Sứ điệp Đức Thánh Cha Phanxicô nhân Ngày Lương thực Thế giới năm 2023

1243 lượt xem

Hôm 16.10, nhân Ngày Lương thực Thế giới 2023, Đức Thánh Cha đã gởi một Sứ điệp đến ông Qu Dongyu, Tổng giám đốc Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO), có trụ sở tại Roma, Italia. Vào năm 1979, Tổ chức FAO đã chỉ định ngày 16.10 hàng năm là Ngày Lương thực Thế giới, nhằm nâng cao nhận thức về nạn đói và hành động vì tương lai của lương thực, con người, và hành tinh. Từ đó đến nay, Ngày Lương thực Thế giới đã được tổ chức tại hơn 150 quốc gia, biến ngày này trở thành một trong những ngày được tổ chức rộng rãi nhất trong lịch của Liên hiệp quốc. Sau đây là nội dung Sứ điệp của Đức Thánh Cha:

SỨ ĐIỆP ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
NHÂN NGÀY LƯƠNG THỰC THẾ GIỚI 2023

Kính gửi: Ông Qu Dongyu, Tổng Giám đốc FAO

Thưa ngài Tổng giám đốc,

Ngày Lương thực Thế giới được cử hành vào thời điểm mà nhiều anh chị em của chúng ta đang phải chịu cảnh nghèo đói và tuyệt vọng. Thật vậy, tiếng kêu than thống thiết và tuyệt vọng của người nghèo phải đánh thức chúng ta khỏi trạng thái hôn mê đang bao trùm chúng ta, và thách thức lương tâm chúng ta. Thảm trạng đói kém và suy dinh dưỡng gây tổn thương nghiêm trọng cho rất nhiều người là kết quả của sự tích luỹ bất công và bất bình đẳng khiến nhiều người bị đẩy ra bên lề cuộc sống trong khi một số ít lại tận hưởng lối sống phô trương và xa hoa. Điều này không chỉ áp dụng cho lương thực, mà còn cho tất cả các nguồn tài nguyên cơ bản, mà đối với nhiều người, việc không thể tiếp cận được nguồn tài nguyên này là một sự xúc phạm đến phẩm giá vốn có mà Thiên Chúa ban tặng cho họ. Đây thực sự là một sự sỉ nhục khiến toàn thể nhân loại phải xấu hổ và huy động cộng đồng quốc tế.

Theo nghĩa này, chủ đề trọng tâm của các suy tư của Ngày Lương thực Thế giới năm nay là “Nước là sự sống, nước là lương thực. Không để ai bị bỏ lại phía sau”, mời gọi chúng ta nêu bật giá trị không thể thay thế của nguồn tài nguyên này đối với mọi sinh vật trên hành tinh, và từ đó dẫn tới sự cấp thiết của việc lập kế hoạch và thực hiện quản lý nguồn nước một cách khôn ngoan, cẩn thận và bền vững, để mọi người đều có thể tận hưởng và thỏa mãn những nhu cầu thiết yếu của mình, đồng thời có thể hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển con người một cách thỏa đáng, không loại trừ bất kỳ ai.

Nước là sự sống vì nó đảm bảo sự sống còn; tuy nhiên, nguồn tài nguyên này hiện đang bị đe dọa bởi những thách thức nghiêm trọng cả về số lượng lẫn chất lượng. Tại nhiều nơi trên hành tinh, anh chị em chúng ta bị bệnh tật hoặc bị chết vì thiếu hoặc khan hiếm nước uống. Hạn hán do biến đổi khí hậu đang khiến nhiều khu vực rộng lớn trở nên cằn cỗi và gây thiệt hại nặng nề cho hệ sinh thái và các quần thể. Việc quản lý tài nguyên nước một cách tùy tiện, việc sử dụng nguồn nước cách sai trái, và việc gây ô nhiễm, đặc biệt gây tổn hại cho người nghèo và là một sự sỉ nhục đáng xấu hổ mà khi đối diện với nó chúng ta không thể tiếp tục thờ ơ. Trái lại, chúng ta phải khẩn trương thừa nhận rằng “việc tiếp cận nguồn nước uống an toàn là một quyền thiết yếu, cơ bản, và phổ quát của con người, bởi vì nó quyết định sự sống còn của con người và vì thế, là điều kiện để thực hiện các quyền con người khác” (Thông điệp Laudato si’, số 30). Do đó, cần phải đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng, mạng lưới ống dẫn, hệ thống vệ sinh và xử lý nước thải, nhất là ở những vùng nông thôn xa xôi hẻo lánh và khó khăn nhất. Điều quan trọng nữa là phát triển các mô hình giáo dục và văn hóa nhằm nâng cao nhận thức trong xã hội về sự cần thiết phải tôn trọng và bảo tồn tài sản cơ bản này. Không bao giờ được xem nước chỉ đơn thuần là một loại hàng hóa, một sản phẩm để trao đổi thương mại, hoặc một vật phẩm để đầu cơ.

Nước là lương thực vì nó cần thiết để đạt được an toàn thực phẩm, là phương tiện sản xuất, và là thành phần không thể thiếu đối với nông nghiệp. Trong trồng trọt, cần phát huy các chương trình hiệu quả chống rò rỉ đường ống tưới nông nghiệp; sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hữu cơ, và vô cơ không gây ô nhiễm nguồn nước; đồng thời thúc đẩy các biện pháp bảo vệ sự sẵn có của nguồn tài nguyên nước nhằm ngăn chặn tình trạng thiếu nước nghiêm trọng trở thành nguyên nhân gây xung đột giữa các cộng đồng, các dân tộc, và các quốc gia. Hơn nữa, sự đổi mới khoa học công nghệ và kỹ thuật số phải phục vụ sự cân bằng bền vững giữa tiêu dùng và các nguồn tài nguyên sẵn có, tránh những tác động tiêu cực đến hệ sinh thái và những thiệt hại không thể khắc phục được đối với môi trường. Vì lý do này, các tổ chức quốc tế, chính phủ, xã hội dân sự, doanh nghiệp, tổ chức học thuật và nghiên cứu cũng như các cơ quan khác phải hợp lực và thống nhất ý tưởng để nước trở thành di sản của mọi người, được phân phối và quản lý tốt hơn một cách bền vững và hợp lý.

Cuối cùng, việc cử hành Ngày Lương thực Thế giới cũng là lời nhắc nhở rằng chúng ta phải chống lại văn hóa vứt bỏ cách triệt để bằng những hành động dựa trên sự hợp tác có trách nhiệm và trung thành của tất cả mọi người. Thế giới của chúng ta quá phụ thuộc lẫn nhau và không thể bị phân chia thành các khối gồm các quốc gia thúc đẩy lợi ích của họ một cách giả tạo và lệch lạc. Thay vào đó, chúng ta được mời gọi suy nghĩ và hành động theo tinh thần cộng đồng, liên đới, ưu tiên cuộc sống của mọi người hơn việc chiếm đoạt tài sản bởi một số người.

Thưa ngài Tổng Giám đốc, thật không may là hiện nay chúng ta đang chứng kiến một sự phân cực đáng hổ thẹn trong quan hệ quốc tế do những cuộc khủng hoảng và xung đột đang diễn ra. Các nguồn tài chính khổng lồ và công nghệ tiên tiến trong khi có thể được sử dụng để biến nước thành nguồn sống và tiến bộ cho tất cả mọi người thì lại đang bị chuyển hướng sang sản xuất và buôn bán vũ khí. Chưa bao giờ việc trở thành những người thúc đẩy đối thoại và kiến tạo hòa bình lại cấp bách đến thế. Giáo hội không bao giờ mệt mỏi trong việc gieo trồng những giá trị có khả năng xây dựng một nền văn minh tìm thấy trong tình yêu thương, sự tôn trọng và giúp đỡ lẫn nhau như một chiếc la bàn để hướng dẫn bước đi của mình, trên hết là hướng tới những anh chị em đang đau khổ nhất, chẳng hạn như những người đói khát.

Với những mong muốn này, khi cảm ơn Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc vì tất cả những gì tổ chức thực hiện để thúc đẩy phát triển nông nghiệp, dinh dưỡng lành mạnh, và đầy đủ cho mọi người, cũng như việc sử dụng nước bền vững, tôi cầu xin muôn vàn phúc lành từ trời cao trên tất cả những ai nỗ lực xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn và huynh đệ hơn.

Từ Vatican, ngày 16. 10. 2023

PHANXICÔ

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: vatican.va (16. 10. 2023)

Có thể bạn quan tâm

Trả lời