Hãy tập chết mỗi ngày (Một chút suy tư về Phó tế và con đường phục vụ)

2107 lượt xem

HÃY TẬP CHẾT MỖI NGÀY
(Một chút suy tư về PHÓ TẾ VÀ CON ĐƯỜNG PHỤC VỤ)

Trong những tháng đầu của năm Canh Tý (2020), cả thế giới lao đao về cơn đại dịch Covid-19. Đâu đâu, từ Á sang Âu, từ Bắc Mỹ tới Nam Mỹ, từ những quốc gia giàu có, văn minh hàng đầu như Nhật, Đức, Mỹ, Ý, Nga, Tàu… đến những nước nghèo đang phát triển như Philippines, Indonesia… đều chật vật, khốn đốn với con virus Corona bất trị và cũng rất bí hiểm.

Tuy nhiên, ở giữa cơn đại dịch với bao cảnh tang tóc, chết chóc, thất vọng… thế giới vẫn còn loé lên đây đó những gương mặt thánh thiện, những hành vi can đảm, những nghĩa cử nhân văn, những mẫu gương phục vụ…đã làm cho nhiều người ấm lòng và mang lại niềm hy vọng cho thế giới. Đó là những con người hy sinh và can đảm phục vụ cho tới chết như bác sĩ Lý Văn Lượng ở Vũ Hán; như các bạn trẻ Băng Trịnh, Giulia ở Đức, dùng những tờ giấy nhỏ dán ở chung cư để sẵn sàng phục vụ những người già yếu, ngheo đơn…[1].

Riêng trong môi trường hoạt động mục vụ của Giáo Hội Công Giáo, giai đoạn thương đau của mùa đại dịch nầy cũng là thời khắc để mọi thành phần của Giáo Hội làm chứng về căn cước Kitô hữu của mình: các nữ tu phục vụ âm thầm trong các bệnh viện, các linh mục tuổi già sức yếu trung thành với công tác mục vụ chăm sóc bệnh nhân hay những nhân viên, y bác sĩ quây quần cầu nguyện rồi ra đi “đối đầu” với những đe doạ, thách đố của lây nhiễm hay chết chóc…

Chúng ta cũng đừng quên, một huấn dụ quan trọng đi kèm với một “dấu chỉ” đã trở thành như “bí tích” mà Chúa Giêsu đã ân cần trao cho các môn sinh trong “Giờ phút cao điểm thiết lập bí tích Thánh Thể và chức linh mục vào ngày thứ năm trước khi chịu nạn”, đó là “bài học Rửa Chân”: “Vậy, nếu Thầy là Thầy, là Chúa, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau” (Ga 13,13).

Nếu ơn gọi và cũng là căn tính của chức Phó tế chính là phục vụ, là “rửa chân cho anh chị em mình”, thì phải phục vụ, phải “rửa chân” thế nào đây?

I. Một thoáng về ý nghĩa “PHỤC VỤ”

1. Phục vụ trong quan niệm chung:

Chúng ta có thể mượn cách cắt nghĩa của linh mục Aug. Trần Cao Khải để tóm tắt ý nghĩa của “phục vụ”: “Phục vụ là sử dụng khả năng, sức lực, tài khéo của mình để làm những công việc vì lợi ích chung hay giúp đỡ người khác thông qua những việc thiết thực nhờ đó con người và cuộc sống của họ được thăng tiến mọi mặt. Nói cách nôm na, phục vụ là giúp đỡ, là làm đầy tớ, là bạn đồng hành chăm lo người khác và quan tâm đến những nhu cầu thiết thực của họ. Ta có thể thấy, trong gia đình ông bà cha mẹ phục vụ con cháu, anh chị em phục vụ lẫn nhau, con cháu phụng dưỡng ông bà cha mẹ. Ngoài xã hội, mỗi người là một thành phần đóng góp công sức phục vụ nhân quần xã hội. Trong Hội thánh, trong cộng đoàn lớn nhỏ, mỗi người là một chi thể sống và làm việc vì lợi ích cho tập thể.

Vậy thì ai cũng là một người phục vụ. Nhưng để trở thành người phục vụ tốt, gương mẫu, xứng đáng thì chúng ta cần hội đủ một số đức tính căn bản, chẳng hạn như khiêm tốn, quảng đại, tế nhị, tận tâm và hy sinh quên mình.”[2]

2. Phục vụ và chức Phó tế của Hội Thánh

Trong sách “TỰ ĐIỂN CÔNG GIÁO” của Uỷ Ban Giáo Lý Đức tin thuộc HĐGMVN xuất bản năm 2016, mục từ Phó Tế được định nghĩa như sau:

Phó tế, tiếng Hy Lạp (Diakonos), có nghĩa là người phục vụ. Phó tế là người đã được giám mục đặt tay trao ban thừa tác vụ thánh để cộng tác với giám mục và linh mục trong việc phục vụ Dân Chúa (x. LG 29). Thừa tác vụ phó tế bắt nguồn từ việc Nhóm Mười Hai truyền chọn bảy người “được tiếng tốt, đầy Thần Khí và khôn ngoan” để đặt tay cầu nguyện và giao cho họ phục vụ việc ăn uống của các tín hữu, đặc biệt là các “bà goá Do Thái theo văn hoá Hy Lạp”. Việc làm của họ giúp các Tông Đồ có thời gian để “chuyên lo cầu nguyện và phục vụ Lời Thiên Chúa” (x. Cv 6,2-6)[3]

Trong khi đó, chúng ta gặp từ “phục vụ” được lặp đi lặp lại nhiều lần trong nghi thức phụng vụ truyền chức phó tế:[4]

– Trong Lời nguyện nhập lễ: “Lạy Chúa, Chúa đã dạy các thừa tác viên của Hội Thánh Chúa đừng muốn được phục vụ nhưng phải phục vụ anh em; chúng con nài xin Chúa cho các tôi tớ Chúa đây mà hôm nay được Chúa thương chọn lên chức Phó tế, biết khôn ngoan trong hành động, kiên trì trong cầu nguyện và hiền lành trong phục vụ…”

– Trong lời huấn dụ phần nói với cộng đoàn: “…Nhờ ơn Chúa, họ làm những công việc ấy, để anh chị em biết rằng họ thật sự là môn đệ của Đấng không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ.”

– Trong lời huấn dụ phần nói với các tiến chức phó tế: “Các con thân mến, các con sắp lên chức Phó Tế. Chúa đã nêu gương để các con làm theo như Người đã làm. Vậy, Phó Tế là những thừa tác viên của Đức Giêsu Kitô, Đấng ở giữa các môn đệ như người phục vụ, các con hết lòng làm theo ý Thiên Chúa trong lòng mến, các con hân hoan phục vụ Chúa thế nào thì hãy hân hoan phục vụ người ta thế ấy…”

– Trong Lời nguyện Phong chức: “…Lạy Cha, chúng con xin Cha sai Chúa Thánh Thần xuống trên các thầy, để nhờ Người, các thầy được bảy ơn Cha thêm sức, sẽ trung thành thi hành thừa tác phục vụ…”

II. Nhân đức riêng của người phục vụ: Khiêm nhường

Trong Tin Mừng có một “câu chuyện” liên quan đến chuyên đề “PHỤC VỤ” rất hay mà có lẽ không người Kitô hữu nào lại không biết đến. Tin Mừng Matthêô tường thuật câu chuyện đó như sau:

Bấy giờ bà mẹ của các con ông Dêbêđê đến gặp Đức Giêsu, có các con bà đi theo; bà bái lạy và kêu xin Người một điều. Người hỏi bà: “Bà muốn gì? ” Bà thưa: “Xin Thầy truyền cho hai con tôi đây, một người ngồi bên hữu, một người bên tả Thầy trong Nước Thầy.” Đức Giêsu bảo: “Các người không biết các người xin gì! Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không?” Họ đáp: “Thưa uống nổi.” Đức Giêsu bảo: “Chén của Thầy, các người sẽ uống; còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Cha Thầy đã chuẩn bị cho ai, thì kẻ ấy mới được.” Nghe vậy, mười môn đệ kia tức tối với hai anh em đó. Nhưng Đức Giêsu gọi các ông lại và nói: “Anh em biết: thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em. Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người.” (Mt 20,20-28)

Chúng ta dễ dàng nhận ra “điểm nhấn giáo huấn” của Đức Kitô dành cho các Tông Đồ, những người được chọn gọi tiếp nối Ngài trong sứ mệnh phục vụ đó là phải khiêm tốn tự hạ, phải uốn mình trở nên “những người đầy tớ anh em”.

Qua đó, chúng ta có thể xác quyết rằng: nhân đức căn bản của người phục vụ đó chính là KHIÊM NHƯỜNG.

1. Soi vào gương khiêm nhường của Đức Kitô

1.1. Đức Kitô khiêm nhường trong mầu nhiệm nhập thể

Để giúp suy niệm về sự khiêm nhường của Đức Kitô trong mầu nhiệm Nhập Thể, có lẽ đoạn thư của Thánh Phaolô sau đây là một gợi ý thích hợp:

“Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân giống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự”. (Pl 2, 6-8).

– Đức Kitô khiêm nhường khi tự xoá mình đi: Là Thiên Chúa, Ngài đã “hạ cố” thẳm sâu, đã đi xuống hết cỡ: “làm người và ở cùng chúng ta” (Ga 1, 14). Một sự trút bỏ kỳ diệu, một sự xoá mình lạ lùng. Huyền nhiệm nầy chúng ta không thể lý giải bằng lý trí. Mà thực vậy, “con tim có những lý do mà lý trí không sao hiểu nổi”. Vâng, sự khiêm hạ thẳm sâu đó chỉ có thể cắt nghĩa bằng tình yêu và thực hiện với tình yêu.

Học sự khiêm nhường của Đức Kitô trong khía cạnh nầy đó là từng ngày hạ mình xuống, xoá mình đi, xem cái tôi, xem địa vị là “nhỏ rức”. Thực hiện việc “hạ mình” như thế quả không dễ đối với bản tính hư hèn chuộng cái “danh”, cái “lợi”, cái tăm tiếng, cái sĩ diện hảo của “nòi con cháu Adong”. Miệng thế gian đã chẳng nói rằng: “Ninh thọ tử bất ninh thọ nhục” (thà chết chẳng thà chịu nhục). Hay “Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp”.

Như thế, khi chúng ta bị xúc phạm, bị lăng nhục, bị xem thường, bị kết án, bị phán đoán, đánh giá sai…hãy nhớ ngay đến “Đức Kitô đã trút bỏ vinh quang…”.

– Đức Kitô khiêm nhường khi “mặc thân nô lệ, nên giống phàm nhân”: Trút bỏ, hạ cố, xoá mình để dấn thân vào một “sự hiện hữu mới”, một môi trường mới, một vị trí mới nhỏ nhất, thấp nhất. Noi gương Đức Kitô khiêm nhường đó là biết từng ngày dấn thân đón nhận cái phận hèn, cái tăm tối, cái bị lãng quên, cái không ai chuộng. Đây lại cũng là một điều khó. Vì thường tình, ai mà không thích chọn cho mình một chỗ tốt, một địa vị khá, một môi trường làm việc, sinh sống đàng hoàng, một công việc có giá trị, một sự công nhận về giá trị bản thân. Chọn lựa Đức Kitô khiêm hạ là bình thản theo Ngài trong tự do và yêu thương, trong vui tươi và hạnh phúc trên mọi nẻo đường của hy sinh, tăm tối, thấp hèn, nhỏ bé.

1.2. Đức Kitô khiêm nhường trong cung cách ứng xử với tha nhân

– Chấp nhận làm “một người phục vụ”:

“Bởi lẽ giữa người ngồi ăn với kẻ phục vụ, ai lớn hơn ai ? Hẳn là người ngồi ăn chứ? Thế mà, Thầy đây, Thầy sống giữa anh em như một người phục vụ” (Lc 22, 27; Ga 13, 1-15).

– Không phân biệt đối xử: Người thu thuế, gái điếm, kẻ phung cùi, biệt phái, đàn bà, con nít…tất cả đều có thể đối diện, gặp gỡ, rờ đụng, ăn uống với Chúa Kitô.

– Quan tâm đặc biệt những người nghèo: Cái tính “cách mạng và triệt để” của nhân cách và sứ điệp của Đức Kitô phải chăng đó là sự quan tâm đặc biệt đối với những người nghèo (về cả hai phương diện: thể xác cũng như tinh thần), những người bị loại trừ, những kẻ thấp cổ bé miệng, những người bị ruồng bỏ, kết án.

Sống sự khiêm nhường của Đức Kitô trong cách ứng xử với tha nhân đó chính là biết mở lòng đón nhận mọi người, không trừ ai, không định kiến lựa chọn, nhưng tìm thấy mọi người trong trái tim yêu thương và lòng kính trọng ; đó chính là biết quan tâm đặc biệt đến những phần tử nhỏ bé, ít ỏi, bị thiệt thòi, bịnh hoạn, ít học, không có những đặc điểm (nhan sắc, trí khôn, gia cảnh…) đang hiện diện trong cộng đoàn và chung quanh ta ; đó cũng chính là sẵn sàng cúi xuống để phục vụ, sẵn sàng đảm nhận mọi công tác, nhiệm vụ thấp hèn, tăm tối.

1.3. Đức Kitô khiêm hạ trong cuộc khổ nạn

Cuộc khổ nạn của Đức Kitô phải chăng là “điểm đến” cuối cùng của sự tự hạ, của cuộc hạ cố: “Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự”. (Pl 2, 8). Chiêm ngưỡng cuộc khổ nạn, nhìn lên Thập giá của Đức Kitô chúng ta dễ nhận ra bao nhiêu bài học của sự tự khiêm tự hạ. Sống sự khiêm hạ của Đức Kitô trong mầu nhiệm nầy đó chính là mỗi ngày can đảm đón nhận mọi chén đắng của khổ đau trong tâm hồn và thể xác, những tủi cực của bịnh hoạn tật nguyền riêng ta hay của mọi người chung quanh, những hiểu lầm, bị kết án bất công, những giới hạn trong khả năng, những thua thiệt trong quyền lợi, cả những tính hư tật xấu của mình hay của những người khác.

Ngày hôm nay, sự tự hạ của Đức Kitô vẫn còn đang tiếp diễn mỗi ngày qua “Thân Thể mầu nhiệm của Ngài” là Hội Thánh, qua “Nhiệm tích Thánh Thể”, qua những người nghèo khắp nơi trên thế giới. Đặc biệt, nhờ sự tự hạ trong bí tích Thánh Thể của Đức Kitô mà chúng ta nhận được lương thực trường sinh ; nhờ sự xoá mình kỳ diệu nầy, Đức Kitô đã trở nên “tấm bánh được bẻ ra” để nhân loại được trao phần sự sống vĩnh cửu. Chỉ khi nào chúng ta cảm nhận sâu xa cái bé bỏng, giới hạn, tầm thường của thân phận mình trước tình yêu bao la và quyền năng vô cùng của Thiên Chúa để rồi biết xoá mình và yêu thương phục vụ như Ngài chúng ta mới có thể thanh thản hát lên cùng với Đức Ma-ri-a, Người Đầy tớ khiêm hạ của Thiên Chúa, bài Magnificat:

“Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa,            

thần trí tôi hớn hở vui mừng …” (Lc 1, 46-55).

(Đọc thêm: Tầm quan trọng của đức Khiêm Nhường trong bài viết Đức Khiêm Nhường của Lm. Giuse Nguyễn Ngọc Tuyên)[5]

2. Vài đề nghị thực hành sống đức khiêm nhường

2.1. Chấp nhận “sự thật của chính mình”

– Chấp nhận sự thật của chính mình và sống trung thực.

– Đón nhận những khả năng, ơn lành…với tâm tình tạ ơn, trông cậy.

– Chấp nhận khuyết điểm, yếu hèn…với trái tim khiêm hạ, phó thác.[6]

2.2. Coi nhẹ “cái tôi”

– Phục vụ không để “được ưa thích”.

– Phục vụ không để “làm nổi cái tôi”.

– Phục vụ không cần được đền đáp.[7]

Kết: Để sống và phục vụ cách khiêm nhường hãy tập “chết” mỗi ngày

Vâng, đây là lời khuyên của vị linh mục khôn ngoan, lão thành trong một tu viện dành cho một tu sĩ trẻ của câu chuyện được kể bởi cha Giuse Nguyễn Ngọc Tuyên trong bài khảo luận mang tên “Đức Khiêm Nhường”:

– Tốt lắm! Vậy thì, con hãy sống như thầy An-tôn đang nằm dưới nấm mồ ấy. Hãy sống như một người đang chết, con hãy coi như mình đã chết, bởi vì người chết sẽ không còn biết phản ứng gì trước những lời tâng bốc khen ngợi hay lăng mạ mắng chửi. Khi con xem mình như kẻ đã chết, con sẽ tìm được bình an vô tận. Con sẽ từ bỏ được chính bản thân con.[8]

Lm. Giuse Trương Đình Hiền

——————————————–

[1] NGỌC DIỆP – BẢO ANH Bài viết: Dịch Covid-19 và những câu chuyện sẻ chia ấm lòng. Nguồn: https://tuoitre.vn/dich-covid-19-va-nhung-cau-chuyen-se-chia-am-long-20200318104636004.htm
[2] AUG. TRẦN CAO KHẢI. Bài viết: Những đức tính căn bản của người phục vụ. Nguồn: trang web của HĐGMVN: https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/nhung-duc-tinh-can-ban-cua-nguoi-phuc-vu-39539
[3] SĐD tr. 684
[4] TGM. QUI NHƠN, Một số Nghi Thức Thánh Lễ. Nghi Thức Phong chức Phó Tế, tr. 52-60.
[5] “…Trong kinh Cải Tội Bảy Mối Có Bảy Đức thì Đức “Khiêm Nhường” được nhắc tới đầu tiên để đối lại với cái mối tội đầu tiên là “kiêu ngạo”. Trong Hai Mươi Mầu Nhiệm Kinh Mân Côi thì ngay nơi Mầu Nhiệm Thứ Nhất (mầu nhiệm thứ nhất Mùa Vui), Giáo hội dạy chúng ta xin cho được ở khiêm nhường. Chúa hằng rộng lượng ban các ơn lành cho kẻ khiêm nhường kêu xin Người, nhưng lại khước từ lời cầu xin của kẻ kiêu căng, tự phụ. Dụ ngôn người biệt phái và người thu thuế lên đền thờ cầu nguyện cho thấy điều này. Người thu thuế khiêm nhường được Chúa tha thứ tội lỗi và trở nên công chính còn người biệt phái thì không. Người khiêm nhường còn được phúc hiểu biết mầu nhiệm Nước Trời, như lời nguyện của Chúa Giê-su: “Lạy Cha là Chúa tể trời đất, Con ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho những người hiền triết khôn ngoan biết mầu nhiệm Nước Trời, nhưng lại mạc khải những điều ấy cho kẻ bé mọn”.(Mt 11,25). Thánh Phê-rô và thánh Gia-cô-bê cùng đã quả quyết: “Chúa chống lại kẻ kiêu căng và ban ơn cho người khiêm nhường” (1Pr 5,5 ; Gac 4,6). Sống khiêm nhường rất có lợi vì ta có thể học hỏi mọi thứ từ bất kì ai, bất cứ nơi nào, bất cứ lúc nào. Vua Salomon, một người khôn ngoan và thông thái tuyệt vời đã nói: “Sự kiêu hãnh đi liền với ô nhục, còn khôn ngoan ở với kẻ khiêm nhường” (Cn 1,2) (…) Thánh Augustin quả quyết: “Không gì cao trọng bằng đức kính mến, nhưng duy chỉ có Đức Khiêm nhường mới duy trì được đức kính mến”. Ngài còn nhắn nhủ: Bạn muốn lên cao ư? Bạn hãy bắt đầu bằng sự tự hạ thẳm sâu. Bạn muốn xây cất một tòa nhà chọc trời ư? Bạn hãy thiết lập nó trên nền tảng của Đức Khiêm Nhường. Nhà càng cao, nền móng càng phải đào sâu và vững chắc”.
[6] LM. GIUSE NGUYỄN NGỌC TUYÊN. Bài viết: Đức Khiêm Nhường. Nguồn: trang mạng giáo phận Bùi Chu: http://gpbuichu.org/news/Suy-tu/Duc-Khiem-Nhuong-3374.html: “Khiêm nhường là nhân đức giúp ta chấp nhận sự thật về chính mình và sống đúng với thân phận thụ tạo. Điều rất căn bản mà những người khiêm nhường xác tín: “tất cả những gì mình có hoặc hay hơn người khác, là ơn Chúa ban, chứ tự mình thì chẳng có gì và còn kém hơn những người khác, để biết cảm tạ và tin cậy nơi Chúa”. Khiêm nhường là chấp nhận mình như “mình là”. Chấp nhận điều tốt mình có, để tạ ơn Chúa; chấp nhận điều xấu như mình là, để phấn đấu khắc phục, không buồn phiền, không dằn vặt, không oán trách hay ca thán con người hay Thiên Chúa. Nếu mình có gì hay, và có thể hay hơn người khác, hãy nhận thực rằng, nhờ ơn Chúa mà mình có được điều đó. Nếu nhờ ơn Chúa mà mình có được như vậy, thì đâu có gì để vênh vang tự hào!”
[7] AUG. TRẦN CAO KHẢI. Bài viết: Những đức tính căn bản của người phục vụ. Nguồn: trang web của HĐGMVN: https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/nhung-duc-tinh-can-ban-cua-nguoi-phuc-vu-39539: “ĐGM Bùi Tuần, trong tuyển tập “Hành trình Phục sinh” đã viết như sau: “Người phục vụ là người thường được ưa thích. Nhưng đừng quên điều này: Phục vụ mà kiêu căng sẽ không là phục vụ của người môn đệ Đức Kitô. Phục vụ với lòng tự cao tự đại là một xúc phạm. Phục vụ mà tưởng rằng chỉ là cho đi mà không là nhận lãnh cũng là một sai lầm. Phục vụ mà cho rằng chỉ có mình là đúng, là tốt, là cần, sẽ là một thảm họa. Nhưng phục vụ với một dáng vẻ khiêm nhường câu nệ hình thức cũng rất xa lạ với Phúc Âm…”. Thực vậy, Chúa Giêsu luôn là tấm gương khiêm nhường phục vụ cho tất cả chúng ta. “Là những người được kêu gọi tiếp nối sự phục vụ cứu độ của Đức Giêsu, chúng ta cũng tiếp nối tính cách ‘tự hủy’ của Người trong suốt cuộc đời mình. Một sự phục vụ đích thực không thể phục vụ từ trên, nhưng là sự phục vụ từ dưới, như một người tôi tớ. Vì thế, đừng quan trọng hóa bản thân mình, đừng coi mình hơn người khác hoặc muốn ngang hàng với người khác, ‘đừng cho mình là khôn ngoan’, ‘đừng tự cao tự đại, nhưng ham thích những gì hèn mọn’ (Rm 12, 16). Hãy tập sống âm thầm, quên mình, nhận lấy thân phận thấp hèn, “coi người khác trọng hơn mình”. Từ bỏ như vậy không làm mình giảm giá, nhưng là trở nên sáng giá theo ước muốn của Đức Kitô. Chỉ khi ta hạ mình xuống, người khác mới được nâng lên; chỉ khi ta chịu nhỏ xuống, người khác mới có thể lớn lên; chỉ khi ta thành người nghèo khó, người khác mới trở nên giàu có; chỉ khi ta chấp nhận bị khinh khi, người khác mới được tôn trọng; chỉ khi ta chịu kém cỏi, người khác mới được khôn ngoan”.
[8] LM. GIUSE NGUYỄN NGỌC TUYÊN. Bài viết: Đức Khiêm Nhường. Nguồn: trang mạng giáo phận Bùi Chu: http://gpbuichu.org/news/Suy-tu/Duc-Khiem-Nhuong-3374.html: Số là có một tập sinh hằng ngày ước ao luyện tập đức khiêm nhường, nhưng không biết làm thế nào cho phải cách. Thầy đến hỏi một vị linh mục khôn ngoan lão thành trong dòng về cách thức tập luyện đức khiêm nhường. Thầy nài xin cha chỉ giáo cách từ bỏ cái tôi tự ái. Vị linh mục thánh thiện hỏi:
– Này con, con có hứa sẽ tuyệt đối vâng lời cha hay không? Nếu con vâng lời, cha sẽ dạy cho con biết thế nào là từ bỏ chính mình.
Thầy đáp:
– Thưa cha, con xin hứa vâng lời cha tuyệt đối.
– Thế thì tối nay con hãy làm một việc này cho cha.
– Vâng thưa cha, bất cứ điều gì cha dạy bảo, con cũng sẽ cố gắng làm hết sức.
– Này con, đằng sau tu viện của chúng ta có một cái nghĩa địa. Tuần vừa qua, thầy An-tôn dòng chúng ta được Chúa gọi về, vừa mới được chôn cất ở đó.
Đêm nay, con hãy ra ngoài đất thánh đến quỳ trước mộ thầy, suy niệm về cái chết. Con hãy làm như thế này: trong lúc suy niệm về cái chết của thầy An-tôn, con hãy nhớ lại mọi điều tốt lành nhất của thầy để khen ngợi. Con hãy khen ngợi thầy trước nấm mộ ấy. Đến khi nào con không còn lời để khen, con hãy tưởng tượng ra những điều hay điều tốt mà thầy không có để ca tụng thầy. Cha cho phép con tâng bốc, kể cả nịnh hót thầy nữa. Xong sáng mai, con hãy trở lại gặp cha.
-Vâng, thưa cha, con sẽ làm theo ý cha.
Tối hôm ấy, thầy tập sinh vâng lời bề trên ra ngoài nghĩa địa quỳ trước nấm mộ của thầy An-tôn quá cố, suy niệm về cái chết. Thầy làm y như lời của cha linh hướng. Tìm mọi lời hay ý đẹp, kiếm những gương lành gương sáng của thầy An-tôn mà khen ngợi. Cuối cùng, không còn tìm được lời khen, thầy bịa đặt ra những điều hay điều tốt mà thầy An-tôn không có để tâng bốc. Đêm tàn, bình minh đến, người tập sinh trở về lại tu viện, đến trình diện cha linh hướng. Lúc ấy, cha hỏi:
– Này con, đêm qua con có làm theo lời cha chỉ bảo không?
Thầy đáp:
– Vâng, thưa cha, con đã làm y như lời cha chỉ dạy. Con đã tìm tất cả những điều hay nhất, tốt nhất của thầy An-tôn để mà ca tụng thầy. Rồi đến khi hết những điều hay để nói thì con đã bịa đặt ra những gương lành gương sáng thầy không có để khen ngợi thầy.
– Thế thì con tâng bốc ca tụng thầy An-tôn, con thấy thầy có phản ứng gì không? Thầy có vui mừng thích chí không? Hay thầy có nói gì không con?
– Thưa cha, phản ứng làm sao được? Thầy An-tôn đã chết rồi mà!
– Tốt lắm! Vậy con hãy làm theo ý cha một lần nữa. Đêm nay, con hãy trở lại nghĩa địa, đến trước nấm mộ thầy mà suy niệm về cái chết. Nhưng lần này con hãy nhớ lại những điều xấu xa tồi tệ nhất của thầy. Con hãy cho thầy An-tôn biết những điều con ghê tởm, gớm ghét nhất về thầy. Nếu con không tìm ra những điều xấu về thầy, con hãy dùng trí tưởng tượng mà bày ra những chuyện xấu xa của thầy mà nói với thầy. Thậm chí, cha cho phép con nguyền rủa thầy!
Thế rồi, đêm hôm ấy, người tập sinh trẻ lại ra thăm mộ thầy An-tôn một lần nữa. Lần này, trong khi suy niệm về cái chết, thay vì nói những điều tốt lành của thầy An-tôn, người tập sinh kia lại suy về những tội lỗi, những điều tồi tệ của thầy. Rồi buông lời mắng chửi thậm tệ. Đến khi hết lời chửi mắng, người tập sinh kia phải phịa ra những điều xấu xa tội lỗi nhất để mà nguyền rủa thầy. Suốt cả đêm mặc sức mà mạt sát chửi rủa cho đến tảng sáng. Tiếng gà vừa gáy, người tập sinh chỗi dậy trở về nhà dòng tìm gặp cha linh hướng trình bày đầu đuôi sự việc. Thấy thầy, cha linh hướng hỏi:
– Này con, đêm qua con có làm theo lời cha chỉ bảo không?
Người tập sinh đáp:
– Vâng, thưa cha, con đã làm y như lời cha chỉ dạy. Con đã tìm những lời độc địa xấu xa nhất thiên hạ để hạ nhục thầy An-tôn trước nấm mộ của thầy. Con còn bịa thêm nhiều chuyện để mắng nhiếc thầy như cha đã dạy con.
– Thế thì khi nghe con buông lời mắng nhiếc, thầy An-tôn có phản ứng gì không con? Thầy có buồn, có giận không con? Hay thầy có nói gì không?
– Thưa cha, làm sao thầy An-tôn buồn giận mà đáp lại được? Thầy ấy đã chết rồi mà!
– Tốt lắm! Vậy thì, con hãy sống như thầy An-tôn đang nằm dưới nấm mồ ấy. Hãy sống như một người đang chết, con hãy coi như mình đã chết, bởi vì người chết sẽ không còn biết phản ứng gì trước những lời tâng bốc khen ngợi hay lăng mạ mắng chửi. Khi con xem mình như kẻ đã chết, con sẽ tìm được bình an vô tận. Con sẽ từ bỏ được chính bản thân con.

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận