“Hi vọng không làm thất vọng” (Rm 5,5)

51 lượt xem

Câu chuyện của con: Cách nay hơn một tháng, vào Chúa nhật II Mùa Chay – năm 2025, con bất chợt nhận được tin nhắn của một người bạn từ Hàn Quốc bảo rằng: “Chào thầy, sắp tới mình về Việt Nam trong dịp đại lễ Phục sinh, hi vọng chúng ta sẽ gặp nhau và mình cũng đã chuẩn bị một món quà dành cho bạn.” Là một người bạn thân lại lâu ngày không gặp, nên từ ngày nhận được tin nhắn ấy lòng con nao nao và hi vọng tới ngày được gặp lại người bạn chí cốt, nhưng cũng mong đợi món quà bất ngờ từ bạn ấy. Thế rồi, ngày lễ Phục sinh của năm cũng đến, con gặp lại người bạn trong niềm vui hạnh ngộ. Và cũng như lời đã hứa và lòng con mong chờ, bạn ấy tặng con món quà là một bức tượng Đức Maria theo văn hóa Triều Tiên, rất đẹp! Món quà thật ý nghĩa, xứng đáng với lòng mong đợi của con. Tuy nhiên, thật không may, khi con đang mãi vui và thỏa mãn với món quà tưởng như vô giá mà người bạn thân vừa trao tặng, thì vì vô tình chiếc tượng bị rơi từ trên bàn học xuống sàn nhà do một giây bất cẩn của con, nó vỡ vụn trong phút chốc, con buồn, thất vọng và tự nhủ: “Ước gì mình có một một cái tượng mới,” đó là niềm hi vọng của con người, một niềm hi vọng mong manh và vô tận.

Thực tế cho thấy, ngày nay người ta sinh ra và lớn lên ai cũng hi vọng: Hi vọng mình học hành nên người, có công việc nuôi sống bản thân và gia đình, hi vọng có một cuộc sống ấm êm, sung túc, đủ đầy. Tuy nhiên, nhìn vào bức tranh toàn cảnh hiện nay, chúng ta dễ bắt gặp con số những người thất nghiệp ngày càng gia tăng, áp lực cuộc sống khiến cho nhiều người buông xuôi tuyệt vọng, mất phương hướng cho cuộc đời, sống qua ngày đoạn tháng, lầm lũi trong sự cô đơn và tương lai chỉ là bóng đen dày đặc không lối thoát. Hay một số bạn trẻ ước mơ về một gia đình hạnh phúc yêu thương, nhưng sự nghiệt ngã của cuộc sống đã sớm dập tắt những ước mơ chính đáng của đời họ. Chính áp lực kinh tế đã đẩy cuộc sống hôn nhân vào bế tắc, dẫn đến hệ quả cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt, đời sống vợ chồng tưởng chừng sẽ đong đầy hạnh phúc lại bị giăng mắc bởi bế tắc và đau khổ. Ở một góc nhìn khác, chúng ta nhận ra, ngày nay người với người không còn trao cho nhau niềm hi vọng, bởi người ta thay vì trao ban yêu thương thì lại gieo rắc hận thù; thay vì trao ban sự cảm thông thì lại làm gia tăng nỗi hoang mang tuyệt vọng; thay vì trao ban sự bình an thì lại gây bối rối, lo sợ; thay vì trao ban công bình thì lại tạo ra sự dối trá, mánh khóe, lừa lọc; thay vì trao ban hòa bình thì lại kích động hận thù, tang thương bằng những cuộc chiến phi nghĩa không hồi kết; thay vì gieo hi vọng thì lại gây bất an, bất ổn. Tất cả cũng chỉ vì con người ngày nay không có mục đích, lý tưởng sống, không có kim chỉ nam hướng dẫn con thuyền cuộc đời, làm cho lòng người quay quắt trong ích kỷ và tuyệt vọng, mất phương hướng giữa biển đời muôn lối.

Trong thế giới ngày nay với nhịp sống hối hả, nhanh chóng và đầy hỗn loạn, con người dễ bị mất phương hướng và đánh mất ý nghĩa cuộc sống. Người ta dễ bỏ đi những giá trị luân lý truyền thống để thay thế bằng những tư duy thực dụng và thực tế, nhằm mục đích hưởng thụ, lấp đầy những khát vọng, những thèm muốn, những đòi hỏi tức thời mà quên mất ý nghĩa hiện hữu của kiếp nhân sinh. Nhìn toàn cảnh thế giới, chúng ta dễ nhận ra khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng, tình trạng bất công bạo lực đang xẩy ra triển miên, sự hỗn loạn về chính trị đang xẩy ra khắp đó đây, chiến trang khủng bố vẫn chưa có hồi kết, những tiếng kêu than của người nghèo, người yếu thế vẫn còn xé lòng, công lý vẫn còn là điều gì đó quá xa vời. Giữa bối cảnh đó, những người nghèo hi vọng có cơm bánh để sống, những người thất nghiệp hi vọng có công việc để nuôi sống bản thân và gia đình, những vùng chiến sự hi vọng sớm có hòa bình, những người sống trong bất công mong công lý sớm được thực thi, những đất nước hỗn loạn mong sớm ổn định và phát triển, và vẫn còn đó biết bao hi vọng của con người, đặc biệt là những người nghèo, nó tưởng chừng như trong tầm tay của nhân loại thì lại trở nên vô cùng xa vời và cũng đầy nỗi thất vọng.

Tuy nhiên, nhìn lại lịch sử cứu độ, lúc khởi nguyên Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ thế giới với tất cả sự tốt đẹp: “Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp, qua một buổi chiều và một buổi sáng đó là ngày thứ sáu” (St 1, 31). Ngài cũng đã trao tặng con người một thế giới hòa bình, yên ấm, đủ đầy, sung túc, nhưng tiếc thay con người vì lòng kiêu ngạo, tham lam và ích kỷ đã vun vén, tích trữ và xây dựng những kho tàng của cải cho riêng mình một cách bất công, hậu quả là trong khi có những người cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc thì lại có những người cơm dư gạo thừa, hưởng thụ một cuộc sống yên ấm sung túc mà chẳng màng chi đến người nghèo, hay có những người vì tham vọng và những lý lẽ ngụy biện đã hung hăng gây chiến dẫn đến bao cảnh tang thương đau khổ cho các dân tộc khác, hoặc có những con người nhân danh cá nhân lại áp đặt những tư tưởng sai lầm trên những người yếu thế, vô tội, và không thiếu những người gian dối lọc lừa, bất chấp những thủ đoạn để làm lợi cho bản thân mà chẳng màng chi đến số phận của những người đồng loại. Nhưng chúng ta dễ nhận ra, dầu cho tiền bạc, của cải, danh vọng, chức quyền, địa vị, danh tiếng con người có được thì nó sẽ mãi không thể lấp đầy những khát vọng vô biên của con người. Hậu quả là người ta khi phấn đấu có được điều này, lại ước có được điều kia, khi có đủ cơm ăn áo mặc thì lại mong ăn ngon mặc đẹp, khi gây chiến để chiếm được vùng đất này thì lại mang tham vọng bành trướng, khi có được của cải đủ dùng thì lại mong có được nhiều hơn để tích trữ, khi có được những thành tựu khoa học phục vụ cuộc sống lại nuôi mộng vươn tới cung trăng, sao hỏa, … Đó là những hi vọng, những khát vọng vô cùng của nhân loại, nó sẽ mãi không có điểm chấm tận.

Thánh Augustinô nói rằng: “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con cho Chúa và tâm hồn con luôn khắc khoải cho đến khi được yên nghỉ trong Chúa”.[1] Thật vậy, nhân loại sẽ không ngơi nghỉ trong những khát vọng của mình. Nhưng có một Đấng có thể lấp đầy mọi khát vọng của nhân loại đó chính là Thiên Chúa. Thiên Chúa, Đấng vì yêu thương đã tác tạo con người giống hình ảnh Ngài (x.St 1, 27). Và khi nguyên tổ phạm tội, Thiên Chúa đã không trì hoãn sai Con Một xuống cứu độ con người. Để thực hiện chương trình ấy, Thiên Chúa đã chọn tổ phụ Ápraham để lập dân tộc Ítrael. Để rồi sau bao biến cố thăng trầm, niềm hi vọng cứu độ cũng đã giáng thế: “Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ Ngài ra đi, vì chính mắt con đã được thấy ơn cứu độ, Chúa đã dành sẵn cho muôn dân …”.[2] Đức Giêsu Kitô, Ngôi Hai Thiên Chúa đã từ bỏ địa vị Thiên Chúa tối cao để hạ cố sinh làm người và làm người nô lệ, và cuối cùng mang lấy một cái chết trần trụi ô nhục, đau khổ trên thập giá, Thiên Chúa làm tất cả những điều đó cũng chỉ để nói cho nhân loại biết rằng: “Thiên Chúa là tình yêu” ( 1Ga 4, 16). Ngài là tình yêu, Ngài đến để lấp đầy những khát vọng của cõi lòng nhân loại, bởi chỉ có tình yêu mới đem đến cho con người sự yêu thương, giúp con người nhận ra khuôn mặt của Thiên Chúa nơi mỗi anh chị em. Để từ đó, họ biết chia sẻ cơm bánh, biết trao ban hòa bình, biết phục vụ trong quyền bính, biết băng bó những vết thương trong cõi lòng, biết xây dựng một thế giới công bình huynh đệ, biết nhận ra một Thiên Chúa là Cha của tất cả mọi người.

Thế nhưng, tình yêu không chỉ dừng lại ở đó, bởi Đức Giêsu Kitô, Ngài đã chết nhưng chính Ngài cũng đã sống lại và bước vào vinh quang Thiên Chúa, mở đường cho những ai Tin cũng được bước vào sự sống bất diệt trong Thiên Chúa.[3] Thật vậy, Đức Giêsu đã khẳng định: “Thầy là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống” (Ga 4, 6). Ngài đến thế gian để nói cho nhân loại biết về Chúa Cha và tình yêu phụ tử Thiên Chúa dành cho nhân loại: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã tặng ban Con Một” (Ga 3, 16). Bởi đó, những ai tin vào Đức Giêsu Kitô thì không chỉ chúng ta xây dựng một cuộc sống đầy Chúa, đầy tình yêu ngay trong thực tại của kiếp người. Nhưng chúng ta còn được mạng lấy một niềm hi vọng vĩnh cửu, niềm hi vọng không làm chúng ta thất vọng (x.Rm 5, 5). Bởi chính Đức Giêsu Kitô đã hứa: “Ai sống mà tin vào Thầy thì sẽ không bao giờ phải chết” (Ga 5, 26). Niềm hi vọng đó đã được Đức Giêsu Kitô phục sinh tỏ bày một cách chắc chắn cho các môn đệ và chính các ngài là những người đặt niềm hi vọng một cách xác tín vững vàng vào Chúa, để chính các ngài đã rao giảng Lời Chân Lý và lấy mạng sống minh chứng về một sự sống vĩnh cửu bất diệt trong Thiên Chúa.[4]

Với nền móng là các Tông đồ, Giáo hội Công giáo được Chúa Kitô thiết lập gần 2000 năm qua vẫn cần mẫn, miệt mài, rong ruỗi rao giảng Lời Chúa – Lời Chân lý, Lời có sức cứu độ con người.[5] Thật vậy, Giáo hội trong ngần ấy thời gian đã không chỉ loan báo Tin mừng cho nhân loại, nhưng Giáo hội đã sống, đã làm chứng và cảm nếm được niềm hi vọng vĩnh cửu trong Thiên Chúa. Điều đó đã được cụ thể hóa qua sự trường tồn của Giáo hội trong thời gian, qua gương sống anh dũng của vô số các vị thánh tử đạo, là những người đã can đảm hi sinh mạng sống vì đặt hi vọng chắc chắn vào sự sống vĩnh cửu trong Chúa Kitô. Cùng với đó, Giáo hội đã có rất nhiều vị thánh tiến sĩ, thánh hiển tu, thánh đồng trinh. Chúng ta có thể điểm qua một số gương mặt điển hình: Thánh Augustinô vào thế kỷ IV, một vị thánh tiến sĩ trong Giáo hội và cũng là một nhân vật nổi bật trong nền minh triết thế giới; thánh nữ Elizabeth Hunggari, một vị thánh sống ơn gọi gia đình đã suốt đời tận tụy lo việc bác ái; thánh Gioan Boscô, đã dành suốt cuộc đời để giáo dục giới trẻ; thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu, một vị thánh của tình yêu thẳm sâu dành cho Thiên Chúa; thánh Gioan Phaolô đệ nhị, một vị Giáo hoàng đã dành suốt cuộc đời tận tụy lo cho Giáo hội lên tiếng cho công lý, hòa bình và tình huynh đệ; đó là thánh Carlô Acutis, một vị thánh trẻ thời hiện đại với câu nói nổi tiếng: “Thánh thể là con đường ngắn nhất dẫn đến Thiên Đàng”.[6] Hay đấng đáng kính Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận một cuộc đời tù đày nhưng đầy hân hoan và lòng can đảm đặt trọn niềm tín thác vào Chúa. Và vẫn còn đó vô số các vị thánh vô danh khác của Giáo hội Công giáo mà họ chưa được tuyên dương. Tất cả những vị thánh ấy đã cảm hóa thế giới bằng chính sự tận tụy phục vụ, bằng sự hi sinh chia sẻ, bằng tình yêu của sự trao ban, bằng lòng can đảm quả cảm làm chứng cho công lý, cho hòa bình, cho tình yêu và trên hết bằng lời cầu nguyện đặt trọn niềm hi vọng trong Thiên Chúa. Chính các ngài đã loan báo Niềm Hi Vọng đó cho nhân loại để tất cả cùng tiến bước vào Vương Quốc vĩnh cửu trong Chúa Giêsu Kitô.

Để tóm kết, chúng ta nhắc lại lời của tác giả thư Do Thái: “Chúng ta hãy tiếp tục tuyên xưng niềm hy vọng của chúng ta cách vững vàng, vì Đấng đã hứa là Đấng trung tín” (Dt 10, 23). Quả vậy, hơn lúc nào hết, ngày nay bức tranh toàn cảnh về nhân loại đang có những biến động, xáo trộn và hỗn loạn, gây ra biết bao đứt gãy đổ vỡ trong tương quan giữa con người với chính mình, giữa con người với thụ tạo, giữa con người với Thiên Chúa. Từ đó khiến cho con người quay quắt trong những tham vọng mau qua chóng tàn của thế gian, đẩy họ đến sự xung đột trên bình diện xã hội mà xuất phát của nó là những tham vọng vô biên trong cõi lòng. Chính vì thế, giữa sự nghiệt ngã của những bế tắc không lối thoát ấy, thiết nghĩ con người ngày nay cần phải tìm về với Thiên Chúa, Đấng là tình yêu, chính Ngài sẽ cảm hóa cõi lòng nhân sinh, giúp con người nhận diện khuôn mặt đích thực của chính mình và của tha nhân trong Thiên Chúa là Cha Toàn Năng. Để rồi từ đó, chúng ta cùng nắm tay nhau tiến vào Nước Trời bất tận, là quê hương vĩnh cửu muôn đời của nhân loại, như lời của vị thánh tiến sĩ Têrêxa Avila: “Trông cậy đi, hồn tôi hỡi, hãy trông cậy! Ngươi không biết ngày nào và giờ nào. Hãy chuyên cần tỉnh thức, vì mọi sự qua đi nhanh chóng, mặc dầu vì quá nóng lòng nên ngươi hoài nghi điều chắc chắn và cảm thấy khoảng thời gian vắn vỏi lại quá dài. Hãy nhớ rằng, ngươi càng chiến đấu, càng chứng tỏ tình yêu của ngươi đối với Thiên Chúa, và một ngày kia, ngươi sẽ càng vui sướng hơn với Đấng lòng ngươi yêu mến, trong niềm hạnh phúc và say mê bất tận”.[7]

Đỗ Nhiên

—————————-

[1] Lm.Ngô Tường Dzũng, Tự Thuật của Thánh Augustinô, https://suyniemhangngay.net. Truy cập ngày 24 tháng 4 năm 2025.

[2] Tiến dâng cho Chúa, https://vntaiwan.catholic.org.tw. Truy cập, ngày 20 tháng 4 năm 2025.

[3] Gm. Phêrô Nguyễn Văn Viên, Đức Giêsu Kitô – Đường Sự Sống, https://hdgmvietnam.com. Truy cập, ngày 22 tháng 4 năm 2025.

[4] Lm. Trần Mạnh Hùng, Tính thánh thiêng của sự sống, https://gphaiphong.org. Truy cập, ngày 20 tháng 4 năm 2025.

[5] Giáo phận Vĩnh Long, Lời Chúa là Lời Cứu Độ, http://ggiaophanvinhlong.net. Truy cập, ngày 20 tháng 4 năm 2025.

[6] Chân Phước Carlo Acutis, Thánh Thể là con đường cao tốc dẫn tới Thiên Đàng, http://www.giaophanhunghoa.org. Truy cập, ngày 21 tháng 4 năm 2025.

[7] Thánh Têrêsa Avila, Exclamaciones del alma a Dios, 15, 3: Biblioteca Mística Carmelitana, v. 4 (Burgos 1917) 290.

Có thể bạn quan tâm