Linh mục đoàn Giáo phận Hà Tĩnh bế mạc Tuần Tĩnh tâm: Nhìn lại những chiều kích linh đạo sứ giả Tin Mừng

2398 lượt xem

Sáng ngày 4/12/2020 Tuần Tĩnh Tâm linh mục đoàn Giáo phận Hà Tĩnh bế mạc với Thánh lễ Tạ ơn lúc 10 giờ 15 tại nhà nguyện Tiền chủng viện thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II.

Sứ mạng loan báo Lời Chúa làm nên lý do hiện hữu của linh mục và là sứ mạng đóng vai trò cốt lõi trong linh đạo linh mục. Công đồng Vatican II trong Sắc lệnh về Chức vụ và Đời sống các Linh mục dạy rằng: “…các linh mục, vì là cộng sự viên của Giám mục, có nhiệm vụ đầu tiên là loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa…” (PO, số 4). Hội đồng Giám mục Việt Nam trong Thư mục vụ 2005 đã khẳng định: “Loan báo Lời Chúa là sứ mạng chính yếu và là lẽ sống của chúng ta. Chính vì sứ mạng này mà chúng ta được chọn và sai đi”. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II trong Bài huấn từ tại buổi tiếp kiến chung ngày 21/4/1993 đã nhấn mạnh: “Đối với các linh mục, loan báo Lời Chúa là trách nhiệm đầu tiên phải chu toàn, vì nền tảng của đời sống kitô hữu, cá nhân cũng như cộng đoàn, chính là đức tin, mà đức tin thì do Lời Chúa khơi dậy và lấy Lời Chúa làm lương thực”, như thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Rôma đã viết: “Có đức tin là nhờ nghe giảng, mà nghe giảng là nghe công bố Lời Chúa” (Rm 10,17) – “lời cứu độ, lời lay gọi tâm hồn những kẻ không tin, lời làm cho cộng đoàn các kitô hữu sinh thành và tăng trưởng” (LM, 4).

Nhưng loan báo Lời Chúa trong bối cảnh lục địa Á châu, nơi mà các truyền thống tâm linh, tôn giáo như Ấn giáo, Phật giáo, Nho giáo, Lão giáo… đã có từ lâu, đòi hỏi sứ giả Tin Mừng phải có một cách thế hiện diện phù hợp.

Với chủ đề “Linh đạo sứ giả Tin Mừng tại châu Á”, quý cha sẽ được hướng dẫn để suy tư và cầu nguyện qua bảy đề tài. Chúng ta cùng nhìn lại những chiều kích của linh đạo sứ giả Tin Mừng mà suốt Tuần Tĩnh tâm qua quý cha được mời gọi suy tư, học hỏi và cầu nguyện.

1. Linh mục, sứ giả Tin Mừng

Đức cha Phêrô nêu lên dấu mốc 50 năm hình thành Liên hiệp Hội đồng các Giám mục Á châu (Federation of Asian Bishops’ Conferences – FABC) (1970 – 2020) với lời mời gọi “đọc lại những tài liệu của FABC, đặc biệt là về linh đạo của sứ giả Tin Mừng tại châu Á để chúng ta cùng chia sẻ với nhau trong những ngày tĩnh tâm này như là những gợi ý để đối chiếu với đời sống linh mục của mình”. Đức cha Phêrô nhắc lại Thông điệp Redemptoris Missio của Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II nói về 3 khía cạnh của Phúc âm hóa:

– Truyền giáo tại những vùng chưa nghe đến Tin Mừng Chúa Giêsu. Trên lục địa Á châu số người này chiếm một tỉ lệ rất lớn.

– Những người đã chịu Phép Rửa, nhưng rồi rời bỏ Hội Thánh đang bắt đầu có những dấu hiệu rõ rệt.

– Những người vẫn tin Chúa và sống trong Hội Thánh, nhưng tinh thần Phúc Âm không tác động bao nhiêu. Số người này cũng đang ngày một tăng.

Cả ba khía cạnh trên đang đòi buộc người linh mục phải cật vấn lại cách rao giảng Tin Mừng của mình!

Sứ giả Tin mừng là đem tinh thần Phúc Âm vào “mọi môi trường của nhân loại và nhờ tác động của Phúc Âm, biến đổi và làm mới nhân loại từ bên trong” (Evangelii Nuntiandi, 18). Việc làm mới nhân loại từ bên trong phải được đặt trên hai xác quyết: “Một là chính Đức Giêsu Kitô mới là sự mới mẻ đích thực, đáp ứng sự mong chờ của con người; hai là sứ điệp của Chúa phải được thông truyền cách thích hợp với những bối cảnh xã hội và văn hóa đang chuyển động” (Bênêđictô XVI, Thánh Lễ bế mạc THĐGM, 28/10/2012).

2. Gắn bó với Đức Kitô

Kitô giáo thiết yếu là tôn giáo mời gọi người tín hữu “sống với ai”, khác biệt một cách căn bản với các truyền thống tâm linh văn hoá và tôn giáo khác tìm cách giúp con người “sống thế nào”. Vì Kitô giáo là tôn giáo ngôn sứ, tôn giáo mạc khải, khác một cách căn bản với các tôn giáo khôn ngoan. Người tín hữu kitô, một cách chính yếu, đón nhận sứ điệp của Thiên Chúa qua vị ngôn sứ và được mời gọi sống với, kết hiệp với Thiên Chúa. Trong khi tôn giáo khôn ngoan chủ yếu đưa ra những bài học luân lý để mỗi người tự tìm nẻo đường giải thoát cho chính mình hoặc hòa đồng với Thượng Đế như một Nguyên Lý Tuyệt Đối. Nghĩa là Kitô giáo mời gọi con người hãy sống kết thân với Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa làm người.

Sứ giả Tin Mừng là người phải có mối quan hệ cá vị với Đức Kitô: “Trước hết và trên hết, những sứ giả mới của Tin Mừng phải có đức tin sống động, được xây dựng trên nền tảng cuộc gặp gỡ sâu xa, cá vị và có sức biến đổi, với ngôi vị sống động là Đức Giêsu Kitô, cuộc gặp gỡ đem lại hiệu quả là bản thân được hoán cải và trở nên môn đệ Chúa Giêsu trong lời nói cũng như việc làm. Tóm lại, chúng ta loan báo Đấng mình đã thấy, đã nghe và chạm tới” (FABC X). Cuộc gặp gỡ với Đức Giêsu Kitô được định vị trên hai phương diện Gặp gỡ Lời ChúaGặp gỡ Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể. Có sự gặp gỡ và gắn kết như thế, linh mục mới Giúp giáo dân gặp gỡ Chúa được.

3. Say mê sứ vụ

Sứ giả Tin Mừng là người phải luôn có sự say mê sứ vụ, nghĩa là “phải cháy lửa tình yêu Đức Kitô và lửa nhiệt thành mong ước làm cho Đức Kitô được nhiều người nhận biết hơn, yêu mến hơn” (Ecclesia in Asia, 23). Để có thể cháy hết mình trong lửa tình yêu Đức Kitô và lửa nhiệt thành sứ vụ sứ giả Tin Mừng phải biết ra khỏi chính mình để tránh não trạng quy ngã đến mức “bệnh hoạn”, để không bị đánh mất ý nghĩa như một mysterium lunae (mầu nhiệm của mặt trăng), một vật thể không tự phát sáng mà chỉ là phản chiếu ánh sáng mặt trời. Chúng ta cũng vậy, chúng ta không tự có ánh sáng. Ánh sáng mà chúng ta có là một sự phản chiếu ân điển của Thiên Chúa, ánh sáng của Thiên Chúa. Nếu chúng ta đánh mất ý nghĩa đó nghĩa là chúng ta đang nhường bước cho thói tục thế gian (ĐGH Phanxicô).

4. Hiệp thông

“Các sứ giả Tin Mừng sẽ gặt hái kết quả hữu hiệu khi sống kết hợp mất thiết với Chúa Giêsu, quảng đại dấn thân làm chứng và cổ võ sống hiệp thông với Chúa, với nhau, và với mọi thụ tạo” (FABC X). Linh mục với tư cách là sứ giả Tin Mừng phải sống mối hiệp thông theo ba chiều kích: Hiệp thông với Giáo Hội, Hiệp thông với Giám mục Giáo phận và Hiệp thông với anh em linh mục.

5. Giáo hội tham gia

Một Giáo Hội hiệp thông và tham gia “cần phải được xây dựng như gia đình con cái Thiên Chúa hơn là như một phẩm trật được phú ban với những cơ cấu và lề luật nghiêm minh. Giáo Hội như một gia đình sẽ hòa nhập tốt hơn vào xã hội Việt Nam” (HĐGMVN, Phúc trình tại THĐGM Á châu 2000). Để cổ võ cho một Giáo Hội hiệp thông và tham gia, Linh mục với tư cách là sứ giả Tin Mừng cần cảnh giác trước những nguy cơ: Não trạng giáo sĩ trị, duy lề luật và tính tự kiêu tự mãn. Cách cụ thể, đó là tạo điều kiện cho sự tham gia của giáo dân, “phải chân thành nhìn nhận và phát huy phẩm giá, vai trò riêng của giáo dân trong sứ mệnh của Giáo Hội… nhìn nhận kinh nghiệm và khả năng chuyên môn của họ trong các lãnh vực hoạt động” (Presbyterorum Ordinis, 9).

6. Hiện diện khiêm hạ

Hoạt động giữa những nền văn hóa đề cao sự bỏ mình và quý trọng cầu nguyện như ở Á châu, các sứ giả của Tin Mừng cần phải có cung cách hiện diện khiêm hạ, nghĩa là phải có nếp sống giản dị và liên kết với người nghèo (FABC X). Nhất là để khơi dậy tinh thần truyền giáo trong bối cảnh văn hóa Á châu trong thế kỷ 21 này, Giáo Hội cần có ba phẩm chất: khiêm tốn, đơn sơ và khả năng thinh lặng (ĐHY Tagle).

Nền tảng của sự hiện diện khiêm hạ chính là sống mầu nhiệm kenosis – mầu nhiệm tự hủy – điều cốt lõi của mầu nhiệm cứu độ. Linh mục sống mầu nhiệm kenosis bằng tinh thần khó nghèo, tinh thần từ bỏ và thái độ khiêm nhường phục vụ.

7. Đối thoại

Á châu vốn không phải là một vùng đất hoang nhưng là vùng đất của những tôn giáo và của những nền văn hóa tâm linh lâu đời. Vốn đã sẵn có một vũ trụ quan, một nhân sinh quan và một quan niệm tôn giáo rất phong phú và khá vững chắc, phần lớn người ta không phải là không biết đến Thiên Chúa, trái lại, họ cũng đã cảm nghiệm được sự hiện diện của Người một cách nào đó và gọi Người bằng những tên gọi khác nhau như là Trời, là Thiên, là Brahma v.v… Do đó, truyền giáo không phải là giới thiệu một Thiên Chúa, một Đức Kitô hoàn toàn xa lạ, mà một cách nào đó, có thể nói là “làm sáng tỏ cái đức sáng” (minh minh đức) vốn đã hiện hữu tiềm tàng, hay là giúp cho người ta “ngộ” được cái chân lý, mà theo Công đồng Vatcan II, đã có phần nào trong các tôn giáo khác[1], cụ thể là các truyền thống tâm linh, tôn giáo tại Á châu. Vì thế, “Công cuộc Tân Phúc Âm hóa kêu gọi lấy tinh thần đối thoại thúc đẩy cuộc sống hằng ngày và chọn tương quan hòa hợp chứ không đối đầu” (FABC X). Tinh thần đối thoại nổi bật lên ba lãnh vực mà Giáo Hội phải có mặt để cổ võ sự phát triển toàn diện và mưu cầu công ích: đối thoại với nhà nước; với xã hội (văn hóa, khoa học); với các tín đồ thuộc các tôn giáo khác” (Evangelii Gaudium, 238). Nghĩa là “phải uyển chuyển và sáng tạo trong việc làm chứng cho Tin Mừng qua đối thoại và mở ra với mọi người” (ĐGH Phanxicô).

Ước chi những chiều kích của linh đạo sứ giả Tin Mừng mà Linh mục đoàn Giáo phận Hà Tĩnh được mời gọi cùng suy tư, học hỏi và cầu nguyện sẽ làm phong phú hơn hành trang mục vụ của mình.

Ban Truyền Thông Giáo phận Hà Tĩnh

[1] Công đồng Vatican II, Nostra Aetate, số 2.

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận