Sứ điệp của Đức thánh cha nhân Ngày Thế Giới truyền thông xã hội 2019

945 lượt xem

ĐTC kêu gọi dùng các mạng xã hội để kiến tạo tình hiệp thông, với ý thức chúng ta cùng họp thành một thân thể và là chi thể của nhau, và thay vì dùng các phương diện này để chia rẽ, gây oán ghét và thù hận, dựa trên sự dối trá.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong sứ điệp công bố hôm 24-1-2019, lễ kính thánh Phanxicô đệ Salê, bổn mạng giới ký giả, nhân Ngày Thế Giới truyền thông xã hội sẽ được cử hành vào chúa nhật 2-6 năm nay với chủ đề “Chúng ta là chi thể của nhau” (Ep 4,25). “Từ các cộng đoàn mạng xã hội đến cộng đoàn nhân loại”.

Tầm quan trọng, khía cạnh tích cực và tiêu cực của mạng xã hội

Trong sứ điệp, ĐTC ghi nhận tầm quan trọng và sự lan rộng của internet và các mạng xã hội trong đời sống con người ngày nay. Đó là nguồn kiến thức và những tương quan giữa con người với nhau. Tuy nhiên, cũng không thiếu những khía cạnh tiêu cực do các mạng xã hội. Đó là nơi dễ bị những tin tức giả mạo và xuyên tạc xâm nhập và lan tràn; các dữ kiện cá nhân nhiều khi bị lèo lái để mưu những lợi lộc về chính trị hoặc kinh tế, không tôn trọng nhân vị và các quyền của họ.

Biểu tượng “mạng” (network)

ĐTC đi từ hình ảnh “mạng” để tiến tới hình ảnh “cộng đoàn” như một mạng liên đới, trong đó con người được mời gọi lắng nghe và đối thoại, dựa trên sự sử dụng ngôn ngữ trong tinh thần trách nhiệm. Ngài cảnh giác rằng cộng đoàn mạng xã hội không nhất thiết đồng nghĩa với cộng đoàn con người, vì cộng đoàn mạng xã hội nhiều khi chỉ là một tập hợp những cá nhân biết nhau quanh những sở thích, quan tâm, hoặc những đề tài, mối liên hệ đó yếu ớt. Ngoài ra, quá nhiều khi trong các mạng xã hội, căn tính dựa trên sự đối nghịch đối với người khác, hoặc với các nhóm khác: người ta tự định nghĩa đi từ những gì chia rẽ hơn là những gì liên kết, tạo nên những ngờ vực và đủ loại thành kiến về chủng tộc, phái tính, tôn giáo, v.v. Xu hướng này nuôi dưỡng những nhóm loại trừ sự khác biệt, nuôi dưỡng cá nhân chủ nghĩa vô độ, và rốt cuộc cổ võ cái vòng lẩn quẩn oán ghét.

Sứ điệp của ĐTC cũng cảnh giác chống lại sự tự cô lập qua các nạng xã hội, có hiện tượng những người trẻ trở thành “những ẩn sĩ xã hội”, trở nên hoàn toàn xa lạ với xã hội chung quanh.

Biểu tượng thân mình và các chi thể

Trong bối cảnh trên đây, ĐTC dùng hình ảnh thân mình và các chi thể mà Thánh Phaolô đã dùng để nói về những quan hệ hỗ tương giữa con người. Ngài viết cho các tín hữu thành Ephêsô: “Anh chị em hãy bài trừ dối trá và mỗi người hãy nói sự thật với tha nhân, vì chúng ta là chi thể của nhau” (Ep 4,25).

Bài trừ dối trá và hãy nói sự thật

“Là chi thể của nhau chính là động lực sâu xa khiến thánh Tông Đồ nhắn nhủ hãy bài trừ gian dối và hãy nói sự thật: nghĩa vụ bảo tồn sự thật phát sinh từ đòi hỏi không được phủ nhận tương quan hiệp thông với nhau. Thực vậy, sự thật được tỏ lộ trong tình hiệp thông. Trái lại dối trá là sự phủ nhận, do ích kỷ, không nhìn nhận mình thuộc về thân mình; đó là phủ nhận không hiến mình cho tha nhân, và như thế là đánh mất con đường duy nhất để tìm lại chính mình” (Rei 24-1-2019).

G. Trần Đức Anh OP

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận