Những quả chà là của Đức Maria. Tình huynh đệ giữa Kitô giáo và Hồi giáo

960 lượt xem

Đức Maria cũng còn được biết đến rộng rãi bên ngoài Kitô giáo hay Hồi giáo. Ví dụ như “người Ấn giáo cầu khẩn Đức Maria tại một số nơi tôn nghiêm của họ”, Đức nguyên tổng giám mục Trento cho biết.

Đức Trinh nữ Maria là nhân vật trung tâm của cuộc đối thoại giữa Hồi giáo-Kitô giáo. Vào ngày kỷ niệm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima, 13/5, Đại học Giáo hoàng Antoniaum, phối hợp với Khoa Thần học Giáo hoàng Marianum và Học viện Thánh Mẫu Quốc tế Giáo hoàng, đã tổ chức hội nghị bàn tròn với chủ đề “Những quả chà là của Đức Maria. Tình huynh đệ giữa Kitô giáo và Hồi giáo”. Một truyền thuyết phổ biến trong truyền thống Hồi giáo kể rằng: vào đêm Giáng Sinh, những quả chà là trổ ra từ những cây chà là xung quanh hang đá Bêlem. Đây là điều chưa từng thấy trong tháng 12. Hơn nữa, vào một ngày Đức Trinh Nữ Maria có đủ sức rung cây chà là cho rớt nhiều trái hơn, mà bình thường phải sức của một người đàn ông mới làm được như vậy.

Đức Hồng Y Francis Arinze, nguyên Bộ trưởng Bộ phụng tự và kỷ luật Bí Tích nhắc nhớ rằng, Đức Maria không chỉ được các Kitô hữu tôn kính là Mẹ Thiên Chúa, Đấng đầy ơn phúc, mà Mẹ còn là thụ tạo duy nhất có tên trong kinh Koran. Vì vậy, Đức hồng y hy vọng sáng kiến hội nghị này của Antoniaum sẽ góp phần cho “sự hòa hợp và hòa bình trên toàn thế giới”.

Đức nguyên tổng giám mục Trento, Luigi Bressan, đã từng là đại diện giáo hoàng tại Pakistan và các nước châu Á khác, nhớ lại rằng: Đức Maria cũng còn được biết đến rộng rãi bên ngoài Kitô giáo hay Hồi giáo. Ví dụ như “người Ấn giáo cầu khẩn Đức Maria tại một số nơi tôn nghiêm của họ”, trong khi ở Nhật Bản có “một trung tâm Phật Maria”. Với Do Thái giáo, trong thời gian gần đây có nhiều cuộc nghiên cứu về Do Thái giáo của Đức Maria”.

Biểu tượng về những quả chà là nói trên được giải thích bởi Amal Mussa Hussain Al-Rubaye, đại sứ của Iraq tại Tòa Thánh. Đây là trái cây ý nghĩa mà “người Hồi giáo kiêng trong tháng Ramadan”. Đại sứ Al-Rubaye giải thích: “Trong Hồi giáo, Đức Maria được coi là một trong bốn người phụ nữ đáng kính nhất”.

Cha Gilberto Cavazos-González, giáo sư linh đạo tại Đại học Antoniaum, nhắc đến cuộc gặp gỡ giữa Thánh Phanxicô Assisi và vị vua Hồi Giáo Al-Malik đã giúp cho hai bên hiểu nhau và tôn trọng niềm tin của nhau, chân nhận người khác không chỉ là thụ tạo của Thiên Chúa mà còn là người tin vào Thiên Chúa và thực hành lời Thiên Chúa. Cuộc gặp gỡ giữa thánh Phanxicô và vua Al-Malik là cột mốc cho cuộc đối thoại giữa Hồi giáo và Kitô giáo ngày nay và cũng là điểm tham chiếu cho các Kitô hữu và tín hữu Hồi giáo giữa cuộc xung đột (CSR_3083_2019).

Văn Yên, SJ

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận