NỖI LÒNG NGƯỜI XA XỨ TRONG NGÀY HỘI NGỘ
Có nỗi lòng không bao giờ nguôi
Có miền đất không bao giờ xa vắng
Có cuộc hạnh ngộ phủ đầy yêu thương
Có đoàn người lữ hành trong hy vọng.
Đó là nỗi niềm của những người con Giáo phận Hà Tĩnh trong ngày Hội ngộ Di dân tại Miền Nam với chủ đề: “Cùng tiến bước trong hy vọng”.
Giữa niềm vui lan tỏa nơi khung cảnh và trên khuôn mặt từng người, tôi như chạm tới một “nỗi niềm chung” của những tâm hồn hội ngộ nơi đây. Từ ban tổ chức đến các linh hoạt viên, từ những gương mặt trẻ trung chập chững vào cuộc đời dài rộng đến những gương mặt già dặn với bước chân trũng sâu như những kinh trải của phận người, từ các linh mục hay tu sĩ đến giáo dân tha hương… tất cả như đang chung chia một khoảng trống trong tâm hồn mang tên “quê hương”. Nhưng…Dường như có một sợi dây đồng vọng kết nối bao trái tim của những người con Giáo phận Hà Tĩnh xa xứ đang rải rác khắp đất Sài Thành. Chúng tôi quy tụ với nhau nhờ đức tin dẫn lối. Và nỗi niềm vỡ òa, khoảng không vô định trong trái tim như được lấp đầy khi đoàn con tha phương chào đón sự hiện diện của Đức Cha Louis Nguyễn Anh Tuấn – vị cha chung của con cái Giáo phận, dù là những người ở quê hương hay những người viễn xứ bất kể nơi đâu.
Với anh chị em xa quê chúng tôi, ngày hội ngộ di dân là khoảng khắc mang quê hương về lại trong từng nếp sống thường nhật, là kín múc một thứ cảm xúc mà mình thiếu thốn nơi phương xa, và là một cuộc hành hương về với nguồn cội, khi mình có nguy cơ quên đi quá khứ mà chỉ cặm cụi bới móc hiện tại. Tôi nhớ lời dặn dò của Đức cha: “Đừng chỉ sống với thân phận của chú gà, chỉ biết cặm cụi bới nhặt cơm áo gạo tiền hay những công việc hiện tại, nhưng hãy sống với thân phận đại bàng, dang rộng đôi cánh bay lên cõi thênh thang mà tận hưởng sự tự do bất tận của con cái Thiên Chúa, hướng về những giá trị bất biến vĩnh cửu trên trời”.
Cũng có thể ví von Ngày hội Di dân như một điểm dừng vắn vỏi để người ta tạm tách mình ra khỏi cuộc đua chen nơi phố thị. Quả thế, hậu trường của nếp sống vồn vã ở đô thành phồn hoa là cả một khoảng nhớ mênh mang về nơi chôn nhau cắt rốn, về bóng mẹ dáng cha và về một thời để lưu giữ. Cảm thức quê hương thật là khó hiểu, nó bao phủ tâm hồn người ta dù đi đâu về đâu. Nó là “nỗi nhớ mãi tăng lên với thời gian”, bởi trên đời này, dứt áo ra đi là có ngày để trở về, chẳng mấy ai có đủ dũng khí để đoạn tuyệt với quê hương! Ngay cả những người chìm mình vào vòng xoáy cơm áo gạo tiền, tưởng rằng mình đủ mạnh để quên đi nguồn cội, thì rồi cũng có lúc đau đáu, rơm rớm nghĩ về bóng quê trước những dấu lặng của cuộc đời. Giữa những chới với của kiếp nhân sinh, chúng ta dễ dàng đánh mất niềm hy vọng. Có những khi, chúng ta cố tình gặm nhấm những khốn khổ, đắng cay, nỗi buồn trong cảnh tha phương cầu thực. Có những lúc ta gom đủ lý do hữu lý để thoái lui, cho phép mình gục ngã và thậm chí có người còn kết thúc cuộc đời trong tuyệt vọng. Bi kịch có thể xảy ra trên đất khách và những hung tin phăng về quê nhà như những nhát dao sáng loáng xẹt ngang trái tim của những người thân. Vì thế, tôi luôn khắc sâu vào tâm khảm và tôi cũng thường chia sẻ với những bạn trẻ mà mình có cơ hội gặp gỡ: “Dẫu xa nhà, chúng ta luôn có Giáo Hội là Nhà ở khắp nơi. Khi chúng ta có điểm tựa vững mạnh ấy, không có ai cô độc, cũng chẳng ai phải đơn hành. Chúng ta là đoàn người lữ hành trong hy vọng”.
Trong một thế giới phân cực, khi chủ nghĩa cá nhân lên ngôi, con người không còn ý thức mạnh mẽ về sự hiện diện của Thiên Chúa, các giá trị và sức biến đổi của Tin Mừng bị xem thường, niềm hy vọng hằng sống bị chôn sâu, thì sự hiệp thông tiến bước trong hy vọng là chứng tá lớn nhất mà con cái Chúa có thể dùng để đánh thức nhân loại. Còn gì tuyệt vời hơn là khung cảnh hội ngộ hỉ hoan của những người con xa quê, tìm đến với Chúa qua Giáo Hội để kín múc tình hiệp thông và nguồn năng lượng nội tại cho mình, dù mỗi người đang sống ơn gọi nào. Cho dẫu khi trở về với nếp sống thường nhật, chúng ta có cảm giác như mọi thứ chẳng có gì thay đổi, nhưng thực ra, có một mạch nguồn mới đang tiềm tàng vun đắp cho cuộc sống của ta.
Sống trong mầu nhiệm Giáo Hội, thân phận hiện sinh của chúng ta được ví như một cuộc lữ hành tìm kiếm hạnh phúc đích thực nơi Thiên Chúa, mà quê hương cần hướng tới là cõi thượng. Ngày hội ngộ di dân nơi trần thế ắt sẽ là hình bóng tròn đầy cho ngày hội di dân trên Thiên Quốc, nơi các dân các nước lũ lượt dìu nhau về nơi gọi là Nhà Cha, là Quê Trời.
Maria Diệu Huyền, MTG Vinh
Có thể bạn quan tâm
Hội dòng MTG Vinh: Mừng hồng ân Thánh hiến và Bế mạc Năm..
Th11
Thánh Lễ Tạ Ơn Khánh Thành Nhà Mục Vụ Giáo Xứ Khe Ngang
Th11
Ủy Ban Loan Báo Tin Mừng: Kế Hoạch Thực Hiện Sống Năm Thánh..
Th11
Thánh lễ tạ ơn Công bố Quyết định Thành lập Giáo họ độc..
Th11
Thánh lễ tạ ơn hồng ân thánh hiến tại Cộng đoàn MTG Chân..
Th11
Suy Niệm Chúa Nhật XXXIV Thường Niên B – Chúa Giêsu Kitô, Vua..
Th11
Đức Thánh Cha Thành Lập Ủy Ban Tòa Thánh Về Ngày Thế Giới..
Th11
Ủy Ban Mục Vụ Di Dân Gặp Mặt Tại Hà Nội
Th11
Ngày 22/11: Thánh Cêcilia, trinh nữ tử đạo
Th11
Ngày 21/11: Đức Maria dâng mình trong đền thờ
Th11
Hồng ân đêm Diễn Nguyện kỷ niệm 340 năm Hiện Diện, 100 năm..
Th11
Sứ thần Tòa Thánh tại Ucraina: 1.000 ngày chiến tranh, số người chết..
Th11
Giải Đáp Thắc Mắc Cho Người Trẻ: Bài 147 – Say Nắng Người..
Th11
Sứ Mạng Của Giáo Viên Công Giáo
Th11
Bài Hát Cộng Đồng Lễ Chúa Kitô Vua Năm B – 2024
Th11
Đức Thánh Cha thiết lập ngày lễ các thánh, chân phước, những người..
Th11
Thánh Lễ Thêm Sức Tại Giáo Xứ Đồng Troóc
Th11
Vlog Năm Thánh 1
Th11
Thư Gửi Anh Chị Em Giáo Chức Công Giáo Nhân Ngày Nhà Giáo..
Th11
Bế Mạc Tuần Tĩnh Tâm Năm 2024 Của Linh Mục Đoàn Giáo Phận..
Th11