CHÚA NHẬT LỄ LÁ
lễ trọng
Tin Mừng – kiệu lá Lc 19,28-40
Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa.
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.
28 Khi ấy, Đức Giê-su dẫn đầu các môn đệ, tiến lên Giê-ru-sa-lem. 29 Khi đến gần làng Bết-pha-ghê và làng Bê-ta-ni-a, bên triền núi gọi là núi Ô-liu, Người sai hai môn đệ và bảo : 30 “Các anh đi vào làng trước mặt kia. Khi vào sẽ thấy một con lừa con chưa ai cỡi bao giờ, đang cột sẵn đó. Các anh cởi dây ra và dắt nó đi. 31 Nếu có ai hỏi : ‘Tại sao các anh cởi lừa người ta ra’, thì cứ nói : ‘Chúa có việc cần dùng !’ 32 Hai người được sai liền ra đi và thấy y như Người đã nói. 33 Các ông đang cởi dây lừa, thì những người chủ nói với các ông : “Tại sao các anh lại cởi lừa người ta ra ?” 34 Hai ông đáp : “Chúa có việc cần dùng.”
35 Các ông dắt lừa về cho Đức Giê-su, rồi lấy áo choàng của mình phủ trên lưng lừa, và giúp Người cỡi lên. 36 Người đi tới đâu, dân chúng cũng lấy áo choàng trải xuống mặt đường. 37 Khi Người đến gần chỗ dốc xuống núi Ô-liu, tất cả đoàn môn đệ vui mừng bắt đầu lớn tiếng ca tụng Thiên Chúa, vì các phép lạ họ đã được thấy. 38 Họ hô lên : Chúc tụng Đức Vua, Đấng ngự đến nhân danh Chúa ! Bình an trên cõi trời cao, vinh quang trên các tầng trời !
39 Trong đám đông, có vài người thuộc nhóm Pha-ri-sêu nói với Đức Giê-su : “Thưa Thầy, Thầy trách môn đệ Thầy đi chứ !” 40 Người đáp : “Tôi bảo các ông : họ mà làm thinh, thì sỏi đá cũng sẽ kêu lên !”
Bài đọc 1 Is 50,4-7
Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ, tôi biết mình sẽ không phải thẹn thùng.
Bài trích sách ngôn sứ I-sai-a.
4Đức Chúa là Chúa Thượng
đã cho tôi nói năng như một người môn đệ,
để tôi biết lựa lời nâng đỡ ai rã rời kiệt sức.
Sáng sáng Người đánh thức, Người đánh thức tôi
để tôi lắng tai nghe như một người môn đệ.
5Đức Chúa là Chúa Thượng đã mở tai tôi,
còn tôi, tôi không cưỡng lại, cũng chẳng tháo lui.
6Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn,
giơ má cho người ta giật râu.
Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ.
7Có Đức Chúa là Chúa Thượng phù trợ tôi,
vì thế, tôi đã không hổ thẹn,
vì thế, tôi trơ mặt ra như đá.
Tôi biết mình sẽ không phải thẹn thùng.
Đáp ca
Tv 21,7-9.17-18.19-20.23.24 (Đ. c.2a)
Đ.Lạy Chúa con thờ, muôn lạy Chúa,
Ngài nỡ lòng ruồng bỏ con sao ?
7Thân sâu bọ chứ người đâu phải,
con bị đời mắng chửi dể duôi.
8Thấy con ai cũng chê cười,
lắc đầu bĩu mỏ buông lời mỉa mai :
9“Nó cậy Chúa, mặc Người cứu nó !
Người có thương, giải gỡ đi nào !”
Đ.Lạy Chúa con thờ, muôn lạy Chúa,
Ngài nỡ lòng ruồng bỏ con sao ?
17Cả bầy chó trong ngoài vây bủa,
chúng đâm con thủng cả chân tay,
18xương con đếm được vắn dài,
chúng đưa cặp mắt cứ hoài ngó xem.
Đ.Lạy Chúa con thờ, muôn lạy Chúa,
Ngài nỡ lòng ruồng bỏ con sao ?
19Áo mặc ngoài chúng đem chia chác,
còn áo trong cũng bắt thăm luôn.
20Chúa là sức mạnh con nương,
cứu mau, lạy Chúa, xin đừng đứng xa.
Đ.Lạy Chúa con thờ, muôn lạy Chúa,
Ngài nỡ lòng ruồng bỏ con sao ?
23Con nguyện sẽ loan truyền danh Chúa
cho anh em tất cả được hay,
và trong đại hội dân Ngài,
con xin dâng tiến một bài tán dương.
Đ.Lạy Chúa con thờ, muôn lạy Chúa,
Ngài nỡ lòng ruồng bỏ con sao ?
24Hỡi những ai kính sợ Đức Chúa, hãy ca tụng Người đi !
Hỡi toàn thể giống nòi Gia-cóp, nào hãy tôn vinh Người !
Dòng dõi Ít-ra-en tất cả, nào một dạ khiếp oai !
Đ.Lạy Chúa con thờ, muôn lạy Chúa,
Ngài nỡ lòng ruồng bỏ con sao ?
Bài đọc 2 Pl 2,6-11
Đức Ki-tô đã tự khiêm tự hạ, nên Thiên Chúa đã siêu tôn Người.
Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Phi-líp-phê.
6Đức Giê-su Ki-tô
vốn dĩ là Thiên Chúa
mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì
địa vị ngang hàng với Thiên Chúa,
7nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang
mặc lấy thân nô lệ,
trở nên giống phàm nhân
sống như người trần thế.
8Người lại còn hạ mình,
vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết,
chết trên cây thập tự.
9Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người
và tặng ban danh hiệu
trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu.
10Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giê-su,
cả trên trời dưới đất
và trong nơi âm phủ,
muôn vật phải bái quỳ ;
11và để tôn vinh Thiên Chúa Cha,
mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng :
“Đức Giê-su Ki-tô là Chúa”.
Tung hô Tin Mừng Pl 2,8-9
Vì chúng ta, Đức Ki-tô đã tự hạ,
vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết,
chết trên cây thập tự.
Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người
và tặng ban danh hiệu
trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu.
Tin mừng hôm nay
Dấu ký hiệu viết tắt : | ||
✠ | : | Đức Giê-su |
nk | : | người kể |
m | : | một người |
dc | : | dân chúng |
Tin Mừng Lc 22,14 – 23,56
Cuộc Thương Khó của Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta.
Cuộc Thương Khó của Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.
22 14 nk Khi đến giờ ăn tiệc Vượt Qua, Đức Giê-su vào bàn với các Tông Đồ. 15 Người nói với các ông : ✠ “Thầy những khát khao mong mỏi ăn lễ Vượt Qua này với anh em trước khi chịu khổ hình. 16 Bởi vì, Thầy nói cho anh em hay, Thầy sẽ không bao giờ ăn lễ Vượt Qua này nữa, cho đến khi lễ này được nên trọn vẹn trong Nước Thiên Chúa.”
17 nk Rồi Người nhận lấy chén, dâng lời tạ ơn và nói : ✠ “Anh em hãy cầm lấy mà chia nhau. 18 Bởi vì, Thầy bảo cho anh em biết, từ nay, Thầy không còn uống sản phẩm của cây nho nữa, cho đến khi Triều Đại Thiên Chúa đến.”
19 nk Rồi Người cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho các ông và nói : ✠ “Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em. Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy.” 20 nk Và tới tuần rượu cuối bữa ăn, Người cũng làm như vậy và nói : ✠ “Chén này là giao ước mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em.
21 ✠ “Nhưng này bàn tay kẻ nộp Thầy đang cùng đặt trên bàn với Thầy. 22 Đã hẳn Con Người ra đi như đã ấn định, nhưng khốn cho kẻ nào nộp Con Người.” 23 nk Các Tông Đồ bắt đầu bàn tán với nhau xem ai trong Nhóm lại là kẻ toan làm chuyện ấy.
24 nk Các ông còn cãi nhau sôi nổi xem ai trong Nhóm được coi là người lớn nhất. 25 Đức Giê-su bảo các ông : ✠ “Vua các dân thì dùng uy mà thống trị dân, và những ai cầm quyền thì tự xưng là ân nhân. 26 Nhưng anh em thì không phải như thế, trái lại, ai lớn nhất trong anh em, thì phải nên như người nhỏ tuổi nhất, và kẻ làm đầu thì phải nên như người phục vụ. 27 Bởi lẽ, giữa người ngồi ăn với kẻ phục vụ, ai lớn hơn ai ? Hẳn là người ngồi ăn chứ ? Thế mà, Thầy đây, Thầy sống giữa anh em như một người phục vụ.
28 ✠ “Còn anh em, anh em vẫn một lòng gắn bó với Thầy, giữa những lúc Thầy gặp thử thách gian nan. 29 Vì thế, Thầy sẽ trao Vương Quốc cho anh em, như Cha Thầy đã trao cho Thầy, 30 để anh em được đồng bàn ăn uống với Thầy trong Vương Quốc của Thầy, và ngự toà xét xử mười hai chi tộc Ít-ra-en.”
31 nk Rồi Chúa nói : ✠ “Si-môn, Si-môn ơi, kìa Xa-tan đã xin được sàng anh em như người ta sàng gạo. 32 Nhưng Thầy đã cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin. Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho anh em của anh nên vững mạnh.” 33 nk Ông Phê-rô thưa với Người : m “Lạy Chúa, dầu có phải vào tù hay phải chết với Chúa đi nữa, con cũng sẵn sàng.” 34 nk Đức Giê-su lại nói : ✠ “Này anh Phê-rô, Thầy bảo cho anh biết, hôm nay gà chưa kịp gáy, thì đã ba lần anh chối là không biết Thầy.”
35 nk Rồi Người nói với các ông : ✠ “Khi Thầy sai anh em ra đi, không túi tiền, không bao bị, không giày dép, anh em có thiếu thốn gì không ?” nk Các ông đáp : m “Thưa không.” 36 nk Người bảo các ông : ✠ “Nhưng bây giờ, ai có túi tiền thì hãy mang theo, ai có bao bị cũng vậy ; còn ai chưa có gươm thì bán áo đi mà mua. 37 Vì Thầy bảo cho anh em hay : cần phải ứng nghiệm nơi bản thân Thầy lời Kinh Thánh đã chép : Người bị liệt vào hàng phạm pháp. Thật vậy, những gì đã chép về Thầy sắp được hoàn tất.” 38 nk Các ông nói : m “Lạy Chúa, đã có hai thanh gươm đây.” nk Người bảo họ : ✠ “Đủ rồi !”
39 nk Sau đó, Người đi ra núi Ô-liu như đã quen. Các môn đệ cũng theo Người. 40 Đến nơi, Người bảo các ông : ✠ “Anh em hãy cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ.”
41 nk Rồi Người đi xa các ông một quãng, chừng bằng ném một hòn đá, và quỳ gối cầu nguyện rằng : 42 ✠ “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này xa con. Tuy vậy, xin đừng cho ý con thể hiện, mà là ý Cha.” 43 nk Bấy giờ có thiên sứ tự trời hiện đến tăng sức cho Người. 44 Lòng xao xuyến bồi hồi, nên Người càng khẩn thiết cầu xin. Và mồ hôi Người như những giọt máu rơi xuống đất.
45 nk Cầu nguyện xong, Người đứng lên, đến chỗ các môn đệ, thấy các ông đang ngủ vì buồn phiền, 46 Người liền nói với các ông : ✠ “Sao anh em lại ngủ ? Dậy mà cầu nguyện, kẻo sa chước cám dỗ.”
47 nk Người còn đang nói, thì một đám đông xuất hiện, và kẻ dẫn đầu tên là Giu-đa, một người trong Nhóm Mười Hai. Hắn lại gần Đức Giê-su để hôn Người. 48 Đức Giê-su bảo hắn : ✠ “Giu-đa ơi, anh dùng cái hôn mà nộp Con Người sao ?” 49 nk Thấy việc sắp xảy ra, những kẻ đứng chung quanh Người liền hỏi : m “Lạy Chúa, chúng con tuốt gươm chém được không ?” 50 nk Thế rồi một người trong nhóm chém tên đầy tớ của thượng tế, làm nó đứt tai bên phải. 51 Nhưng Đức Giê-su lên tiếng : ✠ “Thôi, ngừng lại.” nk Và Người sờ vào tai tên đầy tớ mà chữa lành.
52 nk Sau đó Đức Giê-su nói với các thượng tế, lãnh binh Đền Thờ và kỳ mục đến bắt Người : ✠ “Tôi là một tên cướp sao mà các ông đem gươm giáo gậy gộc đến ? 53 Ngày ngày, tôi ở giữa các ông trong Đền Thờ, mà các ông không tra tay bắt. Nhưng đây là giờ của các ông, là thời của quyền lực tối tăm.”
54 nk Họ bắt Đức Giê-su, điệu Người đến nhà vị thượng tế. Còn ông Phê-rô thì theo xa xa. 55 Họ đốt lửa giữa sân và đang ngồi quây quần với nhau, thì ông Phê-rô đến ngồi giữa họ. 56 Thấy ông ngồi bên ánh lửa, một người tớ gái nhìn ông chòng chọc và nói : m “Cả bác này cũng đã ở với ông ấy đấy !” 57 nk Ông liền chối : m “Tôi có biết ông ấy đâu, chị !” 58 nk Một lát sau, có người khác thấy ông, liền nói : m “Cả bác nữa, bác cũng thuộc bọn chúng !” nk Nhưng ông Phê-rô đáp lại : m “Này anh, không phải đâu !” 59 nk Chừng một giờ sau, có người khác lại quả quyết : m “Đúng là bác này cũng đã ở với ông ấy, vì bác ta cũng là người Ga-li-lê.” 60 nk Nhưng ông Phê-rô trả lời : m “Này anh, tôi không biết anh nói gì !” nk Ngay lúc ông còn đang nói, thì gà gáy. 61 Chúa quay lại nhìn ông, ông sực nhớ lời Chúa đã bảo ông : “Hôm nay, gà chưa kịp gáy, thì anh đã chối Thầy ba lần.” 62 Và ông ra ngoài, khóc lóc thảm thiết.
63 nk Những kẻ canh giữ Đức Giê-su nhạo báng đánh đập Người. 64 Chúng bịt mắt Người lại, rồi hỏi rằng : m “Nói tiên tri xem : ai đánh ông đó ?” 65 nk Chúng còn thốt ra nhiều lời khác xúc phạm đến Người.
66 nk Khi trời sáng, đoàn kỳ mục trong dân, các thượng tế và kinh sư nhóm họp. Họ điệu Người ra trước Thượng Hội Đồng 67 và hỏi : m “Ông có phải là Đấng Mê-si-a thì nói cho chúng tôi biết !” nk Người đáp : ✠ “Tôi có nói với các ông, các ông cũng chẳng tin ; 68 tôi có hỏi, các ông cũng chẳng trả lời. 69 Nhưng từ nay, Con Người sẽ ngự bên hữu Thiên Chúa toàn năng.” 70 nk Mọi người liền nói : m “Vậy ông là Con Thiên Chúa sao ?” nk Người đáp : ✠ “Đúng như các ông nói, chính tôi đây.” 71 nk Họ liền nói : m “Chúng ta cần gì lời chứng nữa ? Chính chúng ta vừa nghe miệng hắn nói !”
23 1 nk Toàn thể cử toạ đứng lên, điệu Đức Giê-su đến ông Phi-la-tô.
2 nk Họ bắt đầu tố cáo Người rằng : m “Chúng tôi đã phát giác ra tên này sách động dân tộc chúng tôi, và ngăn cản dân chúng nộp thuế cho hoàng đế Xê-da, lại còn xưng mình là Mê-si-a, là Vua nữa.” 3 nk Ông Phi-la-tô hỏi Người : m “Ông là Vua dân Do-thái sao ?” nk Người trả lời : ✠ “Chính ngài nói đó.” 4 nk Ông Phi-la-tô nói với các thượng tế và đám đông : m “Ta xét thấy người này không có tội gì.” 5 nk Nhưng họ cứ khăng khăng nói : m “Hắn đã xúi dân nổi loạn, đi giảng dạy khắp vùng Giu-đê, bắt đầu từ Ga-li-lê cho đến đây.” 6 nk Nghe nói thế, ông Phi-la-tô liền hỏi xem đương sự có phải là người Ga-li-lê không. 7 Và khi biết Người thuộc thẩm quyền vua Hê-rô-đê, ông liền cho áp giải Người đến với nhà vua lúc ấy cũng đang có mặt tại Giê-ru-sa-lem.
8 nk Vua Hê-rô-đê thấy Đức Giê-su thì mừng rỡ lắm, vì từ lâu vua muốn được gặp Người bởi đã từng nghe nói về Người. Vả lại, vua cũng mong được xem Người làm một hai phép lạ. 9 Nhà vua hỏi Người nhiều điều, nhưng Người không trả lời gì cả. 10 Các thượng tế và kinh sư đứng đó, tố cáo Người dữ dội. 11 Vua Hê-rô-đê cũng như thị vệ đều khinh dể Người ra mặt nên khoác cho Người một chiếc áo rực rỡ mà chế giễu, rồi cho giải Người lại cho ông Phi-la-tô. 12 Ngày hôm ấy, vua Hê-rô-đê và tổng trấn Phi-la-tô bắt đầu thân thiện với nhau, chứ trước kia hai bên vẫn hiềm thù.
13 nk Bấy giờ ông Phi-la-tô triệu tập các thượng tế, thủ lãnh và dân chúng lại 14 mà nói : m “Các người nộp người này cho ta, vì cho là tay kích động dân, nhưng ta đã hỏi cung ngay trước mặt các người, mà không thấy người này có tội gì, như các người tố cáo. 15 Cả vua Hê-rô-đê cũng vậy, bởi lẽ nhà vua đã cho giải ông ấy lại cho chúng ta. Và các người thấy đó, ông ấy chẳng can tội gì đáng chết cả. 16 Vậy ta sẽ cho đánh đòn rồi thả ra.” [17 nk Vào mỗi dịp lễ lớn, ông Phi-la-tô phải phóng thích cho họ một người tù.] 18 Nhưng tất cả mọi người đều la ó : dc “Giết nó đi, thả Ba-ra-ba cho chúng tôi !” 19 nk Tên này đã bị tống ngục vì một vụ bạo động đã xảy ra trong thành, và vì tội giết người. 20 Ông Phi-la-tô muốn thả Đức Giê-su, nên lại lên tiếng một lần nữa. 21 Nhưng họ cứ một mực la lớn : dc “Đóng đinh ! Đóng đinh nó vào thập giá !” 22 nk Lần thứ ba, ông Phi-la-tô nói với họ : m “Nhưng ông ấy đã làm điều gì gian ác ? Ta xét thấy ông ấy không có tội gì đáng chết. Vậy ta sẽ cho đánh đòn rồi thả ra.” 23 nk Nhưng họ cứ la to hơn, nhất định đòi phải đóng đinh Người. Và tiếng la càng thêm dữ dội.
24 nk Ông Phi-la-tô quyết định chấp thuận điều họ yêu cầu. 25 Ông phóng thích người tù họ xin tha, tức là tên bị tống ngục vì tội bạo động và giết người. Còn Đức Giê-su thì ông trao nộp theo ý họ muốn.
26 nk Khi điệu Đức Giê-su đi, họ bắt một người từ miền quê lên, tên là Si-môn, gốc Ky-rê-nê, đặt thập giá lên vai cho ông vác theo sau Đức Giê-su. 27 Dân chúng đi theo Người đông lắm, trong số đó có nhiều phụ nữ vừa đấm ngực vừa than khóc Người. 28 Đức Giê-su quay lại phía các bà mà nói : ✠ “Hỡi chị em thành Giê-ru-sa-lem, đừng khóc thương tôi làm gì. Có khóc thì khóc cho phận mình và cho con cháu. 29 Vì này đây sẽ tới những ngày người ta phải nói : ‘Phúc thay đàn bà hiếm hoi, người không sinh không đẻ, kẻ không cho bú mớm !’ 30 Bấy giờ người ta sẽ bắt đầu nói với núi non : Đổ xuống chúng tôi đi !, và với gò nổng : Phủ lấp chúng tôi đi ! 31 Vì cây xanh tươi mà người ta còn đối xử như thế, thì cây khô héo sẽ ra sao ?” 32 nk Có hai tên gian phi cũng bị điệu đi hành quyết cùng với Người.
33 nk Khi đến nơi gọi là “Đồi Sọ”, họ đóng đinh Người vào thập giá, cùng lúc với hai tên gian phi, một tên bên phải, một tên bên trái. 34 Bấy giờ Đức Giê-su cầu nguyện rằng : ✠ “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm.” nk Rồi họ lấy áo của Người chia ra mà bắt thăm.
35 nk Dân chúng đứng nhìn, còn các thủ lãnh thì buông lời cười nhạo : m “Hắn đã cứu người khác, thì cứu lấy mình đi, nếu thật hắn là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa, là người được tuyển chọn !” 36 nk Lính tráng cũng chế giễu Người. Chúng lại gần, đưa giấm cho Người uống 37 và nói : m “Nếu ông là vua dân Do-thái thì cứu lấy mình đi !” 38 nk Phía trên đầu Người có bản án viết : “Đây là vua người Do-thái.”
39 nk Một trong hai tên gian phi bị treo trên thập giá cũng nhục mạ Người : m “Ông không phải là Đấng Ki-tô sao ? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với !” 40 nk Nhưng tên kia mắng nó : m “Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ ! 41 Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái !” 42 nk Rồi anh ta thưa với Đức Giê-su : m “Ông Giê-su ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi !” 43 nk Và Người nói với anh ta : ✠ “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng.”
44 nk Bấy giờ đã gần tới giờ thứ sáu, thế mà bóng tối bao phủ khắp mặt đất, mãi đến giờ thứ chín. 45 Mặt trời ngưng chiếu sáng. Bức màn trướng trong Đền Thờ bị xé ngay chính giữa. 46 Đức Giê-su kêu lớn tiếng : ✠ “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha.” nk Nói xong, Người tắt thở.
(quỳ gối thinh lặng trong giây lát)
47 nk Thấy sự việc xảy ra như thế, viên đại đội trưởng cất tiếng tôn vinh Thiên Chúa rằng : m “Người này đích thực là người công chính !” 48 nk Toàn thể dân chúng đã kéo đến xem cảnh tượng ấy, khi thấy sự việc đã xảy ra, đều đấm ngực trở về.
49 nk Đứng đàng xa, có tất cả những người quen biết Đức Giê-su cũng như những phụ nữ đã theo Người từ Ga-li-lê ; các bà đã chứng kiến những việc ấy.
50 nk Khi ấy có một người tên là Giô-xếp, thành viên của Thượng Hội Đồng, một người lương thiện, công chính. 51 Ông đã không tán thành quyết định và hành động của Thượng Hội Đồng. Ông là người thành A-ri-ma-thê, một thành của người Do-thái, và cũng là người vẫn mong chờ Nước Thiên Chúa. 52 Ông đến gặp tổng trấn Phi-la-tô để xin thi hài Đức Giê-su. 53 Ông hạ xác Người xuống, lấy tấm vải gai mà liệm, rồi đặt Người vào ngôi mộ đục sẵn trong núi đá, nơi chưa chôn cất ai bao giờ. 54 Hôm ấy là áp lễ, và ngày sa-bát bắt đầu ló rạng.
55 nk Cùng đi với ông Giô-xếp, có những người phụ nữ đã theo Đức Giê-su từ Ga-li-lê. Các bà để ý nhìn ngôi mộ và xem xác Người được đặt như thế nào.
56 nk Rồi các bà về nhà, chuẩn bị dầu và thuốc thơm. Nhưng ngày sa-bát, các bà nghỉ lễ như Luật truyền.
Cùng Chúa Cất Bước
(Lc 19,28-40; Is 50,4-7; Pl 62,6-11; Lc 22,14-23,56)
Lm. Hoa Thập Tự
Cử hành phụng vụ Lễ lá hôm nay, toàn thể Hội thánh bước vào Tuần thánh, trung tâm và chóp đỉnh của phụng vụ Hội thánh: sống mầu nhiệm thương khó và phục sinh của Đức Giêsu, Đấng cứu độ của chúng ta. Chúng ta được mời gọi dõi theo bước chân Người trong mầu nhiệm cứu độ chúng ta: Cùng Chúa hoan vui vào thành; cùng Chúa đối diện thập giá; cùng Chúa bước vào tuần thánh cuộc đời.
- Cùng Chúa hoan vui vào thành
Khởi đầu nghi thức hôm nay, con cái Giáo hội sống lại cảnh mừng vui cùng Thái tử Hoà bình tiến vào Kinh thành muôn thuở. Bởi vậy, vào đầu thánh lễ, cùng với con cái thành Sion, chúng ta đã phất cao những nhành lá hát vang “Chúc tụng Đức Vua, Đấng Nhân Danh Chúa mà đến”.
Niềm hoan vui bao trùm từ đầu của cử hành hôm nay. Niềm vui ghênh đón Đấng ngự đến nhân danh Chúa. Đây là niềm vui thánh thiện của Đấng khiêm hạ và những con dân đơn thành chứ không phải niềm vui thế sự của những cuộc duyệt binh, phô diễn quyền bính, sức mạnh của những bậc quân vương khải hoàn đăng quang. Dĩ nhiên, đây còn hơn là cuộc đăng quang, nhưng không theo cách của người thế. Thánh Creta viết: “Anh em hãy đến, và cùng nhau ta lên Núi Ôliu đón Đức Kitô, hôm nay Người từ Betania trở về và tự nguyện đi đến cuộc thương khó hồng phúc và cao quý, để hoàn tất mầu nhiệm cứu độ chúng ta”.[1]
Niềm hoan lạc tâm can của những người đơn thành đón Chúa Cả đất trời ngự giá trong thân phận người phàm khiêm hạ; niềm vui ơn cứu độ của cuộc đăng quang trên ngai vàng Thập giá. Tin mừng ghi lại: “… Các ông dắt lừa về cho Đức Giêsu, rồi lấy áo choàng của mình mà phủ lên lưng lừa, và giúp Người cỡi lên. Người đi tới đâu, dân chúng lấy áo choàng trải trên mặt đường. … tất cả đoàn môn đệ vui mừng bắt đầu lớn tiếng ca tụng Thiên Chúa… ‘Chúc tụng Đức Vua, Đấng nhân danh Chúa mà đến! Bình an trên cõi trời cao, vinh quang trên các tầng trời” (Lc 19,35-38). Đấng từ trên cao, Đấng nhân danh Đức Chúa chí tôn đã đến với chúng ta, tự nguyện lên Giêrusalem để đưa chúng ta từ chỗ thấp lên cao, nhưng Người đến không phải với vẻ tưng bừng lộng lẫy như một người nắm uy quyền, nhưng trong tư cách Người tôi tớ khiêm hạ, “trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” (Pl 2,6-7). Người không kêu to, không nói lớn, để ai nghe thấy tiếng Người. Người hiền lành và khiêm nhường, ăn mặc đơn sơ và tiên vào với dáng vẻ tầm thường.
Niềm vui đi cùng Chúa là niềm vui khiêm hạ, niềm vui của những người đơn thành, biết trút bỏ chính mình để đón Đấng ẩn mình. Đó là niềm vui của những người tìm kiếm Thiên Chúa:
“Hãy tự hào vì danh thánh Chúa, tâm hồn những ai tìm kiếm Chúa, nào hoan hỷ. Hãy tìm Chúa và sức mạnh của Người, chẳng khi ngừng tìm kiếm Thánh Nhan” (Tv 104,3-4). Chúng ta chỉ có thể sở đắc được niềm vui đích thực khi đơn thành kiếm tìm Người, Đấng đang ở gần chúng ta, “chia vui, chia buồn, chia công nghiệp” với chúng ta. Niềm vui của sự khiêm hạ, của con đường tự hủy, con đường thập giá.
- Cùng Chúa đón nhận thập giá
Đức Giêsu vào thành thánh của bình an trong tâm thế của Vua hoà bình. Người là tôn chủ thực sự của thành Sion. Người đến thiết lập nên hoà bình viên mãn, nhưng không phải bằng binh đao, chiếm hạm, nhưng qua con đường thập giá, con đường của Người tôi tớ đau khổ. Quả thực, Đức Giêsu không vào thành thánh để nhận được các danh hiệu dành cho các vị vua trần thế. Người vào thành để bị đánh đòn, bị xúc phạm và bị chà đạp như tiên tri Isaia đã tiên báo trong bài đọc thứ nhất (x. Is 50,6), một vị vua đã chấp nhận bị tước hết vinh quang danh dự để chấp nhận thân phận tôi đòi như bài đọc thứ hai nói với chúng ta. Người đi vào để nhận được mão gai, vương trượng, và một cẩm bào màu tím, vương quyền của Người trở thành một đối tượng chế nhạo. Người vào thành để vác thập giá gỗ nặng nề lên đồi Calverio.
Trái với niềm vui đầu cử hành hôm nay, chúng ta nhanh chóng đối diện với mầu nhiệm thập giá, mầu nhiệm của sự tội, phản bội, chối từ, ruồng bỏ, xỉ vả, kết án… làm cho Đấng ngự đến nhân danh Chúa chẳng còn hình dạng con người nữa. Bài đáp ca mô tả dung nhan của Đức Vua chúng ta: “Thân sâu bọ chứ người đâu phải, con bị đời mắng chửi dể duôi. Thấy con ai cũng chê cười, lắc đầu bĩu mỏ buông lời mỉa mai” (Tv21,7). Người đã chấp nhận con đường hẹp, con đường của hạt giống chịu thối nát trong lòng đất nhân thế để trổ sinh nhiều bông hạt, đem lại sự phong nhiêu của sự sống. Khi Người bị coi là đồ phế thải, không còn là hình dạng con người lại là con người đích thực – Ecce Homo.
Chúa Giêsu tự chấp nhận vác lấy thập giá, vác lấy tất cả những xấu xa, bẩn thỉu, tội lỗi của thế giới, bao gồm cả tội lỗi của chúng ta, và Người tẩy sạch bằng máu của Người, với lòng thương xót và tình yêu của Thiên Chúa. Đó là mầu nhiệm tự huỷ mà thánh Phaolô trình bày cho chúng ta: “vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,8). Chính thập giá phơi trần con người thực của chúng ta, đồng thời phơi trần Thiên Chúa đúng như Người là – Tình yêu, yêu cho đến cùng. Đó là cách thức, là con đường con người được giải thoát, được nâng lên và tuyên nhận nhờ việc Người bị dìm xuống và được Thiên Chúa siêu tôn: “Đức Giêsu Kitô là Chúa” (Pl 2,9-11).
Cùng đi với Đức Giêsu, chúng ta được mời gọi “vác thập giá mình” đồng thời “đóng đinh tính xác thịt vào thập giá Chúa Kitô cùng với những dục vọng và đam mê của nó” (Gl 5,24), để được thống trị với Người trong vinh quang, để tiến bước trong hành trình tuần thánh của đời mình giữa dòng nhân thế.
- Cùng Chúa bước vào tuần thánh cuộc đời
Chúa đã thông dự trọn vẹn vào hiện sinh của chúng ta, Người nâng chúng ta lên, dìu bước chúng ta trên hành trình thập giá cuộc đời để được hoan hưởng vinh quang phục sinh với Người. Thế nên chúng ta được mời gọi, cách đặc biệt khi bước vào cử hành Tuần thánh, sống cuộc đời của mình như một tuần thánh kéo dài, nghĩa là mặc lấy tâm tình của Chúa Con, mặc lấy tình yêu trong sự khiêm hạ của những con cái được yêu thương và biết yêu thương trong ơn gọi và tác vụ riêng của từng người chúng ta. Thánh Creta trong bài Kinh sách của Lễ lá nhắn nhủ chúng ta:
Chúng ta hãy mau mắn cùng nhau chạy đến tham dự cuộc thương khó và hãy noi gương những kẻ đã ra nghênh đón Người. Nhưng chúng ta không trải ra đường những cành ôliu, những tấm thảm và áo xống hay tàu lá để đón Người. Trái lại, chúng ta lấy hết lòng khiêm nhường, trí ngay thẳng và quyết tâm hạ mình xuống mà đón Ngôi Lời đang ngự đến, để Thiên Chúa ở trong chúng ta, Đấng mà không nơi nào chứa nổi.
Chúng ta hãy lấy chính mình mà trải mình đón Đức Kitô, chứ đừng lấy áo choàng hay cành lá vô tri, vô giác hoặc những tấm thảm bằng cây cỏ trông vui mắt trong giây lát, rồi héo tàn, trở thành thức ăn cho súc vật. Nhưng chúng ta hãy mặc lấy ân sủng của Người, vì bất cứ ai trong anh em được thanh tẩy để thuộc về Đức Kitô, đều mặc lấy Đức Kitô. Vậy chúng ta hãy lấy chính mình mà trải dưới chân Người thay vì trải áo.
Lạy Chúa, con đường nào Chúa đã đi qua, con đường nào Ngài ra pháp trường, mão gai nào hằn sâu trên trán. Lạy Chúa, thánh giá nào Ngài vác trên vai, đau thương nào phủ kín tâm tư, đường tình đó Ngài dành cho con.
Lạy Chúa, xin cho con đóng đinh với Ngài, xin cho con cùng vác với Ngài, thập giá trên đường đời con đi. Lạy Chúa, xin cho con đóng đinh với Ngài, xin cho con cùng chết với Ngài, để được sống với Ngài vinh quang.
Vụ Án Giêsu
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương
Cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá không phải là một biến cố ngẫu nhiên xảy ra. Nhưng là điểm tới và tột đỉnh của một quá trình đối kháng giữa Chúa Giêsu với những người Do Thái và giới lãnh đạo tôn giáo, xã hội thời đó. Đây là sự kiện lịch sử được các Tin Mừng tường thuật. Theo đó, Chúa Giêsu bị kết án tử hình vì những lý do sau đây:
1. Vi phạm lề luật Môsê
Đối với người Do Thái, lề luật nắm giữ vai trò quan trọng trong đời sống của họ. Lề luật là do Thiên Chúa ban. Vì thế, lề luật có một vị trí thượng tôn, phải được tuân giữ một cách cẩn thận và đầy đủ.
Chúa Giêsu bị nhóm Biệt Phái và các kinh sư kết án vì tội đã vi phạm luật Môsê khi các môn đệ Người dùng bữa mà không rửa tay và khi Chúa Giêsu trừ quỷ trong ngày Sabát (x. Mc 3,1-6 và 7,1-7).
Thực ra, Chúa Giêsu không chống lại Luật Môsê. Trong bài giảng trên núi, Đức Giêsu đã tuyên bố:
“Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môsê hoặc lời các Ngôn sứ. Thầy đến không phải để bãi bỏ nhưng là để kiện toàn” (Mt 5,17).
Tuy nhiên, Chúa Giêsu bị vu cáo vì đã vi phạm luật Môsê, bởi vì Người đã chỉ trích các luật sỹ và các kinh sư về cung cách giữ luật của họ quá câu nệ và vụ hình thức. Họ quá chăm chú tuân giữ những điều luật do truyền thống đặt ra mà lãng quên điều chính yếu và ý nghĩa của lề luật. Đến nỗi những truyền thống này đi ngược lại với điều răn của Thiên Chúa (x. Mc 7,1-23). Đây là sự đối kháng thứ nhất mà Chúa Giêsu phải đối diện.
2. Xúc phạm đến Đền Thờ
Đền Thờ là trung tâm đời sống tôn giáo của người Do Thái. Vì thế, ai xúc phạm đến Đền Thờ thì bị kết án tử hình.
Chúa Giêsu cũng dành cho Đền Thờ Giêrusalem sự tôn kính đặc biệt. Nơi đó, Người đã được cha mẹ hiến dâng cho Thiên Chúa (x. Lc 2,22-31). Hằng năm Người hành hương lên Đền Thờ khi sống ẩn dật tại Nadarét (x. Lc 2,31). Sứ vụ rao giảng của Chúa Giêsu cũng gắn liền với những lần hành hương về Đền Thánh.
Vì thế, trong dịp lễ Vượt Qua vào năm 27, Chúa Giêsu lên Giêrusalem mừng lễ. Người cảm thấy khó chịu khi thấy người ta buôn bán chiên bò, bồ câu và đổi tiền trong Đền Thờ. Người đã lấy dây làm roi xua đuổi tất cả ra khỏi Đền Thờ (x. Ga 2,16). Khi người Do Thái hỏi Người lấy quyền nào để làm như thế, Chúa Giêsu đã trả lời:
“Các ông cứ phá hủy Đền Thờ này đi, nội ba ngày tôi sẽ xây dựng lại” (Ga 2,21-22).
Qua câu nói này, Chúa Giêsu muốn báo trước về cuộc thương khó của Người. Đền Thờ ở đây ám chỉ thân thể Người.
Chúa Giêsu đã loan báo sự tàn phá ngôi Đền Thờ tráng lệ này, sẽ không còn viên đá nào trên viên đá nào (x. Mt 24,1-2). Những lời tiên tri của Người bị bóp méo bởi những chứng gian, khi Người bị các Thượng Tế chất vấn. Dựa vào đó, người ta cáo buộc Người vì tội đã xúc phạm Đền Thờ (x. Mt 26,61).
3. Tội phạm thượng
Đức Giêsu bị vu cáo vì tội phạm thượng khi xưng mình là Con Thiên Chúa (x. Ga 10,33) và tự cho mình có quyền tha tội (x. Mc 2,7).
Đức Giêsu mạc khải về Thiên Chúa Ba Ngôi. Trong đó, tương quan giữa Người với Thiên Chúa là tương quan Cha và Con. Thiên Chúa là Cha của Người và Người là Con Thiên Chúa. Chính sự mới mẻ này trở thành sự đối kháng về niềm tin vào Thiên Chúa duy nhất của người Do Thái. Đối với họ, Thiên Chúa là Đấng độc nhất; không người nào ngang hàng với Thiên Chúa; chỉ một mình Thiên Chúa mới có quyền tha tội.
Mặc dù chứng kiến rất nhiều phép lạ Chúa đã làm, nhưng giới lãnh đạo Do Thái vẫn không tin Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa (x. Ga 12,37). Do đó, trước phiên tòa Thượng Hội Đồng, họ đã đồng thanh kết án Chúa Giêsu đáng chết vì tội phạm thượng (x. Mt 26,63-66).
4. Lý do chính trị
Công Nghị Do Thái họp và tuyên bố Chúa Giêsu “đáng phải chết” (x. Mt 26,66) vì những lý do nói trên. Nhưng thời đó, nước Do Thái đang bị thống trị bởi đế quốc La Mã, họ không có quyền xử án chết một người, thế nên, họ nộp Chúa Giêsu cho Philatô và đưa ông vào cuộc. Khi xét hỏi, Philatô không thấy Chúa Giêsu có tội nào đáng phải chết. Ông tìm cách tha cho Chúa Giêsu. Nhưng dân Do Thái tìm cách lèo lái vụ án tôn giáo sang vụ án chính trị và nhấn mạnh đến chiều kích này để Philatô có cơ sở pháp lý kết án tử hình Chúa Giêsu (x. Lc 23,2). Họ cáo buộc rằng Chúa Giêsu tự xưng mình là vua và ngăn cản dân nộp thuế cho người La Mã. Ai xưng mình là vua thì cũng có nghĩa là người nổi dậy lật đổ đế quốc La Mã và như thế sẽ ảnh hưởng đến nền hòa bình của đế quốc này.
Kết luận
Như thế, từ những đối kháng mang tính tôn giáo, những người Do Thái đã khoác cho vụ án của Chúa Giêsu một màu sắc chính trị. Cũng nên nhớ rằng: thời bấy giờ tôn giáo và chính trị không bao giờ tách rời nhau. Một thứ chính trị “đơn thuần” cũng như tôn giáo “đơn thuần” không thể tồn tại đối với người Do Thái. Vì thế, các lý do tôn giáo là bệ phóng cho lý do chính trị trong việc tố cáo Chúa Giêsu.
“Vụ án Giêsu” là kết quả của một quá trình hận thù, ghen ghét và gian dối của con người đương thời. Nơi đó, Đức Giêsu trở thành hiện thân của những ai bị ngược đãi, vu cáo và kết án một cách oan khiên trong lịch sử loài người hôm qua cũng như hôm nay.
Vụ án này đã xảy ra hơn hai ngàn năm nhưng vẫn luôn được lịch sử nhắc đi nhắc lại để suy niệm, soi chiếu cho mọi oan khiên và sai lạc của loài người. Bởi lẽ, nơi đó sự giả dối, lật lọng và độc ác được phơi bày rõ mặt nhất. Nó đại diện cho mọi nỗi đau, bất công của loài người.
Bước vào Tuần Thánh, xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết suy niệm cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu để cố gắng khước từ những sự giả dối, lật lọng và độc ác có thể xuất hiện nơi lòng chúng ta. Đồng thời, khi suy ngắm cuộc khổ nạn Chúa Giêsu, chúng ta cảm nghiệm Chúa yêu thương loài người thế nào khi chấp nhận cái chết oan khiên, để từ đó chúng ta biết yêu mến Chúa nhiều hơn và biết sống khoan dung với mọi người. Amen!
Có thể bạn quan tâm
Cẩm Nang Nhỏ Để Thực Thi Văn Kiện Chung Kết Trong Các Giáo..
Th4
Ý nghĩa Chúa Nhật Lễ Lá
Th4
Tĩnh Huấn Ban Điều Hành Hội Mân Côi 9 Giáo Hạt Tại Hà..
Th4
Suy Niệm Chúa Nhật Lễ Lá Năm C: Cùng Chúa Cất Bước
Th4
Thánh tích trái tim của Carlo Acutis sẽ được đưa đến Roma trong..
Th4
Niềm Hy Vọng Kitô Giáo, Giải Pháp Cho Con Người Thời Nay
Th4
Người Khuyết Tật Tham Gia Đời Sống Giáo Hội
Th4
Nhịp Sống Giáo Hội Việt Nam Số 14 (31/3 – 07/4/2025): Giáo Hội..
Th4
Chín điều nên biết về Tuần Thánh
Th4
Sáu điều tín hữu nên biết về Chúa Nhật Lễ Lá
Th4
Quý Cha Giáo Hạt Hòa Ninh Tĩnh Tâm Kỳ II Năm Thánh 2025
Th4
Đại Hội Người Khiếm Thị Và Bước Chân Hành Hương Của Những Người..
Th4
Hành Hương Năm Thánh Của Đại Chủng Viện Thánh Phanxicô Xaviê – “Cùng..
Th4
Đàng Thánh Giá Năm 2025: “Dấu chân hy vọng trên đường thương khó”
Th4
Đức Giáo Hoàng kêu gọi chúng ta bớt nhìn vào màn hình, và..
Th4
Suy Niệm Chúa Nhật V Mùa Chay Năm C: “Một Khởi Đầu Mới..
Th4
Giáo Xứ Tân Thành Khai Mạc Ngày Cao Điểm Tuần Chầu
Th4
Học Hỏi Sứ Điệp Ngày Thế Giới Truyền Thông Xã Hội Lần Thứ..
Th4
Danh Sách Các Điểm Hành Hương Năm Thánh 2025 Tại Việt Nam
Th4
Doanh nhân Giáo phận tĩnh tâm và hành hương Năm Thánh
Th4