MÙA CHAY – MÙA XÉT MÌNH
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
Chúng ta đang phục vụ nhà Chúa, hay đang phụng thờ Người? Chúng ta đang phục vụ công việc của Chúa, hay đang phụng sự Người? Đâu là công việc mà chỉ có người đi tu mới làm được, chứ những người khác thì không?
Mùa Chay là dịp thuận lợi để chúng ta quay về chiêm ngắm Chúa, nhìn lại chính mình để biết mình đang làm gì, đang ở đâu trong chương trình cứu độ mà Chúa đã dành sẵn cho chúng ta.
Đời sống Ki-tô hữu nói chung là bước theo và bắt chước Đức Ki-tô để trở nên đồng hình đồng dạng với Người. Riêng đối với những người sống đời thánh hiến, thì việc bước theo và bắt chước này càng phải sâu sát và triệt để hơn. Theo Ed 44,10-19[1], chúng ta thấy có hai nhóm người: (1) nhóm người phục vụ nhà Chúa (Ed 44,10-14); (2) nhóm người phụng sự Thiên Chúa. Nhóm người phụng sự Thiên Chúa: không những, phải là người Lê-vi, mà còn, phải là con cái Xa-đốc (Ed 44,15). Hiểu được sự khác biệt này, chúng ta mới hiểu được tại sao có những người được Chúa tuyển chọn, dành riêng để phụng sự Người cách sâu sát và triệt để hơn. Dĩ nhiên, khi phụng sự Thiên Chúa, thì không phải những người đi tu sẽ được miễn trừ việc phục vụ nhà Chúa, và cũng vậy, không phải những người không đi tu thì lại được miễn trừ việc phụng sự Thiên Chúa. Tuy nhiên, những gì được trình bày ở đây muốn nói lên rằng: có những người không sống đúng ơn gọi của mình, cứ sống lây lắt, dập dờn, sống như thể: chỉ chờ qua ngày, để chờ qua đời… Mùa Chay là dịp thuận lợi để giúp chúng ta xét mình, phản tỉnh xem: chúng ta đang phụng sự Chúa hay chỉ đang phục vụ công việc của Chúa mà thôi? Bài viết gồm 5 phần:
1. Sự khác biệt giữa phục vụ nhà Chúa và phụng sự Chúa2. Phụng sự Chúa phải đến gần Chúa (Ed 44,16) 3. Phụng sự Chúa phải đứng trước nhan Chúa (Ed 44,15) |
1. Sự khác biệt giữa phục vụ nhà Chúa và phụng sự Chúa
Chúng ta thấy rằng: nhìn bề ngoài, phục vụ nhà Chúa và phụng sự Chúa không khác nhau nhiều. Những người đi tu cũng tham gia rất nhiều việc như trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất, chữa bệnh, giảng dạy, giữ trẻ… nhưng đâu là động cơ của những việc làm ấy? Vấn đề này tùy thuộc vào việc: Chúa có chiếm vị trí ưu tiên số một trong lòng của những con người được gọi và được chọn để sống triết để ơn gọi Ki-tô hữu hay không? Hay họ chỉ nhìn thấy những công việc, nhìn thấy chính mình, và những người mình phục vụ, còn Chúa thì chẳng thấy đâu cả. Động cơ nói lên toàn bộ thực trạng của chúng ta. Thực trạng của chúng ta tùy thuộc vào động cơ nào thúc đẩy chúng ta làm việc.
Thánh Kinh cho chúng ta thấy: có một nhóm người Lê-vi bận rộn phục vụ, nhưng họ chỉ phục vụ nhà Chúa, chứ không phải phụng sự Chúa. Phục vụ nhà Chúa rất giống phụng sự Chúa, nhìn bề ngoài hầu như không có gì khác biệt. Những người Lê-vi chuẩn bị: (1) của lễ xá tội, và (2) của lễ toàn thiêu, đó những công việc tuyệt vời. Trong khi những người Lê-vi làm việc, họ rất bận rộn và toàn thân đổ mồ hôi. Họ giúp đỡ người khác thực hiện việc dâng hiến chiên và bò. Điều này có nghĩa là họ dốc toàn năng lực của mình để đem người khác đến với Thiên Chúa. Chúng ta biết: của lễ xá tội liên quan đến mối liên hệ giữa tội nhân với Thiên Chúa, và của lễ toàn thiêu liên quan đến mối liên hệ giữa người tín hữu với Thiên Chúa. Của lễ xá tội nói lên: việc tội nhân được kéo gần đến Thiên Chúa, trong khi của lễ toàn thiêu nói lên: việc dâng hiến chính mình của một người tín hữu. Qua việc làm của người Lê-vi: (1) tội nhân được đem đến để tin vào Thiên Chúa, và (2) các tín hữu được hướng dẫn để dâng hiến chính mình cho Thiên Chúa. Công việc của những người Lê-vi thật tuyệt vời! Tuy nhiên, đó chỉ mới là việc phục vụ nhà Chúa, chứ chưa phải là việc phụng sự Chúa.
2. Phụng sự Chúa phải đến gần Chúa (Ed 44,16)
Nhiều người đi tu thích vận dụng cơ bắp và trí tuệ để làm lụng và tham gia các hoạt động bên ngoài như trồng trọt, chăn nuôi, buôn bán, chữa bệnh, giảng dạy, giữ trẻ… Nói chung, họ có thể dùng sức mạnh và năng lực của cơ bắp hoặc trí tuệ để làm đủ mọi thứ công việc khi sống đời thánh hiến. Tuy nhiên, nếu chúng ta mời họ vào bên trong một chút, vào nơi tĩnh lặng, cô tịch, là nơi không ai nhìn thấy họ, thì họ không thể làm được. Nơi thánh là một chỗ vô cùng mờ tối. Trong đó, chỉ có bảy ngọn đèn dầu ô-liu, không sáng bằng bảy ngọn nến nhỏ. Nhiều người đi tu cho rằng: phụng sự Chúa bên trong đền thờ không thú vị chút nào, nhưng, đó lại là nơi Chúa muốn họ có mặt, ở nơi đây, tĩnh lặng, mờ tối, và không có những đám đông người đang theo dõi, quan sát, và tung hô họ.
Phụng sự Chúa liên quan đến điều gì? Nền tảng của việc phụng sự Chúa, tức điều kiện cơ bản để phụng sự Chúa là đến gần Chúa. Những người sống đời thánh hiến là những người luôn biết cách đến gần Chúa chăng? Không chắc! Nhiều người trong số họ thường phải miễn cưỡng lê bước vào sự hiện diện của Chúa. Nhiều người trong số họ thật sự sợ bị bỏ một mình trong phòng riêng hay trong nhà nguyện. Họ sợ ở một mình và không thể chịu nổi tình trạng vào phòng đóng cửa lại một mình với Cha trên trời. Nhiều khi ở trong phòng hoặc trong nhà nguyện, nhưng, lòng họ vẫn lang thang bên ngoài, và họ không thể đến gần Chúa được. Họ không thể ở một mình thinh lặng, suy niệm, cầu nguyện trước nhan Chúa. Nhiều người trong số họ rất vui vẻ làm việc, hòa nhập vào đám đông khi tiếp khách, khi đi ra ngoài giảng dạy cho người khác, nhưng có được mấy người thật sự đến gần Chúa trong nơi thánh? Nhiều người trong số họ không thể đến gần Chúa ở bên trong đền thờ, nơi thiếu ánh sáng, tĩnh lặng và cô tịch ấy. Không một người nào có thể phụng sự Chúa mà không đến gần Chúa trong cầu nguyện: Ai càng đắm mình trong cầu nguyện bao nhiêu, thì họ càng cho thấy mình thật sự có được sức mạnh của Thiên Chúa bấy nhiêu. Trong các công việc như trồng trọt, chăn nuôi, chữa bệnh, giảng dạy, giữ trẻ… những người sống đời thánh hiến có thể dùng sức riêng của mình, nhưng, để đến gần Chúa và ở trước nhan Người một giờ đồng hồ, họ cần phải vận dụng toàn bộ sức mạnh của bản thể mình, thật ra, nếu không cố gắng hết sức như vậy, họ không thể duy trì được công việc này. Những ai phụng sự Thiên Chúa thật sự, đều có những trải nghiệm quý báu của những giờ phút đến gần Chúa: sự ngọt ngào khi thức dậy lúc nửa đêm, dành một giờ cầu nguyện trước khi đi ngủ lại, và niềm cảm khoái diệu kỳ khi thức dậy thật sớm để cầu nguyện một giờ. Nếu không đến gần Thiên Chúa, những người sống đời thánh hiến sẽ không thể phụng sự Người. Họ không thể vừa phụng sự Thiên Chúa, vừa đứng ở đằng xa. Nhóm người Lê-vi chỉ có thể đến gần người ta, ở bên ngoài sân, ngoài hành lang, còn những người phụng sự Thiên Chúa thì phải đến gần Chúa, ở bên trong đền thờ.
3. Phụng sự Chúa phải đứng trước nhan Chúa (Ed 44,15)
Nếu muốn phụng sự Chúa, những người sống đời thánh hiến phải đến gần Người, họ “sẽ đứng trước nhan Ta” (Ed 44,15). Dường như, đa số những người đi tu luôn muốn di chuyển, như thể, đứng yên là một điều mà họ không thể làm được. Họ không thể đứng yên, nhiều người trong số họ vô cùng bận rộn: có nhiều điều ở trước mặt họ, và họ cảm thấy mình phải liên tục di chuyển. Nếu chúng ta yêu cầu họ đứng yên và chờ đợi một chút, họ không thể làm được. Những ai phụng sự Chúa thật sự mới biết thế nào là đứng yên trước mặt Người.
Đứng có nghĩa là gì? Có nghĩa là chờ đợi một mệnh lệnh, chờ đợi Chúa phán ra ý định của Người. Người nào không biết cách đến gần Chúa, thì chắc chắn sẽ không thể phụng sự Người. Tương tự như vậy, người nào không biết cách đứng trước nhan Chúa, thì chắc chắn không thể phụng sự Người. Chúng ta có thể nghĩ rằng: một người đầy tớ không cần phải chờ nghe lệnh ông chủ trước khi làm bất cứ việc gì chăng. Ấy thế mà, trong đời sống thánh hiến, có vô số công việc được thực hiện, nhưng không xuất phát từ ý định của Thiên Chúa.
Trong đời sống thánh hiến, thường có hai loại tội trước nhan Thiên Chúa: (1) nổi loạn chống lại mệnh lệnh Chúa: khi Chúa ra lệnh, nhưng họ từ chối không làm; (2) làm điều mà Chúa không ra lệnh. Tội trước là nổi loạn, còn tội sau là tự phụ. Tội thứ nhất là bỏ qua những gì Chúa đã phán, còn tội thứ hai là làm những gì Chúa không phán. Thế mà, trong đời sống thánh hiến, đã có bao nhiêu công việc được thực hiện, sau khi ý Chúa được tỏ bày? Có bao nhiêu người sống đời thánh hiến thực sự làm việc từ mệnh lệnh của Thiên Chúa? Có lẽ phần lớn trong số họ thực hiện các công việc do lòng nhiệt thành của bản thân, hoặc vì họ cho đó là việc tốt, nên họ làm. Tuy nhiên, chúng ta nên nhớ rằng: không có gì phá hoại kế hoạch của Thiên Chúa cho bằng “những điều tốt”. Chúng ta dễ dàng nhận ra rằng: chúng ta không được phạm tội, không được làm các điều xấu, nên những điều xấu không thể cản trở ý định của Chúa được, do bởi, chúng ta quá ý thức về tính tiêu cực của chúng, còn “những điều tốt”, những điều tương tự với ý định của Thiên Chúa mới là trở lực thật sự, do bởi, chúng tinh vi đến độ chúng ta không dễ dàng nhận ra được sự tác hại của chúng. Chúng ta nghĩ một điều gì đó tốt, rồi chúng ta làm, mà không hỏi xem: đó có phải là ý Chúa không. “Những điều tốt” là kẻ thù lớn nhất trong việc thực thi thánh ý Chúa, do đó, chúng ta phải cẩn trọng phân định.
Trong đời sống thánh hiến, chắc chắn có những điều rất tốt, nhưng những người sống đời thánh hiến có đứng trước nhan Thiên Chúa không? Những người đi tu rất cần đứng trước nhan Chúa. Đứng nghĩa là không bước đi hay chuyển động, có nghĩa là, ở một chỗ, đứng yên và chờ lệnh của Chúa. Đó là phụng sự Chúa. Các công việc như: chăn nuôi, trồng trọt, buôn bán, chữa bệnh, giảng dạy, giữ trẻ… được thực hiện ở ngoài sân, ngoài hành lang, đã có rất nhiều người làm rồi, không cần phải đi tu, họ cũng làm được, riêng, nơi cung thánh mới là nơi dành cho những người được Chúa tuyển chọn, nơi rất biệt lập, không thấy bóng người nào. Trong nơi thánh, không người nào có uy quyền trên những người sống đời thánh hiến, cũng không có hội đồng nào quyết định cho họ, hay một ủy ban có thẩm quyền nào giao nhiệm vụ cho họ. Trong nơi thánh, chỉ có một uy quyền chi phối họ, đó chính là Thiên Chúa. Những người đi tu chỉ làm những gì Chúa hướng dẫn mình, ngoài ra, họ không làm gì cả. Trong Mùa Chay Thánh này, chúng ta xét mình xem: mình có thật sự đứng trước nhan Thiên Chúa hay chưa?
Nếu muốn phụng sự Thiên Chúa trong nơi thánh, chúng ta phải dành thời gian ở trước nhan Chúa và cầu nguyện. Những người sống đời thánh hiến rất cần cầu nguyện để được dẫn vào sự hiện diện của Chúa và đến gần Người. Như vậy, cầu nguyện là đứng trước nhan Chúa, là đứng yên chờ mệnh lệnh, là tìm kiếm ý Chúa khi ở trước nhan Người.
4. Phụng sự Chúa phải dâng mỡ và máu (Ed 44,15)
Để đứng trước nhan Chúa, chúng ta cần phải “dâng cho Ta mỡ và máu” (Ed 44,15). Chúng ta biết rằng: vinh quang của Thiên Chúa đầy dẫy nơi Cực Thánh, sự thánh thiện và công chính của Người đầy dẫy nơi Cực Thánh. Mỡ là vì vinh quang của Chúa, và máu là vì sự thánh thiện và công chính của Chúa. Chúng ta phải dâng mỡ, có nghĩa là, dâng những gì phong phú nhất, và tốt lành nhất, để làm thỏa lòng Thiên Chúa. Chúng ta đều biết: Thiên Chúa thánh thiện và công chính, Người tuyệt đối không thể chấp nhận bất cứ những gì là nhơ uế, tội lỗi. Nếu không có sự đổ máu, nếu con người không trả một giá vì tội lỗi mình, Thiên Chúa không thể thỏa lòng, vì vậy, cần phải có máu: không có cách nào đến gần Thiên Chúa mà không có máu.
Tất cả những ai muốn đến gần Thiên Chúa để phụng sự Người, thì phải đáp ứng: (1) sự vinh quang, (2) sự thánh thiện và (3) sự công chính của Thiên Chúa. Toàn bộ Thánh Kinh, cả Cựu Ước lẫn Tân Ước, đều tập trung vào ba chiều kích này: vinh quang, thánh thiện và công chính của Thiên Chúa. Vinh quang của Thiên Chúa chỉ về chính Người, sự thánh thiện của Thiên Chúa chỉ về bản chất của Người, và sự công chính chỉ về đường lối của Người. Nói cách khác, chính Thiên Chúa là vinh quang, bản chất của Người là thánh thiện, và đường lối của Người là công chính. Mỗi khi đến trước nhan Người, trước hết, chúng ta phải nhận thức rằng: làm thế nào mình có thể đứng trước nhan Người? Thiên Chúa thì thánh thiện, và công chính, làm thế nào tội nhân như chúng ta gặp được Người? Chúng ta có thể gặp Người, do bởi, Máu của Đức Ki-tô đã tẩy sạch chúng ta khỏi mọi bất chính, và máu chúng ta đổ ra qua những hy sinh kết hợp trong Bửu Huyết của Đức Ki-tô. Tuy nhiên, Thiên Chúa không chỉ thánh thiện và công chính, mà tự trong chính mình Người, Người còn là vinh quang nữa, do đó, chúng ta cần phải dâng mỡ, tức dâng những gì phong phú nhất, tốt lành nhất để thỏa lòng Người.
5. Phụng sự Chúa phải không được đổ mồ hôi (Ed 44,18)
Những ai phụng sự Thiên Chúa phải mặc y phục bằng vải gai, đội mũ bằng vải gai trên đầu, mặc quần đùi bằng vải gai ngang hông. Toàn thân họ mặc y phục bằng vải gai. Ed 44,17 nói: Họ không được mặc y phục bằng len: Không ai phụng sự Thiên Chúa được mặc y phục bằng len. Tại sao? Chúng ta hãy đọc Ed 44,18: Chúng sẽ đội mũ tế bằng vải gai trên đầu và mặc quần đùi bằng vải gai ngang lưng, chúng sẽ không thắt gì có thể làm đổ mồ hôi. Câu Thánh Kinh này bày tỏ rằng: tất cả những ai phụng sự Thiên Chúa không được đổ mồ hôi. Mọi công việc đổ mồ hôi đều không đẹp lòng Thiên Chúa, và bị Người từ chối. Đổ mồ hôi có nghĩa là gì? A-đam là người đã đổ những giọt mồ hôi đầu tiên trên thế giới này, khi ông bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng. Sáng Thế Ký chương ba cho chúng ta biết: do tội của A-đam, Thiên Chúa trừng phạt ông bằng cách phán rằng: Ngươi sẽ phải làm việc đổ mồ hôi trán mới có ăn. Mồ hôi là hậu quả của tội lỗi và sự nguyền rủa. Do tội của A-đam và sự nguyền rủa của Thiên Chúa: đất ngưng sinh hoa trái, do thiếu sự ban phước của Thiên Chúa, loài người cần phải nỗ lực, và điều này khiến họ phải đổ mồ hôi. Công việc đổ mồ hôi là công việc gì? Đó là công việc phát sinh từ sự nỗ lực của con người, thiếu sự ban phước của Thiên Chúa là Cha. Những người phụng sự Thiên Chúa cần phải tránh những công việc đổ mồ hôi, vì đó là công việc chỉ có sức người, không có sự ban phước của Thiên Chúa. Tất cả những ai muốn phụng sự Thiên Chúa phải làm các công việc không đổ mồ hôi, nghĩa là, những công việc từ chính Thiên Chúa và phước lành của Người. Mọi công việc của Thiên Chúa đều tĩnh lặng, không thành tựu do việc chạy đôn chạy đáo, nhưng, do việc ngồi xuống tĩnh lặng trước nhan Chúa, như cô Ma-ri-a ngồi dưới chân Đức Giê-su.
Tuy nhiên, có những người bề ngoài có vẻ rất bận rộn, nhưng, họ lại rất an nghỉ ở bên trong; mặc dù, bên ngoài nóng nảy, nhưng bên trong rất bình lặng. Công việc này được thực hiện do việc ngồi xuống trước nhan Chúa, trong sự hiện diện của Người, và đó chính là công việc không đổ mồ hôi. Mọi công việc trước nhan Thiên Chúa đều không phải tình cờ, và không được hoàn thành do nỗ lực của cơ bắp và trí tuệ con người. Tiếc thay! Trong đời sống thánh hiến hiện nay, có rất nhiều công việc không thể thành tựu, nếu không đổ mồ hôi. Thật đáng thương! Ngày nay công việc không thể thành tựu, nếu thiếu người đặt kế hoạch, người bảo trợ, đề xướng, chạy đôn chạy đáo, thúc giục, hô hào, và sử dụng sức lực con người với toàn bộ cơ bắp và trí tuệ. Thật là một điều đáng thương, vì trong hầu hết mọi trường hợp: nếu không có mồ hôi, thì không có công việc. Theo Ed 44,10-19, chúng ta nhớ rằng: người ta chỉ được phép đổ mồ hôi khi ở ngoài sân, ngoài hành lang. Khi trồng trọt, chăn nuôi, buôn bán, chữa bệnh, giảng dạy, giữ trẻ… đổ mồ hôi là điều được phép. Nếu đi tu là chỉ để làm những công việc như thế, thì họ có thể đổ mồ hôi tùy ý. Tuy nhiên, Những người đi tu lại những con người được tuyển chọn không phải để chỉ làm những công việc như thế. Nhiều người trong số họ nghĩ rằng: không thể hoàn thành công việc, nếu thiếu sự chạy loanh quanh, dành thời giờ thảo luận, bàn cãi, thương lượng, đề xuất, tán thành, ủy quyền… Nếu chúng ta yêu cầu họ đứng yên chờ đợi trước nhan Thiên Chúa, và lắng nghe mệnh lệnh của Người, thì họ không thể làm được, vì đối với họ, tất cả những công việc đều phải đổ mồ hôi.
Ở trong sự hiện diện của Thiên Chúa thật quý báu biết bao. Những người đi tu phải đối diện với một mình Thiên Chúa là Đấng đã yêu thương và mời gọi mình cách đặc biệt. Không phải họ được miễn trừ các công việc đổ mồ hôi, nhưng, trước hết và trên hết, họ phải làm công việc không đổ mồ hôi. Điều này có nghĩa là gì? Nếu tiếp xúc với Thiên Chúa cách đúng đắn, họ không cần đổ mồ hôi trước mặt người đời: họ có thể hoàn thành nhiều công việc nhất, với một lượng sức lực ít nhất. Lý do có rất nhiều sự quảng cáo, cổ động, đề nghị các công việc trong đời sống thánh hiến là vì những người sống đời thánh hiến không cầu nguyện trước nhan Thiên Chúa. Nếu chăm sóc công việc của mình cách đúng đắn trước nhan Thiên Chúa, họ sẽ không cần nhiều thứ rườm rà phức tạp, lúc đó, những người khác sẽ tự nhiên hưởng ứng công việc của họ, và các công việc sẽ tự phát có kết quả. Thiên Chúa không ngừng làm việc, nên không cần chúng ta phải đổ mồ hôi mà quên mất Chúa: phục vụ việc của Chúa, mà quên phụng sự Chúa. Chúng ta nghĩ mình thông minh, tài giỏi hơn Chúa chắc?
Mùa Chay là dịp thuận lợi để chúng ta thành thật xét mình trước nhan Chúa: nếu chúng ta đang đổ mồ hôi từ sáng tới tối, thì chúng ta có thể chắc chắn một điều rằng: chúng ta đang phục vụ nhà Chúa, chứ chưa phụng sự Chúa; nếu mọi công việc và sự lao nhọc của chúng ta chỉ đáp ứng những nhu cầu bên ngoài, chúng ta có thể kết luận rằng: mình đang phục vụ chính mình, phục vụ công việc của Chúa, chứ chưa phải phụng sự Chúa. Dĩ nhiên, chúng ta không khinh thường những công việc phục vụ nhà Chúa: cần phải trồng trọt, chăn nuôi, buôn bán, chữa bệnh, giảng dạy, giữ trẻ… nhưng, chúng ta phải nhớ rằng: Thiên Chúa mong muốn một điều gì đó sâu xa hơn.
Thiên Chúa chỉ chọn con cái Xa-đốc để phụng sự Chúa (Ed 44,15). Tại sao? Khi Ít-ra-en quay khỏi đường lối Chúa và lìa bỏ Người, thì chỉ có con cái Xa-đốc vẫn coi giữ bên trong đền thờ. Họ thấy những gì bên ngoài không thể sửa chữa được, những gì bên ngoài đã bị đổ nát và bị ô uế. Vì vậy, họ lìa bỏ những gì ở bên ngoài và tập trung vào việc giữ cho bên trong đền thờ được thanh sạch. Nhà nguyện, phòng riêng, những nơi tĩnh lặng, các giờ thiêng liêng… là điểm hẹn, là cấm biên để giúp những người sống đời thánh hiến canh giữ con tim tinh tuyền. Ấy thế mà, nhiều người trong số họ lại thích vượt rào cấm, hoặc vẫn ở bên trong, nhưng lại đầy dẫy những thứ bên ngoài. Khi nói những người đi tu là những người được Thiên Chúa tuyển chọn cách đặc biệt, thì chúng ta cũng có thể ngầm ví rằng: họ là những thầy tư tế Lê-vi, con cái Xa-đốc được ưu tuyển, được Thiên Chúa mời gọi, và họ đã quảng đại, tự do đáp lại tiếng gọi của Người, để ưu tiên thi hành sứ vụ phụng sự Thiên Chúa bên trong thánh điện của Người. Ấy thế mà, có bao nhiêu người trong số họ đang ý thức và đang sống đúng ơn gọi của mình???
Nguồn: hdgmvietnam
Có thể bạn quan tâm
Bài hát cộng đồng Lễ Chúa Hiển Linh
Th12
Phó Chánh Án Tòa Ân Giải Tối Cao: Tòa Giải Tội, Cửa Thánh..
Th12
Lễ Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa
Th12
Thánh lễ và Nghi thức tiếp nhận các tiến chức phó tế vào..
Th12
Mở Cửa Thánh Đền Thờ Latêranô: “Gieo Niềm Hy Vọng Và Xây Dựng..
Th12
Ủy Ban Loan Báo Tin Mừng Gợi Ý Suy Niệm Chầu Thánh Thể..
Th12
Kinh Năm Thánh 2025
Th12
Hướng dẫn thực hành để nhận được Ơn Toàn Xá trong Năm Thánh..
Th12
Thư gửi Mẹ Thiên Chúa
Th12
Tin Tổng Hợp Giáo Phận Hà Tĩnh Tháng 12/2024
Th12
Năm Thánh Hy vọng 2025 chính thức khai mạc tại Giáo phận Hà..
Th12
[TRỰC TIẾP] Thánh lễ Khai mạc Năm Thánh | Giáo phận Hà Tĩnh..
Th12
Chiếm Trọn Spotlight Của Đức Maria và Người Trẻ
Th12
Suy Niệm Lễ Thánh Gia Thất – Năm C
Th12
Bài Hát Cộng Đồng Lễ Đức Maria – Mẹ Thiên Chúa (01/01/2025)
Th12
Nghi Thức Khai Mạc Năm Thánh 2025 Tại Các Hội Thánh Địa Phương
Th12
Đức Thánh Cha Mở Cửa Thánh Tại Nhà Tù Rebibbia: Hãy Nắm Lấy..
Th12
Ngày 28/12: Các Thánh Anh Hài tử đạo
Th12
Ngày 27/12: Thánh Gioan Tông đồ
Th12
Ý nghĩa của hành hương Năm thánh?
Th12