Tiếp kiến chung 24/1: Tham lam là căn bệnh của tâm hồn

1571 lượt xem

TIẾP KIẾN CHUNG 24/01: THAM LAM LÀ CĂN BỆNH CỦA TÂM HỒN

Vatican News 
Trong bài giáo lý tại buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư ngày 24/1/2024, Đức Thánh Cha suy tư về sự tham lam. Đó là thói xấu gây ra ham muốn tiền bạc. Nó làm băng hoại ý chí con người, khiến con người chỉ chú tâm vào của cải vật chất. Đức Thánh Cha khuyên chúng ta đừng để của cải chiếm hữu chúng ta, nhưng trái lại, hãy học nơi Chúa Kitô, Đấng dù giàu có, đã trở nên nghèo để làm cho chúng ta trở nên giàu có bằng sự nghèo khó của Người (x. 2 Cor 8,9).
Sau lời chào phụng vụ của Đức Thánh Cha, cộng đoàn cùng lắng nghe đoạn sách trích từ thư thứ nhất của Thánh Phaolô gửi cho Timôthêô (1 Tm 6,8-10):

Vậy nếu có cơm ăn áo mặc, ta hãy lấy thế làm đủ. Còn những kẻ muốn làm giàu, thì sa chước cám dỗ, sa vào cạm bẫy và nhiều ước muốn ngu xuẩn độc hại; đó là những thứ làm cho con người chìm đắm trong cảnh huỷ diệt tiêu vong. Thật thế, cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng ham muốn tiền bạc, vì buông theo lòng ham muốn đó, nhiều người đã lạc xa đức tin và chuốc lấy bao nỗi đớn đau xâu xé.

Và Đức Thánh Cha bắt đầu bài giáo lý như sau:

Tham lam là căn bệnh của tâm hồn

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Chúng ta tiếp tục các bài giáo lý về các thói xấu và các nhân đức và hôm nay chúng ta nói về sự tham lam, tức là về hình thức gắn bó với tiền bạc khiến con người không thể rộng lượng quảng đại.

Đó không phải là thứ tội chỉ liên quan đến những người sở hữu tài sản to lớn, nhưng là một tội lỗi gián tiếp, thường không liên quan gì đến số tiền trong tài khoản của mình. Đó là căn bệnh của tâm hồn, không phải của ví tiền.

Sự tích lũy bệnh hoạn

Các phân tích được các thánh ẩn sĩ trong sa mạc thực hiện về thói xấu này đã cho thấy rõ rằng tính tham lam cũng có thể làm chủ các tu sĩ; sau khi đã từ bỏ những tài sản thừa kế to lớn, đơn độc trong căn phòng, họ đã trở nên gắn chặt với những đồ vật ít giá trị: họ không cho mượn, không chia sẻ chúng, càng không sẵn sàng cho đi. Những đồ vật đó đã trở thành một thứ họ tôn thờ và họ không thể dứt ra được. Một kiểu hồi tưởng về thời trẻ thơ, nắm chặt lấy đồ chơi và lặp đi lặp lại: “Của tôi! Nó là của tôi!”. Sự bám chặt như thế lấy mất đi tự do. Trong tuyên bố này ẩn chứa một mối quan hệ không lành mạnh với thực tế, điều có thể dẫn đến các hình thức bị thúc đẩy chiếm hữu hoặc tích lũy bệnh hoạn.

Của cải không thể theo ta vào quan tài

Để chữa lành căn bệnh này, các đan sĩ đã đề xuất một phương pháp quyết liệt nhưng rất hiệu quả: suy niệm về sự chết. Dù một người có tích lũy của cải trên đời này bao nhiêu đi chăng nữa, có một điều chúng ta hoàn toàn chắc chắn: chúng sẽ không theo ta vào quan tài. Chúng ta không thể mang của cải theo mình. Điều này bộc lộ sự vô nghĩa của thói xấu này. Mối ràng buộc sở hữu mà chúng ta xây dựng bằng vật chất chỉ là bề ngoài, bởi vì chúng ta không phải là chủ nhân của thế giới: trái đất mà chúng ta yêu quý này thực ra không phải của chúng ta, và chúng ta di chuyển trên đó như những ngoại kiều và những người hành hương (xem Lv 25,23).

Lý do của lòng tham: muốn xua tan nỗi sợ chết

Những suy tư đơn giản này giúp chúng ta hiểu được sự điên rồ của lòng tham nhưng cũng là lý do được che dấu nhất của nó. Đó là một nỗ lực để xua tan nỗi sợ chết: tìm kiếm những điều chắc chắn mà trên thực tế sẽ sụp đổ ngay khi chúng ta nắm bắt được chúng. Anh chị em hãy nhớ câu chuyện ngụ ngôn về người khờ dại, có cánh đồng sinh được một mùa màng bội thu, và sau đó ông chìm đắm trong suy nghĩ về việc làm thế nào để mở rộng nhà kho của mình để chứa toàn bộ những gì thu hoạch được. Người đàn ông đó đã tính toán mọi thứ, lên kế hoạch cho tương lai. Tuy nhiên, ông vẫn chưa xem xét yếu tố chắc chắn biến đổi nhất của cuộc sống: đó là cái chết. Tin Mừng nói: “Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?” (Lc 12,20).

Hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời

Trong những trường hợp khác, chính những kẻ trộm có lợi cho chúng ta. Họ cũng xuất hiện cả trong Tin Mừng rất nhiều lần và, mặc dù hành động của họ đáng chê trách, nhưng nó có thể trở thành một lời cảnh báo hữu ích. Chúa Giêsu rao giảng như thế trong Bài Giảng Trên Núi: “Anh em đừng tích trữ cho mình những kho tàng dưới đất, nơi mối mọt làm hư nát, và kẻ trộm khoét vách lấy đi. Nhưng hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát, và kẻ trộm không khoét vách lấy đi” (Mt 6,19-20). Cũng trong những câu chuyện của các bậc tu hành trong sa mạc có kể câu chuyện về một tên trộm đã đến bất ngờ khi vị đan sĩ đang ngủ và đánh cắp một ít tài sản mà ông cất giữ trong phòng. Khi thức dậy, không hề băn khoăn về những gì đã xảy ra, vị đan sĩ bắt đầu lần theo dấu vết của tên trộm và khi tìm thấy hắn, thay vì đòi lại đồ ăn trộm, ông đưa cho hắn vài thứ còn lại và nói: “Anh quên lấy những thứ này!”.

Đức Kitô vốn giàu có nhưng vì chúng ta, Người đã trở nên nghèo khó 

Chúng ta có thể là chủ nhân của những thứ chúng ta sở hữu, nhưng điều ngược lại thường xảy ra: cuối cùng chúng sở hữu chúng ta. Một số người giàu có không còn tự do, thậm chí không còn thời gian để nghỉ ngơi, họ phải cảnh giác vì việc tích lũy của cải cũng cần có sự bảo vệ của họ. Họ luôn lo lắng vì một gia sản được xây dựng bằng bao nhiêu mồ hôi nhưng có thể biến mất chỉ trong chốc lát. Họ quên lời rao giảng của Phúc Âm; Phúc Âm không cho rằng sự giàu có tự bản thân nó là tội lỗi, nhưng chắc chắn đó là một trách nhiệm. Thiên Chúa không nghèo: Người là Chúa của mọi sự, tuy nhiên – Thánh Phaolô viết – “Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để nhờ sự nghèo khó của Người mà anh em trở nên giàu có” (2 Cr 8,9).

Hãy quảng đại

Đây là điều mà kẻ keo kiệt không hiểu được. Thay vì có thể là nguồn phúc lành cho nhiều người, ngược lại, họ lại rơi vào ngõ cụt của bất hạnh. Và cuộc đời của một người keo kiệt thật tồi tệ. Tôi nhớ trường hợp của một người đàn ông tôi gặp ở giáo phận kia, một người rất giàu và có người mẹ bị bệnh. Ông đã có gia đình. Các anh em thay phiên nhau chăm sóc mẹ; bà ăn một ly sữa chua vào mỗi buổi sáng. Người đàn ông này cho bà ăn một nửa vào buổi sáng và nửa còn lại vào buổi chiều và tiết kiệm được một nửa. Đây là thói keo kiệt, đây là cách bám víu vào của cải. Sau đó, người đàn ông này qua đời, và những người đến dự buổi cầu nguyện nhận xét: “Nhưng, chúng ta có thể thấy rằng người đàn ông này chẳng có gì trên người cả: ông đã bỏ lại đàng sau mọi thứ”. Sau đó, họ nói cách hơi giễu cợt: “Không, không, người ta không thể đóng quan tài vì ông muốn mang theo mình mọi thứ”. Và điều này khiến người khác cười nhạo, tính tham lam keo kiệt: cuối cùng, chúng ta phải dâng thân xác, linh hồn của mình cho Chúa và chúng ta phải bỏ lại tất cả. Chúng ta hãy cẩn thận và quảng đại: quảng đại với mọi người và quảng đại với những người cần chúng ta nhất. Xin cảm ơn.

Vào cuối buổi tiếp kiến, trong lời chào các tín hữu hành hương, Đức Thánh Cha cầu nguyện xin Chúa ban cho chúng ta có tâm hồn không dính bén với của cải vật chất, không tích lũy của cải dưới đất này nhưng là ở trên trời, và xin ân sủng để gắn bó với điều tốt đích thực duy nhất, đó là tình yêu của Người và tình yêu dành cho anh chị em chúng ta.

Buổi tiếp kiến kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành Đức Thánh Cha ban cho mọi người.

Nguồn: vaticannews.va

Có thể bạn quan tâm