Suy Niệm Chúa Nhật II Phục Sinh C – Chúa Là Đấng Giàu Lòng Thương Xót

51 lượt xem

Chúa Nhật II Phục Sinh. Cuối tuần Bát Nhật Phục Sinh

Bài đọc 1     Cv 5,12-16

Càng ngày càng có thêm nhiều người tin theo Chúa ; cả đàn ông đàn bà rất đông.

Bài trích sách Công vụ Tông Đồ.

12 Hồi ấy, nhiều dấu lạ điềm thiêng được thực hiện trong dân, nhờ bàn tay các Tông Đồ.

Mọi tín hữu đều đồng tâm nhất trí, thường hội họp tại hành lang Sa-lô-môn. 13 Không một ai khác dám nhập đoàn với họ. Nhưng dân thì lại ca tụng họ. 14 Càng ngày càng có thêm nhiều người tin theo Chúa : cả đàn ông đàn bà rất đông.

15 Người ta còn khiêng cả những kẻ đau ốm ra tận đường phố đặt trên giường trên chõng, để khi ông Phê-rô đi qua, ít ra cái bóng của ông cũng phủ lên được một bệnh nhân nào đó. 16 Nhiều người từ các thành chung quanh Giê-ru-sa-lem cũng lũ lượt kéo đến, đem theo những kẻ ốm đau cùng những người bị thần ô uế ám, và tất cả đều được chữa lành.

Đáp ca     Tv 117,2-4.22-24.25-27a (Đ. c.1) 

Đ.Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ,
muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.

2Ít-ra-en hãy nói lên rằng :
muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.
3Nhà A-ha-ron hãy nói lên rằng :
muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.
4Ai kính sợ Chúa hãy nói lên rằng :
muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.

Đ.Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ,
muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.

22Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ
lại trở nên đá tảng góc tường.
23Đó chính là công trình của Chúa,
công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta.
24Đây là ngày Chúa đã làm ra,
nào ta hãy vui mừng hoan hỷ.

Đ.Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ,
muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.

25Lạy Chúa, xin ban ơn cứu độ,
lạy Chúa, xin thương giúp thành công.
26Nguyện xin Chúa tuôn đổ phúc lành
cho người tiến vào đây nhân danh Chúa.
Từ nhà Chúa, chúng tôi chúc lành cho anh em.
27aĐức Chúa là Thượng Đế, Người giãi sáng trên ta.

Đ.Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ,
muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.

Bài đọc 2     Kh 1,9-11a.12-13.17-19

Ta đã chết, và nay Ta sống đến muôn thuở muôn đời.

Bài trích sách Khải huyền của thánh Gio-an tông đồ.

9 Tôi là Gio-an, một người anh em của anh em, tôi cùng chia sẻ nỗi gian truân, cùng hưởng vương quốc và cùng kiên trì chịu đựng với anh em trong Đức Giê-su. Lúc ấy, tôi đang ở đảo gọi là Pát-mô, vì đã rao giảng Lời Thiên Chúa và lời chứng của Đức Giê-su. 10 Tôi đã xuất thần vào ngày của Chúa và nghe đằng sau tôi có một tiếng lớn như thể tiếng kèn 11a nói rằng : “Điều ngươi thấy, hãy ghi vào sách và gửi cho bảy Hội Thánh.” 12 Tôi quay lại để xem tiếng ai nói với tôi. Khi quay lại, tôi thấy bảy cây đèn vàng. 13 Ở giữa các cây đèn, có ai giống như Con Người mình mặc áo chùng và ngang ngực có thắt đai bằng vàng.

17 Lúc thấy Người, tôi ngã vật xuống dưới chân Người, như chết vậy. Người đặt tay hữu lên tôi và nói : “Đừng sợ ! Ta là Đầu và là Cuối. 18 Ta là Đấng Hằng Sống, Ta đã chết, và nay Ta sống đến muôn thuở muôn đời ; Ta giữ chìa khoá của Tử thần và Âm phủ. 19 Vậy ngươi hãy viết những gì đã thấy, những gì đang diễn ra và những gì sẽ xảy ra sau này.”

Tung hô Tin Mừng   x. Ga 20,29

Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a.

Chúa nói : “Này anh Tô-ma, vì đã thấy Thầy nên anh mới tin.
Phúc thay những người không thấy mà tin.”

Ha-lê-lui-a.

Tin Mừng hôm nay

Tám ngày sau, Đức Giê-su đến.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.       Ga 20,19-31

19 Vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói : “Bình an cho anh em !” 20 Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. 21 Người lại nói với các ông : “Bình an cho anh em ! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.” 22 Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo : “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. 23 Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha ; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.”

24 Một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tô-ma, cũng gọi là Đi-đy-mô, không ở với các ông khi Đức Giê-su đến. 25 Các môn đệ khác nói với ông : “Chúng tôi đã được thấy Chúa !” Ông Tô-ma đáp : “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.” 26 Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giê-su lại có mặt trong nhà, có cả ông Tô-ma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói : “Bình an cho anh em.” 27 Rồi Người bảo ông Tô-ma : “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.” 28 Ông Tô-ma thưa Người : “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con !” 29 Đức Giê-su bảo : “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin !”

30 Đức Giê-su đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ ; nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này. 31 Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để nhờ tin mà được sự sống nhờ danh Người.

Chúa Là Đấng Giàu Lòng Thương Xót

1. Chúa Phục Sinh, chuyện có một không hai

Câu chuyện đã xảy ra cách đây hơn 2000 năm mà chúng ta đang tưởng nhớ và cử hành hôm nay là câu chuyện Đức Giêsu thành Nadarét chết và sống lại, chuyện thật như bịa, chuyện có một không hai trong lịch sử nhân loại, chuyện quá mới mẻ gây ngạc nhiên đến mức không thể tưởng tượng, không thể tin nổi!

Quả thế, sau khi thấy thầy Giêsu bị treo trên cây thập giá và chết một cách nhục nhã đau đớn, các Tông Đồ trong đó có Tôma thất vọng và bỏ cuộc. Niềm tin của họ bị khủng hoảng. Chỉ có con đường duy nhất là “về vườn” để kiếm sống. Việc Chúa sống lại là chuyện “động trời,” không ai dám nghĩ tới.

Tuy nhiên, chính Đấng Phục Sinh đã hiện ra với các phụ nữ, với hai môn đệ trên đường Emmau, và với nhiều Tông Đồ khác khi họ họp mặt. Trong những lần đó, Tôma (biệt danh là Điđimô) không có mặt. Họ kể lại:

“Chúng tôi đã được thấy Chúa” (Ga 20,22).

Nhưng Tôma vẫn không tin nếu không trực tiếp nhìn thấy các dấu đinh của Người (x. Ga 20,24). Tám ngày sau, họ lại họp nhau và có Tôma ở đó. Chúa hiện ra và tỏ cho ông thấy các dấu đinh. Tôma mới tin và tuyên xưng:

“Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con” (Ga 20,29).

2. Ý nghĩa của biến cố phục sinh

Qua biến cố phục sinh, chúng ta rút ra những ý nghĩa sau đây:

1) Việc Chúa Giêsu chết bày tỏ tình thương vô bờ bến của Thiên Chúa. Còn việc Chúa sống lại minh chứng quyền năng cứu độ của Người. Thiên Chúa chiến thắng sự dữ và thần chết. Nhờ sự vâng phục, Đức Kitô được Thiên Chúa Cha siêu thăng, tặng ban danh hiệu là “Đức Chúa và là Đấng cứu độ duy nhất và phổ quát” của nhân loại. Ngoài Người ra, không ai đem lại ơn cứu độ cho chúng ta (x. Cv 4,12).

Vì thế, trong Thông Điệp Dives in Misericordia, thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói:

“Chúa Giêsu Kitô bị hành hạ và chịu đau khổ vì xót thương chúng ta, thật quá mọi mức độ có thể tưởng nghĩ được. Cả sau biến cố phục sinh, thập giá không ngừng nói về Thiên Chúa là Cha, Ðấng tuyệt đối trung thành với tình thương muôn đời của Người đối với con nguời. Tin vào tình thương này có nghĩa là tin vào lòng nhân từ của Thiên Chúa” (số 7).

2) Đức Kitô Phục Sinh củng cố niềm tin cho các môn đệ và cho chúng ta. Như thánh Phaolô quả quyết:

“Nếu Đức Kitô đã không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng” (1 Cr 15,14).

Nếu Chúa không sống lại, sẽ không có Giáo Hội và không có cộng đoàn chúng ta như hôm nay.

3) Đức Kitô Phục Sinh chính là sứ giả Lòng Thương Xót của Chúa. Người mang đến cho các môn đệ và cho chúng ta những ân huệ mới, đó là sự bình an, Chúa Thánh Thần và ơn tha thứ.

Vì thế, mỗi lần Chúa hiện ra đều nói: “Bình an cho anh em” (Ga 20,21). Có Chúa Phục Sinh là có sự bình an. Có bình an là có tất cả. Sự bình an này quý giá, giúp chúng ta vững vàng trước mọi gian nan thử thách.

Đức Giêsu thổi hơi và bảo:

“Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20,22).

Chúng ta nhớ lại, khi sáng tạo con người, Thiên Chúa thổi hơi vào Ađam, nhờ đó, ông có sự sống. Cũng vậy, trong những lần hiện ra, Đấng Phục Sinh thổi hơi và ban Thánh Thần cho các Tông Đồ, để họ có sự sống mới. Đây quả là cuộc tạo dựng mới. Chúa Thánh Thần là quà tặng của Đấng Phục Sinh. Việc Chúa “thổi hơi và ban Thánh Thần” là ban cho Giáo Hội sự sống mới và sức mạnh mới.

Đấng Phục Sinh còn sai Giáo Hội ra đi với quyền tha tội:

“Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha” (Ga 20,23).

Tha thứ là dấu chỉ rõ ràng về lòng thương xót vô bờ bến của Chúa, được thể hiện qua bí tích Hòa Giải.

3. Sứ giả của Lòng Chúa Thương Xót

Chúa Nhật II Phục Sinh là Chúa Nhật kính Lòng Thương Xót của Chúa. Một ngày nọ, Chúa Giêsu đã nói với nữ tu Faustina Kowalska, sứ giả của Lòng Thương Xót, rằng:

“Nhân loại sẽ không có hòa bình cho đến khi biết tin vào Lòng Thương Xót của Chúa” (Nhật Ký, 300).

Lòng Thương Xót là tặng phẩm mà Giáo Hội nhận từ Đức Kitô Phục Sinh và trao ban cho nhân loại ngay khi khởi đầu thiên niên kỷ thứ ba. Mầu nhiệm của Lòng Thương Xót đã thay đổi tận gốc số phận của nhân loại.

Thánh nữ Faustina thấy phát ra hai tia sáng từ Thánh Tâm Chúa chiếu tỏa thế gian một cách dịu dàng. Theo lời Chúa giải thích cho thánh nữ: “Hai tia sáng này tượng trưng cho máu và nước.” Máu nhắc lại hy tế trên đồi Golgotha và mầu nhiệm Thánh Thể; còn nước, theo hình ảnh phong phú của thánh sử Gioan, là bí tích Rửa Tội và hồng ân Chúa Thánh Thần (x. Ga 3,5.4,14). Những tia sáng từ lòng nhân từ Chúa ban là niềm hy vọng đặc biệt cho những ai cảm thấy mình bị đè bẹp dưới gánh nặng của tội lỗi.

Mỗi Chúa Nhật đều là Chúa Nhật Lòng Thương Xót. Mỗi thánh lễ là nguồn mạch của Lòng Thương Xót. Bởi vì, thánh lễ tái hiện cuộc tử nạn và phục sinh của Đức Kitô để đền bù tội lỗi của chúng ta và toàn thế giới. Chúng ta được mời gọi hãy đến với Chúa Giêsu Thánh Thể để đón nhận Lòng Thương Xót của Chúa. Hãy đến với bí tích Hòa Giải để lãnh nhận ơn tha thứ của Thiên Chúa. Nếu có ai cảm thấy mình quá yếu đuối và tội lỗi, thì hãy nhớ đến Lòng Thương Xót của Chúa bao giờ cũng lớn lao hơn tội lỗi chúng ta. Chỉ có Lòng Thương Xót của Chúa ban cho chúng ta hy vọng trỗi dậy và tiến bước. Chúng ta hãy tín thác vào Chúa, đừng bao giờ sợ hãi, đừng bao giờ thất vọng!

Lạy Chúa, nhờ sự chết và sự sống lại, Chúa đã mạc khải Lòng Thương Xót của Chúa cho loài người. Chúng con tín thác vào Chúa: Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa. Xin thương xót chúng con và toàn thế giới. Amen!

Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương

Có thể bạn quan tâm