Chúa Nhật XXV Thường Niên B
Kn 2,12.17-20; Gc 3,16-4,3; Mc 9,30-37
Bài đọc 1 Kn 2,12.17-20
Nào ta kết án cho nó chết nhục nhã.
Bài trích sách Khôn ngoan.
12 Phường vô đạo lên tiếng nói :
“Ta hãy gài bẫy hại tên công chính,
vì nó chỉ làm vướng chân ta,
nó chống lại các việc ta làm,
trách ta vi phạm lề luật,
và tố cáo ta không tuân hành lễ giáo.
17Ta hãy coi những lời nó nói có thật không,
và nghiệm xem kết cục đời nó sẽ thế nào.
18Nếu tên công chính là con Thiên Chúa,
hẳn Người sẽ phù hộ và cứu nó khỏi tay địch thù.
19Ta hãy hạ nhục và tra tấn nó,
để biết nó hiền hoà làm sao,
và thử xem nó nhẫn nhục đến mức nào.
20Nào ta kết án cho nó chết nhục nhã,
vì cứ như nó nói, nó sẽ được Thiên Chúa viếng thăm.”
Đáp ca Tv 53,3-4.5.6 và 8 (Đ. c.6b)
Đ.Lạy Chúa, thân con đây, Chúa hằng nâng đỡ.
3Lạy Thiên Chúa, xin dùng uy danh mà cứu độ,
lấy quyền năng Ngài mà xử cho con.
4Lạy Thiên Chúa, xin nghe con nguyện cầu,
lắng tai nghe lời con thưa gửi.
Đ.Lạy Chúa, thân con đây, Chúa hằng nâng đỡ.
5Phường kiêu ngạo nổi lên chống đối,
bọn hung tàn tìm hại mạng sống con,
chúng không kể gì đến Thiên Chúa.
Đ.Lạy Chúa, thân con đây, Chúa hằng nâng đỡ.
6Có Thiên Chúa phù trì,
thân con đây, Chúa hằng nâng đỡ.
8Con tự nguyện dâng Ngài lễ tế,
lạy Chúa, con xưng tụng danh Ngài,
thật danh Ngài thiện hảo.
Đ.Lạy Chúa, thân con đây, Chúa hằng nâng đỡ.
Bài đọc 2 Gc 3,16 – 4,3
Người xây dựng hoà bình thu hoạch được hoa trái đã gieo trong hoà bình, là cuộc đời công chính.
Bài trích thư của thánh Gia-cô-bê tông đồ.
3 16 Anh em thân mến, ở đâu có ghen tương và tranh chấp, ở đấy có xáo trộn và đủ mọi thứ việc xấu xa. 17 Đức khôn ngoan Chúa ban làm cho con người trở nên trước là thanh khiết, sau là hiếu hoà, khoan dung, mềm dẻo, đầy từ bi và sinh nhiều hoa thơm trái tốt, không thiên vị, cũng chẳng giả hình. 18 Người xây dựng hoà bình thu hoạch được hoa trái đã gieo trong hoà bình, là cuộc đời công chính.
4 1 Bởi đâu có chiến tranh, bởi đâu có xung đột giữa anh em ? Chẳng phải là bởi chính những khoái lạc của anh em đang gây chiến trong con người anh em đó sao ? 2 Thật vậy, anh em ham muốn mà không có, nên anh em chém giết ; anh em ganh ghét cũng chẳng được gì, nên anh em xung đột với nhau, gây chiến với nhau. Anh em không có, là vì anh em không xin ; 3 anh em xin mà không được, là vì anh em xin với tà ý, để lãng phí trong việc hưởng lạc.
Tung hô Tin Mừng x. 2 Tx 2,14
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a.
Thiên Chúa đã dùng Tin Mừng mà kêu gọi chúng ta, để chúng ta được hưởng vinh quang của Chúa chúng ta là Đức Giê-su Ki-tô.
Ha-lê-lui-a.
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô. Mc 9,30-37
30 Khi ấy, Đức Giê-su và các môn đệ đi băng qua miền Ga-li-lê. Nhưng Đức Giê-su không muốn cho ai biết, 31 vì Người đang dạy các môn đệ rằng : “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại.” 32 Nhưng các ông không hiểu lời đó, và các ông sợ không dám hỏi lại Người.
33 Sau đó, Đức Giê-su và các môn đệ đến thành Ca-phác-na-um. Khi về tới nhà, Đức Giê-su hỏi các ông : “Dọc đường, anh em đã bàn tán điều gì vậy ?” 34 Các ông làm thinh, vì khi đi đường, các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả. 35 Rồi Đức Giê-su ngồi xuống, gọi Nhóm Mười Hai lại mà nói : “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người.” 36 Kế đó, Người đem một em nhỏ đặt vào giữa các ông, rồi ôm lấy nó và nói : 37 “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy ; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy.”
Một hành vi nhân linh có thể được thúc đẩy bởi nhiều động lực khác nhau. Cũng thế, việc đi theo Chúa Giêsu cũng được thúc đẩy bởi những động lực khác nhau, có khi có những động lực ngay lành, thánh thiện, nhưng có khi cũng hàm chứa những động lực rất trần tục. Đó là điều được phản ánh trong các bài đọc Lời Chúa hôm nay.
Lý Tưởng Phục Vụ
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương
1. Tinh thần thế gian
Thánh Máccô cho chúng ta biết trong khi Chúa Giêsu loan báo lần thứ hai về việc Người sẽ bị bắt, bị giết chết và ngày thứ ba Người sẽ sống lại, thì các môn đệ chỉ nghĩ đến quyền lợi, địa vị mình và cãi nhau xem ai là người lớn nhất trong Nước Chúa (x. Mc 9,30-34).
Rõ ràng các môn đệ đã theo Chúa nhưng vẫn còn mang trong mình những “giấc mơ trái mùa,” các ông ước mơ sẽ được thăng quan tiến chức, có chức vụ và quyền lực theo kiểu trần thế trong Nước Chúa. Quả thật, các ông theo Chúa nhưng vẫn còn hành xử theo tinh thần thế gian, chưa đi vào đường lối của Chúa, đó là đường tiến về Giêrusalem, đường thập giá, đường hiến thân phục vụ; các ông vẫn chưa thể hiểu hay đúng hơn là không muốn hiểu điều Chúa đang loan báo.
Về điểm này, Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta nhìn lại bản thân. Cũng như các môn đệ xưa, chúng ta có thể bị cám dỗ coi việc bước theo Chúa chỉ là để thăng tiến bản thân với những động lực bên trong rất trần tục. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta thanh lọc động lực theo Chúa để có thể bước đi và phụng sự Chúa với ý hướng ngay lành và động lực trong sáng.
Cũng như các môn đệ xưa, tinh thần thế gian có thể xâm nhập vào trong chúng ta, nên nhiều lúc chúng ta giảm thiểu các chức vụ trong Giáo Hội như là một thứ địa vị, chức tước, hay một dạng nghề nghiệp để xây dựng sự nghiệp riêng hơn là để phục vụ tha nhân. Vì thế, trong cộng đoàn đã xảy ra những chuyện ganh tỵ, thủ đoạn, chiến tranh và hạ bệ lẫn nhau. Đó là điều mà thánh Giacôbê nói rất chí lý ở bài đọc II:
“Ở đâu có ghen tương và tranh chấp, ở đấy có xáo trộn và đủ mọi thứ việc xấu xa… Anh em ganh ghét cũng chẳng được gì, nên anh em xung đột với nhau, gây chiến với nhau” (Gc 3,16.4,2).
Chúng ta được mời gọi chống lại tinh thần thế gian. Vì nó sẽ làm cho cộng đoàn tan nát.
Cũng như các môn đệ xưa, chúng ta có thể bước theo Chúa nhưng lại không muốn đi vào đường lối của Chúa, thích giữ một nền “linh đạo thoải mái,” không có hy sinh và khổ luyện, thích một Chúa Kitô không có thập giá.
2. Tinh thần Chúa Giêsu
Nhân dịp này, Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ và cả chúng ta bước vào con đường mới, con đường hiến thân phục vụ. Người nói:
“Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết và làm người phục vụ mọi người” (Mc 9,35).
Thật vậy, câu nói này tóm tắt đạo lý của Chúa Giêsu về lý tưởng phục vụ. Theo Chúa không phải để tìm kiếm địa vị, chức tước hay để xây dựng sự nghiệp riêng, nhưng là để trở thành người loan báo Tin Mừng và phục vụ Giáo Hội. Người làm lớn phải trở thành người tôi tớ phục vụ người khác. Trong Giáo Hội, các chức vụ và địa vị chỉ là phương tiện để phục vụ, để xây dựng Nhiệm Thể Chúa Kitô, chứ không phải là mục đích, hay để thống trị và bắt người khác phục vụ mình. Như thế, Đức Giêsu đã khai mở một con đường lãnh đạo mới bằng sự khiêm hạ và phục vụ mà sau này Robert Greenleaf gọi đó là “servent leadership – lối lãnh đạo phục vụ.”
Nếu trong một quốc gia, những người lãnh đạo là những người phục vụ người dân thì đất nước đó sẽ phát triển và sẽ tiến nhanh, tiến mạnh. Trong một xã hội, nếu mọi người biết phục vụ nhau, thì xã hội đó sẽ bình an và thịnh vượng. Trong một cộng đoàn, ai cũng có tinh thần phục vụ, thì cộng đoàn đó sẽ sống động và đầy niềm vui. Cũng thế trong một gia đình, vợ chồng, con cái biết phục vụ lẫn nhau, thì gia đình đó sẽ rất tràn đầy niềm vui và hạnh phúc.
3. Tinh thần Giáo Hội
Giáo Hội chọn lý tưởng phục vụ do Chúa Giêsu đề ra làm con đường phải đi. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II quả quyết rằng: “Con người là con đường của Giáo Hội.” Điều này có nghĩa là Giáo Hội được thiết lập là để phục vụ con người. Vì con người là trung tâm điểm của sứ mạng Giáo Hội. Giáo Hội được mời gọi bước theo mẫu gương phục vụ của Chúa Kitô. Bởi lẽ, chính Người là mẫu gương tuyệt hảo về lý tưởng phục vụ: Người là Thiên Chúa nhưng đã trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên người phàm hèn và bằng lòng chịu chết, chết trên thập giá để cứu độ chúng ta (x. Pl 2,6-8). Người đến để phục vụ như Người đã nói:
“Con người đến không phải để được phục vụ mà đến để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc nhiều người” (Mt 20,28).
Như thế, Đức Giêsu hôm nay mời gọi chúng ta bước vào con đường của Chúa, đó là con đường khiêm hạ, hy sinh và phục vụ người khác. Đây là con đường giúp chúng ta trở thành môn đệ đích thực của Chúa Kitô và cũng là con đường giúp chúng ta tìm lại hạnh phúc cho bản thân. Đó cũng là điều mà đại thi hào Tagor nói đến trong bài thơ phục vụ:
“Khi tôi ngủ, tôi mơ thấy niềm vui,
Khi tôi thức, tôi thấy đời phục vụ,
Khi tôi phục vụ, tôi gặp được niềm vui.”
Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết đi vào con đường của Chúa, đó là con đường yêu thương và phục vụ. Vì chỉ con đường đó dẫn chúng con tới niềm vui, bình an và hoan lạc trong tâm hồn. Amen!
Phục vụ, cốt cách môn đệ Chúa Kitô
Hoa Thập Tự
Lịch sử thế giới đã chứng kiến bao đau thương bởi lòng tham của con người. Người ta mãi mê đi tìm danh vọng, chỗ đứng, quyền lợi để rồi gạt bỏ tình nhân loại, thậm chí tàn sát, khử trừ lẫn nhau. Chiến tranh, hận thù, tranh dành làm cho nhân loại phủ màu mây đen, nhân phẩm bị lợi dụng, phục vụ cho những kẻ tiếm quyền, lạm quyền. Khát vọng hòa bình, hướng tới một sự phục vụ con người đích thực luôn là khắc khoải của nhân loại. Người ta thốt lên hãy chấm dứt chiến tranh, nghĩa là hãy chấm dứt việc tranh dành quyền lực, danh vọng, nhưng xem ra cơm cám dỗ về danh vọng, quyền lợi mãi đeo đuổi con người, và nó cũng chẳng tha đối với nhưng ai muốn làm môn đệ của Đấng “đã trút bỏ vinh quang để mặc lấy thân nô lệ”. Câu chuyện Tin mừng hôm nay cho thấy khía cạnh này, qua đó, sứ điệp Lời Chúa cũng đưa chúng ta tới điểm căn bản của đức tin Kitô giáo: khiêm tốn phục vụ, bí mật Thiên sai và là con đường của người môn đệ Chúa Kitô.
Chúa nhật trước, chúng ta được chiêm ngắm dung nhan của Người Tôi tớ, và hôm nay, Lời Chúa phác họa khuôn mặt khiêm nhường của Đấng Công chính, của Đấng Thiên sai. Lần thứ hai Đức Giêsu mạc khải cho các môn đệ con đường Người sẽ đi, con đường tự hủy, khiêm tốn của Người Công chính mà tác giả Sách Khôn ngoan trong bài đọc thứ nhất nói cho chúng ta: người “bị hạ nhục, bị làm khổ, bị kết án” như chính lời tiên báo của Đức Giêsu trong bài Tin mừng. Đó là đường thập giá, đường của cây gỗ sần sùi, đường bé mọn, khiêm tốn, và đối với cái nhìn của người đời, là sự điên rồ, là sự ô nhục, nhưng đối với những ai tin, đó lại là con đường mà Thiên Chúa biểu lộ sức mạnh và quyền năng của Người. Con đường của Cứu Chúa, của Messia.
Mặc dầu được chính Thiên Chúa mặc khải trong Cựu ước và được chính Đấng là Lời mạc khải loan báo, nhưng đó luôn là một bí mật đối với các môn đệ xưa, và với chúng ta hôm nay. Với các môn đệ xưa, nghĩa với quan niệm của Do thái giáo, họ không thể hiểu được một Mêssia như thế, và do đó, Macô, trong những lần tiên báo khổ nạn, đã thêm vào câu: “Người nghiêm cấm họ không được nói về Danh tính của Người (8,30), hay “Đức Giêsu không muốn cho ai biết” (9,30), hoặc “Người kéo riêng họ ra” (10, 32). Macô muốn nói tới “bí mật Thiên sai”, bí mật mà chỉ nhưng ai đi cùng với Chúa trên con đường hẹp, con đường khiêm tốn phục vụ mới có thể hiểu được. Xem ra bí mật ấy luôn là một chướng ngại, một ẩn tàng cả với chúng ta hôm nay? Vậy chúng ta phải làm gì?
Nếu chúng ta tuyên xưng là môn đệ của Đức Kitô, nếu chúng ta nói rằng biết Người, nếu chúng ta nói đang tiến bước trên con đường của Người mà chúng ta chưa biết cúi mình xuống để phục vụ, chúng ta chưa là môn đệ chính danh. Chúng ta đang “tranh luận ai là người lớn nhất”, chúng ta đang xin Đấng vác thập giá, “cho anh em chúng con được ngồi bên tả và bên hữu Người” (Mc 10,37). Nếu chúng ta cứ mãi dại khở trên con đường môn đệ như thế, chúng ta mãi không hiểu được thập giá, chẳng bao giờ cảm mến được vị ngọt của trái đắng đường tình Giêsu.
Để có chỗ đứng trong vương quốc Giêsu, để là người lớn nhất, Đức Giêsu mời gọi: “Hãy làm người rốt hết, làm đầy tớ mọi người”. Đó là người khiêm tốn đi vào con đường hẹp, con đường buông bỏ những cái làm cho mình công kềnh trong ý nghĩ, trong cách sống, và khiêm tốn đón nhận những giá trị trong cuộc sống, nơi những người anh chị em của mình, để phục vụ tình liên đới trong gia đình con cái Chúa, phục vụ ơn cứu độ nhân loại, theo mẫu gương của Đấng “đến không phải để được người ta phục vụ nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc nhiều người” (Mc 10,45).
Khiêm tốn phục vụ là con đường của người môn đệ, con đường mà Thánh Giacôbê giáo huấn chúng ta trong bài đọc thứ hai: “Trong trắng, ôn hòa, bao dung, nhu mì, hướng thiện, đầy lòng từ tâm và hoa quả tốt lành, không xét đoán thiên vị, không giả dối” (Gc 3,17). Khiêm tốn phục vụ là cách thế kiến tạo hòa bình, việc xây dựng vương quốc Thiên Chúa. Còn ở đâu có cãi cọ, tranh dành, ganh tỵ, ở đó có mọi thứ tệ đoan, là biểu hiện của tinh thần thế tục, của ác thần. Đây là vùng đất của tên kiêu ngạo, “phường vô đạo”, “xảo trá” như tác giả sách Khôn ngoan trong bài đọc thứ nhất trình bày, những kẻ hiến kế thâm độc để hại người công chính.
Là kitô hữu, và hơn nữa là môn đệ của Chúa trong ơn gọi thánh hiến, chúng ta đã chận nhận con đường mình đi như thế nào? Theo dấu chân của Đấng bước đi trên con đường thập giá, phục vụ ơn cứu độ hay theo tinh thần thế tục?
Lạy Chúa Giêsu khiên nhường và hiền lành trong lòng. Xin uốn lòng chún con nên giống trái tim Chúa.
Nguồn: dcvphanxicoxavie.com
Có thể bạn quan tâm
Thánh Gioan XXIII và Thánh Gioan Phaolô II: Cuộc Đời và Sứ Điệp
Th10
Toà Thánh: Để ngăn ngừa nạn nghiện ma tuý, cần giáo dục thế..
Th10
Sự ngạc nhiên của một vài tân Hồng y và ý hướng của..
Th10
Thư Của Đức Phanxicô Gửi Người Công Giáo Trung Đông Ngày 07/10/2024
Th10
Khai Mạc Khóa Đào Tạo Tác Viên Billings Tại Giáo Hạt Kỳ Anh
Th10
Bài Hát Cộng Đồng Chúa Nhật 28 Thường Niên Năm B
Th10
Dưới Cái Nhìn Yêu Thương Của Đức Maria, Đức Phanxicô Cầu Xin Hòa..
Th10
Ngàn Phố – Giáo Hạt Cuối Cùng Trong Kỳ Tập Huấn Giáo Lý..
Th10
Thánh Lễ Mừng “Ân Phúc Niên Sửu” Thầy Stêphanô NGUYỄN KHẮC DƯƠNG
Th10
Cáo phó: Bà cố Têrêxa – Thân mẫu của Nt. Maria Trần Thị..
Th10
15 lời hứa Đức Mẹ dành cho những ai trung thành Lần hạt..
Th10
Mối Liên Hệ Giữa Kinh Mân Côi Và Phúc Âm
Th10
Giáo xứ Tiến Thủy: Thánh lễ & Nghi thức gia nhập Hiệp Hội..
Th10
VPTGM-GPHT: Thông báo Ăn Chay Cầu Nguyện để xin ơn hòa bình
Th10
Hội Ngộ Khóa III – ĐCV Vinh Thanh và Mừng Ngân Khánh Linh..
Th10
ĐTC Phanxicô kêu gọi ăn chay cầu nguyện vào ngày 7/10 để cầu..
Th10
ĐTC Phanxicô chủ sự Thánh lễ khai mạc Đại hội Thượng Hội đồng..
Th10
6 Cách Thánh Nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu Chỉ Cho Chúng Ta Ứng..
Th10
Ngày 04/10: Thánh Phanxicô Assisi
Th10
Giáo Lý Viên Hạt Nghĩa Yên Cùng Tham Dự Khóa Tập Huấn Năm..
Th10