Âm nhạc không chỉ là một phần tô điểm cho các cử hành phụng vụ, mà còn là hơi thở sống động của đức tin, là ngôn ngữ độc đáo để chúng ta kết nối với Đấng Tối Cao.
Mỗi khi chúng ta hướng về Thiên Chúa, luôn có điều gì đó không thể diễn tả hết bằng lời. Khi ấy, âm nhạc có thể hỗ trợ ta. Khi lời nói không đủ để ca tụng Thiên Chúa, âm nhạc sẽ giúp ta diễn tả. Trong niềm vui, ngôn ngữ trở thành bài hát đó là lý do các thiên thần hát ca (x. Youcat, 183).
- Hát Thánh lễ, một hành vi phụng vụ
Tại sao tôi phải hát trong Thánh lễ? Hát để làm gì? Đó là những câu hỏi tưởng chừng như đơn giản nhưng lại chạm đến chiều sâu thiêng liêng của đời sống đức tin. Câu trả lời trước tiên là: bởi vì âm nhạc diễn tả đức tin, đời sống thiêng liêng và tình yêu của con người dành cho Chúa Kitô đang hiện diện và được tôn vinh trong cử hành phụng vụ.
Ca hát không phải là phần thêm vào phụng vụ, hay chỉ để “cho vui”, nhưng là một hành vi phụng vụ, mang chiều kích linh thiêng và có vai trò không thể thiếu trong các cử hành.Thực vậy, khi tham gia ca hát, toàn bộ con người của tôi, thân xác, linh hồn và cảm xúc, được nâng lên trong hành vi thờ phượng Thiên Chúa. Nghĩa là chính tôi trở thành bài hát đó, lời ca tụng đó dâng lên Chúa Cha. Do đó, âm nhạc trong phụng vụ không chỉ là những giai điệu hay bản nhạc đơn thuần, mà chúng trở thành dấu chỉ và biểu tượng của lời cầu nguyện phụng vụ được hát lên, một hình thức cầu nguyện độc đáo và mạnh mẽ.
- Hát là cầu nguyện, là hiệp thông
Ca hát trong các cử hành phụng vụ không chỉ là việc làm mang tính nghệ thuật hay trình diễn. Ca hát là dâng hiến chính bản thân mình, một hành vi hướng về Chúa Cha, qua Đức Kitô và trong Chúa Thánh Thần. Khi người tín hữu hát, họ trở thành lời ngợi ca sống động, là khí cụ mà Thánh Thần sử dụng để xây dựng sự hiệp thông trong cộng đoàn.
Không chỉ là biểu hiện bên ngoài, thánh ca phụng vụ là lời cầu nguyện thấm đẫm niềm tin, nâng tâm hồn lên với Chúa, soi sáng nội tâm, giúp cộng đoàn sống mầu nhiệm đang được cử hành cách sâu sắc hơn (x. SC số 121).
Dĩ nhiên, một Thánh lễ không có hát vẫn có giá trị và ý nghĩa vô hạn. Tuy nhiên, như Đức ông Mariano Magrassi đã ví von: “một Thánh lễ được cử hành không có ca hát như thể một ngày không có nắng”. Điều này nhấn mạnh rằng, dù không bắt buộc, âm nhạc mang lại một chiều kích phong phú, làm cho buổi cử hành trở nên sống động và đáng nhớ hơn. Vì vậy, trong các cử hành Thánh Thể, âm nhạc làm cho lời cầu nguyện trở nên đẹp hơn và sốt sắng hơn, chạm sâu đến tâm hồn những người hiện diện, đưa họ đến gần Thiên Chúa hơn.
- Vai trò của cộng đoàn trong phụng vụ: không ai là khán giả
Một điểm cần nhấn mạnh ở đây: trong phụng vụ, không ai là khán giả. Đây không phải là một buổi hòa nhạc nơi các nhạc sĩ biểu diễn và khán giả ngồi im lặng lắng nghe. Không ai đứng ngoài cuộc. Mọi người bao gồm linh mục chủ tế, phó tế, giáo dân, giúp lễ, người đọc sách, ca đoàn, xướng viên, nhạc công, tất cả đều tham gia vào cùng một hành vi phụng vụ với những vai trò khác nhau, trong một nhiệm thể duy nhất là thân mình mầu nhiệm Đức Kitô. Tất cả cộng đoàn đều tham gia tích cực trong việc cử hành phụng vụ, tùy theo vai trò và chức vụ của mình (x. SC, số 28-29). Vì “các hoạt động phụng vụ không phải là những hoạt động riêng tư, nhưng là những cử hành của Giáo hội” (SC, số 26). Vì vậy, không ai trong phụng vụ là “người trình diễn” hay “khán giả”. Khi hát trong Thánh lễ, tôi không biểu diễn cho ai, mà tôi phục vụ lời cầu nguyện của toàn thể Hội Thánh.
- Điểm khởi đầu không phải là nghệ thuật mà là nghi thức
Điểm khởi đầu của thánh ca không phải là bản nhạc thú vị hoặc tác giả nổi tiếng. Nhiều người nghĩ về thánh ca như một thể loại âm nhạc trình diễn, được đánh giá theo tiêu chuẩn nghệ thuật, thẩm mỹ, hoặc theo cảm tính cá nhân. Tuy nhiên, điểm xuất phát đích thực của thánh ca không phải là âm nhạc, mà là nghi thức phụng vụ. Phụng vụ có thứ ngôn ngữ riêng của nó, ngôn ngữ của biểu tượng, cử chỉ, màu sắc, hương thơm, ánh sáng… và cả âm nhạc. Vì thế, thánh ca không tồn tại độc lập, mà là âm nhạc cầu nguyện, âm nhạc nghi lễ, âm nhạc hiệp thông…
Âm nhạc trong phụng vụ chỉ đạt được ý nghĩa đầy đủ khi nó phục vụ mầu nhiệm đang được cử hành, tức là khi nó trở thành lời cầu nguyện được hát lên, không phải để tôn vinh ca sĩ hay người sáng tác, nhưng để cộng đoàn phụng vụ được nâng lên trong Đức Kitô.
- Những thách đố và tầm quan trọng của việc đào tạo
Chúng ta đang sống trong một bối cảnh đa dạng và không thiếu mâu thuẫn. Có nơi hát quá nhiều, có nơi hát quá ít hoặc hoàn toàn không hát, khiến cử hành trở nên khô khan; có nơi tranh cãi gay gắt về những bài thánh ca nào “hợp lệ” cho Thánh lễ, liệu đã được chuẩn nhận chưa…. Những xung đột giữa “người yêu truyền thống” và “người yêu đổi mới” vẫn tồn tại. Tuy nhiên, thay vì tạo ra rào cản hay tranh luận bất tận, điều cần thiết là một tinh thần hiệp hành, hãy cùng tìm kiếm, cùng phân định, cùng học hỏi.
Có thể nói, một thể loại âm nhạc phụng vụ đích thực và chính xác có thể vẫn chưa định hình hoàn toàn. Cần phải nghiên cứu, sáng tạo trong đức tin và sự vâng phục Hội thánh (xem Musicam Sacram – hướng dẫn về âm nhạc trong phụng vụ).
Từ những gì đã đề cập ở trên, rõ ràng việc đào tạo về âm nhạc phụng vụ là một yêu cầu không thể thiếu. Không thể ứng biến, không thể “hát theo cảm tính” hay lựa chọn bài hát chỉ theo sự thuận tiện, theo sở thích cá nhân. Cần có sự chuẩn bị về tâm linh, phụng vụ và âm nhạc.
Hội thánh dạy: “Phải tận tâm gìn giữ và phát huy kho tàng thánh nhạc, phải nỗ lực đào tạo các ca đoàn” (SC 114-115), đào tạo các nhạc sĩ, ca trưởng, xướng viên có trình độ, những người hiểu biết về phụng vụ và có khả năng hướng dẫn cộng đoàn phụng vụ trong việc ca hát (Musicam Sacram, số 18-22), ngay cả cho các ứng sinh chuẩn bị làm linh mục.
Một yếu tố quan trọng không thể bỏ qua đó là khả năng ca hát của chính cộng đoàn. Các bài hát được chọn phải phù hợp với khả năng thực tế của cộng đoàn, chứ không chỉ chọn theo cảm hứng hay sở thích của ca trưởng. Cần có kho tàng thánh ca dành cho cộng đoàn, có phẩm chất thần học, văn chương và âm nhạc, dễ hát và dễ nhớ, đồng thời phản ánh được các mùa phụng vụ, các lễ trọng và biến cố trong đời sống Giáo hội.
- Hát để ngợi khen và sống mầu nhiệm đức tin
Thánh ca không chỉ là âm thanh, mà là cầu nối giữa trời và đất, là tiếng vọng của Hội thánh lữ hành trong hy vọng, hoà nhịp với Hội Thánh thiên quốc, là hơi thở đức tin của cộng đoàn tín hữu. Trên thiên đàng, các thánh ca tụng Thiên Chúa không ngừng nghỉ. Khi hát trong phụng vụ, chúng ta cùng được kết hợp vào bản hợp xướng vĩnh cửu ấy cùng với các thần thánh trên trời.
Vì thế, chúng ta không hát chỉ để có âm thanh, mà để sống trọn vẹn mầu nhiệm, để được biến đổi, để đức tin được khắc sâu vào tim. Thánh ca trở thành ngôn ngữ của linh hồn, một ngôn ngữ mà chỉ ai sống trong đức tin, trong cộng đoàn, trong phụng vụ, mới thực sự hiểu và cảm được. “Phụng vụ trần thế của chúng ta phải là những lễ cử hành tràn đầy vẻ đẹp và quyền năng: Những đại lễ dâng lên Chúa Cha, Đấng đã tạo dựng nên chúng ta” (Youcat 170).
G. Võ Tá Hoàng
Nguồn: hoangcatholic.com
==================
Tài liệu tham khảo
Công đồng Vatican II, Hiến chế về Phụng vụ Thánh – Sacrosanctum Concilium (1963).
Musicam Sacram – Huấn thị về Âm nhạc trong Phụng vụ, Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích (1967).
Youcat – Sách Giáo lý cho người trẻ, bản tiếng Anh, 2011.
Mariano Magrassi, La preghiera della Chiesa, Edizioni Qiqajon, 1986.
https://gpquinhon.org/thanh-nhac/thanh-nhac-phai-hoi-nhap-trong-ngon-ngu-am-nhac-duong-dai-367.html
Có thể bạn quan tâm
Sứ Điệp Ngày Thế Giới Truyền Thông Xã Hội Lần Thứ 59 Năm..
Th5
Ngày 29/05: Giáo hoàng Phaolô VI
Th5
Nhịp Sống Giáo Hội Việt Nam Số 22 (19/5 – 26/5/2025): Bế Giảng..
Th5
ĐTC. Lêô XIV nhậm chức tân Giám mục Roma
Th5
Tại sao phải hát trong Thánh lễ
Th5
Những chi tiết mới về cái chết của Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu
Th5
Ngày 27/05: Thánh Augustinô Canturbery, Giám mục (605)
Th5
Ngày 26/05: Thánh Philipphê Nêri, linh mục
Th5
Bổ nhiệm: Đức Cha Giuse Đặng Đức Ngân làm Tổng Giám mục chính..
Th5
Khi cuộc sống bị bao trùm bởi nỗi sợ hãi, hãy chạy đến..
Th5
Các Thánh lễ Đức Thánh Cha Lêô XIV sẽ chủ sự trong tháng..
Th5
Suy Niệm Chúa Nhật VI Phục Sinh C: Tình Yêu – Bình An
Th5
“Hi vọng không làm thất vọng” (Rm 5,5)
Th5
Giám mục gốc Việt đầu tiên làm Giám mục chính tòa tại Hoa..
Th5
Vatican cảnh báo về video giả mạo Đức Thánh Cha Lêô XIV
Th5
Tiếp kiến chung 21/5/2025 – Đức Thánh Cha Lêô XIV: Tình yêu của..
Th5
Ngày 22/05: Thánh Rita Casica (1381-1457)
Th5
Sức mạnh của sự dịu dàng
Th5
15 lời hứa Đức Mẹ dành cho những ai trung thành Lần hạt..
Th5
Giáo Phận Hà Tĩnh – Ban Tuyển Sinh: Tuyển sinh vào Đại Chủng..
Th5