THỨ HAI. Th. A-nê, trinh nữ, tử đạo; Mc 2,18-22
THỨ BA (Mc 2,23-28)
THỨ TƯ (Mc 3,1-6)
THỨ NĂM. Th. Phan-xi-cô Sa-lê-si-ô, giám mục, tiến sĩ HT; Mc 3,7-12
THỨ SÁU. Lễ kính Th. Phao-lô tông đồ trở lại; Mc 16,15-18
THỨ BẢY. Th. Ti-mô-thê-ô và Ti-tô, giám mục; Lc 10,1-9
THỨ HAI
Th. A-nê, trinh nữ, tử đạo; Mc 2,18-22
Bài 1. Ý nghĩa đích thực của việc ăn chay
Suy niệm: Ăn chay là việc đạo đức truyền thống trong đạo Do Thái. Việc này phát xuất từ luật dạy, từ tâm tình thống hối ăn năn vì tội lỗi cá nhân hoặc tập thể, từ lòng tự nguyện để khấn xin điều gì tốt đẹp hơn, hay bày tỏ lòng chờ mong Đấng Cứu thế ngự đến. Khi thiết lập đạo mới, Chúa Giê-su không từ bỏ thói quen đạo đức tốt lành này, vì chính Ngài cũng ăn chay 40 đêm ngày trong hoang địa trước khi khởi sự rao giảng Nước Trời. Thế nhưng, Ngài đặt việc ăn chay đúng vị trí của nó: Nước Trời được ví như bữa tiệc cưới vui vẻ mà chú rể là Chúa Giê-su; khi Ngài còn hiện diện giữa họ, các phù rể – các môn đệ – không thể ăn chay, họ mừng vui vì sự hiện diện của Ngài, họ không thể ủ dột buồn bã, vì Chúa chính là nguồn vui đích thực của đời họ.
Mời Bạn: Ki-tô giáo là đạo của niềm vui, niềm vui vì có Chúa đồng hành với ta trong cuộc đời, hạnh phúc vì được Chúa yêu thương, chăm sóc. Sống trong Nước Trời của Chúa, niềm vui luôn được bày tỏ nơi khuôn mặt bạn, trong cách hành xử, cung cách chọn lựa. Tuy nhiên, để có niềm vui ấy, bạn phải chấp nhận tinh thần chay tịnh, chay tịnh trong việc sửa đổi các thói hư tật xấu, chay tịnh trong lời ăn tiếng nói…
Sống Lời Chúa: Không nên chất vấn khắt khe người khác khi thấy họ không thực hành một số việc đạo đức giống mình, không hỏi ai đó “tại sao” khi không cần thiết.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy con biết sống quảng đại với Chúa và anh chị em, vì sống như thế, con sẽ biết phải làm thế nào trong mỗi hành vi ứng xử của mình. Amen.
Bài 2. Cốt lõi của đạo
Trong những thập niên gần đây, mặc dầu càng lúc Hiến pháp các quốc gia càng đi sâu vào sự tách biệt giữa tôn giáo và nhà nước; thế nhưng, sự liên kết giữa tôn giáo và chính trị lại càng đậm nét hơn. Cuộc chiến giữa Tư bản và Cộng sản đã hầu như chấm dứt, nhưng chiến tranh tôn giáo xem chừng vẫn dai dẳng, không những giữa những người khác tôn giáo với nhau, mà ngay cả trong cùng một tôn giáo. Nhìn vào thảm cảnh ấy, ai cũng thắc mắc tự hỏi: Tôn giáo nào mà không dạy ăn ngay ở lành, tôn giáo nào mà không dạy sự khoan dung tha thứ, thế thì tại sao những người có tôn giáo lại nhân danh tôn giáo của mình để gây chiến với người khác hay với chính những người đồng đạo của mình? Câu trả lời thật đơn giản: sở dĩ người có tôn giáo có thái độ quá khích và bất khoan nhượng, là vì họ chưa sống đúng cái cốt lõi của đạo. Xét cho cùng, cái cốt lõi của tôn giáo nào cũng là tình thương.
Chúa Giêsu cũng muốn chứng tỏ cho chúng ta thấy thế nào là sống đạo. Chúng ta hãy chiêm ngắm thái độ và lời dạy của Ngài trong Tin Mừng hôm nay. Vừa bắt đầu sứ mệnh rao giảng của Ngài, cũng như các kinh sư của thời đại Ngài, Chúa Giêsu cũng qui tụ một số môn đệ; và cũng như các môn đệ của các kinh sư khác, môn đệ của Ngài cũng theo một lối sống nào đó. Thế nhưng, điều khiến cho nhiều người ngạc nhiên và đặt vấn đề, đó là Chúa Giêsu và các môn đệ Ngài không tuân giữ một số ngày chay tịnh như môn đệ của Gioan hay của những người Biệt phái. Không tuân giữ những ngày chay tịnh đã đành, sau này xem ra Chúa Giêsu càng thách thức hơn nữa, khi Ngài không tuân giữ cả ngày hưu lễ hay một số tập tục khác, như rửa tay trước khi ăn.
Suốt cuộc sống của Ngài, Chúa Giêsu đã tỏ ra rất độc lập đối với Do thái giáo. Ðây quả là cách sống đạo hoàn toàn mới mẻ mà Chúa Giêsu muốn đề ra cho con người. Ðối với Ngài, linh hồn và cốt lõi của đạo chính là tình thương; tình thương ấy đã thúc đẩy Ngài đi đến tận cùng bằng cái chết trên Thập giá, và cái chết của Ngài mãi mãi là lời tố cáo về thái độ bất khoan nhượng trong niềm tin tôn giáo của con người. Vụ án của Ngài được thi hành như một vụ án chính trị; mãi mãi tên tuổi của viên toàn quyền La mã là Philatô gắn liền với cái chết của Ngài. Tuy nhiên, vụ án của Chúa Giêsu vẫn là một vụ án tôn giáo: Ngài chết vì sự cuồng tín và thái độ bất khoan nhượng của các thủ lãnh Do thái giáo.
Chiêm ngắm thái độ của Chúa Giêsu trong suốt cuộc đời trần thế của Ngài và lắng nghe giáo huấn của Ngài, chúng ta sẽ thấy rằng cái cốt lõi của đạo chính là tình thương. Trong cuộc sống đạo, nhiều lúc chúng ta thắc mắc phải ăn chay thế nào cho đúng cách? Ngày Chúa nhật có được làm việc xác không? Bỏ lễ Chúa nhật có tội hay không? Thật ra còn có nhiều câu hỏi nền tảng hơn mà thiết tưởng chúng ta không thể không đặt ra để tự vấn lương tâm mỗi ngày: tôi có sống công bình, bác ái chưa? Tôi có yêu thương người anh em bên cạnh tôi chưa? Nhắm mắt làm ngơ trước nỗi khổ của người xung quanh tôi có phải là một tội không?
Nguyện xin Chúa cho chúng ta ngày càng thấu hiểu và xác tín rằng sống đạo là sống yêu thương, rằng cốt lõi của Kitô giáo chính là tình thương.
Bài 3
Ăn chay, cầu nguyện và làm phúc bố thí là ba sinh hoạt chính trong đời sống đạo đức của Do Thái Giáo. Họ có một cuộc“đại chay” bắt buộc nhân ngày lễ xá tội. Đồng thời họ cũng có những cuộc chay tịnh khác mang tính cách tập thể, chẳng hạn vào các ngày tổ quốc gặp hoạn nạn. Ngoài ra, những người đạo đức còn ăn chay vì lòng sốt sắng, như các môn đệ của Gioan Tẩy Giả và những người Biệt Phái, họ thường ăn chay mỗi tuần hai lần. Chung quy lại, ăn chay đối với Do Thái Giáo bao gồm ba ý nghĩa chính:
– Để tỏ lòng sám hối và xin ơn.
– Đợi chờ Đấng Cứu Thế đến giải phóng dân khỏi ách đô hộ ngoại bang.
– Lòng đạo đức.
Từ đó, chúng ta có thể hiểu, những người thắc mắc về việc ăn chay trong bài Tin Mừng hôm nay là ăn chay bởi sự nhiệt thành đạo đức. Bởi vì, ngay trong lời thắc mắc của họ: “Tại sao môn đệ của Gioan và Biệt Phái ăn chay, còn môn đệ Thầy thì không?”
Theo trình tự của Tin Mừng, đây không phải là dịp xá tội để giữ chay theo mùa, đây cũng không phải việc cố ý thắc mắc vì không tin Đấng Cứu Độ đã đến, vì chính Gioan Tiền Hô (bao gồm các môn đệ của ngài) đã tin Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế.
Lại nữa, trong câu trả lời của Chúa Giêsu: “Các ông có thể bắt các bạn hữu đến dự tiệc cưới, ăn chay, đang khi tân lang còn ở với họ chăng?” Nghĩa là trong thời gian của sự vui mừng. Hơn nữa, Ngài còn lấy ví dụ về “miếng vải mới không thể vá vào áo cũ”, nghĩa là Ngài lên án về việc người Do Thái muốn dùng cái đạo đức của mình để áp đặt cho người khác, họ muốn dùng cái bình luật cũ để đổ rượu giao ước mới vào.
Nhưng dù hiểu theo nghĩa nào, thì tự bản chất việc ăn chay của người Do Thái là một phương thế rất tốt, và chính Chúa Giêsu cũng ủng hộ việc chay tịnh là phương thế để chống lại ma quỷ và chước cám dỗ. Nhưng ở đây, Người nhấn mạnh đến tinh thần ăn chay chứ không phải sự tỏ lộ ra bên ngoài như đầu tóc bù xù, mặc đồ xuếch xoác, mặt mày ủ rũ, thiểu não… để thiên hạ khen là đạo đức thánh thiện.
Nơi Tin Mừng Matthêu, Chúa Giêsu còn dạy: “Còn anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, để không ai thấy là anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh”. Dĩ nhiên là không phải cứ hễ giữ chay là phải xức nước hoa hay bận đồ đẹp hoặc giả bộ vui vẻ, mà là sự kín đáo âm thầm chỉ mình ta với Chúa. Không tìm vinh danh nơi lời ca tụng người đời, mà là để Thiên Chúa được vinh danh nơi sự hi sinh hãm mình của chúng ta.
Như vậy, qua việc chất vấn của người Do Thái, Chúa Giêsu đã nhân cơ hội này, dạy chúng ta những bài học sau:
– Đừng học đòi những người bắt bẻ môn đệ Chúa Giêsu về việc ăn chay bởi vì họ xét đoán người khác, bắt người khác làm theo ý của mình, bắt người khác phải giống như họ, tạo ra một khuôn mẫu để bắt người khác phải chiều theo ý mình.
– Trở thành môn đệ Chúa Giêsu, ta phải thay đổi cách sống cũ, từ suy nghĩ đến hành động, để mặc lấy cách suy nghĩ, cách hành động, cách sống mới cho phù hợp với Tin Mừng.
– Vải vá áo, rượu trong bình là hình ảnh diễn tả đời sống của tôi. Chúa muốn tôi buớc theo Chúa thì cần phải thay đổi cách sống cho phù hợp với Tin mừng. Thay đổi tư tưởng, lời nói và hành động Thay đổi để trở nên giống như Chúa Giêsu, hiền lành, khiêm nhượng, yêu thương phục vụ, khoan dung tha thứ…
Lạy Chúa Giêsu, Chúa dạy chúng con biết hãm mình để chiến đấu chống lại chước ma quỷ cám dỗ, xin cho chúng con cũng luôn ý thức rằng việc ăn chay hãm mình trở thành phương thế đền tội và có công phúc trước mặt Chúa không hệ tại ở số lượng hay được ghi nhận từ người đời, mà là xuất phát từ tấm lòng chân thành cùng với tâm tình riêng tư giữa chúng con với Chúa. Amen.
Bài 4. Tại sao không ăn chay?
Suy niệm: Hầu như trong tôn giáo nào việc ăn chay cũng được coi trọng. Hồi giáo qui định chay tịnh suốt tháng Ramadan, và coi đó như phương thế tuyệt hảo để nhận thức Thiên Chúa là Đấng Siêu Việt. Các Phật tử sùng đạo ăn chay trường, không chỉ trong việc ăn uống mà còn bao gồm cả việc tiết dục, nhằm chế ngự thân xác để tâm hồn thanh thản hầu thoát khỏi cõi trần tục luỵ. Phụng vụ Do Thái giáo buộc ăn chay trong ngày lễ Xá tội;[1] những người đạo đức còn ăn chay nhiều hơn, có khi một tuần hai lần (Lc 18,12). Những người thắc mắc tại sao các môn đệ Chúa Giê-su không ăn chay như các môn đệ của Gio-an Tẩy giả hoặc những người Pharisêu là bởi vì:
- họ chỉ nghĩ đến chay tịnh như việc làm vụ hình thức mà quên mất tinh thần của nó là đặt mình khiêm hạ trước nhan Thiên Chúa và tha thiết xin được kết mối liên hệ mật thiết với Ngài;
- họ đã không nhận ra Đức Giê-su chính là vị Thiên Chúa họ khao khát mong chờ mà nay đang hiện diện ở giữa họ.
Mời bạn: Ngày nay người ta thường coi nhẹ việc chay tịnh hoặc có giữ chay nhưng vì một lý do thuần tuý tự nhiên (để giảm béo chẳng hạn…). Chúa Ki-tô dạy chúng ta chay tịnh hay không chay tịnh đều chỉ vì một mục đích duy nhất là để được kết hợp mật thiết hơn trong tình thân với Ngài.
Sống Lời Chúa: Làm một việc hy sinh kín đáo để tỏ lòng yêu mến Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa không đòi hy lễ cao siêu nhưng đã kêu gọi con để con thuộc trọn về Chúa. Con xin thưa này con xin đến để làm theo ý Chúa.
Bài 5. Tâm hồn mới
Suy niệm: Bầu da mới, nghĩa là bầu da còn sức đàn hồi, có thể trương nở, chứ không teo tóp hay khô queo. Bầu da Chúa Giêsu nói ở đây chính là tâm hồn của chúng ta. Thánh Phaolô nói: “Rõ ràng anh em là bức thư của Đúc Kitô… không phải viết bằng mực đen nhưng bằng Thần Khí của Thiên Chúa Hằng sống, không phải ghi trên những tấm bia bằng đá, nhưng trên những tấm bia bằng thịt, tức là lòng người” (2Cr 3,3). Vậy, bầu da mới là tâm hồn mới, không phải là một tâm hồn đã chết khô mà là một tâm hồn nghèo khó, khiêm nhường, tâm hồn trong sạch và tâm hồn luôn có Chúa Thánh Thần ngự trị để luôn sống Phúc Âm trong cuộc sống đời thường đó là: từ bi, nhân hậu, tha thứ, hiền lành, thánh thiện, yêu thương, hy sinh và phục vụ tha nhân.
Mời Bạn: Thư chung Hội Đồng Giám Mục Việt Nam năm 2013 mời gọi tín hữu hãy tân Phúc Âm hóa để thông truyền đức tin: “Phúc Âm Hóa là dẫn con người gặp gỡ cá vị với Đức Giêsu Kitô, trong Thánh Thần, nhờ đó gặp gỡ Thiên Chúa Cha của Người, cũng là Cha của chúng ta, và để đời sống sống được biến đổi theo tinh thần Phúc Âm” (số 3). Để thực hiện, bạn hãy trở nên người mới với quả tim mới, để Chúa Thánh Thần thổi vào luồng sinh khí mới của Chúa, giúp bạn sống sống niềm vui Phúc Âm trong cuộc sống hôm nay.
Sống Lời Chúa: Tiết kiệm một món chi tiêu để chia sẻ với người nghèo.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban cho con quả tim mới, quả tim của Chúa, và thổi vào linh hồn con luồng sinh khí mới của Chúa Thánh Thần để con đem tinh thần Tin Mừng thấm nhuần vào môi trường mà con đang sống.
THỨ BA
Th. Vinh Sơn, phó tế, tử đạo; Mc 2,23-28
Bài 1. Sự sống con người là số một
Suy niệm: “Sự văn minh khởi sự lần đầu khi một người giận dữ “ném” một lời nói thay vì hòn đá” (S. Freud). Thế nhưng, lời kết án của người Pha-ri-sêu chẳng khác gì hòn đá ném vào thầy trò Đức Giê-su, vì nó có thể “châm ngòi nổ” cho những hòn đá ném vào người vi phạm luật ngày sa-bát. Để biện minh cho các môn đệ, Đức Giê-su dựa vào trường hợp vua Đa-vít, khi đói, có thể ăn thứ bánh tiến vốn chỉ dành cho các tư tế. Quan trọng hơn, Ngài minh định ý nghĩa đích thực của ngày sa-bát. Ngày sa-bát là ngày dành cho Chúa, dành thời gian thờ phượng Ngài, nhưng cũng là ngày của con người, phục vụ cho sự sống của con người. Đức Giê-su cho thấy sự sống con người quan trọng hơn lề luật, vì lề luật phục vụ cho sự sống viên mãn của con người.
Mời Bạn: “Tôi không quan tâm bạn thích hay không thích tôi… Điều tôi đòi hỏi là bạn tôn trọng tôi như một con người” (J. Robinson). Bạn phải tập nhìn người khác như một con người, một nhân vị, với sự sống và phẩm giá cao cả, chứ không phải dựa trên ngoại hình, cấp bậc, giới lớp… Khi ấy, bạn mới xứng danh là Ki-tô hữu, người thuộc về Đức Ki-tô.
Sống Lời Chúa: Tôi tập nhìn người khác với cái nhìn của Chúa Giê-su: cái nhìn tôn trọng, thông cảm, yêu mến. Rồi từ cái nhìn “Giê-su” ấy sẽ đưa đến những nghĩa cử phục vụ cụ thể khác.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa dạy con sự sống con người quan trọng hơn mọi lề luật. Xin cho con có trái tim nhân ái của Chúa, để tim con biết rung cảm trước nỗi khổ của tha nhân; nhờ đó, con cũng có cái nhìn của Chúa.
Bài 2. Linh hồn của Lề Luật
Nói về luật pháp của con người, triết gia Schopenhauer đã ví von như sau: “Luật pháp cũng giống như một mạng nhện, những con ong gấu thì vượt qua một cách dễ dàng, những thứ ruồi nhặng thì kẹt lại”. Ðây là một sự thật đau lòng mà chúng ta chứng kiến mỗi ngày trên khắp thế giới: những con ong gấu, tức những người làm ra luật, những kẻ có quyền thế trong tay, thường chiu qua những kẽ hở của luật pháp một cách dễ dàng; thế lực của đồng tiền, vây cánh, ô dù, giúp họ luôn đứng trên luật pháp mà chính họ lập ra.
Vào thời Chúa Giêsu không có chuyện ô dù, nhưng có một hạng người tự cho mình có quyền lập ra luật, bắt người khác giữ luật, còn mình thì không muốn lay thử một ngón tay. Tin Mừng hôm nay là khởi đầu của một cuộc đối đầu triền miên giữa Chúa và hạng người này, tức là nhóm Biệt phái về vấn đề luật pháp. Chúa Giêsu không phải là một người vô kỷ luật. Ngài sinh ra khi cha mẹ Ngài tuân theo lệnh kiểm tra dân số do Hoàng đế La mã ban hành; sau này Ngài vẫn đóng thuế như bất cứ một công dân của Ðế quốc nào. Trong lãnh vực tôn giáo Ngài tuân giữ lề luật của Môsê. Ngài cũng chịu cắt bì, được hiến dâng trong Ðền thờ vì là con trai đầu lòng, hằng năm lên Yêrusalem để mừng lễ, mỗi ngày hưu lễ Ngài cũng đến Hội đường.
Tuy nhiên, như Chúa Giêsu đã có lần tuyên bố Ngài đến là để kiện toàn lề luật, và kiện toàn lề luật là gì nếu không phải là mặc cho nó linh hồn là tình yêu; không có tình yêu thì lề luật chỉ là những thây chết, nhưng nói đến tình yêu là nói đến con người. Như vậy luật lệ là vì con người, là để giúp con người sống chứ không phải để đàn áp và giết chết con người; luật lệ chỉ có ý nghĩa và giá trị khi nó là một biểu lộ của tôn trọng và yêu thương đối với con người; trái lại, tất cả những luật lệ nào đi ngược lại với sự sống và tình yêu, đều là những luật lệ bất công. Trong Thông điệp “Tin Mừng Sự Sống” ban hành năm 1995, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã kêu gọi các tín hữu mạnh mẽ và can đảm chống lại những thứ luật lệ xúc phạm đến chính sự sống của con người, như luật cho phép phá thai, luật cho phép kết liễu cuộc sống của bệnh nhân.
Là một xã hội, Giáo Hội cũng ban hành luật lệ. Tất cả lề luật của Giáo Hội được tóm gọn trong một giới luật duy nhất và nền tảng, đó là yêu thương. Ăn chay, giữ ngày Chúa nhật hoặc bao nhiêu khoản luật khác liên quan đến đời sống hôn nhân, tất cả đều qui về một luật duy nhất là để giúp các tín hữu sống tôn trọng và yêu thương con người. Như thế, người Kitô hữu chỉ có một giới răn để tuân giữ, đó là giới răn yêu thương, và họ cũng chỉ có một tinh thần duy nhất để tuân giữ lề luật, đó là tình yêu thương.
Nguyện xin Chúa hướng dẫn để chúng ta luôn sống đạo theo tinh thần yêu thương ấy.
Bài 3
Bộ luật của người Do Thái nhận tại núi Sinai khi Chúa truyền cho Môisen chỉ có 10 điều, nhưng được giải thích cách tỉ mỉ trong Sách Lêvi và Đệ Nhị Luật thành hơn 500 điều. Một trong những điều quan trọng là ngày nghỉ Sabat, thuộc giới răn thứ 3 trong thập điều, được tuân giữ chi tiết, cặn kẽ và nếu phạm vào có thể bị ném đá chết.
Thực ra, khi ban bố lề luật, Thiên Chúa muốn sự yêu mến và tự nguyện, nhưng dần già, được giải thích quá tỉ mỉ đến cả những chi tiết nhỏ nhặt. Để rồi, các tiến sĩ – kinh sư – biệt phái thì sinh ra vụ luật và dùng luật làm thứ bình phong che chắn và làm lợi cho họ, còn dân chúng thì cảm thấy nặng nề, để rồi thay vì yêu mến và tự nguyện, họ chỉ giữ vì buộc phải giữ và luật trở thành gánh nặng đè trên vai họ.
Hôm nay, họ bắt bẻ Chúa Giêsu về luật sa-bát vì 3 lý do:
Người Pharisiêu chú tâm đến hình thức của luật đến nỗi quên đi bản chất của luật là bác ái yêu thương, họ sẵn sàng để người khác đói khát chứ không thà lỗi luật. Luật là cứu sống chứ không phải giết chết.
Họ vốn chủ trương là hassidim, nghĩa là giữ luật cách khắt khe, nên khi bắt bẻ Chúa Giêsu là một ngầm ý đề cao về mình và che giấu sự giả hình của mình.
Họ xem luật như cứu cánh và bắt buộc Thiên Chúa phải theo ý họ mà thưởng công cho họ. Trong khi luật chỉ là dẫn đường, còn cùng đích phải là Thiên Chúa.
Còn chúng ta là người Công Giáo, ngày sa-bát (Thiên Chúa nghỉ ngơi – sau sáng tạo) của người Do Thái đã được thay thế bằng Ngày Chúa Nhật (Chúa Giêsu Phục Sinh – sáng tạo mới), chúng ta đã tuân giữ Ngày Chúa Nhật như thế nào:
– Tham dự Thánh Lễ vì lòng yêu mến hay vì bắt buộc phải đi lễ?
– Làm việc bác ái hay là dửng dưng với những hoàn cảnh khó khăn của đồng loại mà ta gặp thấy? Chúng ta có nhân danh ngày nghỉ, lấy cớ việc đi lễ… để rồi không đếm xỉa đến những người gặp hoạn nạn đang cần đến sự giúp đỡ của chúng ta.
– Chúng ta giữ gìn luật Ngày Chúa Nhật cốt để phô trương chính mình và lên án người khác không?
Lạy Chúa Giêsu, xin cho mọi người chúng biết giữ luật vì lòng yêu mến Chúa và quảng đại với tha nhân, hơn là giữ lề luật chỉ vì luật mà lỗi đến đức bác ái công bình đối với tha nhân. Amen.
Bài 4. Giữ luật vì yêu mến
Suy niệm: Kể từ ngày 15/12/2007, đội mũ bảo hiểm đã thành luật cho người đi xe gắn máy ở nước ta. Các phương tiện truyền thông cố gắng làm cho người dân thấy rõ lợi ích của việc đội chiếc mũ rầy rà đó để họ chấp hành tự nguyện chứ không coi đó chỉ là chuyện ‘đối phó,’ tránh né công an. Luật lệ rất cần thiết cho đời sống cá nhân và xã hội. Ai cũng phải phải tuân thủ luật pháp chính đáng. Các môn đệ bứt bông lúa mà bị người Pha-ri-siêu phóng to lên thành gặt lúa, lỗi luật ngày sa-bat. Nếu câu nệ luật pháp hay áp đặt những luật lệ phi lý thì luật pháp không còn ý nghĩa. Chúa Giê-su đưa ra một nguyên tắc có giá trị cho mọi thứ lề luật: ngày sa-bát lập ra cho con người chứ không phải con người cho ngày sa-bát.
Mời Bạn: Trong Hội Thánh cũng có luật lệ, giới răn. Ki-tô hữu sống đạo chân chính sẽ giữ luật trong tâm tình mến Chúa yêu người là nền tảng của mọi lề luật. Cuộc sống đang thay đổi nhanh chóng, lắm lúc người con Chúa không biết phải cư xử thế nào cho đúng luật. Những khi đó họ sẽ cầu xin ơn Chúa Thánh Thần và khiêm tốn bàn hỏi với các vị hữu trách khôn ngoan để biết cách hành xử đúng đắn.
Chia sẻ: Trong cộng đoàn của chúng tôi, có những luật lệ, cách ứng xử tạo nên kỳ thị, bất công không?
Sống Lời Chúa: Xin ơn biết giữ luật trong tình yêu mến Chúa để tôi không khô cằn xơ cứng, nhưng luôn bén nhạy, sẵn sàng có những thích nghi cần thiết.
Cầu nguyện: Lạy Chúa. Xin chỉ cho con đường đi của Chúa. Xin dạy bảo con nước bước của Ngài… Vì Chúa là Đấng ngày đêm con đợi trông.
Bài 5. Vì con người và cho con người
Suy niệm: Nhân việc người Pharisêu bắt bẻ các môn đệ bứt lúa trong ngày sabát, Chúa Giêsu minh định ý nghĩa của ngày Sabát là “được tạo ra vì con người và cho loài người.” Vì con người con người để họ biết quan tâm, chăm sóc nhau để cùng mưu tìm hạnh phúc đích thực cho con người. Cho con người để họ hướng tới Thiên Chúa và tôn thờ Ngài, Đấng tạo dựng họ và toàn thể vạn vật. Chúa Giêsu nhấn mạnh đến ý nghĩa cốt lõi của ngày sabát là đưa con người đến chỗ nhận ra ý định yêu thương của Chúa và đem lại sự an tĩnh cho con người sau những ngày lao động mệt nhọc. Bổn phận của con người là thánh hóa ngày ấy theo như ý Thiên Chúa muốn vì “Con Người làm chủ luôn cả ngày sabát.”
Mời Bạn: Vì những ý nghĩa mang nặng tính nhân văn cũng như tính tôn giáo nên Hội Thánh mới khuyên chúng ta nên “nghỉ việc xác” trong ngày Chúa Nhật hiện nay. Nhưng trên thực tế có ít người tuân giữ, cứ viện cớ làm thêm để cải thiện cuộc sống. Rồi ra chính chúng ta làm cho ngày Chúa Nhật trở thành một ngày như mọi ngày!
Chia sẻ: Hãy suy nghĩ và đặt lại vấn đề làm thêm trong ngày Chúa Nhật, xem nó có thực sự cải thiện cuộc sống bản thân và gia đình hay chúng ta đang đẩy ngày này đi sai mục đích của nó.
Sống Lời Chúa: Tìm lại ý nghĩa đích thực của điều răn thứ ba “giữ ngày Chúa Nhật.”
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa là Chủ của ngày sabát chứ không phải con. Xin cho con biết tuân theo ý muốn của Chúa là Chủ của đời sống con. Amen.
THỨ TƯ (Mc 3,1-6)
Bài 1. Luật bác ái trên hết
Suy niệm: Theo truyền thống, người bại tay này làm nghề thợ xây đá. Nghĩa là anh cần có một bàn tay khỏe mạnh sớm hết sức, để có thể nuôi sống bản thân và gia đình. Không lạ gì trước những người Do Thái đang “chẻ sợi tóc ra làm tư” dò xét, bắt bẻ, để kết án, Chúa Giê-su vẫn can đảm chữa lành cho người bại tay trong ngày sa-bát. Theo luật Do Thái, chỉ được chữa bệnh vào ngày sa-bát trong trường hợp nguy tử. Trường hợp của anh không phải là nguy tử, nhưng Ngài không thể nào để đến ngày mai. Ngài muốn chữa lành cho anh ngay hôm nay. Ngày sa-bát là ngày dành cho Chúa, ngày làm điều lành, ngày cứu người. Nhờ đó, bàn tay anh có thể duỗi thẳng, anh có thể cầm lấy bàn tay người khác, cũng như có thể mưu sinh bằng chính bàn tay của mình.
Mời Bạn: Ngày Chúa Nhật, bạn nghỉ ngơi, không phải để ăn chơi, nhậu nhẹt xả láng, nhưng để thánh hóa ngày ấy. Thánh hóa bằng việc tham dự thánh lễ cách trọn vẹn và sốt sắng, dành thời giờ để quan tâm, chia sẻ tình thương với người chung quanh, đặc biệt với những gia đình khó khăn trong năm “Đồng hành với các gia đình khó khăn.”
Sống Lời Chúa: Hãy quyết tâm thánh hóa ngày Chúa nhật bằng việc thờ phượng Chúa, sống tình mến với người khác để sống tinh thần ngày nghỉ này.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết tận dụng ngày Chúa Nhật theo đúng ý Chúa muốn: dâng lễ sốt sắng, tham gia hội đoàn tông đồ, nghỉ ngơi bồi dưỡng thân xác và tinh thần, chăm lo cho người thân và con cái, quan tâm đến những người nghèo, bệnh tật, neo đơn và đau khổ. Amen.
Bài 2. Phản ứng của Chúa Giêsu
Trong diễn văn đọc trước ngoại giao đoàn bên cạnh Toà Thánh nhân dịp Năm Mới 1996, Ðức Gioan Phaolô II đã mạnh mẽ tố giác các đàn áp Kitô hữu; Ngài nhận định như sau: “Người ta không thể đàn áp mãi hàng triệu tín hữu, nghi ngờ hoặc chia rẽ họ, mà những hành động đó lại không đưa đến những hậu quả tiêu cực, chẳng những đối với uy tín của các quốc gia trên trường quốc tế, mà cả trong nội bộ các xã hội liên hệ; trái lại, những mối quan hệ tốt giữa các Giáo Hội và nhà nước góp phần vào sự hòa hợp mọi thành phần trong xã hội”.
Vừa đàn áp, vừa kêu gọi tin tưởng, chỉ có người mù quáng mới không thấy được sự mâu thuẫn trong hành động của mình. Người mù lòa ít ra còn biết mình không thấy, nhưng kẻ mù quáng vốn có mắt, nhưng lại không nhìn thấy.
Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu có một phản ứng trước sự mù quáng của những người Biệt phái. Chúng ta cứ tưởng tượng một bệnh nhân đang quằn quại trong đau khổ cần được một bàn tay săn sóc chữa trị, thì người ta lại nại đến luật ngày Hưu lễ để bắt bẻ và cấm chế. Thánh sử Marcô như muốn tô đậm phản ứng của Chúa trước thái độ mù quáng như thế, khi viết: “Chúa Giêsu giận dữ rảo mắt nhìn họ, buồn khổ vì lòng chai đá của họ”. Chúa Giêsu vốn là Ðấng hiền lành và khiêm nhường trong lòng. Chúng ta hãy chiêm ngưỡng thái độ của Ngài đối với những người khốn khổ, các bệnh nhân, các tội nhân, những người bị đẩy ra bên lề xã hội, Ngài đồng bàn với họ, cảm thông với họ, tha thứ cho họ.
Chúa Giêsu tỏ ra cảm thông tha thứ đối với mọi tội lỗi của con người, duy chỉ có một thái độ Ngài không bao giờ chấp nhận và tha thứ, đó là thói giả hình và mù quáng. Do yếu đuối, con người sa ngã là chuyện bình thường, nhưng nhắm mắt khép kín tâm hồn để không nhận ra mình yếu đuối cũng như nhân danh đạo lý và pháp luật để khước từ yêu thương, để loại trừ người khác, Chúa Giêsu gọi đó là tội chống lại Thánh Thần, tội không thể tha thứ được. Thật thế, khi con người không còn nhận ra thân phận tội lỗi yếu đuối của mình, khi con người khước từ yêu thương, thì mọi tương quan với Thiên Chúa cũng hoàn toàn bị cắt đứt. Chúa Giêsu không ngừng lên án thái độ giả hình và mù quáng của những người Biệt phái; Ngài cũng luông kêu gọi các môn đệ đề cao cảnh giác trước men Biệt phái.
Nguyện xin Chúa giúp chúng ta ghi tạc Lời Chúa để tránh khỏi men giả hình và mù quáng ấy. Xin Ngài cho chúng ta một tâm hồn nhạy cảm để nhận ra thân phận yếu đuối bất toàn của chúng ta và đáp lại tiếng gọi thống hối và hoán cải không ngừng của Chúa. Xin Ngài ban cho chúng ta một trái tim luôn biết rung động trước nỗi đau khổ của đồng loại và đôi tay luôn biết rộng mở để săn sóc chữa trị và san sẻ trao ban cho mọi người.
Bài 3
Giới răn Sabat được giải thích từ việc tin rằng Thiên Chúa sáng tạo trời đất muôn vật trong sáu ngày và ngày thứ bảy thì Người nghỉ ngơi. Chính vì vậy, nguyên thủy người ta nghỉ ngày thứ bảy (Sabat) như là một sự bắt chước Thiên Chúa, đồng thời dành một ngày cuối tuần để chỉ dành riêng cho việc phụng sự Thiên Chúa. Thế nhưng, càng ngày, luật Sabat được các luật sĩ giải thích chi tiết, cặn kẽ và dừng lại ở mặt chữ của luật: chỉ dừng lại ở cái lý mà đánh mất cái tình, giữ luật vì luật chứ không còn vì yêu mến Chúa và đánh mất đức ái mà luật nhắm tới.
Hạn từ sabat có nghĩa là “nghỉ ngơi”. Thần học sáng tạo II (St 2,1-3) muốn chứng minh việc Thiên Chúa muốn phải thánh hóa một ngày trong tuần, không hẳn để tụ họp cử hành phụng vụ cho bằng để mọi người được nghỉ ngơi (xem them Xh 20,10). Bởi vì Thiên Chúa Chí Thánh không muốn một dân thánh lại làm nhu cầu ăn uống hằng ngày hoặc chỉ lo lao động.
Như thế, khi ban bố lề luật, Thiên Chúa muốn sự yêu mến và tự nguyện, nhưng dần già, được giải thích quá tỉ mỉ đến cả những chi tiết nhỏ nhặt. Để rồi, các tiến sĩ – kinh sư – biệt phái thì sinh ra vụ luật và dùng luật làm thứ bình phong che chắn và làm lợi cho họ, còn dân chúng thì cảm thấy nặng nề, để rồi thay vì yêu mến và tự nguyện, họ chỉ giữ vì buộc phải giữ và luật trở thành gánh nặng đè trên vai họ.
Theo Biệt Phái – Pharisiêu, bộ luật dành cho Do Thái dạy phải kiêng việc xác ngày Sa-bát cách triệt để theo mặt chữ, nếu ngày đó có ai đó chỉ cần đi lượm vài nhánh củi về để đun bếp nướng bánh cũng phải bị xử ném đá chết, ngay cả đường đi cũng có một số con đường bị cấm không được đi vào ngày sa-bát.
Có câu chuyện kể rằng, hôm ấy một Rabi Do Thái cưỡi ngựa đi từ Giêricô về Giêrusalem vừa đi vừa hát thánh ca, trên đường đi, chẳng may con ngựa trượt chân ngã xuống vực, nhanh tay vớ được cành cây nên Rabi không rơi xuống vực. Ông thấy con ngựa rơi xuống nước nên không hề hấn gì, nhưng bờ cao không lên được, ông định chặt nhành cây lấp đất cho con ngựa lên, nhưng sực nhớ hôm đó là ngày sa-bát không được làm việc tay chân nên thôi, ông liền phục trong bụi cây rình thấy một người hành hương cưỡi ngựa đi qua, ông rút súng bắn người ấy rơi xuống vực, cướp ngựa phóng đi và tiếp tục hát thánh ca.
Bài Tin Mừng hôm nay cũng cho thấy việc Chúa Giêsu vạch trần sự giả hình của họ, ngày Sa-bát mọi người đến nghe Lời Chúa thì họ đến với ý đồ xấu nhằm để hại người. Giống như câu chuyện trên, Rabi kia không dám cứu con ngựa của mình lên vì sợ phạm luật nhưng lại dễ dàng giết người cướp ngựa… Luật đối với họ sẵn sàng ném đá chết một người lượm củi nấu ăn, không dám đi đường cấm dù cấp bách liên quan đến sự sống cần cấp cứu. Họ coi việc giữ những điều lặt vặt hơn là mạng sống của một con người. Chúa Giêsu biết họ đang rình mò tìm kế hại Người, nhưng Người vẫn không ngần ngại chữa lành cho người bị bại tay, và qua đó Người chấn vấn họ “ngày Sa-bát nên làm điều lành hay làm điều dữ?”. Người đã ra tay làm điều lành trước mắt họ vì đối với Người luật yêu thương bác ái vượt trên tất cả mọi của lễ mà họ dâng. Thế nhưng, họ đã không chịu nhận ra mà còn giận điên lên và bàn nhau tìm cơ hội khác để giết Chúa Giêsu.
Còn chúng ta thì sao?
Chúng ta đi lễ cốt để nghe Lời Chúa hay là để tìm cớ lên án nhau?
Ngày Chúa Nhật, chúng ta đã thực sự tìm kiếm việc lành, hay vẫn để mình buông theo những điều tội lỗi?
Chúng ta có nhân danh ngày nghỉ, lấy cớ việc đi lễ… để rồi không đếm xỉa đến những người gặp hoạn nạn đang cần đến sự giúp đỡ của chúng ta.
Chúng ta giữ gìn luật Ngày Chúa Nhật cốt để phô trương chính mình và lên án người khác không?
Trong trường hợp của bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su có thể nói với người bị bại tay: Sao anh lại xin tôi làm một điều bị cấm trong ngày sabat? Ngày mai anh trở lại đây để tôi chữa cho… Nhưng không, Chúa Giê-su thấy đức ái cần vượt lên trên, vì Tin Mừng là để giải phóng, và người ta được giải tỏa khi nhận ra rằng trong xã hội không có gì là tuyệt đối, cho dù xã hội muốn áp dụng những luật lệ nào đó với nhãn hiệu là bất khả xâm phạm. Luật sabat đúng là một trong những luật căn bản của Sách Thánh, nhưng không khỏi có những trường hợp luật ép buộc thay vì giải tỏa. Cũng thế, ngay trong Giáo Hội, những luật lệ được coi là linh thiêng nhưng một lúc nào đó lại trở thành chướng ngại vật cho Tin Mừng, và nếu đúng như vậy, thì dưới ánh sáng của Thánh Thần, lương tâm Ki-tô giáo phải tìm ra một giải pháp cho thời điểm ấy. Dám làm như thế mới thực sự là người tự do làm con cái Thiên Chúa (x. 1Cr 3,21-23; 8,4; Cl 2,20-23).
Lạy Chúa Giêsu, mọi điều luật chỉ có giá trị cứu độ khi được tuân giữ với lòng yêu mến Chúa và tha nhân, xin cho chúng con luôn biết đến với Chúa với tâm tình cảm mến tri ân và đến với anh chị em với tấm lòng yêu thương. Đó mới là tinh thần của điều răn mới mà Chúa muốn nơi mọi người chúng con. Amen.
Bài 4. Ngày Sa-bát, làm việc lành
Suy niệm: Để đón nhận và sống sứ điệp Tin Mừng, cần biết nhìn và có một tấm lòng. Khi gọi người bị bại tay ra đứng giữa hội đường, Chúa Giê-su không có ý hạ giá anh, nhưng Ngài kêu gọi chúng ta hãy dám nhìn thẳng vào người anh em đau khổ, bị bỏ rơi, bị lãng quên và lắng nghe lời chất vấn của lương tâm: “Ngày Sa-bát được phép làm điều lành hay điều dữ?” Mệnh lệnh “làm lành lánh dữ” của lương tâm sở dĩ có tính tuyệt đối vô điều kiện bởi vì nó xuất phát từ chính Thiên Chúa. Người ta chỉ chu toàn bổn phận thánh thiêng thờ phượng Chúa khi và chỉ khi “làm điều lành”. Mà “điều lành” không gì khác hơn là phục vụ, chia sẻ cách cụ thể với người anh em đau khổ đang ở giữa cộng đoàn đây.
Mời Bạn: Bạn đang làm những “điều lành” nào trong ngày Chúa Nhật, Ngày Của Chúa? Bạn có bận bịu công việc làm ăn đến nỗi không còn thì giờ cho Chúa, cho gia đình, con cái? Hay bạn cũng ngưng công việc làm thường ngày, những để mê đắm trong bài bạc, nhậu nhẹt say sưa?
Chia sẻ: Ngày Chúa Nhật của bạn thường diễn ra như thế nào? Có thể sắp xếp cách khác để ngày ấy trở thành ngày của mến Chúa yêu người cách đặc biệt hơn không?
Sống Lời Chúa: Gác lại việc làm ăn thường ngày để đi thăm một người trong khu xóm đang cần sự quan tâm chia sẻ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban thêm cho con nhiệt tâm làm việc lành, biết yêu thương phục vụ những anh chị em nghèo khổ, bất hạnh xung quanh con.
Bài 5. Sabát, ngày của sự sống
Suy niệm: Luật lệ được lập ra là để phục vụ cho con người hay ngược lại? Đây là một câu hỏi không chỉ được đặt ra từ bối cảnh thời đại hôm nay, mà đã xuất hiện từ hơn 2000 năm trước, được chính Đức Giêsu khơi gợi lên. Là người Do Thái, Đức Giêsu chắc hẳn hiểu rất rõ về ý nghĩa của ngày sabát: đó là ngày dành riêng để thờ phượng Thiên Chúa. Phải có những luật lệ căn bản trong ngày này là điều không có gì phải bàn cãi. Thế nhưng, một khi việc thờ phượng Thiên Chúa trong ngày sabát đánh mất đi chiều kích nội tâm, và chỉ còn lại dáng vẻ bề ngoài, tức là chỉ còn biết tuân giữ luật lệ cách khắt khe, tỉ mỉ, bất chấp cả sự sống con người, thì cần phải đặt lại vấn đề. Chính Đức Giêsu đã làm thế khi đặt ra câu hỏi: “Ngày sabát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay giết chết?” Ngài chỉ cho thấy một sự thật, đó là việc thờ phượng Thiên Chúa không loại trừ nhưng làm cho cuộc sống của con người được sung mãn trọn vẹn.
Mời Bạn: Ngày hôm nay, chúng ta, trong đó có bạn và tôi, hơn lúc nào hết, cần nhận ra sự thật mà Đức Giêsu đã chỉ cho thấy và được thánh giáo phụ Irênê đã diễn tả cách chính xác: “Vinh quang của Thiên Chúa là con người được sống.”
Chia sẻ: Bạn hiểu thế nào về câu nói của thánh Irênê được nêu trên đây? Bạn nghĩ phải làm gì cụ thể để Thiên Chúa được vinh quang?
Sống Lời Chúa: Quyết tâm bảo vệ nhân phẩm và sự sống con người.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết đón nhận và sống hết mình cho sự thật mà Chúa đã trao ban.
THỨ NĂM
Th. Phan-xi-cô Sa-lê-si-ô, giám mục, tiến sĩ HT; Mc 3,7-12
Bài 1. liệu có sự thật từ ma quỷ?
Suy niệm: Theo lẽ thường, ma quỷ chẳng muốn ai tin nhận Chúa Giê-su là Con Thiên Chúa. Thế nhưng lạ thay hôm nay chúng lại “rao” điều đó công khai trước mặt mọi người. Điều kỳ lạ hơn, chính Chúa Giê-su cấm không cho chúng tiết lộ về Ngài. Phải chăng có gì bí ẩn trong câu chuyện này? Đúng là ma quỷ đang muốn phá đám bằng cách tiết lộ thân thế và sứ mạng cứu thế của Chúa Giê-su, điều mà đúng ra mỗi người phải nói lên bằng sự xác tín của mình. Vả lại, Chúa Giê-su còn lạ gì chiến thuật của ma quỉ! Chúng đã từng đưa chiêu bài “nếu ông là Con Thiên Chúa” để cám dỗ Ngài đi lệch khỏi chương trình cứu độ của Chúa Cha. Nay chúng lại muốn “phá bĩnh” bằng chính những lời có vẻ đúng nhất, thật nhất nhưng lại khiến người ta hiểu sai vai trò cứu thế của Ngài theo kiểu một vị vua trần tục. Và vì vậy Ngài đã cấm chúng nói thêm.
Mời Bạn: Chúng ta dễ bị cám dỗ coi Hội Thánh như một phương thế để đạt được lợi lộc hay quyền lực thế tục. Noi gương Chúa Giê-su chúng ta khước từ thứ sự thật từ ma quỉ để bước theo con đường tự hiến phục vụ trong khiêm tốn và yêu thương. Mặt khác Ngài dạy chúng ta “có thì nói có,” dùng lời nói để xây dựng Hội Thánh thành một “Nước sự thật và sự sống, yêu thương và an bình”.
Sống Lời Chúa: Châm ngôn sống: Khiêm tốn phục vụ (Mc 10,43-44) và nói sự thật trong lòng mến (x. Ep 4,15).
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho chúng con biết tin nhận sự thật Chúa dạy để được quy tụ trong Nước Cha, là Nước sự thật và sự sống, yêu thương và an bình.
Bài 2. Hiểu biết Chúa Giêsu
Có một giai thoại về Trang Tử như sau: Một hôm, Trang Tử cùng đệ tử đi chơi núi, một người thợ rừng hỏi: “Tại sao cây này không dùng được?”, Trang tử liền nói: “Cây này vì bất tài mà được sống lâu”. Về đến nhà, nguời thợ bắt con chim không biết gáy để làm tiệc đãi khách. Hôm sau đệ tử hỏi Trang Tử:
– Hôm qua, cái cây trên núi vì bất tài mà sống, con chim hồng vì bất tài mà chết; theo Thầy, Thầy xử trí thế nào?
Trang Tử cười và nói:
– Tài và bất tài đều là quấy cả. Khôn cũng chết, dại cũng chết, biết thì sống.
Ðông Phương đề cao sự khôn ngoan ở đời; Tây Phương chịu ảnh hưởng Hy Lạp cũng dạy: con người lý tưởng là con người biết nhiều. Nhưng biết không chỉ là biết sự vật, mà là biết con người, và biết con người không chỉ là một nhận thức suông, mà thiết yếu là đi vào tri giao mật thiết.
Trong Tin Mừng hôm nay, dường như tác giả muốn đưa chúng ta vào một sự hiểu biết như thế. Thánh Marcô trình bày cho chúng ta nhiều phản ứng hay đúng hơn nhiều nhận thức khác nhau về con người Chúa Giêsu. Trước hết là đám đông từ các nơi tìm đến với Chúa Giêsu, họ nghe và chứng kiến nhiều phép lạ Ngài thực hiện. Nhưng trong nhận định của Marcô, đám đông chỉ tìm đến để được ăn no nê, để được chữa trị khỏi các bệnh tật, chứ không phải để hoán cải; đám đông chỉ thấy cái trước mắt là phép lạ, mà không đọc ra được ý nghĩa của phép lạ là dấu chỉ của Nước Trời mà Chúa Giêsu đã loan báo. Nói tắt, đám đông không biết gì về Chúa Giêsu, và đây là lý do tại sao Chúa Giêsu tỏ ra dè dặt đối với đám đông, Ngài thường lẩn tránh họ. Duy chỉ có ma quỷ biết Chúa Giêsu là ai, nhưng biết đối với ma quỷ không đồng nghĩa với tri giao, mà chỉ là thù hận.
Ðặt vào đúng văn mạch, thì Tin Mừng hôm nay muốn trình bày cho chúng ta nhiều thứ hiểu biết về Chúa Giêsu: ma quỷ biết Chúa Giêsu, nhưng biết trong thù hận; đám đông thì tìm đến với Ngài vì mục đích trục lợi; bà con thân thuộc của Ngài chỉ có về Ngài một sự hiểu biết hời hợt, thiếu chiều sâu; những người Biệt phái thì hoàn toàn mù tịt về con người Chúa Giêsu; chỉ có Nhóm Mười Hai về sau này mới có một hiểu biết chính xác về Ngài. Nhưng đối với Chúa Giêsu, biết Ngài không chỉ là một nhận thức của trí tuệ, mà là đi vào tri giao mật thiết với Ngài, đi theo Ngài, nên một với Ngài. Ðó là lý do tại sao sau khi Phêrô đại diện Nhóm Mười Hai tuyên xưng Ngài là Ðức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống, Ngài liền loan báo về cuộc Tử nạn của Ngài và mời gọi họ vác lấy Thập giá mỗi ngày và đi theo Ngài. Và đó chính là sự hiểu biết về Ngài mà Chúa Giêsu đang chờ đợi nơi mỗi Kitô hữu. Biết và tuyên xưng trên môi miệng mà thôi chưa đủ, biết Ngài thật sự là nên một với Ngài đến độ thốt lên như Thánh Phaolô: “Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi”.
Ước gì tâm tình và xác tín của Thánh Phaolô cũng thấm nhập và hướng dẫn chúng ta từng giây phút của cuộc sống.
Bài 3
Khác với các Tin Mừng khác, Tin Mừng Marco được coi là cô đọng nhất. Đặc biệt nhiều lần thánh Marco gom rất nhiều địa danh hoặc ý tưởng vào chung một sự kiện, mà đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe là một bằng chứng về điều đó.
Mở đầu đoạn Tin Mừng, thánh nhân ghi lại việc dân tứ xứ đi theo Chúa Giêsu để được nghe giảng và được chữa lành. Dân chúng ở đây thuộc đủ mọi miền Đông Tây Nam Bắc đất nước Palestin, thuộc đủ các vùng đất cai trị của 3 tiểu vương con nhà Hêrôđê cai trị, từ thành thị đến miền quê: Galilêa (Bắc), Giuđêa (Nam), Tyr và Siđôn (Tây), bên kia sông Giođan (Đông); Giêrusalem (thành thị), miền duyên hải Tyr và Siđôn (miền quê).
Có thể nói, thực tế khó có một đám dân hỗn tạp xa cách về địa lý như vậy có mặt cùng một lúc, lang thang và không có phương tiện, nhất là có nhiều bệnh nhân nữa. Thật ra, có thể hiểu đây là một cách ghép nối tài tình của thánh sử Marcô, cho chúng ta một cái nhìn về sức mạnh của Lời Chúa, đã quy tụ muôn người từ Đông Tây Nam Bắc, không phân biệt sang hèn miền quê hay thành thị. Tất cả đều được quy tụ chung quanh một Đức Giêsu, để được nghe Lời sự sống, được chữa lành và được cứu độ.
Một hình ảnh rất đông người chen lấn để được động đến Chúa Giêsu, đến nỗi Chúa Giêsu phải cần một chiếc thuyền để ngồi mà giảng dạy. Thông thường chúng ta vẫn nghĩ việc dùng con thuyền là cách hay để vãn hồi trật tự, giúp Chúa Giêsu có một khoảng cách vừa đủ, để ai cũng có thể nghe giảng và theo thứ tự từng người một lội ra thuyền để xin chữa bệnh. Thiết nghĩ không hẳn là như thế, vì đối với Chúa Giêsu, việc chữa lành của Người không phải là lấy số thứ tự, hay là tạo ra một khoảng cách, mà là Người hoà mình vào giữa mọi người, đụng chạm đến họ và cho họ được đụng chạm. Người muốn thì Người đặt tay chữa lành…
Có lẽ thánh sử Marcô dùng hình ảnh “chiếc thuyền” nhấn mạnh đến ý nghĩa hơn là sự kiện. Chúa Giêsu cần một chiếc thuyền để ngồi lên đó mà giảng dạy, thì Lời Thiên Chúa hôm nay được rao giảng rất cần một Giáo Hội, để từ đó khởi đi, cũng như việc phân định hướng dẫn, để không vì ý riêng của ai làm sai lạc chân lý. Chúa Giêsu cũng cần một chiếc thuyền để ngồi lên đó mà đón nhận nhng ai đến để chữa lành cho họ, thì ngày hôm nay, các Bí Tích chữa lành được trao ban qua Giáo Hội và được trao ban cách cá nhân kèm theo sự sám hối và tuyên xưng niềm tin của từng người.
Như vậy, Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy được sự hữu ích của Lời Chúa là có sức quy tụ và hiệp nhất mọi người nên một với nhau. Đồng thời, Lời Chúa được rao giảng qua năng quyền của Hội Thánh để không bị sai lạc theo tư tưởng cá nhân. Đặc biệt, Ơn Cứu Độ của Chúa vẫn luôn tuôn trào qua Hội Thánh, chữa lành mọi thương tích cho tâm hồn con người.
Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con biết yêu mến Lời Chúa và để cho Lời Chúa hướng dẫn cuộc đời chúng con, hầu dù sống trong hoàn cảnh nào, chúng con vẫn bước đi trong ánh sáng Lời Chúa dẫn đường và không bao giờ vấp ngã. Amen.
Bài 4. Mầu nhiệm tình yêu
Suy niệm: Thiên Chúa là tình yêu. Người muốn trao ban tình yêu ấy cho nhân loại để ai tin và đón nhận Người thì được cứu độ. Nhằm tỏ bày tình yêu, Thiên Chúa đã dùng nhiều cách, nhưng phương thế cuối cùng và hoàn hảo là qua chính Con Một Người (x. Dt 1,1-2). Nghe biết các việc Chúa Giê-su đã làm, người ta lũ lượt kéo đến với Người; việc tìm đến với Chúa mới chỉ là bước đầu cho một tiến trình đón nhận ơn cứu độ. Một cách tiệm tiến, Thiên Chúa dẫn đưa họ vào mầu nhiệm tình yêu trọn vẹn nơi cuộc khổ nạn và phục sinh của Đức Giê-su, để rồi cùng với Đức Giê-su họ sẽ dâng về cho Thiên Chúa một tình yêu tự do và trọn hiến. Quá trình mạc khải không nhằm cho con người một danh xưng hay một khái niệm, song là một tình yêu. Và tình yêu phải được đáp trả bằng tình yêu, chứ không thể chỉ bằng sự hiểu biết suông hay ‘tụng kinh’ suông trên môi miệng.
Mời Bạn: Tình yêu cần được thể hiện qua việc làm. Một việc làm thiếu tình yêu là sự lừa dối; tình yêu thiếu việc làm thì tình yêu chết. Xã hội ngày càng dạt theo lối sống hưởng thụ, thực dụng, hời hợt thiếu chiều sâu, thành thử con người thường đánh giá và đối xử với nhau qua hình thức bề ngoài. Hậu quả là một xã hội suy thoái về đạo đức. “Anh em chớ uốn mình theo thế gian này!” (Rm 12,2).
Sống Lời Chúa: Làm một việc bác ái với tấm lòng thành, kết hợp cầu nguyện cho sự hiệp nhất của các Kitô hữu.
Cầu Nguyện: Hát Kinh Hoà Bình: “Lạy Chúa từ nhân, xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người… Xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa.”
Bài 5. Đến với Chúa với cả tấm lòng
Suy niệm: Ta hãy mở to mắt để nhìn khung cảnh thật ngoạn mục này: dân chúng từ khắp nơi đổ xô về được nhìn thấy Chúa, bệnh nhân thì cố gắng đến gần để sờ vào Ngài, còn ma quỷ phủ phục trước mặt Ngài. Thế nhưng, có vẻ Đức Giêsu không hồ hởi lắm trước thành công vang dội này: Ngài bảo môn đệ dành sẵn một chiếc thuyền nhỏ để khỏi bị dân chúng chen lấn; với ma quỷ, Ngài cấm ngặt chúng không được phát ngôn bừa bãi. Tại sao Đức Giêsu lại không phấn khởi trước những kết quả mỹ mãn như vậy? Chắc chắn Ngài biết rõ lòng người, họ đổ xô đến với Ngài vì tinh thần vụ lợi; Ngài cũng biết rõ lòng dạ ma quỷ, chúng làm vậy để lừa bịp Ngài và dân chúng.
Mời Bạn đến với Chúa, gặp gỡ Ngài không vì một ý hướng vụ lợi, cầu cạnh, thậm chí cũng chẳng vì lợi ích, thú vui thiêng liêng nào. Bạn hãy đến cùng Chúa với tâm tình người con thảo cần gặp gỡ người Cha, vị Chúa của mình.
Chia sẻ: Tôi thường làm các việc đạo đức với ý hướng nào: nhằm xin ơn, vì sốt sắng hay chỉ vì muốn gặp gỡ, tiếp xúc với Ngài?
Sống Lời Chúa: Kiên trì đọc Lời Chúa mỗi ngày với ý hướng muốn gặp gỡ Chúa và sống giống Ngài hơn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con không coi Chúa như một công ty bảo hiểm, một kho tàng chứa ơn lành, mà chỉ biết nhìn Chúa và đến với Chúa với ý hướng yêu mến của người con thảo hiếu. Xin cho chúng con mỗi ngày nên giống Chúa hơn. Amen.
THỨ SÁU
Th. Phao-lô tông đồ trở lại; Mc 16,15-18
Bài 1. Để được sai đi
Suy niệm: Để loan báo Tin Mừng, trước hết người môn đệ phải có niềm vui. Niềm vui không do thế gian ban tặng, mà là niềm vui có được nhờ cảm nhận những giá trị từ nơi Chúa Ki-tô, Đấng là Thầy và là Chúa của mình. Những giá trị ấy được Chúa Ki-tô ví như kho báu chôn dưới ruộng; nếu biết được, ta sẽ vui mừng, đánh đổi tất cả để chiếm lấy; còn không, rất dễ bị coi thường, thậm chí đem bán với giá rẻ mạt – như Giu-đa bán Chúa chỉ với ba mươi đồng bạc. Sự khác biệt ấy được thể hiện rõ nơi cuộc đời của thánh Phao-lô: khi chưa cảm nhận được những giá trị từ nơi Chúa Ki-tô, ông là người hăng say lùng bắt các Ki-tô hữu để đem về trị tội; nhưng một khi được cảm hóa bởi Ngài, ông đã khẳng định: “Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Ki-tô Giê-su, Chúa của tôi” (Pl 3,8). Và “Khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1Cr 9,16).
Mời Bạn: Trước khi sai các môn đệ đi rao giảng, bao giờ Chúa Ki-tô cũng mời gọi họ đến và ở lại với Ngài. Chúng ta cũng không thể rao giảng Tin Mừng, nếu chưa được cảm hóa nhờ ở lại cùng Chúa Ki-tô.
Sống Lời Chúa: Dành ít nhất 5 phút mỗi ngày để ở lại bên Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, nhờ kết hợp với Chúa mà cuộc đời thánh Phao-lô đã sinh nhiều hoa trái. Xin cho con biết dành thời gian ở lại bên Chúa, để có thể nói được như ngài: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Chúa Ki-tô sống trong tôi.” Amen.
Bài 2
Để có một người cộng tác vào một công việc đặc biệt trong chương trình cứu độ nhân loại, Thiên Chúa có nhiều cách chọn gọi và nhiều đối tượng được gọi khác nhau: Có những cách gọi bằng cách tác động từ nơi trái tim do lòng mộ mến hoặc, hoặc tác động lên ý thức tìm đến ơn gọi bằng sự nghiên cứu truy tầm về Thiên Chúa; cũng có cách gọi bằng cách làm cho nhiều lý do ngoại cảnh khác nhau tạo nên sự thích thú của đối tượng tìm đến ơn gọi (thậm chí có cả sự tiêu cực như thích được thế này thế kia…). Đối tượng được gọi cũng thật phong phú: có người được chuẩn bị từ trong lòng mẹ, có người được chuẩn bị từ nhỏ nơi gia đình, có người thậm chí đến từ một sự thất bại nơi tình cảm hay xã hội và có người được gọi bằng cả những cú ngã đau trên đường đời… Có người được gọi ngay trên ghế nhà trường, có người được gọi ngay trên bàn giấy hay nơi công sở làm việc, có người học thức hay sang giàu và cũng có người xuất thân từ nghèo khó quê mùa… Chúa có cách của Chúa, dù đến với ơn gọi thế nào hay đối tượng nào, thì khi đã gọi, Chúa có cách của Chúa và điều quan trọng là đối tượng được gọi dám cộng tác với ơn Chúa thì Chúa sẽ biến đổi họ nên khí cụ của Người.
Trường hợp của thánh Phao-lô hôm nay là một trong những cách chọn gọi của Chúa, nhưng thật đặc biệt và lạ lùng. Thánh nhân được gọi bằng một cú sốc, bằng một cú “quật ngã” làm cho sáng mắt ra và chấp nhận quy phục đức tin.
Phao-lô được gọi trong bối cảnh không ai có thể ngờ: Ngài xuất thân từ một gia đình thế giá với hộ khẩu “công dân mẫu quốc Rô-ma”, có bằng cấp ăn học đàng hoàng với tiến sĩ luật Gamalien nổi tiếng, thông thạo đạo lý Do-thái Giáo, nhiệt thành với đạo và đang “thi đua lập thành tích” đi làm “công an nằm vùng” truy bắt “những phần tử lạc đạo”… Đang hăng say thành công với con đường chọn lựa của mình, đùng một cái bị quật ngã và quay ngoắt 180o trở lại quy phục Đấng mà bấy lâu nay Phao-lô tìm cách triệt tiêu.
Sự trở lại của thánh Phao-lô có thể nói là “không thể tin được”. Thật vậy, đang ở chiến tuyến bên này, đùng một cái sang chiến tuyến bên kia và sống chết cho vị chỉ huy chiến tuyến mới này, nên cả trong đạo lẫn đời thời đó phải nghi ngờ. Chuyện lạ như thế thật khó tin, chỉ trừ khi đó là “một phép lạ”. Và phép lạ đó được chính Phao-lô kể lại là “biến cố té ngựa”.
– Cụ thể là về thủ đô gặp các Tông Đồ để xin “giấy phép” đi giảng, thì các sếp ở Giê-ru-sa-lem nghi ngại (biết đâu CS cài vào thì nguy), cho đến khi Phao-lô kể ra phép lạ, và sau đó do tiếng Chúa Thánh Thần phán xác nhận chọn Phao-lô và Barnaba (Cv 13,2).
– Sách Công Vụ Tông Đồ cũng nói đến việc khi Phao-lô giảng thì các tín hữu nghi ngờ, người Do-thái cũng nghi ngờ, và thậm chí cả những quan chức nhà nước như đại đội trưởng Claudio, tổng trấn Phê-lích và Phê-tô và tiểu vương Ác-gíp-pa cũng nghi ngờ lý lịch của Phao-lô. Và tất cả đều được Phao-lô biện luận bằng câu chuyện “phép lạ ngã ngựa” trên đường Đa-mát.
Có thể nói, bối cảnh diễn ra câu chuyện và những nghi ngờ xảy ra sau đó, và chính việc kể lại câu chuyện “phép lạ” đã giúp xóa tan nghi ngờ (x. Cv 9; 22; 26), chúng ta thấy có vẻ mang dáng dấp huyền thoại “bảy thực ba hư” trong một sự kiện có thật.
Chẳng hạn, người Việt chúng ta có giai thoại về Lý Công Uẩn, Lê Lợi, Mai Thúc Loan…:
– Tương truyền rằng, từ sau khi pháp sư Cao Biền của bọn Phương Bắc yểm bùa chặt đứt long mạch, thì ở Nước Nam không thể phát vương được nữa, và dân tin rằng họ sẽ mãi mãi làm nô lệ cho phương Bắc. Vì thế, để kêu gọi quân sĩ và dân ủng hộ, Lê Công Uẩn đã bày ra câu chuyện ông thấy một con rồng bay từ dưới sông Hồng lên trời, ý nói rồng vẫn ở Việt Nam, dân đã tin theo và Lý Công uẩn đã thắng Tàu, tuyên bố chủ quyền và lấy niên hiệu là Lý Thái Tổ, rồi ông đặt tên nơi thấy rồng là Thăng Long và tồn tại cho đến ngày nay.
– Rồi chuyện rùa thần trao bảo kiếm cho Lê Lợi…
– Hay chuyện Mai Thúc Loan từ anh nông phu đen trùng trục trở thành vua Mai Hắc Đế cũng vậy với truyền thuyết về con trâu đằm dưới kênh lên húc chết con hổ…
Chúng ta không loại trừ một chút huyền thoại trong câu chuyện “té ngựa” giữa trưa hè nóng bức, trên sa mạc khô cháy, khát nước hoa mắt xỉu té nhào, được mấy “bà phước” đưa vào chăm sóc làm tỉnh lại và ba ngày sau ăn uống khỏe mạnh… Rồi để thuyết phục mọi người về ơn gọi, Phao-lô cần sự kiện này được lồng trong một dấu chỉ phép lạ.
Tuy nhiên, điều quan trọng không phải là nội dung câu chuyện, mà là ý nghĩa câu chuyện được ơn trở lại của Phao-lô. Câu chuyện ơn gọi của ngài để lại cho chúng ta những bài học:
– Phao-lô bị Chúa quật ngã khi đang bon bon trên đà danh vọng với những dự án toan tính của mình. Qua biến cố ngã ngựa, Phao-lô đã “mở mắt ra” khi cái vảy rơi khỏi mắt, và ngài đã thấy được cái sai quá khứ, mà bước theo ý Chúa muốn mình phải làm gì trong tương lai. Chúng ta cũng thế, khi đang tưởng chừng như thành công với những toan tính danh vọng, rất cần một cú sốc và cần đến những “Anania” giúp để mở mắt ra thấy mình đã sai và mau mắn trở lại.
– Và một khi đã được ơn trở lại, thánh Phao-lô đã để cho Chúa biến đổi nên Tông Đồ của Người và nhiệt thành làm chứng cho Chúa. Cũng thế, một khi chúng ta đã được Chúa gọi hay sau những vấp ngã, chúng ta biết đứng lên và ngoan ngoãn để cho Chúa hướng dẫn và cộng tác với Chúa để loan báo lòng thương xót của Người.
Lạy Chúa, xin cho mọi người chúng con khi đã được Chúa mời gọi vào Giáo hội Chúa, thì cũng biết như thánh Phao-lô là hăng say làm chứng cho Chúa, để danh Chúa ngày càng được nhiều người nhận biết và tin theo. Amen.
Bài 3. Cú ngã ngựa lịch sử
Đọc lại cuộc đời Thánh Phaolô, ta nhận thấy sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa. Ơn gọi Tông đồ quả là một mầu nhiệm lạ lùng.
Đọc Công vụ Tông đồ từ chương 8 trở đi, ta sẽ bắt gặp một Saolô, ở Tacxô, là người Do thái, trí thức, thông thạo nhiều thứ tiếng miền Do thái – Hy lạp, rất sùng đạo theo môn phái Gamaliên ở Giêrusalem. Saolô là biệt phái nhiệt thành đi lùng sục bắt bớ Đạo Chúa, tham gia vào vụ giết Têphanô và rong ruổi mọi đường Đamát truy lùng các Kitô hữu.
Được ơn trở lại qua cú ngã ngựa trên đường Đamat, Saolô được biến đổi để trở nên chứng nhân vĩ đại là Phaolô, Tông đồ Dân ngoại. Từ đây cuộc đời của Phaolô đã viết nên thiên anh hùng ca. Thiên anh hùng ca của vị Tông đồ đã sống và đã chết cho Đức Kitô.
Cuộc sống bôn ba vì Nước Trời được điểm tô muôn ngàn vạn nét đẹp của Phaolô mãi mãi được hát lên như một bài ca khải hoàn: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, bắt bớ, đói khát, trần truồng, nguy hiểm, gươm giáo?… Vì tôi thâm tín rằng sự chết hay sự sống, dù thiên thần hay thiên phủ, dù hiện tại hay tương lai, hay bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ tạo vật nào khác, không có gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu Thiên Chúa thể hiện cho chúng ta trong Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Rm 8, 35-39).
Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống đã viết rằng: Nét đẹp nhất nơi Phaolô là cú ngã ngựa lịch sử. Cuộc đời Thánh Phaolô có nhiều hình ảnh đẹp. Chẳng hạn khi ngài xuất thần thì được đưa lên tầng trời thứ ba; chẳng hạn khi ngài ứng khẩu rao giảng Tin Mừng nơi Nghị viện Hy lạp; chẳng hạn khi Ngài lênh đênh trên biển đi tìm vùng đất mới đem về cho Chúa bao nhiêu linh hồn; và còn rất nhiều hình ảnh đẹp khác nữa. Nhưng tại sao Giáo Hội không chọn trong số những hình ảnh đẹp ấy, mà lại lấy hình ảnh ngã ngựa để đem mừng kính trong một ngày lễ? Thưa vì đó là một biến cố quan trọng phân chia cuộc đời ngài ra làm hai nửa theo hai hướng đối nghịch nhau, nhưng cùng làm nên một cuộc đời có tội lỗi và ân sủng, có yếu đuối và sức mạnh, đồng thời cũng có thất bại và thành công.
Hai hình ảnh ấy dường như hội tụ lại trong chân dung thánh Phaolô ngã ngựa mà Giáo hội mừng kính hôm nay.
- Cú ngã ngựa chia đôi cuộc đời
– Về danh xưng, nửa đời trước là Saolô với một câu hỏi “tại sao?” đang cưỡi ngựa vút lao đi tìm giải đáp cho cuộc đời; còn nửa đời sau là “Phaolô” đã trở thành chiếc phao cứu tử cho cả lô linh hồn ngài gặp trên đường truyền giáo.
– Về vị thế, nửa đời trước là một người Biệt phái chính cống, được giáo dục đường hoàng bởi ông thầy trứ danh Gamaliel, nhiệt thành với truyền thống cha ông; còn nửa đời sau là một vị Tông đồ thông minh uyên bác, vô cùng nhiệt thành với tình yêu Thiên Chúa, như ngài thú nhận “tình yêu Chúa Kitô thúc bách chúng tôi”
– Về hoạt động, nửa đời trước là một chàng thanh niên tin tưởng cuồng nhiệt vào luật lệ Do Thái, tự tay vấy máu trong những cuộc bách hại Kitô hữu, cụ thể là cộng tác vào việc ném đá Stêphanô và tự ý đến xin các Thượng tế cấp giấy phép cho mình được quyền bắt bớ bất cứ ai tin vào Chúa Kitô nơi Hội đường Do Thái; thế mà nửa đời sau lại trở thành một người hăng say can đảm tuyên xưng niềm tin của mình vào Chúa Kitô mà ông đã bách hại trước đó, bất kể ánh nhìn e dè nghi ngại của những người Kitô hữu và bất kể sự nguy hại tính mạng do những người Biệt phái bạn cũ của ông.
– Về tình cảm, nửa đời trước là một Saolô mù quáng hận thù, nhưng từ khi gặp được ánh sáng Chúa Kitô bao phủ, ông đã bị choáng ngợp mù lòa, để cặp mắt mình được thanh tẩy, mở đầu cho một nửa đời khác bước đi trong ánh sáng tình yêu của Thiên Chúa.
– Về hướng đi bản thân, nửa đời trước là một Saolô kiêu căng tin vào sức mạnh của con người, đang xây dựng những mưu đồ tiến thân của mình, bất kể những khổ đau của người khác; nhưng nửa đời sau là một Phaolô bị quật ngã biết mình yếu đuối, nên chỉ tin vào sức mạnh của Thiên Chúa, đang gieo bước hân hoan trong ý hướng hiến thân phụng sự Thiên Chúa bất kể những đau khổ mình phải chịu: “Tôi có thể làm mọi sự trong Đấng là sức mạnh tôi”.
Tóm lại, biến cố ngã ngựa là một tổng hợp tiêu biểu cho cuộc đời Thánh Phaolô. Nó nói lên sự thất bại của mưu đồ của con người và xác định sự thành công trong ý hướng Thiên Chúa. (x Bài giảng Chúa nhật, TGP Sàigòn, tháng 01. 2008).
- Cú ngã ngựa, một dấu ấn không phai
Biến cố ngã ngựa đã ghi dấu đậm nét trong cuộc đời Phaolô. Sách Công vụ Tông đồ kể lại: Thình lình ánh sáng từ trời loé rạng bao lấy ông. Không bao giờ Phaolô còn thoát được ra ngoài ánh sáng đó. Từ đó trở đi, Chúa Kitô đã trở thành tất cả đối với Phaolô. Từ đó trở đi, chỉ có Chúa Kitô là đáng kể. Khi đã biết Chúa Kitô thì “những điều kể được như lợi lộc cho tôi đó, tôi đã coi là thua lỗ bất lợi vì Đức Kitô. Mà chẳng những thế, tôi còn coi mọi sự hết thảy là thua lỗ, là bất lợi cả, vì cái lợi tuyệt vời là được biết Đức Giêsu Kitô, Chúa tôi. Vì Ngài, tôi đành thua lỗ mọi sự và coi là phân bón cả, để lợi được Đức Kitô, và được thuộc về Ngài, không có sự sông chính của riêng tôi, sự công chính nại vào Lề luật, song là sự công chính nhờ vào lòng tin của Đức Kitô…” ( Pl 3, 7-9). Từ đó trở đi, Phaolô hiên ngang vì tư cách làm môn đệ Chúa Kitô và với tư cách ấy Ngài tuyên xưng sự duy nhất, sự bình đẳng, tình huynh đệ thực sự giữa tất cả mọi người: “vì anh em, phàm ai đã được thanh tẩy trong Đức Kitô, thì đã được mặc lấy Đức Kitô: không còn Do thái hay Hy lạp; không còn nô lệ hay tự do; không còn nam hay nữ; vì anh em hết thảy là một trong Đức Kitô Giêsu” (Gal 3, 27-28). Vì Đức Kitô là “tất cả mọi sự và trong mọi người” (Cl 3, 11). Phaolô hiên ngang được sống và được chết cho Chúa Kitô. Biết mình đã tin vào ai, Phaolô đã sung sướng sống nghèo, lấy việc lao động mà đổi miếng ăn, không để giáo hữu phải cung phụng mình (1Cr 9, 3-18; 2Cr 11, 8-10), sung sướng vì đã mất tất cả và chịu đủ thứ khốn khổ vì Chúa Kitô. Phaolô không ngại trở nên hùng hồn kể về những “… lao tù đòn vọt, bao lần suýt chết, năm lần bị người do thái đánh bốn mươi roi bớt một, ba lần bị đánh đòn, một lần bị ném đá, ba lần bị đắm tàu, một đêm một ngày lênh đênh giữa biển khơi”; Phải chịu đủ thứ nguy hiểm bởi “phải thực hiện nhiều cuộc hành trình, gặp bao nguy hiểm trên sông, nguy hiểm do trộm cướp, nguy hiểm do đồng bào, nguy hiểm vì dân ngoại, nguy hiểm ở thành phố, trong sa mạc, ngoài biển khơi, nguy hiểm do những kẻ giả danh là anh em;phải vất vả mệt nhọc, thường phải thức đêm, bị đói khát, nhịn ăn nhịn uống và chịu rét mướt trần truồng” (2 Cor 11, 23-27). Phaolô ra vào tù nhiều lần. Có lần Ngài viết từ ngục thất cho Timôthê, người môn đệ có khi không khỏi nao núng: “anh đừng hổ thẹn làm chứng cho Chúa chúng ta, cũng đừng hổ thẹn vì tôi, là kẻ bị tù vì Ngài”. Phaolô không hổ thẹn vì tôi biết tôi đã tin vào ai… (2 Tim 1, 8-12). Vì Đức Kitô “tôi phải lao đao khốn khó đến cả xiềng xích như kẻ gian phi, nhưng Lời Thiên Chúa không bị xiềng xích” (2Tim 2, 9). Phaolô đã sung sướng tự hào cả khi ý thức những yếu đuối của mình “Ơn Ta đủ cho con vì chưng quyền năng trong yếu đuối mới viên thành” (2 Cor 12, 9). Không gì có thể làm nao núng lòng tin ấy “chúng tôi bị dồn ép mọi mặt nhưng không bị nghẽn; lâm bĩ nhưng không mạt lộ; bị bắt bớ nhưng không bị bỏ rơi; bị quật ngã nhưng không bị tiêu diệt” (2 Cor 4, 8-9) Phaolô nhiệt thành loan truyền Chúa Kitô với tất cả thao thức “Khốn thân tôi, nếu tôi không rao giảng Tin mừng” (1 Cor 5,14). Ngài luôn sống trong niềm tin tưởng yêu mến vào Đấng đã kêu gọi Ngài: “tôi sống trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, là Đấng yêu mến tôi và thí mạng vì tôi” (Gal 2, 20).
- Những cú “ngã ngựa” trong đời tín hữu
Biến cố ngã ngựa đã chia đôi cuộc đời Thánh Phaolô. Từ một kẻ thù, Chúa đã biến ngài thành một người bạn, một người tình. Từ một người đi lùng bắt những Kitô hữu, Chúa đã biến ngài trở thành người rao giảng về Người và sẵn sàng chết vì Người.
Phaolô đã viết những lời thật cảm động: “Không có gì có thể tách tôi ra khỏi lòng yêu mến của Đức Kitô. Dù là gian truân, bĩ cực, đói khát trần truồng, hiểm nguy, gươm giáo…. Tôi thâm tín rằng sự chết hay sự sống, dù thiên thần hay thiên phủ, dù hiện tại hay tương lai, dù quyền năng, dù chiều cao hay chiều sâu hay bất cứ tạo vật nào khác, không có gì có thể tách chúng ta ra khỏi lòng yêu mến Thiên Chúa được thể hiện cho chúng ta trong Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta” (x. 2 Tm 4, 6-8; Rm 8, 18-19. 32. 33. 38. 39)
Nhìn vào biến cố “ngã ngựa” của Thánh Phaolô để rồi nhìn lại cuộc đời mình, biết đâu ta cũng gặp thấy rất nhiều những cú “ngã ngựa”. Có những cú “ngã ngựa” trong đời sống thiêng liêng liên hệ với Chúa; có những cú “ngã ngựa” trong đời sống tình cảm liên hệ với tha nhân; có những cú “ngã ngựa” trong đời sống chiến đấu nội tâm; và có những cú “ngã ngựa” trong đời sống xác thân bên ngoài như công ăn việc làm, học hành, danh dự, tình yêu, tương lai, hạnh phúc, sức khỏe…
Nhưng điều quan trọng là đừng nhìn “ngã ngựa” chỉ như một thất bại để rồi cuốn theo thất vọng quỵ ngã không gượng dậy được. Hãy nhìn “ngã ngựa” như một thất bại cho một thành công lớn hơn trong ơn thánh. Ăn trái cấm là một thất bại của Ađam – Evà trong quyền làm chủ, nhưng lại là một điều kiện bật mở chương trình cứu độ với việc Ngôi Hai Thiên Chúa làm người. “Tội hồng phúc” là thế. Cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá là một thất bại đau đớn trước mặt trần thế, lại là một thành công trong chiến thắng cứu độ vinh quang.
Và cú “ngã ngựa” của Thánh Phaolô hôm nay là một thất bại chấm dứt cuộc đời săn bắt Kitô hữu, nhưng lại là một thành công mở đầu cuộc sống lên đường truyền giáo của vị Tông đồ dân ngoại.
Như vậy người ngã ngựa không chỉ nhìn vào mình để cay cú cuộc đời, mà nhìn vào Chúa để tìm sức mạnh đứng lên trong ánh sánh niềm tin. Nếu “ngã ngựa” là điều không thể tránh được, thì điều quan trọng là luôn sẵn sàng để biết đứng dậy. Không phải khi ngã người ta trở nên mạnh mẽ mà là khi biết đứng dậy người ta mới chứng minh được bản lĩnh mạnh mẽ của mình.
Bài 4. Con phải làm gì?
Bài sách Công vụ Tông đồ hôm nay kể về một cuộc gặp gỡ lạ lùng giữa Đức Giêsu Nadarét với anh Saun, kẻ đang bách hại các Kitô hữu. Chính Ngài muốn gặp anh trên con đường anh đang đi. Dưới mắt Saun, Kitô hữu là những kẻ bỏ đạo Do Thái chính thống, để chạy theo một tà phái của ông Giêsu nào đó mà họ tin là đã phục sinh. Trong tư cách là một người Pharisêu nhiệt thành và nghiêm túc (c. 3), Sa-un thấy mình có bổn phận phải trừng trị những kẻ phản đạo, bằng cách bắt bớ, xiềng xích, tống ngục, thậm chí thủ tiêu (cc. 4-5). Chính lúc đang say sưa đến gần thành Đamát thì anh bị quật ngã. Cuộc gặp gỡ bắt đầu, đời anh từ nay giở sang một trang mới. Khi anh đang tự tin và hiên ngang tiến bước, thì ánh sáng chói lòa từ trời làm anh ngã quỵ (c. 7). Khi Saun nghĩ mình là người sáng mắt, thì ngay giữa trưa, anh trở nên mù lòa (c. 11). Khi anh định chỉ đạo cho những kẻ lầm đường lạc lối, thì bây giờ anh lại cần một người cầm tay dắt đi (c. 11). Cuộc đối thoại bắt đầu giữa anh với người mà anh chỉ nghe tiếng nói. Ngài âu yếm gọi tên anh hai lần và tự giới thiệu: “Saun, Saun, tại sao ngươi bắt bớ Ta? Ta là Giêsu Nadarét mà ngươi đang bắt bớ” (c. 8). Bắt bớ các Kitô hữu là bắt bớ chính Đức Giêsu. Đức Giêsu và các Kitô hữu là một. Bài học đầu tiên này Saun sẽ chẳng thể nào quên. “Lạy Chúa, con phải làm gì?” (c. 10). Lần đầu tiên Saun gọi người mà anh không hề tin là Chúa. Khi tuyên xưng Đức Giêsu Nadarét là Chúa, anh lập tức phó thác cho Ngài, để Ngài chỉ bảo điều mình phải làm. Nhưng Chúa Giêsu phục sinh đã không nói gì. Ngài trao anh cho ông Khanania, một người chưa phải là Kitô hữu. Chính ông này cho mắt anh thấy lại và cho anh biết anh được chọn để làm chứng nhân cho Ngài trước mặt mọi người. Đa-mát là nơi Đức Giêsu tỏ mình cho Saun, cũng được gọi là Phaolô, là nơi ông nghe tiếng gọi trở nên tông đồ cho dân Ngoại, và cũng là nơi khởi đầu cho cuộc hoán cải tận căn của ông. Chính mặc khải của Đấng phục sinh dẫn đến ơn gọi và hoán cải. Từ nay cuộc đời của Phaolô đi sang một hướng mới. Giêsu đã trở nên trung tâm của đời ông. “Tôi coi tất cả như đồ bỏ, để chiếm được Đức Kitô” (Ph 3, 8). Biến cố trên đường đi Đamát đã chia đời ông làm hai. “Tôi chỉ chú ý đến một điều, là quên đi chặng đường đã qua, để lao mình về phía trước” (Ph 3, 13). Chúng ta cũng có những kinh nghiệm như Phaolô: ngã ngựa, mù lòa, nghe và gặp Đức Kitô, rồi hoán cải. Như Phaolô, mong chúng ta để cho Đức Kitô Giêsu chiếm lấy mình, và trở nên người tông đồ nhiệt thành cho thế giới.
Lạy Chúa, xin hãy dẫn dắt con đi từ cõi chết đến sự sống, từ lầm lạc đến chân lý. Xin hãy dẫn dắt con đi từ thất vọng đến hy vọng, từ sợ hãi đến tín thác. Xin hãy dẫn dắt con đi từ ghen ghét đến yêu thương,từ chiến tranh đến hòa bình. Xin hãy đổ đầy bình an trong trái tim chúng con, trong thế giới chúng con, trong vũ trụ chúng con.
THỨ BẢY
Th. Ti-mô-thê-ô và Ti-tô, giám mục; Lc 10,1-9
Bài 1. Cung cách người được sai đi
Suy niệm: Chúa Giê-su dạy chúng ta về cung cách sống của người được sai đi loan báo Nước Trời. 1/ Cung cách khiêm nhu, hiền lành “như con chiên ở giữa bầy sói”, một sự hiện diện khích lệ chứ không áp đặt niềm tin cho ai. 2/ Cung cách nghèo khó, không ỷ lại vào phương tiện con người và các động cơ trần thế. 3/ Cung cách của người được Thánh Thần sai đi mang bình an và niềm vui đến cho mọi người. 4/ Cung cách sứ giả phúc lành và an ủi, khử trừ những sự dữ, đau khổ thân xác cũng như tinh thần. 5/ Cung cách ưu tiên dành cho Thiên Chúa và sự hiển trị vinh quang Nước Ngài. Nước Trời đã gần kề và đang tới rất nhanh. Việc loan báo Nước Trời quá cấp bách và quá quan trọng, không được phí thời giờ vào những việc vô bổ!
Mời Bạn: Mời bạn đọc cẩn thận và suy gẫm kỹ những lời tuyệt diệu trên đây của Đức Giê-su và dưới ánh sáng của Lời Chúa, hãy kiểm điểm lại cung cách đời sống chứng tá của mình !
Chia sẻ: Cụ thể bạn làm gì để đạt được một trong những cung cách trên ?
Sống Lời Chúa: Bạn hãy chọn một cung cách mà bạn tâm đắc nhất và áp dụng vào cuộc sống tông đồ của bạn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin thương huấn luyện và biến đổi các môn đệ Chúa trong cung cách sống như lòng Chúa mong ước.
Bài 2
Phụng vụ Giáo Hội luôn có bài Tin Mừng riêng trong các lễ về vị thánh được nhắc tới trong Thánh Kinh, cụ thể là hôm nay trong ngày mừng kính hai vị thánh Giám mục là đồ đệ của thánh Phao-lô, Giáo hội cho đọc Tin mừng về việc Chúa Giêsu sai 72 môn đệ đi truyền giáo.
- Sự khẩn thiết truyền giáo
Mở đầu bài Tin Mừng hôm nay là lời Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ ra đi truyền giáo: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mù gặt sai thợ ra gặt lúa về.
Chức vụ đi đôi với sứ vụ, khi chúng ta lãnh nhận một chức vụ gì, không phải ngồi đó để thụ hưởng mà phải ra đi đến với những người chúng ta có trách nhiệm, để phục vụ và làm chứng về Chúa cho họ.
Khi lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, chúng ta mang trên mình sứ vụ làm công việc của Chúa, công bố sự thật của Chúa, phân phát ơn cứu rỗi đã được Chúa thực hiện. Đồng thời, khi rao giảng Lời Chúa thì cũng không thể lơ là hay đóng kín trước những việc phục vụ cho công cụ phát triển xã hội, phục vụ lợi ích tốt lành cho anh chị em.
Ngày hôm nay, cánh đồng truyển giáo còn rất bao la, Kitô Giáo chỉ mới bằng 1/6 dân số thế giới. Đặc biệt, ngày hôm nay, con số “thợ gặt” đang giảm tới mức báo động, nhất là ở các nước phát triển. Giới trẻ ngày nay đã không còn mặn mà với ơn gọi lên đường truyền giáo. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chúa Giêsu, chúng ta hãy xin “chủ mùa gặt” sai thợ đi gặt lúa về; nghĩa là hãy cầu nguyện nhiều cho ơn gọi linh mục tu sĩ, và hãy làm những gì có thể trong khả năng mình, để trợ giúp cho việc đào tạo các ơn gọi và đóng góp cho công cuộc truyền giáo.
- Chân dung vị truyền giáo
Tin Mừng hôm nay còn đặc biệt họa lên chân dung của một người môn đệ Chúa Giêsu trong sứ vụ rao giảng Tin Mừng, là: Tinh thần khó nghèo, đem đến sự bình an, và làm cho triều đại Thiên Chúa được hiển trị ngay giữa thế gian này:
– Tinh thần khó nghèo: Chúa muốn nhà truyền giáo phải dựa vào ơn Chúa trước khi dựa vào tiền bạc, dựa vào sự trợ giúp của Chúa hơn là sự trợ giúp của phương tiện vật chất. Chính ơn Chúa mới đem lại sự bình an thanh thoát trong tâm hồn. Sự từ bỏ, quên mình hoàn toàn mới chu toàn được sứ vụ rao giảng. Đi truyền giáo mà với đầy dẫy những thứ cồng kềnh vướng bận thì khó mà toàn tâm toàn ý lo cho sứ vụ, bon chen và ham mê công việc lấn át hết thời giờ cho Chúa.
– Đem bình an đến cho mọi người: “Bình an cho nhà này”. Dựa theo Thánh Kinh Cựu Ước, ta nhận thấy văn hoá giao tiếp vùng Trung Cận Đông thường dùng câu “bình an” để chào hỏi nhau khi gặp mặt. Sứ điệp bình an cũng được các thiên thần hát lên khi Chúa Giêsu Giáng Sinh. Và bây giờ, khi sai các môn đệ đi truyền giáo, tiên vàn hãy đem bình an đến cho mọi người. Sự xuất hiện của các chứng nhân Tin Mừng là đem đến cho con người sự bình an đích thực của Chúa, phá tan những lo âu, chia rẽ và hận thù.
– Làm cho Nước Thiên Chúa đến gần.“Hãy nói với họ rằng Nước Trời đã gần đến”. Rao giảng Tin Mừng là làm cho muôn dân trở thành môn đệ, trở về làm con Chúa, trở thành anh em một nhà… và như vậy, vương quốc Nước Trời đã chính thức hình thành ngay trên trần gian này.
Cùng với các môn đệ Chúa Giêsu, mọi người chúng ta hôm nay cũng được mời gọi sống sứ vụ rao giảng Tin Mừng bằng đời sống thanh bần đơn sơ phó thác, xây dựng sự hợp nhất bình an và làm cho Nước Chúa được lớn mạnh ngay trên quê hương trần thế, cách riêng, niềm tin, bác ái, hoan lạc và bình an thắm đầy trên giáo xứ chúng ta.
Lạy Chúa Giêsu, không phải tìm kiếm đâu xa, mà ở ngay bên cạnh gia đình chúng con, gần bên giáo xứ chúng con, ngồi bên cạnh chúng con nơi học đường, làm với chúng con nơi công sở… còn rất nhiều người chưa nhận biết Chúa. Xin cho chúng con biết cộng tác với Chúa mà đem Tin Mừng cho họ bằng việc cảm hóa họ qua đời sống đạo đức của chúng con. Amen.
Bài 3. Vai trò của gia đình (Mc 3, 20-21)
Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta suy nghĩ về tương quan với Chúa Giêsu và gia đình của Ngài, để từ đó rút ra những bài học thực tiễn về vai trò gia đình đối với con người.
Chúa Giêsu đã sinh ra và lớn lên trong một gia đình. 33 năm sống kiếp làm người, Ngài đã sống 30 năm với gia đình. Hơn nữa, cũng như bất cứ một người Á Ðông nào, Chúa Giêsu rất xem trọng những mối giây liên hệ thân thuộc: trong ba năm rao giảng công khai, Ngài vẫn tìm dịp trở về thăm làng cũ, và giữa lúc Ngài bận bịu với sứ vụ công khai, bà con thân thuộc của Ngài vẫn tìm đến thăm Ngài. Quả thật, Chúa Giêsu xem trọng những liên hệ máu mủ và tình bà con xóm giềng, Ngài quí trọng gia đình; Ngài đề cao sự thánh thiêng và bất khả phân ly của giây hôn phối. Tuy nhiên, Chúa Giêsu không lập gia đình; trong ba năm thi hành sứ vụ công khai, Ngài sống xa gia đình, không nhà, không cửa.
Như vậy, đối với Chúa Giêsu, trên cõi đời này, gia đình cũng như mọi thứ định chế khác của loài người đều không phải là những giá trị tuyệt đối. Chỉ có một giá trị tuyệt đối, đó là con người, bởi có con người mới có một vận mệnh vĩnh cửu. Tất cả đều hiện hữu vì con người. Trong Kinh Tin Kính, Giáo Hội tuyên xưng: “Vì loài người chúng tôi và để cứu rỗi chúng tôi, Người đã từ trờ xuống thế”. Như vậy, ngay cả mầu nhiệm Nhập Thể cũng là vì con người. Chính Chúa Giêsu đã tuyên bố rằng Ngài đến để phục vụ, chứ không phải để được phục vụ; nếu Con Thiên Chúa nhập thể là để phục vụ con người, thì huống chi những định chế của xã hội loài người. Tất cả đều hiện hữu vì con người: gia đình cũng như xã hội hiện hữu vì con người, chứ không phải con người vì gia đình và xã hội.
Từ cái nhìn trên đây của Chúa Giêsu về gia đình, chúng ta có thể thấy được vai trò của gia đình và một cách cụ thể mục đích của việc giáo dục trong gia đình. Trong tuyển tập “Giới Luật Yêu Thương”, Ðức Cha Bùi Tuần đã có một phân tích sâu sắc về mục đích của việc giáo dục gia đình, Ngài viết:
“Các bậc cha mẹ muốn biết xưa nay mình nhằm mục đích gì trong việc giáo dục con cái, thì hãy xét xem ta thường muốn gì, chờ đợi gì ở con cái. Có phải muốn chúng nên giàu sang không? Có phải chờ đợi ở chúng một lợi lộc vật chất chăng? Không thiếu những cha mẹ nhắm cái đó khi giáo dục con cái. Những hy vọng đó không phải là xấu, nhưng chắc chắn không phải là chính mục đích mà cha mẹ phải nhắm để đưa con cái mình đi tới. Mục đích chính đó là gì?”
Mục đích đó là giúp chúng nên người với tất cả ý nghĩa cao đẹp của nó. Mà nên người trước hết là thực hiện đầy đủ ý nghĩa câu nói quen thuộc: “Con người, đầu đội trời, chân đạp đất”… Chân đạp đất là thái độ phải thắng dẹp những lôi cuốn tội lỗi thế tục, là đạp lên trên những gì làm cho mình ra hèn như cát bụi, là đạp lên trên những gì đưa ta xuống đất, xuống địa ngục. Nếu chân đạp đất chỉ những sự phàm trần, thì đầu đội trời chỉ những sự siêu phàm. Ðầu đội trời chi thái độ vươn lên những gì cao thượng, đầu đội trời chỉ sự cố gắng phóng mình tới lý tưởng xa vời, đầu đội trời chỉ sự hướng tâm con người về mục đích ở tận bên kia thế giới, đầu đội trời chỉ nỗ lực băng mình lên cao để tìm về quê hương trên trời.
Những suy tư của Ðức Cha Bùi Tuần gợi lại cho chúng ta câu nói của Chúa Giêsu với cha mẹ Ngài khi hai Ðấng gặp lại Ngài trong Ðền Thờ Yêrusalem: “Cha mẹ không biết con phải lo việc Cha con sao?” Ðầu đội trời chính là lo việc Cha trên trời, là hướng về trời cao, là sống cho những giá trị vĩnh cửu. Nên người thực sự là sống đúng ý nghĩa ba chữ “đầu đội trời”, và đó phải là mục đích của giáo dục gia đình, bất cứ hành động nào đi ngược mục đích ấy đều là phản giáo dục.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta tự vấn lương tâm xem đâu là những giá trị đích thực mà chúng ta đang theo đuổi và muốn truyền đạt cho người khác. Nguyện xin Ðấng là Ðường, là Sự Thật và là Sự Sống soi sáng và hướng dẫn chúng ta.
Bài 4. Bị cho là mất trí (Mc 3,20-21)
Suy niệm: Chúa Giê-su khởi đầu rao giảng tại Ga-li-lê, mà nói rõ hơn, nơi Ngài thường xuyên lui tới là Ca-phác-na-um. Ngài say mê với sứ vụ đến độ thường quên cả ăn uống. Thế là Ngài bị cho là mất trí. Na-da-rét chỉ cách Ca-phác-na-um khoảng 47 km về hướng tây nam nên tiếng đồn về ông thầy Giê-su nhanh chóng được loan truyền về làng. Nghe tiếng đồn ấy, thân nhân xuống Ca-phác-na-um tìm Ngài để đưa về quê nhà. Với họ, Chúa Giê-su là con người không bình thường: bỏ nghề mộc ổn định, đi lang thang đây đó; không lập gia đình như những người đàn ông khác; chiêu mộ một nhóm môn đệ mà đa số là ngư dân chẳng giống ai; rồi rước họa vào thân khi gây chuyện với giới lãnh đạo tôn giáo. Mà kể cũng lạ: Mất trí mà làm được các phép lạ kỳ diệu, mà có những lời rao giảng thu hút lòng người? Điều này chỉ có ai tin Chúa Giê-su mới lý giải được: “vì lo việc nhà Chúa mà tôi đây sẽ phải thiệt thân” (Ga 3,17).
Mời Bạn: Nhiệt thành trong đời sống đạo, trong nỗ lực loan báo Tin Mừng, có thể bạn cũng được gán cho cái nhãn “mất trí, bất bình thường”. Bạn nản lòng hay kiên vững trong tư thế người môn đệ Chúa Ki-tô? Khi thấy những chứng tá nhiệt thành trong giáo xứ, bạn thờ ơ, cười chê hay bạn hoán cải và sống theo các mẫu gương ấy?
Sống Lời Chúa: Tôi chấp nhận tất cả, miễn sao Chúa Ki-tô được rao giảng.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã ngạc nhiên và buồn lòng vì bị ngườoi thân hiểu lầm. Xin giúp con khi gặp những hiểu lầm, chống đối vì là môn đệ Chúa, biết kiên trì sống niềm tin và loan báo Tin Mừng Chúa. Amen.
Bài 5 (Mc 3,20-21)
- Bài Tin Mừng hôm nay thật ngắn gọn. Chỉ có hai câu nhưng qua hai câu này chúng ta cũng có rất nhiều điều để nói về Chúa Giêsu.
Tin Mừng kể lại lúc Chúa Giêsu đang giảng thì thân nhân của Ngài tìm đến, đến để bắt Ngài, không cho Ngài giảng nữa vì nghe người ta nói là Ngài đã mất trí.
Đây không phải là lần duy nhất mà người ta cho là như thế. Chúng ta còn nhớ có lần người ta đã cho Ngài là người bỉ quỉ ám, là khùng điên, là một người nổi loạn.
Thực ra, Chúa cũng chẳng phải là một nhân vật dễ hiểu. Các tông đồ của Chúa ngày xưa dù đã được sống với Chúa cả mấy năm trời, vậy mà các ông ấy cũng chẳng hiểu được Chúa là ai.
Người ta kể rằng, ngày nay ở bên nước Mỹ tại tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ có một thư viện lớn vào loại bậc nhất thế giới. Hằng năm có cả hàng ngàn người viết thư đến để hỏi viên quản thủ thư viện này nhiều vấn đề khác nhau. Trong số những câu hỏi người ta gửi đến, có một câu hỏi được nhiều người hỏi nhất đó là câu: “Ai là người được nhiều tác giả viết nhất?”
Sau khi cho kiểm kê, viên quản thủ thư viện đã tổng kết được kết quả như sau:
Có 1735 cuốn viết về ông Napoléon,
Có 1755 cuốn viết về ông George Washington,
Có 2319 cuốn viết về ông Abraham Lincohn,
Có 3175 cuốn viết về ông Wiliam Shakespeare,
Và có tới 5151 cuốn viết về Đức Giêsu Kitô.
5151 cuốn tức là 5151 loại sách. Thông thường mỗi loại sách người ta chỉ ấn hành vài ngàn cuốn. Nếu bán chạy người ta sẽ tái bản, và tái bản cùng lắm chừng 10 lần, mỗi lần vài ba ngàn cuốn. Riêng cuốn Kinh Thánh, đặc biệt là cuốn Tân Ước nói về Đức Giêsu, đã được ấn hành nhiều nhất bằng đủ thứ tiếng và được phổ biến trên khắp thế giới.
Từ khi ông Gutenberg in cuốn Thánh Kinh thứ nhất năm 1465 cho tới nay, người ta không thể biết được đã có bao nhiêu triệu Sách Thánh được ấn hành và được phổ biến. Chỉ nguyên năm 1989 đã có đến gần 350.000 cuốn Sách Thánh toàn bộ và hơn nửa triệu cuốn Tân Ước đã được gởi tặng các tín đồ Kitô ở Liên xô, vì từ năm 1988, nhà nước Liên Xô đã cho tự do nhập khẩu sách Thánh Kinh.
Sách nói về Chúa Giêsu nhiều như thế, vậy mà thử hỏi ngày hôm nay, đã có được bao nhiêu người thực sự hiểu một cách sâu xa về Chúa? Chắc là không nhiều lắm.
- Vậy thì vấn đề còn lại hôm nay là chúng ta hãy xem xem, trong những trường hợp Chúa bị người ta hiểu lầm hay bị người ta nghĩ xấu về mình như thế, Chúa đã có thái độ như thế nào?
Phải nói rằng, Chúa đã có một thái độ rất cao thượng. Không những Ngài không buồn, không trách móc mà còn coi những chuyện đó chẳng đáng để Ngài phải bận tâm. Đàng khác như chúng ta thấy, ngay cả như việc Chúa bị người ta vu oan cáo vạ rồi đưa Ngài lên đồi Golgotha để đóng đinh, lúc sắp chết Ngài cũng còn ngửa mặt lên trời cầu xin Thiên Chúa Cha tha cho những kẻ đã hành hạ và giết Ngài một cách dã man như vậy. Lý do Chúa đưa ra là vì họ không biết Ngài.
Cuộc đời của Chúa là như thế. Cuộc đời của mỗi người chúng ta chắc nhiều khi cũng như vậy.
Trong cuộc sống, chẳng thiếu gì những lúc chúng ta bị hiểu lầm. Cũng chẳng thiếu gì những lúc chúng ta bị người ta ghét bỏ.
Những lúc như thế, chúng ta phản ứng lại thế nào? Cách tốt nhất tôi tưởng chúng ta hãy nhớ lại cuộc đời của Chúa Giêsu và bắt chước cách hành xử của Ngài.
Một ngày kia có một người hàng xóm đến gặp Socrates. Chúng ta biết Socrates là triết gia Hy Lạp nổi tiếng ngày xưa. Ông ta nói:
– Này ông Socrates, ông đã nghe chuyện này chưa?
Socrates vội ngắt lời:
– Khoan đã! Anh có chắc rằng, tất cả những gì anh sắp kể cho tôi đều đúng sự thật không?
Ông hàng xóm ấp úng:
– À, cũng không chắc lắm. Tôi chỉ nghe người ta kể lại thôi.
Socrates mỉm cười bảo:
– Thế vậy chúng ta không cần quan tâm đến nó trừ phi nó là một chuyện tốt. Vậy chuyện ông sắp kể cho tôi có phải là một chuyện tốt không?
Ông hàng xóm thật sự lúng túng:
– Không, chuyện này không tốt lắm. Phải nói đây là một chuyện xấu.
Socrates vỗ vai ông ta hỏi thêm:
– Chà, anh có nghĩ rằng, tôi cần phải biết chuyện ấy để giúp ngăn ngừa những điều không hay không tốt cho người khác chăng.
Lần này thì ông hàng xóm tiu nghỉu cúi gầm mặt:
– Ờ… Ờ, kể ra thì cũng chẳng giúp được gì cho ai!
Socrates kết luận:
– Thế này nhé, chúng ta sẽ quên ngay chuyện ấy đi. Còn vô số chuyện đáng giá hơn trong đời sống, chúng ta không nên mất công bận tâm vào những chuyện tầm phào, vừa không đúng sự thật, vừa không tốt, lại vừa không cần thiết cho ai.
Lạy Chúa, xin ban cho chúng con một trái tim quảng đại để chúng con biết sống yêu thương như Chúa. Amen.
Có thể bạn quan tâm
Đức cha G.B Nguyễn Huy Bắc dâng thánh lễ tạ ơn tại quê..
Th1
Quý Đức Cha Giáo Tỉnh Hà Nội Họp Mặt Tất Niên Năm Giáp..
Th1
Cáo Phó Đức Cha Giuse Trần Xuân Tiếu
Th1
Mỗi người được hưởng bao nhiêu ơn toàn xá mỗi ngày trong Năm..
Th1
Đức Thánh Cha bổ nhiệm Sơ Simona Brambilla làm nữ Tổng trưởng đầu..
Th1
Bài Hát Cộng Đồng Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa Năm C
Th1
Hội Ngộ Đồng Hương Giáo Phận Hà Tĩnh Tại Miền Nam 2025
Th1
ĐHY Giám quản Đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành mở Cửa Thánh Đền..
Th1
Khai Mạc Năm Thánh 2025 Tại 27 Giáo Phận Tại Việt Nam
Th1
VPTGM-GPHT: Thông báo Đăng ký hành hương Tòa Thánh trong Năm Thánh 2025
Th1
Lời thông báo long trọng về lễ Phục sinh và những ngày lễ..
Th1
Thánh lễ Khai Mạc Tuần Chầu Hồng Phúc Giáo xứ Chày
Th1
Họp Mặt Và Kỷ Niệm 25 Năm Thành Lập Hội Đồng Hương Giáo..
Th1
Ý Cầu Nguyện Của Đức Thánh Cha Tháng 01/2025: Cầu Cho Quyền Được..
Th1
Logo Năm Mục Vụ 2025: “Hội Thánh Việt Nam Cùng Nhau Loan Báo..
Th1
10 Sự Kiện Nổi Bật Tại Giáo Phận Hà Tĩnh Năm 2024
Th1
Suy Niệm Lễ Chúa Hiển Linh: Thiên Chúa Tỏ Mình Qua Chúa Con
Th1
Tại sao Lễ Hiển Linh là lễ của ánh sáng
Th1
Đức Cha Phêrô Lê Tấn Lợi: Giám Mục Chính Tòa Giáo Phận Cần..
Th1
Mừng Lễ Mẹ Thiên Chúa – Quan Thầy Giáo Phận và Truyền Chức..
Th1