Nghi thức tưởng niệm Cuộc Thương Khó Chúa Giêsu tại Giáo xứ Sen Bàng

172 lượt xem

‘’Sầu chất nặng thêm giấm chua mật đắng
đinh sắt, lưỡi đòng, gai nhọn đâm thâu
thân nát tan và máu nước tuôn trào
cho tội lỗi trần gian được tẩy xóa’’
(Thánh thi ‘’Vang khúc khải hoàn ca’’)

GPHT (18.4.2025) – Trong khung cảnh sầu thương của ngày thứ Sáu Tuần Thánh, vào lúc 15g00, ngày 18/4/2025, Đức cha Louis Nguyễn Anh Tuấn đã đến Giáo xứ Sen Bàng – một giáo xứ nằm ở vùng Nam Sông Gianh – Quảng Bình, để cử hành nghi thức Tưởng Niệm Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu.

Hôm nay là ngày duy nhất Hội Thánh không cử hành thánh lễ, thay vào đó Hội Thánh mời gọi các tín hữu suy ngẫm cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã tự hiến thân mình trên thập giá, biến thập giá trở thành Thánh Giá. Thánh Giá cũng chính là trung tâm điểm của buổi cử hành hôm nay.

Trong phẩm phục màu đỏ, Đức cha chủ sự thinh lặng tiến ra trước bàn thờ và phủ phục cầu nguyện. Cử chỉ này ‘’biểu lộ vừa là sự nhục nhã của ‘con người trần tục’, vừa là sự sầu khổ và đau buồn của Hội Thánh’’.

Sau đó, phụng vụ bắt đầu với các bài đọc và Bài Thương Khó, cộng đoàn được cùng nhau chiêm ngắm lại mầu nhiệm thập giá của Người Tôi Tớ Đau Khổ là Đức Giêsu Kitô.

Mở đầu bài diễn giải Lời Chúa, Đức cha Louis nêu lên một thắc mắc: Ai là người đã gây ra cái chết của Chúa Giêsu? Là Quan tổng trấn Philato? Là giới lãnh đạo tôn giáo Do Thái? Hay là dân chúng Do Thái thời bấy giờ? Có thể họ là những người trực tiếp gây ra cái chết của Chúa Giêsu theo góc độ lịch sử. Tuy nhiên, trong cuộc khổ nạn và cái chết của Người, không ai trong chúng ta là vô can: là tôi, là bạn, là tất cả chúng ta đều là nguyên nhân.

Chúa Giêsu đã chịu chết để chuộc lấy nhân loại tội lỗi. Như Thánh Phaolo đã diễn tả trong Thư gửi tín hữu Philiphê: ‘’Chính Người đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,7-8). Tất cả là vì tình yêu.

Sau bài chia sẻ Lời Chúa, hiệp với Đức Giám mục chủ tế, cộng đoàn phụng vụ đã dâng lên Thiên Chúa các ý nguyện, tóm gọn các nhu cầu của toàn thể Hội Thánh.

‘’Đây là cây Thánh Giá – nơi treo Đấng Cứu Độ trần gian’’ – các tín hữu được chiêm ngắm, suy tôn thánh giá Chúa Giêsu. Việc tôn vinh Thánh Giá cũng chính là việc ca ngợi quyền năng của Chúa Cha, tình yêu tự hiến của Chúa Con và bước theo lời mời gọi của Người ‘’Ai muốn theo Tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9, 23).

Nghi thức tưởng niệm kết thúc sau phần Rước lễ – diễn tả sự đáp lại tình yêu và sự hiệp nhất với Chúa Giêsu.

Khi chiêm ngắm cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu, Hội Thánh, đồng thời, cũng tuyên xưng niềm tin vào sự Phục Sinh vinh hiển của Người. Thánh giá chính là biểu tượng của niềm hy vọng cho nhân loại, là chiếc cầu nối giữa đau khổ và vinh quang, giữa sự chết và sự sống.

Ban Truyền thông Giáo phận

Có thể bạn quan tâm