Thư Chung năm 2022 của Hội đồng Giám mục Việt Nam – Về Giáo hội hiệp hành

1583 lượt xem

HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM

Thư Chung gửi Cộng đoàn Dân Chúa

VỀ GIÁO HỘI HIỆP HÀNH

Anh chị em thân mến,

1- Chúng tôi, các Giám mục thuộc 27 giáo phận, tham dự Đại hội lần thứ XV của Hội đồng Giám mục Việt Nam từ ngày 03 đến ngày 07 tháng 10 năm 2022 tại Toà Tổng Giám mục Hà Nội, xin gửi tới anh chị em lời chào thân ái và lời cầu chúc bình an.

2- Trước hết, chúng tôi tạ ơn Chúa vì Ngài luôn yêu thương và chúc phúc cho Giáo hội và Quê hương Việt Nam. Chúng tôi cũng chia sẻ những thao thức, thảo luận và đưa ra những định hướng mục vụ cho cộng đoàn Dân Chúa. Như chúng ta đã biết, gần ba năm qua, đại dịch COVID-19 đã gây ra thảm hoạ khắp nơi trên thế giới và tại Việt NamMặc dù vậy, chính trong bối cảnh đại dịch mà chúng ta được chứng kiến những hình ảnh đẹp của tình người. Không phân biệt tôn giáo và quan điểm lập trường, rất nhiều cá nhân cũng như tổ chức đã chung sức chung lòng cứu giúp các bệnh nhân, đẩy lùi dịch bệnh và nâng đỡ người dân bị ảnh hưởng do đại dịch. Trong số đó, có những linh mục, tu sĩ và giáo dân can đảm nhiệt huyết dấn thân trong các bệnh viện dã chiến và các khu cách ly để giúp bệnh nhân. Sự hy sinh, phục vụ của anh chị em trong lúc đại dịch là chứng từ mạnh mẽ về đức Bác ái Kitô giáo, để lại những ấn tượng tốt đẹp về Giáo hội Công giáo.

3- Cùng với Giáo hội hoàn vũ, trong Thư Chung này, chúng tôi mời gọi anh chị em sống tinh thần hiệp hành. Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập Thượng Hội đồng Giám mục thế giới, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khẳng định: “Con đường hiệp hành này chính là con đường Thiên Chúa mong đợi nơi Giáo hội của thiên niên kỷ thứ ba” (Trích diễn từ ngày 17-10-2015). Hưởng ứng lời mời gọi của Đức Thánh Cha và theo hướng dẫn của Văn phòng trung ương Thượng Hội đồng, 27 giáo phận Việt Nam đã thực hiện tiến trình Thượng Hội đồng cấp giáo phận cách tích cực. Những buổi gặp gỡ để thỉnh ý Dân Chúa đã được tổ chức ở cấp giáo xứ, giáo hạt, dòng tu và giáo phận. Đông đảo tín hữu đã nhiệt tình tham gia tiến trình này. Tiến trình Thượng Hội đồng cho chúng ta thấy một bức tranh toàn cảnh về đời sống của Giáo hội Công giáo tại Việt Nam, trong đó có những điều tốt và những điều chưa tốt. Tiến trình này được coi như một cuộc thao luyện thiêng liêng, nhằm thúc đẩy một cách thể hiện mới của Giáo hội tại Việt Nam. Sau khi đón nhận những bản tổng kết của các giáo phận, Văn phòng Thư ký Hội đồng Giám mục đã tổng hợp và gửi về Rôma, với mục đích góp phần soạn thảo Tài liệu làm việc của Thượng Hội đồng Giám mục thế giới lần thứ XVI.

4- Dù giai đoạn Thượng Hội đồng cấp giáo phận đã kết thúc, tinh thần hiệp hành vẫn cần phải được tiếp tục và phát huy trong đời sống Giáo hội địa phương, vì thế chúng tôi đề ra chương trình mục vụ ba năm sắp tới như sau:

– Năm 2023: Củng cố sự hiệp thông;

– Năm 2024: Thúc đẩy sự tham gia đời sống Giáo hội;

– Năm 2025: Cùng nhau loan báo Tin Mừng.

5- Riêng năm 2023, với chủ đề “Củng cố sự hiệp thông”, chúng tôi đề nghị những thực hành cụ thể như sau:

a- Mối hiệp thông giữa các tín hữu được xây dựng trên nền tảng Lời Chúa. Cần cổ võ việc đọc Kinh Thánh đối với cá nhân, việc chia sẻ Lời Chúa trong gia đình hoặc trong nhóm nhỏ, để Lời Chúa thấm nhập cuộc sống. Đối với các linh mục, nhiệm vụ quan trọng nhất là loan báo Lời Chúa. Ước mong các vị chủ chăn quan tâm dành thời gian chuẩn bị bài giảng trong các cử hành Phụng vụ, mở các lớp học Thánh Kinh và giúp anh chị em tín hữu được nuôi dưỡng bằng Lời hằng sống.

b- Bí tích Thánh Thể là nguồn suối hiệp thông. Khi chúng ta rước Mình và Máu Chúa Kitô, chúng ta được hiệp thông với Chúa và được liên kết với nhau (x. 1 Cr 10,16-17). Vì thế, các tín hữu cần tham dự thánh lễ cách tích cực và sống động, nhờ đó ngày càng củng cố mối hiệp thông với Chúa và với nhau trong Chúa. Cũng cần giúp các tín hữu hiểu biết Phụng vụ, như Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi trong Tông Thư về đào tạo Phụng vụ cho Dân Chúa (Desiderio Desideravi), ban hành ngày 29-6-2022.

c- Sự hiệp thông trong Giáo hội không chỉ được thể hiện qua Phụng vụ, mà còn qua tình tương thân tương ái, thành tâm lắng nghe nhau trong cộng đoàn, và qua những nghĩa cử bác ái giữa những người đồng đạo cũng như đối với anh chị em không cùng niềm tin. Ngày nay, với những thành tựu khoa học, cuộc sống vật chất được cải thiện rõ rệt, nhưng tình người lại có nguy cơ giảm sút. Chúng ta cần quan tâm đến người cao tuổi, người mắc ngăn trở hôn phối hoặc gặp khó khăn trong hôn nhân, người khuyết tật, người nghèo khổ, dân tộc thiểu số, anh chị em xa quê và những nạn nhân thiên tai. Mối quan tâm này cần phải được thực hiện cách cụ thể và mang tính lâu dài, nhằm nâng đỡ những người bất hạnh. Đức bác ái là cốt lõi giáo huấn của Chúa Giêsu. Người dạy chúng ta: khi chúng ta giúp đỡ người nghèo khổ là giúp đỡ chính Chúa (x. Mt 25,31-46).

d- Trong xã hội hôm nay, các phương tiện truyền thông rất đa dạng và ngày càng hiện đại. Người tín hữu cần tiếp cận và sử dụng các phương tiện truyền thông để hoà nhập với thế giới hiện đại, trau dồi kiến thức và học hỏi Lời Chúa. Tuy vậy, có không ít những hậu quả tiêu cực từ truyền thông, nên cũng cần thận trọng trong việc đón nhận và chuyển tải thông tin. Hiện nay, một số trang mạng mang danh Công giáo, nhưng lại đăng tải những nội dung thiếu kiểm chứng, đặt những tựa đề giật gân, với mục đích thu hút sự chú ý của độc giả. Những thông tin sai lạc này làm tổn hại nghiêm trọng hình ảnh của Giáo hội và gây hoang mang nơi người tín hữu. Những người làm công tác truyền thông cần lưu ý đến lương tâm và đạo đức, theo nguyên tắc: loan báo Sự Thật trong Đức Ái. Truyền thông phải là phương tiện kết nối con người trong tình thân nghĩa, chứ không phải để gieo rắc hoang mang chia rẽ, thậm chí gây thù hận và đẩy người khác đến đường cùng.

Anh chị em thân mến,

6- Hưởng ứng tinh thần hiệp hành của Thượng Hội đồng Giám mục thế giới, chúng ta được mời gọi không ngừng hoán cải. Hoán cải là điều kiện thiết yếu giúp chúng ta biết gặp gỡ, lắng nghe và phân định cách phù hợp thánh ý Thiên Chúa. Chúng ta cầu nguyện cho các tín hữu trên toàn thế giới được thấm nhuần tinh thần hiệp hành, để cùng nhau sống Đức tin và xây dựng Nhiệm thể Chúa Kitô.

7- Nhân dịp Đại hội lần thứ XV Hội đồng Giám mục Việt Nam, chúng tôi gửi lời chào Quý Đức Cha, Quý Cha, Quý Tu sĩ và anh chị em giáo dân Việt Nam đang sống ở các miền đất khác nhau trên thế giới. Cám ơn anh chị em luôn yêu mến Giáo hội và Quê hương Việt Nam, và thể hiện tình yêu mến ấy bằng những nghĩa cử cụ thể. Nguyện xin Chúa chúc lành và nâng đỡ anh chị em trong đời sống hằng ngày.

8- Theo thông lệ, Đại hội là dịp bầu Ban Thường vụ và Chủ tịch các Uỷ ban trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam. Xin anh chị em cầu nguyện cho chúng tôi được dồi dào ơn Chúa Thánh Thần, nhiệt tâm chu toàn bổn phận được trao phó, cùng với anh chị em loan báo Tin Mừng Đức Giêsu tại Quê hương thân yêu của chúng ta.

Đại hội lần thứ XV Hội đồng Giám mục Việt Nam bế mạc vào ngày 07 tháng 10 năm 2022, lễ Đức Mẹ Mân Côi. Chúng ta hãy nhờ Mẹ Maria để đến với Chúa. Ước gì mỗi chúng ta siêng năng lần hạt Mân Côi, suy niệm Lời Chúa và noi gương các nhân đức của Đức Mẹ. Xin Mẹ chuyển cầu cùng Chúa cho chúng ta được ơn thánh thiện, cho Quê hương được an bình và cho đồng bào được hạnh phúc.

Làm tại Toà Tổng Giám mục Hà Nội
Ngày 07 tháng 10 năm 2022

(đã ấn ký)

+ Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh
Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam

(đã ký)

+ Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Khảm
Tổng Thư ký

Tải về file PDF của Thư Chung

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận