Nữ tu Shalini Mulackal dấn thân cho người Dalit ở Ấn Độ

930 lượt xem

Sơ Shalini Mulackal là nữ chủ tịch đầu tiên của Hiệp hội Thần học Ấn Độ. Sơ đã viết nhiều bài báo tập trung vào việc trao quyền cho phụ nữ trong Giáo hội và trong xã hội, và rất quan tâm đến các vấn đề xã hội có ảnh hưởng đến người nghèo nói chung và phụ nữ nói riêng.

Ngọc Yến – Vatican News

Phụ nữ chủ tịch đầu tiên của các thần học gia

Sơ Shalini là thành viên của Hội Thần học Ấn Độ và được chọn làm nữ chủ tịch đầu tiên của Hiệp hội nhiệm kỳ 2014-2017. Mặc dù trước đó đã có nhiều nữ tu đã hoàn thành các nghiên cứu như sơ nhưng đa số không tham gia vào các hoạt động công khai. Vì thế trong lĩnh vực nữ quyền của đất nước, số phụ nữ tham gia rất ít. Rất ít nữ giáo dân được đào tạo trong lĩnh vực thần học.

Nữ quyền

Theo sơ, một nhà nữ quyền là người nhận thức được tình trạng bị áp bức mà phụ nữ đang phải trải qua và là người làm một điều gì đó để thay đổi tình trạng này. Chính khi nghiên cứu thần học mà sơ nhận ra rằng phụ nữ Ấn Độ chỉ ở vị trí thứ yếu trong xã hội, cùng với những đối xử tàn bạo đối với phụ nữ và trẻ nữ. Xã hội và Giáo hội Ấn coi vấn đề phụ nữ phải phục tùng nam giới là “bình thường”. Qua việc giảng dạy và các bài viết, sơ tiếp tục nâng cao nhận thức, đặc biệt đối với những người đang theo học để trở thành linh mục và nữ tu.

Nghiên cứu về người Công giáo Dalit

Hiện nay, sơ là chủ tịch Trung tâm nghiên cứu Dalit ở New Delhi do tiến sĩ James Massey thiết lập. Dân số người Dalit khoảng 200 triệu, là những người không có đẳng cấp trong xã hội. Họ bị phân biệt đối xử ở mọi cấp độ. Cách đây vài năm có một sinh viên đã tự sát và đã để lại một lá thư trong đó nói rằng anh đến trần gian này là một định mệnh. Sai lầm duy nhất của anh là đã sinh ra làm người Dalit. Đã có một thời gian nhiều người Dalit chuyển sang Kitô giáo vì họ tin rằng Kitô giáo không tin vào chế độ đẳng cấp và mọi người được tôn trọng như nhau. Nhưng theo sơ, thực tế ở Ấn Độ vẫn còn những Kitô hữu vẫn chưa hoàn toàn giải thoát mình khỏi não trạng  đẳng cấp, và như thế ở một số nơi người Dalit cảm thấy mình thuộc về hạng hai.

Trung tâm Nghiên cứu Dalit dưới sự điều hành của tiến sĩ James Massey đã thực hiện dự án chú giải tất cả các sách Kinh thánh, một bộ sách gồm hai mươi tập đã được hoàn thành. Sơ đã đóng góp hai tập. Chú giải Kinh thánh Dalit là cuốn đầu tiên thuộc loại này ở Ấn Độ. Mục đích là để đọc Kinh thánh từ quan điểm của thực tế Dalit và tìm cách trao quyền cho họ. Vì vậy, trong khi viết chú giải về ba cuốn sách Rut, Ester và Giuđitha, sơ tập trung vào phụ nữ Dalit và hoàn cảnh của họ. Sơ nhấn mạnh vào hành động của những người phụ nữ Dalit, như ba người phụ nữ trong Kinh thánh, những người đã chủ động cứu dân tộc của họ.

Với sinh viên trong khu ổ chuột

Trường Cao đẳng Thần học Divya Jyoti, nơi sơ đã giảng dạy từ năm 1999, nhấn mạnh vào thần học bối cảnh. Khóa học đầu tiên dành cho sinh viên năm thứ nhất được gọi là “Thần học nhập môn và phân tích văn hóa xã hội”. Ngay từ đầu, sơ đã phụ trách môn này. Trong nội bộ, trường cung cấp cho sinh viên các chương trình liên hệ trực tiếp tại Delhi.

Sơ cho biết về dự án này như sau: “Cho đến nay, chúng tôi không sống trong khu ổ chuột, nhưng tôi đã đưa học sinh đến các khu ổ chuột ở Delhi, đặc biệt những người kiếm sống ở bãi rác. Chúng tôi leo lên một cấu trúc hình ngọn đồi, thực ra là một đống rác. Khi chúng tôi lên đến đỉnh, điều ấn tượng nhất là nhìn thấy động vật và con người đang vật lộn và chiến đấu để giành lấy bất cứ thứ gì có thể lấy được khi rác thải mới được đổ ra từ các xe tải. Đó là một cảnh tượng khủng khiếp. Mùi hôi bốc lên từ chất thải thật không thể chịu nổi. Tuy nhiên, chúng tôi thấy nhiều người và cả trẻ em ở lại nơi đó cả ngày để kiếm sống. Chúng tôi cũng đến thăm một số ngôi nhà của họ nằm dưới chân ngọn đồi đó.

Không có từ ngữ nào để diễn tả sự khốn cùng mà họ đang sống. Buổi trải nghiệm để lại cho học sinh nhiều ấn tượng sâu sắc về nỗi khổ của người nghèo ở Ấn Độ. Và điều này trở thành điểm quy chiếu cho suy tư thần học của chúng tôi. Tôi cũng đưa họ đến Jantar Mantar, một nơi ở Delhi, nơi mọi người có thể đến và phản đối những sai trái khác nhau mà họ phải gánh chịu. Sinh viên tương tác với những người này. Họ có thể ở đó hàng tuần và hàng tháng để đòi hỏi quyền lợi chính đáng của họ từ chính phủ.

Gia đình và ơn gọi

Sơ Shalini Mulackal là con thứ ba trong số 10 anh chị em của một gia đình Công giáo nghi lễ Syro-Malabar ở Kerala, Ấn Độ. Tất cả lớn lên trong một gia đình đầm ấm, cùng với ông bà.

Kể về gia đình, sơ nói: “Ông tôi là một người đạo hạnh, mỗi tối ông hướng dẫn gia đình cầu nguyện, thường xuyên tham dự Thánh lễ, và nếu ngày nào không thể đi được ông cầu nguyện nhiều hơn. Tôi nhớ khi còn nhỏ, vào sáng sớm tôi thường nghe ông bà cầu nguyện với kinh Mân Côi.”

Mẹ tôi có một đức tin sâu sắc vào Chúa và một lòng sùng kính Đức Mẹ đặc biệt. Bà đã cố gắng để tất cả con cái được lớn lên trong đức tin này. Mùa Vọng và Mùa Chay, bà khuyến khích chúng tôi đi tham dự Thánh lễ mỗi ngày, và ăn chay vào ngày thứ Tư và thứ Bảy. Bà khắc ghi trong lòng chúng tôi các giá trị, đặc biệt sự thật và lòng trung thực. Chính từ nền giáo dục này đã cho tôi sự dịu dàng và lòng trắc ẩn đối với những người nghèo và đau khổ. Năm 15 tuổi, mục tiêu của tôi là trở thành bác sĩ để phục vụ những người cần giúp đỡ và nghèo khổ. Lúc đó tôi không muốn lập gia đình và có một gia đình riêng. Nhưng tôi cũng không muốn vào tu viện trở thành nữ tu.

Nhưng rồi Chúa đã có dự tính của Người trên cuộc đời tôi. Người đã chọn tôi để trong đời sống dâng hiến, tôi có nhiều cơ hội hơn phục vụ người nghèo. Khi tìm hiểu đặc sủng Dòng Đức Mẹ Dâng Mình tôi nhận ra đây là ơn gọi của tôi.

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận