Sáng ngày 18 tháng 2 năm 2019, tại giáo họ Lộc Giang, xứ Tân Hội, Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, đã dâng thánh lễ tạ ơn và chủ sự nghi thức đặt viên đá đầu tiên xây dựng Nhà thờ giáo họ. Đồng tế với Ngài còn có Cha Gioan Baotixita Nguyễn Huy Tuấn, quản hạt Ngàn Sâu và quản nhiệm giáo xứ Tân Hội, cùng quý Cha trong và ngoài giáo hạt, Quý tu sĩ nam nữ và đông đảo bà con giáo dân trong và ngoài giáo xứ đến tham dự.
Trong lời khai lễ, Đức Cha phaolô đã bày tỏ niềm vui và ngỏ lời chào thân thương tới cộng đoàn hiện diện. Đặc biệt Ngài đã có những lời dặn dò, động viên, khích lệ dành riêng cho bà con giáo dân giáo họ Lộc Giang, nhất là trong công việc xây dựng Nhà Chúa, Đức cha Phaolô mời gọi mọi người sống tinh thần hiệp nhất, đoàn kết yêu thương nhau, đồng tâm hợp lực để xây dựng, không chỉ đền thờ vật chất, mà quan trọng là đền thờ tâm hồn.
Giáo họ Lộc Giang hiện có 100 hộ gia đình, với 400 nhân khẩu, nằm trên địa bàn xóm 10 xã Hương Trạch, huyện Hương Khê, tỉnh Hà tĩnh. Một vùng đất bên bờ thượng nguồn dòng sông Ngàn Sâu, địa thế đó khiến giáo họ Lộc Giang đã phải trải qua rất nhiều bước thăng trầm với 3 lần chuyển chỗ, 4 lần xây, sửa nhà thờ do phải gánh chịu nhiều trận lũ lụt, sạt lở.
Nhìn lại chặng đường hình thành và phát triển của giáo họ Lộc Giang từ đầu thế kỷ 20 (khoảng năm 1935), nơi đây đã có 12 hộ gia đình từ làng Giang Lĩnh và làng Tân Lộc của giáo xứ Tràng Lưu theo dọc con sông Ngàn Sâu lên đây làm ăn sinh sống và ở lại khai hoang lập nghiệp. Vì bất tiện trong việc sinh hoạt tôn giáo bởi xa xôi cách trở nên cả 12 hộ gia đình đã tụ họp tại bến Cây Dừa, cùng với cha quản xứ Tân Hội lúc bấy giờ là Cha GB. Nguyễn Lưu, lập thành một nhóm họ lấy tên của 2 làng Giang Lĩnh và Tân Lộc ghép lại thành giáo họ Lộc Giang, nhận Thánh nữ Têrêxa làm quan thầy và chọn bến Cây Dừa làm nơi sinh hoạt trong các ngày lễ, ngày tết, hay hội họp.
Năm 1937, cộng đoàn nhỏ bé nơi đây đã đồng tâm hợp lực, chung tay góp sức làm một ngôi lán tạm để có nơi sinh hoạt, thờ tự và kinh lễ. Có được lán tạm, có nơi tập trung cố định, năm 1938, giáo họ đã tổ chức cuộc rước thuyền rất long trọng, mở đầu cho một cộng đoàn Công giáo hoạt động có quy mô nơi mảnh đất miền sơn cước xa xôi hẻo lánh này.
Năm 1939, Cha quản xứ GB. Nguyễn Lưu đã cho giáo họ một số gỗ của nhà thờ xứ dư lại cùng huy động bà con đóng góp, giáo họ đã làm nên một ngôi nhà thờ bằng gỗ. Năm 1940, trong dịp lễ nhớ Thánh nữ Têrêxa, quan Thầy giáo họ, ngôi nhà thờ đã được cha quản hạt lúc bấy giờ là Cố Bá làm phép, cắt băng khánh thành và chính thức đưa vào sử dụng.
Thế nhưng, niềm vui đó chưa được bao lâu thì Năm 1944, vùng quê này đã xảy ra một trận lũ lịch sử làm ngập chìm cả nhà thờ và cuốn trôi nhiều nhà dân, gây thiệt nặng nề về người và của. Tiếp đó là nạn đói năm 1945 khiến nhiều người phải tản mác, tha phương cầu thực, nhiều gia đình đã ra đi mà không còn trở về nơi đây sinh sống.
Đến năm 1950, Cha già Kiểng cho phép chuyển nhà thờ đến bến Cây Đa, tức bến Bà Dương, vị trí đặt nhà thờ xứ hôm nay, vì ở đây có đông dân hơn để tiện việc sinh hoạt, thờ phụng, kinh lễ và giáo họ nhận thánh Phêrô làm quan thầy.
Qua bao ngày yên ổn, phồn thịnh, nhiều lần giáo họ tổ chức rước kiệu hoa bằng thuyền rất long trọng, tinh thần sống đạo đang lên cao, thì năm 1954, cuộc giảm tô, cải cách diễn ra, Cha già Kiểng bị bắt, giáo xứ không có cha quản xứ; Cha già Bang lúc bấy giờ đang quản xứ Tràng Lưu phải lên kiêm nhiệm giáo xứ Tân Hội.
Đến năm 1967, cha già Bài về quản xứ nhưng lại đang trong những ngày chiến tranh ác liệt, giáo họ lại phải rút về chỗ cũ là vùng đất Lộc Giang hôm nay.
Năm 1980, cha Phaolô Nguyễn Đăng Cao về coi sóc giáo xứ và ngài đã cùng với giáo họ làm lại ngôi nhà nhà thờ bằng gỗ khá khang trang.
Thế nhưng niềm vui chưa trọn, gian khổ lại về, trong một ngày nắng hè oi ả vào năm 1984, một cơn hỏa hoạn đã thiêu rụi ngôi nhà thờ. Thế là khó khăn lại chồng chất khó khăn, cả giáo họ tưởng chừng như tuyệt vọng bởi những biến cố nối tiếp nhau. Nhưng rồi “trong cái khó ló cái khôn, trong gian nan dâng tràn ý chí”, toàn giáo họ, với sự hậu thuẫn của cha quản nhiệm Phêrô Phan Văn Thái, cùng sự khích lệ động viên của cha quản xứ tiền nhiệm Phaolô Nguyễn Đăng Cao, năm 1988 một ngôi nhà thờ bằng gỗ mới đã được khởi công xây dựng. Năm 1996, Cha quản hạt Gioan Nguyễn Quang Dũ làm phép và cắt băng khánh thành.
Trong những năm gần đây, ngôi nhà thờ bằng gỗ được làm gấp gáp từ thời đó đã xuống cấp trầm trọng, không thể đảm bảo an toàn cho giáo dân sinh hoạt, kinh lễ hằng ngày. Trước hiện trạng đó, giáo họ đã xin Cha quản nhiệm Gioan Baotixita và đệ trình Đức Giám mục giáo phận cho phép xây lại ngôi nhà thờ.
Trong bài chia sẻ, Đức Cha Phaolô đã cảm kích trước những biến cố mà giáo họ đã phải trải qua. Đức Cha đã cho toàn thể cộng đoàn thấy rõ hơn tình yêu thương đùm bọc, sự nâng đỡ phù trì của Chúa luôn dành cho mỗi người chúng ta, cho một Đức tin kiên vững. Ngài nói “Nhìn lại lịch sử giáo họ, tôi thật sự cảm kích và nhận thấy Thiên Chúa luôn hiện diện, nâng đỡ và đồng hành cùng với bà con nơi đây. Có những biến cố khiến cho giáo họ tưởng chừng như không thể vực dậy, nhưng cha ông chúng ta vẫn đứng lên vững vàng hơn, mạnh mẽ hơn để vượt qua tất cả. Tên gọi Lộc Giang không mờ nhạt theo năm tháng, giáo họ Lộc Giang không mất đi, mà ngược lại, ngày càng lớn mạnh hơn, bền vững hơn. Tôi hy vọng và mong muốn rằng ngôi nhà thờ này sẽ sớm được hoàn thành, sẽ bền vững như chính tấm lòng kiên trung son sắt của bà con nơi đây. Giáo họ sẽ ngày càng phồn thịnh, Đức tin càng vững mạnh và tinh thần sống đạo của bà con ngày càng tốt hơn”.
Kết thúc Thánh lễ, Cha GB. Nguyễn Huy Tuấn, bày tỏ niềm vui qua những lời cảm ơn tới Đức Cha Phaolô, cám ơn quý Cha, quý tu sĩ nam nữ, quý ân nhân, quý khách mời và cộng đoàn hiện diện. Cha Gioan Baotixita cũng đã cám ơn quý vị ân nhân, các nhà hảo tâm đã đóng góp công của trong việc xây nhà thờ giáo họ Lộc Giang.
Thánh lễ kết thúc, nhưng chắc chắn rằng vẫn còn nhiều dư âm, nhiều cảm xúc và đó sẽ là nguồn động viên, khích lệ, tạo thêm động lực để công trình Nhà Chúa sớm được hoàn thành một cách tốt đẹp nhất.
Đaminh Tiến Khởi
Có thể bạn quan tâm
Chuyến mục vụ của Đức cha Louis trước đại lễ Giáng Sinh
Th12
Suy Niệm Lễ Giáng Sinh – Một Người Con Đã Được Ban Tặng..
Th12
Ngày 25 Tháng 12 – Đại Lễ Giáng Sinh
Th12
Ngắm nhìn Hang Đá Máng Cỏ chúng ta nghĩ gì?
Th12
Thư Gửi Sinh Viên, Học Sinh Công Giáo Nhân Dịp Mừng Lễ Chúa..
Th12
Thánh Lễ An Táng Đức Cố Tổng Giám Mục Têphanô Nguyễn Như Thể
Th12
Suy Niệm Chúa Nhật IV Mùa Vọng C: Đức Maria, Người mang Chúa..
Th12
Đức Thánh Cha Phanxicô: Năm Thánh, Cơ Hội Ân Sủng Gặp Gỡ Chúa..
Th12
Bầu không khí và các Hang đá mừng Chúa Giáng Sinh tại Giáo..
Th12
Thánh Ca Năm Thánh 2025
Th12
Điều gì đã lấy mất ý nghĩa Giáng sinh của chúng ta
Th12
Cầu nguyện cho Đức Thánh Cha dịp ngài tròn 88 tuổi
Th12
Bài Hát Cộng Đồng Lễ Chúa Giáng Sinh Năm 2024
Th12
VPTGM-GPHT: Thông báo Thánh lễ Khai mạc Năm Thánh 2025
Th12
5 Cách Đơn Giản Để Dọn Tâm Hồn Đón Chúa
Th12
Ai Tín Của Toà Tổng Giám Mục Huế: Đức Nguyên Tổng Giám Mục..
Th12
Hy Vọng Trong Thời Đại Kỹ Thuật Số: Những Đề Xuất Mục Vụ..
Th12
Nguồn Gốc và Ý Nghĩa Của Hang Đá
Th12
Bài Hát Cộng Đồng Lễ Đêm Chúa Giáng Sinh Năm 2024
Th12
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam Dựng Bia Ghi Ơn Hội Thừa Sai..
Th12