Suy Niệm Chúa Nhật II Thường Niên B

2895 lượt xem

SUY NIỆM CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN B
Lời Chúa
: 1Sm 3,3b-10.19; 1Cr 6,13c-15a.17-20; Ga 1,35-42

Mục lục

 

  1. HUYỀN NHIỆM ƠN GỌI – Linh mục Giuse Nguyễn Văn Hữu

  2. CÁC ANH TÌM GÌ THẾ? – Lm. Giuse Lê Danh Tường

  3. “CHÚA TÌM TA – TA TÌM CHÚA” – TGM Giuse Vũ Văn Thiên

  4. ĐƯỢC CHÚA KÊU GỌI – Jorathe Nắng Tím

  5. ĐÂY LÀ CHIÊN THIÊN CHÚA – Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ


1. HUYỀN NHIỆM ƠN GỌI – Linh mục Giuse Nguyễn Văn Hữu

Ơn gọi là một huyền nhiệm. Nó khởi nguồn từ Thiên Chúa, chứ không phải từ loài người. Thiên Chúa lên tiếng gọi và con người đáp trả. Các bài đọc Lời Chúa trong ngày Chúa nhật hôm nay nói về ơn gọi của Samuel, ơn gọi của các môn đệ đầu tiên của Chúa Giê-su (Gioan, An-rê và Phê-rô) và qua đó nói về ơn gọi của người Ki-tô hữu chúng ta.

Ơn gọi của Samuen

Samuel là cậu bé được Đức Chúa cho sinh ra để cất nỗi nhục của người mẹ Anna trước mặt người đời. Giữ đúng lời khấn hứa với Đức Chúa, bà Anna cho cậu giúp việc thày cả Ê-li. Cậu ngủ trong Đền thờ. Đức Chúa gọi cậu 4 lần trong giấc ngủ. Ba lần đầu, cậu tưởng là thày Ê-li gọi, nên chạy đến với thày và thưa: “Dạ, con đây, thày gọi con”. Nhưng thày Ê-li bảo: “Thày không gọi con đâu. Con về ngủ đi”.

Chạy đi chạy lại như thế đến lần thứ 3, thày Ê-li hiểu là Đức Chúa đã gọi Samuel, nên bảo cậu rằng: “Con về ngủ đi và hễ có ai gọi con thì con thưa: ‘Lạy Đức Chúa, xin Ngài phán vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe”.

Vâng lời thày Ê-li, Samuel về ngủ ở chỗ của mình. Đức Chúa đến, đứng đó và gọi (lần thứ 4) như những lần trước: Samuel! Samuel! Samuel thưa: “Xin Ngài phán vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe”.

Samuel lớn lên. Đức Chúa ở với ông và Người không để cho một lời nào của Người ra vô hiệu.

Đó là tiến trình ơn gọi làm ngôn sứ của Samuel được mô tả trong bài đọc 1 (x. 1Sm 3,3-10.19). Tiến trình này cho thấy, nếu không có sự chỉ dạy của thày Ê-li, Samuel khó hòng mà nhận ra được Đức Chúa gọi mình.

Ơn gọi của những môn đệ đầu tiên

Đó là các ông Gioan, An-rê và Phê-rô.

Gioan và Anrê đi theo Chúa qua lời giới thiệu, gợi ý của Gioan Tẩy giả: “Đây là Chiên Thiên Chúa, Đấng xoá bỏ tội trần gian”.

Phêrô đi theo Chúa nhờ sự giới thiệu của anh mình là Anrê: “Chúng tôi đã gặp Đấng Messia”.

Mỗi người mỗi hoàn cảnh, mỗi ơn gọi mỗi cuộc đời, không ai giống ai. Kẻ thì được thầy mình giới thiệu, người thì được anh mình giới thiệu, kẻ khác nữa thì được bạn bè giới thiệu.v.v. Tất cả đều trở thành những kỷ niệm đáng nhớ không thể nào quên trong tâm trí người môn đệ: Chúa gọi tôi trong hoàn cảnh này hoàn cảnh nọ. Chúa gọi tôi vào giờ này. Chúa gọi tôi ở chỗ này chỗ kia.v.v.

Gioan tông đồ người trong cuộc đã từng chẳng ghi thế này sao: “Khi ấy, ông và Anrê đang đứng ngoài bãi biển cùng với thày Gioan Tẩy Giả, thấy Chúa Giêsu đi ngang qua, Gioan Tẩy Giả liền chỉ: “Đây là Chiên Thiên Chúa”. Các ông liền bỏ Gioan Tẩy Giả lại đó mà đi theo Chúa Giêsu.

Thấy có kẻ theo mình, Chúa Giêsu quay lại bảo: “Các anh tìm gì thế? Các ông bèn đánh bạo hỏi: “Thưa Thày, Thày ở đâu”?

Chúa Giêsu mời gọi: “Hãy đến mà xem”. Các ông đã đến xem chỗ Chúa ở và ở lại với Chúa ngày hôm ấy. Lúc ấy vào khoảng giờ thứ mười”.

Thật là ấn tượng! Không thể nào quên! Nhưng Phêrô cũng ấn tượng không kém. Dù Phêrô được Chúa gọi sau Gioan và Anrê, nhưng Chúa đã đổi tên cho ông: “Anh Simon, con ông Gioan, từ nay anh sẽ được gọi là Phêrô, nghĩa là đá tảng”.

Giây phút ấn tượng ấy là giây phút lịch sử, làm đảo lộn đời các ông, biến các ông trở thành người môn đệ Chúa, cùng ăn cùng ở với Chúa, cùng chung chia sứ mạng và thân phận với Chúa. Đó là sứ mạng loan báo Tin Mừng và thân phận của người tôi tớ đau khổ theo thánh ý Chúa Cha hầu cứu chuộc nhân loại.

Ơn gọi của người Ki-tô hữu

Chúng ta các kitô hữu ngày nay cũng được Chúa kêu gọi. Chúa gọi ta vào đời. Chúa gọi ta làm con cái Chúa và Hội thánh trong đời sống hôn nhân gia đình hay đời sống tu trì.

Hành trình ơn gọi của Samuel và các Tông đồ có nhiều ấn tượng đáng ghi nhớ, thì hành trình ơn gọi của ta cũng vậy.

Chúa đã chọn gọi Samuel và các Tông đồ trong những hoàn cảnh và môi trường nhất định thì Chúa cũng chọn gọi ta trong những hoàn cảnh và môi trường nhất định nào đó.

Chúa đã chọn gọi Samuel và các Tông đồ qua các trung gian, thì Chúa cũng chọn gọi mỗi người chúng ta qua các trung gian như ông bà, cha mẹ, thày cô, bạn bè…v.v. Nhưng điều quan trọng là ta đã sống ơn Chúa gọi như thế nào ?

Thánh Phao-lô trong bài đọc 2, ngài nói rất hay về ơn gọi của chúng ta và qua đó ngài cũng dạy chúng ta phải sống ơn gọi như thế nào cho xứng đáng: “Thưa anh em, thân xác con người không phải để gian dâm mà để phụng sự Chúa, vì Chúa làm chủ thân xác”.

“Anh em chẳng biết rằng thân xác anh em là phần thân thể của Đức Ki-tô và là Đền Thờ của Chúa Thánh Thần sao? Ai đã kết hợp với Chúa, thì nên một tinh thần với Người. Anh em hãy tránh xa tội gian dâm. Mọi tội người ta phạm đều ở ngoài thân xác mình, còn kẻ gian dâm thì phạm đến chính thân xác mình. Thiên Chúa đã trả giá đắt mà chuộc lấy anh em. Vậy anh em hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác anh em” (x.1Cr 6,13-15.17-20).

Lạy Chúa, Chúa đã cho con vào đời trong ơn gọi làm người và làm con cái Chúa. Xin ban ơn thêm sức cho con để con luôn sống xứng đáng với ơn Chúa kêu gọi giữa cuộc đời này, hầu mai ngày con được ở cùng Chúa trong Nước Trời vĩnh cửu. Amen.

 2. CÁC ANH TÌM GÌ THẾ? – Lm. Giuse Lê Danh Tường

Chưa bao giờ nhân loại đứng trước nhiều lựa chọn như ngày hôm nay, dễ dàng tìm kiếm như ngày hôm nay. Giữa một khối lượng thông tin khổng lồ, con người dường như bị chìm đắm trong thế giới thông tin. Chắc chắn không phải tất cả mọi thông tin đều có lợi cho mỗi người. Tìm kiếm rồi sở hữu cái đúng cái tốt thì giúp mình triển nở. Và ngược lại, tìm kiếm và thủ đắc cái xấu, cái độc thì làm cho ta bị băng hoại. Các bài đọc Sách thánh trong Chúa nhật II thường niên B đưa ta đến thái độ cần phải có trên con đường ta đi tìm kiếm giữa cuộc sống hôm nay.

Tâm hồn ta đang hướng về đâu

Bài đọc thứ nhất trích từ sách Samuel (1Sm 3, 3b-10.19) kể về câu chuyện Thiên Chúa gọi Samuel. Trong đêm tối, Thiên Chúa đã cất tiếng gọi Samuel; thế nhưng Samuel đã không nhận ra tiếng Chúa; Cậu tưởng tiếng của thầy Eli. Tiếng Chúa liên tục kêu gọi bên tai cậu nhưng cậu chỉ nghĩ đến thầy Eli mà thôi. Cậu nghe thấy tiếng Chúa nhưng lại nghĩ đến thầy mình. Vì chỉ nghĩ đến thầy, chỉ biết có thầy nên cậu không nghe được tiếng Chúa.

Quả thực, lòng ta hướng về điều gì thì ta sẽ dễ dàng nhận ra điều ấy hơn; và thậm chí ta còn đồng hoá những thứ khác với điều ta đang quan tâm. Người ta thường nói: bác sỹ thì nhìn đâu cũng thấy bệnh; cảnh sát nhìn đâu cũng thấy tội phạm; doanh nhân nhìn đâu cũng thấy lợi nhuận; người đang yêu thì nhìn đâu cũng thấy người mình yêu… Bởi khi ấy, tâm hồn ta hướng chiều về đối tượng và bị đối tượng ấy chiếm hết cả tâm hồn mình.

Giữa một xã hội bôn ba ngược xuôi tìm kiếm: người thì đi tìm tiền; người thì đi tìm tình; người đi tìm danh; người lo kiếm chữ; kẻ lo tìm nhà. Tất cả đang nháo nhác đi tìm. Vậy nên chẳng lạ gì khi cỗ máy tìm kiếm Google đã trở nên công ty hàng đầu trên thế giới chỉ sau ít năm thành lập. Nếu bạn quan tâm tới điều gì, bạn sẽ bị lôi cuốn vào con đường tìm kiếm cái đó. Thậm chí, thế giới điện toán internet sẽ quẳng vào xung quanh bạn toàn là những thứ bạn đang quan tâm.

Chính các môn đệ trong bài Tin Mừng của Chúa nhật này cũng đi tìm kiếm. Thế nhưng chỉ khi Đức Giêsu hỏi các ông “Các anh tìm gì?” (Ga 1,38) thì các ông mới thực sự đối diện với thực tại lòng mình.

Thái độ cần có

Đối diện với câu hỏi của Chúa Giêsu, các môn đệ đã tìm lại được thái độ căn bản của cuộc tìm kiếm: “Lạy Thầy, Thầy ở đâu”. Các ông đã không còn khơi khơi chạy theo dư luận, tìm kiếm giá trị trần gian. Các môn đệ đã muốn tìm gặp chính Thiên Chúa.

Chính thái độ khẳng định sự tìm kiếm Thiên Chúa trong cuộc đời đã dẫn đưa các môn đệ đến gặp Chúa, ở với Chúa, cảm nghiệm về Chúa. Thái độ khát khao tìm kiếm Thiên Chúa sẽ giúp con người nhận ra khuôn mặt của Thiên Chúa giữa đủ mọi màu sắc của cuộc sống, nhận ra được tiếng nói của Thiên Chúa giữa muôn vàn cung điệu.

Bài đọc thứ hai được trích trong thư thánh Phaolô gửi tín hữu thành Corinto (1 Cr 6, 13c-15a, 17-20). Thánh Phaolô đã bàn giải về thái độ tìm kiếm ấy càng rõ rệt hơn. Cũng là thân xác con người, nhưng nếu bạn chỉ tìm kiếm sự vui thú xác thịt, chỉ thoả mãn dục vọng thì bạn chỉ thấy nơi thân xác con người là sự dâm ô. Trái lại, với thái độ luôn tìm kiếm Thiên Chúa, Thánh nhân đã nhận ra thân xác chính là đền thờ của Chúa Kitô; Ngài nhận ra uy quyền của Thiên Chúa và lời mời gọi nên thánh trong chính thân xác của mình.

Tìm kiếm Thiên Chúa, nền tảng của cuộc sống

Gặp được Thiên Chúa là bạn có tất cả. Có thể bạn phải tìm kiếm của cải trần gian, miếng cơm manh áo để đảm bảo cho đời sống này; nhưng bạn đừng quên chính Thiên Chúa đã tạo dựng nên bạn và mọi thứ trên trần gian này. Có thể bạn đang tìm kiếm sự ổn định đời sống gia đình, chuẩn bị cho tương lai; nhưng bạn đừng quên Thiên Chúa là nguồn cội và là cùng đích bạn tìm về. Chỉ nơi Ngài bạn mới có nguồn bình an hạnh phúc đích thực trường cửu. Có thể bạn đang tìm kiếm người bạn đời tri âm tri kỷ; nhưng bạn đừng quên chính Thiên Chúa đã đến để tìm cách ở cùng bạn, chia sẻ vui buồn với bạn.

Chính khi bạn gặp gỡ Thiên Chúa là bạn gặp lại được chính mình. Chính ở nơi Thiên Chúa bạn mới thấy mình không phải là kẻ vô danh nhưng là con Thiên Chúa; bạn thấy cuộc đời có ý nghĩa này đưa bạn vào đời sống vĩnh cửu chứ không phải nó qua đi rồi hết; bạn mới thấy giá trị của lao nhọc và khổ đau, thấy giá trị của sự cố gắng vươn lên trong cuộc sống của bạn; và bạn mới thấy được mình cần phải vượt ra khỏi vũng lầy của tội lỗi, của chán trường; bạn mới biết thanh lọc những giá trị trong cuộc sống.

Trong buổi tiếp kiến với hơn 9000 khách hành hương ngày 17 tháng 9 năm 2008, Đức Giáo Hoàng Bênêdictô đã khẳng định: “Tìm kiếm Thiên Chúa là nền tảng của mọi nền văn hoá”.

Nếu thực sự khát khao và lên đường đi tìm kiếm Thiên Chúa, chắc chắn bạn sẽ gặp Ngài. Bởi chính Ngài đang tìm kiếm bạn, đang chờ đợi bạn.

Lạy Chúa Giêsu, xin khơi lên trong con lòng khao khát Chúa như xưa Chúa đã khơi lên trong lòng các môn đệ. Xin cho con được ở lại với Ngài để con được xác tín sự hiện diện của Ngài trong con. Xin dẫn con đi và xin kéo con về mỗi khi con lang thang lạc bước trên đường tìm kiếm Nước Trời.

 3. “CHÚA TÌM TA – TA TÌM CHÚA” – TGM Giuse Vũ Văn Thiên

Có người so sánh lịch sử Cứu độ như một thiên tình sử giữa Thiên Chúa và con người. Mối tình này cũng có những lúc mặn nồng, cũng có khi phai nhạt. Mối tình này pha lẫn yêu thương thắm thiết và những giận dỗi hờn ghen. Kinh Thánh là cuốn sách ghi lại mối tình thân thương đó. Tuy vậy, nếu Thiên Chúa bao dung quảng đại và yêu thương vô bờ, thì con người lại nhỏ nhen thấp hèn và tội lỗi bất xứng. Dù thế nào đi nữa, Thiên Chúa vẫn không ngừng tìm kiếm con người và con người cũng miệt mài tìm kiếm Chúa. Vì thế, chúng ta có thể khẳng định: hành trình con người và hành trình Đức tin là những nỗ lực khôn nguôi để tìm kiếm Chúa. Và, thật kỳ lạ, chính Chúa cũng đang tìm kiếm chúng ta. Điều quan trọng là chúng ta phải nhận ra Ngài và lắng nghe lời Ngài giáo huấn.

Con người tự nhiên có khuynh hướng tìm kiếm Chúa, như cây cỏ hướng về ánh mặt trời, như sông suối xuôi về nguồn cội. Thánh Augustinô đã thốt lên: “Chúa đã dựng nên chúng con cho Chúa và tâm hồn chúng con còn mãi băn khoăn khắc khoải cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa” (Tự thú, I,1,1)Không gặp được Chúa, con người còn khắc khoải chờ mong và chưa tìm được sự an bình thực sự. Có muôn nẻo đường tìm kiếm Chúa. Người ta tìm Chúa nơi sức mạnh của thiên nhiên vũ trụ, nơi trật tự xoay vần của tứ thời bát tiết, nơi những triết lý cao siêu hay những tác phẩm nghệ thuật. Tuy vậy, những điều vừa được liệt kê chỉ phản ánh vẻ đẹp của Chúa hay quyền năng của Ngài. Cần phải gặp gỡ Chúa bằng lý trí và con tim. Lý trí tôn nhận Chúa là Chúa muôn loài. Con tim yêu mến Đấng là Tình yêu trọn vẹn.

Tin Mừng Thánh Gioan kể lại, hai môn đệ của ông Gioan Tẩy giả nghe thày mình giới thiệu về Đức Giêsu, liền đi theo. Khi Chúa Giêsu hỏi các ông: “Các anh tìm gì?”, thì các ông lại trả lời bằng một câu hỏi khác: “Thưa Thày, Thày ở đâu?”. Câu hỏi này vừa thay cho câu trả lời: “Chúng tôi muốn tìm Thày”, vừa diễn tả một cuộc tìm kiếm. Khi ở lại đàm đạo với Chúa, các ông nhận ra Người là Đấng Messia. Cuộc tìm kiếm của các ông đã có kết quả. Các ông sẵn sàng rời ông Gioan Tẩy giả để đi theo Đấng Messia. Không những thế, các ông còn giới thiệu những người khác đến với Chúa Giêsu. Ông Anrê đã giới thiệu em mình là Simon, sau này là Phêrô. Ông Simon đã nhiệt thành đến với Chúa và nhận Người là tôn sư.

Nếu con người nỗ lực khôn nguôi tìm kiếm Chúa, thì chính Thiên Chúa cũng đi tìm kiếm con người. Bởi lẽ Thiên Chúa là Đấng vô hình và thiêng liêng cao cả, chỉ nguyên nỗ lực từ phía con người mà thôi thì sẽ rơi vào bế tắc. Lịch sử Cứu độ chứng minh, nhiều lần Thiên Chúa có sáng kiến ra tay cứu giúp và cải hoá con người. Cậu bé Samuel đang phục vụ tại Đền thờ Silô. Sớm chiều quen với ánh nến và hương trầm. Một đêm kia, Chúa gọi cậu. Ở tuổi của cậu, chưa thể phân biệt được lời gọi của Chúa hay lời gọi của con người. Với hướng dẫn của thày Tư tế Hêli, cậu Samuel đã thưa với Chúa: “Lạy Đức Chúa, xin Ngài phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng nghe”. Tác giả sách Sanuel kể lại: từ ngày đó, cậu bé Samuel chuyên cần lắng nghe lời Chúa và không để cho một lời nào ra vô hiệu. Cậu đã được gặp gỡ Chúa và được Ngài cho biết ý định của Ngài cũng như những điều Ngài sắp làm đối với dân Israel. Vâng, Thiên Chúa đã chủ động tìm kiếm con người và ngỏ lời với họ. Đó cũng là điều Ngài thường làm trong lịch sử.

Tin vào Chúa chính là gặp gỡ Ngài. Đức Giáo Hoàng Bênêđitô đề nghị một định nghĩa về Đức Tin như sau: “Tin là cuộc gặp gỡ thân tình, cá vị với Chúa. Đây không phải là cuộc gặp gỡ với một sự vật hay một sự kiện, là cuộc gặp gỡ với một Đấng, một Ai đó, một Con Người đang hiện diện giữa chúng ta” (Thông điệp Thiên Chúa là Tình yêu, số 1). Cuộc gặp gỡ với Chúa được thực hiện bằng lời cầu nguyện và chuyên tâm lắng nghe Lời Chúa. Bởi khi cầu nguyện là chúng ta tâm sự với Chúa; khi nghe Lời Chúa là lúc Ngài nói với chúng ta. Cầu nguyện là mối tâm giao, là sự trao đổi thân mật, giãi bày tấm lòng trước nhan Chúa. Khi cầu nguyện, chúng ta mở con tim để lắng nghe Lời Chúa và sẵn sàng thưa với Chúa như cậu bé Samuel trong đền thờ Silô: “Lạy Đức Chúa, xin Ngài phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe”. Nhờ cầu nguyện và lắng nghe Lời Chúa mà chúng ta được gặp Chúa trong đời, mặc dù còn nhiều ồn ào, bon chen và toan tính.

Một khi gặp gỡ Chúa, cuộc đời của chúng ta phải được canh tân biến đổi. Qua cuộc gặp gỡ kỳ diệu với Chúa, được thể hiện nhờ Bí tích Thanh Tẩy, “chúng ta được hiến thánh trong Chúa Giêsu Kitô, được kêu gọi làm dân thánh, cùng với tất cả những ai ở bất cứ nơi nào kêu cầu danh Chúa của chúng ta, Đức Giêsu là Chúa của họ và cũng là Chúa của chúng ta” (Bài đọc II). Thánh Phaolô đã diễn tả vinh dự lớn lao của những người đã được thanh tẩy. Họ trở nên thành viên của một gia đình vĩ đại, bao trùm và hiện diện trên toàn cõi địa cầu. Trong Giáo Hội của Chúa Kitô, không còn phân biệt chủng tộc hay ngôn ngữ, nhưng tất cả đều trở nên con cái Chúa, có Thiên Chúa là Cha.

Để thực sự gặp gỡ Chúa, người tín hữu cần có đời sống nội tâm sâu xa. Bởi lẽ cuộc sống ồn ào bon chen và đầy tham vọng dễ làm chúng ta quên Chúa. Hãy tìm những giây phút lắng đọng tâm hồn để gặp gỡ Chúa, để nghe Ngài khuyên nhủ và giáo huấn chúng ta. Chắc chắn những giây phút này sẽ đem lại cho chúng ta sự ngọt ngào nội tâm, cùng với niềm vui và hạnh phúc trong cuộc đời. Như hai môn đệ đầu tiên, một khi cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa, chúng ta có thể giới thiệu Người cho những người xung quanh.

4. ĐƯỢC CHÚA KÊU GỌIJorathe Nắng Tím

Khởi đầu Mùa Thường Niên, các bài đọc phụng vụ xoay quanh chủ đề “Đức Giêsu kêu gọi những cộng sự viên đầu tiên”, là các Tông Đồ tương lai của Ngài.

Như những người đứng đầu các tổ chức, đoàn thể cần có bên mình những cộng sự viên thân tín, trung thành và đắc lực để khởi động chương trình, thực hiện đường hướng, khai triển chủ trương, tiến hành kế hoạch, Đức Giêsu cũng cần và đã tìm cho mình một nhóm cộng sự viên để cùng Ngài loan báo Nước Thiên Chúa, rao giảng Tin Mừng cứu độ, như sứ vụ được Chúa Cha trao phó.

Theo Tin Mừng Gioan của chúa nhật này thì Đức Giêsu đã không trực tiếp gọi  hai anh em ngư phủ có tên Anrê và Simon và hai anh em ruột khác là Giacôbê và Gioan cũng làm nghề đánh cá, khi “Người đang đi dọc theo biển hồ Galilê” (Mc 1,16), nhưng Gioan Tiền Hô đã giới thiệu Đức Giêsu cho hai anh em Anrê và Simon vốn là môn đệ của ông, khi ông đang đứng với họ, và “thấy Đức Giêsu đi ngang qua” (Ga 1,35-36).

Điều rất ấn tượng ở đây là thọat nghe Gioan giới thiệu “Đây là Chiên Thiên Chúa”, hai ông Anrê và Simon đã không do dự, ngần ngại, nhưng “liền đi theo Đức Giêsu” (Ga 1,37). Và khi Đức Giêsu quay lại thấy hai ông lẽo đẽo đi theo mình, thì hỏi : “Các anh tìm gì thế?” Họ đáp : “Thưa Rápbi (nghiã là thưa Thầy), Thầy ở đâu? ”. Người bảo họ : “Đến mà xem!. Họ đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy. Lúc đó vào khoảng giờ thứ mười” (Ga 1,38-39).

Qủa thực, thánh sử Gioan vừa kể cho chúng ta nghe câu chuyện  gặp gỡ của một tình yêu thuộc dạng “sấm sét” giữa Đức Giêsu và hai anh em ông Anrê, Simon, và tình yêu sấm sét ấy đã  không khác những “tiếng sét ái tình” thi thoảng xẩy ra trong đời thường làm hai người nam nữ chỉ mới thoạt nhìn, thoáng gặp đã “say nắng, phải lòng”, yêu nhau đắm đuối cuồng nhiệt.

Là tình yêu sấm sét, bởi chỉ thoáng thấy Đức Giêsu đi ngang qua, hai ông Anrê, Simon đã náo nức, nôn nao muốn đi theo Ngài ngay, như lời đề nghị của Gioan Tiền Hô, và không chờ thầy mình dứt lời giới thiệu về Đức Giêsu, hai ông đã khấp khởi nhanh chóng rời bỏ Gioan đi theo Đức Giêsu, dù Ngài chưa biểu lộ đồng tình, đồng ý. Bằng chứng là khi “quay lại, Đức Giêsu mới thấy các ông đi theo mình” (Ga 1,38), và hỏi : “Các anh tìm gì thế?”

Là tiếng sét ái tình, hai ông đã không trả lời câu hỏi của Đức Giêsu, nhưng đáp lại bằng đặt cho Ngài một câu hỏi  khác chỉ dành cho người đã yêu, đang yêu : “Thầy ở đâu? ”, bởi các ông đâu cần tìm gì hay tìm ai nữa, vì đã được gặp Đức Giêsu, đối tượng lý tưởng của tình yêu, Đấng chỉ trong một giây ngắn ngủi đã chiếm trọn trái tim và cuộc đời các ông.

Không trả lời thẳng câu hỏi của Đức Giêsu là cách tỏ tình trực tiếp, tế nhị, và sâu sắc của hai ông với Ngài, bởi chỉ những người yêu nhau da diết, nồng nàn mới hỏi thăm, tìm đến “nơi ăn chốn ở” của nhau, vì nhớ nhau, và để được ở với nhau, chung nhau một đời sống. Và tình yêu sấm sét ấy đã được Đức Giêsu ân tình, qủang đại và cởi mở đáp lại khi trìu mến bảo hai ông : “Đến mà xem!”.

Như hai anh em Anrê và Simon là những tông đồ đầu tiên được tình yêu Đức Giêsu chiếm hữu và thúc đẩy ngay phút đầu gặp gỡ, chúng ta cũng sẽ được Đức Giêsu quay lại nhìn và hỏi han, mời gọi, nếu chúng ta thành tâm và kiên nhẫn đi tìm Ngài, vì Ngài không bỏ quên, từ chối ai, cũng không dửng dưng lạnh lùng trước bất cứ người nào ngỏ lời yêu mến và muốn đi theo Ngài.

Như hai anh em Anrê, Simon đã gặp được Đức Giêsu, Lẽ Sống và Gia Nghiệp đời mình, vì nghe lời Gioan Tiền Hô, chúng ta cũng cần những người khôn ngoan hướng dẫn, dìu dắt, giới thiệu, bởi Thiên Chúa cần con người để cứu độ con người, và muốn mọi người biết đồng hành với nhau trên hành trình đi tìm Ngài.

Và như Gioan Tiền Hô đã không giữ cho mình hai môn đệ Anrê, Simon, nhưng vui vẻ giới thiệu Đức Giêsu cho các môn đệ của mình, và sẵn lòng để họ bỏ mình đi theo Ngài, đúng vai trò Tiền Hô, và sứ vụ “dọn đường, chuẩn bị cho Thiên Chúa đến”, với ý thức và tâm nguyện : “Người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi” (Ga 1,30), “tôi không đáng cởi quai dép cho Người” (Ga 1,27), và như thế, “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ đi” (Ga 3,30), chúng ta cũng cần biết từ bỏ mình, quên mình, xóa mình cho vinh danh Chúa.

Xin Chúa cho chúng ta tình yêu nồng nàn như tình yêu “sấm sét” của hai tông đồ Anrê, Simon, và lòng khiêm tốn sâu thẳm của Gioan Tẩy Giả, vị Tiền Hô của Đấng Cứu Thế, bởi chỉ với tình yêu cháy bỏng, quyết liệt và trái tim khiêm nhường, chúng ta mới được Chúa biến đổi để  trở thành những cộng sự viên trung tín, và đắc lực của Đức Giêsu trên cánh đồng truyền giáo.

5. ĐÂY LÀ CHIÊN THIÊN CHÚALm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Nếu Chúa nhật lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa, lời Chúa mời gọi chúng ta sống sao cho xứng đáng làm con Thiên Chúa, thì Chúa nhật này, lời Chúa mời gọi chúng ta đặt mình vào vị trí của nhóm môn đệ Gioan Tẩy Giả, nhất là của chính Gioan để thấy được kế hoạch của Thiên Chúa đối với nhân loại.

Tin Mừng hôm nay trình bày Gioan Tẩy Giả thật đúng với sứ mạng của ông là chỉ cho mọi người biết Đấng Cứu Thế : Khi ấy, Gioan đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông nhìn theo Chúa Giêsu đang đi mà nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa” (Ga 1, 35). “Chúa Giêsu đang đi và Gioan nói”, là một hành động diễn tả sự liên tục giữa Giao ước cũ với Giao ước mới, vì Gioan Tẩy Giả đã không nói về chính mình, lời của ông được rút ra từ Cựu Ước đan vào nhau để làm sáng tỏ các mầu nhiềm. Năm Phụng vụ mới bắt đầu, Gioan Tẩy Giả thấy sự huy hoàng rực rỡ của Giao Ước mới đang ló rạng thì giới thiệu cho môn sinh : “Đây là Chiên Thiên Chúa”(Ga 1, 35).

Đây là Chiên Thiên Chúa

Gioan Tẩy Giả khẳng định, Chúa Giêsu là Chiên duy nhất chết thay cho đoàn chiên là nhân loại chúng ta. Không những thế, Người còn phục hồi tất cả những người sống trên trần gian này và cứu chuộc mang về cho Thiên Chúa Cha. Một người chết thay cho toàn dân, để tất cả vâng phục Thiên Chúa; chỉ một mình Người đã chịu chết để cứu chuộc muôn người… Thật thế, con người đã trở nên hư hỏng, sống trong tội lỗi và đây là lý do tại sao Chúa Cha đã cho Con của Ngài tới làm giá chuộc tội cho toàn dân ( Ga 3,16 ), vì Người là đầu và tất cả mọi sự ở trong Người. Để tất cả chúng ta sống trong Người, Người đã vui lòng chịu chết và hiến tế vì chúng ta, Người đã chết thay cho chúng ta, và sống lại vì chúng ta. Người là Chiên thật xóa bỏ tội trần gian.

Gioan là mẫu người tìm Chúa và giới thiệu Chúa

Gioan Tẩy Giả là một tiên tri, biết nhận ra Thiên Chúa giữa loài người. Chúa Giêsu là Lời Thiên Chúa mặc khải trong xác phàm, Lời làm người để cứu chuộc nhân loại. Gioan là tiếng, ông là người lồng tiếng truyền đi sứ điệp mà ông đã được ủy thác. Sứ điệp Gioan truyền là một công thức tuyệt đẹp và độc đáo, được lặp đi lặp lại ở tất cả các Bí tích Thánh Thể, được thể hiện dưới ánh mắt thân mật và yêu thương nhất của Thiên Chúa : “Đây là Chiên Thiên Chúa”(Ga 1, 35). Đây sự tuyển chọn Abraham và giao ước với nhà Đavid, đây là người Tôi Tớ đau khổ và là Chiên Vượt Qua. Đây là Đấng Cứu Thế muôn dân mong đợi. Đây là Con Thiên Chúa.

Gioan không nói như là tiếng vọng của tiên tri Isaia, nhưng ông đã viết lời tiên tri một lần nữa và tham gia việc thực hiện lời hứa. Ông đã sống đến cùng ơn gọi của mình là chỉ cho mọi người biết Chúa Giêsu là Chiên Thiên Chúa.

Noi gương Gioan sống chứng nhân

Con người tìm Thiên Chúa, Thiên Chúa đáp trả, con người lại tiếp tục giới thiệu Chúa cho tha nhân, nên câu hỏi :”Thưa Thầy, Thầy ở đâu?” (Ga 1, 38). là câu hỏi mà hai anh em nhà Anrê và Simon Phêrô sau khi được thầy Gioan giới thiệu đã hỏi Chúa. Khuynh hướng tự nhiên nơi tâm hồn con người là đi tìm Chúa, và Thiên Chúa luôn luôn mau mắn đáp trả, mời gọi con người đến gặp Người: “Hãy đến mà xem” (Ga 1, 39)..

Hai chàng thanh niên hỏi, rồi một câu trả lời có tính cách như là một lời mời gọi. Khi nghe những lời chỉ dẫn đó, hai môn đệ của Gioan Tẩy Giả liền theo Chúa Giêsu. Phải chăng đây là một biến cố đầy ý nghĩa? Khi Chúa Giêsu hỏi : “Các ngươi tìm gì?” (Ga 1, 38) thì hai môn đệ trả lời cũng bằng một câu hỏi: “Thưa Thầy, thầy ở đâu?” (Ga 1, 38). Và Chúa Giêsu trả lời : “Hãy đến mà xem”. Họ đã đến và xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy, lúc đó độ chừng giờ thứ mười (Ga 1, 39). Họ trở thành những môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu. Đến lượt Anrê, Anrê lại dẫn anh mình là Simon Phêrô đến với Chúa Giêsu.

Khi trình bày lại cuộc gặp gỡ nầy với Chúa Giêsu, phụng vụ ngày hôm nay muốn chứng tỏ điều trọng nhất trong đời sống chúng ta. Hỏi là kết quả của cuộc kiếm tìm. Con người đi tìm Thiên Chúa. Con người, tận trong thâm tâm, hiểu rằng cuộc kiếm tìm này là định luật nội tại của cuộc sống. Con người đi tìm đường đi trong thế giới hữu hình, và qua thế giới hữu hình, con người đi tìm cái vô hình trong cuộc hành trình thiêng liêng của mình.

Mượn lời vịnh gia, mỗi người trong chúng ta có thể thân thưa với Chúa : “Lạy Chúa, con đi tìm nhan thánh Chúa; xin đừng ẩn mặt xa con” (Tv 27. 26, 8-9). Mỗi người trong chúng ta có một lịch sử cá nhân riêng và mang trong mình khát vọng muốn thấy nhan Thiên Chúa, một ước vọng mà người ta cảm thấy cùng với việc khám phá thế giới tạo vật.

Chúng ta hỏi Chúa : “Thưa Thầy, Thầy ở đâu?” (Ga 1, 38). Giáo Hội trả lời cho chúng ta mỗi ngày rằng: Chúa Kitô hiện diện trong bí tích Thánh Thể, bí tích của sự chết và sống lại, trong và nhờ bí tích này, chúng ta nhận ra Thiên Chúa sống động trong lịch sử con người.

Câu trả lời cho câu hỏi: “Thưa Thầy, thầy ở đâu?” Còn cần phải được nghe như sau : Thầy ở trong tất cả mọi người được cứu chuộc. Ðúng vậy, Chúa Kitô, Ðấng có những lời ban sự sống đời đời, Ðấng là “Ðầu của Dân mới và phổ quát của tất cả những con cái của Thiên Chúa” (LG số 13), hiện diện trong dân Người. Gioan đã làm chứng và giải thích về sự nhận biết và tôn thờ cũng như đón nhận Lời để thông phần vinh quan với Lời; hành động đức tin biến chúng ta thành người tôi tớ hợp nhất với người môn đệ dưới chân Thánh Giá : “Đây là Chiên Thiên Chúa “(Ga 1, 35). Đến lượt chúng ta, là thành phần của Giáo hội, thành phần sống động và có trách nhiệm, hãy là những đồ đệ và là những chứng nhân của Chúa Kitô, Ðấng mạc khải Thiên Chúa Cha. Hãy sống trong sự hiệp nhất của Chúa Thánh Thần, Ðấng ban sự sống. Amen.

Tổng hợp – Sưu tầm

 

 

 

 

 

 

Có thể bạn quan tâm