NIỀM HY VỌNG KITÔ GIÁO, GIẢI PHÁP CHO CON NGƯỜI THỜI NAY
Thế giới xã hội con người hiện đại thế kỷ XXI một đàng vui mừng chứng kiến những đổi thay và phát triển ngoạn mục về kinh tế, khoa học, kỹ thuật, nhưng đàng khác lại đối diện và kinh nghiệm những đau khổ, bệnh tật, chiến tranh, thiên tai và nhân tai… Dù có nhiều của cải và tiện nghi hơn, con người vẫn đau đáu trong lòng nhiều nỗi lo lắng, khủng hoảng và thất vọng. Trong bối cảnh ấy, năm 2025 là Năm thánh được Đức Giáo hoàng Phanxicô khai mở với chủ đề: “Hy vọng không làm thất vọng” (Rm 5,5). Logo Năm thánh được vẽ bằng biểu tượng bốn con người cùng nhau tiến bước, bám theo thập giá Chúa Kitô với chủ đề: “Những người hành hương hy vọng.”[1] Như thế, hy vọng là chủ đề chính của Năm thánh. Theo Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI, cuộc khủng hoảng lớn nhất của con người thời nay là khủng hoảng về niềm hy vọng, nguyên nhân dẫn tới khủng hoảng về đức tin và đức mến.[2] Việc tái suy tư, sống và làm chứng về niềm hy vọng Kitô giáo cho con người hôm nay là điều hết sức cần thiết, thời sự và ý nghĩa đối với mỗi người Kitô hữu nhằm giúp mang lại lời giải đáp cho các vấn đề hiện sinh của thế giới đương đại.
Tôi sống vì tôi hy vọng
Nếu triết gia Descartes nói rằng: “Cogito, ergo sum – tôi suy tư, nên tôi hiện hữu,” thì ta có thể nói: “Tôi sống vì tôi hy vọng.” Thật vật, tự bản chất con người sống là hy vọng. Nếu không có hy vọng, con người sẽ chết, nếu có sống thì cũng chỉ sống lây lất không có chất. Khi nói đến điều này, tôi nhớ đến một linh mục vốn là người bà con với tôi, khi còn khoẻ mạnh, mỗi lần lễ an táng của giáo dân mình, ngài giảng rất hùng hồn và rất xác tín vào sự sống mai sau. Nhưng ngài lâm bệnh ung thư gan và biết mình không thể sống lâu nữa, ngài cầm tay người cháu đến thăm và thều thào rằng: “Cháu hãy giúp chạy chữa cho chú, chú muốn sống thêm một thời gian nữa.” Nhưng sau đó không lâu, ngài phải từ trần vì căn bệnh quá hiểm nghèo. Câu chuyện này cho thấy: ngay cả lúc thập tử nhất sinh, con người vẫn hy vọng và nhờ hy vọng đó mà người ta sống.
Một cách khái quát, hy vọng là trông chờ, khát khao, mong mỏi và tin tưởng vào một ai đó hay vào một cái gì đó có thể mang lại cho mình điều gì đó tốt đẹp nhất trong hiện tại và tương lai. Hy vọng được ví như không khí để con người hít thở và sống. Hy vọng cũng giống như nước để cá sống và bơi lội. Dọc dài lịch sử, hy vọng được các thế hệ loài người diễn tả bằng nhiều biểu tượng khác nhau. Chẳng hạn trong truyện ngụ ngôn của Aesop, con chim én là biểu tượng của niềm hy vọng vì nó là một loài chim đầu tiên xuất hiện vào cuối mùa đông và bắt đầu mùa xuân. Mỏ neo và chim bồ câu cũng được dùng làm biểu tượng của hy vọng. Trong các màu sắc, màu xanh là màu của hy vọng. Trong câu chuyện thần thoại Hy Lạp về chiếc họp và nàng Pandora, hy vọng được nhân cách hoá bằng tên là Alpis có khả năng chữa lành và giải thoát.[3] Theo Kitô giáo, hy vọng là một trong ba nhân đức đối thần (tin, cậy, mến), được gọi là đức cậy.[4]
Hy vọng trở thành yếu tố quan trọng và nền tảng cho cuộc sống con người. Desmond Tutu cho rằng: “Hy vọng là ngọn đèn sáng đánh tan bóng tối của tuyệt vọng.” Abraham Lincoln thì nói: “Hy vọng là điều cuối cùng mất đi ở một người.” Còn Norman Cousins quả quyết: “Hy vọng là thứ đánh thức con người và khiến họ tiến về phía trước.” Hy vọng có mặt trong mọi phạm vi cuộc sống, vừa mang tính cá nhân, vừa mang tính cộng đoàn, vừa mang tính hoàn vũ. Ở phạm vi cá nhân, con người sống là hy vọng: một em bé sinh ra và lớn lên nhờ hy vọng vào sự sinh thành dưỡng dục của cha mẹ và gia đình; một học sinh đến trường nhờ hy vọng mình sẽ được hiểu biết hơn, khôn ngoan hơn và thành đạt hơn trong học vấn; một công nhân tích cực lao động cho một công ty vì hy vọng rằng mình sẽ có thu nhập tốt hơn; một ngư phủ vượt ngàn con sóng ra khơi thả lưới vì hy vọng mình sẽ đánh bắt được nhiều cá; một người bệnh dồn tất cả tài chính vào bệnh viện để chữa bệnh vì hy vọng mình sẽ được khoẻ mạnh; một người già dù tuổi cao sức yếu, nhưng vẫn muốn sống vì hy vọng mình vẫn có ích cho đời; một tu sĩ dám từ bỏ tất cả để đi tu vì hy vọng mình sẽ trở nên thánh thiện nhằm phục vụ tha nhân… cả những lúc bi thảm nhất, khi mà mọi dường như không còn gì để hy vọng, ngay khi đối diện với cái chết, con người vẫn hy vọng. Người ta hy vọng rằng, sau cái chết mình sẽ được an nghỉ trong chốn miên viễn ngàn thu v.v…
Ở phạm vi tập thể, mọi tổ chức chính trị xã hội hiện hữu vì một niềm hy vọng nào đó. Chẳng hạn, chế độ quân chủ một thời mang lại cho loài người niềm hy vọng vào sức mạnh và quyền lực của một ông vua, ông hoàng, nhờ đó, giúp xã hội loài người ổn định và trật tự dưới quyền lãnh đạo của ông. Chủ nghĩa cộng sản mang lại cho con người niềm hy vọng vào một thiên đàng trần thế, trong đó, mọi của cải là của chung, mọi người làm việc theo khả năng, hưởng theo nhu cầu. Chế độ dân chủ lại mang đến cho con người niềm hy vọng rằng, trong xã hội này, mọi người đều bình đẳng và bình quyền để mỗi công dân có quyền tham gia, quyết định, bầu cử, tự do ngôn luận cũng như làm chủ đất nước mình. Thế nên, niềm hy vọng trong tổ chức chính trị thường phản ánh những kỳ vọng về sự công bằng, phát triển, và cải thiện cuộc sống cho tất cả mọi người. Nó có thể khác nhau tuỳ thuộc vào giá trị và mục tiêu của mỗi thể chế, nhưng đều mang ý nghĩa quan trọng trong việc định hình tương lai.
Như vậy, chỉ cần tổng quan về niềm hy vọng nơi mỗi người và trong các thể chế chính trị cũng đủ để chứng minh rằng hy vọng vừa mang tầm vóc cá nhân, cộng đoàn và hoàn vũ. Hy vọng là yếu tố quyết định cho sự sống còn của con người xét cả hai phương diện cá nhân cũng như tập thể. Từ cái nhìn này, chúng ta chuyển sang câu hỏi khác không kém phần quan trọng, đó là “tôi hy vọng cái gì và vào ai?”
Tôi hy vọng vào cái gì và vào ai?
Như đã nói ở trên, hy vọng đóng vai trò hết sức quan trọng trong đời sống của con người và xã hội. Tuy nhiên, ngày hôm nay, dường như con người ít suy tư về hy vọng, hay nói đúng hơn, con người hôm nay đang khủng hoảng về niềm hy vọng, nên rất nhiều người rơi vào cảnh thất vọng, không muốn sống vì họ không tìm thấy lý do để hiện hữu. Hiện tượng tự tử xảy ra càng ngày càng nhiều hơn trên thế giới minh chứng điều đó.[5] Bởi thế, câu hỏi mà mỗi người chúng ta phải nghiêm túc tự vấn mình là “Tôi hy vọng vào cái gì và hy vọng vào ai?” Hơn ba trăm năm trước, triết gia Immanuel Kant đã suy tư triết học xoay quanh ba câu hỏi lớn: “Tôi có thể biết gì?, Tôi phải làm gì? Và tôi được phép hy vọng điều gì?” Như thế, câu hỏi này không chỉ là câu hỏi bình thường như nhiều câu hỏi khác, nhưng là một câu hỏi rất quan trọng, vì nó thuộc phạm vi triết học, tôn giáo và xã hội.
Trong tác phẩm Critique of Practical Reason (Phê bình lý tính thực hành), Kant nhấn mạnh rằng niềm hy vọng không chỉ là một cảm xúc hay một trạng thái tâm lý, mà con là một phần thiết yếu trong đạo đức và lý trí con người. Con người hy vọng về sự cứu rỗi và cuộc sống vĩnh cửu. Kant cho rằng niềm hy vọng này liên quan đến đạo đức và khả năng thực hiện nghĩa vụ của con người. Nếu con người sống theo các nguyên tắc đạo đức, họ có thể hy vọng vào một kết cục tốt đẹp hơn. Theo Kant, con người còn có quyền hy vọng vào một thế giới công bằng, nơi mọi nỗ lực đạo đức sẽ được đền đáp. Ông tin rằng, mặc dù thế giới này không hoàn hảo, nhưng có thể có những quy luật và nguyên tắc dẫn đến công bằng cuối cùng. Hơn nữa, Kant cũng cho rằng hy vọng cũng liên quan mật thiết đến tự do. Theo đó, con người có thể hy vọng vào khả năng hành động một cách vô điều kiện theo lương tâm và tự do của mình mà không vì bất kỳ lý do bên ngoài nào áp đặt. Điều này tạo ra một nền tảng cho niềm hy vọng vào sự phát triển cá nhân và xã hội. Vì thế, Kant coi hy vọng là một động lực quan trọng trong cuộc sống con người. Nó thúc đẩy con người người nỗ lực thực hiện nghĩa vụ và theo đuổi lý tưởng của mình, bất chấp những khó khăn và thử thách.[6]
Trong lịch sử cổ đại, con người trải qua giai đoạn huyền thoại, nghĩa là tôn giáo Hy Lạp, trong đó, con người lý giải các hiện tượng thiên nhiên và cuộc sống bằng các huyền thoại. Nên con người đặt niềm hy vọng vào các thần thánh. Các Kitô hữu tiên khởi đã tẩy chay các thần thoại này và coi đó như là những ảo ảnh. Tại sao vậy? Theo Thánh Phaolô, câu trả lời là vì họ thờ nhiều thần nhưng các vị thần ấy không mang lại hy vọng trước một thế giới đen tối và đầy bí ẩn (x. Ep 2,12). Hay nói cách khác, các vị thần của Hy Lạp không mang lại ơn cứu rỗi cho con người.
Tôn giáo của đế quốc La Mã đã trở thành cơ chế và bắt phải cúng tế. Việc thờ lạy các thần mang tính cách chính trị: nó là biểu tượng của sự đoàn kết quốc gia. Các Kitô hữu từ chối tham gia các buổi tế tự công khai, và họ bị tố cáo là “vô thần” nên bị bách hại đạo. Thực ra, các Kitô hữu thờ lạy Thiên Chúa, nhưng không chấp nhận những tục lệ thờ cúng rỗng tuếch, thiếu sự thật. Đế quốc La Mã có nghi lễ nhưng không có Thiên Chúa.[7]
Vào thời đại khám phá địa lý và kỹ thuật, Francis Bacon (1561-1626) đưa ra một lý thuyết về vai trò của khoa học đối với đời sống con người. Ông trở thành nhà tiên tri của “cuộc chiến thắng của kỹ thuật trên thiên nhiên.” Với sự tiến của khoa học kỹ thuật, con người không cần trong mong chờ một Đấng Cứu Thế nào nữa, con người có thể làm mọc lên thiên đàng ở hạ giới. Lý trí và tự do có khả năng tạo nên một nhân loại mới. Từ đó cho đến nay, có rất nhiều người tôn sùng khoa học, coi tiến bộ và kỹ thuật như là “thần thánh” có thể giải quyết hết mọi vấn đề của con người và mang lại cho con người một cuộc sống hạnh phúc viên mãn ngay ở trên trần gian. Tuy nhiên, tin rằng khoa học có thể cứu độ con người là hy vọng thái quá nếu không muốn nói là hảo huyền.[8]
Cuộc cách mạng thứ hai ra đời được xem như là sự biến tướng hay tục hoá niềm hy vọng Kitô giáo với một nhà tiên tri khác có tên là Karl Marx. Ông dựa trên khái niệm hy vọng của Kinh Thánh, nhưng loại trừ Thiên Chúa và thay vào đó là hoạt động chính trị của con người. Theo ông, niềm hy vọng không đặt vào thế giới mai hậu, nhưng là chính thế giới này. Ernst Bloch (1885-1977), một triết gia Marxist, tự tin quả quyết rằng chỉ có người vô thần Marxist mới có hy vọng bởi vì nắm bắt được con đường biến đổi thế giới.[9]
Dưới nhiều hình thức khác nhau, thời cận đại đã loại trừ niềm hy vọng Kitô giáo, bằng cách hứa hẹn hạnh phúc ngay ở trần thế này. Có rất nhiều người đặt niềm hy vọng nơi khoa học và kỹ thuật và cho rằng khoa học sẽ giải quyết hết mọi vấn đề cho con người. Nhưng ngày nay, sau bao thăm trầm lịch sự, loài người đã nhận ra rằng, khoa học kỹ thuật có thể giúp con người hạnh phúc hơn, nhưng nó cũng có những giới hạn nhất định và có thể tiêu diệt con người nếu không được hướng dẫn bởi những nguyên tắc khác ngoài khoa học. Khoa học không thể cứu độ con người. Nhiều người lại đặt niềm hy vọng vào cách mạng chính trị khi cho rằng cách mạng chính trị sẽ mang lại công bằng xã hội. Nhưng lịch sử chứng kiến những thất bại của những cuộc cách mạng xã hội này ở Âu Châu. Gần đây, cũng không ít người coi của cải vật chất là tất cả và nghĩ rằng kinh tế sẽ giải quyết tất cả mọi vấn đề của con người.[10] Tự thân, của cải vật chất có giá trị của nó đối với đời sống con người, làm cho con người có phương tiện để sống xứng đáng hơn với nhân phẩm của mình, nhưng của cải vật chất không thể cứu rỗi con người.
Bức tranh của thế giới hậu hiện đại là bằng chứng giúp chúng ta nhận ra đâu là niềm hy vọng đích thực của con người. Dù con người hôm nay đã lên tận sao hoả, nhưng chiến tranh vẫn liên tục xảy ra. Dù con người đạt tới những thành quả vượt bậc của công nghệ, nhưng vẫn phải bó tay trước bệnh tật, thiên tai và nghèo đói. Dù có đầy đủ phương tiện và của cải để sống nhưng con người vẫn đầy nỗi lo âu, trầm cảm và bất an.
Như vậy, con người có quyền hy vọng vào cái gì đó để sống và sống tốt hơn. Của cải vật chất, địa vị, các giá trị tinh thần, đạo đức, văn hoá, khoa học, kỹ thuật, tiến bộ, tổ chức chính trị ở trên trần gian này tự thân là tốt và chúng có thể làm cho con người sống tốt hơn, hạnh phúc hơn. Nhưng sau bao nhiêu thăng trầm lịch sử, chúng ta không sợ sai khi quả quyết rằng, mọi thực tại ở trần gian không thể mang lại ơn cứu độ và sự sống vĩnh cửu cho con người. Ai đặt trọn niềm hy vọng vào cái gì không phải là Thiên Chúa thì sẽ đưa tới công dã tràng xe cát biển đông (x. Is 49,4). Ai tôn thực tại thụ tạo lên thành Thiên Chúa, thì rơi vào hão huyền giả dối, tới thất vọng não nề. Lời tiên tri Giêrêmia vang lên thời Cựu ước vẫn là lời thức tỉnh con người thời nay: “Khốn thay cho kẻ tin tưởng người đời, họ nương tựa vào sức mạnh con người, còn tâm hồn họ thì sống xa Chúa” (Gr 17,5). Và câu chuyện người phú hộ chỉ lo tích trữ của cải mà không bảo đảm được mạng sống mình, được Chúa Giêsu kể trong Tin mừng Luca 12,13-21 cũng là bài học cho con người hôm nay.[11]
Tôi hy vọng vào Đức Giêsu Kitô
Trong phạm vi tôn giáo, đạo nào cũng giới thiệu với con người một niềm hy vọng tôn giáo. Trong Phật giáo, niềm hy vọng không chỉ là mong muốn điều tốt đẹp mà còn là sự nỗ lực để đạt được giác ngộ và giải thoát khỏi vong luân hồi. Niềm hy vọng được thể hiện qua việc thực hành thiền định, tu tập và phát triển trí tuệ.
Người Ấn Độ giáo hy vọng thường gắn liền với khái niệm karma và moksha. Họ hy vọng vào sự tái sinh tốt đẹp hơn và cuối cùng sẽ đạt được giải thoát khỏi vòng luân hồi.
Đối với Hồi giáo, niềm hy vọng thể hiện qua sự tin tưởng vào Đức Allah và lòng tin vào ngày phán xét. Người Hồi Giáo tin rằng cuộc sống này là một thử thách và hy vọng vào sự tha thứ của Đức Allah cũng như sự ban ơn phúc trong cuộc sống vĩnh cửu.
Trong Do Thái giáo, niềm tin, lòng mến và niềm hy vọng của các tín hữu Do thái là rất đặc biệt. Họ tin và tôn thờ vào vị Thiên Chúa duy nhất, không có thờ thần nào khác, họ đặc trọn niềm hy vọng vào Giavê Thiên Chúa, Đấng đã đến giải thoát họ khỏi ách nô lệ bên Ai Cập, tiến về Đất Hứa. Họ tin và hy vọng rằng chỉ có Người mới có thể giải thoát và cứu độ họ chứ không phải cái gì hay ai khác. Nên họ trông chờ Đấng Cứu Thế xuất hiện để khôi phục dân Ítraen. Họ hy vọng vào lời hứa của Thiên Chúa về một tương lai tốt đẹp hơn được thể hiện qua Kinh Thánh và truyền thống của họ.
Kitô giáo kế vừa thừa niềm hy vọng của Do Thái giáo, nhưng có sự mới mẻ. Vậy, niềm hy vọng Kitô giáo là gì? Có gì khác biệt với các tôn giáo khác? Chúng ta tìm thấy câu trả lời rất chí lý trong thông điệp Spes Salvi. Sau khi chỉ ra những sai lầm của con người vì đã đặt sai niềm hy vọng, Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI trình bày niềm hy vọng của Kitô giáo không phải là một cái gì, một ý niệm, một lý tưởng, một quyền lực; hy vọng Kitô giáo có một dung mạo, một ngôi vị: Dung mạo đó chính là Đức Giêsu Kitô. Theo ngài, chúng ta cần những hy vọng lớn nhỏ để sống ngày qua ngày. Nhưng những hy vọng này không đủ nếu thiếu một hy vọng cao cả, một thứ hy vọng phải vượt trên mọi thứ khác. Hy vọng cao cả này chỉ có thể là Thiên Chúa, Đấng bao gồm toàn thể thực tại và là Đấng ban phát cho chúng ta cái mà chúng ta, tự mình, không thể đạt được… “Thiên Chúa là nền tảng của hy vọng: không phải bất cứ thần minh nào khác, nhưng chính là Thiên Chúa, Đấng có một dung mạo loài người và đã yêu thương chúng ta đến cùng, từng người và toàn thể nhân loại.”[12] Thiên Chúa đã được các dân tộc trên thế giới tôn thờ tuy còn mờ ảo, giờ đây được mạc khải cách tỏ tường và hữu hình qua khuôn mặt của Đức Giêsu Nadarét. Điều mới mẻ mà Đức Giêsu mang lại không gì khác hơn là chính Người.[13] Đức Giêsu không chỉ là Người mang hy vọng của Thiên Chúa đến với con người, nhưng ở đây điều mới mẻ chưa từng có đã xuất hiện, Người chính là Niềm Hy vọng của chúng ta (x. 1 Tm 1,1-2), là Đấng Cứu Độ duy nhất và phổ quát của nhân loại (x. Cv 4,12; 1 Tm 2,5).
Vậy Đức Giêsu đến mang lại điều gì để tôi đặt hy vọng vào Người? Quả thật, Người đến trong thế gian không phải để giúp con người phát triển kinh tế, làm giàu và tạo công việc cho mọi người; Người cũng không có sứ mạng xây dựng một thể chế xã hội chính trị hoàn hảo cho con người trên trần gian; Người càng không phải một nhà khoa học tài ba để đưa nền công nghệ kỹ thuật đạt tới đỉnh cao của nó. Vậy sứ mạng của Đức Giêsu là gì? Xin thưa, Người đến để thiết lập Nước Thiên Chúa ở trần gian. Người rao giảng Tin mừng về lòng thương xót của Thiên Chúa (x. Lc 15,1-15). Người đã chết và sống lại vì chúng ta (x. Rm 5,8-9). Qua cái chết trên thập giá và sự phục sinh, Đức Giêsu đã chiến thắng sự dữ và giải thoát con người khỏi tội lỗi, sự chết đời đời và quyền lực ma quỷ. Nhờ đó, con người được thông phần vinh quang của Đức Kitô, được sống đời đời (x. Rm 5,17; 1 Cr 15,22). Niềm hy vọng đó không chỉ cho từng cá nhân mà cho toàn thể nhân loại và vũ trụ (x. Rm 8,19-22); không chỉ trong hiện tại mà còn hướng về tương lai cánh chung (x. 1 Cr 13,12). Chung quy lại, niềm hy vọng của Kitô giáo đặt nền tảng trên thập giá và sự phục sinh của Chúa Kitô. Thập giá Chúa là unica spes – hy vọng duy nhất của thế giới và sự phục sinh của Người là nền tảng của niềm hy vọng Kitô giáo.
Khi chứng kiến tất cả những gì xảy ra nơi mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Chúa Giêsu, Thánh Phêrô quả quyết rằng: “Anh em hãy biết rằng không phải nhờ những của chóng hư nát như vàng hay bạc mà anh em được cứu thoát khỏi lối sống phù phiếm do cha ông anh em truyền lại. Nhưng anh em đã được cứu chuộc nhờ bửu huyết của Con Chiên vẹn toàn, vô tỳ tích, là Đức Kitô… Nhờ Người, anh em tin vào Thiên Chúa, Đấng đã cho Người trỗi dậy từ cõi chết, và ban cho Người được vinh hiển, để anh em đặt niềm tin và hy vọng vào Thiên Chúa” (1 Pr 18-21).
Thánh Phaolô viết cho các tín hữu Thêxalônica để nói về niềm hy vọng này: “Thưa anh em, về những ai đã an giấc ngàn thu, chúng tôi không muốn để anh em chẳng hay biết gì, hầu anh em khỏi buồn phiền như những người khác, là những người không có niềm hy vọng. Vì nếu chúng ta tin rằng Đức Giêsu đã chết và đã sống lại, thì chúng ta cũng tin rằng những người đã an giấc trong Đức Giêsu, sẽ được Thiên Chúa đưa về cùng Đức Giêsu” (1 Tx 4,13-14). Trong thư gửi tín hữu Rôma, Thánh Phaolô viết rằng Thiên Chúa ban cho chúng ta niềm hy vọng và nhờ đó, “chúng ta sẽ không phải thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta” (Rm 5,5). Cũng trong thư này, ngài thêm: “Xin Thiên Chúa là nguồn hy vọng, ban cho anh em được chan chứa niềm vui và bình an nhờ đức tin, để nhờ quyền năng của Thánh Thần, anh em được tràn trề hy vọng” (Rm 15,13).
Như thế, xuyên suốt lịch sử nhân loại, trong các tôn giáo khác, các thể chế chính trị, cũng như trong các lĩnh vực khác, chưa ai có thể làm được điều mà Đức Giêsu đã làm khi Người đến trong thế gian. Của cải vật chất, các chính trị gia, khoa học kỹ thuật có thể mang lại nhiều điều tốt đẹp cho con người không thể cứu rỗi và làm cho con người được sống vĩnh cửu. Chỉ có Chúa Giêsu Kitô mới thực sự mang lại ơn cứu độ và giải thoát cho con người một cách triệt để nhất. Người Kitô hữu đặt niềm hy vọng vào Người chỉ vì lý do này. Niềm hy vọng ấy không bao giờ làm chúng ta thất vọng!
Trường và chứng nhân hy vọng
Kitô hữu là người đặt niềm hy vọng vào Đức Giêsu. Người ta chỉ trở nên Kitô hữu đích thực khi biết bước theo, gắn bó và làm chứng cho Người. Ở cuối thông điệp Spes Salvi, Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI nói đến ba nơi mà chúng ta có thể sống và thực hành hy vọng: đó là cầu nguyện, hoạt động và sự phán xét.
Trường dạy hy vọng đầu tiên là cầu nguyện. Cầu nguyện là nơi mà chúng ta học cách mở rộng lòng ao ước và nới rộng những hy vọng của chúng ta hợp với viễn tượng của Thiên Chúa. Ai cầu nguyện thì không bao giờ cô độc. Cầu nguyện giúp chúng ta gặp gỡ thân tình và cá vị với Thiên Chúa.[14]
Thứ đến là hoạt động và đau khổ. Cả hai kết hợp với nhau tạo ra nơi thứ hai để sống hy vọng. Hoạt động dạy hy vọng. Nhờ hoạt động, chúng ta có thể mở rộng thế giới của chúng ta để cho Thiên Chúa ngự đến. Còn đau khổ thì sao? Đau khổ là điều mà chúng ta chẳng muốn. Thế nhưng ai có thể loại trừ đau khổ ra khỏi cuộc sống này? Tự thân mình, con người không thể. Đau khổ gắn liền với thân phận con người, là một phần của cuộc sống. Chỉ có Đức Giêsu mới có thể đẩy lùi đau khổ khỏi con người. Tuy nhiên, công cuộc này mới chỉ khởi đầu chứ chưa hoàn tất, con người phải chờ đợi đến ngày cánh chung, lúc đó, mọi đau khổ mới thực sự không còn nữa khi con người ở trong Thiên Đàng. Bởi thế, bao lâu còn ở trần gian, chúng ta được mời gọi học đón nhận những đau khổ thử thách của cuộc sống và kết hợp với thập giá của Đức Kitô nhằm mang lại nguồn ơn cứu độ cho mình và cho mọi người.[15]
Nơi cuối cùng của hy vọng là sự phán xét. Ngày phán xét chung không phải là ngày gây nên nỗi lo sợ kinh hoàng cho mỗi người trước toà Thiên Chúa, như một số người nghĩ, nhưng là ngày hoàn thành công cuộc cứu độ, ngày gặp gỡ với Vị Thẩm Phám vừa là Đấng Hy Vọng của chúng ta. Người sẽ trả lại công lý cho mọi mong chờ của chúng ta khi còn sống trên trần gian. Người sẽ dẫn đưa những ai đặt niềm hy vọng vào Người tới hưởng hạnh phúc và hiệp thông vĩnh cửu với Thiên Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần.[16]
Một cách đặc biệt, xuyên suốt dòng lịch sử cứu độ, chúng ta có rất nhiều gương sáng của các chứng nhân, họ là những người đã đặt trọn niềm hy vọng của mình vào Thiên Chúa. Họ là những chứng nhân củng cố niềm hy vọng của chúng ta. Trong vô số chứng nhân ấy, khuôn mặt trỗi vượt nhất vẫn là Đức Maria, người được gọi là “Ngôi sao Hy vọng.”[17] Đức Maria không chỉ là Mater dolorosa – Mẹ sầu bi, nhưng còn là Mater Spei – Mẹ Hy vọng.” Thánh Phaolô đã quả quyết điều này liên quan đến Ápraham trong hoàn cảnh khó khăn nhất của ông: “Mặc dầu không còn gì để trông cậy, ông vẫn trông cậy và vững tin” (Rm 4,18). Một cách tương tự và còn hơn thế nữa, chúng ta có thể nói về Đức Maria dưới chân thập giá: “Mặc dầu không còn gì để trông cậy, Mẹ vẫn trông cậy và vững tin.” Thiên Chúa đã đòi hỏi Đức Maria phải tin và hy vọng vào Thiên Chúa còn nhiều hơn cả Ápraham. Bởi lẽ, Ápraham không phải chứng kiến việc hiến tế con mình, trong khi đó, Mẹ phải chứng kiến cảnh Con mình bị hành hình, xử tử một cách nhục nhã trên thập giá. Nhưng Mẹ vẫn vững tin và hy vọng trong khi không còn gì để hy vọng. Nhờ đó, Mẹ trở nên chứng nhân tuyệt hảo cho chúng ta. Vì Mẹ xác tín cách vững vàng rằng: “Điều gì Thiên Chúa đã hứa thì Người cũng có đủ quyền năng thực hiện” (Rm 4,21). Nếu như trong đời, có lúc nào đó, bạn và tôi gặp cảnh đau khổ tột cùng, khi mà mọi sự dường như bỏ rơi và chống lại mình, chính lúc ấy, ta hãy noi gương Đức Maria, đừng bỏ cuộc, đừng tuyệt vọng, nhưng hãy tin tưởng vào Thiên Chúa của Đức Giêsu, Người sẽ ra tay đáp cứu chúng ta. Vì quả thật, “Đức Chúa chẳng bỏ rơi mãi mãi: có làm khổ, Người cũng xót thương, vì Người vốn từ bi cao cả” (Ac 3,21-32).[18]
Kết luận
Từ xưa cho đến nay, đức cậy vẫn là nhân đức ít được chú ý nhất trong các nhân đức đối thần. Nhà thơ Charles Péguy đã có một hình ảnh rất đẹp liên quan đến vấn đề này. Ông so sánh ba nhân đức đối thần tin – cậy – mến giống như ba chị em: hai người chị là đức tin và đức mến đã lớn, con người em út là đức cậy vẫn mãi là một cô bé. Ca ba cùng nắm tay nhau bước đi trên đường, hai chị lớn mỗi người đi một bên, còn em nhỏ thì ở giữa. Mọi người nhìn họ và nói: “Ồ dĩ nhiên là hai chị lớn đã dìu dắt em nhỏ vào chỗ giữa.” Nhưng họ sai lầm, chính cô bé đức cậy ấy đã giữ cho hai chị kia không ngã. Ông kết luận: nếu đức cậy dừng lại, mọi sự cũng dừng lại.[19]
Tóm lại, con người cần niềm hy vọng để sống như cần oxy để thở. Hội thánh cũng cần niềm hy vọng để tiến bước trong lịch sử và không được làm biến dạng bởi những thử thách bên trong cũng như bên ngoài. Tất cả chúng ta được mời gọi trở thành chứng nhân trao truyền và loan báo niềm hy vọng Kitô giáo cho thế giới, cũng như phải sẵn sàng trả lời cho những thắc mắc về niềm hy vọng của mình (x. 1 Pr 3,15). Chúng ta kết thúc bài suy niệm này với những lời rất ý nghĩa của một chứng nhân hy vọng, Chân phước Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận:
“Chấm này nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài.
Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống.
Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp.
Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh.
Ðường hy vọng do mỗi chấm hy vọng.
Ðời hy vọng do mỗi phút hy vọng.[20]
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương
Chủng viện Thánh Phanxicô Xaviê, Mùa Chay – Năm Thánh 2025
Tài liệu tham khảo:
- ĐGH. Bênêđíctô XVI (UBGLĐT. dịch), Thông điệp Spes Salvi. Về niềm hy vọng Kitô giáo,
- Raniero Cantalamessa (Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương dịch), Đức Maria, Nữ tỳ của Chúa, Nxb. Đồng Nai, 2020.
- Immanuel Kant, (Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải), Phê phán lý tính thực hành (Đạo Đức học). Tập I và II, Nxb. Văn Học, 2019.
- Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo, 1992.
- ĐHY. Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, Đường Hy vọng, Chương 36.
- Charles Péguy, Le Porche du Mystère de la Deuxième Vertu in Oeuvres Poétiques Complètes, vol. 5, Paris, Gallimard 1975.
- Immanuel Kant, (Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải), Phê phán lý tính thực hành (Đạo Đức học). Tập I và II, Nxb. Văn Học, 2019.
- https://hdgmvietnam.com/
[1] Trong tiếng Latin, chủ đề của Logo Năm thánh là “Peregrinantes in Spem”, danh từ Spes chia ở Casus Accusativus (Spem), chứ không phải ở Casus Genetivus (Spei) hay Casus Ablativus (Spe). Nên cách dùng này diễn tả hy vọng là đối tượng mà những người hành hương phải hướng tới và nhờ hy vọng mà họ tiến bước, chứ không phải diễn tả ý nghĩa sở hữu. Tiếng Anh dịch Pilgrims of Hope, tiếng Italia dịch Pellegrini di Speranza, tiếng Pháp dịch Pèlegrins d’ Espérance. Cách dùng giới từ “of, di, de” trong ba thứ tiếng này diễn tả ý nghĩa phẩm chất chứ không diễn tả ý nghĩa sở hữu. Ví dụ, người Italia nói: questo tavolo di legno, thì phải dịch là: “Cái bàn này bằng gỗ,” hay “đây cái bàn gỗ,” mà không dịch là cái bàn của gỗ.” Nên theo thiển ý, câu chủ đề Logo Năm thánh 2025 nên dịch trong tiếng Việt là: “Những người hành hương hy vọng” hoặc “Những người hành hương trong hy vọng.” Như thế thì chính xác hơn. Bởi lẽ, hy vọng đối với đức tin Kitô giáo không chỉ là một cái gì để sở hữu, nhưng đúng hơn là một Ngôi vị, một dung mạo, chính là Đức Giêsu Nadarét. Nên hy vọng là đối tượng, tức là chính Chúa mà những người hành hương phải hướng tới, dấn thân, làm chứng, và tiến bước, đồng thời cũng diễn tả đặc tính của con người sống là nhờ, trong và vì hy vọng.
[2] ĐGH. Bênêđíctô XVI nói về “cuộc khủng hoảng đức tin hiện nay, về cơ bản là cuộc khủng hoảng về đức cậy Kitô giáo.” X. Id., (UBGLĐT. dịch), Thông điệp Spes Salvi. Về niềm hy vọng Kitô giáo, 2008, số 17.
[3] https://vi.wikipedia.org/wiki/Pandora.
[4] Sách Giáo Lý Của Hội Thánh Công Giáo, số 1817 định nghĩa: “Đức cậy là nhân đức đối thần, nhờ đó chúng ta trông mong Nước Trời và sự sống vĩnh cửu như hạnh phúc đời mình, khi tin tưởng vào các lời hứa của Đức Kitô và nương tựa vào ơn trợ lực của Chúa Thánh Thần chứ không dựa vào sức mình.”
[5] Báo cáo ghi nhận rằng 42% thanh thiếu niên trung học năm 2021 cho biết họ cảm thấy buồn bã hoặc tuyệt vọng dai dẳng, 22% nghiêm túc cân nhắc việc tự tử vào năm trước, 18% đã lên kế hoạch cụ thể về việc tự tử, và 10% thực sự đã cố gắng thực hiện kế hoạch đó (và rất may là không thành công). X. https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/de-giup-nguoi-tre-doi-dien-voi-khung-hoang-cua-su-tuyet-vong-50808. Truy cập ngày 1/4/2025.
[6] X. Immanuel Kant, (Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải), Phê phán lý tính thực hành (Đạo Đức học). Tập I và II, Nxb. Văn Học, 2019.
[7] ĐGH. Bênêđíctô XVI (UBGLĐT. dịch), Thông điệp Spes Salvi. Op.cit., số 16 tt.
[8] Ibidem, số 17.
[9] Ibidem, số 18 tt.
[10] Ibidem, số 20-24.
[11] X. https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/khuon-mat-hy-vong-thong-diep-spe-salvi-cua-duc-benedicto-xvi-trong-boi-canh-than-hoc-hien-dai. Truy cập ngày 31/3/2025.
[12] X. ĐGH. Bênêđíctô XVI (UBGLĐT. dịch), Thông điệp Spes Salvi. Op.cit., số 31.
[13] X. ĐGH. Bênêđíctô XVI (UBGLĐT. dịch), Thông điệp Spes Salvi. Op.cit., số 24-31.
[14] X. Ibidem, số 32-34.
[15] X. ĐGH. Bênêđíctô XVI (UBGLĐT. dịch), Thông điệp Spes Salvi. Op.cit., số 35-40.
[16] X. Ibidem, số 41-48.
[17] X. Ibidem, số 49-50.
[18] X. Lm. Raniero Cantalamessa (Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương dịch), Đức Maria, Nữ tỳ của Chúa, Nxb. Đồng Nai, 2020, 88-101.
[19] X. Charles Péguy, Le Porche du Mystère de la Deuxième Vertu in Oeuvres Poétiques Complètes, vol. 5, Paris, Gallimard 1975, 655.
[20] ĐHY. Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, Đường Hy vọng, Chương 36.
Có thể bạn quan tâm
Cẩm Nang Nhỏ Để Thực Thi Văn Kiện Chung Kết Trong Các Giáo..
Th4
Ý nghĩa Chúa Nhật Lễ Lá
Th4
Tĩnh Huấn Ban Điều Hành Hội Mân Côi 9 Giáo Hạt Tại Hà..
Th4
Suy Niệm Chúa Nhật Lễ Lá Năm C: Cùng Chúa Cất Bước
Th4
Thánh tích trái tim của Carlo Acutis sẽ được đưa đến Roma trong..
Th4
Niềm Hy Vọng Kitô Giáo, Giải Pháp Cho Con Người Thời Nay
Th4
Người Khuyết Tật Tham Gia Đời Sống Giáo Hội
Th4
Nhịp Sống Giáo Hội Việt Nam Số 14 (31/3 – 07/4/2025): Giáo Hội..
Th4
Chín điều nên biết về Tuần Thánh
Th4
Sáu điều tín hữu nên biết về Chúa Nhật Lễ Lá
Th4
Quý Cha Giáo Hạt Hòa Ninh Tĩnh Tâm Kỳ II Năm Thánh 2025
Th4
Đại Hội Người Khiếm Thị Và Bước Chân Hành Hương Của Những Người..
Th4
Hành Hương Năm Thánh Của Đại Chủng Viện Thánh Phanxicô Xaviê – “Cùng..
Th4
Đàng Thánh Giá Năm 2025: “Dấu chân hy vọng trên đường thương khó”
Th4
Đức Giáo Hoàng kêu gọi chúng ta bớt nhìn vào màn hình, và..
Th4
Suy Niệm Chúa Nhật V Mùa Chay Năm C: “Một Khởi Đầu Mới..
Th4
Giáo Xứ Tân Thành Khai Mạc Ngày Cao Điểm Tuần Chầu
Th4
Học Hỏi Sứ Điệp Ngày Thế Giới Truyền Thông Xã Hội Lần Thứ..
Th4
Danh Sách Các Điểm Hành Hương Năm Thánh 2025 Tại Việt Nam
Th4
Doanh nhân Giáo phận tĩnh tâm và hành hương Năm Thánh
Th4