Suy Niệm Lễ Thánh Gia Thất – Năm C

181 lượt xem

LỄ THÁNH GIA THẤT – NĂM C
(Hc 3.3-7.14-17; Cl 3,12-21; Lc 2,42-52)

Bài đọc 1     1 Sm 1,20-22.24-28

Mọi ngày đời ông Sa-mu-en sống, ông sẽ được nhượng cho Đức Chúa.

Bài trích sách Sa-mu-en quyển thứ nhất.

20 Ngày qua tháng lại, bà An-na thụ thai, sinh con trai và đặt tên cho nó là Sa-mu-en, vì bà nói : “Tôi đã xin Đức Chúa, và Người ban nó cho tôi.” 21 Người chồng là En-ca-na lên với cả gia đình để dâng hy lễ thường niên cho Đức Chúa và để giữ trọn lời khấn hứa của mình. 22 Bà An-na không lên, vì bà nói với chồng : “Đợi cho đến khi đứa trẻ cai sữa đã. Khi đó em sẽ đưa nó đi, nó sẽ ra mắt Đức Chúa và sẽ ở lại đó mãi mãi.”

24 Sau khi cai sữa cho con, bà đưa nó lên với mình, mang theo một con bò mộng ba tuổi, hai thùng bột và một bầu da đầy rượu. Bà đưa con vào Nhà Đức Chúa tại Si-lô ; đứa trẻ còn nhỏ lắm. 25 Họ sát tế con bò và đưa đứa trẻ đến với ông Ê-li. 26 Bà nói : “Thưa ngài, xin thứ lỗi, tôi xin lấy mạng sống ngài mà thề : tôi là người đàn bà đã đứng bên ngài, tại đây, để cầu nguyện với Đức Chúa. 27 Tôi đã cầu nguyện để được đứa trẻ này, và Đức Chúa đã ban cho tôi điều tôi đã xin Người. 28 Đến lượt tôi, tôi xin nhượng nó lại cho Đức Chúa. Mọi ngày đời nó, nó sẽ được nhượng cho Đức Chúa.” Và ở đó, họ thờ lạy Đức Chúa.

Đáp ca     Tv 83,2-3.5-6.9-10 (Đ. x. c.5a)

Đ.Lạy Chúa, phúc thay người ở trong nhà Chúa.

2Lạy Chúa Tể càn khôn, cung điện Ngài xiết bao khả ái.
Mảnh hồn này khát khao mòn mỏi
mong tới được khuôn viên đền vàng.
Cả tấm thân con cùng là tấc dạ
những hướng lên Chúa Trời hằng sống
mà hớn hở reo mừng.

Đ.Lạy Chúa, phúc thay người ở trong nhà Chúa.

5Phúc thay người ở trong thánh điện
họ luôn luôn được hát mừng Ngài.
Phúc thay kẻ lấy Ngài làm sức mạnh,
ấp ủ trong lòng giấc mộng hành hương.

Đ.Lạy Chúa, phúc thay người ở trong nhà Chúa.

9Lạy Chúa là Chúa Tể càn khôn,
xin đoái nghe lời con cầu nguyện.
Xin lắng tai, lạy Chúa nhà Gia-cóp.
Lạy Chúa là khiên mộc chở che,
xin thương xem nhìn đến
gương mặt đấng Ngài đã xức dầu.

Đ.Lạy Chúa, phúc thay người ở trong nhà Chúa.

Bài đọc 2     1 Ga 3,1-2.21-24

Chúng ta được gọi là con Thiên Chúa, mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa.

Bài trích thư thứ nhất của thánh Gio-an tông đồ.

1Anh em thân mến,
anh em hãy xem Chúa Cha yêu chúng ta dường nào :
Người yêu đến nỗi
cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa
– mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa.
Sở dĩ thế gian không nhận biết chúng ta,
là vì thế gian đã không biết Người.
2Anh em thân mến, hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa ;
nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ.
Chúng ta biết rằng khi Đức Ki-tô xuất hiện,
chúng ta sẽ nên giống như Người,
vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy.
21Anh em thân mến,
nếu lòng chúng ta không cáo tội chúng ta,
chúng ta được mạnh dạn đến cùng Thiên Chúa.
22Và bất cứ điều gì chúng ta xin,
chúng ta được Người ban cho,
bởi vì chúng ta tuân giữ các điều răn của Người
và làm những gì đẹp ý Người.
23Đây là điều răn của Người : chúng ta phải tin
vào danh Đức Giê-su Ki-tô, Con của Người,
và phải yêu thương nhau,
theo điều răn Người đã ban cho chúng ta.
24Ai tuân giữ các điều răn của Thiên Chúa
thì ở lại trong Thiên Chúa
và Thiên Chúa ở lại trong người ấy.
Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được
Thiên Chúa ở lại trong chúng ta,
đó là nhờ Thần Khí,
Thần Khí Người đã ban cho chúng ta.

Tung hô Tin Mừng   x. Cv 16,14b

Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a.

Lạy Chúa, xin mở lòng chúng con,
để chúng con lắng nghe lời của Con Chúa.

Ha-lê-lui-a.

Cha mẹ Đức Giê-su tìm thấy con đang ngồi giữa các bậc thầy.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.         Lc 2,41-52

41 Hằng năm, cha mẹ Đức Giê-su trẩy hội đền Giê-ru-sa-lem mừng lễ Vượt Qua. 42 Khi Người được mười hai tuổi, cả gia đình cùng lên đền, như người ta thường làm trong ngày lễ. 43 Xong kỳ lễ, hai ông bà trở về, còn cậu bé Giê-su thì ở lại Giê-ru-sa-lem, mà cha mẹ chẳng hay biết. 44 Ông bà cứ tưởng là cậu về chung với đoàn lữ hành, nên sau một ngày đường, mới đi tìm kiếm giữa đám bà con và người quen thuộc. 45 Không thấy con đâu, hai ông bà trở lại Giê-ru-sa-lem mà tìm.

46 Sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con trong Đền Thờ, đang ngồi giữa các bậc thầy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi. 47 Ai nghe cậu nói cũng kinh ngạc về trí thông minh và những lời đối đáp của cậu. 48 Khi thấy con, hai ông bà sửng sốt, và mẹ Người nói với Người : “Con ơi, sao con lại làm cho cha mẹ như thế ? Con thấy không, cha con và mẹ đây đang phải cực lòng tìm con !” 49 Người thưa : “Sao cha mẹ lại tìm con ? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao ?” 50 Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói.

51 Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng. 52 Còn Đức Giê-su ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa trước mặt Thiên Chúa và người ta.

Thánh Gia, Mẫu Gương Cho Các Gia Đình

Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương

Gia đình là nền tảng của xã hội. Nếu gia đình tốt, thì xã hội sẽ tốt. Ngược lại, nếu gia đình loạn, thì xã hội sẽ loạn. Bởi thế, gia đình có một vai trò quan trọng trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Người đã sai Con Chúa nhập thể làm người, sinh ra và lớn lên trong một môi trường gia đình như là phương thế để cứu độ chúng ta.

Nhưng làm sao để có thể xây dựng một gia đình thánh thiện, hạnh phúc và yêu thương? Đó là câu hỏi mà mỗi người chúng ta đặt ra để suy nghĩ trong thánh lễ này. Phụng vụ Lời Chúa hôm nay trả lời cho câu hỏi đó qua việc giới thiệu với chúng ta mẫu gương Thánh Gia Thất như là lý tưởng cho mỗi gia đình chiêm ngắm và noi gương. Gia đình Thánh Gia được xây dựng trên ba nền tảng chính yếu: Đức tin, tình yêu và tha thứ.

1. Một gia đình đức tin

Trước hết, thánh Giuse và Đức Maria đã xây dựng đời sống gia đình của mình dựa trên nền tảng đức tin. Đây là nền tảng quan trọng nhất cho đời sống gia đình Kitô giáo. Quả thế, thánh Giuse và Đức Mẹ là những người đầu tiên của Tân Ước tin vào Thiên Chúa. Tin Mừng cho thấy Đức Maria đã tin vào lời của thiên thần truyền; Đức Mẹ đã thưa “xin vâng” và cộng tác vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Đức Maria đã cưu mang và sinh hạ Đấng Cứu Thế cho nhân loại vì Mẹ đã tin vào lời Chúa hứa.

Còn thánh Giuse là người luôn tin tưởng vào Thiên Chúa, sống theo lề luật Người. Ngài tin vào lời thiên thần giải thích và đã mau mắn đón nhận Đức Maria và Hài Nhi về nhà mình. Ngài trở thành cha nuôi Con Đức Chúa Trời.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh Luca cho chúng ta biết sự kiện hai ông bà đưa Chúa Giêsu đi hành hương lên Giêrusalem, nhưng hai ông bà đã lạc mất Chúa, và phải vất vả lo lắng đi tìm con như thế nào. Sau khi tìm thấy Chúa, hai ông bà đưa Chúa trở về gia đình Nadarét, chăm sóc và dưỡng dục. Nhờ đó, trẻ Giêsu càng ngày càng thêm khôn ngoan, cao lớn và thêm ân nghĩa trước mặt Thiên Chúa và người ta. Còn Đức Maria thì ghi nhớ tất cả những điều ấy và suy gẫm trong lòng (x. Lc 2,41-52).

Qua đó, chúng ta nhận thấy rằng gia đình Thánh Gia là một gia đình của đức tin. Đức Maria và thánh Giuse là những con người của đức tin. Tất cả những gì các ngài làm đều phát xuất từ một đức tin mãnh liệt vào Thiên Chúa. Cả hai cố gắng chu toàn bổn phận của mình theo thánh ý Thiên Chúa.

Ngày hôm nay, để có bình an và hạnh phúc, mỗi gia đình cần xây dựng trên nền tảng đức tin.

“Chúng ta phải tin vào danh Đức Giêsu Kitô, Con của Người” (1 Ga 3,23).

Noi gương Thánh Gia Thất, chúng ta hãy mở cửa cho Chúa bước vào và hiện diện ở trong gia đình. Mỗi người trong gia đình hãy sống và hành xử theo tiêu chuẩn của đức tin. Nếu chúng ta xây dựng gia đình của mình chỉ dựa trên tiền bạc, danh vọng và hưởng lạc; chúng ta đang xây nhà mình trên cát. Khi khó khăn ập tới, nhà sẽ sụp đổ tan tành như Lời Chúa đã cảnh báo! Bởi thế, chúng ta hãy xây dựng gia đình của chúng ta trên đá tảng đức tin là Chúa Kitô để gia đình chúng ta được vững vàng khi những sóng gió ập tới.

2. Một gia đình yêu thương

“Chúng ta… phải yêu thương nhau, theo điều răn Người đã ban cho chúng ta” (1 Ga 2,23).

Thánh Gia Thất là mẫu gương tuyệt hảo về đức yêu thương. Thánh Giuse là cột trụ của gia đình, là người công chính và luôn trung thành với lề luật Thiên Chúa, đồng thời là người rất mực yêu thương Đức Maria và Chúa Giêsu. Suốt những năm tháng ở Nadarét, Giuse đã chăm chỉ lao động, sản xuất để nuôi sống gia đình. Khi gặp cảnh khó khăn thử thách, ngài tìm mọi cách để bảo vệ và che chở Hài Nhi và vợ mình.

Còn Đức Maria thì luôn chu toàn bổn phận của một người vợ, lo lắng chăm sóc gia đình, tận tụy cúc cung một đời cho chồng con. Mẹ luôn tuân phục thánh Giuse và nhất là luôn chăm sóc yêu thương con mình là Chúa Giêsu.

Riêng đối với Chúa Giêsu, dẫu là Con Thiên Chúa, Người luôn vâng phục cha mẹ của mình trong gia đình. Người luôn đón nhận lời chỉ bảo của cha mẹ. Với tư cách là một người con, Người đã sống tròn chữ hiếu đối với cha mẹ.

Quả thật, “yêu nhau không phải là nhìn nhau, nhưng cả hai cùng nhìn về một hướng.” Thánh Gia Thất là một gia đình đầy tình yêu thương giữa vợ và chồng, giữa cha mẹ và con cái. Các ngài luôn hướng về nhau, lo lắng và quan tâm nhau; các ngài cố gắng làm mọi sự tốt nhất cho nhau. Đúng là “thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn.”

Noi gương Thánh Gia Thất, mỗi người chúng ta hãy yêu thương nhau như Chúa dạy. Gia đình yêu thương là gia đình hạnh phúc. Gia đình yêu thương là gia đình vượt thắng mọi thử thách. Gia đình yêu thương là gia đình truyền giáo.

3. Một gia đình cảm thông và tha thứ

Khi sống chung, Thánh Gia Thất cũng có những hiểu lầm, những khó khăn như khi thánh Giuse phát hiện Đức Maria mang thai mà không phải do mình, các ngài không cãi cọ và tố cáo nhau. Nhưng các ngài bình tĩnh, cầu nguyện và tìm ý Chúa, nhằm tìm ra giải pháp tốt nhất cho những khó khăn. Khi được sứ thần giải thích, các ngài mau mắn đón nhận nhau với sự cảm thông và tha thứ cho nhau những hiểu lầm.

Gia đình nào cũng có những hiểu lầm và những khó khăn, điều quan trọng là chúng ta phải biết cảm thông, thấu hiểu và tha thứ cho nhau. Bởi lẽ, có sống chung là có đụng chạm; chúng ta là những bình sành dễ vỡ ở cạnh nhau. Mỗi người đều bất toàn. Ai cũng có những thiếu sót. Vì thế, chúng ta cần phải có lòng tha thứ cho nhau như Chúa đã dạy:

“Không phải tha bảy lần, mà bảy mươi lần bảy” (x. Mt 18,23).

Cảm thông và tha thứ là nhịp cầu đưa gia đình chúng ta tới niềm vui và hạnh phúc.

Xin đừng biến gia đình thành “vườn bách thú,” nghĩa là cứ gọi nhau là “con này, con kia” nhưng cố gắng xây dựng một gia đình thành “Giáo Hội tại gia,” để gia đình trở thành môi trường tốt, trong đó mỗi người sống đúng nhân phẩm của mình, vì “anh em là con cái Thiên Chúa và quả thật là thế” (1 Ga 3,1).

Lạy Chúa Giêsu, Đức Maria và thánh Giuse, xin giúp mỗi người chúng con biết xây dựng gia đình trên đá tảng là đức tin vào Chúa Kitô, trên tình yêu, trung thành và tha thứ cho nhau, như Thánh Gia đã sống. Amen!

Trở Nên Cung Thánh Tại Gia

Lm. Hoa Thập Tự

Chúng ta đang hân hoan sống niềm vui Giáng sinh của Con Thiên Chúa, Đấng đã trở nên như chúng ta và cư ngụ giữa chúng ta, Đấng đã đến với chúng ta ngang qua cánh cửa gia đình, chấp nhận định chế của gia đình. Khi chọn gia đình làm cửa ngõ cho sứ vụ cứu thế, Đức Giêsu đã cho thấy tầm quan trọng của gia đình, Người muốn thánh hóa cung thánh gia đình. Thế nên, Mùa Giáng sinh, chúng ta được mời gọi chiêm ngắm Chúa Hài Nhi trong Gia đình Thánh gia, mẫu gương của mỗi gia đình Kitô hữu, nhất là trong bối cảnh mà định chế gia đình đang đứng trước những thách đố lớn lao. Âm vang sứ điệp Lời Chúa hôm nay đưa chúng ta suy niệm về gia đình. Để gia đình trở nên thánh thiện thì phải: luôn có Chúa hiện diện, luôn yêu thương, luôn hiệp nhất và phục vụ lẫn nhau.

  1. Chúa hiện diện

Ngay từ khi bắt đầu sống chung, Thánh Gia Thất đã có Chúa Giêsu hiện hữu trong cung lòng Mẹ. Dẫu đường xa cách trở từ thành Nazareth, miền Galilê lên thành Vua Đavít, tức là Bethlehem, miền Giuđê để kiểm tra dân số. Đức Maria nặng nề với thời thai nghén, nhưng Thánh gia vẫn không mất bình an, chẳng hề bất bình, kêu ca, than trách hay khủng hoảng. Chúa luôn hiện diện, khi thực thi thánh ý Chúa. Mẹ Maria đã “Xin Vâng” ngay khi sứ thần loan tin vui. Thánh Giuse cũng “chỗi dậy” đón Đức Maria về nhà mình khi được sứ thần báo mộng mầu nhiệm nhập thể.

Nếu sống theo ý riêng, giả như hình ảnh Mẹ Maria và Thánh Giuse đi hai ngã đường riêng biệt, lạc mất thiếu nhi Giêsu, không còn Chúa hiện diện, thì gia đình bất ổn, xáo trộn, xảy ra sự cố trầm trọng như vậy.

Mỗi thành viên hãy mời Chúa hiện diện trong lòng qua Lời Chúa, sống Tin mừng và đón rước Thánh Thể, thì gia đình luôn có Chúa song hành. Người sẽ xua tan đi giông tố, bão bùng, bất đồng, chia rẽ, phân hoá, hoặc nguy cơ tan vỡ. “Chúa hiện diện bên con, không phải chỉ là một tâm tình, nhưng Chúa phải chiếm hữu cả con người con, hướng dẫn, yêu thương, an ủi con.” (Đường Hy Vọng, số 241)

  1. Yêu thương

“Thiên Chúa là Tình Yêu. Ai ở lại trong tình yêu, thì ở lại trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở lại trong người ấy.” (1 Ga 4, 16). Tình yêu được diễn tả trong Gia đình thánh:  Thánh Giuse biểu lộ tình yêu rất kín đáo qua công việc thợ mộc chăm chỉ hằng ngày; Mẹ Maria diễn tả tình yêu qua việc tận tuỵ chăm sóc cả gia đình; Thánh gia cùng yêu thương che chở Hài Nhi chạy thoát khỏi cuộc tàn sát trẻ thơ của Hêrôđê; Mẹ còn tiếp tục vất vả theo chân Con đi rao giảng, cho đến tận đồi Calveriô, nơi Con Mẹ trút hơi thở cuối cùng trên thập giá. Chỉ có tình yêu cao cả vĩ đại mới lý giải được mối liên kết Thánh gia bền vững.

Noi gương Thánh gia, thánh Phaolô khuyên răn tín hữu Côlôsê: “Phải mặc lấy tâm tình từ bi, nhân hậu, khiêm cung và ôn hòa, nhẫn nại và chịu đựng lẫn nhau, và hãy tha thứ cho nhau nếu người này có chuyện phải oán trách người kia”. Hãy mặc lấy sự nhân từ, xót thương của Chúa “Hãy tha thứ cho nhau, như chính Chúa tha chứ cho anh em và lấy đức bác ái làm nền tảng; đó chính là mối dây liên kết giữa mọi con cái Chúa” (Cl 3,12-21). Ngài khẳng định đức yêu thương là giềng mối của gia đình: “Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái…Người làm vợ hãy phục tùng chồng. Như thế mới xứng đáng là người thuộc về Chúa” (Cl 3,14.18).

  1. Hiệp nhất

“Tưởng rằng Người ở trong nhóm các khách đồng hành, hai ông bà đi được một ngày đàng, mới tìm kiếm Người trong nhóm bà con và những kẻ quen biết.” Thánh gia luôn hiệp nhất trong tình yêu, không bao giờ chia rẽ, lìa xa nhau. Nếu thiếu vắng ai, thì cả gia đình quan tâm tìm về. Vậy nên gia đình chính là Hội Thánh thu nhỏ, luôn giang tay đón nhận và tìm lại thành viên của mình, không loại trừ ai dẫu tội lỗi nhuốc nhem.

“Gia đình là tế bào của Hội Thánh, nói cách khác, là một “Hội Thánh thu nhỏ” (Ecclesiuncula) ở đó Chúa Giêsu hiện diện, sinh sống, chết, phục sinh cách mầu nhiệm trong các chi thể. Tư tưởng ấy làm sáng tỏ ý nghĩa và có sức biến đổi đời sống của gia đình Công Giáo.” (Đường Hy Vọng, 493)

“Nhìn thấy Người, hai ông bà ngạc nhiên, và mẹ Người bảo Người rằng: “Con ơi, sao Con làm cho chúng ta như thế? Kìa cha Con và mẹ đây đã đau khổ tìm Con”. Một lời trách nhẹ nhàng thắm đậm tình mẫu tử, biểu lộ tình yêu thương, mối quan tâm sâu sắc, đồng thời nói lên lòng khoan dung, tha thứ để hiệp nhất. Tha thứ chính là điều quan trọng trong Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Tha thứ không giới hạn, không điều kiện. “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy” (Mt 18,22).

Một gia đình không có lòng thương xót, khoan dung, tha thứ thì khó tránh xung đột, xung khắc, và sẽ tạo ra mầm mống rạn nứt, chia lìa. “Tình yêu hôn nhân có sức rút từ quả tim con người tất cả can đảm, tin tưởng và quảng đại.” (Đường Hy Vọng, số 467)

  1. Phục vụ

Chúa Giêsu thưa với thánh Giuse  và Đức Mẹ rằng: “Mà tại sao cha mẹ tìm Con? Cha mẹ không biết rằng Con phải lo công việc của Cha Con sao?” Thiếu niên Giêsu thẳng thắn thưa cùng cha mẹ nhiệm vụ ưu tiên của mình. Phục vụ Thiên Chúa, cùng phục vụ gia đình, vợ chồng, con cái và tha nhân là những yếu tố thiết yếu tạo nên gia đình đại phúc. Dấn thân phục vụ là hy sinh, xả kỷ, vị tha, là cho đi cả tình yêu, sức lực, tâm hồn lẫn thể xác.

“Bấy giờ Người theo hai ông bà trở về Nadarét, và Người vâng phục hai ông bà.” Vâng phục, thảo hiếu cha mẹ cũng là phục vụ gia đình tích cực. Chúa Giêsu làm gương sáng cho phận làm con, hầu góp phần xây dựng gia đình đại phúc. Đức Thánh Cha Bênêdettô XVI kêu gọi: “Con cái có quyền có một gia đình như Thánh Gia thất. Gia đình là nơi lý tưởng để mọi người học biết cho đi và đón nhận tình yêu”.

Phục vụ lẫn nhau, gia đình mới trên thuận dưới hoà, vui vẻ, bình an, hạnh phúc tràn đầy, như lời khuyên chí tình của thánh Phaolô về nếp sống gia đình: “Hỡi các người làm vợ hãy phục tùng chồng, như thế mới xứng đáng là người thuộc về Chúa. Người làm chồng hãy yêu thương chứ đùng cay nghiệt với vợ. Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là điều đẹp lòng Chúa” (Cl 3, 18-20).

Lạy Chúa Hài Đồng Giêsu, xin ban cho chúng con tình yêu, sự hiệp nhất, phục vụ theo mẫu gương của Gia đình thánh, để chúng con hoan hưởng phúc ấm tình gia đình.

Có thể bạn quan tâm