SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG NĂM C
(Gr 33,14-16; 1Tx 3,12-4,2; Lc 21,25-28.34-36)
Bài đọc 1 Gr 33,14-16
Ta sẽ cho mọc lên trong nhà Đa-vít một mầm non, một Đấng Công Chính.
Bài trích sách ngôn sứ Giê-rê-mi-a.
14 Này sẽ đến những ngày -sấm ngôn của Đức Chúa- Ta sẽ thực hiện điều tốt lành Ta đã phán về nhà Ít-ra-en và về Giu-đa.
15Trong những ngày ấy, vào thời đó,
Ta sẽ cho mọc lên một mầm non,
một Đấng Công Chính để nối nghiệp Đa-vít ;
Người sẽ trị nước theo lẽ công bình chính trực.
16Trong những ngày ấy, Giu-đa sẽ được cứu thoát,
Giê-ru-sa-lem sẽ an cư lạc nghiệp.
Đây là tên người ta sẽ đặt cho thành :
“Đức-Chúa-là-sự-công-chính-của-chúng-ta !”
Đáp ca Tv 24,4-5a.8-9.10 và 14 (Đ. c.1b)
Đ.Lạy Chúa, con nâng tâm hồn lên cùng Chúa.
4Lạy Chúa, đường nẻo Ngài, xin dạy cho con biết,
lối đi của Ngài, xin chỉ bảo con.
5aXin dẫn con đi theo đường chân lý của Ngài
và bảo ban dạy dỗ,
vì chính Ngài là Thiên Chúa cứu độ con.
Đ.Lạy Chúa, con nâng tâm hồn lên cùng Chúa.
8Chúa là Đấng nhân từ chính trực, chỉ lối cho tội nhân,
9dẫn kẻ nghèo hèn đi theo đường công chính,
dạy cho biết đường lối của Người.
Đ.Lạy Chúa, con nâng tâm hồn lên cùng Chúa.
10Tất cả đường lối Chúa đều là yêu thương và thành tín
đối với những kẻ nào giữ giao ước và lề luật Chúa.
14Chúa xử thân tình với những ai kính sợ Chúa
và cho họ biết giao ước của Người.
Đ.Lạy Chúa, con nâng tâm hồn lên cùng Chúa.
Bài đọc 2 1 Tx 3,12 – 4,2
Chúa sẽ làm cho anh em được bền tâm vững chí trong ngày Đức Ki-tô quang lâm.
Bài trích thư thứ nhất của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca.
3 12 Thưa anh em, xin Chúa cho tình thương của anh em đối với nhau và đối với mọi người ngày càng thêm đậm đà thắm thiết, cũng như tình thương của chúng tôi đối với anh em vậy. 13 Như thế, Chúa sẽ cho anh em được bền tâm vững chí, được trở nên thánh thiện, không có gì đáng chê trách, trước nhan Thiên Chúa là Cha chúng ta, trong ngày Đức Giê-su, Chúa chúng ta, quang lâm cùng với các thánh của Người.
4 1 Vả lại, thưa anh em, anh em đã được chúng tôi dạy phải sống thế nào cho đẹp lòng Thiên Chúa, và anh em cũng đang sống như thế ; vậy nhân danh Chúa Giê-su, chúng tôi xin, chúng tôi khuyên nhủ anh em hãy tấn tới nhiều hơn nữa. 2 Hẳn anh em rõ chúng tôi đã lấy quyền Chúa Giê-su mà ra những chỉ thị nào cho anh em.
Tung hô Tin Mừng Tv 84,8
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a.
Lạy Chúa, xin tỏ cho chúng con thấy tình thương của Chúa
và ban ơn cứu độ cho chúng con.
Ha-lê-lui-a.
Tin Mừng hôm nay
Anh em sắp được cứu độ.
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca. Lc 21,25-28.34-36
25 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Dưới đất, muôn dân sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh biển gào sóng thét. 26 Người ta sợ đến hồn xiêu phách lạc, chờ những gì sắp giáng xuống địa cầu, vì các quyền lực trên trời sẽ bị lay chuyển. 27 Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến. 28 Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc.
34 “Vậy anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời, kẻo Ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em, 35 vì Ngày ấy sẽ ập xuống trên mọi dân cư khắp mặt đất. 36 Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người.”
Vọng Ngóng Trong Canh Thức Nguyện Cầu
Chúng ta bước vào một chu kì Phụng vụ mới với Mùa vọng. Mùa vọng, Giáo hội nhắc nhở chúng ta điều gì? Lời Chúa hôm nay diễn tả ý nghĩa của mầu nhiệm chúng ta đang cử hành: Mùa vọng, mùa loan báo niềm vui cứu độ; loan báo việc Chúa sinh ra, loan báo ngày trở lại của Chúa Giêsu; Mùa vọng, mùa mong ngóng đợi trông; mùa canh thức nguyện cầu.
- Mùa Vọng, mùa loan báo niềm vui cứu độ
Mùa vọng là mùa của những lời loan báo: Loan báo Chúa Giêsu sinh ra, loan báo thời cứu độ, thời mà Đức Chúa sẽ thực hiện việc giải phóng Israel với sự xuất hiện của Chồi non Công chính cho triều đại của David như Giêrêmia loan báo trong bài đọc thứ nhất. Qua mầu nhiệm nhập thể của Ngôi Lời, thời công lý và hòa bình ấy đã được thực hiện, và chúng ta đang hướng về ngày mà Triều đại công lý ngự trị cách sung mãn, ngày cánh chung. Đó là việc loan báo ngày trở lại của Chúa Kitô, về niềm hy vọng hồng phúc của chúng ta. Lời loan báo này là trọng tâm của các bài đọc trong Mùa vọng, cách riêng trong các bài đọc thứ hai và bài Tin mừng hôm nay, rằng: “Ngày của Con Người”, ngày “sẽ đến đầy quyền năng và uy nghi cao cả” (Lc 21,27) “với các thánh của Người” (1Tx 3,12).
Mặc dầu việc loan báo về ngày của Con Người với những biến động rung chuyển trên trời đất và biển cả, làm cho “người ta hồn siêu phách lạc”, nhưng trọng tâm vẫn là việc loan báo niềm vui trọng đại, niềm vui ơn cứu độ, điều mà thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta: “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại, vui lên anh em. Sao cho mọi người thấy anh em sống hiền hòa rộng rãi. Chúa đã gần đến” (Pl 4,4-5). Bởi vậy, Mùa vọng là mùa của niềm vui đời chờ.
- Mùa Vọng, mùa mong ngóng, đợi chờ
Hạn từ Adventus trong tiếng La tinh nghĩa là tới/đến. Mùa vọng là mùa mong đợi “Chúa đến”, ý niệm được nhắc đi nhắc lại nhiều trong phụng vụ với bốn chiều kích: Chúa đến trong lịch sử nhân loại, chúng ta đang hưởng về Đại lễ Giáng sinh, mừng kỉ niệm mầu nhiệm nhập thể, Thiên Chúa làm người và ở giữa chúng ta (x. Ga 1,14); Chúa đến trong ngày phán xét chung, ngày quang lâm; Chúa đến trong giờ chết của từng người; Chúa đến trong ơn thánh hằng ngày của những biến cố, những dữ kiện… Vậy nên, Mùa vọng chính là mùa sốt sắng và hân hoan mong đợi Chúa đến.
“Mùa mãi trong ta mùa vọng ngóng
Mỗi nhịp đời một nhịp đợi. Khôn ngơi…
Mong Người đến giữa cuộc trần cháy bỏng
Thánh hóa ta bằng dịu ngọt sương trời
Ta về với mùa về thao thức
Đốt đời lên trong thơm ngát hương trầm
Trong lặng lẽ lời kinh và ánh nến
Dọn đời như máng cỏ âm thầm
Đêm canh thức ta cầm đèn đón đợi
Mời Người vào giữa loạn lạc đời ta
Đêm sẽ sáng bừng lên mùa nắng mới
Có Người, sa mạc cũng nở hoa”
(Cao Gia An.S.J)
- Mùa vọng, mùa thức tỉnh, nguyện cầu
Để Mùa vọng trở nên mùa của niềm vui, Chúa Giêsu gọi mời chúng ta cần có tâm thái của người đón đợi ơn cứu độ:
Thứ nhất, cần biết “đứng thẳng và ngẩng đầu lên”: “đứng thẳng” là động thái hiên ngang, dũng cảm vượt trên mọi đam mê, quyến rũ, dứt mình khỏi tội lỗi. Đứng thẳng để khỏi sa chước cám dỗ và những lôi cuốn, mời mọc hấp dẫn trong cuộc đời; “ngẩng đầu lên” là động thái hướng thượng, vươn mình lên tới những giá trị cao cả, “ái mộ và tìm kiếm những sự trên trời”. Đó là tâm thái của đức tin, đức cậy và đức mến mà thánh Phaolô nhắn nhủ giáo đoàn Thesalonica: “Chúng ta hãy mặc áo giáp là đức tin và đức mến, đội mũ chiến là niềm hy vọng ơn cứu độ” (1Tx 5, 8).
Thứ hai, người đứng thẳng và luôn ngẩng cao đầu là người luôn “tỉnh thức và cầu nguyện” để “ngày đó không còn thình lình đến như chiếc lưới chụp xuống”, để “đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến, và đứng vững trước mặt Con Người”.
Thức tỉnh và cầu nguyện không chỉ giúp tín hữu thoát khởi nỗi sợ hãi từ những biến cố bất chợt xẩy ra, nhưng là canh chừng trước tình thần thế tục. Thánh Phaolô khuyên nhủ: “Anh em hãy tỉnh thức và hãy cầu nguyện luôn!… Hãy đề phòng, đừng để cho lòng trí mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời, kẻo ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em“. Ngài còn khuyên: “những ai tưởng mình đứng vững, hãy coi chừng kẻo ngã” (1Cr 10,12).
Thức tỉnh và nguyện cầu giúp tín hữu giữ chân tính Kitô và nhận ra manh lới, sức mê hoặc của tinh thần thế tục. Đức Phanxicô nói: “Đừng hủy bỏ căn tính Kitô hữu, cũng đừng mặc lấy tinh thần thế gian, vì những điều ấy tất yếu dẫn đến việc chối đạo và những bách hại.” Lúc bắt đầu, tinh thần thế gian là một mầm mống nhỏ bé, nhưng khi lớn lại trở thành đồ ghê tởm khốc hại và kết thúc trong sự bắt bớ, chết chóc. Chính tinh thần thế tục sẽ hủy hoại căn tính Kitô hữu và dẫn tới một não trạng “bầy đàn”. Ngài nói thêm:
Trong thời đại ngày nay, chúng ta dễ bị tinh thần thế tục tiêm nhiễm cách chậm rãi từ từ, và sau đó sẽ phát triển lớn mạnh, hợp lý hóa chính mình và bắt đầu gây nhiễm bệnh. Rất nhiều những thứ xấu xa đã xuất phát từ đó. Nó làm cho người kitô đắm chìm trong niềm vui thế sự, không còn mảy may về thực tại Nước Trời.
Chủ nghĩa cá nhân, tinh thần thế tục, tân ngộ đạo thuyết và Pelagio là những thảm họa đang sập xuống nhân loại hôm nay.
Trong một Trung tâm Điều tra, có ba xác chết đều có bộ mặt đang mỉm cười. Một nhà báo đặt câu hỏi về nguyên nhân cái chết của họ. Người hữu trách trả lời:
– Đây là ông A. Ông ta chết ngay sau khi biết tin mình trúng xổ số 10 tờ độc đắc.
– Và đây là B. Ông ta chết khi nghe tin toà án cho ly dị vợ mà không phải chia gia sản được hưởng toàn bộ.
– Còn đây là C. Ông ta chết vì bị sét đánh.
Hai người trước thì có thể hiểu được nụ cười, còn ông này cười cái gì? Phóng viên hỏi.
Ồ, ông này say rượu, khi thấy tia sáng của sét đánh xuống mà ông ta cứ ngỡ mình đang được chụp hình nên vẫn cứ cười !
Người ta chết với những nụ cười, không phải là nụ cười của niềm vui trào tràn trong việc mong ngóng ơn cứu độ, nhưng là niềm vui trần tục, ái kỷ. Thế giới vô cảm hôm nay đang thỏa mãn với niềm vui chóng tàn, còn tôi, đâu là niềm vui mà tôi đang hoan hưởng?
Trong cuộc thăm viếng đan viện Clara ở Spello gần Assisi ngày 12.11.2021, Đức Phanxicô ngỏ lời với các nữ đan sĩ bằng câu nói nổi tiếng của thánh Augustinô: “Tôi sợ rằng khi Thiên Chúa đi ngang qua và tôi không nhận ra Người”. Ngài khuyến khích các nữ đan sĩ luôn siêng năng chiêm niệm. Một tâm trí tốt là một tâm trí không lãng phí thời gian cho những tư tưởng để tán gẫu. Trong lúc chờ đợi Chúa, chúng ta phải có một tâm hồn bình an và phải nhớ lại khoảnh khắc của ơn gọi, giây phút con tim cảm thấy niềm vui bước theo Chúa Giêsu đi vào dự Hoan tiệc với Người.
Lạy Chúa, xin Chúa giúp chúng con luôn hướng lòng về trời cao, trong niềm hy vọng hồng phúc, ngày Chúa trở lại để chúng con được đi với Chúa vào hưởng hội vui Nước Chúa.
Sẵn Sàng Đón Chúa Đến
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương
Hôm nay, chúng ta bước vào năm phụng vụ mới với việc cử hành Mùa Vọng. Mùa Vọng là mùa chuẩn bị mừng kỷ niệm biến cố Con Chúa đến lần thứ nhất, qua đó, giúp chúng ta biết đón Chúa đến mỗi ngày; đồng thời cũng là thời gian hướng lòng chúng ta mong đợi Chúa Kitô đến lần thứ hai trong vinh quang. Vì thế, trong thánh lễ này, chúng ta hãy suy niệm về những lần Chúa đến và thái độ cần thiết để đón Chúa.
1. Chúa đã đến
Trước hết, dựa vào Lời Chúa hôm nay, chúng ta biết rằng việc Chúa đến với loài người được loan báo qua tiên tri Giêrêmia trong bài đọc I:
“Trong những ngày ấy, vào thời đó, Ta sẽ cho mọc lên một mầm non, một Đấng Công Chính, để nối nghiệp Đavít; Người sẽ trị nước theo lẽ công bình chính trực” (Gr 33,14-15).
Đây là lời loan báo của Cựu Ước về Đấng Mêsia sẽ đến trong lần thứ nhất. Lời loan báo này được thực hiện trong thời Tân Ước qua biến cố Con Thiên Chúa nhập thể làm người, sinh bởi Đức Maria. Trong lần giáng trần này, Thiên Chúa đến với con người theo cách thức là một tôi tớ, trong khiêm tốn và âm thầm. Người được sinh ra và được bọc tã đặt nằm trong máng cỏ đơn hèn. Người sống âm thầm trong gia đình Thánh Gia suốt ba mươi năm tại làng Nadarét. Sau đó, Người công khai đi rao giảng Tin Mừng ba năm, rồi chịu tử nạn trên thập giá, được mai táng, đến ngày thứ ba phục sinh vinh hiển để cứu độ loài người.
Như thế, Chúa đã đến và “ở giữa chúng ta” qua việc nhập thể làm người để cứu độ chúng ta. Đây là lần thứ nhất Chúa đến.
2. Chúa sẽ đến
Tuy nhiên, trước khi về trời, Đức Giêsu loan báo cho các môn đệ biết rằng, Người sẽ trở lại trong ngày quang lâm (parousia). Trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh Luca ghi lại lời loan báo về sự trở lại của Chúa Kitô như sau:
“Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Dưới đất, muôn dân sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh biển gào sóng thét. Người ta sợ đến hồn xiêu phách lạc, chờ những gì sắp giáng xuống địa cầu, vì các quyền lực trên trời sẽ bị lay chuyển. Bấy giờ, thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến” (Lc 21,25-28).
Đây là những lời tiên báo về việc Chúa Kitô đến lần thứ hai. Nếu lần thứ nhất Chúa đến trong tư cách là một người tôi tớ khiêm hạ, thì lần thứ hai Chúa đến trong tư cách là “Thiên Chúa vĩ đại và là Đấng Cứu Độ chúng ta xuất hiện trong vinh quang” (Tt 2,13). Người xuất hiện như vị thẩm phán đầy uy quyền và công minh để xét xử nhân loại trong ngày chung thẩm.
Vì thế, trong Kinh Tin Kính chúng ta tuyên xưng:
“Người lên trời, ngự bên hữu Chúa Cha, và Người sẽ lại đến trong vinh quang, để phán xét kẻ sống và kẻ chết, nước Người sẽ không bao giờ cùng.”
Như vậy, trong ngày cánh chung, Đức Giêsu Kitô sẽ từ trời ngự đến. Người sẽ ngự đến trong vinh quang và uy quyền của Thiên Chúa để xét xử mọi loài. Nhưng sự việc này xảy ra lúc nào và khi nào? Điều này không được Chúa Giêsu mạc khải. Vì đây là bí mật mà Chúa Cha nắm giữ. Kinh Thánh chỉ cho biết Chúa đến bất ngờ, vào giờ mà con người không hay. Nên Lời Chúa hôm nay hướng dẫn chúng ta phải có những thái độ cần thiết để đón Chúa.
3. Thái độ cần thiết để đón Chúa đến
Trước hết, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta:
“Anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu độ” (Lc 21,28).
Đứng thẳng và ngẩng cao đầu là tư thế của người sẵn sàng và tin tưởng. Tư thế này có ý nghĩa biểu tượng để nói rằng chúng ta được mời gọi dù sống trên mặt đất nhưng phải luôn biết hướng về trời cao, dù phải vất vả tìm kiếm lương thực hằng ngày, nhưng phải luôn biết hướng về hạnh phúc vĩnh cửu. “Đứng thẳng” cũng có nghĩa là sống đúng với phẩm giá mình, không quỵ ngã hay luồn cúi trước khó khăn, thử thách và cám dỗ của cuộc sống. Ngẩng cao đầu là tư thế của người lạc quan và tin tưởng. Người ngẩng cao đầu là người biết trông cậy và hy vọng vào Thiên Chúa, bất chấp mọi khó khăn và nguy biến có thể xảy ra trong cuộc sống.
Tiếp đến, thái độ thứ hai để đón Chúa đến là:
“Anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời” (Lc 21,34).
Thật thế, ăn uống là một nhu cầu căn bản của cuộc sống. Chúng ta cần phải ăn uống. Nhưng mọi cái thái quá đều không tốt, trong đó có cả việc ăn uống và lo lắng sự đời. Lời Chúa nhắc nhở chúng ta phải đề phòng và diệt trừ những thói hư tật xấu, đó là “chè chén say sưa và lo lắng sự đời.” Đây là những điều cản trở chúng ta đến với Chúa. Người Kitô hữu phải là người sống quân bình, chừng mực, làm chủ các đam mê của mình, nhất là tính mê ăn uống.
Cuối cùng, Chúa mời gọi chúng ta:
“Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người” (Lc 21,36).
Một cách tiêu cực, tỉnh thức là không ngủ, là tỉnh táo trước những cơn cám dỗ của ba thù là ma quỷ, thế gian và xác thịt. Một cách tích cực, tỉnh thức là nhạy bén với ơn Chúa và hoạt động của Chúa Thánh Thần. Còn cầu nguyện là gắn bó, đối thoại và lắng nghe Đấng hằng yêu thương chúng ta (Têrêxa Avila). Nhờ tỉnh thức, chúng ta biết biện phân những nguy cơ tội lỗi và nắm bắt các cơ hội ân sủng. Nhờ cầu nguyện, chúng ta có sức mạnh và năng lực để vượt thắng mọi nguy hiểm trong đời.
Lạy Chúa, Chúa đã đến lần thứ nhất trong sự khó nghèo và đơn hèn để cứu độ chúng con. Chúa sẽ đến lần thứ hai trong vinh quang và quyền uy để xét xử loài người. Xin cho mỗi người chúng con trong Mùa Vọng này, luôn biết sống tỉnh thức và cầu nguyện, để bất kỳ lúc nào Chúa đến, chúng con cũng sẵn sàng ra đón Chúa. Amen!
Nguồn: dcvphanxicoxavie.com
Có thể bạn quan tâm
Hội Ái Hữu Vinh – Hà Tĩnh Bắc Cali: Mở tiệc Noel chia..
Th12
Ngày 14/12: Thánh Gioan Thánh Giá, Linh mục, Tiến sĩ Hội Thánh
Th12
Sứ Điệp Đức Thánh Cha Cho Ngày Hòa Bình Thế Giới Năm 2025
Th12
Cái nhìn tổng quát về Hồng y đoàn từ sau Công nghị ngày..
Th12
Suy Niệm Chúa Nhật III Mùa Vọng C: Niềm Vui Ơn Cứu Độ
Th12
Tại Sao Ngày Chúa Giêsu Ra Đời Được Gọi Là Christmas?
Th12
Ngày 13/12: Thánh Lucia, Trinh nữ, Tử đạo
Th12
Các Giám mục Á châu kêu gọi lắng nghe nhiều hơn và áp..
Th12
Legio Mariae Comitium Hà Tĩnh Ngày Tổng Hội Thường Niên
Th12
Gia Đình Thánh Mátthêu Giáo Phận Tĩnh Huấn & Mừng Lễ Quan Thầy
Th12
Bài Hát Cộng Đồng Chúa Nhật 3 Mùa Vọng Năm C
Th12
Vatican Ra Mắt Bảng Điều Khiển Trực Tuyến Về Hồng Y Đoàn
Th12
VPTGM-GPHT: Thông Báo Thánh Lễ Truyền Chức Phó Tế
Th12
Hội Legio Mariae Giáo Hạt Hoà Ninh Mừng Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm..
Th12
Bài Hát Chính Thức Cho Năm Thánh 2025: Những Người Hành Hương Của..
Th12
40 Câu hỏi tìm hiểu và sống Năm Thánh 2025
Th12
Ý Niệm, Tên Gọi, Các Thể Loại Và Chu Kỳ Năm Thánh
Th12
Đức Thánh Cha chủ sự Công nghị phong 21 Hồng y
Th12
Giáo Xứ Tam Tòa Mừng Lễ Quan Thầy Đức Mẹ Vô Nhiễm Và..
Th12
Huấn Luyện Người Trẻ-Thiếu Nhi Sống Gắn Bó Với Chúa Giêsu Thánh Thể
Th12