Theo đạo Công giáo có thờ kính ông bà tổ tiên?

11755 lượt xem

Đó là câu hỏi tôi được nghe nhiều nhất từ những người bạn không cùng tôn giáo với mình. Phần đông nhiều người ngoài Công giáo vẫn cho rằng, theo đạo Công giáo là bất hiếu, là bỏ quên ông bà tổ tiên. Dẫu biết đây là một quan niệm hoàn toàn sai về đạo Công giáo nhưng phải giải thích làm sao cho họ biết, hiểu và tin đây? Đó thật là một điều không dễ dàng.

Tôi có một người bạn ngoại đạo vẫn thường hay than thở rằng: Là dâu cả trong gia đình, mỗi năm bạn ấy phải chuẩn bị mâm cỗ cúng đơm cho gần chục người thân, họ tộc vào ngày giỗ kỵ. Và với họ, đó như là một việc làm thể hiện lòng hiếu thảo với những người đã khuất. Rồi bạn ấy bảo: Theo đạo Công giáo như mình sướng thật, chả phải chuẩn bị mâm cỗ gì, thế không thờ kính ông bà tổ tiên à?

Mặc dù đã rất nhiều lần cặn kẽ giải thích việc thờ kính ông bà tổ tiên của đạo Công giáo vẫn làm hằng ngày là cầu nguyện cho các ngài nhưng có vẻ chưa đủ thuyết phục để bạn tin vào đạo.

Ngày 02/11 vừa qua, mở đầu tháng cầu nguyện cho các linh hồn, Giáo xứ Tĩnh Giang đã long trọng tổ chức chương trình Thắp hương hiếu thảo và thánh lễ cầu nguyện cho các linh hồn, bạn là một trong hơn 300 khách mời được tham dự vào nghi thức chung cùng mọi người trong không khí trang nghiêm và linh thiêng của buổi dâng hương tỏ lòng hiếu thảo ông bà, tổ tiên.

Chia sẻ về mục đích và ý nghĩa của thánh lễ đặc biệt này, Cha quản xứ Giuse Nguyễn Viết Nam bày tỏ sự vui mừng và cho biết đây là một cuộc hội ngộ tuyệt vời và rất đặc biệt. Đặc biệt bởi, dù có những khác biệt trong cộng đoàn tham dự như không cùng niềm tin, không cùng tôn giáo nhưng lại có những điểm tương đồng đó là mọi người đều hướng về Thiên Chúa là Đấng tạo hóa. Qua chương trình thắp hương bày tỏ lòng hiếu kính với tổ tiên ông bà cha mẹ, hy vọng mọi người sẽ xích lại gần nhau, hướng về Thượng Đế duy nhất vì chúng ta là anh em một nhà, là con một Cha trên trời.

Hay trong tâm tình hướng về cội nguồn, Cha Antôn Võ Thành Công đã chia sẻ về mối tương quan giữa những người còn sống và những người đã qua đời. Đó là, “Giữa người Công giáo và ngoài người Công giáo chúng ta liên kết trong một gia đình. Chúng ta không tin những gì thuộc về thế gian, những gì chúng ta đang sống nhưng tin vào sự sống của những người đã qua đời, đó là tổ tiên, ông bà, cha mẹ”. Những người Công giáo luôn luôn tin rằng, ông bà tổ tiên dù đã qua đời nhưng các ngài vẫn sống với chúng ta và có một mối liên hệ mật thiết với các ngài. Chính vì vậy, chúng ta hãy sống tâm tình tưởng nhớ, biết ơn và cầu nguyện cho ông bà tổ tiên chúng ta.

Kết thúc thánh lễ bạn thì thầm nhỏ với tôi: Từ trước tới nay, đây là lần đầu tiên bạn tham dự trọn vẹn một thánh lễ để tưởng nhớ ông bà tổ tiên, và cũng lần đầu tiên bạn hiểu đúng về đạo Công giáo bởi trước đó bạn chỉ mới “nghe nói” mà chưa một lần được tham dự cùng. Rồi bạn hỏi: Lần sau tham dự nữa được không? Tôi mỉm cười và gật đầu đồng ý.

Trong phần dạ tiệc thân tình với anh chị em lương dân, không khí tình thân bao trùm không gian tại giáo xứ Tĩnh Giang. Bỏ qua những khác biệt về niềm tin, bỏ qua những nghi kỵ bấy lâu, tất cả mọi người cùng hòa vào không khí ấm cúng trao nhau những lời ca tiếng hát cùng hướng về cội nguồn.

Tôi được nghe rất nhiều tâm tình của những người anh em không cùng tôn giáo chia sẻ những cảm nhận thật lòng của họ khi tham dự lần này. Một bác trai là công chức về hưu nói rằng: lâu nay đã nhầm lẫn, hiểu sai giữa việc tôn thờ đạo với nghĩa cử báo hiếu đối với ông bà tổ tiên. Chúng ta có chung một Đấng tạo hóa nhưng cách gọi khác nhau mà thôi, hóa ra đều là anh em một nhà, có chung một Cha trên trời.

Bên cạnh những người cùng chia sẻ niềm vui chung hướng về ông bà tổ tiên, đã có những giọt nước mắt lăn xuống trên khuôn mặt của một vài người tối hôm đó. Họ khóc vì từ trước tới nay họ đang sống bơ vơ, không có điểm tựa, không biết tin vào ai giữa cuộc sống xô bồ này. Họ thật lòng chia  rằng: ông bà, cha mẹ là những người theo đạo Công giáo nhưng đến thời con cháu như họ thì đã bỏ quên Chúa, bỏ quên các nghi thức phụng vụ hằng ngày, đời sống đức tin đã không còn nữa. Đi cùng người Công giáo tham dự thánh lễ, họ xem như là thánh lễ duy nhất, một thánh lễ đặc biệt từ trước tới nay, là một cuộc gặp gỡ giao thoa kết nối với những người thân đã khuất. Lần sau nếu có thánh lễ như thế này, họ sẽ mang theo hết di ảnh của người thân đi để cầu nguyện cho tổ tiên, ông bà và điều đặc biệt là họ sẽ trở lại với Chúa, tìm lại đức tin mình đã đánh mất lâu nay.

Thật không còn gì hạnh phúc hơn khi được nghe chia sẻ từ những “người lạ” như thế. Lạ, bởi trước đó là người mình không quen biết, lạ bởi trước đó họ với mình không cùng niềm tin. Nhưng nay, họ đã thành người quen, thành anh em một nhà khi được nối kết với nhau qua lòng hiếu kính với tổ tiên, nối kết với nhau trong tâm tình hướng về Thiên Chúa là Cha.

Có lẽ cái được lớn nhất của chương trình thắp hương hiếu thảo và thánh lễ cầu nguyện cho ông bà tổ tiên không chỉ là về số lượng có bao nhiêu anh chị em tham dự mà điều quan trọng là tháo gỡ được “nút thắt” về đạo Công giáo, tháo gỡ sự nhầm lẫn việc thờ Chúa mà bỏ quên ông bà bấy lâu nay đã ăn sâu vào thâm tâm những người ngoài Công giáo. Họ không biết rằng, đạo Công giáo chúng ta tôn thờ Thiên Chúa và kính nhớ ông bà tổ tiên. Đó còn là một trong mười điều răn Chúa dạy chúng ta phải thực hiện mỗi ngày trong đời là thảo kính cha mẹ.

Tận trong sâu thẳm tâm hồn mỗi người, ai sống trên đời mà chẳng có người sinh ra, chân lý này chỉ mới dừng lại ở công ơn sinh thành. Quả thực, con người sống với nhau, luôn có mối dây thiêng liêng liên kết ràng buộc, ta gọi đó là tình nghĩa gia đình và đạo hiếu đối với ông bà, tổ tiên.

Tháng 11 đã về, tháng mà chúng ta dành trọn để tâm tình để báo hiếu các bậc đã sinh thành, dưỡng dục chúng ta nên người. Mỗi người Kitô hữu hãy là những cây nến sáng thắp lên lòng hiếu kính đối với các ngài qua lời cầu nguyện, qua thánh lễ mỗi ngày và là những chứng nhân loan báo tin mừng của Chúa đến với những người xung quanh.

Tâm An

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận