội để mở ra, để thấy từ những góc độ khác, để đi đến những vùng ngoại biên. Việc này đòi chúng ta phải suy nghĩ cho những mục tiêu dài hạn: Kế hoạch của Thiên Chúa cho Hội Thánh ở đây và hiện nay là gì? Làm thế nào chúng ta có thể thực hiện giấc mơ của Thiên Chúa cho Hội Thánh ở tầm mức địa phương?

– Cám dỗ chỉ nhìn thấy những khó khăn, thử thách. Thay vì chỉ chú tâm vào những gì không hay, chúng ta hãy tập nhận ra đâu là nơi Chúa Thánh Thần đang tác sinh sự sống và cách thức chúng ta có thể để cho Thiên Chúa hoạt động nhiều hơn.

– Cám dỗ chỉ chú trọng đến cấu trúc. Tiến trình hiệp hành có thể mời gọi phải đổi mới cấu trúc của Giáo hội ở mọi cấp độ, tuy nhiên việc đổi mới cấu trúc sẽ chỉ xảy ra thông qua quá trình hoán cải và đổi mới của mọi chi thể trong Thân thể Đức Kitô.

– Cám dỗ không nhìn quá những ranh giới hữu hình của Hội Thánh. Khi sống theo Tin Mừng, các tín hữu hành động như men trong thế giới, vì thế phải nhìn thấy bức tranh rộng lớn hơn để hoàn thành sứ mạng của mình trong thế giới này.

– Cám dỗ lơ là các mục tiêu của tiến trình hiệp hành, là phân định cách thức Thiên Chúa kêu gọi chúng ta cùng nhau tiến bước theo cách thức đồng trách nhiệm, biết mở ra đón chào những hoa trái của Thiên Chúa được dần dần tỏ hiện.

– Cám dỗ xung đột và chia rẽ. Những mầm mống chia rẽ sẽ chẳng mang lại hoa trái gì. Thật vô ích khi cố gắng áp đặt ý riêng của mình lên mọi người.

– Cám dỗ coi Thượng hội đồng như một kiểu nghị trường. Hiệp hành không phải là “cuộc tranh luận chính trị”, trong đó để dành quyền quyết định, bên này phải triệt hạ bên kia. Việc gây đối kháng hay cổ vũ những xung đột gây chia rẽ, đe dọa sự hiệp nhất và hiệp thông trong Hội thánh là những điều trái ngược với tinh thần hiệp hành.

– Cám dỗ chỉ lắng nghe những thành phần hoạt động trong Hội Thánh. Việc này có thể làm cho việc sắp xếp tổ chức được dễ dàng hơn, nhưng rốt cuộc lại lơ là một phần đáng kể Dân Chúa.

  1. Thực hiện giai đoạn Giáo phận thế nào?

Văn phòng Tổng thư ký Thượng Hội Đồng Giám Mục xuất bản Tài liệu chuẩn bị và Cẩm nang (Vademecum), tuy nhiên Văn phòng xác định đây không phải là những quy định mà chỉ là những hướng dẫn gợi ý, mỗi Hội Thánh địa phương tùy theo tình hình thực tế để áp dụng. Theo đó có thể quan tâm những nét chính.

– Mục đích của giai đoạn giáo phận, là nhằm cống hiến cho nhiều người, càng nhiều càng tốt, một kinh nghiệm hiệp hành thực sự trong việc lắng nghe nhau và cùng tiến về phía trước theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

– Tham gia: để được như thế, cần phải nỗ lực vận động để có nhiều người tham gia, và tham gia cách tích cực. Do đó, giai đoạn giáo phận nên bắt đầu bằng việc tìm ra những cách vận động hiệu quả để đạt được sự tham gia rộng rãi nhất có thể.

– Lắng nghe: trọng tâm của kinh nghiệm hiệp hành là lắng nghe Chúa qua việc lắng nghe nhau, nhờ được Lời Chúa soi dẫn. Chúng ta lắng nghe nhau để nghe rõ hơn tiếng Chúa Thánh Thần đang nói trong thế giới hôm nay. Các buổi họp trở thành một trải nghiệm cùng đi với nhau, một trải nghiệm thực sự mang tính hiệp hành.

– Phân định: các phản hồi nhận được xuyên suốt quá trình lắng nghe nên được thu tập và viết thành một bản “tổng hợp”. Mục đích của những tổng hợp này là một hành động phân định để lựa chọn và viết ra những gì sẽ đóng góp cho giai đoạn tiếp theo của Tiến trình Thượng Hội đồng. Những phản hồi nhận được từ các cuộc họp địa phương này sẽ được biên soạn thành một bản tổng hợp cấp giáo phận.

– Đúc kết: bản tổng hợp do mỗi giáo phận soạn thảo khi kết thúc tiến trình lắng nghe và phân định sẽ là một đóng góp cụ thể cho hành trình của toàn thể Dân Chúa. Nó cũng có thể được dùng như một tài liệu hữu ích để xác định các bước tiếp theo trong hành trình của Hội Thánh địa phương trên con đường hiệp hành. Để tạo điều kiện cho các giai đoạn kế tiếp của Tiến trình Thượng Hội đồng, cần phải viết thật súc tích để cô đọng thành quả của việc cầu nguyện và suy tư trong tối đa mười trang giấy.

– Sau đó, bản tổng hợp của mỗi giáo phận sẽ được chuyển đến các Hội đồng giám mục. Các Hội đồng giám mục sẽ soạn thảo bản tổng hợp của riêng mình với cùng một tinh thần phân định như đã nêu trên, dựa trên những tổng hợp đã nhận được từ các giáo phận. Sau đó, các Hội đồng giám mục sẽ đệ trình bản tổng hợp này lên Văn phòng tổng thư ký của Thượng Hội đồng Giám mục, Văn phòng này sẽ soạn ấn bản đầu tiên của Tài liệu Làm việc (Instrumentum Laboris) dựa trên những gì đã được chia sẻ và kinh nghiệm tại cấp địa phương.

  1. Các Giám mục có trách nhiệm gì trong tiến trình hiệp hành ở cấp Giáo phận?

Không tồn tại tính hiệp hành nếu không tồn tại quyền mục tử của Giám mục đoàn, dưới quyền tối thượng của đấng kế vị Thánh Phêrô, cũng như nếu không tồn tại quyền mục tử của mỗi Giám mục Giáo phận nơi Giáo phận được giao phó cho ngài coi sóc. Vì vậy, Giám mục đóng vai trò chính yếu trong Tiến trình Thượng Hội đồng này, bằng cách lắng nghe dân Chúa và tạo điều kiện để toàn thể Dân Chúa góp phần xây dựng một Hội Thánh mang tính hiệp hành hơn. Sự tham gia của Giám mục phải thúc đẩy cuộc đối thoại cởi mở trong sự đa dạng của Dân Chúa.

Giai đoạn cấp giáo phận của Tiến trình Thượng hội đồng nên được khai mạc và kết thúc bằng một cử hành phụng vụ do Giám mục chủ tọa. Ngoài việc tham dự các buổi lắng nghe trên toàn giáo phận, Giám mục có thể mời một nhóm nhỏ họp với ngài, hoặc xem lại các phản hồi được thu thập từ các cuộc thỉnh ý, phân định những gì Chúa Thánh Thần đang nói qua những người được ủy thác cho ngài chăm sóc.

Cuối cùng, Giám mục sẽ triệu tập Hội nghị Tiền-Thượng hội đồng Giáo phận để đi đến đỉnh cao kết thúc giai đoạn giáo phận. Cuộc tập họp này nên có được đại diện của mọi thành phần từ khắp Giáo phận với mục đích cùng nhau cầu nguyện, lắng nghe, suy tư và phân định con đường hiệp hành mà Thần Khí Chúa đang kêu gọi toàn giáo phận đi theo. Sau đó, Giám mục có thể duyệt lại bản tổng hợp của giáo phận trước khi đệ trình lên Hội đồng giám mục.

  1. Đâu là lộ trình cụ thể cho giai đoạn giáo phận?

Lộ trình cụ thể gồm những bước sau:

– Giám mục Giáo phận chỉ định người điều hành chung (linh hoạt viên) tiến trình tham gia của Giáo phận.

– Người điều hành cần có sự cộng tác của một Nhóm hiệp hành của Giáo phận, có thể bao gồm các đại diện từ các giáo xứ, phong trào giáo dân và dòng tu.

– Lập kế hoạch cho tiến trình tham gia: có thể là các cuộc họp cấp giáo xứ, cuộc họp liên giáo xứ, các nhóm liên quan đến học đường, các hiệp hội địa phương, tạo cơ hội cho các nhóm khác nhau lắng nghe nhau.

– Chuẩn bị nhóm điều phối viên cho các cuộc họp trên.

– Hội thảo định hướng cho nhóm hiệp hành giáo phận và các điều phối viên địa phương: cung cấp những định hướng và trang bị những kỹ năng cơ bản cho các tiến trình hiệp hành.

– Truyền thông cho mọi người nhằm gây ý thức và khuyến khích sự tham gia.

– Thực hiện, giám sát và hướng dẫn tiến trình thỉnh ý hiệp hành. Nên ấn định cụ thể ngày gửi các ý kiến phản hồi, có thể tuân theo các hướng dẫn cho việc chuẩn bị bản tổng hợp của giáo phận như được mô tả bên dưới.

 – Hội nghị Tiền-Thượng hội đồng Giáo Phận: Các giáo phận được khuyến nghị nên tổ chức Hội nghị Tiền-Thượng hội đồng cấp Giáo phận bao gồm cả cử hành phụng vụ. Đây là đỉnh cao của tiến trình thỉnh ý trong giáo phận. Các thành viên tham dự cùng nhau cầu nguyện, lắng nghe, suy tư và phân định con đường hiệp hành theo hướng mà Thần Khí Chúa đang kêu gọi toàn Giáo phận thực hiện.

– Chuẩn bị và đệ trình bản tổng hợp của Giáo phận dựa trên tất cả các phản hồi đã được đón nhận từ khắp Giáo phận cũng như dựa trên diễn tiến của Hội nghị Tiền-Thượng hội đồng. Bản tổng hợp này phải được đệ trình lên Hội đồng giám mục vào ngày đã ấn định. Sau khi hoàn thành, bản tổng hợp nên được phổ biến trên toàn giáo phận. Tiến trình Hiệp hành này không phải là kết thúc nhưng là một khởi đầu mới.

WHĐ (10.11.2021)

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận