SUY NIỆM LỄ ĐỨC MARIA, MẸ THIÊN CHÚA
Lời Chúa: Ds 6,22-27; Gl 4,4-7; Lc 2,16-21
1. MẪU MARIA, THIÊN MẪU VÀ MẪU GƯƠNG – Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
Hôm nay là ngày đầu tiên của năm mới, chúng ta cử hành trọng thể lễ Mẹ Thiên Chúa với ý nguyện cầu bình an cho toàn thế giới.
Một tín điều để tin
Tước hiệu Mẹ Thiên Chúa là một đặc ân rất cao trọng, được Giáo Hội tuyên tín như là một chân lý đức tin buộc mỗi người chúng ta phải tin.
Tuy nhiên, nếu không có sự hiểu biết đúng đắn, tước hiệu này có thể làm cho chúng ta bối rối và thắc mắc: phải chăng tước hiệu Mẹ Thiên Chúa là một sự phạm thượng? Làm sao một thụ tạo bất toàn lại có thể sinh ra Thiên Chúa được?
Thực ra, thắc mắc này đã có từ rất xa xưa. Vào khoảng năm 428 Nestorius, giám mục ở Constantinople, phủ nhận tước hiệu này. Ông chủ trương rằng: “Chúa Giêsu có hai bản tính nên có hai ngôi vị. Đức Maria chỉ là Mẹ ngôi vị nhân tính của Chúa Giêsu, nên không phải là Mẹ Thiên Chúa.” Theo ông, Đức Maria chỉ là Mẹ Chúa Giêsu thôi, cùng lắm là Mẹ Chúa Kitô, không thể là Mẹ Thiên Chúa.
Trước lạc giáo này, Công Đồng Chung họp tại Êphêsô vào năm 431 để giải quyết tranh luận và đã tuyên tín rằng: “Ngôi Lời Thiên Chúa đã kết hợp với nhục thể trong lòng Đức Maria, do đó Đức Maria đã sinh ra Ngôi Lời nhập thể, và đáng được gọi là Mẹ Thiên Chúa” (Théotokos).
Tước hiệu này không có nghĩa là Đức Maria đã sinh ra Ba Ngôi Thiên Chúa, nhưng là người sinh ra Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa thật và người thật, nên Đức Maria được gọi là Mẹ Thiên Chúa. Hay nói chính xác hơn Đức Maria là Mẹ Chúa Kitô, người đã sinh Con Thiên Chúa trong thời gian.
Chúng ta chỉ có thể hiểu được ý nghĩa của tín điều này khi đặt nó trong mối tương quan với Chúa Kitô và dựa trên nền tảng Kinh Thánh.
Nền tảng Kinh Thánh
Trong Phụng vụ Lời Chúa hôm nay, chúng ta có thể tìm thấy nền tảng Kinh Thánh cho tín điều Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa.
Bài đọc II là một trích đoạn của Thư của thánh Phaolô Tông Đồ gửi tín hữu Galát. Đây là bản văn cổ nhất của Tân Ước nói về Đức Maria: “Thưa anh em, khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người phụ nữ, và sống dưới Lề Luật, để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử” (Gl 4,4). Quả thế, người phụ nữ được nói ở đây chính là Đức Maria, người đã cưu mang và sinh hạ Con Đức Chúa Trời làm người.
Đặc biệt, chúng ta còn tìm thấy trong Tin Mừng Luca tước hiệu này dành cho Đức Maria khi Người đi thăm bà Êlisabét (1,38-48). Bà Êlisabét được tràn đầy Thánh Thần và kêu lên rằng: “Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa đến thăm tôi. Bởi thế, tai tôi vừa nghe lời bà chào, hài nhi liền nhảy mừng trong lòng.” Bà Êlisabét gọi Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa bởi vì Mẹ đang mang trong lòng Ngôi Hai Thiên Chúa và sẽ sinh ra cho loài người Đấng Cứu Độ là chính Đức Giêsu Kitô.
Trong bài Tin Mừng hôm nay thánh Luca kể lại chứng tá của các mục đồng về biến cố Chúa Giêsu được sinh hạ bởi Đức Maria tại Bêlem. Các mục đồng hết sức ngạc nhiên vì đã chứng kiến những sự việc xảy ra đúng như lời các thiên thần loan báo cho họ. Con Thiên Chúa sinh ra trong cảnh cơ hàn. Họ đến thờ lạy Người và gặp Đức Maria, thánh Giuse và Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ (Lc 2,16-21).
Như thế, Đức Maria là người được Thiên Chúa tuyển chọn, chuẩn bị nên xứng đáng để mang thai và sinh hạ Con Thiên Chúa. Mẹ đã hoàn toàn vâng phục và công tác với chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Nên Giáo Hội đã tôn kính Mẹ với tước hiệu rất cao trọng là Mẹ Thiên Chúa.
Chúng ta cũng nên biết rằng: Trong phụng vụ, bậc thứ nhất là sự tôn thờ được dành cho Thiên Chúa Ba Ngôi. Như Kinh Thánh dạy: “Người phải tôn thờ Thiên Chúa người hết lòng hết sức hết linh hồn người” (Đnl 6,4). Bậc thứ hai gọi là sự biệt kính hay sự tôn kính đặc biệt được dành cho Đức Maria. Sau Thiên Chúa phải là Đức Maria, bởi vì Đức Maria có một địa vị hết sức cao cả trong chương trình cứu độ. Mẹ là người sinh ra Đấng Cứu Độ. Nhờ Mẹ, chúng ta mới có Chúa Kitô. Bậc thứ ba là sự tôn kính dành cho các chư thánh.
Đức Maria là Mẹ và là mẫu gương
Khi cử hành lễ Mẹ Thiên Chúa, chúng ta không chỉ dừng lại ở việc suy tôn và chiêm ngắm dung mạo cao cả của Đức Maria, nhưng chúng ta còn được mời gọi noi gương Đức Maria để sống như Mẹ đã sống.
Thánh Luca nhắc đi nhắc lại mẫu gương của Đức Maria: “Còn bà Maria thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng.” Mẹ là người luôn lắng nghe Lời Chúa, suy niệm Lời Chúa và đem ra thực hành. Trước khi Mẹ cưu mang Ngôi Lời trong dạ, thì Mẹ đã cưu mang Lời Chúa trong tâm hồn rồi. Mẹ là mẫu gương tuyệt hảo cho chúng ta về việc lắng nghe và sống Lời Chúa.
Nếu Đức Maria được vinh dự làm Mẹ Thiên Chúa, thì mỗi người Kitô hữu cũng được chia sẻ sự vinh dự đó. Bởi vì, như Chúa Giêsu nói: “Ai nghe Lời Chúa và đem ra thực hành là anh chị em Ta, và là Mẹ của Ta.”
Giáo Hội là mẹ, nghĩa là Giáo Hội tiếp tục sứ mạng của Đức Maria, người phải tiếp tục sinh Chúa Kitô cho người khác. Mỗi người Kitô hữu là Giáo Hội. Chúng ta được mời gọi sinh Chúa Giêsu cho người khác bằng sự hy sinh, lời cầu nguyện và đời sống chứng tá của chúng ta, đặc biệt nhờ việc dạy giáo lý, huấn luyện đức tin cho con cái và giới trẻ.
Nhân dịp bước vào Năm Mới, dưới sự phù trì và cầu bầu của Đức Maria, xin Chúa ban cho mỗi người chúng ta được bình an và dồi dào phúc lành của Thiên Chúa. Amen.
2. NHÂN LOẠI MỚI – ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
Tám ngày sau khi sinh, Chúa Giêsu được dâng vào đền thờ, chịu phép cắt bì và được đặt tên theo luật Do thái. Đối với người Do thái, tên là người. Vì thế việc đặt tên có ý nghĩa quan trọng. Giêsu có nghĩa là Thiên-Chúa-cứu. Chúa Giêsu là Thiên Chúa. Con người không thể sinh ra Thiên Chúa. Nhưng Thiên Chúa tự nguyện làm con loài người. Nhờ đó Đức Mẹ trở thành Mẹ Thiên Chúa. Sinh ra Chúa Giêsu, Đức Mẹ sinh ra một nhân loại mới để cứu nhân loại cũ do bà Evà sinh ra, đã hư hỏng vì tội lỗi.
Đức Mẹ sinh ra nhân loại mới. Bà Evà sinh ra nhân loại cũ. Nhân loại cũ được sinh ra từ đất thấp. Thiên Chúa muốn nâng con người lên trời cao. Nhưng đất thấp lôi kéo con người chìm xuống. Vì thế con người đã từ địa vị con cái rơi xuống thân phận nô lệ. Trái lại, Đức Mẹ sinh ra một nhân loại mới. Nhân loại mới sinh xuống từ trời cao. Chúa Giêsu là Adam mới, từ trời hạ mình xuống để nâng con người lên. Giải thoát khỏi tình trạng nô lệ. Phục hồi địa vị làm con Thiên Chúa.
Đức Mẹ sinh ra Chúa Giêsu do lời chúc phúc. Bà Evà sinh con do lời chúc dữ. Sau khi hai ông bà nguyên tổ phạm tội, Thiên Chúa đã tuyên án cho bà Evà: “Ta sẽ làm cho ngươi phải cực nhọc thật nhiều khi thai nghén; ngươi sẽ phải cực nhọc lúc sinh con.” (St 3,16). Trái lại, Đức Mẹ sinh ra Chúa Giêsu do lời chúc phúc như lời Thiên sứ: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng.” Và bà thánh Êlizabeth nói: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc.” (Lc 1,42).
Đức Mẹ sinh con bởi phép Chúa Thánh Thần. Bà Evà sinh con do xác thịt. Như lời Thiên Chúa nói: “Ngươi sẽ thèm muốn chồng ngươi.” (St 1,16). Trái lại, Đức Mẹ sinh con bởi phép Chúa Thánh Thần. Như lời Thiên thần truyền: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà… vì thế Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa.” (Lc 1,35). Nếu nhân loại cũ được sinh ra theo xác thịt thì nhân loại mới được sinh ra “không phải do khí huyết, cũng chẳng do ước muốn của nhục thể, hoặc do ước muốn của người đàn ông, nhưng do bởi Thiên Chúa” (Ga 1,13).
Đức Mẹ quảng đại sinh ra người con quên mình. Bà Evà ích kỷ sinh ra Cain là đứa con ham hố. Vì muốn chiếm vị trí trung tâm, nó đã đẩy em là Abel ra vùng ngoại vi. Loại trừ em. Giết chết em. Trái lại, Đức Mẹ quảng đại sinh ra một người con quên mình. Chúa Giêsu là người anh cả, từ bỏ vị trí trung tâm, đi ra vùng ngoại biên nghèo khổ. Người tự hiến mạng sống, để đưa chúng ta là đàn em trở lại vị trí trung tâm, trong cung lòng Thiên Chúa.
Đức Mẹ mở lòng đón nhận sinh ra một thế giới huynh đệ. Bà Evà đóng kín vào bản thân, sinh ra những đứa con chia rẽ bất hoà. Tháp babel khiến cộng đồng nhân loại tan rã. Trái lại, Đức Mẹ mở lòng đón nhận, nên đã sinh ra Chúa Giêsu là nhân loại mới sống chan hòa tình huynh đệ. Đón tiếp mục đồng là những người nghèo khổ. Đón tiếp ba vua là những người xa lạ. Để tất cả trở thành anh em một nhà.
Đức Mẹ vâng phục sinh người con hiếu thảo. Bà Evà phản loạn sinh ra những đứa con bất hiếu, chối bỏ Thiên Chúa là Cha. Trái lại, Đức Mẹ vâng phục nên đã sinh Chúa Giêsu là người con hiếu thảo. Nhờ luôn vâng phục thánh ý Chúa Cha, Chúa Giêsu qui tụ người muôn nước sống hài hoà dưới mái nhà Cha chung trên trời. Và nhờ đó ta được hưởng hạnh phúc với Chúa như lời thư Galát: “Vậy anh em không còn phải là nô lệ nữa, nhưng là con, mà đã là con thì cùng là người thừa kế, nhờ Thiên Chúa.”
Ngày đầu năm ta mong ước những điều mới mẻ. Nhưng thế giới chỉ đổi mới khi có những con người mới. Điều quan trọng là bản thân ta đổi mới. Chính vì thế Giáo hội cầu bình an và đặt năm mới trong bàn tay Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa.
Như xưa Mẹ đã sinh ra Chúa Giêsu, khởi đầu nhân loại mới, nay xin Mẹ cũng sinh lại chúng ta. Để chúng ta trở nên con người mới. Vượt thoát những tầm thường ti tiện của đất thấp, để được sinh lại thanh thoát từ trời cao. Thoát khỏi lời chúc dữ để được sinh lại tràn đầy ân sủng do lời chúc phúc. Thoát khỏi ràng buộc của xác thịt nặng nề để được sinh lại trong Thần Khí tự do.
Con người mới theo khuôn mẫu Chúa Kitô sẽ biết quảng đại cho đi. Biết ra đi đến những miền ngoại biên, gặp gỡ những anh em bị loại trừ, đưa con người trở về vị trí trung tâm. Con người mới sẽ biết mở lòng đón nhận mọi anh em dù khác biệt. Xây dựng thế giới thành một gia đình thân thương, biến thế giới thành một mái nhà chung bình an hạnh phúc. Mọi người trở thành anh em con cùng một Cha trên trời.
Như thế nhân loại được đặt trong bàn tay Thiên Chúa. Và thế giới được chúc phúc như lời Chúa hứa trong sách Dân Số: “Chúc như thế là đặt con cái Israel dưới quyền bảo trợ của Ta, và Ta, Ta sẽ chúc lành cho chúng.” Đó chính là nhân loại mới. Đó chính là trời mới đất mới. Đó chính là niềm bình an hạnh phúc ta mơ ước.
Lạy Chúa Giêsu Hài Đồng, Chúa sinh xuống trần để mở ra kỷ nguyên mới. Xin cho con biết sinh lại thành con người mới. Để góp phần xây dựng thế giới an bình hạnh phúc trong tình huynh đệ chân thành. Amen.
3. THÁNH MARIA ĐỨC MẸ CHÚA TRỜI, CẦU CHO CHÚNG CON – Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
Tám ngày sau lễ sinh nhật của Đức Giêsu Chúa chúng ta, Giáo hội mời gọi con cái mình cử hành lễ Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa với tất cả lòng kính trọng và biết ơn, vì nhờ Mẹ, Đấng Cứu Thế đã sinh ra cho chúng ta.
Đức Maria đã được các giáo phụ ca ngợi, đặc biệt là thánh Ambrôsiô thành Milan (thế kỷ IV) khi nói: “Đức Maria là Đền Thờ của Thiên Chúa chứ không phải Thiên Chúa của Đền Thờ”. Thánh Ignatiô thành Antiokia (+ 110) là người đầu tiên nên tên Đức Maria sau các sách Tin Mừng: “Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô đã được Đức Maria cưu mang trong lòng theo nhiệm cục cứu độ” và ” Đức Giêsu cũng được sinh ra bởi Đức Maria và bởi Thiên Chúa”.
Tại Đông phương, kể từ năm 350, người ta đã gán cho Đức Maria tước hiệu là “Mẹ Thiên Chúa”, tuyên dương Mẹ là ” Mẹ của Ngôi Lời Nhập Thể “. Như thánh Grégoire de Nazianze (330 – 390) đã viết: “Đức Kitô sinh bởi một Trinh Nữ, người nữ ấy là Mẹ Chúa Kitô”.
Khi giáo chủ Constantinople là Nettôriô công khai chối bỏ thiên chức Mẹ Thiên Chúa của Đức Maria, thì Công đồng Chung Êphêsô (431) đã đuợc triệu tập và tuyên bố tín điều “Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa”. Đó là danh xưng cao trọng nhất của Đức Maria, chính phẩm chức cao cả này là nền tảng mỗi đặc ân khác dành cho Mẹ. Công đồng Vaticanô II đã trình bày các đặc ân liên kết với phẩm chức Thiên Chúa như sau: “Không có gì lạ, nếu các giáo phụ đã thường xưng tụng Mẹ là Đấng toàn thánh, không vương nhiễm một tội nào, như một tạo vật mới do Chúa Thánh Thần uốn nắn và tác thành. Tràn đầy thánh thiện, có một không hai ngay từ lúc thụ thai, Đức Trinh Nữ thành Nazareth được Thiên thần vâng lệnh Chúa đến truyền tin và đã kính chào là “Đầy ơn phước” (Lc. 1,28). (GH.59).
Thánh Phaolô viết: “Khi đã đến lúc thời gian đầy đủ, Thiên Chúa đã sai Con Ngài sinh hạ bởi người phụ nữ, sinh dưới chế độ Luật, để cứu chuộc những người ở dưới chế độ Luật, hầu cho chúng ta được nhận làm dưỡng tử… mà nếu là con, tất bạn cũng là người thừa kế, nhờ ơn Thiên Chúa” (Gl 4, 4-7). Như thế, chúng ta dưỡng tử của Thiên Chúa và đồng thừa tự với Đức Kitô nhờ ơn Thiên Chúa. Lại nữa, Hội Thánh là Thân Thể của Chúa Kitô, Đức Maria đã là Mẹ Chúa Kitô, Đấng là Đầu của Thân Thể, thì Mẹ cũng là Mẹ của Thân Thể, Mẹ Hội Thánh, Hội Thánh được cấu thành bởi những con người chúng ta, nên Mẹ cũng là Mẹ của mỗi người chúng ta. Vì thế trong Giáo Hội, Đức Trinh Nữ Maria được kêu cầu qua các tước hiệu: trạng sư, vị bảo trợ, Đấng phù hộ và Đấng Trung gian” (GH.62)
Ngày 21/11/1964, Đức Phaolô VI long trọng tuyên bố Đức Maria Là Mẹ Hội Thánh: “Để vinh danh Đức Trinh Nữ và để chúng ta được an ủi, chúng tôi tuyên bố Rất Thánh Maria là Mẹ Hội Thánh, tức là Mẹ của toàn thể Dân Kitô Giáo, cả giáo dân lẫn mục tử, thành phần gọi Người là một Người Mẹ rất yêu dấu; và vì thế chúng tôi truyền cho toàn thể Dân Kitô Giáo hãy dâng lên Mẹ Thiên Chúa một niềm kính tôn hơn nữa và hãy nguyện cầu cùng Người bằng tên gọi rất ngọt ngào này”. Và việc Đức Phaolô VI đã “công bố” và “truyền” làm như thế không phải chỉ bằng một văn kiện, mà là bằng lời nói sống động ngay trước mặt toàn thể hàng giáo phẩm thế giới đang tham dự Công Đồng Chung bấy giờ, thành phần đại diện cho toàn thể Dân Chúa.
Đó là những lý do Giáo Hội thúc dục con cái mình cầu nguyện với Mẹ: “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử”. Như vậy, long trọng mừng Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, chúng ta hãy tỏ một niềm tin vững chắc vào vai trò của Mẹ trong chương trình cứu rỗi nhân loại. Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa vì Ngài đã sinh ra cho chúng ta Thiên Chúa cứu chuộc.
Trong ngày đầu năm mới và cũng là Ngày Quốc Tế Hòa Bình, chúng ta vui mừng cử hành lễ Đức Maria rất thánh, Mẹ Thiên Chúa. Cả hai sự kiện này cùng diễn ra khi chúng ta đang cử hành Chúa Kitô, Con Thiên Chúa, Vua Thái Bình (Is 9, 5) sinh hạ bởi Đức Trinh Nữ Maria, hòa bình đích thực của chúng ta! Chúng ta mượn lời sách Dân Số mà cầu chúc cho nhau: “Nguyện Đức Chúa ghé mắt nhìn và ban bình an cho anh chị em” (x. Ds 6,26). Còn món quà nào cao quí hơn là chính Con Thiên Chúa, Đấng là Hoàng Tử Bình An được Chúa Cha ban tặng cho chúng ta. Vì tình yêu Thiên Chúa đã “ban Người Con duy nhất của Ngài” cho nhân loại (Ga 3,16). Thiên Chúa đã nhận lấy dung mạo của một con người và Thiên Chúa tỏ dung mạo của Ngài trong Người Con của Đức Trinh Nữ Maria.
Thiên Chúa từ trời cao đã giáng trần và cư ngụ trong lòng Mẹ và nhập thể trong Người Con mà Mẹ đang ẵm trên tay. Mẹ bồng Hài Nhi Giêsu, con nhìn mẹ và mẹ nhìn con âu yếm. Đức Maria trong thiên chức làm Mẹ Thiên Chúa, và là Mẹ chúng ta, luôn đồng hành để dẫn chúng ta về với Thiên Chúa. Bước theo Mẹ trong cuộc sống của lòng tin bằng thái độ tín thác vào Chúa, hoàn toàn vâng phục thánh ý Ngài, chúng ta sẽ được Mẹ dìu đưa đến với Chúa, đến Nước Trời. Mẹ mời gọi chúng ta mở lòng đón nhận Chúa Giêsu, cưu mang Người bằng cách lắng nghe và sống theo Lời Người, để thực sự trở nên người có phúc, người thân của Chúa như Mẹ.
Mừng lễ Mẹ hôm nay, với trọn niềm tin tưởng, mến yêu, chúng ta hãy phó thác cho Mẹ thế giới này, đất nước ta, gia đình ta. Hãy để Mẹ hiện diện để yêu thương, chăm sóc và dẫn dắt chúng ta sống theo ý Chúa. Hãy hết lòng yêu Mẹ bằng tình con thảo hiếu!
Nhờ Mẹ cầu bầu, xin cho cuộc đời mỗi nguời chúng ta được đổ đầy bình an của Chúa trong năm mới này, để chúng ta cũng trở nên những người xây đắp an bình cho gia đình, cho mọi người bằng đời sống tin yêu phó thác vào Chúa và quên mình phục vụ tha nhân như Mẹ. Ước gì chúng ta không chỉ thành khẩn thưa lên với Mẹ bằng lời, mà bằng trọn cả con tim và cuộc sống chúng ta: “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con, là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử. Amen.”
4. NỮ VƯƠNG HÒA BÌNH – Lm Giuse Nguyễn Hữu An
Giáo Hội mừng lễ Mẹ Thiên Chúa vào ngày đầu năm Dương lịch, cũng là ngày cầu nguyện cho hòa bình thế giới như một nhắc nhớ việc chiêm ngưỡng Mẹ là một Tạo Vật mới tinh tuyền của Thiên Chúa, một Evà mới khởi đầu một thời đại mới, một tạo dựng mới. Kỷ nguyên cứu độ đã khởi sự qua việc Chúa Giêsu nhập thể trong cung lòng Đức Mẹ sau lời xin vâng. Mẹ được tuyển chọn làm Mẹ Đấng Cứu Thế để bắt đầu kỷ nguyên cứu độ. Nếu Evà cũ đã bất tuân để vùi lấp con người trong khổ đau và sự chết, thì Đức Mẹ với tâm tình xin vâng đã đưa Chúa Giêsu đến với nhân loại mang lại sự sống và tình yêu. Từ đây nhân loại sẽ bước đi trong ánh sáng cứu độ. Chúa Giêsu vị Vua Thái Bình, Hoàng Tử Bình An đã đi vào lòng thế giới, để thiết lập vương quốc Nước Trời qua Mẹ Maria. Đức Thánh Cha Phaolô VI đã viết: “Vì sự trùng hợp tốt đẹp giữa ngày 01 tháng giêng với ngày thứ tám giáp lễ Giáng Sinh mà chúng tôi đã đặt ngày đó là ngày Thế Giới Hòa Bình, mà thế giới mỗi ngày càng hưởng ứng thêm, và thành quả của hòa bình đã phát sinh trong lòng nhiều người.” (Marialis Cultus, số 5).Chúa Giêsu được xưng tụng là Hoàng Tử Hòa Bình, đến chuộc tội nhân loại, giao hòa con người với Chúa Cha. Mẹ Maria luôn gắn bó, hợp tác, hiệp công với Con của mình nên đã trở nên Nữ Vương Hòa Bình cho toàn thế giới. Mẹ đã đóng góp cả cuộc đời mình cùng với Chúa Giêsu mà giải phóng con người khỏi ách nô lệ tội lỗi.Chủ đề Sứ điệp Hòa Bình năm nay là “Không còn nô lệ nữa, nhưng chỉ còn tình huynh đệ với nhau”. ĐTC Phanxicô viết: “Việc quay trở về với Đức Kitô, bắt đầu một cuộc sống là người môn đệ trong Đức Kitô, làm nên một sự tái sinh (x. 2Cr 5,17; 1Pt 1,3) vốn tái tạo lại tình huynh đệ như là mối dây nền tảng của đời sống gia đình và đời sống xã hội” (Sứ điệp ngày Thế Giới Hòa Bình 2015).
Đức Mẹ khuyên mọi tín hữu siêng năng lần hạt và coi chuỗi kinh Mân Côi như là phương tiện hun đúc hòa bình. Ngày 13 tháng 10 năm 1917 tại Fatima, Đức Mẹ đã hiện ra để lại lời nhắn nhủ dưới hình thức của huấn lệnh là: cải thiện đời sống, siêng năng lần hạt, tôn sùng trái tim Mẹ. Đây chính là lộ trình nên Thánh bao gồm ba bước tiếp theo nhau và chuỗi Mân Côi được đặt như là một nhịp cầu giữa một bờ là tội lỗi nhân loại và bờ bên kia chính là ơn thánh hóa của Thiên Chúa. Cũng như việc lần hạt chuyên cần là một phương tiện hiệu quả giúp người ta đạt được hòa bình. Chính trong ý nghĩa này, kinh Mân Côi phải được gọi là Kinh của hòa bình. Ở đâu kinh Mân Côi được cổ võ thì ở đó cũng vang lên lời cầu nguyện tha thiết: “Nữ Vương ban sự bình an cầu cho chúng con”.
Lễ Mẹ Thiên Chúa kết thúc tuần Bát Nhật Giáng Sinh làm tỏa sáng vẻ đẹp kỳ diệu của tình yêu cứu độ. Ngôi Hai đã vâng phục nhập thể cứu độ nhân loại. Với tiếng xin vâng, Đức Maria làm Mẹ Ngôi Lời nhập thể và làm Mẹ hết thảy những ai được tháp nhập vào thân thể mầu nhiệm của Đức Kitô.
Lạy Mẹ Maria Nữ Vương Hòa Bình, Mẹ đã chọn phần tuyệt hảo là lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa. Xin cho chúng con luôn biết noi gương Mẹ, gắn bó cùng Chúa trọn đời. Amen.
5. MẸ THIÊN CHÚA – Lm. Cao Thế Bình
Kính thưa qúi ông bà anh chị em, mỗi một người hiện hữu trên trần gian này, ai lại là người không có mẹ – cha, có điều là người mẹ đó tuyệt vời hay còn có nhiều khuyết điểm. Và nếu được quyền chọn lựa thì ai lại không muốn chọn cho mình một người mẹ tuyệt hảo, nhưng đây là điều ngoài tầm tay của con người. Còn Thiên Chúa thì sao? NGài có quyền tuyển chọn một người người mẹ tuyệt trần nhất để làm Mẹ Chúa cứu thế.
Hôm nay ngày đầu năm, Giáo Hội đặt: lễ Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, sao Giáo Hội lại đặt lễ này vào ngày thứ nhất của năm mới để làm gì, nếu không phải là để mọi người và thế giới nhìn vào Đức Maria như là là sự bình an và niềm hy vọng; vì Mẹ đã đêm đến cho nhân loại ông Vua thái bình, mà chúng ta chiêm ngắm tuần trước trong đêm Giáng Sinh. Mẹ là kiểu mẫu của người sống đức tin. Vâng, Đức Maria là một tuyệt tác tuyệt diệu của Thiên Chúa; vì Thiên Chúa cần một người Mẹ như thế để làm Mẹ của Ngôi Hai Đấng cứu thế. Mẹ Maria mà chúng ta cùng với GH hôm nay mừng kính tước hiệu: Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, đó là phẩm chức cao cả nhất của Đức Maria, chính phẩm chức cao cả này là nền tảng mọi đặc ân khác Chúa đã dành cho Mẹ.
Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, đó là một tín điều được công bố ngày 22- 6- 431 bởi công đồng Êphêsô, dưới quyền chủ tọa của thánh Cyrillô thành Alexandria, cũng từ Công Đồng này mà ta có phần sau của kinh kính mừng: “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con là kẻ có tội khi nay và trong giờ lâm tử. Amen”.
Với tước hiệu Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, chắc không khỏi một số người thắc mắc: Thiên Chúa là Đấng quyền năng cao cả, tự hữu, không có ai cao cả hơn Thiên Chúa nữa, thế mà chúng ta lại nói: Đức Maria là mẹ Thiên Chúa, như vậy nghĩa là làm sao? Vâng, như tín lý dạy chúng ta rằng: Chúa Giêsu Kitô là Ngôi Hai Thiên Chúa và cũng là Thiên Chúa, nhưng Chúa Giêsu, xét về bản tính nhân loại thì Ngài lại hiện hữu trong thời gian qua việc Ngài được Đức Mẹ sinh ra.
Đức Maria đã sinh ra Đức Giêsu là người thật và là Thiên Chúa thật, nên Đức Maria cũng được gọi là Mẹ Thiên Chúa. Chúng ta đừng sợ tước hiệu này xúc phạm đến Thiên Chúa cao cả, vì Ngài đã chấp nhận giáng trần sinh bởi một người nữ để trở nên hoàn toàn như chúng ta ngoại trừ tội lỗi, thì sao ta lại sợ xúc phạm đến Ngài khi bảo Ngài là con của Mẹ Maria? Ở đây ta có thể chưng ra một thí dụ na ná để chúng ta dễ hiểu: chẳng hạn, ta lấy hình ảnh tổng thống công giáo đầu tiên là ông Kennedy, tổng thống thứ 35 của Hoa Kỳ. Vào ngày 20-01- 1961, khi ông trở thành tổng thống thì trên phương diện điều hành đất nước, ông là người có chức quyền cao hơn tất cả mọi người dân Hoa Kỳ, kể cả cha mẹ, ông bà nội, ông bà ngoại nữa; thế mà trong mối tương quan máu mủ gia đình thì ông lại là con của ông bà Rose Kennedy.
Chúa Giêsu là Ngôi Hai Thiên Chúa làm người, được sinh ra bởi người mẹ, việc sinh nở này do quyền năng của Chúa Thánh Thần. Và Chúa Giêsu mặc lấy hai bản tính; bản tính Thiên Chúa và bản tính nhân loại, hai bản tính này kết hợp với nhau một cách chặt chẽ trong một con người là Đức Giêsu Kitô, mà Chúa Giêsu lại được chính Đức Maria sinh ra. Như vậy Đức Mẹ là mẹ đích thực của Chúa Giêsu, mà Chúa Giêsu là Ngôi Hai Thiên Chúa và như thế Đức Mẹ cũng là Mẹ Thiên Chúa, như lời của Kinh Thánh ghi lại lời chào của sứ thần Gariel: “Kính chào bà đầy ơn phúc Thiên Chúa ở cùng bà”, rồi lại nữa: “Trẻ mà bà sinh ra được gọi là thánh, là con Thiên Chúa” (Lc 1, 31-35). Rồi trong thơ Galata thánh Phaolo viết: “Khi đến thời viên mãn, Thiên Chúa sai con của Người, sinh bởi người nữ”. ( Gl 4,4). Bài Tin Mừng của thánh Luca ghi lại: “Các mục đồng vội vã ra đi đến thành Bêlem, và gặp thấy Maria, Giuse và Hài Nhi mới sinh nằm trong máng cỏ. Khi họ trở về miệng tung hô ca ngợi Thiên Chúa” ( Lc 2,16.21).
Mừng lễ Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa, Giáo Hội lấy ngày lễ này đặt vào ngày đầu năm, ý của Giáo Hội là mong muốn con cái mình đặt trót 365 ngày của năm mới này dưới sự che chở và nâng đỡ của Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ chúng ta. Ngày đầu năm, Giáo Hội cầu nguyện cho hoà bình thế giới, truyền thống này đã được Đức Giáo Hoàng Phaolo VI muốn, khi mừng lễ Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa vào ngày đầu năm thì cũng cầu mong thế giới được hòa bình. Đức Maria là Mẹ của Hoàng Tử bình an nên chi, Giáo Hội nhìn lên Mẹ để cầu xin Mẹ mang Vị Vua Hoà Bình đến cho thế giới, cho mỗi người; nhất là gia đình và thế giới ngày hôm nay có qúa nhiều sự đe doạ, sống trong lo âu, sợ hãi. Cho nên, hơn bao giờ hết, gia đình và thế giới hôm nay cần phải chạy đến với Mẹ, để xin Mẹ mang Chúa của sự bình an đến cho loài người.
Anh chị em thân mến, mỗi dịp Giáng Sinh về là dịp giúp chúng ta hơn nữa để chiêm ngắm Hài Nhi Giêsu trong máng cỏ, đồng thời khi chúng ta chiêm ngắm Vị Vua Thái Hoà, thì bên cạnh Vị Vua đó là: Đức Maria, người mẹ nhân từ, hiền dịu, yêu thương. Như vậy, ngày đầu năm chúng ta đến đây để hợp tiếng ca mừng Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, chúng ta hãy tỏ lòng tin vững chắc vào vai trò của Mẹ trong chương trình cứu rỗi nhân loại. Ước gì chúng ta chiêm ngưỡng Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa và cũng là Mẹ của chúng ta, lòng chúng ta phải luôn hân hoan vui mừng vì Thiên Chúa đã ban đặc ân này cho Mẹ.
Mong sao, sau khi dâng thánh lễ, ra về, lòng mỗi người vui mừng phấn khởi như các mục đồng xưa, để loan báo tin mừng, tin vui nước trời đã thực hiện cho loài người nơi Thánh Tử Giêsu con yêu dấu của Mẹ Maria. Tin mừng, tin vui đó phải được thể hiện nơi mỗi người bằng sự niềm nở, vui tươi, tin tưởng, phó thác cuộc đời của mình theo chương trình nhiệm mầu của Thiên Chúa, như Đức Maria luôn tìm và vâng theo thánh ý Chúa, cho dẫu gặp những hoàn cảnh khó khăn, bi đác không thể hiểu được, nhưng Mẹ luôn tín thác vào Thiên Chúa và chương trình của Ngài, qua sự lắng nghe và xin vâng.
Xin Mẹ Maria giúp chúng con biết noi gương Mẹ, luôn suy gẫm lời Chúa như Mẹ, để lời của Chúa sinh hoa qủa dồi dào trong lòng mỗi người chúng con. Đặc biệt là ngày đầu năm này, chúng con cần phải có tâm tình như Mẹ, sống tin tưởng phó thác tất cả mọi sự cho chương trình của Thiên Chúa thực hiện qua cuộc sống của chúng con. Amen.
6. SUY NIỆM LỄ ĐỨC MARIA, MẸ THIÊN CHÚA – Lm Giuse Nguyễn Đức Ngọc
Hôm nay Giáo Hội mừng kính đặc ân cao trọng nhất trong 4 đặc ân Đức Mẹ đã lãnh nhận : Mẹ Thiên Chúa. Những tưởng rằng trong ngày đại lễ này Giáo Hội sẽ cho chúng ta nghe những bài Phúc Âm nói về vai trò quan trọng của Đức Mẹ trong cuộc đời Chúa Giêsu, nhất là những khi Ngài làm phép lạ với đầy uy quyền (hóa bánh ra nhiều, chữa lành mọi thứ bệnh tật, tại tiệc cưới Cana …)hoặc khi Chúa phục sinh vinh quang …vv…vì Con đầy quyền năng thì Mẹ cũng được vinh dự. Thế nhưng GH lại cho chúng ta chiêm ngắm Mẹ nơi hang đá máng cỏ, một nơi chẳng có gì là hoành tráng và danh dự, một nơi có vẻ như không xứng hợp với tước vị Mẹ Thiên Chúa của Ngài?! Rồi trong chính trình thuật này, Thánh Luca cũng không cho thấy Mẹ nói một lời nào, chỉ nhìn, lắng nghe và suy niệm trong lòng……
Vậy Mẹ đã nhìn gì, đã nghe thấy gì và mẹ đã suy niệm gì?
1/ Mẹ đã nhìn và nghe thấy gì?
Từ khi chấp thuận lời Sứ Thần truyền tin, Mẹ thấy rằng đời Mẹ gặp nhiều long đong, vất vả, thậm chí có khi còn bị nghi ngờ( bởi Giuse), thua thiệt và thiếu thốn…Và cụ thể hơn nữa trong những ngày này khi Mẹ hạ sinh hài nhi Giêsu thì gặp toàn những bất trắc: phải lên đường đi xa khi mà bụng mang dạ chửa, bị xua đuổi khi vào thuê quán trọ, phải sinh con trong hoàn cảnh thiếu thốn những phương tiện tối thiểu, hài nhi còn quá nhỏ mà đã phải bôn ba chạy trốn vua Hêrôđê…nói tóm lại : Mẹ chẳng thấy Thiên Chúa ưu đãi mình, cho mình được hưởng những đặc quyền đặc lợi gì cả???Thế nhưng chính tai Mẹ đã nghe thấy lời Thiên Sứ: ”Đấng bà sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa…”; Mẹ đã thấy ba vị Đạo Sĩ ca ngợi và thờ lạy Hài Nhi rồi dâng cho Hài Nhi những món quà thật đắt giá; Mẹ nghe các mục đồng kể lại về việc Thiên Thần thúc giục họ đến chiêm ngắm Hài Nhi; Mẹ nghe thấy tiếng vô số các Thiên Thần tung hô : “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm”…Như vậy, đích thực Hài Nhi mà Mẹ đang bồng trên tay đây chính là Con Thiên Chúa. Nhưng Con Thiên Chúa mà lại chịu khổ như vầy à ?Thật không thể hiểu nổi ???
2/ Mẹ đã suy niệm gì ?
Dĩ nhiên Mẹ suy nghĩ gì thì làm sao chúng ta biết được?! Nhưng Mẹ cũng là con người như chúng ta, nên ta có thể suy bụng ta ra bụng Mẹ :
Mẹ băn khoăn và hoang mang: Không băn khoăn và hoang mang sao được khi biết bao nhiêu câu hỏi “tại sao” luông vang vọng trong tâm trí Mẹ : Hài Nhi Giêsu là Con Thiên Chúa, vậy tại sao Thiên Chúa lại đối xử “thậm tệ”với Con của Ngài như thế? Hay là Giêsu không phải là “Con Đấng Tối Cao”? Không ! Đích thị Hài Nhi là Đấng Messia vì Mẹ đã thụ thai hết sức kỳ lạ bởi quyền năng Chúa Thánh Thần như lời Sứ Thần truyền tin(chính Mẹ cảm nghiệm bản thân điều đó) và Thiên Chúa không lừa dối Mẹ…..hay Thiên Chúa cũng giống người Việt Nam “thương con cho roi cho vọt”?…..Tóm lại, cuối cùng Mẹ nhận ra rằng đường lối và hành động của Thiên Chúa thật khác với những suy nghĩ của con người, khó hiểu đối với con người.
Mẹ tin tưởng vào Thiên Chúa: Việc này Mẹ đã làm ngay từ khi thụ thai Con Thiên Chúa, chính Bà Isave đã khen ngợi Mẹ về điều đó “ Em thật có phúc vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Ngài đã nói với em” (Lc 1,45). Đường lối và cách hành động Của Thiên Chúa thật khó hiểu không phài vì phi lý hoặc vô lý, nhưng vì đường lối và cách thức hành động ấy không nằm trong khung suy tư của con người. Thiên Chúa có lý của Ngài. Con người chỉ có thể nhận ra cái lý của Thiên Chúa với lòng tin, với đức mến và sự cậy trông. Trong khiêm nhường thẳm sâu, Mẹ đã hoàn toàn tin tưởng và phó thác nơi Thiên Chúa. Hơn thế nữa, Mẹ cũng khám phá ra rằng : Khi Thiên Chúa muốn thì không gì có thể cưỡng lại được, Ngài sẽ thực hiện mọi sự theo ý muốn của Ngài.
Mẹ vâng phục thánh ý Thiên Chúa: Mẹ không chỉ vâng phục thánh ý Thiên Chúa trên bình diện lý trí bằng sự tin tưởng và phó thác, mà trên bình diện thực tiễn, Mẹ đã tuân theo và thực hiện thánh ý đó trong cuộc sống, Mẹ chấp nhận những gian nan thử thách Chúa đang gửi đến trong âm thầm nhẫn chịu. Sự vâng phục đó không chỉ nhất thời, bây giờ và lúc này (hic et nunc), nhưng trải dài trong suốt cuộc đời của Mẹ, khi bôn ba đây đó trong công cuộc truyền giáo, khi chia sẻ thân phận “không chỗ gối đầu” với người Con thân yêu của mình. Và cao điểm nhất, khi Mẹ đứng dưới chân thập giá, khi phải tận mắt chứng kiến cái chết đau thương và hy sinh chính mạng sống của Con mình, chúng ta mới thấy được tuyệt đỉnh của sự vâng phục: Mẹ đã kết hợp sự vâng phục của Mẹ với sự vâng phục của Con. Có thể nói : nếu chúng ta dùng hình ảnh toán học để so sánh thì trong gia đình Thánh Gia, mẫu số chung của Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse là sự vâng phục Thiên Ý, còn tử số là sự vâng phục theo cách riêng của mỗi người: Chúa Giêsu thực hiện bằng cái chết, Mẹ Maria thực hiện trong âm thầm chấp nhận còn Thánh Giuse thực hiện bằng thi hành ngay khi thánh ý ban ra.
Có một lần, tôi đi xức dầu cho một thanh niên bị nhiễm HIV đang giai đoạn chót, anh tâm sự với tôi : “ Thưa Cha, tại sao Thiên Chúa lại ác độc với con như vậy: con có làm gì nên tội đâu? Con không ăn chơi, trác táng, không sống bê bối sì ke, ma túy, thế mà con lại bị nhiễm HIV chỉ vì một lần đi nhổ răng do dụng cụ không khử trùng. Bây giờ con đã tuyệt vọng”. Nhiều người trong chúng ta, trong cuộc sống hằng ngày, cũng thường gặp những hoàn cảnh bế tắc và khó hiểu, khó chấp nhận như anh thanh niên kia. Trước hoàn cảnh đó, chúng ta băn khoăn và hoang mang, chúng ta thường trách móc Thiên Chúa bất công và đôi khi đi đến chỗ đánh mất đức tin. Chúng ta chỉ dừng lại ở bước 1 trong cuộc hành trình đức tin của Mẹ, cần phải bước tiếp 2 bước sau nữa: Sự tín thác và tuân phục thánh ý Thiên Chúa của Mẹ chính là bài học và là gương mẫu cho chúng ta. Muốn bước tiếp hai bước đó, chúng ta phải dành nhiều thời gian để chiêm ngắm và suy gẫm như Mẹ.
Lạy Mẹ Thiên Chúa, xin dạy chúng con biết lắng nghe và chiêm ngắm những biến cố Chúa gửi đến cho chúng con trong cuộc sống để tìm ra Thánh Ý Chúa. Và khi đã tìm thấy, xin cho chúng con biết tuân phục như Mẹ dù cho Thiên Ý có ngược hẳn với ý chúng con . Amen.
Sưu tầm
Có thể bạn quan tâm
Ngày 27/12: Thánh Gioan Tông đồ
Th12
Ý nghĩa của hành hương Năm thánh?
Th12
Ngày 28/12: Các Thánh Anh Hài tử đạo
Th12
Cửa Thánh: Nguồn Gốc, Lịch Sử, Ý Nghĩa Và Việc Mở Cửa Thánh
Th12
Trực Tiếp Sứ Điệp Giáng Sinh Năm 2024 Và Phép Lành Toàn Xá..
Th12
Đức Thánh Cha Chủ Sự Nghi Thức Mở Cửa Thánh Đền Thờ Thánh..
Th12
Ngày 26-12: Thánh Stêphanô, tử đạo tiên khởi
Th12
Đức cha Louis chủ sự đại lễ Giáng sinh tại Nhà thờ Chính..
Th12
Chuyến mục vụ của Đức cha Louis trước đại lễ Giáng Sinh
Th12
Suy Niệm Lễ Giáng Sinh – Một Người Con Đã Được Ban Tặng..
Th12
Ngày 25 Tháng 12 – Đại Lễ Giáng Sinh
Th12
Ngắm nhìn Hang Đá Máng Cỏ chúng ta nghĩ gì?
Th12
Thư Gửi Sinh Viên, Học Sinh Công Giáo Nhân Dịp Mừng Lễ Chúa..
Th12
Thánh Lễ An Táng Đức Cố Tổng Giám Mục Têphanô Nguyễn Như Thể
Th12
Suy Niệm Chúa Nhật IV Mùa Vọng C: Đức Maria, Người mang Chúa..
Th12
Đức Thánh Cha Phanxicô: Năm Thánh, Cơ Hội Ân Sủng Gặp Gỡ Chúa..
Th12
Bầu không khí và các Hang đá mừng Chúa Giáng Sinh tại Giáo..
Th12
Thánh Ca Năm Thánh 2025
Th12
Điều gì đã lấy mất ý nghĩa Giáng sinh của chúng ta
Th12
Cầu nguyện cho Đức Thánh Cha dịp ngài tròn 88 tuổi
Th12